SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN
NĂM B (28/7/2024)
[2 V 4,42-44; Ep 4,1-6;
Ga 6,1-15]
I. DẪN VÀO PHỤNG
VỤ
Câu chuyện Chúa Giêsu đã
biến 5 chiếc bánh và 2 con cá ra nhiều để nuôi 5-6 ngàn người trong Tin Mừng
Gioan, cùng lúc cho chúng ta thấy quyền năng và tình
thương của Thiên Chúa Ngôi Lời làm người giữa thế nhân.
Quyền năng vì Người đã dùng quyền phép của Thiên Chúa Tạo Dựng
mà làm cho bánh và cá hóa nhiều, thật nhiều…
Tình thương vì Người đã không để dân chúng phải đói khát khi chăm
chú lắng nghe Lời Người....
Bài học này muôn đời còn
đó, để Hội Thánh Chúa và các Kitô hữu luôn ghi nhớ trong đời sống cá nhân của
mình và trong cách xây dựng cộng đoàn yêu thương, đoàn kết giữa những người
cùng nghe Lời giảng dậy, cùng ăn bánh và cá do phép lạ của Chúa Giêsu.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG
BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (2 V
4,42-44): "Họ ăn xong mà hãy còn dư" Trong những ngày ấy, có một người từ Baal-salisa mang đến
dâng cho Êlisê, người của Thiên Chúa, bánh đầu mùa, hai mươi chiếc bánh mạch
nha và lúa mì đầu mùa. Người của Thiên Chúa liền nói: "Xin dọn cho dân
chúng ăn". Đầy tớ của người trả lời: "Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm
người ăn sao?" Nhưng người ra lệnh: "Cứ dọn cho dân chúng ăn, vì Chúa
phán như sau: 'Người ta ăn rồi mà sẽ còn dư'". Đoạn người dọn cho họ ăn mà
còn dư đúng như lời Chúa phán.
2.2 Trong bài đọc 2 (Ep
4,1-6): "Chỉ có một thân thể, một Chúa, một đức tin và một phép
rửa" Anh em thân mến, tôi là
tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em
đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng
nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận
làm dây ràng buộc.
Chỉ có một thân thể và
một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ
có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi
người, Đấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi
người.
2.3 Trong bài Tin Mừng
(Ga 6,1-15): "Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu
tuỳ thích" Khi ấy, Chúa Giêsu đi
sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo
Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu
lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần
tới.
Chúa Giêsu ngước mắt lên
và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: "Ta mua
đâu được bánh cho những người này ăn?" Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì
chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: "Hai trăm bạc bánh
cũng không đủ để mỗi người được một chút". Một trong các môn đệ, tên là
Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: "Ở đây có một bé trai có
năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho
từng ấy người". Chúa Giêsu nói: "Cứ bảo người ta ngồi xuống".
Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn.
Bấy giờ Chúa Giêsu cầm
lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được
phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo
các môn đệ: "Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi". Họ thu lại
được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà
còn dư.
Thấy phép lạ Chúa Giêsu
đã làm, người ta đều nói rằng: "Thật ông này là Đấng tiên tri phải đến
trong thế gian". Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn
làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ
SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên
Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (2 V 4,42-44) là câu
chuyện ngôn sứ Êlisa chia sẻ bánh với những người đang đói để giúp họ cầm cự
trong thời kỳ khó khăn. Thay vì cất giữ bánh cho riêng mình, người của Thiên
Chúa là ngôn sứ Êlisa đã mở rộng cõi lòng và bàn tay mà chia sẻ bánh cho những
người có nhu cầu. Làm thế vì ngôn sứ Êlisa tin vào Lời Thiên Chúa và cụ thể là
tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ không để ông phải đói vì Thiên Chúa là Đấng vừa
quyền năng vừa yêu thương.
Phép lạ bánh hóa nhiều
là biểu hiện của lòng Thiên Chúa yêu thương và của lòng tin của ngôn sứ Êlisa.
Phép lạ này loan báo phép lạ bánh hóa nhiều Chúa Giêsu sẽ thực hiện sau này
(bài Phúc Âm).
3.1.2 Bài đọc 2 (Ep 4,1-6) là những lời Thánh
Phaolô viết cho các tín hữu Êphêsô về cách sống thích hợp của các môn đệ Chúa
Giêsu Kitô: ăn ở khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; sống tình bác ái mà chịu đựng
lẫn nhau; thiết tha duy trì sự hiệp nhất của Thần Khí, bằng cách ăn ở thuận hòa
gắn bó với nhau.
Nguyên lý hay lý do thâm
sâu và đậm tính tôn giáo của nếp sống ấy là: Các Kitô hữu có một Thiên Chúa là
Cha chung, là Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người; Họ cũng chỉ thuộc về
một Thân Thể là chính Chúa Kitô. Họ có cùng một Thần Khí là Thánh Thần Thiên
Chúa được ban cho tất cả những ai nhận phép Rửa trong Chúa Kitô. Họ có cùng một
niềm hy vọng về ơn cứu độ, có cùng một niềm tin và một phép rửa tha tội.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Ga 6,1-15) là tường
thuật của Thánh Gioan về phép lạ Chúa Giêsu đã làm để hóa bánh ra nhiều, nuôi
hơn năm ngàn người khỏi đói. Câu chuyện này có 3 ý nghĩa như sau:
* Thứ nhất là Chúa Giêsu
muốn đáp lại tấm lòng chân thành của đám đông dân chúng khao khát tìm nghe Lời
Người mà không màng đến nhu cầu ăn uống.
* Thứ hai là Chúa Giêsu
thể hiện quyền năng thần linh và sứ mạng thiên sai của Người. Cũng như xưa kia
Thiên Chúa nuôi dân Israel bằng manna trong sa mạc thì nay Chúa Giêsu nuôi
những người tìm nghe Lời Chúa bằng bánh và cá của phép lạ sau khi đã nuôi họ
bằng lời giảng dạy về Nước Trời. Cũng như xưa kia Thiên Chúa dùng Môsê để giải
thoát và tập hợp dân Israel thành dân của Giao Ước (cũ) thì nay Chúa Giêsu là
Môsê mới tập hợp muôn nước muôn dân thành dân của Giao Ước (mới). Lời và Bánh
là lương thực cần thiết cho cuộc lữ hành trần gian của Dân Chúa.
* Thứ ba là tất cả những
người được ăn cùng một Bánh, uống cùng một Lời có trách nhiệm làm nên một cộng
đoàn hiệp nhất, yêu thương và thuận hòa. Cộng đoàn ấy là hình ảnh sống động và
là loan báo cụ thể về Vương Quốc mà Thiên Chúa sẽ thiết lập giữa loài người.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
(Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay
có ba phần, là:
(a) Vì là Đấng yêu
thương và quyền năng, Thiên Chúa đã dùng LỜI & BÁNH để tập hợp và dưõng
nuôi các Kitô hữu. Ai tin vào LỜI thì sẽ không phải đói. Ai ăn BÁNH thì sẽ được
no nê. Bánh cũng như Lời đều cần cho sự sống con người: muốn sống mạnh mẽ và dồi
dào, con người cần rước Lời và rước Mình như chính Công đồng Vatican II đã dạy
(1).
(b) Cách yêu thương giúp
đỡ tha nhân của các Kitô hữu là phải quan tâm đến cả hai nhu cầu tinh thần và
vật chất của người bên cạnh như Chúa Giêsu vừa đem Lời vừa đem bánh cho dân
chúng được no nê.
(c) Những người cùng
rước LỜI và ăn BÁNH thì lập thành một cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương và thuận
hòa để làm chứng cho Tin Mừng và loan báo Vương Quốc của Thiên Chúa giữa loài
người.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC
THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA
4.1 Sống với Thiên
Chúa là Đấng đã vì yêu thương loài người mà
quan tâm đến cả những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, nên không ngại can thiệp
bằng quyền năng của Đấng Sáng Tạo muôn vật muôn loài.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời
Chúa
hôm nay bằng ba việc sau
đây:
- Thứ nhất: nuôi dưỡng
lòng khát khao đón nghe và tiếp nhận LỜI và BÁNH Thiên Chúa ban cho một cách
“nhưng không” và “hào phóng”.
- Thứ hai: chia sẻ với
người chung quanh LỜI và BÁNH mà mình đã nhận được từ Thiên Chúa, từ Chúa Giêsu
và từ Hội Thánh.
- Thứ ba: xây dựng cộng
đoàn gia đình, giáo xứ, giáo phận và cộng đồng xã hội thành cộng đoàn hiệp
nhất, yêu thương và thuận hòa như Chúa Giêsu mong muốn.
à Mỗi người, mỗi
cộng đoàn phải tự vấn lương tâm và kiểm điểm đời sống xem mình đã thực hiện ba
điều ấy như thế nào, để trả lời với Chúa.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời
cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai
cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn
cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Hồi ấy trong miền có nạn đói….Ông Êlisa nói:
«Phát cho người ta ăn!» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho những người giầu và các
nước giầu để họ quan tâm đến những người nghèo và những nước nghèo, mà chia sẻ
lương thực, của cải, phương tiện khoa học kỹ thuật để làm giảm bớt sự nghèo khổ
trên mặt đất này.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng
con!
5.2 Ông Phaolô nói: «Tôi khuyên nhủ anh em hãy
sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em» Chúng ta hiệp lời cầu
nguyện cách đặc biệt cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Đức Hồng Y, Tổng Giám
Mục và Giám Mục, cho các linh mục và phó tế, để các ngài sống xứng với ơn gọi
dâng hiến và phục vụ của mình.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng
con!
5.3 Chúa Giêsu hỏi
ông Philípphê: «Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho tất cả các Kitô hữu,
nhất là những người thuộc giáo xứ chúng ta, để mọi người có sáng kiến trong
việc yêu thương và giúp đỡ những người thiếu thốn về vật chất và tinh thần sống
chung quanh.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin
Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 Ông Anrê thưa với
Chúa Giêsu: «Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho những người có lòng
quảng đại, sẵn sàng chia sẻ một phần những gì mình có, cho người nghèo, để thể
hiện lòng nhân đạo và tình bác ái.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin
Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigòn ngày 24 tháng 7 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn
Nội.
Ghi chú:
(1) Giáo
Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ
Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như
từ bàn tiệc Mình Chúa Ki-tô để ban phát cho các tín hữu. Cùng với Thánh Truyền,
Thánh Kinh đã và đang được Giáo Hội xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức
tin, được Thiên Chúa linh ứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời, Thánh
Kinh phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng
nói của Chúa Thánh Thần qua các Tiên Tri cùng với các Tông Ðồ. Bởi vậy, mọi lời
giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh Chúa Ki-tô phải được Thánh
Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn. Thực thế, trong các sách thánh, Chúa Cha trên
trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ. Lời
Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội,
ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống
thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội. Bởi thế, lời nói sau
đây thật xứng hợp cho Thánh Kinh: "Thực vậy, lời Thiên Chúa sống động và
linh nghiệm" (Dt 4,12). "có khả năng gây dựng và ban
gia tài cho mọi người đã được thánh hóa" (Cv 20,32; x. 1 Tx 2,
13).
(Hiến Chế Mạc Khải,
chương VI, số 21).