CHÚA
NHẬT 16 MÙA THƯỜNG NIÊN
(Gr 23, 1-6; Ep 2, 13-18;
Mc 6, 30-34).
Tiên tri Giêrêmia hoạt
động tại Giêrusalem vào khoảng từ năm 627-587 trước Công Nguyên. Quan niệm thần
học chính của Giêrêmia cũng như các tiên tri khác là mời gọi dân chúng cải tà
qui chánh. Vì tội lỗi của dân Judah, Yahweh Thiên Chúa đã hủy phá thành quách
do bởi Vua Babylon là Nebuchadrezzar. Tiên tri Giêrêmia là một trong các tiên
tri có thế giá nhất. Sứ mệnh của ông trong thời gian bất thường, kéo dài suốt
bốn mươi năm tao loạn của cộng đồng ở Giêrusalem. Ngài cùng thông phần chia sẻ
những khốn khó và khổ đau với dân chúng. Tiên tri đã dẫn dắt mọi người đặt niềm
tin tưởng và hy vọng vào sự giải cứu trong tương lai. Giêrêmia đã không ngại
nói thẳng và nói thật khi phải đụng chạm với các chủ chăn. Ngài cảnh cáo: Chúa phán, “Khốn cho các mục tử làm tản mác
và xâu xé đoàn chiên Ta”(Gr 23,1).
Lời tiên tri Giêrêmia giúp
chúng ta suy tư một chút về vấn đề mục vụ và phục vụ cộng đoàn dân Chúa. Nếu
không được sai đi, không ai tự mình lãnh nhận trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên
của Chúa. Thời Cựu Ước, Môisen đã dành ra một chi tộc Lêvi để phục vụ trong
việc cầu nguyện, dâng hương, giảng dạy lề luật, hiến thánh và chúc lành (Ds 1, 47-50). Tiếp theo là các vị tư tế
được chọn lựa trong dân để phục vụ. Sứ mệnh phục vụ dân Chúa là việc tốt lành
thánh thiện cần được huấn luyện trau dồi và được sai đi. Thời xưa, các vua chúa
nắm quyền hành và hướng dẫn dân chúng cả việc đạo lẫn việc đời. Các vua Chúa
như vua Saulê, Đavid, Solômon và những vua kế vị như vua Josiah, Jehoiakim và
Zedekiah có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tình thần của đoàn dân. Hầu hết
các vua Chúa đã bị lung lạc, sống buông thả và đưa dân chúng vào ngõ cụt thờ
bụt thần của ngoại bang.
Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi các
tông đồ hãy lui về nghỉ ngơi một
chút. Ngài nói: "Chính anh em hãy
lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút" (Mc 6, 31). Mỗi
mục tử hãy dùng thời gian để kiểm điểm và suy xét lại đời sống dâng hiến của
chính mình. Ý thức trong mọi suy tư, lời nói, hành động, trách nhiệm và bổn
phận của mình. Chúa không đòi chúng ta phải nên giống người này hay người nọ,
nhưng hãy chu toàn sứ mệnh được trao ban. Đây là một thách đố trường kỳ đòi hỏi
nhiều kiên nhẫn và khiêm hạ. Thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức để phục hồi năng lực
rất quan trọng. Nghỉ ngơi để xả bớt những gánh nặng lo âu và căng thẳng. Chúng
ta thường tò mò tìm hiểu những thế giới bên ngoài, sao không dùng đôi phút để
tìm hiểu con người bên trong của mình. Tìm nơi thanh vắng nghỉ ngơi sẽ làm tâm
hồn được thư giãn để kết hợp với Chúa trong nguyện cầu.
Nói chung, trong các sinh
hoạt mục vụ, các mục tử luôn muốn
cộng đoàn của mình đoàn kết, yêu thương và gắn bó, nhưng
thực tế cuộc sống có nhiều phức tạp khó lường. Những thị phi và họa phước của
con người có thể gây những phiền hà trong đời sống cộng đoàn bởi nếp sống chung
luôn là một thách đố. Trăm người trăm ý.
Ý kiến của ai cũng hay và cũng có lý, nhưng có thể không luôn thích hợp. Chính
những sự khác biệt và mâu thuẫn này tạo nên những hố sâu ngăn cách và tị hiềm.
Các mục tử cần có sự khôn ngoan với lòng bao dung và biết lắng nghe để giúp
khai thông những bế tắc. Các mục tử cần sự thinh lặng cầu nguyện và tìm sự
hướng dẫn qua lời chỉ dạy của Chúa và Giáo hội. Chúng ta hãy học theo gương của
thánh Phaolô tông đồ sống khiêm hạ và phó thác. Thánh Phaolô đã tự khoe mình: Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những
yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi (2Cr 12, 9).
Linh mục như những bình sành dễ vỡ, chúng ta phải cậy dựa vào tình thương và ân
sủng của Chúa để thắng vượt các cơn cám dỗ.
Trong thực tế cuộc sống,
các linh mục không tránh khỏi những yếu đuối, sai lầm và trì trệ. Là
con người, đôi khi cũng bị rơi vào những tham, sân, si hoặc lười biếng trễ nải.
Các linh mục cũng có khi sa vào những cạm bẫy nghiện ngập như bài bạc, rượu
chè, trụy lạc và tham lam của cải thế gian. Rồi nữa, mục tử cũng không tránh
khỏi những đua đòi, gây ảnh hưởng, tìm chỗ đứng và bon chen chợ đời làm suy yếu
đời sống đạo.
Tuy nhiên, chúng ta phải
công nhận rằng cũng còn có nhiều linh mục sống đức độ, thánh thiện và phục vụ
quên mình cho cộng đoàn dân Chúa. Có những linh mục cũng vì nhiệt tâm cho nhà Chúa, nhưng
không đáp ứng đủ những đòi hỏi của giáo dân nên gây ra nhiều hệ lụy. Có khi vì
linh mục muốn chu toàn lẽ đạo theo lề luật của Giáo hội mà bị coi là khó khăn,
cố chấp và độc tài. Có khi vì đi theo chính dòng truyền thống của Giáo Hội,
cũng có thể bị giáo dân chê bai là lỗi thời và chậm tiêu. Bởi thế, trong lòng
Giáo hội, nơi các cộng đoàn và giáo xứ luôn xảy ra những lủng củng, chia rẽ và
bất cập. Trong mọi trường hợp, chúng ta đừng vội xét đoán và kết án, kẻo sai
lầm.
Linh mục dù phải chạy đua
với công việc thường ngày nhưng luôn nhớ gắn kết với Chúa Giêsu trong đời sống
cầu nguyện. Chúng ta không thể đáp ứng thỏa mãn các nhu cầu cuộc sống trong mọi
trường hợp mà phải biết tự giới hạn và chọn lựa thích đáng. Đôi khi phải biết
nói ‘không’
khi những đòi hỏi không cần thiết. Người ta thường nói rằng cả nể cho nên sự dở dang là thế. Người
mục tử của ngày hôm nay đòi hỏi phải hy sinh phó thác và từ bỏ nhiều hơn. Linh
mục luôn học sự cảm thông và nhẹ nhàng chia sẻ. Thông thoáng mà không quá dễ
dãi. Nguyên tắc mà không khắc nghiệt.
Lạy Chúa Giêsu là linh mục
thượng phẩm. Chúa là chủ chiên tốt lành đã dám hy sinh mạng sống vì đàn chiên,
xin cho chúng con trở nên những mục tử biết hy sinh cuộc sống riêng để phục vụ
tha nhân trong Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời chúng con.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng.