* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/2XLkFNKvxcc
- Trang Chủ của
kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu
cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa
nhật XVI Mùa Thường Niên – Năm B
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (6,30-34)
Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa
Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người
liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một
chút". Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ
không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ
hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta
đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.
Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân
chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và
Người dạy dỗ họ nhiều điều.
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa
Mục tử duy nhất
Dân Do Thái xưa vốn là dân du mục
và làm nghề chăn nuôi, nên hình ảnh người mục tử rất quen thuộc với họ. Trong
Kinh Thánh, Thiên Chúa thường được ví như người mục tử và đoàn chiên là dân Israel,
như trong thánh vịnh 94 khẳng định: “Bởi
chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên
tay Người dẫn dắt” (c.7). Còn thánh vịnh 22 trong phụng
vụ Lời Chúa hôm nay miêu tả hình ảnh Chúa là người mục tử tuyệt vời: “Chúa
là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người
cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Dầu
qua lũng âm u, tôi sợ gì nguy khốn, vì có
Chúa ở cùng.”
Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa trao phó đoàn chiên của
Người cho các vị lãnh đạo chăm sóc. Vì vậy, các vua được ví như những mục tử. Nhưng đáng tiếc thay, vua chúa và các nhà lãnh đạo không làm tròn trách
nhiệm lãnh đạo dân, mà chỉ lo mưu cầu lợi ích cá nhân và thỏa mãn những tham vọng
riêng tư!
Trong bài đọc I, qua
miệng ngôn sứ Giêrêmia, chúng ta nghe Chúa lên án những nhà lãnh đạo cư xử như những
mục tử xấu: “Chính các ngươi đã
làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm
gì đến chúng”. Và Thiên Chúa loan
báo sẽ cho xuất hiện từ nhà Đa-vít “một
chồi non chính trực”, người là vị vua, vị mục tử đích thật và
nhân lành sẽ chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Chính người sẽ quy tụ đàn chiên đang
bị tản mác, an ủi và cho chúng được ăn uống no nê. Đoàn chiên sẽ “không còn
hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi” vì vị vua lên ngôi trị vì sẽ là
người “khôn ngoan tài giỏi và sẽ thi hành
điều chính trực công minh”.
Chúa Giêsu chính là vị
vua, vị mục tử đích thực của dân Chúa mà tiên tri Giêrêmia đã loan báo từ đầu
thế kỷ VI trước Công Nguyên. Trình thuật của thánh sử Máccô mà chúng ta nghe
hôm nay khẳng định điều đó: “Ra khỏi
thuyền, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như
bầy chiên không người chăn dắt”. Chỉ có người mục tử đích thật mới “chạnh
lòng thương” đoàn chiên của mình. Họ là những người nghèo khổ, bị
các chủ đồn điền ức hiếp, phải đóng thuế nặng nề, phải sống dưới ách thống trị
của người La
Mã, phải thi hành luật tôn giáo đến từng chi tiết nhỏ, những
khoản luật bóp nghẹt đời sống của họ thay vì đem lại cho họ sự tự do và hạnh
phúc. Nhưng chẳng có ai quan tâm đến sự khốn khổ của họ.
Vì
thương đám đông bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu không ngại
thay đổi chương trình sinh hoạt của mình. Người bỏ cả giờ nghỉ ngơi với các
tông đồ để ở lại với đám đông. Người không mê hoặc họ bằng những lời hứa hão
huyền, nhưng loan báo cho họ Tin Mừng cứu độ, dạy dỗ họ sống trong sự thật, và dẫn
đưa họ đi trên con đường ánh sáng, con đường đem lại sự sống, bình an và hạnh
phúc đích thật.
Tuy
nhiên, chúng ta thấy vẫn còn đó những mục tử không muốn có mùi chiên; những mục
tử tìm an thân thay vì dấn thân vào những vất vả, chia sẻ những đau khổ, dám chạm
đến những vấn đề của đàn chiên mình; những mục tử không muốn lên đường để tìm
những con chiên lạc, ... Nhìn thấy những mục tử như thế, đôi lúc chúng ta tự hỏi làm sao có thể nghe được
tiếng Chúa qua mục tử của Người?
Nhưng
hôm nay Chúa vẫn nhìn đến đàn chiên của Người và vẫn không ngừng “chạnh lòng
thương”. Và Chúa vẫn gởi đến cho chúng ta những mục tử tốt lành để chăm sóc và
dạy dỗ chúng ta trong đời sống đức tin, vì Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái của
Người. Nhất là Chúa vẫn không ngừng “dạy dỗ chúng ta nhiều điều” qua Kinh Thánh.
Chúng ta tin rằng việc đọc và thi hành Lời Chúa không chỉ giúp chúng ta sống tốt
đạo đẹp đời, nhưng còn giúp thăng tiến đời sống của chúng ta. Lời Chúa như kim
chỉ nam giúp chúng ta đi đúng hướng trước những trào lưu, những tư tưởng sai lạc
chống lại con người và sự sống, và chống lại chính Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng,
tất cả các tín điều, các thông điệp, các tông thư hay tông huấn,... của Giáo Hội
nhằm hướng dẫn đời sống đức tin của chúng ta, đều được gợi hứng và đặt nền tảng
trên Lời Chúa.
Ước gì mỗi người chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa qua
việc thường xuyên học hỏi và đọc Lời Chúa, để Lời Chúa thực sự là sức sống, là
ánh sáng, là đường, là niềm vui trọn vẹn của chúng ta, như cảm nghiệm của Linh
mục nhạc sĩ Nguyễn Duy qua bài hát “Lắng nghe Lời Chúa”: “Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là
ánh sáng đời con. Lời Ngài làm chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước.
Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi
mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho trần ai.”