CHUNG LÒNG, CHUNG LỜI
Nguyễn Văn Thông
Thống Đốc Bill Lee vừa ký ban-hành một
Nghị Quyết kêu gọi tháng 7 là tháng cầu-nguyện của Tiểu Bang Tennessee “Xin
Thiên Chúa thương xót chữa lành Tennessee.” Đây phải là một hiện-tượng đáng
kinh-ngạc trong một bối-cảnh xã-hội và chính-trị hiện nay. Một nghị-quyết nặng
phần tôn-giáo được công-bố khi những dấu-vết đập-phá các biểu-tượng
truyền-thống, các thánh tượng, đốt nhà thờ, vẫn còn đậm nét, việc ám-hại giáo
sĩ còn xảy ra đây đó; khi mà các phong-trào lũng-đoạn giới-tính, khuyến-khích
tình-dục thiếu-nhi; khi quyền-lực ngầm đang vận-hành mang thế-giới tiến đến một
“trật-tự thế-giới mới” - mà không mới - là vô gia-đình, vô tổ-quốc và vô
tôn-giáo… thì Nghị Quyết Cầu Nguyện của tiểu-bang Tennessee được nhị viện thông
qua và thống-đốc ký thành luật phải được coi là hiện-tượng đáng kinh-ngạc và
đáng phục.
Đây là sự kêu-gọi cầu-nguyện của một
trong 50 tiểu-bang lập thành nước Mỹ của những người có nền văn-hóa niềm tin
Kitô-giáo từ thời lập-quốc. Tiểu-bang thứ hai là Louisiana ra luật treo bản
Mười Điều Răn trong các lớp học trường công-lập. Có những việc làm gần với việc
suy-tôn niềm tin từ những tiểu-bang khác nhưng Nghị Quyết “Cầu Nguyện Tháng 7”
là một kêu gọi mở rộng sự cộng-tác của mọi người.
Trong thời Cựu Ước, Ngôn Sứ Yona được
Chúa sai đi đến một thành lớn là Ninive để cảnh-báo tình-trạng sống tội-lỗi của
họ sắp bị Thiên Chúa trừng-phạt. Ông rất sợ vì biết Chúa có thể đổi ý và làm
cho lời cảnh-báo của ông sai bét, thế nên ông trốn lên tàu vượt biển. Tàu bị
bão đánh, lòi ra chuyện ông là thủ-phạm trốn chạy lệnh truyền của Thiên Chúa.
Ông xin chịu tội bằng cách bị ném xuống biển. Chúa cho một con cá lớn nuốt ông
vào bụng và sống trong đó ba ngày trước khi nhả ông lên bờ.
Ông đành phải đi đến thành Ninive và
hô lên rằng: “Còn 40 ngày nữa là Ninive sẽ bị sụp-đổ!” Nhà vua nghe lời
cảnh-báo liền ra sắc-chỉ: từ vua đến dân, từ lớn chí bé, cả người và vật đều
phải ăn chay, mặc bao bố để sám-hối đền tội xin Thiên Chúa tha-thứ. Thấy việc
dân thành Ninive sám-hối, Thiên Chúa đã rút lại hình-phạt họ đáng phải chịu.
Vào thế kỷ 16 Vua Henry VIII tách Nước
Anh khỏi Giáo Hội Công Giáo vì ông muốn li-dị vợ mà không được Giáo Hội
chấp-thuận. Những người theo Công Giáo và Thanh Giáo tại Anh bị bắt cải đạo để
theo Anh Giáo của nhà vua. Nhiều người trốn sang các nước khác ở Âu Châu. Năm
1620 một nhóm người được gọi là Pilgrims này đến Holland nhưng cũng không được
đối-xử tốt, họ phải lên chiếc tàu Mayflower nhắm hướng đi đến Châu Mỹ.
Cuối tháng 11 năm 1620 nhóm 102 người
Pilgrims này đến Châu Mỹ hướng về vùng Virginia. Một cơn bão tuyết lớn khiến họ
phải cập bến Cape Cod và lập trại ở Plymouth thuộc Massachusetts. Mùa đông năm
đó một nửa số người trong nhóm họ chết bệnh do đói và lạnh. Một người Da Đỏ tên
Squanto đến chỉ cho họ chỗ và cách bắt tôm cá và bẫy thú rừng lấy thịt. Mùa
xuân đến, Squanto mang cho họ hạt giống và dạy họ trồng cấy.
Khi cánh-đồng bắp vừa lên lá non thì
trời hạn không một hạt mưa. Cây non gục đầu héo rũ. Nhóm người Pilgrims lo-sợ
không sống-sót nổi qua mùa đông thứ hai. William Bradford là Thống Đốc đầu tiên
ở Plymouth đã kêu gọi toàn dân cầu-nguyện trong ba ngày. Nửa đêm thứ ba, một
cơn mưa nhẹ kéo đến và mưa liên-tục tưới dịu-dàng trên cánh-đồng bắp. Các ngọn
bắp ngẩng đầu lớn lên xanh tốt. Mùa gặt năm ấy bội thu, dư đủ lương-thực cho
mùa Đông.
Sự cầu-nguyện của họ đã được nghe lời.
Sau ngày mùa, nhóm người Pilgrims tổ-chức lễ để tạ ơn Thiên Chúa và cảm ơn các
người bạn Da Đỏ. Lễ Tạ Ơn có nguồn-gốc từ đó.
Sự cầu-nguyện đối với niềm tin
Kitô-giáo không bao giờ là một vấn-đề nên hay không nên. Cầu-nguyện là lẽ sống,
là nguồn sinh-lực, là nếp văn-hóa. Cầu-nguyện là nói chuyện, trao-đổi, tâm-sự
của con người với Thiên Chúa ở các chiều-kích giữa tạo-hóa và tạo-vật, giữa
thầy trò, cha con, và bạn-hữu. Trong cầu-nguyện có sự tôn-vinh, tạ-ơn,
phó-thác, có sự xin được chỉ-dạy, hướng-dẫn, chở-che, có tình yêu-thương,
ăn-năn, tha-thứ, lòng thương-xót, có sự tín-thác, tin-tưởng, tôn-trọng…
Suốt 248 năm từ Ngày July 4, 1776 là
ngày Tuyên Ngôn Độc Lập khai-sinh nước Mỹ, niềm tin vào Thiên Chúa được đặt làm
nền-tảng của Hiến Pháp, sự tự-do và nhân-quyền được tôn-trọng, nước Mỹ đã trở
nên hùng-mạnh và thịnh-vượng lãnh-đạo thế-giới tự-do.
Tuy nhiên từ khoảng 20 năm nay dưới sự
lèo-lái của giới lãnh-đạo thiên-tả ngấm ngầm phá nát niềm tin vào Thiên Chúa,
nước Mỹ đang trên đà tự huỷ-diệt. Nền dân-chủ trở thành thứ dân-chủ của các
nước thế-giới thứ 3: tam quyền không phân lập, vũ-khí hoá tư-pháp, hành-pháp
thao-túng lập-pháp và tư-pháp. Kết-quả là ngoài giới cầm quyền, không một người
dân nào được an-toàn kể cả cựu tổng-thống, không bằng-chứng cũng vẫn bị kết
tội, chưa có luật thì làm ra luật hay sửa luật để kết tội…
Có biết bao lời cảnh-báo đang gióng
lên. Tương-lai của nước Mỹ đang tiến đến huỷ-diệt nếu không được chuyển hướng.
Tương-lai của quê-hương Việt Nam và thế-giới cũng bị kéo theo. Chúng ta những
người có niềm tin vào Thiên Chúa, những Kitô-hữu nếu không là thứ Kitô-hữu giả
hiệu, xin hãy động lòng, đừng bịt tai, bịt mắt và bịt miệng.
Cảm ơn những người dám hi-sinh đến cả
sự-nghiệp và sự an-toàn bản-thân để đứng dậy, gióng lên tiếng nói. Chúng ta là
những người trong đám đông bình-thường, không có khả-năng lãnh-đạo hay không có
cơ-hội, xin ít nhất góp mặt, chung niềm tin, chung lời cầu-nguyện với Bang
Tennessee trong Tháng 7 này “Xin Thiên Chúa thương xót chữa lành không những
Tennessee mà cả Nước Mỹ.”
Thân kính mời các bạn của tôi làm một
cam-kết chung lời cầu-nguyện trong tháng 7 này qua sự sám-hối tội-lỗi, nhất là
tội thiếu-sót, làm những hi-sinh nhỏ, làm việc bác-ái cùng với sự dâng lời tạ
ơn và xin ơn Thiên Chúa trên nước Mỹ và quê-hương chúng ta. ***
Nguyễn Văn Thông
Tác giả:
Nguyễn Văn Thông
|