KHÚC
DẠO ĐẦU
Cha đã nói rằng con người luôn luôn tin vào các vị thần.
Vậy thì cha có thể xác dịnh rõ hơn xem cuối cùng thì con người – ngay từ đầu –
đã muốn nói gì khi dùng từ ngữ “Thiên
Chúa” ?
Tôi nghĩ rằng không bao giờ người ta có thể biết rõ về
chuyện ấy đâu, nhất là khi người ta đã trải dài câu hỏi này qua hàng nghìn năm
! Thiên Chúa, đấy là “thế - giới - ở -phía -bên – kia” mà chúng ta không thể
vươn tới được; Thiên Chúa, đấy là Đấng chất vấn chúng ta. Khi người ta kiếm tìm
nguồn gốc của tư tưởng về Thiên Chúa, người ta không thấy cái cội rễ gốc gác ấy
ở đâu cả, nhưng người ta thấy các tôn giáo đã có đấy rồi, đã được bày biện ra đấy
rồi, hay nói cách khác đơn thuần là những sự thờ cúng dành cho các vị thần…mà
không có vấn đề thần học hay sự nhận biết một cách lý trí về Thiên Chúa trong
các tôn giáo. Rất có thể những tôn giáo ấy mang tính cách bộ tộc, cũng giống
như trong văn hóa Vệ-đà, hoặc có thể đã được chính trị hóa như trong các đế quốc
lớn hay những triều đại miền Lưỡng Hà, Assyri hay Ai cập. Người ta đã có thể
tìm thấy thần minh ở mọi nơi. Ngay từ khi con người đã có thể tự ý thức về
chính mình thì họ đã tìm thấy thần minh ở ngay chung quanh họ. Con người đã nghĩ
gì trong ý niệm của mình về thần minh ?
Theo tôi thì chắc chắn là họ đã nhìn thấy sự nhân cách hóa năng lực của cuộc sống
trong vũ trụ và nơi chính bản thân họ. Chắc chắn là một thứ gì đấy tương tự như
vậy.
Điều
mà những chuyện như vậy muốn chúng hiểu là con người luôn
luôn bị khuynh loát bởi một ước muốn về tính khác biệt. Và điều ấy cũng làm nên sự cách biệt giữa con người và
các loài động vật khác, đồng thời cũng giúp cho con người ý thức về bản chất đặc
thù cũng như phẩm giá của mình. Và với cái ý tưởng vô cùng lớn về một sự hòa hợp
với vũ trụ như thế: thần minh là những sức mạnh của thiên nhiên. Thần minh cũng
là khởi nguồn của cảm tính xã hội : thứ tôn giáo vui vẻ hơn cả là việc thờ cúng
vị thần gia đình – thần bếp…và chúng ta cũng biết rồi đấy, nghi thức thờ cúng
ban đầu không hề có ý niệm gì về đền thờ lẫn các tư tế; đền thờ là căn bếp nơi
nấu nướng để phục vụ cả nhà và tư tế chính là người chủ gia đình- chính ông
thay mặt cho cả nhà để dâng lên vị thần gia đình lời tạ ơn về thực phẩm ông đã
có được để nuôi sống gia đình ông. Vị thần này bảo vệ gia đình ông cũng như các
gia đình bà con thân thuộc cần được bảo trợ…Và vị thần ấy vừa rất gần gũi –
ngài ở ngay trong gia đình mình – đồng thời lại cũng vô củng cao cả - ngài bảo
vệ gia đình bởi ngài làm chủ đời sống và những nguyên tố…Ở thủa ban đầu, người
ta đã là như thế đấy : có một mối tương quan thực sự giữa Thiên Chúa và con người,
con người và thiên nhiên, thiên nhiên và Thiên Chúa. Và người ta đợi trông gì
nơi các thần minh ? Dĩ nhiên là người ta mong ước các thần minh tiếp tục để kéo
dài thêm sự sống; thần minh được coi như suối nguồn sự sống và luôn luôn hòa hợp
với vũ trụ…Thần minh và vũ trụ không bao giờ tách biệt…
Và kế đến là thời điểm người ta nhận ra rằng tôn giáo
cũng gắn liền với những nghi lễ cúng tế người chết…Chúng ta cứ nhìn vào các ý
tưởng dành cho một đám tang mà xem: chung chung người ta an táng người qua đời
ngay cạnh nhà mình…với của ăn thức uống đi kèm, bởi người ta cho rằng người chết…vẫn
còn đang sống – dĩ nhiên là hiểu theo ý nghĩa anh ta vẫn còn một mối ràng buộc
nào đó với bộ tộc của mình trong chiều kích đời sống tập thể luôn luôn trong trạng
thái “luân hồi” từ thế hệ này đến thế hệ khác…với sự hứa hẹn về sự hồi sinh đối
với người qua đời…Cho nên luôn luôn có một sự sống, một cộng đồng sự sống, một
sự sống liên tục nối tiếp giữa những người đang sống và những người đã qua đời
– những người qua đời vắng mặt nhưng không bị tách biệt khỏi đời sống của những
người thân thương còn sống của mình. Chính qua tư tưởng về giòng sinh lực vô tận
của đời sống con người ấy mà con người nảy
sinh ý nghĩ về một phận số vô tận, được chi phối bởi một Quyền Lực tối thượng
luôn điều khiển vũ trụ và gìn giữ sự sống nơi họ - một cảm nhận dần dần được định
hình qua triết học hy lạp…cho đến tư tưởng về một sự thâm tình giữa con người
và Thiên Chúa…Và như thế chúng ta thấy ý thức của con người dần dần trở nên tinh tế hơn cùng với ý thức về
thần minh…
Hai yếu tố đặc biệt làm con lưu ý hơn, và con không biết
là có thể có một liên hệ nào đấy giữa hai yếu tố ấy với sự “sút giảm” về sự có
mặt của Thiên Chúa giữa con người, nghĩa là về đức tin…Thế giới đang ở trong một
tình trạng đô thị hóa liên tục – và chính sự kiện bùng nổ của các đô thị lần đầu
tiên trong lịch sử con người…vào khoảng thời gian từ năm 2008 – và không biết
là có không một mối liên hệ giữa sự sút giảm của thiên nhiên và sự sút giảm về
cái chiều kích linh thánh thiên nhiên mang lại hay không. Dĩ nhiên là có phần
tiến triển của các bộ môn khoa học…Thế nhưng tại đấy có lẽ cũng có một yếu tố
nào đó mà chúng ta có thể vay mượn ý tưởng của nhà thần học Dietrich Bonoeffer
khi ông nói đến Thiên Chúa như một hình thức “ lấp chỗ trống” vậy : đã từ rất
lâu rồi, chuyện thần thánh được đề cập đến như là để bổ sung cho những suy yếu
tri thức của chúng ta, những nỗi hãi sợ cũng như điều gì đấy chúng ta còn chưa
hiểu…Và khi mà sự mù tối này không còn nữa cùng với hiện tượng phát triển của
các bộ môn khoa học…thì vấn đề thần thánh – vốn được nêu lên nhằm mục đích giái
quyết khoảng không gian tối tăm và huyền nhiệm ấy – cũng buộc phải rút lui luôn, phải lặng chìm…
Điều mà bạn cần phải lưu ý, đấy là khoa học không hề cho
thấy một sự lý luận nào khác ngoài niềm tin rằng những huyền thuyết cũng đã từng
là các bộ môn khoa học của con người ! Những huyền thuyết vốn đã là những nỗ lực
khoa học để hiểu về vũ trụ. Chẳng hạn như tường thuật về công cuộc tạo dựng
trong sách Khởi Nguyên…vốn là một bản phác họa lại những tường thuật trong nền
văn hóa Babylon : đây là một cố gắng để có thể hiểu “một cách khoa học” về nguồn
gốc của vũ trụ, của trái đất, của các giống loài thực vật và động vật, và cuối
cùng là của con người…Cái khoa học ấy – không ngừng tiến triển - nhưng
thực sự nó đã có thể thoát khỏi ý tưởng về Thiên Chúa chưa ? Dĩ nhiên người ta có thể giả thiết như đã
thoát khỏi rồi. Tuy vậy người ta vẫn không thể không tự vấn chính mình rằng : “
Thế thì sẽ còn lại gì từ con người và ý tưởng về con người sau giai đoạn ấy ?” Đấy
là nỗi hãi sợ của Husserl khi ông ta thấy những bộ môn khoa học tự nhiên xâm lấn
các bộ môn khoa học tinh thần : người ta đi đến chỗ giúp bạn khám phá ra ở đâu
đó trong khối óc cái tế bào thần kinh cảm ứng – neuron – cho thấy ý tưởng về cội
gốc củaThiên Chúa ! Tuyệt ! Thế nhưng lúc đó con người sẽ trở nên thứ gì ?
Chúng ta phải nêu lên câu hỏi ấy, và có rất nhiều lý do để nêu lên câu hỏi ấy
khi chúng ta chứng kiến sự tiến triển hôm nay của nhân loại. Thật ra thì tôi
không hề có ý muốn áp đặt một sự đe dọa mang tính biện giải như người ta đã từng
được nghe ngay cả trong những văn bản chính thức của Giáo Hội cho rằng : “ Khi
giết chết Thiên Chúa,người ta giết chết luôn
cả con người !” Tôi không hề muốn loại trừ những tiến bộ của khoa học, kể
cả chuyện tục hóa…khi đưa ra mối đe dọa
này và quả quyết rằng ý niệm về Thiên Chúa là lá chắn duy nhất chống lại
sự leo thang của chủ nghĩa tàn bạo…Tuy nhiên phải tính toán xem nhân loại đã
phát triển tôi không biết là qua bao nhiêu thiên niên kỷ trong khi vẫn duy trì ý niệm về Thiên Chúa ! Có lẽ cũng là
điều tốt khi người ta có thể cởi bỏ cái ý niệm về Thiên Chúa đi…nhưng cũng có
thể con người sẽ tốt hơn nếu vẫn cứ giữ
khái niệm về Thiên Chúa nhưng được khai triển một cách khác đi,
và như thế sẽ không còn bất cứ đe dọa nào nữa đối với con người.
Và tôi cho rằng người Kitô hữu – bao gồm cả nhà thần học
Công giáo – lúc này phải chất vấn về đức tin của mình bắt đầu từ sự tiến triển
đang xảy ra. Đồng thời tôi cũng nghĩ rằng họ phải cố gắng để giữ đức tin của
mình một cách khác – nghĩa là giữ đức tin của mình không phải để cứu vớt
Đạo hay cơ chế gắn liền với Đạo, nhưng là để cứu vớt một ý tưởng nào đó về con
người mà ý tưởng về Thiên Chúa chính là sự bảo đảm cho ý tưởng về con người ấy
– sự bảo đảm, vâng, sự bảo đảm…Tôi dùng từ “bảo đảm” này vì có ý nhắm nói đến sự tương tự - mà
Benveniste đã phân tích – giữa hai từ “tin” và “đức tin”…với người bảo đảm, sự bảo dảm, sự chắc chắn có thể lấy lại được điều người ta đã hoàn toàn phó
thác cho một ai đó “rất đáng tin cậy”…
Và thưa cha – đâu là cái mức độ giữa tư tưởng về Thiên
Chúa thực sự là sự bảo đảm cho tư tưởng của con người ?
Bởi vì đấy là ý tưởng về một phận số vô cùng vô tận
- ý tưởng làm cho con người trở nên hình ảnh của Thiên Chúa. Thử đọc
lại câu nói của Levinas dùng để tóm tắt Bộ Kinh Thánh mà xem : “Ngươi có bổn
phận đối với tha nhân”! Theo tôi
nghĩ, đấy là một tư tưởng rất Kitô giáo, mặc dù được viết ra từ một người Do
Thái. Một tư tưởng rất mạnh, phải không ? Và con người mà chúng ta đã từng biết
đến…chính là kẻ bị ám ảnh bời câu nói đó : ngươi có bổn phận đối với tha nhân !
Tại sao tôi phải quan tâm đến người nghèo, người không nơi cư trú nhất định ? Tại
sao ?
Cái tư tường về một tính khác biệt vừa ở trong phẩm
cách của tha nhân vừa ở trong tư thế tôi cảm nhận mình được mời gọi đi đến một
tương lai khác : đấy là đức tin ! Và cuối cùng thì đâu là sự chống đỡ cho đức
tin ? Sự mạc khải, vâng – sự mạc khải…Và có lẽ cũng có cả cái cảm xúc khá mạnh bắt
buộc tôi phải giải cứu trần gian, giải cứu ý tưởng về con người…khi tìm cách để
giải cứu chính đức tin của mình. Tôi nghĩ rằng mọi chuyện sẽ xảy ra tương tự
như thế…Với một lối đi đưa đến cái tổng thể vốn đã được các ngôn sứ loan báo. Sẽ
rất ngạc nhiên khi thấy chúng ta sống lại cái thảm kịch dân Israel xưa – thảm
kich đã bày ra sự thần khải của họ !
“Bày ra – bịa ra”, đấy là một từ ngữ cần phải được suy
nghĩ lại và hiểu theo một cách khác ! Nhưng cuối cùng, khi những nhà sử học cho
chúng ta hay rằng những tường thuật trong năm cuốn sách Kinh Thánh được gọi là
Sách Ngũ Thư đã được trước tác khá trễ tràng về sau này, sau cuộc hồi hương hậu
lưu đày của dân tộc Giuđa, và là những tường thuật dựa trên nền tảng các huyền
thoại, các ký ức và truyền thống, trong mục đích để tạo cho dân tộc ấy một lịch
sử mà vốn nó không có, và người ta chẳng có chứng cứ gì về sự tồn tại của cả
Abraham lẫn Môisen cả. Vậy thì mạc khải của Thiên Chúa cho Abraham và Môisen,
chúng ta – Kitô hữu – làm sao chúng ta có thể tin được? Chúng ta tin được là bởi
vì chính Đức Giêsu đã suy nghĩ và quả
quyết lại về chuyện của Abraham và Môisen – điều đưa ra cho chúng ta thêm một vấn đề nữa –
nhưng cuối cùng thì đấy là mạc khải của riêng Người, là hồi ức của chính Đức
Giêsu. Làm sao thần học gia có thể có một
lối giải thích khác cho ý tưởng về mạc
khải – khi cho rằng cái ý tưởng ấy đã được bịa ra để xác minh cho gốc gác cội
nguồn của dân tộc Do Thái? Tôi không biết. Nhưng với tôi – người Kitô hữu –
cách rất đơn giản là tôi không thể an tâm với
một mạc khải được thể hiện cho một dân tộc không phải là dân tộc của
tôi. Cuốn sách của tác giả Shlomo Sand về Sự hư cấu của dân Do Thái đưa
ra nhũng vấn nạn cho một số người Do
Thái nào đó vốn tự coi là thành viên của Dân của Thiên Chúa. Nếu việc tưởng nhớ
đến Abraham làm nên sự duy nhất của dân tộc này, thì với chúng ta – người Kitô
hữu – chính sự tưởng nhớ đến Đức Giêsu – tôi nghĩ vậy – chính sự tưởng nhớ này
cho phép chúng ta đón nhận truyền thống của người Israel như là mạc khải, nghĩa
là như quá trình diễn tiến của Lời Thiên Chúa đến với Muôn Dân. Thế nhưng tại
sao ta lại không thấy Lời ấy – lời mời gọi tiến dần đến sự văn minh hóa của con
người – cũng là tiến dần đến qua các nghi thức dành để thờ phượng Thiên Chúa ở
ngay từ buổi đầu của nhân loại nhỉ ?
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp chuyển dịch