Cùng với Hội
Thánh toàn cầu chúng ta mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời. Mầu nhiệm Chúa lên
trời dường như rất có ý nghĩa với anh em Chính Thống giáo qua các cử hành Phụng
Vụ. Theo niên lịch Phụng vụ đoàn tín hữu Công giáo được nghe dẫn giải về mầu
nhiệm này hình như cũng chỉ một lần trong thánh lễ mừng Chúa về trời.
Chúa Giêsu lên
trời là gì? Là Kitô hữu trưởng thành, không ai giữ mãi quan niệm Chúa lên trời
là Chúa bay lên một nơi nào đó trên cao, trên chốn bồng lai, tiên cảnh đầy mây.
Trời ở đây không phải chỉ nơi chốn nào đó theo nghĩa không gian mà là một tình
trạng. Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Theo Thánh Kinh ngự bên hữu nghĩa
là đồng hàng trong danh dự, phẩm vị và quyền năng. Chúa Giêsu lên trời nghĩa là
sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ, Người lấy lại vinh quang, uy quyền và danh
dự của một vị Thiên Chúa đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người lấy
lại những sự ấy là vì Người đã tự nguyện trút bỏ nó khi vào trần gian để thực
thi chương trình cứu độ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn
toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như
người trần thế” (Pl 2,6-7). Chúa tự nguyện bỏ đi vinh quang danh dự của Người
để rồi lấy lại thì có liên quan gì đến chúng ta? Vậy chúng cần đào sâu ý nghĩa
của mầu nhiệm Chúa lên trời.
Một vài ý
nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời:
1. Chúa lên
trời nghĩa là Người đã từ trời xuống: “ Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con
Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Mầu nhiệm Chúa lên trời minh chứng cho
nguồn gốc thần linh của Đức Kitô. Đấng chúng ta tôn thờ không phải là phàm nhân
được tôn lên hàng thần thánh. Người chính là Thiên Chúa có từ đời đời Và mọi
sự, mọi loài nhờ Người mà được hiện hữu. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời
vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa…Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được
tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3).
2. Chúa lên
trời nghĩa là Người đã hoàn tất công cuộc cứu độ: “Đức Kitô đã lên cao dẫn theo
một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người. Người lên trời nghĩa là gì, nếu
không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất? Đấng đã xuống
cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên
mãn” (Eph 4,8-10). Con người và mọi sự mọi loài từ đây có được con đường hoàn
thiện, nên viên mãn, chính nhờ Người, với Người và trong Người là Giêsu Kitô.
3. Chúa lên
trời nghĩa là từ đây các thực tại trần thế có thể đi vào vinh quang bất diệt
cùng với Đức Kitô. Khi trở về với vinh quang của một Thiên Chúa thì Đức Kitô đã
làm cho các thực tại trần thế mà Người đã nhận lấy qua mầu nhiệm nhập thể, được
nên hằng hữu với Người. Từ đây mọi sự, mọi loài đều có thể đi vào cõi bất diệt.
Từ nay những sự bình thường và cả tầm thường ở đời này đều có thể trở nên phi
thường nhờ nhân tính của Đức Kitô. “Vậy thưa anh em, nhờ máu Đức Giêsu đã đổ
ra, chúng ta mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con
đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (Dt
10,19-20).
4. Chúa lên
trời, ngự bên hữu Chúa Cha để cầu bầu cho chúng ta. “Thưa anh em, Đức Kitô đã
chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy là hình
bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây đứng
trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24). Giờ đây chúng ta có
một vị Thượng Tế cao cả trên trời, một vị Thượng Tế đã kinh qua cảnh sống của
loài người chúng ta. Người hiểu và cảm thông với chúng ta trong mọi nỗi niềm
của kiếp nhân sinh. Nghĩa là chúng ta đang có một đồng minh đầy uy quyền và rất
đáng tin cậy.
Với những ý
nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời như trên, hẳn lòng Mẹ Hội Thánh khao khát
đoàn con luôn có thái độ vững tin và hy vọng trong niềm hân hoan phấn khởi. Sao
lại không vững tin khi mà Đấng chúng ta tôn thờ và tiếp bước chính là Thiên
Chúa thật, là căn nguyên và cùng đích của mọi vật, mọi loài. Sao lại không hy
vọng khi mà cửa trời đã mở ra với chúng ta, với tất cả mọi loài thụ tạo. Sao
lại không phấn khởi hân hoan khi mà ta luôn có đó Đấng hiểu ta, cảm thông với
ta và đang bầu chữa cho ta trước ngai tòa Thiên Chúa?
Để cho niềm
tin, niềm hân hoan và hy vọng ấy được hiện thực thì không gì hơn chúng ta hãy
nỗ lực làm cho các thực tại trần thế này, từ chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện con
chuyện cái, chuyện nhà cửa đến xã hội quốc gia, chuyện Hội Thánh…được đi vào
vĩnh cửu, bằng chính con tim của ta, một con tim đồng hình đồng dạng với Thầy
chí Thánh, Giêsu Kitô. Nước Trời đã ở giữa chúng ta. Đừng có mãi mê
nhìn trời nhưng hãy làm cho trái đất này và những chuyện của trần thế này mang
giá trị đời đời. Và cách thế tuyệt vời là hãy sống và hoạt động, nghĩa là làm
mọi sự đều nhân danh Giêsu, cứu nhân độ thế.
Lm. Giuse
Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột