Câu chuyện tuần này xin được chia sẻ về chuyến
hành hương viếng Mẹ Măng-đen thay cho phần giáo lý được Đức Thánh Cha trình bày
hằng tuần trong các buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 10 / 5 / 2023 vừa
qua…Lần tiếp kiến chung này, Đức Thánh Cha muốn dành để giới thiệu về nội dung
cuộc phỏng vấn truyền thống trên chuyến bay từ Budapest về Roma sau khi hoàn
thành cuộc Tông Du Hungary của Ngài…
Đi hưu từ ngày 7 / 9 / 2015…và cứ lẩn quẩn
trong hành trình gói gọn từ phòng ngủ đến Nhà Nguyện…rồi Nhà Cơm trong khu vực
nhà Hưu Dưỡng Giáo Phận ở số 2 – đường Hòn Chồng – Nha Trang – Khánh Hòa…cho đến
ngày 13 / 11 / 2011 thì khăn gói đến Nhà Hưu Tấn Tài số 32 Nguyễn Thượng Hiền,
Khu Phố 3, P. Tấn Tài, Phan Rang…với “bài sai” dạng đề nghị chuyển đổi vì suốt
40 năm hoạt động mục vụ là cho bà con các Giáo Xứ thuộc vùng Phan Rang – Ninh
Thuận…Người viết vâng lời dù chỉ là “khẩu lệnh” được trình bày như “những lời khuyên” và do Nhà Hưu Nha Trang gần như hết chỗ mà nhu
cầu có vẻ đòi hỏi hơn…Vậy là thời gian trên
dưới hai năm qua, hành trình từng ngày cũng vẫn là như thế : phòng ngủ -
Nhà Nguyện – Nhà Cơm – và phòng ngủ…Chỉ có điều không phải leo thang, nhưng tất
cả ở trệt…và không gian tản bộ cũng vì thế mà thoáng hơn…Chợt gia đình người
con đỡ đầu có ý muốn hành hương tôn vinh Mẹ Măng-đen…với hành trình cả đi lẫn về
khoảng 1.400 cây số qua các Tỉnh Ninh Thuận – Khánh Hòa – Buôn mê thuật – Kon
tum – Daklak – Pleyku…Chợt muốn thử sức chịu đựng của tuổi sít nút 78 một lần
xem sao…Vậy là với đôi giày vải Runnow của hãng Bi’tishHunter, chiếc ba-lô của
dân phượt chính hiệu, người viết lên đường…
Bò từ 6g sáng …lên tới nơi muốn tới ở Pleyku…là
4g30 chiều…với sự hướng dẫn tận tình của chị “Gu-gồ”, người viết cảm nhận có sự
mỏi mệt nơi mình, tuy nhiên không đến nỗi nào – nghĩa là vẫn còn có thể chịu đựng
được…Nghỉ ngơi một chút rồi dùng cơm tối với sự tiếp đón của cả nhà và một bàn
ăn đầy nhóc những “cây nhà lá vườn” của vùng đất Pleyku…Người viết không thiết
tha bao nhiêu mà chỉ thích chiêm ngưỡng miệng cười của các em người dân tộc mà
cộng đoàn nuôi dưỡng : những miệng cười lúc nào cũng như hoa – nở toét rạng rỡ…Dĩ
nhiên tấm lòng cũng là hoa - rạng rỡ như thế đó…
Hình ảnh những đóa hoa rạng rỡ ấy đi vào giấc
ngủ đêm để rồi sáng hôm sau lại được chiêm ngưỡng nơi những nữ tu Dòng Ảnh Vảy
– Đức Bà Ban Ơn – tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng-đen…
Người viết thăm Mẹ tại Đài – Mẹ vẫn liên tục
ban ơn hay làm phép lạ, bởi dù là ngày thường thôi nhưng vẫn thường xuyên có người
đến với Mẹ và rất nhiều hoa quanh Đài Mẹ…thay cho những lời tạ ơn thầm kín… Người
viết loanh quanh tìm Nhà Nguyện để dâng Thánh Lễ…Ngôi Nhà Nguyện khang trang là
tầng trên của một cửa hàng ảnh tượng cũng như trang phục dân tộc và là sảnh tiếp
khách hành hương…Tại đấy, người viết được một nữ tu người Bahnar – Dòng Ảnh Vảy
tiếp đón với miệng cười rạng rỡ. Chị cho biết hiện tại trong Dòng có các nữ tu
của khoảng bảy, tám sắc tộc khác nhau trên vùng đất cao nguyên…và các chị đều
có thể giao tiếp với nhau hoặc với các vùng mục vụ bằng tiếng bản địa cách thoải
mái…Cho thấy đời tu của các chị - và dĩ nhiên là của cả cánh nam giới – linh mục
triều củng như Dòng – thật là vất vả : vất vả trong hành trình loan báo và vất
vả trong việc có thể diễn tả sứ điệp qua ngôn ngữ của từng cộng đoàn, từng nhóm
người…Người viết mới hiểu được tại sao bản quyến địa phương không mấy mặn mà với
việc tham gia của các vị từ các địa phương khác, bởi – bên cạnh thời gian huấn
luyện chung – thì vẫn còn cần phải có một
linh đạo riêng, lòng nhiệt huyết riêng và niềm hăng say riêng mang tính
“miền ngược” mà không phải ai ai cũng có thể có…
Chị tập sinh người Bahnar cũng cho biết là lúc
ban đầu các chị em tuổi 9X, 10X hay thậm chí là GenZ sau này không biết gì về Đức
Mẹ Ảnh Vảy – mà các bà, các chị ngày xưa ở ngoài Bắc vẫn sốt sắng đeo thường
xuyên trên cổ…và được gọi là Áo Đức Bà…Đấy là tấm ảnh Đức Bà Hay Làm Phép Lạ…Cho
nên Hội Dòng có tên Pháp là “Filles de là Médaille Miraculeuse” – “Dòng Các Chị
Em Đức Mẹ Ảnh Làm Phép Lạ” hay “ Hội Dòng Ảnh Phép Lạ” – tiếng Bahnar là “Um Me
BơXeH”…Hội Dòng được Bản Quyền Địa Phương – Đức Cha Gioan Sion Khâm, đại diện
Tông Tòa Kontum – ban hành sắc lệnh thành lập ngày 6 / 4 / 1947 với sự chuẩn y
của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin…
Người viết ghi nhận thêm về Hội Dòng qua :
-Đặc sủng của Hội Dòng là Truyền Giáo trong Đức Ái
với nội dung : 1 - Các chị xác định công
việc truyền giáo như là biểu lộ cuộc sống tận hiến cho Chúa và là một phương thế
riêng biệt để gặp gỡ Người; 2 – Các chị phải liên kết việc chiêm niệm với nhiệt
tâm truyền giáo, vì nhờ chiêm niệm, họ kết hợp lòng trí với Thiên Chúa và nhờ
nhiệt tâm truyền giáo, họ tham gia vào công cuộc cứu thế mà mở rộng Nước Chúa…
-Sứ mạng của Hội Dòng là nâng cao đời sống vật chất và
tinh thần của dân làng bằng cách dạy giới trẻ, giúp đỡ các bà mẹ, quan
tâm giúp đỡ người nghèo, đặc biệt người dân bản địa của mình, thăm viếng, chăm
sóc bệnh nhân tật nguyền, nuôi trẻ mồ côi và các quả phụ…
Một vài chứng từ về Đức Bà Hay Làm Phép Lạ tại
Măng-đen…
Dĩ nhiên phép lạ thì nhiều, bởi hằng ngày liên
tục có người đến với Mẹ và dâng hoa cho Mẹ…Tuy nhiên do bởi Bản Quyền Địa
Phương cũng như các vị có trách nhiệm chưa vào cuộc nên chỉ là những âm thầm
người này kể lại cho người kia vậy thôi…Người viết nghe rằng có một người ngoài
Công Giáo đã năm năm rồi, không tuần nào mà không đưa vợ con trên chiếc xe ba
bánh của mình đến viếng Mẹ, bởi chị vợ bị ung thư và nhà thương đã bó tay, anh
được mách bảo sao đó nên đến Măng-đen xin Mẹ hái một ít lá cho chị uống…Một thời
gian ngắn thì bệnh chị không còn…Hẳn là một ngày nào đó, các Đấng Bản Quyền sẽ
vào cuộc…
Người viết chỉ xin phép được trình bày chứng từ của Đức Hồng Y Sheen về phép lạ Ảnh Vảy
thực hiện và đã được kiểm chứng…
Ngài kể rằng :
Thời còn là một chủng sinh, tôi là một người khách hầu như thường
xuyên của nhà bệnh... Điều này làm cho tôi thấy nghi ngờ về ơn gọi của mình. Về
mặt tinh thần và đạo đức dĩ nhiên tôi thấy mình
rất vững mạnh, nhưng tôi vẫn không ngừng tự hỏi: liệu sức khỏe quá yếu
kém của mình có là một chướng ngại cho thiên chức linh mục hay không? Tôi thấy
mình quá xấu hổ vì phải thường xuyên đến bệnh xá của chủng viện.
Nhớ lại những gì diễn ra trong buổi chiều ngày 07-10-1953, ngày Ảnh
Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ được đưa tới chủng viện…Vị Hồng Y Tổng giám mục Manila
nói như sau: “Tôi nghe mọi người rời nhà nguyện sau giờ tôn vinh Mẹ để đi vào
nhà cơm dùng bữa tối, khi biết chắc không còn ai trong nhà nguyện nữa. Tôi liền
cố gắng bò xuống khỏi giường và nép vào nhà nguyện.
Tôi quỳ trước ảnh Đức Mẹ được đặt trên bàn thờ và thành tâm cầu
nguyện, rồi tôi viết cho Đức Mẹ một lá thư với nội dung như sau: “Lạy Mẹ, xin
cho con được lành bệnh. Con đưa ra một kỳ hạn: hôm nay là ngày 7 tháng 10, lễ
Đức Mẹ Mân Côi và con đang yếu nhược đây. Nếu đến ngày 27 tháng 11, lễ kính ảnh
Đức Mẹ hay làm phép lạ, mà con vẫn còn bệnh thì con sẽ xem như đó là một dấu
hiệu con không có ơn gọi, con sẽ rời chủng viện và trở về thế gian”.
Viết xong lá thư, người chủng sinh 25 tuổi lấy máu ký tên vào, rồi xếp bức thư lại, đặt dưới tượng Đức Mẹ và trở
về phòng bệnh. Tôi nghĩ rằng: nếu trước ngày 27 tháng 11 mà mình còn lên cơn
suyễn thì đó là dấu hiệu Chúa dùng để nói với mình rằng: Con không có ơn gọi,
và như vậy, mình sẽ phải lên đường về nhà thôi.
Nhưng tháng 10 và tháng 11 trôi qua mà thầy không hề bị lên cơn
suyễn nào. Ngày 3 tháng 4 năm 1954 thầy chịu chức linh mục. Đức Hồng Y Tổng
giám mục Manila cho biết; kể từ ngày viết tối hậu thư cho Đức Mẹ, điều không
thể tưởng tượng được là ngài không còn bị suyễn nữa. Mười ba năm sau, ngài được
tấn phong Giám mục. Khi ngài trở lại chủng viện để dâng thánh lễ, ngài vẫn còn
thấy lá thư dưới bệ bức tượng, với nguyên vết máu mà ngài đã dùng để ký tên vào…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp