Trần Mỹ Duyệt
Trong 4 Thánh Sử,
Mátthêu và Gioan là Tông Đồ, còn lại Marcô và Luca là môn đệ của Tông Đồ.
Mátthêu được Chúa Giêsu tuyển dụng khi đang ngồi thu thuế. Gioan được kêu gọi
theo Chúa lúc đang cùng anh là Giacôbê vá lưới. Luca là y sỹ và môn đệ của
Thánh Phaolô [1]. Ngài cũng được biết đến như là “cộng sự viên” của vị
Tông Đồ Dân Ngoại [2]. Còn Marcô là thư ký, và là người thông dịch của Thánh
Phêrô. Trong một thư của mình, Thánh Phêrô đã âu yếm giới thiệu Marcô là
“con” (1 Peter 5:13).
Như vậy, ngoài ơn linh
ứng của Chúa Thánh Thần, Phúc Âm của Mátthêu và Gioan là tất cả những gì mà các
ngài đã nhìn, xem, nghe, động chạm và chia sẻ với Thầy mình là Chúa Giêsu. Còn
lại Luca và Marcô thì cũng đồng hành, cũng cảm nhận, cũng chia sẻ tâm tư, lòng
nhiệt thành, và sứ mạng của các bậc thầy là những Tông Đồ. Tóm lại, những gì mà
các Thánh Sử viết về Chúa Giêsu, Thiên Chúa nhập thể, Đấng Cứu Chuộc nhân loại
đều đáng được chúng ta tin nhận, yêu mến, suy niệm, và thực hành.
Với Thánh Sử Marcô,
Ngài:
Sinh năm: 12 AD tại
Cyrene, Libya, Shahat, Libya
Qua đời: 25 tháng 4, 68
AD, tại Alexandria, Egypt
Song thân: Aristopolos,
Mary
An nghỉ tại: Saint
Mark’s Coptic Orthodox Cathedral
Bổn mạng: Giới Y Sỹ*
Mừng kính: Giáo Hội Tây
Phương mừng ngày 25 tháng Tư;
Giáo Hội Đông Phương
mừng ngày 24 tháng Chín.
Ngài là anh em họ của
Thánh Barnabas (Colossians 4:10). Ngài cũng được gọi là Gioan (Acts 12:25,
13:5; 13, và 5:37). Trong cuộc hành trình với Phaolô và Barnabas, khi đến
Perga, thủ phủ của Pamphylia Secunda thuộc Roma tại miền Antalya trên Tây Nam
bờ Địa Trung Hại của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, ngài đã rời họ và trở về Giêrusalem.
Biến cố này đã gây ra chia rẽ giữa Phaolô và Barnabas, vì sau đó Barnabas đã
xin Phaolô cho Marcô một cơ hội nữa được đồng hành chung với hai vị, nhưng Phaolô
nhất định từ chối. [3]
Song thân ngài là
Aristopolos và Maria. Truyền thống sau này cho rằng ngài là một trong 72 môn đệ
của Đức Kitô. Theo Hippolytus, cả Barnabas và Marcô đều thuộc “Bảy Mươi Môn Đệ”
được Chúa Giêsu sai đi có ghi trong Phúc Âm Luca (10:1ff). [4]
Mẹ ngài, một góa phụ rất
uy tín và được kính trọng tại Giêrusalem. Bà là chủ một căn nhà lớn đủ để cho
các Kitô hữu hội họp, trong nhà có ít nhất một người hầu. Bữa Tiệc Ly của Chúa
Giêsu và các môn đệ được cho là đã tổ chức tại nhà bà. Marcô có thể đã chứng
kiến một số những sự kiện cuối đời của Chúa Giêsu trong hoàn cảnh này. Ngài
cũng là người được cho rằng đã ở trong Vườn Giệtsimani khi Chúa Giêsu bị bắt.
Sợ bị biết đến và có thể bị tra vấn, nên đã tháo chạy, bỏ lại áo mình rơi vào
tay những kẻ bắt Chúa (Mark 14:51-52). [5]
Sau khi tình cảm giữa
ngài và Thánh Phaolô bị sứt mẻ, Marcô đã đi theo Thánh Phêrô với tư cách là thư
ký và người thông dịch. Thánh Phêrô đã âu yếm giới thiệu và gọi ngài là “con”:
“Hội Thánh ở Babylon cũng được chọn như anh em, và Marcô, con tôi, gửi lời chào
anh em” (1 Peter 5:13). Đây cũng là lý do tại sao Phúc Âm ngài viết sau này
mang tính chất đặc thù của Thánh Phêrô. Là thư ký và người thông dịch,
ngài đã ghi chép lại những bài giảng của Thánh Phêrô về Chúa Giêsu từ
thổ ngữ Aramaic sang tiếng Hy Lạp và Latin.
Trong Sách Khải Huyền
(4:6-8), Thánh Gioan đã nhìn thấy 4 linh vật, gồm sư tử, bò, con người, và
phượng hoàng. Những linh vật này cũng xuất hiện trong Ezekiel, nhưng khác thứ
tự. Nhiều nhà bình luận ngày nay cho rằng, bốn linh vật trong sách Khải Huyền
chính là các đại diện của Thiên Chúa và đại diện thiên đình cho muôn loài do
bàn tay Thiên Chúa tạo thành, và kêu gọi mọi loài thờ phượng Ngài. [6] Tuy
nhiên, trong phần bình luận của mình về Phúc Âm Thánh Mátthêu, Thánh Giêrônimô
đã liên kết mỗi Thánh Ký với một linh vật: Mátthêu, con người; Marcô, sư tử;
Luca, bò; và Gioan là phượng hoàng.
Thánh Marcô được tượng
trưng bằng con sư tử, vì Phúc Âm của ngài bắt đầu bằng việc Thánh Gioan Tẩy Giả
giảng trong hoang địa: “Có tiếng người hô trong hoang địa, ‘Hãy dọn sẵn con
đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi’” (Mark 1:3). Tiếng hô vang
vọng như tiếng sư tử, loài vật mạnh khỏe và oai dũng, tượng trưng cho Chúa
Giêsu sau này. Đó cũng là lý do tại sao khi vẽ hình Thánh Marcô,
luôn luôn có kèm theo hình sư tử.
Qua Phúc Âm của Thánh
Marcô, chúng ta biết rõ hơn về cuộc đời và những lời giảng dậy của Chúa Giêsu
Kitô. Nhờ đó mà chúng ta chạm đến nhiều hình ảnh thường xuyên với màu sắc sống
động của những cảnh trí Phúc Âm. Nó giúp chúng ta hình dung ra những tác động,
cử chỉ và khuôn mặt của Chúa chúng ta. Thánh Marcô là người duy nhất nhắc đến
cơn cám dỗ của Chúa Giêsu với các thú dữ, cảnh Chúa dựa đầu vào gối ngủ trên
thuyền, và Ngài ôm các trẻ em vào lòng. Thánh Marcô cũng chính là người cho
chúng ta biết Chúa đã ngăm đe gió và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!”, nhờ đó
“gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (Mark 4:29). Ngài cũng viết lại những thổ
ngữ Aramaic mà Chúa Giêsu dùng như Ephpheta và Talitha cumi! khi truyền cho người câm
và em bé đã chết để người câm nói được và em
sống lại. [7]
Phúc Âm của ngài hợp lại
với Phúc Âm của Thánh Mátthêu và Thánh Luca gọi là Phúc Âm nhất lãm. Nội dung
của ba Phúc Âm này có những chi tiết và tư tưởng giống nhau. Các nhà học giả
Thánh Kinh nhận ra rằng dàn bài của cả ba Phúc Âm giống nhau, có thể đối chiếu
khi xếp các chương, các câu thành ba cột song song. Hơn 3/4 nội dung Phúc
Âm Thánh Marcô có trong Phúc Âm Thánh Mátthêu, và phần lớn cũng tương tự trong
Phúc Âm Thánh Luca. Phúc Âm nhất lãm hoàn toàn khác với Phúc Âm của Thánh
Gioan. [8]
Về hành trình truyền
giáo của ngài, Tông Đồ Công Vụ 15:39 đã kể lại rằng Thánh Marcô đã đến Cyprus
cùng với Thánh Barnabas sau Công Đồng Giêrusalem. Theo truyền thống thì năm 49
AD, vào khoảng 19 năm sau khi Chúa Giêsu về trời, Thánh Marcô đã đến Alexandria
và thành lập Giáo Hội tại đó. Ngày nay Giáo Hội Chính Thống Coptic, Giáo Hội
Chính Thống Hy Lạp, và Giáo Hội Công Giáo Coptic đều bắt nguồn từ Giáo Đoàn
Alexandria nguyên thủy của ngài. Thánh Giêrôme nói về Thánh Marcô như tổ
phụ của những ẩn sỹ nhiệm nhặt, chay tịnh tại các sa mạc Ai Cập. Ngài cũng là
người được cho là đầu tiên thiết lập một trường Kitô giáo mà hoa trái sau này
là nhiều tiến sỹ và giám mục.
Sau nhiều năm cai quản
giáo đoàn, Thánh Marcô một ngày kia bị bắt bởi những kẻ thù ghét, bị trói bằng
giây thừng vào những tảng đá và quẳng vào ngục. Hôm sau liên tiếp bị roi đòn,
tra tấn, và sau khi được an ủi nhờ thị kiến thấy các thiên thần, và nghe tiếng
Chúa Giêsu, ngài đã an nghỉ trong vinh quang Thiên Quốc, thọ 56 tuổi. [9] Cũng
có tài liệu cho rằng, những người ngoại giáo vùng Serapis (the Serapion-Abbis
Greek Egyptian god) đã buộc ngài vào đuôi ngựa, kéo ngài qua các đường phố
Alexandria trong hai ngày cho đến khi thân xác ngài bị xé thành nhiều mảnh. Lý
do vì ngài khuyên họ từ bỏ những tà thần của họ. [10]
Lạy Thánh Marcô, mỗi khi
con đọc và suy niệm về cuộc đời của Chúa Giêsu trong Phúc Âm của ngài. Xin cho
con nhìn thấy hình ảnh Con Người của Chúa Giêsu trước trong tâm trí, và suy
ngắm mọi việc phát ra từ môi miệng Ngài. [11]
____________
Tài liệu tham khảo:
* Ngoài ra, cũng có
tài liệu cho rằng ngài là bổn mạng của: những công chứng tòa án, luật sư, biện
lý, tù nhân...
1. https://en.wikipedia.org ›
wiki › Luke_the_Evangelist
2. https://www.britannica.com ›
biography › Saint-Luke
3. https://en.wikipedia.org ›
wiki › Perga
4. https://www.britannica.com/biography/Saint-Mark-the-Evangelist
5. https://www.episcopalchurch.org/glossary/mark-the-evangelist-saint/
6. https://en.wikipedia.org ›
wiki › Living_creatures_(Bible)
7. https://sanctoral.com/en/saints/saint_mark_evangelist.html
8. https://www.wikiwand.com/vi/Ph%C3%BAc_%C3%82m_Nh%E1%BA%A5t_L%C3%A3m
9. https://sanctoral.com/en/saints/saint_mark_evangelist.html
10. https://en.wikipedia.org ›
wiki › Mark_the_Evangelist
11. https://sanctoral.com/en/saints/saint_mark_evangelist.html