Đấy là khẳng định được lấy ra từ huấn dụ của Đức
Thánh Cha trước khi cùng với mọi người dâng kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa
Chúa Nhật ngày 24/4 – Chúa Nhật cuối Tuần Bát Nhật mừng Chúa Sống Lại năm 2022
này…
Dựa vào câu chuyện giữa Chúa Giêsu và ông Tôma
Điđimô, Đức Thánh Cha huấn dụ về chủ đề “Từ
ngờ vực trong đức tin đến lòng tín thác nơi Chúa”, và Ngài đã có câu khẳng
định ấy : Đức Giê-su – Đấng Sống Lại – Người không sợ những khủng hoảng và yếu đuối
của con người – từng cá nhân và cả cộng đồng nhân loại…
Đức Thánh Cha bảo rằng giữa Đức Giêsu và Tôma –
người môn đệ vắng mặt trong lần hiện ra đầu tiên của Đấng Sống Lại với Nhóm và ở
lần hiện ra thứ hai này thì có mặt – đã có với nhau “một cuộc đối thoại đẹp”…
Cuộc đối thoại ấy đẹp ra sao và đẹp như thế
nào…thì Tin Mừng thánh sử Gioan ghi lại và được công bố trong Thánh Lễ Chúa Nhật
tôn vinh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa – CN II/PS vừa qua…và hầu như mọi người
tin đều đã rõ từng câu, từng chữ, đồng thời cũng có chút chút nghĩ ngợi về thái
độ của Ông Tôma có phần nào cũng là thái độ của chính mình khi này/khi khác…
Và Đức Thánh Cha muốn cùng chúng ta tham gia cuộc
đối thoại này bằng việc học hỏi cả nhân vật Tôma lẫn Đức Giêsu – Đấng Sống Lại…
*Trước tiên Đức Thánh Cha nói về Tông Đồ
Tôma…Ngài cho rằng Ông “đại diện cho tất
cả chúng ta” – “những người không có
mặt trong Nhà Tiệc Ly khi Chúa hiện ra”…ở mọi thời đại…từ ngày Chúa về trời
cho đến hôm nay…và – vì “chúng ta cũng
không có những dấu hiệu thể lý hay lần hiện ra nào khác từ Người”…cho nên –
chung cùng một não trạng hoài nghi như Tôma – có vẻ như đôi khi chúng ta vẫn có
và vẫn còn những tranh cãi – hoặc là
công khai hoặc chỉ là những nghĩ ngợi thầm kín trong lòng mình - về một loạt những
vấn đề như : “Làm thế nào mà người ta có
thể tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại, rằng Người đồng hành với chúng ta và Người
là Chúa của cuộc sống chúng ta dẫu không thấy hay chạm được vào Người ? Làm thế
nào mà người ta có thể tin vào điều này? Tại sao Chúa Giêsu không cho chúng ta
một số dấu hiệu rõ ràng hơn về sự hiện diện và tình yêu của Người? Một vài dấu
hiệu nào đấy giúp tôi có thể tin tưởng hơn?”…
Quả thật là đã từng có khá nhiều lần những câu hỏi
ấy xuất hiện trong những trao đổi bạn bè hay riêng tư một mình mình với trích
đoạn Tin Mừng này…
Đức Thánh Cha cho biết : Nếu những câu hỏi ấy đã
từng được nêu lên trong bất cứ hoàn cảnh nào…thì “chúng ta cũng không cần xấu hổ” khi có vẻ như “yếu tin !” hoặc thậm chí “không
tin !”…Tại sao vậy ?
- Bởi vì “Chúa
Giêsu không tìm kiếm những Kitô hữu hoàn hảo… Chúa Giêsu không tìm kiếm những
Kitô hữu vốn là những người không bao giờ nghi ngờ và luôn khoe khoang về đức
tin của mình”…
- Bởi vì mọi “cuộc
phiêu lưu đức tin - như đối với Tôma - đều được tạo nên từ ánh sáng và mờ tối […]
Nó cho thấy có những giây phút an ủi,
hăng hái và nhiệt tình, nhưng cũng có những lúc mệt mỏi, hoang mang, nghi ngờ
và tăm tối”…
- Và bởi vỉ - qua trải nghiệm đức tin của Tôma -
Tin Mừng cho chúng ta thấy sự “khủng
hoảng” đôi khi xảy ra trong đời sống
đức tin…thì “không phải là tội lỗi, nhưng là cuộc hành trình”…Những
khủng hoảng ấy khiến chúng ta nên “khiêm
tốn”hơn , bởi không còn nữa nơi mình não trạng thấy yên ả trong đời sống Đạo cũng như sự bằng
lòng với cảm nhận mình có vẻ tốt hơn người khác, mạnh hơn người khác…
*Kế đến, Đức Thánh Cha muốn cùng chúng ta chiêm
ngắm Đức Giêsu – Đấng Sống Lại – trong cuộc trao đổi này :
-Tiên vàn, Đức Giê-su “không bỏ cuộc, không mệt mỏi với chúng ta ” ! Tôma vắng mặt, chúng
ta vắng mặt, cộng đồng con người vắng mặt –thậm chí không thèm đếm xỉa tới –
thì Đức Giêsu Kitô vẫn cứ đến – “đến lần
đầu tiên, rồi lần thứ hai, tám ngày sau”…và sẽ còn đến mãi qua sự hiện diện
của Giáo Hội cũng như của mỗi người tin trong “hành trình chứng tá” của chúng ta – cá nhân cũng như cộng đồng…
-Đức Giê-su trở lại với chúng ta “không bằng những dấu hiệu mạnh mẽ khiến
chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé và bất xứng cũng như hổ thẹn, mà bằng những vết thương của Người”,
bởi những vết thương trên thân thể Đấng Phục Sinh khi Người trở lại với chúng
ta…chính là “những dấu chỉ của tình yêu đã ôm lấy sự yếu đuối của chúng ta”…
- Cụ thể là “những
khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi hay khủng hoảng…thì Đức Giêsu – Đấng Sống Lại –
Người mong muốn trở lại để ở với chúng ta…Người chỉ đợi chúng ta tìm kiếm Người,
ỉ ôi với Người…và – thậm chí cũng giống như Tôma – chúng ta có thể phản đối Người
khi trút cho Người mọi đòi hỏi cũng như sự không tin tưởng của chúng ta…Người sẽ trở lại…”
- Tại sao ? “Bởi vì Người kiên nhẫn và nhân từ…Người đến để mở toang căn phòng của nỗi hãi
sợ và sự hoài nghi của chúng ta…Bởi vì
Người luôn muốn cho chúng ta một cơ hội khác…Đức Giê-su là Đấng luôn muốn trao những cơ hội khác…”
- Và Đức Thánh Cha xin mỗi chúng ta hãy nghĩ lại
về lần cuối cùng mỗi chúng ta đã để cho mình hãi sợ và hoài nghi…khi – do khủng
hoảng hay khó khăn – chúng ta đã “tự khép
mình, tự rào mình trong những vấn đề của mình…và để cho Chúa Giêsu rời khỏi”…Nhớ
và nghĩ về lần cuối cùng ấy…để rồi “hãy tự
hứa với mình : lần sau, trong khó khăn, chúng ta sẽ kiếm tìm Chúa Giêsu, năn nỉ
Người trở về và ở với chúng ta, năn nỉ sự tha thứ của Người”…Người sẽ làm cho
những vết thương của chúng ta được lành lặn…”
- Thế rồi – qua trải nghiệm sâu đậm của Ơn Tha
Thứ từ Chúa – “chúng ta sẽ có khả năng
thương cảm, đến gần vết thương của người khác…mà không cứng nhắc và không thành
kiến”…
Phần lớn trong chúng ta – giáo dân cũng như giáo
sĩ – không là những nhà chuyên môn trong nhiều lãnh vực như Kinh Thánh, như Phụng
Vụ…Dĩ nhiên hàng giáo sĩ thì “chuyên môn” hơn, nhưng chỉ là “nhỉnh” hơn bà con
tín hữu để có thể rao giảng và giúp đỡ bà con sống đức tin hằng ngày…Người viết
nói thế là vì mới đây tình cờ được đọc “bộ” Hồi Ký đồ sộ của một Đấng Bậc vị vọng
trong nhiều lãnh vực…và quá thích thú với một chi tiết chú giải Kinh Thánh của
Cha Nguyễn Thế Thuấn trong câu chuyện về “Người
Cha Nhân Hậu” mà ngày xưa được gọi là dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” trong Tin Mừng thánh sử Luca, chương 15…Cái
chi tiết ấy là về “con bê béo” để mừng
cậu Ba “trở về lại NHÀ CHA” sau những năm tháng hoang đàng để tiêu xài
cho hết số tài sản xin chia phần mình…Ngài bảo rằng: nếu chỉ dịch đơn giản là “con bê béo”…thì chưa lột hết ý nghĩa
nguyên bản…mà phải dịch là “con bê được vỗ béo”…Tuyệt quá ! “Con
bê được vỗ béo” ấy…cho thấy là ngay từ khi cậu Ba xách túi tài sản được
chia ấy rời NHÀ CHA…thì người CHA không những mong con mình sẽ trở lại…mà còn biết
chắc chắn là anh ta sẽ trở lại…nên quyết định hằng ngày vỗ béo con bê
trong chuồng, còn mình thì tựa cửa mà chờ, mà đợi…Từ “con bê béo”…cho đến “con bê
được vỗ béo”…là cả một “trường ca bất
tận về tình PHỤ TỬ” : nó diễn tả sự
tha thiết của Thiên Chúa với con người – từng cá nhân và toàn thể cộng đồng – bắt
đầu ngay từ thủa đầu Tạo Dựng…cho đến mãi mãi về sau…và từng ngảy Thiên Chúa là
Cha – ngoài việc dùng mọi cách để gọi mời – thì Người còn thể hiện “tấm
lòng CHA” của mình – không phải là chuyện vỗ béo vật này vật kia để bày
tỏ - nhưng là hiến dâng chính NGƯỜI CON trong hiến tế “Chết-Sống Lại” để đón và chào từng “đứa con hoang đàng” với túi tài sản rất riêng, nhưng lại dùng vào
những chuyện gây khốn khổ cũng như khốn cùng cho chính mình và cho anh chị em
minh…
Ngày thứ hai đầu tuần Tám Ngày Mừng Lễ Phục Sinh
– thứ hai 18/4 vừa qua - Đức Thánh Cha cũng có những suy tư về những lần hiện ra ngay sau khi sống lại của Đức
Giêsu Kitô (x.Mt 28, 8 – 15), và Ngài muốn chúng ta cùng chia sẻ với Ngài đôi điều :
*Đầu tiên là câu nói rất khuyến khích của Chúa :
“Đừng
sợ !”…và Đức Thánh Cha dạy rằng : “Đức
Giêsu – Đấng chiến thắng sự chết – mời gọi chúng ta cùng với Người ra khỏi
“ngôi mộ sợ hãi” của chính mình, bởi vì nỗi hãi sợ từng ngày cũng tương tự như
những ngôi mộ chôn vùi chúng ta ! Đừng sợ - Hãy can đảm lên…Anh chị em – những
người tin vào Đức Kitô Phục Sinh - đừng
sợ ! Chúa Giêsu nói với bạn : “Ta đã trải qua cái chết cho con…Ta đã mang tội của
con trên mình…Bây giờ Ta sống lại để nói với con :Ta ở đây, với con , mãi mãi…Đứng
sợ !”…
* Kế đến là lời khẩn xin của Chúa với mỗi người
tin : Hãy di báo – báo tin cho mọi người
về việc Người đã sống lại…Chúa Giêsu làm cho chúng ta phải ra đi khỏi chính
mình, khỏi nỗi hãi sợ ám ảnh mình…để đến và báo cho người khác về Tin Mừng Sống
Lại bằng lời và bằng niềm tin của mỗi chúng ta…
*Và cuối cùng là thứ tin giả do những người xấu
bung tiền ra nhằm che khuất và che lấp sự thật của biến cố Phục Sinh…Đức Thánh
Cha dạy rằng : “Tiền bạc làm vấy bẩn tất
cả, phá hoại tất cả, đóng cửa lại với Ơn Cứu Độ…Điều này xảy ra ở mọi nơi trong
đời sống hằng ngày…Anh chị em thân mến, chúng ta phải phẫn nộ khi – qua truyền thông xã hội đây đó
– chúng ta phát hiện ra sự giả dối cả trong cuộc sống con người lẫn cuộc sống
xã hội”…Tuy nhiên điều cực kỳ quan trọng là “ chúng ta cũng phải vạch mặt chỉ
tên những giả dối ở ngay bên trong chúng ta…Chúng ta hãy đặt những bóng mờ giả
dối trong chúng ta trước ánh sáng của Chúa Giêsu Phục Sinh…Người muốn đưa những điều ẩn khuất ra ánh
sáng để làm cho mỗi chúng ta trở thành những nhân chứng trong suốt và sáng ngời
về Niềm Vui của Tin Mừng, về sự giải thoát chúng ta” (x. Ga 8,32)…
Và Đức Thánh Cha kết thúc suy tư và giáo huấn của
Ngài bằng việc hướng về Đức Maria :
Xin
Mẹ Maria – Mẹ Đấng Phục Sinh – giúp chúng con chiến thắng nỗi hãi sợ và cho
chúng con lòng say mê chân lý…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp