Lễ
Kính Lòng Thương Xót Chúa (Divine Mercy)
24 April
2022
Trần Mỹ Duyệt
Thương xót
(mercy), theo tự điển Anh-Việt của Nguyễn Văn Khôn dịch là:
Lòng thương
người, thương hại, thương xót, lân ái, từ bi.
Theo Longman
Dictionary of American English. New Edition định nghĩa:
Mercy:
kindness, pity, and a willingness to forgive.
Nhưng những
định nghĩa trên, chỉ diễn tả về các hành động mà con người có thể làm để bày tỏ
sự cảm thông, chia sẻ, hoặc an ủi với những mất mát, đau thương, buồn phiền của
nhau. Nó chú trọng nhiều đến lãnh vực thể lý, tâm lý, hoặc vật chất. Nhưng khi
nói đến Lòng Thương Xót Chúa (Misericordia, Mercy,
Miséricorde) là nói về một hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa đối với nhân
loại.
Trong Cựu Ước,
dân Isarel cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, vì
Ngài luôn chung thủy, thương yêu, tha thứ sau mỗi lần họ phạm tội và từ bỏ Ngài
(x. Is 54,8-10)…Trong Tân Ước, Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa
giàu lòng thương xót… [1]
Ở thời đại
chúng ta hôm nay, trước bao nỗi thống khổ tinh thần cũng như thể xác. Trước bao
bất hạnh, bất công, chết chóc, và đau thương mà con người gây ra cho nhau.
Trước bao tiếng kêu cầu của những tâm hồn nhỏ bé, đơn sơ, và nghèo khó vọng tới
trời cao, khiến Thiên Chúa đã trả lòng Ngài bằng cách mở rộng trái tim của Chúa
Giêsu. Trái tim không ngừng đập. Trái tim đã bị đâm thâu vì tội lỗi con người,
để nhân loại chạy đến tìm nơi nương náu. Lòng Thương Xót Chúa (The Divine
Mercy) là một hành động biểu lộ tình thương, lòng từ bi của Thiên Chúa, một ân
huệ được đặt trên sự tín thác và lòng khoan nhân. Theo thần học Kitô giáo, nó
xuất phát từ lòng sùng kính đã được Chúa Giêsu mặc khải khi hiện ra với Thánh
Nữ Faustina Kowalska.” [2]
Lòng Thương
Xót Chúa là gì?
Lòng Thương này
khác với cách nói và lối diễn tả của con người. Để hiểu được lòng thương này,
chúng ta phải để mình “rơi” vào vực thẳm tình yêu của Thiên Chúa. Phải bước ra
từ cung lòng Ngài, như một đứa trẻ được sinh ra từ lòng người mẹ.
Âm “cha” trong
chữ “ra-cha-mim” được phát âm giống như tiếng Tây Ban Nha “ja”
của chữ “Jalapeño.” “Ra-cha-min” là danh từ, nhưng nó cũng có thể được
dùng như một động từ, thường xuyên trong các lời cầu nguyện. Khi là động từ, nó
được phát âm: “ra-chem”, - “xin thương xót”.
Trong tiếng Do
Thái, rachem, có nghĩa là dạ con, tử cung của người phụ nữ. Nó tượng trưng một
tình yêu không biên giới của người mẹ dành cho con mình. Một tình yêu xuất phát
từ thẳm sâu lòng bà. Điều này, đặc biệt, khiến cho phái nam phải học và kính
trọng thiên chức làm mẹ của phái nữ. Nó cũng giúp thêm để mọi người có kinh
nghiệm thế nào về lòng thương xót.
“Ra-chem,” còn
mang ý nghĩa như một lệnh truyền, đòi hỏi hoặc ra lệnh từ người khác. Như vậy,
khi “cầu xin” lòng thương xót Chúa, không chỉ là kêu cầu Chúa, mà một hình thức
nào đó, ta “buộc” Chúa phải nhìn đến chúng ta. [3]
Chính Thiên Chúa đã mặc khải những chi tiết trên để cho biết Ngài yêu
thương nhân loại như thế nào? Và lòng Ngài thổn thức ra sao khi nhắc đến chúng
ta:
“Ép-ra-im
có phải là đứa con Ta yêu dấu,
Một đứa con
Ta rất mực mến yêu?
Vì mỗi lần
nhắc tới nó,
Ta lại thấy
nhớ thương,
nên lòng Ta
bồi hồi thổn thức,
Ta thương
nó, thương nó thật nhiều, - sấm ngôn của Đức Chúa.” (Jeremiah 31:20) [4]
Tóm lại, khi
nói về lòng thương xót Chúa. Chúng ta không chỉ hiểu đó
là một tình yêu phát xuất từ trái tim, đặc biệt, trái tim bị đâm thâu trên
thánh giá của Chúa Giêsu, mà còn cần hiểu thêm rằng, tình yêu này đã và đang
cưu mang, nuôi dưỡng, bao bọc, và sinh ra chúng ta. Đây là một tình yêu bao gồm
cả tâm lý, thể lý, và tâm sinh lý. Thiên Chúa khi tuôn đổ và ban lòng thương
xót của Ngài cho nhân loại. Ngài muốn cho chúng ta hiểu rằng, Ngài không còn gì
hơn để làm, cũng như để bày tỏ lòng Ngài với nhân loại.
Chỉ có Thiên Chúa
mới thấu hiểu và lột tả được vực thẳm “xót thương” vì Ngài là Thiên Chúa của
tình thương. “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Gioan 4:8)
Ngài là người
khách thương dấu mặt luôn luôn quan tâm, lo lắng không chỉ linh hồn, mà cả thân
xác và những nỗi nhọc nhằn của chúng ta. Ngài có đó khi tất cả mọi người quay
lưng và bỏ rơi chúng ta. Câu truyện được kể trong Phúc Âm Thánh Luca
(10:25-37), về một người đi từ Giêrusalem tới Giêricô, giữa đường bị cướp trấn
lột và đánh nửa sống, nửa chết. Có thầy tư tế và thầy Levi cả hai bất ngờ đi
qua con đường, và cả hai đều nhìn thấy cảnh tượng này, nhưng lần lượt cả hai đã
bỏ đi. Cuối cùng có một người Samarita đi qua, ông đã thấy và đã ra tay giúp
đỡ. Trước hết ông xuống ngựa, lau sạch các vết thương bằng dầu và rượu. Sau đó đã
vực nạn nhân lên ngựa đến một quán trọn gần nhất, ông đã chi trả trước số tiền
cần thiết cho chủ quan để ông này chăm sóc cho người bị cướp, ngoài ra còn dặn
rằng, với số tiền ứng trước đó nếu thiếu hụt bao nhiêu, khi về ông sẽ hoàn trả.
Đối với nhân loại
bị thương tích - do Satan kẻ cướp giật các linh hồn - thì Chúa Giêsu chính là
người thương gia của Chúa Cha đi ngang qua trần gian. Người là kẻ ngoại, có
nghĩa là đến từ trời. Người không phải là những người Do Thái theo nghĩa cùng
đồng chủng loại với chúng ta. Người đã xuống khỏi ngựa (ngai trời), rửa sạch
những vết thương tội lỗi bằng dầu và rượu vô cùng quí giá là máu và nước của
Người chảy ra từ trái tim bị đâm thâu, băng bó những vết thương đó bằng chính
tình yêu của Người. Quán trọ là Giáo Hội. Người đã đem chúng ta về với nhà của
mình, trong vòng tay Cha nhân hiền trên trời.
Và cũng qua đó,
Chúa Giêsu mặc khải cho nhân loại về tình thương vô biên của Thiên Chúa. Người
đã cưu mang nhân loại tội tình trong trái tim nhân từ của Người. Người muốn
chúng ta nhìn nhận ra ơn huệ cao quý này cho phần rỗi của mỗi người, phần rỗi
chung nhân loại. Chúa nhật II sau Phục Sinh là một ghi nhớ đó.
Lễ kính Lòng
Thương Xót Chúa:
Trong một mặc
khải, Chúa Giêsu đã nói với nữ tu Faustina: (Diary entry 699):
“Các linh
hồn đừng sợ đến gần Cha, ngay cả khi tội lỗi nó đỏ tươi như máu. Lòng thương
xót Cha rộng rãi vô biên đến nỗi trí khôn của con người hoặc của thiên thần
cũng không có thể đo lường được. Mọi thụ tạo đều phát sinh từ những vực sâu
thẳm của lòng thương xót rất mực dịu dàng của Cha. Những linh hồn mật thiết với
Cha sẽ suy niệm tình yêu và lòng thương xót Cha đến muôn đời. Lễ Kính Lòng
Thương Xót xuất phát từ những tầng sâu thẳm dịu dàng của Cha. Cha mong muốn lễ
này được cử hành vào Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh. Nhân loại sẽ không được bình
an cho đến khi chúng quay về Suối Nguồn Tình Thương của Cha”.
[5]
Trong suốt 14
lần (1905-1938). hiện ra với nữ tu Maria Faustina Kowalska, Chúa Giêsu đều ao
ước thánh lễ này được thiết lập. Danh hiệu Chúa Nhật Lòng Thương Xót (Divine
Mercy Sunday) đã làm nổi bật ý nghĩa sau lễ Phục Sinh. Theo nữ tu Faustina, Lễ
Lòng Thương Xót đón nhận những lời hứa rất đặc biệt từ Chúa Giêsu. Một trong
những lời hứa dành cho những ai có lòng tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa, là linh
hồn đó sẽ được về Thiên Đàng ngay sau khi chết mà không phải qua Luyện
tội.
Ý tưởng thực
hiện một dấu chỉ tình yêu đã đến, đặc biệt trong thời đại con người đang chìm
đắm, hít thở bầu không khí của “nền văn minh sự chết.” Đức Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II thiết lập lễ này nhân dịp Ngài tuyên phong hiển thánh cho nữ tu
Faustina vào ngày 30 tháng Tư, 2000. Và vào ngày 22 tháng Tư 2001, một năm sau
khi thiết lập Chúa Nhật Lòng Thương Xót, Ngài đã tái nhấn mạnh sứ điệp của mình
trong thông điệp Phục Sinh:
“Ngày kia, Chúa
Giêsu đã nói với Thánh Faustina: “Nhân loại sẽ không được bình an, cho đến khi
họ quay về với lòng tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa”. Lòng Thương Xót Chúa!
Đây là một hồng ân Phục Sinh mà Giáo Hội nhận lãnh từ Chúa Giêsu sống lại và
trao ban cho nhân loại”.
Phụng vụ cử
hành Thánh Lễ Kính Lòng Thương Xót khởi đầu bằng lời nguyện: “Lạy Cha trên trời
và Thiên Chúa của Lòng Thương Xót. Chúng con không còn tìm kiếm Chúa Giêsu
trong kẻ chết, vì Người đã sống lại và đã trở thành Chúa của Sự Sống.” Lời cầu
nguyện này liên quan đến tình thương Thiên Chúa như căn bản chính yếu trong dự
án cứu độ của Thiên Chúa và nhấn mạnh niềm tin tưởng rằng qua tình thương mà
Thiên Chúa đã ban Con duy nhất của Ngài để cứu chuộc nhân loại, sau sa ngã của
Adam. [6]
Như lời Người
đã hứa, Chúa Giêsu đã đưa về trời người nữ tu nhỏ bé Faustina, đã vinh danh
người nữ tu này trên bàn thờ. Và người đầy tớ sốt sắng, hăng say, nhiệt tình
với sứ điệp tình thương của Người là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng được Người
biệt đãi: qua đời tháng Tư 2005 trong chiều vọng Chúa Nhật Lòng Thương Xót.
Ngài được tuyên phong Chân Phước vào Chúa Nhật Lòng Thương Xót, 1 tháng Năm
2011 bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, vị kế nhiệm Ngài, và được tôn phong Hiển
Thánh cùng với Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII cũng vào ngày Chúa Nhật Tình Thương
Xót, 27 tháng Tư, 2014 bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô. [7]
____________
Tham khảo:
1. Lòng
Thương Xót. Từ Điển Công Giáo. 500 mục từ, tb lần thứ 1 có sửa chữa. Nhà
xuất bản Tôn Giáo.
2. https://en.wikipedia.org › wiki ›
Divine_Mercy. Divine Mercy - Wikipedia
3. https://hebrew.jerusalemprayerteam.org ›
Blog. Hebrew Word of the Day - Mercy, compassion, womb
4. Bản dịch của KINH THÁNH Trọn Bộ
CỰU VÀ TÂN ƯỚC, 1998
5. Diary entry
699
6. A
Divine Mercy Resource by Richard Torretto 2010 ISBN 1-4502-3236-1 pages
58-59
7."Pope
paves way to beatification of John Paul II". bbc.news.co.uk. January 14, 2011. Retrieved
2011-01-14