Veronique Westerloppe
Kinh thánh là câu chuyện về Giao Ước giữa Thiên Chúa và loài người. Câu
chuyện về một Thiên Chúa yêu thương con người vô bờ bến và câu chuyện về con người,
là những người không bao giờ được phép quên Giao ước mà Thiên Chúa muốn ký kết
với họ mãi mãi. Thiên Chúa không mệt mỏi hồi sinh dân tộc của mình và đổi mới kế
hoạch liên kết của Ngài với họ. Những bản trình thuật trong Cựu Ước làm chứng
cho điều này. Với sự xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô, trong Tân Ước, Thiên Chúa
đích thân đến gặp gỡ nhân loại để ký kết với họ một Giao ước mà lần này là dứt
khoát và vĩnh cửu.
Kinh thánh, nơi gặp gỡ Thiên
Chúa
Tin vào Thiên Chúa là chuyện khá đơn giản, chỉ cần nói “đồng ý” với sự Liên
kết này: tìm kiếm Thiên Chúa và chuẩn bị sẵn sàng để đón chào Ngài. Kinh thánh
là nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Đó là sự nuôi dưỡng cần thiết cho đức tin. Nhưng bắt
đầu từ đâu?
Chúa Giêsu nói: “Ai thấy Ta là thấy
Cha” (Gioan 14: 9). Như vậy, mỗi cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, mỗi lời nói, mỗi
hành động của Ngài đều nói lên điều gì đó về Thiên Chúa. Do đó, những câu chuyện
của các thánh sử trong các sách Tin Mừng là cửa ngõ để khám phá Thiên Chúa qua Chúa
Kitô.
Lấy ví dụ câu chuyện của người phụ nữ Samaria (Gioan 4). Chúa Giêsu xin chị
ấy cho uống nước “Chị cho tôi xin chút nước
uống!” (Gioan 4: 7). Chúa Giêsu khao khát được gặp cô ấy! Đổi lại, cô ấy
xin Ngài ban cho nguồn nước tạo nên sự sống vĩnh cửu mà Chúa Kitô đã nói “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để
tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” (Gioan 4: 15). Chúa Kitô soi
sáng mọi ngõ ngách của cuộc đời chị, chị đã có 5 đời chồng “Chị nói: "Tôi không có chồng" là
phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải
là chồng chị. Chị đã nói đúng” (Gioan 4: 17)…Chị không cảm thấy bị phán xét
mà ngược lại nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ. Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Ngài đến, Ngài sẽ
loan báo cho chúng tôi mọi sự. Đức Giêsu nói: "Đấng ấy chính là tôi, người
đang nói với chị đây ” (Gioan 4: 19, 25), là Đấng làm cho chị đứng dậy, chuyển
hướng cuộc đời đi theo sự sống mạnh mẽ hơn, khiến con người lớn lên, hướng tới sự
thật hơn, được biến đổi “Người phụ nữ để
vò nước lại, vào thành và nói với người ta: "Đến mà xem: có một người đã
nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”
(Gioan 4: 28), và vui mừng làm chứng loan báo Tin Vui cho những người khác “Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin
vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi
đã làm. Vậy, khi đến gặp Ngài, dân Samari xin Ngài ở lại với họ, và Ngài đã ở lại
đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người
phụ nữ: "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính
chúng tôi đã nghe và biết rằng Ngài thật là Đấng cứu độ trần gian.” (Gioan
4: 39-42).
Và Giakêu, một người thu thuế bất lương, đã leo lên cây của mình để gặp
Chúa Giêsu “Sau khi vào Giêrikhô, Đức
Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu
những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức
Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền
chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua
đó” (Luca 19:1-4). Khi Chúa Giêsu gọi ông ta và ghé về nhà của ông “Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Ngài nhìn lên và
nói với ông: "Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà
ông!” (Luca 19:5), ông đã lấy lại được phẩm giá của mình “Đức Giêsu mới nói
về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến
cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để
tìm và cứu những gì đã mất” (Luca 19: 9-10). Tất nhiên, ông có giá trị nhiều
hơn tội lỗi của mình “…mọi người xầm xì với
nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! ” (Luca 19: 7).
Phêrô, người đầu tiên trong số các tông đồ, cũng cảm nghiệm được lòng
thương xót của Thiên Chúa qua Chúa Kitô. Ông đã chối Chúa Giêsu ba lần “Họ bắt Đức Giêsu, điệu Ngài đến nhà vị thượng
tế. Còn ông Phêrô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với
nhau, thì ông Phêrô đến ngồi giữa họ. Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ
gái nhìn ông chòng chọc và nói: "Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!
" Ông liền chối: "Tôi có biết ông ấy đâu, chị " Một lát sau, có
người khác thấy ông, liền nói: "Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!
" Nhưng ông Phêrô đáp lại: "Này anh, không phải đâu! " Chừng một
giờ sau, có người khác lại quả quyết: "Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy,
vì bác ta cũng là người Galilê ." Nhưng ông Phêrô trả lời: "Này anh,
tôi không biết anh nói gì! " Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa
quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: "Hôm nay, gà chưa kịp
gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết”
(Luca 22:54-62), nhưng Chúa Kitô sau khi
phục sinh cũng đã ba lần mời gọi ông làm người chăn bầy chiên của Ngài “Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông
Simôn Phêrô: "Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em
này không? " Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy
." Đức Giêsu nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy ." Người
lại hỏi: "Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không? " Ông
đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy ." Người nói:
"Hãy chăn dắt chiên của Thầy ." Người hỏi lần thứ ba: "Này anh
Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không? " Ông Phêrô buồn vì Người
hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không? " Ông đáp: "Thưa Thầy,
Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy ." Đức Giêsu bảo:
"Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Gioan 21:15-17), nghĩa là lãnh đạo Giáo
hội của Ngài.
Như vậy, mỗi cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đều cho thấy một phần nào đó
tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
Cuộc hẹn của Thiên Chúa
với mỗi chúng ta
Madeleine Delbrêl (1904 - 1964), đã từng là một người vô thần, trở thành
giáo hữu, và truyền giáo cho các giới theo chủ thuyết Marxist, đã viết: “Tin Mừng không phải là một cuốn sách giống
như bất kỳ cuốn sách nào khác. Tin Mừng giống như một cuộc hẹn với Chúa Kitô mà
Ngài dành cho mỗi người chúng ta, cho đến tận cùng thời gian; một cuộc gặp gỡ
giữa người với người, giữa một trái tim với trái tim, thân tình, cụ thể… Tin Mừng
được viết ra trước hết không phải để chúng ta đọc mà thôi mà còn để chúng ta đón
nhận”.
Trong bốn thánh sử, thánh Luca là người tường thuật nhiều nhất và có lẽ
là dễ hiểu nhất. Thánh Máccô, tường thuật ngắn nhất. Thánh Gioan, biểu tượng nhất
và Thánh Mátthêu là người mượn nhiều tài liệu tham khảo nhất từ các sách Cựu
ước.
Nhưng một cách tổng quát, Tân Ước là sự ứng nghiệm những gì đã được nói
trong Cựu Ước. Tân Ước ẩn mình trong Cựu Ước. Như vậy, hai Giao Ước này đối đáp
qua lại với nhau. Nếu Tin Mừng là cánh cửa đi vào nhà dành cho các Kitô hữu,
thì Cựu Ước là con đường dẫn đến cánh cửa đó.
Lạy Chúa Kitô, xin Chúa
đổ đầy vào lòng con Lời tuyệt vời của Chúa, Lời dẫn đến Chân lý và Tự do đích
thực có quyền năng biến đổi con sâu lắng khi con đọc, suy ngẫm và cầu nguyện với
Lời Chúa. Xin Lời Chúa thấm đượm lòng con trong giờ tĩnh nguyện và trong đời sống
mỗi ngày của con, để con trở thành chứng nhân cho những người chung quanh để họ
cũng được Lời Chúa biến đổi. Amen.
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ, theo blog.jeunes-cathos.fr
*Người dịch có bổ sung một số câu trích dẫn tử Kinh Thánh.