Nguyễn Tiến
Cảnh
Hàng triệu người trên thế giới mừng lễ Phục Sinh, kỷ niệm ngày Chúa
Giesu Kito sống lại. Trái lại, Chúa Giesu chẳng bao giờ mừng lễ Phục Sinh, nhưng
Ngài mừng Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không Men. Bạn biết thế nào là bánh không men
trong bữa tiệc được nói trong Kinh Thánh? Đối với người Kito Giáo thì những
ngày này nói lên những ý nghĩa thực sự gì?
Đối với đa số người Việt Nam chúng ta, bánh là món bất ngờ trong những
bữa ăn hàng ngày. Đối với người Âu Mỹ thì bữa ăn lại chủ tâm vào thịt, bột
nhồi, salad nếu không nói là ăn sandwich hay hamburger. Bánh mì thì là chuyện
tính sau. Điều này lại không hợp với văn hóa Trung Đông vào thời Kinh Thánh.
Việt Nam chúng ta nói riêng, Á Đông nói chung, khi ngồi vào bàn ăn, mỗi
người đều phải có chén cơm trước mặt rồi mới bắt đầu bữa và lấy thức ăn. Bữa ăn
của người Israel cổ đại thì khác, bánh mì là món phải có. Cả gia đình bạn bè tụ
họp lại ngồi trên một tấm thảm trải trên sàn nhà để cùng nhau dùng bữa. Mỗi người
véo một miếng bánh mì từ một ổ bánh nhỏ hay dài tròn rồi dùng nó như một cái
muỗng để xúc thức ăn trong những món ăn đặt trên bàn ăn. Vì vậy Kinh Thánh
thường nói về những bữa ăn gọi là “bẻ
bánh”.
Vào thời đại La Mã thì cái divan là một cái bàn thấp được thay thế cho
cái thảm, nhưng bữa ăn và các món ăn thì căn bản không thay đổi mà vẫn giống
nhau.
Bánh được làm bằng nhiều loại hạt khác nhau như hạt lúa mì, lúa mạch, kê
hay đậu…Những ngũ cốc này được xay thành bột rồi trộn với nước, nhào nặn thành
những cục bột dài ngắn to nhỏ tùy ý. Tùy nơi cư ngụ hay gia đình giầu có, bánh
được nung bằng cát nóng hay bằng lửa để trên cái vỉ trong những lò mặt phẳng bằng
đá, hoặc trong lò làm bằng đồng, sắt hay thường là đất sét.
Cách làm dậy bột, tức tiến trình làm cho bánh phồng lên thì thật tuyệt
vời. Chất men làm dậy bột khiến bánh phồng lớn vì nó tạo ra những hạt khí bên
trong cục bột biến cục bột từ nhỏ thành một ổ bánh lớn. Chất dậy bột này thấm
vào toàn thể cục bột lớn đến khi toàn thể lố bánh phồng lớn đều. Chỉ cần một
lượng nhỏ chất dậy bột là có thể làm một cục bột nhỏ trở thành thật lớn. Lửa
trong lò cũng làm cho những hạt khí lan nhanh trong cục bột và làm bột mau
chín.
Ngày nay, người ta thường dùng Baking soda hay men, nhưng đó không phải
là trường hợp chúng ta nói ở đây. Vì bánh mì được làm hàng ngày, nên cách dễ
dàng nhất là trộn men vào bột và để dành một nắm cho ngày mai. Nắm bột này sẽ
trộn vào cục bột mới và để cho nó dậy men trên toàn thể lố bánh.
Người Do Thái thời cổ đại theo Kinh Thánh, mừng Lễ Vượt Qua hàng năm vào mùa Xuân và một lễ khác 7 ngày sau đó là
lễ Bánh Không Men. Ngay trước khi
người Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập nhờ những phép lạ, thì
Thiên Chúa đã truyền cho họ không được ăn bánh có men trong suốt tuần lễ này
(Xh 13:3-10).
Mừng những lễ này có ý nghĩa gì
đối với chúng ta ngày nay là những Kito hữu?
HÃY GIỮ NGÀY LỄ
Nhiều người nghĩ rằng người Kito Hữu phải sống theo giáo huấn trong Tân
Ước, không phải theo luật lệ ghi trong Kinh Thánh của người Do Thái.
Họ quên rằng chỉ có những Sách Thánh đã có sẵn cho các tông đồ và Giáo
Hội ở thế kỳ I dùng là những thứ mà hiện nay chúng ta gọi là Cựu Ước. Vì thánh
Phaolo đã nói với Timothy về những sách này như sau: “….Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên
người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Ki-Tô Giesu. Tất cả
những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc
giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người
của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2Tm
3:15-17).
Thánh Phaolo cũng đã nhắc nhở Timothy hãy nhớ điều mà anh ta đã được dạy
dỗ về Cựu Ước lúc còn trẻ. Trong bối cảnh này thật chẳng khó khăn gì để hiểu
tại sao Giáo Hội Tân Ước sơ khai/tiên khởi mừng Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không
Men. Lời Thiên Chúa mạc khải đã nói với họ!
Hãy để ý đến những lời thánh Phaolo viết cho cộng đoàn giáo hội không
phải Do Thái trong thư gửi tin hữu Corinto (1Cr 5:6-7): “Lý do khiến anh em vênh vang chẳng đẹp đẽ gì! Anh em không biết rằng
chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên sao? Anh em hãy loại bỏ
men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Kito đã
chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta.”
Trong bối cảnh mà thánh Phaolo viết cho tín hữu Corinto, ngài dùng chữ
“men” như một biểu tượng về sự kiêu hãnh, tự cao tự đại, khoe khoang của con
người. Ngài đã hiểu rõ tiến trình làm dậy men và áp dụng nó vào hoàn cảnh và
điều kiện của con người. Trong câu 2 ngài đã nói với giáo dân Corinto là “họ phồng lên/ dậy lên”. Nên nhớ là nhồi
men vào bột rồi bột phồng lớn lên là chỉ do những “bọt khí phù du” mà thôi. Ngày nay người ta ám chỉ những kẻ kiêu
ngạo, chỉ lo đưa mình lên, coi mình là quan trọng và hơn người là những kẻ “đầy
bọt khí”. Một khi bọt xì là hết chẳng còn gì sót lại.
Bây giờ chúng ta nghe kỹ câu 8: “Do
đó chúng ta hãy giữ ngày lễ, đừng lấy men cũ, men hiểm độc, gian tà và hung
ác, nhưng hãy lấy bánh không men là lòng chân thật, tinh tuyền mà ăn mừng đại
lễ”. Thánh Phaolo muốn nói về đại lễ gì? Dĩ nhiên ngài ám chỉ lễ Bánh Không
Men, là lễ mà những Kito hữu dân ngoại thời đó đã ăn mừng (c.7-8).
Ý NGHỈA BÁNH CỦA CHÚA GIESU
Chúa Giesu Kito dùng cách nói ‘dậy
men’ như một biểu tượng của những giảng huấn sai lầm. Ngài nói với các môn
đệ: “Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng
men Pharisieu và Sadoc….Tại sao anh em lại không hiểu rằng Thầy chẳng có ý nói
về bánh, khi Thầy nói: Anh em phải coi chừng men Pharisieu và Sadoc” (Mt
16: 6, 11). Lúc đó họ mới nhận ra là Chúa có ý nói về giảng huấn của nhửng nhóm
tôn giáo này (c. 12).
Qua những lời của Chúa Giesu và thánh Phaolo, chúng ta thấy kiểu nói
“làm dậy men” có thể dùng như một biểu tượng lan truyền sự suy đồi và kiêu hãnh
dẫn đưa tới giáo huấn sai lầm và tội lỗi…mà thánh Phaolo ám chỉ là tính gian tà
hiểm độc…
Vào một dịp khác, một nhóm lãnh đạo tôn giáo Do Thái đến gần Chúa Giesu
và yêu cầu Chúa làm một điều gì chứng minh Ngài là do Thiên Chúa sai đến. Họ
nhắc đến thời kỳ Thiên Chúa ban cho dân Do Thái bánh Manna, loại “bánh từ trời xuống” (Xh 16:4).
Chúa Giesu cắt nghĩa bánh manna đã nói trước kia theo nghĩa tinh thần: “Đoạn
Chúa Giesu nói với họ: Thật, Ta bảo thật
các ông, không phải ông Mosê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là
Cha Ta cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là
bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.’ Bấy giờ họ nói với Ngài, ‘Thưa Thầy, xin ban cho chúng tôi bánh đó luôn luôn’. Và Chúa nói với
họ, ‘Ta là bánh trường sinh. Ai đến với ta thì sẽ không bao giờ đói, và ai tin
vào Ta thì sẽ chẳng bao giờ khát’”(Ga 6:32-35).
Chúa Giesu quả thật đã xác định Ngài là “bánh trường sinh”. Ngài còn nói ‘Nếu anh ăn bánh này anh sẽ
sống muôn đời’ (c.50-51,58). Như đã nói ở trên, thánh Phaolo tông đồ cũng
đã liên hệ Lễ Vượt Qua với lễ Bánh Không Men; Chúa Giesu Kito là hiến tế hy
sinh trong lễ Vượt Qua thời Tân Ước. Ngài đã gọi Ngài là Bánh trường sinh.
MÁU VÀ THỊT CHÚA KITO LÀ CỦA NUÔI DƯỠNG
HÀNG NGÀY
Đoạn Chúa Giesu đã nói một câu làm họ rối mù chẳng hiểu gì:
“Thật vậy, tôi bảo thật các ông,
nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông sẽ không có sự sống.
Bất cứ ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho
người ấy sống lại vào ngày sau hết. Vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật
là của uống.
“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì kẻ đó ở trong tôi, và tôi ở trong kẻ
đó. Như Chúa Cha là đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào
thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh đến từ trời
–không phải như cha ông các ngươi ăn bánh manna, và đã chết. Ngược lại, kẻ nào
ăn bánh này thì sẽ sống muôn đời” (Ga 6: 53-56).
Chúa Giesu đã ám chỉ gì trong những xác quyết này của Chúa? Có phải Chúa
thực sự có ý nói kẻ nào ăn Thịt Ngài và uống Máu Ngài thì sẽ sống muôn đời? Xác
định này đã đụng chạm đến nhiều người (c. 60-61,66); tuy nhiên Chúa đã không cố
ý cắt nghĩa về Chúa lúc đó mà là nói rằng Lời Chúa là thần khí và là sự sống
(c.63). Và Chúa cũng đã thể hiện nhiều hơn nữa vào đêm trước khi Chúa chịu
chết.
Chúa Giesu, vào những ngày giờ cuối cùng, cũng đã tụ họp 12 môn đệ lại
để mừng một lễ gọi là Bữa Tiệc Ly.
Thực ra đó là Lễ Vượt Qua, trong đó Chúa Giesu chịu đau khổ và chịu chết. Trong
bữa cơm này, Ngài đã cắt nghĩa nhiều hơn về những điều mà Ngài ám chỉ trong
những xác quyết trước của Ngài về ăn thịt và uống máu Ngài:
“Và khi họ ăn, Chúa Giesu cầm lấy
bánh, dâng lời chúc tụng rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói ‘Anh em cầm lấy
mà ăn, đây là Mình Thầy’. Đoạn Chúa cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho các
môn đệ và nói: ‘Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là Máu Thầy’, máu giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội’”(Mt
26:26-28).
Vậy
chúng ta phải nhận sự hy sinh của Chúa Giesu, tức sự đau khổ và cái chết của
Ngài thay cho chúng ta. Đồng thời hãy nhớ lại lời thánh Phaolo nói ‘bánh không
men biểu hiện cho lòng chân thành và sự thật’. Chúa Giesu là Sự Thật (Ga 14:6).
Chúa Giesu là Lời Thiên Chúa làm người. Sống vào Ngài tức đặt chân giá trị ý
nghĩa cuộc hy sinh của Ngài cùng với những giảng huấn và cách sống của Ngài như
đã diễn tả trong toàn thể Thánh Kinh, trong đời sống nội tâm/tâm linh của mình.
PHẢI MỪNG NHỮNG NGÀY LỄ TÔN GIÁO NÀO?
Như chúng ta đã biết, Tân Ước cho thấy Chúa Giesu là con chiên Thiên
Chúa của Lễ Vượt Qua thực sự (1Cr 5:7). Vậy tại sao quá ít người Kito hữu hiện
nay ăn mừng Lễ Vượt Qua và tiếp theo là Lễ Bánh Không Men?
Ngay cả thế giới Tây Phương, tấm lịch tôn
giáo hiện nay họ lấy ở đâu ra mà có? Giáo Hội của Tân Ước đã không mừng lễ Phục
Sinh. Ngay cả danh xưng Phục Sinh cũng có từ thời các thần của dân ngoại cổ
đại, cũng như hầu hết bất cứ một từ điển bách khoa chính xác nào cũng sẽ cho
thấy như vậy. Những con thỏ Phục Sinh, những quả trứng sơn xanh đỏ đều có nguồn
gốc từ các nghi lễ cầu xin có nhiều con cháu của thời thượng cổ nhưng lại chẳng
có gì để làm với cái chết khổ nạn và sống lại từ cõi chết của Chúa Giesu Con
Thiên Chúa.
Tại sao lại như vậy? Tại sao lại có nhiều người trong Cộng Đồng Kito
Giáo không biết, hay chẳng có một ý niệm gì cả về cuộc tử nạn và Phục Sinh của
Chúa Kito, những ngày thánh được miêu tả trong Kinh Thánh, mà chính Chúa Giesu
và các tông đồ, và cả Giáo Hội Sơ Khai cũng ăn mừng cùng những Ngày Thánh đó?
Tại sao có nhiều người không biết hoặc bỏ qua những ngày lễ hội trong
kinh thánh và thay thế bằng những ngày nghỉ mà nguồn gốc của chúng nằm ở xa xôi
từ thời thượng cổ tối tăm không có kinh thánh? Chúng ta hãy giữ những ngày lễ
mà Thiên Chúa đã ban truyền cho chúng ta trong Lời của Ngài!
Fleming Island, Florida
April 3, 2021
NTC