Tu huynh John
M. Samaha, S.M
Khi được một người hỏi về phẩm cách của Thánh Giuse trong
truyền thống Kitô giáo, cha cố Francis L. Filas, SJ, chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về chủ đề
này, đã trả lời đơn giản: "Vợ nào, chồng đó." Thánh Giuse, người đàn ông gần gũi nhất với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đáng
được mọi người tôn vinh và ngợi khen.
Thánh Giuse không thích báo chí ồn ào. Thông thường Ngài bị lãng quên, hoặc ít nhất là bị bỏ quên
trong hậu cảnh. Sự tự xóa mình của Ngài dường như đã ảnh hưởng đến sự chú ý ít ỏi
của nhiều bậc thuyết giảng trong
Giáo hội.
Trong một bài thánh ca tôn vinh Chúa Giêsu
Thánh Thể, Thánh Tôma Aquinô mô tả sự không
tương xứng của ngôn ngữ con người để bày tỏ lòng kính trọng trọn vẹn về Thánh Thể. Thánh Bênađô và những người khác sùng kính Đức Maria cũng nói lên ý kiến
tương tự về Đức Mẹ của chúng ta. Chúng
ta cũng có thể nói như vậy về Thánh Giuse, bạn trăm năm của Mẹ Maria và là cha trinh khiết của Chúa Giêsu.
Sự đánh giá cao như vậy hiện ra dần dần sau nhiều nghiên cứu và suy
ngẫm. Điều đó
không trở nên rõ ràng ngay lập tức trong nháy mắt. Thậm chí ngày nay, nhiều
người Công giáo có khuynh hướng nghĩ rằng Thánh Giuse là một vị thánh tuyệt vời,
nhưng lại không nghĩ Ngài là
cha thực sự của Chúa Giêsu, vì vậy chúng ta tôn vinh Ngài là đấng bảo vệ của Đức Maria. Với nhận
xét sơ sài đó, những người như vậy
nhanh chóng quên Thánh Giuse và đưa Ngài ra sau hậu trường.
Thực ra ý kiến này là quan điểm chung trong
mười ba thế kỷ đầu của Kitô
giáo. Lịch sử Giáo hội cho thấy Thánh Giuse là nạn nhân của sự sao lãng trong cuộc sống của các vị thánh, các
Giáo phụ và các Tiến sĩ thời Giáo Hội sơ khai của chúng ta, dù sự sao
lãng đó không gây hại gì. Thánh
Augustinô và một số nhà tư tưởng khác đã viết về Thánh Giuse, nhưng việc đề cập
đến Ngài thì còn lác
đác lắm. Thủy
triều dâng lên chầm chậm trong năm trăm năm kế tiếp và chúng ta nhận thấy lòng sùng kính vững
chắc đối với Thánh Giuse khởi đầu cách đơn giản.
Thần học về ơn gọi, phẩm cách, sự thánh thiện và sự cầu thay nguyện giúp của Thánh Giuse chỉ bắt đầu nở rộ vào thời
trung cổ, và vào thế kỷ
XVII là thời kỳ hoàng kim. Lòng nhiệt thành của Thánh Têrêxa Avila đối với
Thánh Giuse là điều đáng chú ý, được thể hiện một cách sống động trong các tác
phẩm của thánh nữ, và được trình bày trong mười hai tu viện mang tên thánh nữ.
Sự chú ý có
nền tảng bắt đầu gia tăng từ các
vị giáo hoàng vào cuối thế kỷ XIX. Tất cả các vị giáo hoàng của thời hiện
đại, từ Đức Giáo Hoàng Piô IX cho đến Đức Thánh Cha hiện nay của
chúng ta, đều đã ban ra những giáo huấn chắc chắn về Thánh Giuse trên các tài liệu chính thức
của các ngài. Kể từ năm 1870,
Giáo hội chính thức thúc đẩy xu hướng mới này khi Đức Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ
của Giáo hội Hoàn vũ. Vị Giáo Hoàng kế tiếp, Đức Lêô XIII,
đã đặt Thánh Giuse trước mắt chúng
ta ở một thứ hạng và vị trí được
mô tả rõ nét nhất
trong thông điệp của ngài về Thánh Giuse, Quamquam Pluries (Về lòng sùng kính Thánh Giuse), năm
1889: "Không thể nghi ngờ gì rằng, hơn bất kỳ người nào khác, Thánh Giuse đã tiến gần đến phẩm giá cao vời của Mẹ Thiên Chúa mà bằng phẩm giá đó Mẹ vượt trên tất cả mọi thụ tạo."
Sự hiểu biết và đánh giá cao về phẩm cách của Thánh Giuse không nở rộ ngay lập tức. Cần
phải học tập bền bỉ và suy tư về ơn
gọi kép của Ngài. Cả hai thái cực, hoặc quá nhiều hoặc quá ít, cần
phải
xa tránh một cách kiên trì. Một phản ứng điển hình thường gặp
là Tin Mừng nói Thánh Giuse là người công chính. Thế còn gì để nói thêm không?
Rất nhiều! Năm 1989, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho chúng ta
một lời giải thích và suy ngẫm tuyệt vời về ơn gọi độc nhất của Thánh Giuse
trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa với Tông thư Redemptoris Custos (Đấng bảo vệ Chúa Cứu Thế). Bức thư mục vụ đầy cảm
hứng này, đánh dấu kỷ niệm một trăm năm thông điệp mang tính bước ngoặt của Đức
Lêô XIII, đề cập đến con người và sứ mệnh của Thánh Giuse trong cuộc đời của
Chúa Kitô và của Giáo hội. Tông thư
đó
gợi lại điều khiến Ngài trở
nên đặc biệt, không chỉ đối với cá nhân chúng ta, mà còn đối với Giáo hội hoàn
vũ:
“Được
kêu gọi gìn giữ Chúa Cứu Thế, “ông
Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1,24) Ngay từ những thế kỷ đầu, do cảm hứng từ
Tin Mừng, các Giáo phụ đã chứng tỏ cho thấy rõ ràng rằng thánh Giuse, như đã ân
cần săn sóc đức Maria và đã tận tình dạy dỗ đức Kitô trong niềm vui sướng, thì
Người cũng là Đấng gìn giữ, bảo trợ Thân Mình của đức Kitô, tức là Giáo Hội mà
Đức Thánh Trinh Nữ là hình bóng và là khuôn mẫu” (Số 1)… Tôi hết
lòng mong ước rằng việc gợi lại dung mạo của thánh Giuse lúc này sẽ đổi mới
trong chúng ta lòng thiết tha cầu nguyện mà vị tiền nhiệm của tôi, cách đây một
thế kỷ, đã truyền phải thực hiện. Quả thật, chắc chắn rằng lời kinh đó và ngay
chính dung mạo của thánh Giuse vẫn
còn thích hợp đối với hiện tình của Giáo hội thời đại chúng ta, khi sắp
bước vào thiên niên kỷ mới của Kitô giáo. Công đồng Vaticanô II, một lần nữa, lại làm cho tất cả chúng ta cảm
nhận được “những kỳ công của Thiên Chúa”, “nhiệm cục cứu độ” mà thánh Giuse là thừa tác viên đặc
biệt. Như vậy, khi dâng phó cho sự bảo trợ của Đấng mà chính Thiên Chúa đã
“giao phó cho việc quản thủ những kho tàng quý báu và cao cả nhất của Người”,
thì đồng thời, chúng ta học nơi thánh
Giuse cách thế phục vụ “nhiệm cục cứu độ”. Ước mong thánh Giuse
trở thành một vị thầy đặc biệt cho chúng ta trong việc phục vụ sứ mệnh cứu độ của đức
Kitô; đó là trách vụ của chúng ta, của tất cả và của từng người trong Giáo hội:
của những đôi vợ chồng, của những bậc cha mẹ, của những người sinh sống bằng
công việc do chính đôi tay mình, hay tất cả những công việc khác, của những người
được kêu gọi sống đời chiêm niệm cũng như của những người được kêu gọi làm việc
tông đồ.
Mang
trong mình toàn bộ gia sản của Cựu ước, Đấng Công Chính cũng được đưa vào “khởi nguyên” của Giao Ước
Mới và vĩnh cửu trong đức Giêsu Kitô. Ước mong Người sẽ chỉ dẫn cho chúng
ta những nẻo đường của Giao ước cứu độ này ở ngưỡng cửa của thiên niên kỷ sắp tới,
khi đó, “sự viên mãn của thời gian” trong mầu nhiệm khôn tả của mầu nhiệm Ngôi
Lời Nhập Thể phải được tiếp diễn và phát triển!” (Số 32) [1].
Một số ý kiến cho rằng
vai trò của Thánh Giuse không được chi tiết nào trong Kinh Thánh mô tả. Nhưng
ơn gọi của Đức Maria cũng vậy. Tuy nhiên, điều ít được nói đến lại có ý
nghĩa rất lớn. Các nhà thần học đã lý luận nhiều về vai trò và đặc ân ban
cho Đức Maria. Việc tương tự cũng được thực hiện đối với vai trò và đặc ân
ban cho Thánh Giuse. Một khi thần tính của Chúa Giêsu và tình mẫu tử trinh
nguyên thiêng liêng của Mẹ Maria đã được thiết lập vững chắc trong giáo lý Công
giáo và trong cách hiểu thông thường, Thánh Giuse bắt đầu rõ nét lên mà không phải
lo vị trí độc nhất của mình là cha khiết tịnh của Chúa Giêsu và người bạn trăm
năm trinh trong của Mẹ Maria bị hiểu lầm.
Sự tiến triển của lòng
sùng kính Thánh Giuse trên thực tế là một khía cạnh khác của lòng sùng kính Đức
Maria. Việc chứng minh sâu sắc hơn sứ mệnh của Thánh Giuse dẫn chúng ta đến
việc hiểu biết sâu sắc hơn về sự cao cả của Mẹ Maria. Vị trí của Thánh
Giuse trong mối tương quan với Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, bắt
nguồn từ vị trí của Ngài đối với Đức Maria, Mẹ của Chúa Cứu Thế. Mối tương
quan đó cũng tương tự như mối tương quan của Mẹ Maria đối với Chúa Giêsu. Càng
biết rõ về Đức Maria, chúng ta càng biết rõ về Con của Mẹ, nhở Ngài mà Mẹ có được
tất cả phẩm giá của mình và là người mà Mẹ phản chiếu một cách trung thực. Đức Bênêđíctô XV đã bày tỏ rõ ràng ý tưởng này: “Vâng, Thánh
Giuse dẫn chúng ta đến với Mẹ Maria, và nhờ Mẹ Maria, chúng ta đến với nguồn gốc
của mọi sự thánh thiện là Chúa Giêsu, Đấng nhờ sự vâng lời của mình đối với
Thánh Giuse và Mẹ Maria đã thánh hiến các nhân đức của gia đình.” (Tự sắc
Bonum
sane et salutare, Đức
Bênêđíctô XV, Số 8). [2]
Hoàn toàn chắc chắn rằng Thiên
Chúa đã không chọn một người đàn ông không xứng đáng để làm chồng của Mẹ Maria,
người được làm Mẹ Đồng trinh của Thiên Chúa. Ngay cả khi Thánh Giuse chỉ
là người bảo vệ Đức Maria chứ không phải là chồng của Mẹ, thì Ngài vẫn chiếm một
vị trí vượt xa bất kỳ người nào khác. Nhưng Thánh Giuse là chồng của Mẹ,
có tương quan với Mẹ Thiên Chúa trong một cuộc hôn nhân trinh khiết không kém xác
thực. Cuộc hôn nhân được Thiên Chúa thực hiện với mục đích rõ ràng là phục
vụ sự nhập thể, để Con Thiên Chúa có thể được tiếp nhận và nuôi dưỡng trong sự
kết hợp vợ chồng thánh thiện đó. Vì trong
mọi thụ tạo, Thiên Chúa không thấy ai xứng đáng hơn Đức Maria để làm Mẹ Chúa
Giêsu, Thiên Chúa không thấy ai xứng đáng hơn Thánh Giuse để làm chồng Đức
Maria, và có liên hệ với Chúa Giêsu bằng các mối dây thiêng liêng của tình phụ
tử thực sự.
Theo lời của Đức Lêô XIII,
“Khi trao Đức Trinh Nữ cho Thánh Giuse
làm người phối ngẫu, thì Thiên Chúa đã chỉ định Thánh Giuse không chỉ như một người bạn đồng hành trong cuộc sống của Mẹ,
một nhân chứng về sự trinh nguyên của Mẹ, và người bảo vệ danh dự của Mẹ, mà
còn như một người thông phần phẩm
giá cao quý của Mẹ bằng sợi dây liên kết vợ chồng.” (Quamquam Pluries của
Đức Thánh Cha Lêô XIII về lòng sùng kính Thánh Giuse)
Trên đồi Canvê khi Chúa
Giêsu giao Mẹ Maria cho Thánh Gioan chăm sóc phần đời còn lại trên trần thế, đó
là một dấu hiệu thương yêu của Thiên Chúa dành riêng
cho Thánh Gioan. Và chúng ta ngạc nhiên trước sự thánh thiện của Thánh Gioan. Vậy
thì, điều gì chắc chắn phải là sự thương yêu của Thiên Chúa dành riêng cho
Thánh Giuse khi Ngài được chọn làm chồng của Mẹ Maria trong nhiều năm sống ẩn dật; là
một trong số ít những người được giao phó mầu nhiệm Nhập thể; trở thành
người đàn ông duy nhất nhận được tình cảm ưu tiên của Mẹ Maria dành cho con người,
và đáp lại tình yêu đó? Mẹ Maria sẽ
không hoàn hảo trong thiên chức của mình nếu Mẹ yêu bất kỳ thụ tạo nào hơn yêu chồng
mình. Và câu chuyện đó là đúng đối với Thánh Giuse. Tất nhiên, sự
tương đồng về sự thánh thiện giữa Đức Maria và Thánh Giuse phải được giữ cân bằng. Mối
tương quan của Mẹ Maria với Chúa Giêsu vượt trội hơn nhiều so với mối tương quan
với Thánh Giuse.
Thánh Giuse có được gì là
do Mẹ Maria, chúng ta hiểu điều này như thế nào? Điều này có nghĩa là Thánh Giuse được trao trách nhiệm làm cha đối
với Chúa Giêsu vì cuộc hôn nhân trinh khiết của Ngài với Mẹ Maria. Qua
cuộc hôn nhân này, Thánh Giuse không phải là người nuôi nấng đơn thuần, cũng
không phải là cha nuôi đơn thuần của Chúa Giêsu. Ngài còn hơn thế nữa. Chúa
Giêsu được trao cho Đức Maria không phải đơn giản vì Mẹ là một thiếu nữ, mà vì Mẹ
là người vợ đồng trinh và đích thực của Thánh Giuse. Chúa Giêsu đã được
ban cho gia đình của Thánh Giuse, và điều đó chỉ được hoàn
thành nhờ Mẹ Maria. Mặc dù Thánh
Giuse không phải là cha thể lý của Chúa Giêsu, nhưng Ngài vẫn được ban cho mối tương
quan thiêng liêng trong tình phụ tử đối với Con của chính mình vì người Con ấy
là Con của Đức Maria.
Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse làm nên Thánh Gia,
đơn vị cơ bản của con người trong kế hoạch Nhập thể và Cứu chuộc của Thiên
Chúa. Các Ngài thuộc về nhau trong lịch sử cứu độ. Ba nhân tố này không thể tách rời, và luôn luôn phải
được nhìn nhận và hiểu biết cùng với nhau về mặt thần học, mục vụ và nghệ thuật
của Giáo hội. Bản sắc đặc biệt của các Ngài trong kế hoạch của Thiên Chúa
có liên hệ với nhau. Xem xét các nhân tố đó một cách riêng biệt là điều
đáng tiếc và gây hiểu lầm.
Chúng ta đừng quên Thánh Giuse. Thánh Giuse đã làm
gì cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria, thì Ngài cũng sẽ làm cho mỗi người chúng ta và
cho Giáo hội hoàn vũ. Vợ nào,
Chồng nấy.
Phêrô Phạm Văn Trung,
từ https://udayton.edu/imri/mary/r/reflection-on-saint-joseph.php
Chú thích:
[1] Tông thư “Littera
Encyclica” https://catechesis.net/7157-2/
[2] Motu Proprio, ngày 25 tháng 7 năm 1920