Bài 3
- Phúc thay những ai khóc lóc, vì họ sẽ được an ủi (Mt 5,4)
Kể từ Thứ Tư 29 tháng 1, năm
2020, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu loạt bài giáo lý về Bát Phúc hay Tám Mối
Phúc Thật. Dưới đây là bản dịch Bài Giáo
Lý thứ ba của Đức Thánh Cha được ban hành trong buổi Triều Yết Chung tại Rôma
hôm Thứ Tư vừa qua, ngày 12 tháng 2 năm 2020. Trong bài này chúng tôi dịch Bài
Tóm Tắt bằng Tiếng Anh ngắn để tiện cho các giáo xứ đăng trên các bản tin và
bài Giáo Lý chính và dài từ bản tiếng Ý được đăng trong website của Toà Thánh (http://www.vatican.va).
Bài Tóm Tắt bằng Anh Ngữ
Anh
chị em thân mến: Tiếp tục loạt bài giáo lý về các Mối Phúc Thật, giờ đây chúng
ta quay sang lời công bố thứ hai: “Phúc
thay những ai khóc lóc, vì họ sẽ được an ủi” (Mt 5: 4). Sự than khóc như vậy
- được mô tả bởi các vị Ẩn Tu (trong sa mạc) bằng từ Hy Lạp “penthos” - không
chỉ là sự than khóc: nó là một nỗi đau buồn nội tâm có thể mở lòng chúng ta ra
cho một mối liên hệ đích thực với Chúa và với nhau. Thánh Kinh nói về hai loại sầu
khổ như vậy. Loại thứ nhầt là nỗi đau mà chúng ta cảm thấy khi phải đối diện với
sự đau khổ hoặc cái chết của anh chị em mình. Loại thứ hai liên quan đến sự đau buồn vì tội lỗi. Cả hai đều dựa
trên mối quan tâm yêu thương dành cho tha nhân, nhưng trên hết là tình yêu dành
cho Chúa. Sự đau buồn vì tội lỗi - như đã
thấy trong những giọt nước mắt của Thánh Phêrô sau khi ngài phản bội Chúa Giêsu
- đến như một hồng ân của Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi. Chúng ta hãy liên tục
cầu xin ơn đau buồn vì tội lỗi của mình và mở lòng ra cho ân sủng chữa lành của
Chúa Thánh Thần, để chúng ta có thể an ủi người khác bằng chính niềm an ủi mà mình
lãnh nhận.
Bài
Chính bằng Tiếng Ý
Anh chị em thân mến, chào anh
chị em!
Chúng
ta đã bắt đầu cuộc hành trình vào Bát Phúc và hôm nay chúng ta tập trung vào mối
phúc thứ hai: Phúc thay những ai khóc
lóc, vì họ sẽ được an ủi.
Trong
ngôn ngữ Hy Lạp mà Tin Mừng được viết, mối phúc này được diễn tả bằng một động
từ không ở thể thụ động - thực ra, những người được chúc phúc không phải chịu sự
than khóc này - nhưng với những người chủ động: "họ tự ý đau buồn"; họ
than khóc, nhưng trong lòng. Đó là một thái độ đã trở thành trung tâm trong
linh đạo Kitô giáo, và là điều mà các Giáo Phụ Ẩn Tu trong sa mạc, những đan sĩ
đầu tiên trong lịch sử, đã gọi là "penthos",
nghĩa là một nỗi đau đớn nội tâm mở ra cho một mối liên hệ với Chúa và với tha
nhân; một mối liên hệ được canh tân với Chúa và với những người khác.
Sự
khóc lóc này trong Thánh Kinh có thể có hai khía cạnh: khía cạnh thứ nhất là vì
cái chết hoặc đau khổ của một ai đó. Khía cạnh thứ hai là chảy nước mắt vì tội
lỗi - tội lỗi của chính mình - khi con tim rỉ máu bởi đau buồn vì đã xúc phạm đến
Chúa và tha nhân.
Vì
thế, đó là vấn đề yêu thương người khác đến nỗi ràng buộc mình với người ấy để
chia sẻ nỗi đau khổ của người ấy. Có những người vẫn còn giữ khoảng cách, họ lùi
lại một bước; thay vào đó, điều quan trọng là những người khác làm tan nát tâm
hồn chúng ta.
Tôi
thường nói về hồng ân nước mắt, và nó quý giá biết bao.[1] Chúng ta có thể yêu một cách lạnh lùng không?
Chúng ta có thể yêu vì chức năng, vì nhiệm vụ không? Chắc chắn là không. Có những
đau buồn để an ủi, nhưng đôi khi cũng có những an ủi để gây đau buồn và để đánh
thức những kẻ có con tim sắt đá và đã quên khóc. Cũng cần phải đánh thức những
người không thể biết rung động trước những đau khổ của người khác.
Chẳng
hạn, tang chế là một con đường cay đắng, nhưng có thể hữu ích để mở mắt ra nhìn
cuộc sống cùng giá trị thiêng liêng và không thể thay thế được của mỗi người,
và ngay lúc đó chúng ta nhận ra rằng thời gian ngắn ngủi như thế nào.
Có
một ý nghĩa thứ hai của mối phúc nghịch lý này: khóc lóc vì tội lỗi.
Ở
đây chúng ta phải phân biệt: có những người tức giận vì họ đã làm sai. Nhưng sự
tức giận ấy là vì kiêu căng. Trái lại, có những người khóc lóc vì những điều
sai lầm họ đã làm, vì những điều tốt họ đã không làm, vì đã phản bội trong mối
liên hệ với Thiên Chúa. Đó là khóc lóc vì đã không yêu thương, xuất phát từ việc
quan tâm đến cuộc sống của người khác. Ở đây chúng ta khóc vì chúng ta không xứng
đáng với Chúa là Đấng yêu thương chúng ta rất nhiều, và chúng ta rất buồn vì
suy nghĩ về những điều tốt mà chúng ta đã không làm; đây là cảm giác về tội lỗi.
Họ nói: "Tôi đã làm tổn thương người tôi yêu", và điều này khiến họ rơi
nước mắt. Thiên Chúa được chúc tụng nếu những giọt nước mắt này chảy ra!
Đây
là chủ đề về những sai lầm mà một người phải đối diện, khó khăn nhưng sống còn.
Chúng ta hãy nghĩ về sự khóc lóc của Thánh Phêrô, là điều dẫn ngài đến một tình
yêu mới và chân thật hơn: đó là một sự khóc lóc thanh tẩy, canh tân. Thánh
Phêrô nhìn Chúa Giêsu và khóc: con tim ngài được đổi mới. Khác với Giuđa, kẻ
không nhận rằng mình đã lầm lỗi và, đáng thương thay, hắn đã tự vận. Hiểu được tội
lỗi của mình là một hồng ân từ Thiên Chúa, là một công việc của Chúa Thánh Thần.
Tự mình chúng ta không thể hiểu được tội lỗi. Đó là một ơn mà chúng ta phải cầu
xin. Lạy Chúa, xin cho con hiểu sự dữ con đã làm hoặc có thể làm. Đây là một hồng
ân rất tuyệt vời, và sau khi hiểu điều này, thì đến khóc lóc ăn năn.
Một
trong những đan sĩ đầu tiên, Thánh Ephrem ở Syria, đã nói rằng một khuôn mặt được
rửa bằng nước mắt là một khuôn mặt đẹp tuyệt vời (x. Discorso ascetico). Vẻ đẹp của sự hối cải, vẻ đẹp của nước mắt, vẻ
đẹp của sự ăn năn! Như thường lệ, đời sống Kitô hữu được diễn tả cách tốt nhất
trong lòng thương xót. Khôn ngoan thay và phúc thay người chấp nhận sự đau khổ
nối kết với tình yêu, bởi vì người ấy sẽ nhận được sự an ủi của Chúa Thánh Thần,
Đấng là sự dịu hiền của Thiên Chúa, là Đấng tha thứ và sửa dạy. Thiên Chúa luôn
tha thứ: đừng quên điều này. Thiên Chúa luôn tha thứ, ngay cả những tội lỗi xấu
xa nhất, luôn luôn. Vấn đề là ở chúng ta, vì chúng ta mệt mỏi khi cầu xin ơn
tha thứ, chúng ta tự đóng cửa lòng mình và không cầu xin ơn tha thứ. Đây là vấn
đề; nhưng Ngài ở đó để tha thứ.
Nếu
chúng ta luôn luôn nhớ rằng Thiên Chúa "không đối xử với chúng ta theo tội
của chúng ta và không trả cho chúng ta theo tội lỗi của chúng ta" (Tv 103,10), thì chún ta sẽvsống trong lòng thương xót và từ bi, và
tình yêu xuất hiện trong chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta biết yêu thương
cách dồi dào, yêu thương bằng một nụ cười, với sự gần gũi, với việc phục vụ và
cả bằng khóc lóc.
Phaolô
Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ.
Nguồn:
http://www.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2020/documents/papa-francesco_20200212_udienza-generale.html
[1] Xem
Tông Huấn Christus Vivit, 76; Nói với
những người trẻ của Đại Học T. Tôma, Manila, ngày 18 tháng 1 năm 2015; Bài giảng
Thứ Tư Lễ Tro, ngày 18 tháng 2 năm 2015.