Giacôbê Lê Ngọc Bưu- Agata Nguyễn Thị Lượng
Thần Phù ngày 3/6/2017
Trọng kính Đức Tổng Phanxicô Xaviê,
Kính thưa Quý Cha, Quý Tu Sĩ, Quý Ông Bà và Anh Chị Em,
Chúng ta được mời gọi qui tụ lại nơi đây để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa với Ông Bà Giacôbê Lê Ngọc Bưu và Agata Nguyễn Thị Lượng nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành hôn của Ông Bà. Với tư cách một người bạn từ hồi lớp 6 tại trường Thiên Hựu, con xin chia sẻ mấy ý tưởng và tâm tình sau đây.
1. Nền tảng của Hôn Nhân Công Giáo
Lời Chúa cho chúng ta thấy rõ Mục đích Nền Tảng của Hôn Nhân Công Giáo gồm 2 yếu tố:
Một là Yêu thương giúp đỡ, bổ túc cho nhau: Khi dựng nên con người, Thiên Chúa cho con người đặt tên cho mọi súc vật, chim trời và dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng (x. St 2, 20), nên Ngài phán: “Con người ở một mình không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó (x. St 2, 18). Như vậy, mục đích căn bản đầu tiên của đời sống hôn nhân là yêu thương giúp đỡ, tương trợ và bổ túc cho nhau.
Hai là Sinh thành và Dưỡng dục con cái: Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, có nam có nữ, ban phúc lành cho họ, và phán với họ: Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất (x. St 1,27-28). Như vậy mục đích căn bản thứ hai của đời sống hôn nhân, vợ chồng là sinh thành và dưỡng dục con cái, cộng tác với Thiên Chúa trong việc tiếp tục sáng tạo nhân loại.
Chúng ta phải nắm giữ hai mục đích căn bản và bao gồm này của Bí tích hôn phối: yêu nhau và giúp đỡ lẫn nhau khi mạnh khỏe cũng như khi đau ốm, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi hạnh phúc cũng như khi thử thách đau khổ, trong ưu điểm cũng như khuyết điểm, khi hài lòng cũng như khi trái ý, nghĩa là yêu nhau với tất cả những gì là của nhau, luôn cùng nhau chung sống để sinh dưỡng và giáo dục con cái nên người và nên con Chúa. Như vậy dù Chúa định lệu thế nào thì vợ chồng vẫn luôn chung thủy bền vững với nhau cho đến trọn đời: Sự gì Thiên Chúa liên kết thì loài người không được phân ly.
Đáng tiếc thay có những trường hợp vô sinh thì vợ chồng ly dị bỏ nhau, đường ai nấy đi. Ngoài ra, vì một số lý do nào đó khiến hoặc chính đôi vợ chồng hoặc cha mẹ họ can thiệp vào bắt phải ly dị, đổ vỡ tình duyên. Đó là một nỗi đau đáng thương vì trái phép Đạo, què cụt và khập khiễng trong ý nghĩa và mục đích kép của Bí tích hôn phối, làm tổn thương tình yêu đôi lứa, lỗi phạm Luật Chúa và Giáo hội.
2. Kim Khánh Hôn Phối của Ông Bà Bưu-Lượng
Lùi lại một chút quá khứ, ngày 3/6/1967, anh huynh trưởng Hùng Tâm-Hướng Đạo Giacôbê Lê Ngọc Bưu và chị huynh trưởng Dũng Chí Agata Nguyễn Thị Lượng, tay đan tay song hành tiến lên giữa cộng đoàn dân Chúa Phủ Cam, đến trước mặt cha Batôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ để được ngài thay mặt Chúa chúc phúc cho cam kết hôn nhân của hai người.
Cũng như bất cứ đôi vợ chồng trẻ nào, anh chị Bưu-Lượng ngày đợi đêm mong đứa con kết tinh tình yêu của mình. Nhưng thánh ý quan phòng của Chúa lại định liệu thế khác, thời gian cứ trôi đi mà anh chị vẫn là đôi vợ chồng son. Mòn mỏi đợi chờ món quà sự sống bởi xương thịt máu huyết của mình không được, đến gần 20 năm sau, năm 1985, anh chị đem một cháu gái 4 tuổi gọi anh Bưu là cậu ruột về nuôi dưỡng với tất cả tình yêu thương như con đẻ. Tuy không có công sinh thành, nhưng công dưỡng dục cũng cao như núi, mênh mông như biển, và kết quả là đứa con nuôi nay cũng đã trưởng thành yên bề gia thất. Tấm lòng ông bà Bưu-Lượng không chỉ dừng lại đó, mà còn mở ra đón người chị ruột khuyết tật độc thân của bà Lượng về ở cùng hôm sớm, để đỡ đần cho nhau, nay đã 82 tuổi.
Và ngày hôm nay, 3/6/2017, năm mươi năm sau, tại nhà thờ Thần Phù, nơi một trong hai người em ruột linh mục đang làm quản xứ (cha Bửu và Cha Trản), Ông Bà Bưu-Lượng vẫn còn là đôi vợ chồng son thủy chung, được Đức Nguyên Tổng Giám Mục Huế Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng dâng lễ tạ ơn, chúc phúc làm mới lại và củng cố cho bền vững hôn ước. Thật là tuyệt vời, chúng ta chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa.
3. Nhờ đâu Ông Bà Bưu-Lượng được như vậy?
Chúng ta cám ơn Ông Bà Bưu-Lượng đã làm gương sáng sắt son chung thủy với nhau trong đời sống hôn nhân theo Luật Chúa dạy: “Sự gì Thiên Chúa liên kết loài người không được phân ly”.
Nhà thơ An Siêu nói về Lòng Chung Thủy, cũng lột tả trường hợp Ông Bà Bưu-Lượng:
Hôn nhân đẹp là trước sau như một,
Một hôn nhân se kết tự ban đầu,
Khi tuổi già, tóc bạc vẫn bên nhau,
Lòng chung thủy, ôi sao mà cao quí!
Hôn nhân thủy chung, hôn nhân chung thủy,
Khi vợ chồng biết tương kính lẫn nhau,
Cùng sẻ chia niềm hạnh phúc, khổ sầu,
Vẫn thương nhau dẫu đường đời vinh nhục.
Quan tâm nhau trong mọi nơi, mọi lúc,
Trao yêu thương qua ánh mắt, nụ cười,
Chăm sóc nhau khi trái gió, trở trời,
Lòng trung thực giúp tình yêu nồng thắm.
Lời thì thầm ngọt ngào trong đêm vắng,
Hay nụ hôn nồng, ấm áp trên môi,
Câu cám ơn, lời xin lỗi thường thôi,
Là chất liệu giúp tình yêu tồn tại.
Khi vợ chồng cùng bên nhau mãi mãi,
Là hôn nhân của người đã trưởng thành,
Trưởng thành là không nhìn ngó loanh quanh,
Biết hi sinh cho người mình chọn lựa.
Chính Thiên Chúa, Đấng muôn đời muôn thuở,
Đã dựng nên người nữ với người nam,
Người đàn ông, lìa cha mẹ, sẳn sàng,
Gắn bó với nàng, cả hai nên một.
Điều quan trọng và là điều chủ chốt,
Hạnh phúc hôn nhân là sự thủy chung,
Vợ chồng bên nhau mãi mãi đến cùng,
Bất phân ly khi Chúa Trời phối hợp.
Nhưng nhờ đâu ông bà sống được như vậy? Bài Phúc Âm thánh lễ hôm nay cho chúng ta câu trả lời. “Chúa Giêsu nói với các môn đệ: như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ huấn lệnh của Thầy, các con sẽ ở lại trong tình yêu của thầy, cũng như Thầy đã giữ huấn lệnh của Cha Thầy nên Thầy ở lại trong tình yêu của Ngài” (Ga 15,9-10). Giữ huấn lệnh của Chúa để ở lại trong tình yêu của Chúa và của nhau, đó là bí quyết chung thủy keo sơn suốt 50 năm qua của ông Bà Bưu-Lượng. Và bí quyết để giữ vững huấn lệnh Chúa là tích cực tham gia việc tông đồ của Giáo hội địa phương nơi mình sinh sống, nhất là việc dạy giáo lý tân tòng và hôn phối mà ông bà đã đảm trách tại nhiều giáo xứ. Ông Bà không chỉ dạy bằng hiểu biết lý thuyết, mà dạy bằng chính gương sống bản thân với niềm vui nỗi buồn của chính mình: Ông bà dạy như ông bà đã sống chứng nhân.
Quả thế, người ta thường nói: “Lời chỉ trích nặng nề nhất chống lại chúng ta là chúng ta không sống điều chúng ta dạy người khác”. Đó là sứ điệp mà Chúa muốn nhắc nhở chúng ta hôm nay vậy. Cuộc đời có nhiều niềm vui, nhưng cũng không tránh được thử thách đau khổ. Chớ gì khi gặp thử thách đau khổ, chúng ta biết chạy đến với Chúa và Giáo hội, qua các phương thế cứu độ:
Những lúc ngấm nỗi bồ hòn
Nhìn lên Thánh Giá nỉ non đôi lời
Tìm thêm sức mạnh cứu đời
Từ Tòa Giải Tôi, từ nơi Bàn Thờ
Vui đem Lời Chúa cho người
Thắm tình đồng đạo suốt đời thương nhau
Đời này dù có khổ đau
Chung nhau hạnh phúc đời sau Thiên Đàng.
Chớ gì được như vậy. Xin chúc mừng Ông Bà Bưu-Lượng và tạ ơn Chúa. Amen.
Thần Phù ngày 3/6/2017
Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS