Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Văn Thành
Mục Lục

Lời mở đường - « Tôi nhìn tôi trên vách »

Chương 1 - Nguồn Gốc Rồng Tiên

Chương 2 - Khi Mặt Hồ nổi sóng, Thần Kim Qui xuất hiện

Chương 3 - Thánh Gióng và con đường « đi lên » của con Rồng cháu Tiên

Chương 4 - Sơn Tinh và Thủy Tinh : Hai con Đường, Một Nước Non

Chương 5 - "Tấm và Cám" trong nội tâm của Chúng ta

Chương 6 - « Thằng Bờm » trong cõi lòng của Người Việt Nam

Chương 7 - Đối Thoại : Bắc lại Nhịp Cầu Hiểu Biết và Tình Thương

Chương 8 - Con Đường Luyện Vàng

Chương 9 - Xây dựng Quan Hệ và Quan Hệ Xây Dựng

Chương 10 - Hạnh Phúc và Khổ Đau Trong lòng Cuộc đời

Chương 11 - Khi nào một cơ cấu tổ chức trở nên bệnh hoạn ?

Chương 12 - Chuyển hóa thực trạng ngày hôm nay ?

Thay lời Kết Luận - Chiếc Bè để qua sông

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Lắng Nghe, Một Quà Tặng Vô Giá !

Lòng Tự Tin - Hành trang cho ngàn năm thứ ba

Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải

Bản câu hỏi về tính tình

Phát Huy Quan Hệ Xã Hội Trong Vấn Đề Giáo Dục Trẻ Em Tự Kỷ

Trong Đức Kitô

Nguy cơ Tự Kỷ (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)

Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ

Quan hệ mẹ con : Bài học đầu tiên của cuộc sống

Phương Pháp Tâm Vận Động

Trẻ Em Chậm Phát Triển

Đồng Cảm Để Đồng Hành

Lắng Nghe Chúa Thánh Thần

Đối Thoại Một quê hương Tình Người

Nguyễn Trãi, Vạn Xuân và Đại Việt

Con Đường Bao Dung

Huyền Sử Việt Nam

Tư Duy và Hành Động

Huyền Sử Việt Nam
Chương 12 - Chuyển hóa thực trạng ngày hôm nay ?

(Vai trò lãnh đạo của mỗi người)

 

Chuyển hóa thực trạng ngày hôm nay có nghĩa là :

 

« Biến Không thành Có,

« Hóa bóng đêm thành mặt trời rạng tỏ,

« Chuyển luân rác nuôi sống những cánh đồng,

« Giữa sa mạc làm tuôn chảy dòng sông,

« Trong chết chóc vun trồng hạt mầm sống,

« Đường tiến lên : Thứ Tha và Hy Vọng. »

 

Chuyển hóa tình trạng ngày hôm nay là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta.

Đó không phải chỉ là câu nói vu vơ, thiếu chứng liệu trong cuộc sống làm người. Những bậc vị vọng như Hoàng Liên, Nguyễn văn Thuận, và một số bạn bè có mặt ở giữa chúng ta… đã từng thực hiện cuộc đời và con đường chuyển hóa ấy, trong thinh lặng, nước mắt và khổ đau. Từ các trại tù biệt giam, họ đã trở về.  Những tác phẩm của họ như  « Anh Sáng và Bóng Tối », « Năm chiếc bánh và hai con cá » đang kể lại cho chúng ta những bước đường mà họ đã can đảm đi qua từng ngày, trong vòng 13 năm... Đó là những «bước  lang thang, bước hồi hộp, bước bồn chồn. Bước vất vả, bước thao thức, bước xót xa. Bước cô đơn, bước ê chề, bước thất bại »,  Nhưng đồng thời đó cũng là những « Bước khổng lồ, bước liều mạng, bước phấn khởi. Bước khải hoàn và bước Yêu Thương ».

 

Bước như vậy, theo lối giải thích của Hoàng Liên, là rời bỏ tất cả những gì hiện bây giờ đang còn là bóng tối trong con người của chúng ta, và can đảm đứng dậy, đi vào vùng Anh Sáng. Ngày ngày, học lại một lối nhìn. Ngày ngày, nghe lại với vành tai xôn xao. Ngày ngày, mở rộng cửa lòng, để đón tiếp những cách làm mới. Khuôn đúc lại những thái độ mới. Thiết lập lại những quan hệ mới. Chứng nghiệm lại những tình cảm mới. Tôi luyện lại những ngôn ngữ mới…Nói tóm lại, KHÁM PHÁ Ý NGHĨA cho cuộc sống của chính mình và của anh chị em đồng bào chung quanh mình.

 

 Bao lâu con đường đổi mới ấy chưa được khởi công xây dựng, trong con tim của mỗi người, tất cả mọi công trình đổi mới khác, đang được hô hào đó đây, ở bên ngoài, chỉ là trò hề bịp bợm, láo khoét, quảng cáo tuyên truyền hay là phương tiện ngụy trang, nhằm đàn áp, bốc lột xương máu của người khác mà thôi. Bao lâu kỳ thị, thiên kiến, hận thù và bạo động còn len lỏi, nằm vùng trong tâm tưởng của chúng ta, bằng cách nầy hay cách khác, chính chúng ta là nguyên nhân chủ động, biến non nước và quê hương thành một trại tù to tướng, vô biên cương, đương khi miệng lưỡi chúng ta lải nhải, eo sèo những khẫu hiệu « Yêu Nước, giữ Nước và dựng Nước ».

 

Nói một cách rõ ràng và thấm thấu, cái gì là điều quan trọng cần đặt lên hàng đầu trong cuộc sống( What matters most ) ? Điều nào là ưu tiên số một, trong kế hoạch hành động ( First things first ) ? . Bao lâu chưa có câu trả lời thỏa đáng ở nơi đây, chúng ta chỉ bơ vơ, loạn động, như vượn chuyền cành, hay là đội đá vá trời, xây nhà trên bãi cát.

 

 Cách đây hơn năm thế kỷ ( 1442 ), Nguyễn Trãi đã khai vạch cho chúng ta con đường cần dấn bước và tiến tới :

« Lấy Đại Nghĩa mà thắng Hung tàn,

« Lấy Chí Nhân mà thay Cường bạo ».

Hẳn thực, không đi con đường Nhân Nghĩa – Tình Người, trong lòng cuộc đời, chúng ta chưa ý thức mình là ai và không thể nào kết hợp, hướng dẫn quần chúng. Không đi con đường làm bằng chất liệu hiểu biết và yêu thương nầy, mỗi cá nhân chúng ta không thể nào thực thi những bước «  đồng hành và chia sẻ » với người anh chị em, hai bên cạnh chúng ta .

 

Trong tinh thần và ý nghĩa ấy, thay đổi thực trạng ngày hôm nay, trong con người của chúng ta, cũng như trong môi trường Quê Hương và Đất Nước… không phải « là điều làm cũng được, không làm thì khong sao ». Nếu không ra tay thực thi công cuộc thay đổi ấy, trong bản thân và cuộc đời, chúng ta chưa làm người  một cách thực sự và trọn vẹn.

 

Thế nhưng, chúng ta làm thế nào ? Trên bình diện khoa học, đâu là những kỹ năng cần tôi luyện và học tập hằng ngày, để Ngôn và Hành, lời nói và việc làm ăn khớp với nhau ?

 

 

Nhằm thúc đẩy và kêu gọi mỗi người – nhất là những ai thuộc giới trẻ – khám phá, sáng tạo cho mình những câu trả lời trung thực, can đảm và liêm chính, bài nói chuyện nầy sẽ lần lượt giới thiệu hai trọng điểm :

 

 

Trong phần thứ nhất : Tại sao, động lực nào thúc đẩy chúng ta  chuyển hóa thực trạng ngày hôm nay ? Một cách cụ thể chúng ta cần chuyển hóa những gì ? Và chuyển hóa bằng cách nào ? Chúng ta thực thi những động tác chuyển hóa ấy với ai, trong địa hạt nào ?

 

Trong phần thứ hai : chúng ta cần tôi luyện những điều kiện  và kỹ năng nào, trên mặt khoa học, để có thể bắt tay vào việc, không trì hoãn, hẹn rày hẹn mai ?

 

Trong lời kết luận, tôi sẽ nhấn mạnh rằng : Chuyển hóa thực trạng ngày hôm nay, trong bản thân của mỗi người, cũng như chuyển hóa thực trạng của Quê Hương và Đất Nước là vai trò và trách nhiệm của từng người, không trừ sót một ai. Khi làm những điều ấy, một đàng, chúng ta thực hiện những hoài bảo trọng đại trong cuộc đời làm người của mình. Đàng khác, khi làm những điều ấy, chúng ta đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của chúng ta, một cách can trường. Không tránh né. Không thoái thác. Không khoán trắng cho một ai. Không ngồi chờ quả sung từ đâu đâu bỗng nhiên rơi vào miệng. Đồng thời, không đội đá vá trời. Không cho mình có mọi quyền năng. Không tưởng mình nắm trọn trong tay mọi chân lý.

Lãnh đạo trong thời đại Nghìn Năm Thứ Ba, có nghĩa là đồng hành và chia sẽ. Thay vì áp đặt từ trên, từ ngoài, chúng ta bước từng bước đồng cảm với người anh chị em, trên mỗi chặng đường làm người và xây dựng quê huơng.

                                                   ***

 Phần thứ nhất : Bốn động tác để chuyển hóa thực trạng ngày hôm nay

 

Để có thể chuyển hóa cuộc đời và tìm ra ý hướng làm người, chúng ta cần khảo sát bốn vấn đề cơ bản sau đây :

* Tại sao chúng ta phải thay đổi thực trạng ngày hôm nay ?

* Thực  trạng ấy bao gồm những gì ?

* Chúng ta thay đổi thế nào, làm gì, bắt đầu từ đâu ?

* Chúng ta làm công việc thay đổi với ai ?

     

Vấn đề thứ nhất : Lý tưởng làm người thúc giục chúng ta chuyển hóa cuộc đời

 

* Vai trò của chúng ta trong lòng cuộc đời ( roles ),

* Những giá trị chính yếu có khả năng điều hướng toàn diện cuộc sống và thúc giục chúng ta đi lên, vươn tới ( governing values ),

* Sứ mệnh cần thực hiện và thành đạt ( Mission ).  

 

 

Trong tình hình xã hội và chính trị hiện nay, con người có xu thế sử dụng bạo động, để cưỡng chế người khác thực hiện ý muốn của mình. Dùng chiến tranh, để áp đặt hòa bình. Dùng nhà tù, để cải tạo, chỉnh huấn. Dùng roi đòn, để giáo dục con cái. Dùng áp lực, để đòi hỏi kẻ khác phải thay đổi. Vào thời Trung Cỗ, tôn giáo chính thống ở Au Châu đã dùng giàn thiêu, để trừng trị những thành phần phản đạo.

 

Tuy nhiên, kinh nghiệm và thực tế cho chúng ta thấy rằng :  khi con người  bị cưỡng chế, trừng phạt…thay vì thay đổi, con người chỉ trở nên phản động hoặc bị động. Những ai BỊ đối xử bằng bạo động và cưỡng bách, trong tuổi thiếu thời, theo định luật phản hồi nhân quả, trong địa hạt tâm lý, những người ấy chầy kíp sẽ trở thành tác nhân gây ra bạo động cho những người khác, bằng cách nầy hoặc cách khác, khi họ đảm nhận những trách vụ trong lòng xã hội.

 

Theo lối nhìn của tâm lý đương đại, duy bản sắc hay là lý tưởng làm người  là động cơ thúc đẩy con người không ngừng chuyển hóa bản thân và cuộc đời. Trong lăng kính và ý nghĩa ấy, tôi chỉ có thể thay đổi, chừng nào tôi ý thức được rằng : Tôi là ai ? Con người đích thực của tôi làm bằng những chất liệu nào ?  Nhu cầu làm người đòi hỏi tôi phải thực hiện, thành đạt những gì trong cuộc sống hằng ngày ?

 

Nói một cách vắn gọn, lý tưởng là năng động từ bên trong nội tâm, kêu mời và thúc đẩy tôi đứng dậy, vươn mình lên, tiến tới.

 

Theo tác giả Hyrum W. SMITH ( 2001), lý tưởng là một tiến trình không bao giờ có điểm tới nơi. Đó là một con đường tôi phải đi , suốt cuộc đời, bằng cách hướng tới một cái gì cao đẹp , trọng đại nhất trong đời tôi. Là ưu tiên số một, đứng trước tất cả mọi ưu tiên còn lại.

Tuy nhiên, trong thân phận và điều kiện làm người, sai lầm có thể có mặt khắp muôn nơi. Điều mà tôi khẳng định là tốt đẹp, cao quí ngày hôm nay, chưa hẳn còn tốt đẹp và cao quí, trong năm hoặc mười năm sau này. Chính vì lý do đó, ngày ngày, tôi cần rà soát, kiểm điểm và điều chỉnh lại toàn diện con người của tôi.

Nhằm mục tiêu đổi mới, đánh sáng lại những chiều kích trọng đại và cao cả, trong lý tưởng và hoài bảo, chúng ta cần dựa vào những chuẩn mực sau đây :

 

 

Chuẩn mực thứ nhất : lý tưởng là viễn ảnh kỳ hùng, có khả năng động viên con người toàn diện của tôi, trong cuộc sống thường ngày. Cho nên, bốn lãnh vực thuộc cuộc sống làm người phải đóng góp phần mình một cách đồng đều, vào công việc thực hiện lý tưởng. Lãnh vực thứ nhất là sự kiện hay là hành động cụ thể và khách quan. Hẳn thực, thiếu hành động chứng minh, lý tưởng chỉ là quảng cáo, tuyên truyền.

 

Lãnh vực thứ hai là lối nhìn của lý trí có khả năng điều hướng mọi hành động. Lối nhìn ấy được diễn tả và thông đạt cho người khác bằng ngôn ngữ.

Lãnh vực thứ ba là những xúc động hăng say, hứng khởi, nhiệt tình, có khả năng động viên con người ngày ngày bước tới, vượt qua mọi trở ngại và thách đố.

Lãnh vực sau cùng là quan hệ xây dựng và đóng góp, giữa người và người. Nếu lý tưởng là động cơ thúc đẩy tôi làm người, tôi không thể nhân danh lý tưởng ấy, để đàn áp, bốc lột, thống trị và thủ tiêu những ai đang làm người với tôi, hai bên cạnh tôi.

 

Khi cán cân thăng bằng không có mặt giữa bốn yếu tố sinh hoạt nầy, lý tưởng sẽ lập tức trở thành thui chột, phiến diện : đó là một ý thức hệ độc tài, thống trị, đàn áp. Hẳn thực, tự bản chất lý tưởng mang đến cho chúng ta nhiệt tình và hăng say, hạnh phúc và an bình nội tâm. Ý thức hệ, trái lại, bất kể thuộc loại nào – chính trị, tôn giáo, triết lý hay là khoa học - chỉ gieo rắc lo sợ, hận thù và nghi kỵ, trong cuộc sống làm người.

 

Chuẩn mực thứ hai : Lý tưởng có quan hệ mật thiết với nhu cầu cơ bản và chính đáng của tôi và đồng thời tôn trọng nhu cầu làm người của kẻ khác.

Để định nghĩa và khẳng quyết nhu cầu của mình, chúng ta cần thực thi hai động tác bổ túc cho nhau. Trước hết, chúng ta trình bày, một cách tích cực, TÔI MUỐN gì, để yêu cầu kẻ khác đóng góp và thỏa mãn.

 

Thứ đến, chúng ta cần diễn tả một cách tiêu cực : TÔI KHÔNG CHẤP NHẬN những gì. Khi đề xuất những giới hạn,  chúng ta khẳng định chủ quyền của mình và đòi hỏi kẻ khác tôn trọng, dừng lại, không tìm cách vượt qua.

 

Để khẳng định lý tưởng, chúng ta diễn tả nhu cầu của mình. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng có trách nhiệm lắng nghe, nhìn nhận và coi trọng nhu cầu của kẻ khác. Không có thái độ ĐỒNG CẢM hai chiều như vậy, mọi quan hệ giữa người và người sẽ trở thành tranh chấp và xung đột, hận thù và chiến tranh : Tao hơn mày thua. Mày phải chết, để cho tao sống.

 

Thi sĩ John DONNE, vào thế kỹ thư 17, đã nhấn mạnh tính liên đới, đồng trách nhiệm của những ai mang thân phận và cuộc sống làm người, qua câu nói sau đây : « Không một con người nào là một cô đảo. Trên con đường làm người, chúng ta có những liên hệ, gắn bó chặt chẽ vào nhau ». Hẳn thực, trên cùng một chuyến tàu làm người, tôi không thể sống sót một mình, khi những người khác phải chết đuối hay là bị tiêu diệt.

 

Chuẩn mực thứ ba : lý tưởng soi đường, dẫn lối cho chúng ta trong lòng cuộc đời. Cho nên, lý tưởng phải được chúng ta ý thức, nghĩa là diễn tả ra ngoài, bằng lời nói và hành động. Nhờ đó, chúng ta biết : chúng ta đi đâu, về đâu. Hiện tại chúng ta đang có những thuận lợi nào ? Những cạm bẫy nào đang cản trở bước đường của chúng ta. Theo tác giả H.W. SMITH, nhằm khám phá và xác định lý tưởng của mình, chúng ta cần khảo sát một cách rõ ràng và tường tận ba thành tố chính yếu :

 

   * Thành tố thứ nhất : vai trò hay là trách nhiệm hiện tại của tôi là gì ? Trong tình hình hiện tại, tôi có những quan hệ ràng buộc  nào ? Tôi cần làm những gì cho những người cùng chia sẻ cuộc sống với tôi ?

 

   * Thành tố thứ hai : những giá trị nào đang điều hướng cuộc đời của tôi ?  Khi hành động ăn khớp với những giá trị cơ bản, tôi có những cảm nghiệm hăng say và hứng khởi, hạnh phúc và an bình nội tâm. Trái lại, khi khổ đau, chán nản, lo buồn, thất vọng… xuất hiện trong nội tâm, đó là những tiếng còi báo động cho tôi biết rằng những giá trị của tôi không được tôn trọng, những nhu cầu chính đáng của tôi không được thỏa mãn.

 

   * Thành tố thứ ba : Mục đích cuối cùng mà tôi nhắm tới là gì ? Sứ mệnh mà tôi muốn thực hiện và hoàn thành một cách mỹ mãn, trong cuộc sống làm người bao gồm những chiều kích chính yếu nào ? Nói một cách vắn gọn, « ưu tiên số một », hay là « điều quan trọng bậc nhất » trong cuộc sống làm người là gì ? Vì lý do và chí hướng nào, tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống, danh vọng và tiền tài ?

 

- Bao lâu chúng ta chưa tìm kiếm, diễn tả, một cách rõ ràng và trong sáng – hay là viết ra, trên giấy trắng mực đen -  những điểm vừa được trình bày…Đó là giai đoạn khám phá (Discovering),

- Bao lâu chúng ta chưa thiết lập những kế hoạch hành động, với những mục tiêu ngắn và dài hạn, có những thời hạn được xác định rõ rệt…Đó là giai đoạn hoạch định chương trình (Planning),

- Bao lâu chúng ta chưa biết : ngày hôm nay, tôi cần thực thi những động tác cụ thể nào…Đó là giai đoạn thực hiện (Acting),

- Bao lâu chúng ta chưa đi qua ba giai đoạn ấy, lý tưởng còn rất xa vời, thoát khỏi tầm nắm bắt của chúng ta. Nói đúng hơn, đó chỉ là một giấc mơ còn chập chờn, mờ ảo, chưa được chúng ta tìm cách chuyển hóa thành hiện thực, trong cuộc đời làm người, ở đây và bây giờ.

 

                                        ***

 Vấn đề thứ hai : Thực trạng ngày hôm nay :

* những năng động cần phát huy,

* những bị động cần chuyển hóa.

 

Khi nói đến lý tưởng, trong phần vừa qua, chúng ta đã khảo sát mục đích tối hậu của cuộc đời. Đó là tận điểm, chúng ta nhắm tới và quyết tâm thực hiện, trong toàn thể cuộc đời. Thực trạng ngày hôm nay, trái lại, là vị trí hiện thời của chúng ta. Đó là con người hiện thực và cụ thể, với bao nhiêu điểm tích cực và tiêu cực đang còn trà trộn vào nhau.

 

Khi so sánh lý tưởng và con người hiện thực ngày hôm nay, một cách khách quan và khoa học, chúng ta sẽ dễ dàng phân biệt hai lãnh vực đối kháng với nhau : Một bên là những năng động thúc giục, kêu mời chúng ta thực hiện lý tưởng trong lòng cuộc đời. Bên kia là những bị động, những chướng ngại đang cản trở con đường đi lên và bẻ gãy ý chí vươn tới của chúng ta.

Để có thể phân biệt những gì là ánh sáng và bóng tối, những gì là năng động và bị động, trong con người hiện thực, chúng ta cần sử dụng hai phương thức hành động bổ túc và điều hướng lẫn nhau.

 

Phương thức thứ nhất là quan sát mình, nhìn mình, ý thức về mình. Khi chúng ta « biết mình », theo lời nhận xét của tổ tiên, chúng ta sẽ có khả năng « trăm trận, trăm thắng », có nghĩa là «làm chủ bản thân và cuộc đời ». Trên con đường hướng đến lý tưởng, chúng ta có thể đánh giá chúng ta đang ở đâu. Nếu chúng ta đã đi đúng hướng, chúng ta tiếp tục đi tới, bổ túc và kiện toàn. Trường hợp có những sai lệch, chúng ta điều chỉnh, sửa sai. Sai lầm là một điều tự nhiên và thường tình, trong cuộc sống làm người. Khi sai lầm được ý thức và sửa chữa, sai lầm không còn là sai lầm. Sai lầm trở thành một bài học phong phú, một kinh nghiệm quí hóa, để thăng tiến bản thân và làm đẹp cuộc đời. Ngoài ra, những ai ý thức một cách sáng suốt về những sai lầm của mình, những người ấy có khả năng đồng cảm với tha nhân và sẵn sàng thứ tha cho những anh chị em đã vi phạm những lỗi lầm , trên con đường làm người.

 

Câu chuyện sau đây minh họa những điều tôi vừa đề xuất :

Một thiền sinh hỏi vị thầy của mình :

- Thưa sư ông, làm sao sư ông có thể luôn luôn điềm đạm, làm chủ bản thân mình, một cách tuyệt hảo như vậy ?

- Sư ông trả lời : vì ông đã có những quyết định đứng đắn, trước mỗi hành động.

- Nhưng làm sao để có những quyết định đứng đắn  ?

- Vì ông đã có nhiều kinh nghiệm, trong cuộc đời.

- Nhưng thế nào là có nhiều kinh nghiệm ?

- Vì chính ông đã có những quyết định sai lầm trong quá khứ, khi còn bé nhỏ như con bây giờ.

 

Chính vì những lý do vừa được đề xuất, trong cuốn sách «  Nguyễn Trãi và vấn đề giáo dục con cái » ( 2001 ), tôi đã yêu cầu những bậc cha mẹ, cũng như những ai thực thi vai trò giáo dục, trong lòng quê hương, hãy can đảm sáng tạo cho con em chúng ta, năm khung trời mở rộng :

* Thứ nhất, cho phép con em khẳng định tính độc đáo và khác biệt của mình,

* Thứ hai, cho phép con em sai lầm,

* Thứ ba, khuyến khích và cho phép con em diễn tả, nhất là những xúc động tiêu cực, như giận, buồn, lo, sợ…

* Thứ bốn, cho phép con em mộng mơ, trình bày ra ngoài những ước vọng và hoài bảo của mình, một cách hồn nhiên, thoáng thoát,

* Thứ năm, cho phép con em có quyền từ chối, trả lời « Không » với chúng ta, để khẳng quyết con người của mình.

Làm được như vậy, chúng ta đang đặt nền mống vững chắc, cho từng từng thế hệ  tự do và sáng tạo, cơ hồ Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hậu Ỷ Lan… có điều kiện xuất hiện và triển nở, trên từng tấc đất của Núi sông.

 

Mặc dù với bao nhiêu cố gắng, như tôi vừa giới thiệu, để nhìn mình, quan sát mình, tìm hiểu mình, một cách khách quan và chính xác, thiên kiến, thành kiến vẫn luôn luôn tồn tại. Chúng nó len lỏi, nằm vùng trong mỗi lối nhìn, ý kiến và quan điểm của chúng ta, nhất là khi chúng ta nói về mình, binh vực mình, đề cao mình. Theo cách nhìn của Tâm lý đương đại, chúng ta có xu thế nhìn mình, xuyên qua  một loại « cửa sổ vô hình ». Đó là một hệ tin tưởng » (belief window), đã đóng lớp rêu phong, trong tâm tưởng của chúng ta, từ những ngày thơ ấu. Do đó, chúng ta dễ dàng xuyên tạc, bóp méo những tin tức về mình. Chúng ta tin tưởng như đinh đóng đó là những « sự thật một trăm phần trăm ». Cho nên, chúng ta không bao giờ tìm cách kiểm chứng, đặt lại vấn đề, sửa sai và đổi mới.

 

Còn có một cách làm thứ hai là yêu cầu kẻ khác đóng góp, phản hồi. Lắng nghe họ và tạo điều kiện, để cho họ nói về chúng ta, một cách thành thực và chính xác. Tôi sẽ khảo sát cách làm nầy, khi đề cập vấn đề thứ tư sau nầy.

 

Nhằm tóm lược tất cả những điều được trình bày trong phần nầy, chúng ta hãy trở lại với câu hỏi : thực trạng cần được chúng ta chuyển hóa ngày hôm nay bao gồm  những gì ? Đó là tất cả những bị động, những sức nặng ù lì đang làm tê liệt mọi sức sống vươn lên của chúng ta, trên con đường thực hiện lý tưởng. Đó là « những lực lượng phản động », đang đóng sào huyệt giữa con tim của mỗi người trong chúng ta tất cả, không trừ sót một ai. Thay vì đưa tay , chỉ phe bên kia, để tố cáo, mạt sát, kết án, loại trừ, chúng ta hãy can đảm nhìn mình. Tên giặc đang đàn áp chúng ta và gieo rắc hận thù khắp muôn nơi, trên quê hương của chúng ta, là chính mình chúng ta. Cho nên, mọi kế hoạch đổi thay và chuyển hóa cuộc đời…phải bắt đầu từ nơi đó : con người của chúng ta.

 

Hẳn thực, mỗi người hãy tự nhủ lòng mình :  suốt một đời phục vụ điều Thiện, rao giảng điều Thiện, đấu tranh cho điều Thiện, trên khắp mọi nẻo đường của quê hương và thế giới…điều Ac vẫn luôn luôn tồn tại trong tôi, trong lối nhìn của tôi, trong từng hơi thở và lời nói của tôi, trong từng thớ thịt và xương máu của tôi. 

Khi mỗi người Việt Nam ý thức được điều ấy, một cách thành khẩn và khiêm cung, chúng ta đang là bình minh, gọi mặt trời trở về, trên ruộng đồng của quê huơng.

 

                                                  ***

.  Vấn đề thứ ba : Thiết lập và thực hiện Kế Hoạch Hành Động

 

Câu hỏi thứ nhất : Chúng ta cần làm gì, với những năng động đã được khám phá ?

Câu hỏi thứ hai : Chúng ta chuyển hóa thế nào những sức nặng ù lì, bị động, trong lòng cuộc sống ?

 

Để trả lời một cách vắn gọn, chúng ta cần lưu tâm đến những giai đoạn quan trọng cần thực hiện sau đây :

 

* Củng cố và phát huy những năng động đã có mặt, nhưng chưa được thuần thành.

* Trở lui với những năng động đã thuần thành, trong những giai đoạn khó khăn và khủng hoảng, trên con đường thực hiện lý tưởng, để củng cố niềm tin vào chính mình và tìm lại an toàn nội tâm.

* Phân chia mục đích của cuộc đời  ( bao gồm những giá trị và sứ mệnh ),  thành nhiều mục tiêu cụ thể, được xếp đặt theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3…

* Phân chia mỗi mục tiêu cụ thể thành hai loại mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Thời gian thực hiện mục tiêu dài hạn kéo dài từ 1 đến 3 năm tối đa. Thời gian thực hiện mỗi mục tiêu ngắn hạn không vượt quá 6 tháng.

* Để thực hiện mỗi mục tiêu ngắn hạn, chúng ta cần sáng tạo từ 5 đến 10 tác động cụ thể, để thực tập, tôi luyện lặp lui lặp tới, mỗi ngày, cho đến khi nào mục tiêu ngắn hạn được hoàn thành, nhuần thục.

* Một cách đặc biệt, để chuyển hóa những sức nặng ù lì, bị động, trở ngại… chúng hãy khảo sát hai bình diện khác nhau, nhưng luôn luôn chồng chéo lên nhau.

Bình diện thứ nhất là những hành vi tiêu cực, hoàn toàn đối nghịch với chí hướng vươn lên, đi tới, xích lại gần lý tưởng.

Bình diện thứ hai là chức năng hoặc phần vụ TÍCH CỰC của những hành vi tiêu cực đang gây cho chúng ta những rối loạn, phiền hà, trì trệ.

Khi tìm ra được chức năng tích cực, chúng ta có thể đề xuất những tác động cụ thể, để đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu làm người của chúng ta. Xuyên qua cách chuyển hóa nầy, hành vi tiêu cực sẽ từ từ nhường bước cho những hành vi tích cực và năng động, có khả năng phục vụ lý tưởng, mà chúng ta muốn thực hiện trong lòng cuộc đời.

 

Ví dụ sau đây sẽ minh họa cách làm vừa được giới thiệu. Em A không muốn đi học. Phần vụ tích cực của hành vi từ chối ấy là bảo vệ an toàn cho bản thân và cuộc sống của mình, vì ở trường học, một vài học sinh lớn hơn đã có thái độ đe dọa, đối với em ấy.  Để hóa giải tình trạng khó khăn nầy, cô giáo ở lớp học cần lưu tâm đến em A nhiều hơn, trong các giờ ra chơi…để em A tìm lại được lòng tự tin và an toàn nội tâm.

 

* Sau khi thời gian thực hiện mục tiêu đã chấm dứt, chúng ta cần ngồi lại, đánh giá kết quả. Nếu mục tiêu đã thành đạt, chúng ta cần nêu ra một cách rõ ràng : chúng ta đã đạt được kết quả, nhờ vào những kỹ năng nào ? Nếu công việc đã thất bại, chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm : chúng ta thất bại, tại ví lý do nào ? Lần sau, chúng ta cần bổ túc và kiện toàn ở chỗ nào ? 

                                                 ***

  Vấn đề thứ tư : Yêu cầu kẻ khác đóng góp, phản hồi

 

* Bạn THẤY, NGHE gì, ở đâu, khi nào...

* Từ những sự kiện ấy, bạn đề xuất GIẢ THUYẾT nào ?

* Xuyên qua LỐI NHÌN hay là cách THUYÊN GIẢI của bạn, tôi cần rút ra những kết luận nào ? Tôi cần LÀM GÌ ?

* Với những cọng sự viên, tôi cần phát huy những QUAN HỆ nào ?

* Trong lãnh vực XÚC ĐỘNG và TÌNH CẢM,  theo bạn tôi đang có những nhu cầu nào ? Và những người cùng chung sống và làm việc với tôi, đang cần gì ? Tôi  đáp ứng thế nào ?

 

Từ giai đoạn khám phá lý tưởng  cho đến lúc đánh giá những thành quả thâu lượm được, trong từng mỗi bước đi tới, chúng ta cần những đóng góp phản hồi của kẻ khác, về con người của chúng ta, trong bốn lãnh vực sinh hoạt :

- thứ nhất là những hành động và ngôn ngữ khách quan bên ngoài,

- thứ hai là những giá trị và lối nhìn có khả năng điều hướng toàn diện con người,

- thứ ba là đời sống xúc động và tình cảm,

- thứ bốn là những quan hệ tiếp xúc và trao đổi qua lại giữa người với người, trong môi trường xã hội.

 

Như trước đây tôi đã nhấn mạnh, thiếu một trong bốn thành tố trên đây, con người của chúng ta sẽ mất quân bình. Và lý tưởng, mà chúng ta muốn thực hiện, chỉ là một ý đồ « má phấn môi son hay là vẽ rồng họa rắn ».

 

Tuy nhiên, tôi cần phải thêm, không một tin tức nào là sự thật một trăm phần trăm. Mỗi tin tức do người khác cung ứng đều là quặng sản. Chính chúng ta, theo lối nói của văn hào Paulo CUELHO, là người « luyện vàng », có khả năng biến sắt, thép, đồng, chì… thành vàng nguyên chất. Nếu chúng ta thích nịnh bợ, người khác sẽ tìm cách để « vuốt đuôi » chúng ta. Nếu chúng ta thích lèo lái mọi sự, người khác sẽ « làm vui lòng »,  « vổ tay hoan hô », hay là « thinh lặng đồng lõa ». Nếu chúng ta là những người « cố quyết tìm sự thật », ở cuối chặng đường tìm kiếm, sự thật sẽ đến viếng thăm và cư ngụ trong quả tim của chúng ta. Sự thật không bao giờ là sự kiện, có sẵn trước mặt. Sự thật – bất kỳ loại sự thật nào – đi đôi với đức tin vào mình và vào người khác. Sự thật là hoa trái của một quan hệ qua lại, hai chiều giữa hai tâm hồn bồi đắp và nuôi dưỡng lẫn nhau.

 

Trong tác phẩm « Đồng cảm để đồng hành » ( Tình Người, Mùa xuân 2003 ), tôi đã quảng diễn một cách sâu rộng những động tác cụ thể cần thực hiện, khi chúng ta đồng cảm với kẻ khác : có mặt với họ, lắng nghe họ, trân trọng và nhìn nhận những gì họ trao ban cho chúng ta, mặc dù đó có thể là những nhu cầu làm người bị ngụy trang, đằng sau ngôn ngữ hận thù, tố cáo, kết án, lăng nhục... Khi chúng ta có khả năng nhận ra khuôn mặt làm ngươi của kẻ khác, đằng sau những « nét mặt còn nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi », chính lúc đó, chúng ta ĐANG LÀM NGƯỜI. Lý tưởng làm người đang thành xương thành thịt, trong con người của chúng ta.

Không bước đi những bước đồng cảm với anh chị em đồng bào, chúng ta không thể nào khám phá nhu cầu chính đáng và cơ bản của họ. Bản chất đích thực của vai trò lãnh đạo phải chăng là tạo ra mọi điều kiện thuận lợi và tốt hảo, để kẻ khác cũng làm người với chúng ta ?

Nói khác đi, trong mỗi phút giây, khi chúng ta cố quyết làm người, trong từng quan hệ tiếp xúc và trao đổi,  chúng ta đang đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của mình, mặc dù chúng ta chỉ là một người phu quét đường, trong một khu chợ. Hiểu được sự thật ấy, chúng ta sẽ nhận thức được một cách rốt ráo thế nào là trở nên người lãnh đạo có khả năng đồng hành và đồng cảm , trong lòng quê hương và dân tộc, trong những tình huống hiện nay.

                                                  ***

Phần thứ hai : Bốn kỹ năng khoa học để thực hiện lý tưởng trong mỗi giây phút của cuộc đời

 

* Ý thức về mình ( Self-awareness ),

* Làm chủ bản thân và cuộc đời của mình ( Self-management ),

* Khả năng đồng cảm với tha nhân ( Empathy ),

* Khả năng kết dệt những quan hệ đóng góp xây dựng và trao đổi hài hòa với những người chung sống trong môi trường (Relationship-management).

 

Để có thể thực hiện lý tưởng, trong bốn giai đoạn được trình bày trên đây, về mặt kiến thức và khoa học, chúng ta cần vận dụng kỹ năng « vừa Tình vừa Lý », trong con người của chúng ta. Theo lối gọi của Daniel GOLEMAN, đó là một loại « Trí Thông Minh coi trọng Tình Cảm », có cơ sở cụ thể và khách quan, trong Hệ Thần Kinh trung ương não bộ.

Cơ sở nầy là đường giây liên lạc nối kết cấu trúc Hạnh Nhân thuộc Hệ Viền nằm sâu trong não bộ và Thùy Trán bên trái, thuộc Hệ Tân Vỏ Não. Nếu vì lý do tai nạn hoặc bệnh hoạn, cấu trúc Hạnh nhân bị thương tổn, bệnh nhân vẫn duy trì khả năng lý luận, nhưng không còn biết đồng cảm với người khác. Trái lại, khi Thùy Trán – nhất là phần phía trên – bị thương tổn, bệnh nhân sẽ mất khả năng làm chủ hay là chế ngự đời sống xúc động và tình cảm của mình.

Nhờ có những tin tức trao qua gửi về giữa Hạnh Nhận và Thùy Trán, chúng ta kết hợp một cách hài hòa, bốn loại khả năng cùng một lúc :

- thứ nhất là khả năng hiểu biết ý nghĩa của những sự kiện xảy ra bên ngoài,

- thứ hai là khả năng vận dụng trực giác, để có một lối nhìn toàn diện, tổng thể trước những vấn đề phức tạp,

- thứ ba là khả năng điều hướng, điều hợp đời sống tình cảm và xúc động,

- thứ bốn là khả năng đồng cảm với người khác, nghĩa là đặt mình vào vị trí của họ, hiểu được họ, như chính họ hiểu mình, trong những quan hệ tiếp xúc và trao đổi.

 

Khả năng kết hợp và vận dụng vừa Tình vừa Lý, như chúng ta đã nói, còn mang tên là « Trí Thông Minh coi trọng Tình Cảm », cung ứng cho chúng ta bốn loại kỹ năng cần thiết cho mọi công tác lãnh đạo, từ giai đọan đề xuất khám phá một hướng đi  đến giai đoạn hoàn thành kế hoạch hành động.

 

Kỹ năng thứ nhất : ý thức về mình

 

Khi ý thức về mình được mài nhọn và đánh sáng mỗi ngày, nhờ học tập, tôi luyện và khả năng lắng nghe kẻ khác…tôi có ít nhất hai kỹ năng tinh nhuệ, khả dĩ bồi đắp cho lý tưởng làm người và vai trò lãnh đạo.

Kỹ năng thứ nhất cho phép tôi nhận thức và phân định một cách dễ dàng, nhanh chóng : đâu là những năng động tích cực, đâu là những bị động tiêu cực đang cùng có mặt trong con người hiện thực của tôi.

Kỹ năng thứ hai tạo điều kiện cho tôi biết phân biệt một cách sáng suốt và bén nhạy lằn ranh giữa những sự kiện khách quan  và những thiên kiến hay là những định kiến. Đó là những « Hệ tin tưởng » xa xưa, cỗ đại, chưa bao giờ được tôi nhận diện và đối diện, bằng cách kiểm chứng, một cách can đảm, chân thành và khoa học.

 

Kỹ năng thứ hai : Làm chủ bản thân mình

 

Khi có kỹ năng làm chủ bản thân và cuộc đời, tôi biết : tôi đang đi về đâu ? Hiện tại tôi ở chỗ nào ? Tôi cần phải làm gì ? Khi có một chướng ngại xuất hiện, trên đường đi, tôi hóa giải bằng cách nào ? Tôi chuyển biến thế nào những thất bại, lỗi lầm… trong cuộc đời thành kinh nghiệm quí hóa và bài học thăng tiến bản thân ?

Một cách đặc biệt, trong đời sống xúc động và tình cảm, con người có kỹ năng làm chủ bản thân mình không bao giờ bị tê liệt và tràn ngập, trước những cơn khổ đau trầm trọng, hay là trong những tình huống bệnh hoạn, tang chế xảy đến một cách bất ngờ.

Trên đây, tôi đã nói đến vai trò của Thùy Trán, bên phía trái, thuộc hệ Tân Vỏ Não. Nhờ hoạt động của cấu trúc nầy, con người có khả năng gọi trở về, trong cuộc đời của mình, những kinh nghiệm thành công, hạnh phúc, vui sướng đã có mặt trong quá khứ, để hóa giải, hoặc bồi đắp cho những tình huống cay nghiệt , u tối đang xảy ra trong giờ phút hiện tại.

 

Kỹ năng thứ ba : Đồng Cảm với tha nhân

 

Mặc dù bao nhiêu nét khác biệt, đang tạo ngăn cách giữa bản thân tôi và người đối diện , nhờ vào kỹ năng đồng cảm, tôi vẫn nhận ra khuôn mặt của tôi, trong người ấy, và khuôn mặt của người ấy đang hiện diện trong thâm cung của quả tim tôi.  Câu nói của người đi trước đang nhắc nhủ cho chúng ta về sự thật « nhất tâm » ấy : « Mình với ta, tuy hai mà một. Ta với Mình sao một mà hai ? ». Dựa vào những nét khác biệt, tôi có thể đón nhận nơi người khác, những bài học và kinh nghiệm, để bổ túc và kiện toàn những gì còn thiếu sót, trong con người và cuộc đời của tôi. Trái lại, khi khám phá được những điểm giống nhau, như khổ đau, buồn chán, thất vọng, phản bội, lỗi lầm… chúng ta chỉ có một con đường, để cùng đi với nhau : đó là Thương Yêu và Tha Thứ. Dân tộc nào không rút ra được, từ lịch sử của mình, những bài học Tha Thứ, dân tộc ấy đang trên đường suy vong và tự hủy.

 

Kỹ năng thứ tư : Đóng góp xây dựng và quan hệ hài hòa

 

Người khác – bất kể họ là ai, bạn hay thù, thân nhân hoặc xa lạ – là vốn đầu tư lớn lao và phong phú hơn tất cả mọi loại vốn đầu tư khác. Đó là vốn đầu tư có khả năng biến chúng ta thành người.

Tuy nhiên, như tôi đã nhấn mạnh nhiều lần trước đây, chúng ta là  « người luyện vàng », có khả năng biến thành vàng những gì là quặng sản, trong tầm tay của chúng ta. Đối với tha nhân, có mặt trong môi trường sinh hoạt hằng ngày, từ ngày sinh ra khỏi lòng Mẹ, chúng ta cũng có một trách nhiệm luyện vàng như vậy. Họ sẽ đóng góp, nếu chúng ta biết yêu cầu và đón nhận những đóng góp của họ. Nếu chúng ta đối xử với họ như kẻ thù, họ sẽ là những tên thực dân, xâm lược. Thể theo lối nhìn của Eric BERNE – tác giả sáng lập Phương Pháp phân tích những quan hệ trao đổi  (Analyse transactionnelle)- không một người nào là nạn nhân, cứu tinh hay thực dân, tự bản sắc của mình. Trong mọi quan hệ trao đổi giữa người với người, nếu chúng ta thấy mình là nạn nhân, chúng ta sẽ tìm người, để « tấn phong họ » thành tên thực dân hay là vị cứu tinh. Trái lại, khi chúng ta thấy ai khác là nạn nhân, chúng ta sẽ nhảy vào đóng vai trò tên thực dân hay là vị cứu tinh. Tuy nhiên, không ai có thể « chơi » trò chơi làm thực dân, hay là làm vị cứu tinh suốt cuộc đời. Tên thực dân sẽ bị đánh ngã quị, để trở thành nạn nhân. Vị cứu tinh một ngày nào đó sẽ trở thành tên thực dân, đối với những người, mà mình đã cứu vãn và viện trợ. Và nạn nhân ngày trước bây giờ trở thành tên thực dân, đối với người khác, thậm chí đối với anh chị em đồng bào của mình.

Chính vì những lý do vừa được quảng khai, trong những quan hệ tiếp xúc và trao đổi, nếu kẻ khác được chúng ta cư xử và đãi ngộ là người, chúng ta sẽ làm người. Trái lại, khi kẻ khác chỉ là « công cụ » hay là « đồ vật », trong lối nhìn của chúng ta, lúc bấy giờ chúng ta  chỉ là « nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi », nghĩa là một quái thai, trong thế giới làm người.

Trong tinh thần và lăng kính ấy, để có thể lãnh đạo anh chị em đồng bào, chúng ta hãy bắt đầu LÀM NGƯỜI và trân trọng tư cách làm người của anh chị em chúng ta.

                                                  ***

 KẾT LUẬN :

Cái gì sẽ xảy ra, nếu chúng ta thực hiện lý tưởng với bốn giai đoạn được đề xuất trên đây ?

 

Nếu ngày ngày can trường, kiên nhẫn bước đi trên con đường hướng đến lý tưởng, chúng ta sẽ trở thành « ai », hay là « cái gì » ?

Để trả lời , tôi xin khẳng quyết một cách vắn gọn như sau  :

* Chúng ta là những Thánh Gióng :  Lên đường đánh tan Giặc ÂN, và mang về cho Đất Nước thanh bình và thịnh vượng, sau khi được bà con xa gần cho ăn, cho mặc, cho ngựa, cho gươm. Làm xong phận sự, Thánh Gióng đã thanh thản ra đi, trở về Trời với Mẹ Au Cơ.

* Chúng ta là những Trần Hưng Đạo : Tại Vạn Kiếp, khi vua Trần Nhân Tôn ngự thuyền đến tham vấn : « Thế giặc quá to, đánh nhau lâu sợ hại cho dân. Hay là Trẫm ra hàng, để cứu muôn dân ? ». Trần Hưng Đạo đã khảng khái tâu lại : « Nếu Bệ Hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu trẫm trước đã ».

* Chúng ta là những vua Lý Thánh Tôn đầy lòng nhân từ và quí trọng người dân của mình . Nhà vua thường than thở với Triều Đình :  « Trẫm yêu dân như yêu con ». Cho nên, vào mùa rét lạnh, Nhà Vua truyền lệnh phân phát chăn chiếu cho những tội nhân.

* Chúng ta là những Trần Bình Trọng :  Khi quân Nguyên xâm chiếm Nước ta lần thứ hai, Trần Bình Trọng bị bắt ở biên thùy và bị giải đến trước tướng Nguyên là Thoát Hoan. Tướng nầy đem mồi phú quí dụ Trần Bình Trọng : «  Hãy về hàng ta đi, rồi sẽ được phong làm vương đất Bắc ». Trần Bình Trọng nổi giận, quát lên rằng : « Ta thà làm quỉ Nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc ».

* Chúng ta là những Nguyễn Trãi :  « Chăn lạnh choàng vai, đêm chẳng ngủ. Suốt đời, ôm mãi nỗi lo dân ».

 

Để có thể trả lời một cách can đảm và trung thực, mỗi người hãy trở về trong thâm cung của lòng mình. Hãy lắng nghe lời kêu gọi của Núi Sông, Đất Nước. Hãy gọi Lạc Long Quân và Bà Au Cơ trở về với chúng ta và giữa chúng ta :

 

« Hãy gọi Cha về, lòng ai thao thức sóng vỗ,

« Hãy lắng nghe lời ru của Mẹ, khi cuộc đời đầy giông tố.

« - Công cha Như Núi Thái Sơn,

« Nghĩa Mẹ như Nước trong nguồn chảy ra -,

« Anh em cùng một Mái Nhà,

« Ngọt bùi chia sẻ, gần xa một lòng.

 

«  Con là ai ? – Hạt bụi, giữa Đất Trời Vũ Trụ.

«  Nhưng đời con gây động chuyển hằng ngàng tinh tú.

«  Con đứng lên, đập tan những hận thù, bom đạn…

«  Bàn tay con, ngày ngày sáng tạo Núi Sông tròn đầy và viên mãn.

«  Bước chân con mang Hạnh phúc cho Đời,

«  Quả Tim con Nguồn Suối không bao giờ cạn vơi .

«  Giữa bão tố, Hồn Đại Dương vẫn lặng,

«  Ngày sương mù, Lòng Trời Cao cứ nắng .

« Ngàn sông tràn nước, ngàn mảnh trăng rơi…

« Muôn dặm không mây, chỉ một Bầu Trời ».

 

Phải chăng đó là lý tưởng, chúng ta đang quyết tâm ngày ngày thực hiện trong cuộc đời của mình?

 

 Sách tham khảo

 

1.-Goleman D.  –The new Leaders  - Little Brown, London 2002

2.-Smith H.W.  – What matters most – Simon & Schuster, London 2001

3.-Hoàng Liên – Ánh Sáng và Bóng Tối – Văn Nghệ, California 1990

4.-Nguyễn văn Thuận – Năm chiếc bánh và hai con cá – Định Hướng, Strasbourg 1999

5.-Nguyễn văn Thành – Nguyễn Trãi và Vấn đề giáo dục con cái – Tình Người, Lausanne 2001

6.- Nguyễn văn Thành – Đồng Cảm  để Đồng Hành – Tình Người, Lausanne 2003

7.- Một nhóm giáo sư – VIỆT SỬ, quyển 1 và 2 – Inst. Asie du Sud-Est, Paris 1993

8.- Nguyễn văn Thành - Sơn Tinh và Thủy Tinh : hai con đường, MỘT Nước Non - Tình Người, Lausanne Mùa Thu 2003



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!