.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời mở đường - « Tôi nhìn tôi trên vách »

Chương 1 - Nguồn Gốc Rồng Tiên

Chương 2 - Khi Mặt Hồ nổi sóng, Thần Kim Qui xuất hiện

Chương 3 - Thánh Gióng và con đường « đi lên » của con Rồng cháu Tiên

Chương 4 - Sơn Tinh và Thủy Tinh : Hai con Đường, Một Nước Non

Chương 5 - "Tấm và Cám" trong nội tâm của Chúng ta

Chương 6 - « Thằng Bờm » trong cõi lòng của Người Việt Nam

Chương 7 - Đối Thoại : Bắc lại Nhịp Cầu Hiểu Biết và Tình Thương

Chương 8 - Con Đường Luyện Vàng

Chương 9 - Xây dựng Quan Hệ và Quan Hệ Xây Dựng

Chương 10 - Hạnh Phúc và Khổ Đau Trong lòng Cuộc đời

Chương 11 - Khi nào một cơ cấu tổ chức trở nên bệnh hoạn ?

Chương 12 - Chuyển hóa thực trạng ngày hôm nay ?

Thay lời Kết Luận - Chiếc Bè để qua sông

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Huyền Sử Việt Nam
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
LỜI MỞ ĐƯỜNG - « TÔI NHÌN TÔI TRÊN VÁCH »

Một trong những cuốn sách của nữ văn sĩ Túy Hồng mang tựa đề là : « Tôi nhìn tôi trên vách ». Hẳn thực, phóng mình lên trên một màn ảnh để nhìn xem mình, lắng nghe mình ăn nói làm sao, cư xử và đãi ngộ thế nào với người anh chị em đồng bào, trong cuộc sống thường ngày... phải chăng đó là một khả năng đã giúp Túy Hồng xác định mình là ai, không thả mình cuốn trôi theo dòng thác lũ, như một ngọn lá bấp bênh và vô hồn, vô giá trị và vô nghĩa ?

 

Tâm lý học đương đại đặt tên cho khả năng « thấy mình đang sống » như vậy, là PHẢN TỈNH, có nghĩa là thức tỉnh, sáng suốt về những gì chúng ta đang làm, đang nói và đang suy tư. Theo lối nói của Thiền học, khi ăn tôi biết tôi đang ăn. Khi làm tôi biết tôi đang làm. Khi đi, tôi biết tôi đang đi. Khi dừng lại, tôi biết tôi đang dừng lại. Làm được những điều ấy, tôi sẽ là một con người có ý thức, chứ không phải là chiếc máy tự động và vô hồn, ngày ngày nhai đi nhai lại, những gì mà người khác đã lên kế hoạch hay là lập sẵn những chương trình cho tôi, từ trên hoặc từ ngoài.

Một cách cụ thể, mỗi lần tôi tiếp xúc và trao đổi với anh chị em đồng bào, phải chăng khi nói, tôi biết tôi ĐANG NÓI với tư cách là một chủ thể toàn phần, đang có những quan hệ năng động và hài hòa với bao nhiêu chủ thể khác ? Tôi tìm cách diễn tả, chia sẻ con người trung thực của tôi, thay vì lên tiếng tố cáo, mạ lị, đàn áp và bốc lột con người ở trước mặt tôi ? Tôi cố quyết làm người và đồng thời tôi tôn trọng quyền làm người của những ai đang chung sống với tôi, trong môi trường xã hội và Quê Hương. Tôi cố quyết tạo cho họ, bằng cách này hoặc cách khác, tùy vào thực tế cụ thể của mình, những điều kiện thuận lợi, khả dĩ giúp đỡ, kêu mời họ cũng ngày ngày vươn mình lên, làm người với tôi. Ai còn bị ức hiếp, mà lòng tôi không quặn đau ? Ai còn vất vã, lam lũ, chưa thể kiếm ra được mỗi ngày một loong gạo, mà lòng tôi không cảm thấy trăn trở và bồi hồi ? Bao lâu tôi còn « bịt tai, bịt mắt, đóng kín cửa lòng » trước tình trạng «người bốc lột người», trong lòng Quê Hương và Đất Nước, sau hơn «bốn nghìn năm văn hiến...», liệu tôi có biết rõ « tôi thực sự là ai » hay chưa ? Phải chăng tôi đang dám nhìn mình hiện nguyên hình một cách rõ rệt, trên một màn ảnh ở trước mặt ?

Đồng cảm và đồng hành với anh chị em đồng bào, như tôi vừa giới thiệu một vài đường nét chấm phá, phải chăng đó là những chủ đề được xoáy lui xoáy tới, trong những câu chuyện Huyền Sử, mà Tổ Tiên và Cha Ông đã trối trăng lại cho chúng ta, từ đời nầy qua đời khác, cho đến ngày hôm nay ? Một cách nào đó, các vị đang kêu mời chúng ta hãy làm người, bằng cách đặt ra những câu hỏi sau đây :

-         Con là ai ?

-         Con đang mang trong mình những giá trị nào ?

-         Sở trường mà con cần phát huy, vun tưới là gì ?

-         Sở đoản mà con cần khắc phục và hóa giải bao gồm những điều nào ?

-         Con đang thực thi trách nhiệm thế nào, với mỗi người anh chị em đồng bào, nhất là với những thế hệ của ngày mai đang từ từ lớn lên ?

-         Nói tóm lại, bao nhiêu THÁCH ĐỐ đang đợi chờ con là gì, trên mỗi tấc đất của Quê Hương ?

Thách đố có nghĩa là những vấn đề ắt có, tất yếu thuộc thân phâïn và điều kiện làm người. Nếu chúng ta biết đối diện và nhận diện, bằng cách chuyển biến hoặc hóa giải, chúng ta sẽ có rất nhiều cơ may, để vươn mình lên, thăng tiến trên con đường làm người. Trái lại, nếu chúng ta ù lì, bị động, xuôi tay hay đầu hàng, chính chúng ta đang chuốc vào mình thân phận làm nạn nhân, đồ vật hay là công cụ của người khác. Lúc bấy giờ, thay vì sáng tạo mình, với tư cách là một chủ thể biết đảm nhiệm bản thân và cuộc đời, chúng ta chỉ PHẢN ỨNG, với những thái độ chua cay, phàn nàn, trách móc, hận đời. Hay là chúng ta trở nên con người phản động, chống đối, phá hoại, bạo động... xây dựng cuộc đời của mình, với hai bàn tay thấm máu, luôn luôn hành hạ, sát hại, thủ tiêu hay là lạm dụng kẻ khác, cho dù đó là những trẻ em non dại hay là những người dân đơn sơ, mộc mạc, vô tội...

Trong một số bài chia sẻ, được đăng tải đó đây trên nhiều Tờ Báo trong và ngoài Nước, tôi đã khảo sát những vấn đề được đặt ra trên đây, với tất cả thực chất, thực hữu và bao nhiêu giới hạn ắt có thuộc con người xương máu và cụ thể của tôi. Hôm nay, sau một cuộc đời nghiên cứu và học hỏi, tham khảo và lắng nghe nhiều vị thầy ở Đông cũng như ở Tây, trên Bắc cũng như dưới Nam, tôi tạm thời đúc kết, góp lại thành một cuốn sách, với tựa đề : « Huyền Sử Việt Nam : Con đường LUYỆN VÀNG của Con Rồng Cháu Tiên ».

Xuyên qua tác phẩm nầy, tôi muốn nhấn mạnh những trọng điểm sau đây :

-         Thứ nhất, trong lòng Quê Hương, từ Ải Nam Quan cho  đến Mũi Cà Mau, tất cả chúng ta không trừ sót một ai, đều là anh chị em đồng bào, phát xuất từ một Cha và một Mẹ. Chúng ta tất cả mang hai dòng máu Lạc Hồng, trong quả tim.

-         Thứ hai, tuy là anh chị em, chúng ta khác nhau, trong nhiều địa hạt. Không có hai người hoàn toàn giống nhau, như hai hạt nước. Mặc dù vậy, chúng ta đang cần nhau. Chúng ta có thể bổ túc, kiện toàn và xây dựng cho nhau.

-         Thứ ba, thách đố lớn lao và kỳ hùng, đang có mặt trong con tim và cuộc đời của mỗi người, là con đường Đối Thoại, làm bằng chất liệu Tình Thương và Hiểu Biết, Đồng Cảm và Đồng Hành, Thức Tỉnh và Tha Thứ. Một cách cụ thể, quan hệ Đối thoại là ngày ngày ngồi lại với nhau, trao đổi qua lại hai chiều, biết cho và biết nhận, biết xin và biết từ chối một cách sáng suốt và tự do, vừa có tình và vừa có lý. Để xây dựng và bồi đắp con đường ấy, mỗi người diễn tả thực tế của chính mình, đồng thời tôn trọng tư cách làm chủ thể của người anh chị em đang chung sống hai bên cạnh.

-         Thứ bốn, con đường trao đổi và chia sẻ ấy là một tiến trình liên tục bao gồm ba chiều kích « ngày qua, hôm nay và ngày mai », và sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Mỗi người có trách nhiệm đóng góp phần mình, để không ngừng xây dựng, củng cố, đổi mới con đường đang đi.

-         Thứ năm, nếu chúng ta thiếu Tỉnh Thức và Lòng Tha Thứ, mỗi giây mỗi phút, con đường Đối Thoại ấy có thể lập tức trở thành « Một Đại Lộ Kinh Hoàng », làm bằng chết chóc, kỳ thị, hận thù và chiến tranh... đang chạy xuyên qua quả tim của từng người trong chúng ta, và đang xé nát Quê Hương thành nhiều mảnh vụn. Lúc bấy giờ, chúng ta sẽ phản bội Tổ Tiên và Cha Ông. Đồng thời, chúng ta chỉ có một gia tài đổ nát và tang thương, để trối trăng lại cho các thế hệ con cái và cháu chắt sau này.  

Năm điều tâm niệm trên đây đã được kết tinh và kết tụ, trong quả tim của tôi, sau môït cuộc đời học hỏi, nghiên cứu, khổ đau và tu luyện. Tuy nhiên, phải chăng đó cũng là thực tế và thực tại của mỗi người đang mang dòng máu Rồng Tiên, trong từng huyết quản, giống như tôi ? Tôi thắp hương khấn vái Tổ Tiên và chờ đợi câu trả lời của mỗi người anh chị em đồng hương, đồng bào, bất phân nguồn gốc xã hội, chủng tộc, địa phương, chính kiến và Đức Tin Tôn Giáo.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!