.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời mở đường - « Tôi nhìn tôi trên vách »

Chương 1 - Nguồn Gốc Rồng Tiên

Chương 2 - Khi Mặt Hồ nổi sóng, Thần Kim Qui xuất hiện

Chương 3 - Thánh Gióng và con đường « đi lên » của con Rồng cháu Tiên

Chương 4 - Sơn Tinh và Thủy Tinh : Hai con Đường, Một Nước Non

Chương 5 - "Tấm và Cám" trong nội tâm của Chúng ta

Chương 6 - « Thằng Bờm » trong cõi lòng của Người Việt Nam

Chương 7 - Đối Thoại : Bắc lại Nhịp Cầu Hiểu Biết và Tình Thương

Chương 8 - Con Đường Luyện Vàng

Chương 9 - Xây dựng Quan Hệ và Quan Hệ Xây Dựng

Chương 10 - Hạnh Phúc và Khổ Đau Trong lòng Cuộc đời

Chương 11 - Khi nào một cơ cấu tổ chức trở nên bệnh hoạn ?

Chương 12 - Chuyển hóa thực trạng ngày hôm nay ?

Thay lời Kết Luận - Chiếc Bè để qua sông

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Huyền Sử Việt Nam
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG 8 - CON ĐƯỜNG LUYỆN VÀNG

1. Khi nhìn lại cuộc đời của mình, tôi có thể phân biệt ba giai đoạn vừa đối kháng vừa bổ túc lẫn nhau :

 

Thứ nhất, từ 20 đến 40 tuổi, tôi ấp ủ hoài bão cải hóa con người và thay đổi bộ mặt của thế giới. Tôi muốn thực hiện một cuộc cách mạng toàn diện cho bản thân và cuộc đời. Theo lối nhìn của tôi vào thời kỳ ấy, nếu điều kiện môi trường xã hội bắt buộc, tôi sẵn sàng dấn bước vào con đường xung đột, bạo động, hận thù, đổ máu và chiến tranh... miễn là ý đồ thành đạt và mang lại những thành quả mong muốn.

Thứ hai, từ 40 đến 60 tuổi, tôi đã dần dần thu hẹp những ước mơ và mộng tưởng của mình. Cuối cùng tôi chỉ giữ lại một tham vọng độc nhất là thay đổi vợ con và một vài bạn bè thân tình, thiết cốt mà thôi.

Thứ ba, từ 60 tuổi trở đi, sau bao nhiêu khổ đau chồng chất, thất bại ê chề và nhiều tác phong phản bội, trong cuộc đời lý tưởng cũng như trong quan hệ trao đổi và tiếp xúc giữa người với người... tôi đã mở mắt bừng sáng về khả năng thực sự của mình : Tôi chỉ có thể chủ động chuyển hóa chính con người của tôi mà thôi. Khu vườn mà tôi có thể vun trồng tưới bón một vài bông hoa, để hiến tặng cho đời và những ai lại gần tôi, đó là tâm hồn của tôi. Không khởi sự từ nơi đây, tôi chỉ làm con keo vẹt, hô hào, cổ động, chiêng trống rùm beng, thanh la chũm chọe. Tệ hại hơn nữa là tôi sử dụng bom đạn hận thù, cưỡng bức và chiến tranh... để đòi buộc kẻ khác phải « cải hóa và qui thiện », giống như tôi, theo ý của tôi, đúng như mẫu thức do tôi áp đặt từ trên, từ ngoài, một cách đơn phương, độc tài và độc đoán.

Chính cách « đặt vấn đề », « thấy vấn đề » và « giải quyết vấn đề », một cách độc lộ, một chiều như vậy, là một vấn đề nan giải và bế tắc triền miên, có mặt khắp nơi, trong thế giới ngày hôm nay.

Cuối cùng, không một ai đón nhận và chấp nhận « ý đồ thực dân » của tôi, được ngụy trang ở dưới một bộ mặt « đầy thiện chí và thiện tâm ».

2. Từ những kinh nghiệm đau thương ấy, tôi đã chọn làm của mình lời khấn nguyện của thi sĩ Reinbold Niebuhr được trích dẫn trong cuốn sách của tác giả bác sĩ tâm thần B. Burns:[16]

« Xin cho tôi có lòng thanh thản và bình tâm để chấp nhận những gì tôi không thể thay đổi.

« Xin cho tôi có lòng can đảm để chuyển hóa những gì tôi có khả năng và trách nhiệm chuyển hóa.

« Xin cho tôi có lòng khôn ngoan để phân biệt một cách sáng suốt điều nào tôi có thể thay đổi và điều nào thoát ra ngoài khả lực hiện thực của tôi. »

Hẳn thực, mỗi lần khảo sát vấn đề thay đổi, chuyển biến trong cuộc sống làm người, tôi không thể không nêu lên một loạt câu hỏi đan chéo chằng chịt vào nhau :

-     Tôi thay đổi cái gì ?

-     Tôi thay đổi để làm gì ?

-     Tôi thay đổi bằng cách nào ?

-     Tôi thực hiện công cuộc thay đổi ấy khi nào, ở đâu, với ai, bao lâu ?

-     Trường hợp cái hại lấn áp và khống chế cái lợi, trong tiến trình thay đổi ấy, tôi cần lấy quyết định như thế nào ? Sáng suốt dừng lại ? Vẫn ngoan cố tiếp tục ? Hay là chuyển hóa mục tiêu, bằng cách CHỌN LỰA lại một con đường hợp tình hợp lý, linh động và hài hòa, có người và có tôi đồng lòng và hợp ý vớiù nhau ?

Trong lời khấn nguyện của R. Niebuhr, năm bước đi lên ấy được gói ghém trọn vẹn trong lối nói « Lòng Khôn Ngoan ». Đây là ngọn hải đăng có khả năng hướng dẫn và soi sáng những con thuyền đang lênh đênh trên biển cả đầy sóng gió. Một lòng khôn ngoan đa năng, đa diện và hữu hiệu như vậy, chỉ phát huy và triển nở được trong một tâm hồn thanh thản và an lạc, luôn luôn tỉnh thức và bao quán về những đường đi và nẻo về của mình, trong lòng cuộc đời ba chìm bảy nổi tám lênh đênh. Thêm vào đó, lòng khôn ngoan ấy cũng là động lực thúc đẩy chúng ta can trường bước tới, vượt qua mọi trở ngại, trên bất cứ giai đoạn nào, thuộc tiến trình làm người.

Hẳn thực, chừng nào chúng ta có khả năng thay đổi tất cả những gì chúng ta có trách nhiệm phải thay đổi, để ngày hôm nay trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn ngày hôm qua, lúc bấy giờ chúng ta đang trở thành người LUYỆN VÀNG, theo lối nói của văn hào Paulo Cuelho. Tất cả mọi quặng sản như đồng, chì, sắt, thép... sẽ chuyển biến thành Vàng nguyên chất, khi tiến vào trong quĩ đạo sinh sống và hoạt động của chúng ta.[17]

3. Cũng chính vì lý do và ý hướng nầy, Kinh Dịch phân biệt hai loại biến chuyển khác nhau : Một là những chu kỳ thay đổi trong các hiện tượng tự nhiên của trời đất, vũ trụ. Hai là những con đường vươn lên, hướng thượng, chuyển hóa trong cuộc sống thành người. Hẳn thực, những đổi thay như nắng mưa, ngày đêm, nóng lạnh... là định luật tự nhiên, tất yếu của đất và trời. « Mai mưa, trưa tạnh, chiều giông » là lẽ thường tình của khí hậu, do nhiều yếu tố tác động và ảnh hưởng qua lại hai chiều, theo định luật nhân sinh ra quả, quả trở lại chi phối nhân.

Bản sắc và sứ mệnh của con người, trái lại, là làm chủ cuộc đời. Từ ngày sinh ra cho đến khi lìa đời, con người không ngừng sáng tạo, chuyển hóa, thăng tiến bản thân của mình. Đồng thời, chúng ta có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, để người anh chị em hai bên cạnh cũng có khả năng tiến hóa, vươn lên như chúng ta và với chúng ta. Nghĩa là ngày ngày trở thành con người có Văn Hóa. Có khả năng chuyển biến cuộc đời và bản thân mình thành một cánh đồng phì nhiêu. Ngày ngày kết sinh mùa màng và hoa lợi. Mang lại hạnh phúc và ấm no, trên hai bình diện vật chất và tinh thần, cho chính mình và những người anh chị em khác, cùng chung sống hai bên cạnh.

Con đường luyện vàng ấy không thể được áp đặt hoặc chỉ đạo từ bên trên hoặc bên ngoài. Nó được cưu mang, ấp ủ và phát sinh ở bên trong nộâi tâm của mỗi người. Rồi từ đó, toát ra bên ngoài, trong các địa hạt khác, thuộc môi trường sinh thái chung quanh.

4.  Để trở nên hữu hiệu, nghĩa là có khả năng tạo ra những thành quả cụ thể, vững bền, trên con đường luyện vàng nầy, theo cách hướng dẫn của tác giả Stephen R. Cover, chính con người của chúng ta cần kinh qua một tiến trình bao gồm 7 giai đoạn, giai đoạn trước chuẩn bị và tạo điều kiện « hộ sinh » cho giai đoạn sau :[18]

-         Thứ nhất : Chủ động và sáng tạo, thay vì bị động và phản ứng một cách máy móc, bốc đồng trước những kích thích của ngoại cảnh.

-         Thứ hai : Xác định mục đích tối hậu, trước mỗi kế hoạch hành động. Nói cách khác, lý tưởng của đời tôi là gì ? Chí hướng soi đường chỉ lối cho tôi, bao gồm những giá trị nào, nhất là khi tôi trải qua những giai đoạn bão bùng giông tố ?

-         Thứ ba : Làm việc với những mục tiêu cụ thể, được đánh giá kỹ càng và xếp đặt thành ưu tiên 1, 2, 3..., để từ từ tiến lên, theo kế hoạch « kiến tha lâu đầy tổ » hay là « cháo nóng húp quanh ».

-         Thứ bốn : Phát huy một loại quan hệ tích cực, xây dựng và hài hòa, « Tôi Thắng-Người Thắng », khi trao đổi và tiếp xúc với người khác, trong bất cứ giai đoạn và địa hạt sinh hoạt nào.

-         Thứ năm : Học hỏi, lắng nghe, tìm hiểu quan điểm của người khác ở trên hay ở dưới, ở ngoài hay ở trong... thay vì đơn phương áp đặt lập trường và quan điểm chủ quan của mình, một cách độc tài, độc đoán.

-         Thứ sáu : Người và tôi khác nhau, trong quan điểm, nhận thức,  quyền lợi và  kinh nghiệm. Nhưng quyền khác biệt ấy cần được nhìn nhận và tôn trọng một cách nghiêm minh. Nhờ đó, người và tôi có thể bổ túc, kiện toàn phát huy và làm phong phú cho nhau, trên con đường làm người và thành người.

-         Thứ bảy : Ngày ngày đánh sáng và mài nhọn lại sáu phương thức luyện vàng trên đây, cho đến lúc tròn đầy và nhuần nhuyễn.

Thực ra, con đường luyện vàng nầy không thể nào có điểm chấm dứt. Ngày ngày chúng ta quyết định lại. Chọn lựa lại, như ngày đầu tiên. Làm mới lại từng bước đi lên, đúng như lời người xưa đã căn dặn : « Nhật tân. Nhật nhật tân. Hựu nhật tân ». Mỗi ngày, tôi đổi mới con người của tôi. Đổi mới không ngừng.  Đổi mới toàn diện, trong mỗi lời ăn, tiếng nói, hành vi và thái độ. Đổi mới trong quan hệ tiếp xúc và trao đổi với người khác. Đổi mới trong tâm tình và ý nguyện.

Một cách đặc biệt, con đường đổi mới và luyện vàng ấy phải bắt nguồn và phát khởi từ lối nhìn của mỗi người. Của tôi, của Anh, của Chị. Bao lâu chưa có cuộc đổi mới tận gốc tận ngọn ở nơi đây, mọi đổi mới khác cho dù được hô hào hoặc đánh bóng đến độ nào chăng nữa, cũng chỉ là bì phu, giả hiệu, « sơn son thếp vàng » ở bên ngoài mà thôi.

5. Lối nhìn, trong cách dùng từ ngày nay, còn mang nhiều danh hiệu khác như : Thể thức nhìn đời, lề lối nhận thức, quan điểm, cách thuyên giải thực tế, vũ trụ quan...

Nói một cách đơn sơ, dễ hiểu, vừa tầm của người bình dân, lối nhìn của một người bao gồm tất cả những gì người ấy diễn tả, phát biểu, bộc lộ ra ngoài, để trả lời ba loại câu hỏi như sau :

-         Tôi là ai ?

-         Người đang chung sống hoặc tiếp xúc với tôi là ai ?

-         Thực tế và thực tại, với bao nhiêu sự việc hoặc sự kiện ngày ngày xảy ra trước mắt tôi, có ý nghĩa gì cho cuộc đời làm người của tôi ? Những sự việc ấy có mang lại hạnh phúc cho cuộc đời làm người của tôi không? Hay đó chỉ là ngục tù giam hãm, tạo ra cho tôi những tình huống khổ đau, bất hạnh và bệnh hoạn ?

Sau đây là một vài ví dụ về lối nhìn :

-         Câu hỏi thứ nhất : Tôi nhìn tôi như thế nào ? Tôi có xu thế trả lời : Tôi đúng, kẻ khác sai. Tôi tốt, kẻ khác xấu. Mỗi lần có một hư hỏng, sai lầm xảy ra trong môi trường, tôi thấy tôi là người hoàn toàn trong trắng và vô tội. Thủ phạm hay là tội nhân là một ai đó khác tôi, không phải là tôi, đang sống cùng với tôi. Ngoài những điều hoàn toàn tiêu cực ấy, còn có một lối nhìn nào khác tích cực và xây dựng không ? Khi khẳng định mình, phải chăng tôi cũng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ những người khác có khả năng khẳng định con người và bản thân họ giống như tôi ?

-         Câu hỏi thứ hai : Người trước mặt tôi là ai ? Họ phải làm những gì ? Mỗi lần tôi nói, tôi đòi hỏi mọi người phải lắng nghe, chú ý. Nhưng khi có một ai khác đề xuất một ý kiến, nêu lên một quan điểm... Tôi không đón nhận. Tôi không lắng nghe để học hỏi, tìm hiểu. Trái lại, tôi chỉ sẵn sàng lên án, phê phán, kết tội, vạch lá tìm sâu, nhấn mạnh những thiếu sót và sai lầm. Một cách đặc biệt, khi có những khác biệt giữa tôi và người khác, trong lề lối nhận thức và lập trường tư tưởng, tôi đã chuyển biến những điểm khác biệt ấy thành đề tài tranh chấp, xung đột, bạo động và hận thù. Thay vào những cách làm ấy, tôi có thể sáng tạo những hướng đi nào khác có tính xây dựng và an hòa hơn không ?

-         Câu hỏi thứ ba : Thực tế và thực tại đang xảy ra và biến chuyển thường xuyên trong môi trường sinh thái bao quanh tôi, như bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, mang lại cho bản thân và cuộc đời làm người của tôi, những ý nghĩa tích cực hay tiêu cực, thăng tiến hay suy đồi, bao la mở rộng hay là hẹp hòi, ngột ngạt ? Những ý nghĩa ấy do tôi chủ động sáng tạo ? Hay là tôi chỉ là nạn nhân của thời cuộc ? Một con múa rối, do bàn tay lông lá của người khác lèo lái, chỉ huy và điều động ?

Những lối nhìn, mà tôi vừa đề xuất một cách sơ phác, trong một vài ví dụ cụ thể, đang tạo lập, ở bên trong nội tâm của tôi một loại bản đồ tâm linh, để hướng dẫn và soi sáng mọi đường đi nẻo về của tôi, trong lòng cuộc đời.

Tuy nhiên, tấm bản đồ ấy không phải là thực tế và thực tại khách quan bên ngoài. Không phải là xứ sở và quê hương đích thực của tôi. Xuyên qua một vài đường nét thô thiển và giản lược tối đa, nó giúp tôi hình dung những con đường phải chọn lựa, những trở ngại cần đề phòng.

Việc gì sẽ xảy ra, nếu tôi đi tìm đường ở Thành Phố Sài Gòn, với một bản đồ của Thủ đô Hà Nội hay là của Thành Phố Huế ? Cho dù tôi đã tìm mọi phương tiện, để thay đổi thái độ, tác phong, tâm tình... tôi vẫn đi lầm đường, tìm không ra địa chỉ, bao lâu tôi không rà soát hay là kiểm điểm lại tấm bản đồ đang điều khiển và lèo lái mọi đường đi nẻo về của tôi.

6. Trong những quan hệ tiếp xúc và trao đổi giữa tôi và người anh chị em đồng bào, trong lòng quê hương, phải chăng tôi cũng đang sử dụng những loại bản đồ đã lỗi thời, lạc hậu như vậy ? 

Bao nhiêu khổ đau đang còn tràn lan, lây lất khắp đó đây, phải chăng vì chúng ta chưa thay đổi tấm bản đồ nội tâm của chúng ta về người anh chị em ?

Phải chăng chúng ta đã biết can đảm ngồi lại với nhau, để giúp nhau làm mới lại, cập nhật hóa lối nhìn của chúng ta về mình, về người khác và về thực tế, thực tại bao quanh chúng ta ?

Trong quá khứ xa và gần của Đất Nước và Dân Tộc, những nét khác biệt đương nhiên tất yếu, giữa chúng ta và người anh chị em hai bên cạnh, đã phát sinh những tình huống hận thù và xung đột, bạo động và chia rẽ. Thời gian đã trôi qua. Nhưng vết thương lòng vẫn còn đớn đau và rướm máu. Chính ngày hôm nay, đúng như lời cảnh giác của Tổ Tiên và Cha Ông, chúng ta vẫn còn sắp hàng thành hai phe Sơn Tinh và Thủy Tinh, để làm « gà một nhà bôi mặt đá nhau ».[19] 

Thay vì dồn nén, ức chế, ngoảnh mặt làm ngơ, giả vờ như « không có, không thấy, không nghe, không cảm », chúng ta hãy can trường nhận diện và đối diện với lối nhìn đang tác yêu tác quái trong tâm hồn và cuộc đời. Nỗi lo sợ đang khống chế và xuyên tạc một cách trầm trọng, tấm bản đồ tâm linh của chúng ta. Nó dẫn đầu một đoàn tùy tùng dài thòng lòng bao gồm những tư tưởng nhị nguyên như « tao tốt, mầy xấu »... những tư duy độc lộ như « chỉ có tôi mới có toàn quyền sở hữu về chân lý ». Bạo động, hận thù, chia rẽ và chiến tranh dưới mọi hình thức... chỉ là sản phẩm của loại bản đồ    « LO SỢ » nằm sâu trong những tầng lớp dày đặc của tâm hồn

7. Thể theo nhận định của những tác giả như Louise L. Hay, John Gray [20]... chỉ có CON ĐƯỜNG LUYỆN VÀNG, làm bằng Tình Yêu và Lòng Thứ Tha vô điều kiện, mới có khả năng khai thông những tình trạng bế tắc được nói tới trên đây. Chỉ có con đường Luyện Vàng nầy mới có khả năng hàn gắn và chữa lành mọi vết thương lở lói và nhức nhối, trong lòng Quê Hương và Nhân Loại.

Trên con đường luyện vàng nầy, thể theo câu nói của tác giả G.G. Jampolsky :[21]

« Bất kỳ một câu hỏi nào được nêu lên, Tình Yêu là câu trả lời.

« Bất kỳ một vấn đề gì xuất hiện, Tình Yêu là câu trả lời.

« Bất kỳ một cơn bệnh nào đang đe dọa và hoành hành, Tình Yêu là câu trả lời.

« Bất kỳ một nỗi đớn đau nào đang tiến lại, Tình Yêu là câu trả lời.

« Bất kỳ một xúc động sợ hãi nào đang trào dâng, Tình Yêu là câu trả lời.

« Tình Yêu luôn luôn là câu trả lời trong mọi tình huống, vì chỉ có Tình Yêu là TẤT CẢ. »

8. Không cưu mang « Tình Yêu và Lòng Tha Thứ » trong cung dạ của mình, liệu chúng ta sẽ có gì, để có thể mang đi hiến tặng cho người anh chị em đồng bào, hai bên cạnh chúng ta ? Không có hành trang « Tình Yêu và Lòng Tha Thứ », chúng ta sẽ dùng chất liệu nào, để xây dựng Đất Nước và phục vụ tha nhân ? Bao lâu « Tình Yêu và Lòng Tha Thứ » đang vắng mặt trong cõi lòng của chúng ta, mỗi lời nói và hành vi xuất phát từ chúng ta, đều là bom đạn, hận thù, xung đột và chiến tranh, trong mỗi quan hệ giữa chúng ta và những người sinh sống hai bên cạnh. Những Lò Hơi Ngạt của người Đức Quốc Xã phải chăng đã và đang còn là những chứng liệu linh động trước mắt chúng ta, về một loại người đã trở thành « chó sói và hỏa ngục » đối với người anh chị em đồng hương, đồng loại ?

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!