Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gia Đình Lectio Divina
Mục Lục

Dẫn nhập

PHẦN I: Ngôi Lời Trở Thành Những Ngôn Từ

PHẦN II: LECTIO DIVINA

I: Những điểm căn bản trong Lectio Divina

II: Đọc

III: Liên quan đến Lectio Divina

PHẦN THỨ III: Mẹ Maria và Lectio Divana

I: Mẹ Maria và Ngôi Lời

II: Mẹ Maria và Chúng ta

PHẦN THỨ IV: Chúa Thánh Thần và Lectio Divina

I: Một vài nhắc nhớ quan trọng

II: Chúa Thánh Thần và Lectio Divina

Kết luận phần thứ bốn

PHẦN V: Lectio và Cuộc sống hàng ngày

I: Lectio và hai luật tình yêu

II: Lectio Divina trải dài trong ngày sống

III: Lectio Divina và cuộc sống đơn sơ

IV: LEctio Divina và ơn gọi

V: Lectio Divina và cuộc sống tri thức

VI: Lectio Divina và đời sống thiêng liêng

VII: Ví dụ về Lectio Divina

Kết luận chung

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LECTIO DIVINA - Cầu Nguyện Dưới Tác Động Của Lời Chúa

LECTIO DIVINA học trong trường Mẹ Maria

LECTIO DIVINA học trong trường Mẹ Maria
III: Lectio Divina và cuộc sống đơn sơ

Cuộc sống hoạt động

Bản thân chúng ta thường có những lý lẽ bài bác Lectio divina. Ta không tìm ra giờ, vì ngày sống của ta đã quá đầy, và đàng khác, rất có thể là ta đã cống hiến thời giờ để làm từ thiện ở chung quanh ta trong một nhóm, một hiệp hội, giáo xứ, hay trong một phong trào. Vậy làm cách nào? Hãy xét hai lý lẽ bác bẻ sau đây.

“Tôi không có giờ”

Một vấn đề lớn, tất cả mọi ngày làm sao chen kẽ được một giờ Lectio divina giữa bao bận rộn như thế? Ngay cả khi đưa ra những mẫu người dù bận rộn trăm công ngàn việc cũng vẫn dành chỗ cho Lời mà Chúa Kitô muốn nói với họ hằng ngày, điều đó cũng không thuyết phục nổi. Tiến hành làm sao? Có một cách thế đơn giản và kết quả cho những người áp dụng với một mong ước thật.

Vậy nếu ta được thuyết phục về sự quan trọng hàng đầu của Lectio divina, nhưng vì ta nghĩ không tài nào tìm ra được một kẽ hở cho Lectio divina trong ngày, và điều đó làm ta ân hận, buồn phiền, thì ta còn có thể dâng Chúa lời nguyện đơn sơ này: “Lạy Chúa, Chúa cho con hiểu rằng gặp gỡ Chúa, lắng nghe Chúa tất cả mọi ngày qua hai bài đọc trong Thánh Lễ là điều vô cùng quan trọng biết bao, nhưng Chúa thấy cho việc dùng thời giờ của con không cho phép con thực hành điều đó. Xét rằng đó chính là ao ước của Chúa muốn nói với con và Chúa là Đấng Quyền Năng, nên con xin dâng Chúa việc dùng thời giờ của con, cuộc đời con, chương trình sống của con, xin chỉ cho con biết làm cách nào con có thể tìm ra giờ, con sử dụng như thế nào thời giờ Chúa ban cho con, chỉ cho con cách thế xếp đặt lại cuộc sống của con, rút bỏ đi những gì kềnh càng và giữ lại cái gì tốt đẹp, và đặt cho con thời giờ thánh này để gặp Chúa”. Hãy đọc lời kinh này bằng tất cả tâm lòng. Thỉnh thoảng đọc lại, đặt trọn tin tưởng nơi Chúa và hãy mở mắt nhìn. Chúa sẽ chỉ cho ta nhiều điều. Nếu ta muốn Người là Chủ đời sống của mình – và đó là ý nghĩa của bí tích Rửa Tội – ta hãy cậy trông nơi Chúa, ta hãy dâng Chúa tất cả, và trong mọi trường hợp hãy dâng lời kinh trên đây. Kết quả sẽ mau đến.

Chắc hẳn, không tìm được chút giờ dường như là một chứng cớ có tầm cỡ. Chứng cớ xem ra vững mạnh và hợp lý (những bận rộn của ta luôn luôn chính đáng và cần thiết, và thường cần thiết hơn là Chúa cho ta sống và sức khỏe). Một chứng cớ  không thể tránh được. Nhưng lời cầu nguyện này, hoặc tương tự như thế, rất uy thế. Đọc lời nguyện này rồi thì sự ngay thẳng tuyệt đối của ta quyết định.

“Tôi đã có những sinh hoạt trong Giáo Hội”

Có thể có một chứng cớ khác: tôi đã dành không ít giờ cho Chúa và cho Giáo Hội, phải chăng đó không là cầu nguyện và lắng nghe Chúa? Người ta có thể đã ở trong công giáo tiến hành, trong một phong trào thuộc Giáo Hội, và có nhiều hoặc ngay cả nhóm hoạt động, bác ái. Chứng cớ này cũng dường như mạnh và đủ để tránh không hiến dâng mình cách khác. Vâng, tôi nói rõ là hiến dâng mình một cách khác. Vì người ta có thể trấn an lương tâm, hay ngược lại chạy trốn lương tâm bằng cách thích thú hài lòng mình đã làm nhiều sự cho Chúa. Nhưng tất cả những cái đó đều là chạy trốn. Không phải là ta chống lại hoạt động, nhưng ngược lại chính vì ta đồng ý với hoạt động. Thiên Chúa đồng ý với hoạt động, Người đã nói rõ: Ta làm việc, Cha Ta làm việc luôn mãi (x. Ga 5, 17). Tuy nhiên Chúa đồng ý với hoạt động đến từ Thiên Chúa, đến từ một chiêm ngắm, một kết hiệp với Thiên Chúa. Phần thứ hai của quyển sách này cho ta thấy Lectio divina được hướng một cách nền tảng về ý muốn, một hành động, một thay đổi như thế nào. Rồi muốn thay đổi thế gian có ích gì, nếu người ta không thay đổi chính mình. Đó là công việc khó khăn hơn. Nhờ Lectio divina, ta hãy thay đổi, và như thế tất cả thế giới cũng sẽ bước đi với ta, và nhờ ta. Chỉ một hành động do tình yêu tinh tuyền, có nghĩa là được làm trong Chúa – và Lectio divina là   một -, có giá trị do Chúa Kitô là Thầy của Sứ mệnh. “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Mà Lectio nối kết ta (là ngành) với Tác Giả của cuộc sống ta và như thế cho ta những quả tồn tại, và lúc đó ta mới thực hiện công việc của Chúa chứ không phải của ta.

“Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Nhưng ở lại trong Người như thế nào? “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em [...] (Ga 15, 7). Ta thấy rõ để ở trong Chúa Kitô và mang lại hoa trái, thì lời của Người phải ở trong ta. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).  Trong Lectio divina, mỗi ngày Người mạc khải cho ta điều Người đã học biết, đã nghe, đã thấy từ nơi Cha. Chính Người, Người không tự ý làm gì. Người đã làm gương cho ta để ta cũng làm như Người. Điều này là chủ yếu. Nếu Con đã không hành động tùy tiện, mà chỉ hài lòng với việc áp dụng những qui lệ và Luật, nếu Con đã không bền bỉ và thường xuyên chiêm ngắm Cha là người ngày lại ngày chỉ cho Người chương trình hành động, Người sẽ không mang lại hoa trái. Để mang lại hoa trái, Người đã chiêm ngắm Cha hành động, làm việc. Người nhận hướng dẫn từ cái nhìn chiêm ngắm này. Và Người cũng yêu cầu ta làm như thế. Người vạch cho ta thấy điều Người đã nhận từ Cha, Người cũng chỉ cho ta phương pháp của Người: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc” (Ga 5, 19-20). Lectio divina là một cách thế đem vào thực hành thái độ này của Con.

Như thế, ta bước đi theo nhịp của Chúa. Ta không áp đặt cho Chúa một chương trình sống mỗi ngày hay mỗi tuần. Ta không gán Chúa vào trong cuộc sống của ta. Ta gán mình vào trong Chương Trình của Chúa, trong cuộc Sống của Chúa. Theo cách thế này ta sẽ mang lại hoa trái, và là    thứ hoa trái tồn tại. Công việc đích thực được làm      “trong Chúa”.

Dù những lời của thánh Gioan Thánh Giá được áp dụng cho suy nguyện, ta cũng hiểu những lời đó soi sáng mạnh mẽ cho điều ta tìm hiểu về Lectio divina:

 “Vì thế mặc dù việc loan báo Phúc âm của bà đã đem lại nhiều lợi ích và dù còn có thể làm hơn thế, nhưng vì hết sức khao khát muốn làm đẹp lòng Đức Lang Quân và giúp ích cho Hội Thánh, bà Maria Mađalêna đã ẩn náu nơi sa mạc ba mươi năm trời để sống thực sự cho tình yêu này. Dù sao, so với bao nhiêu cách khác thì cách này vẫn giúp bà gặt hái được nhiều hơn, bởi lẽ một chút xíu tình yêu này đủ mang lại lợi ích hơn và quan trọng cho Hội Thánh hơn nhiều” [...]

“Vậy, những ai quá ham hoạt động, tưởng rằng với lời rao giảng và những công việc bề ngoài, mình sẽ chinh phục được cả thế gian, thì ở đây xin hãy nhớ cho rằng họ sẽ làm lợi cho Hội Thánh và đẹp lòng Thiên Chúa hơn nhiều – chưa kể là họ sẽ nêu được một gương sáng lớn – nếu họ sử dụng một nửa thời gian ấy để cầu nguyện với Thiên Chúa, dù họ chưa đạt tới tình trạng cao vời như tình trạng đang bàn. Chắc chắn họ sẽ làm được hữu hiệu hơn nhiều mà lại ít lao nhọc hơn, nhờ chỉ một việc hơn là cả ngàn công việc, tức là nhờ lời cầu nguyện của họ, họ đáng được kết quả ấy, đồng thời còn được thêm sức mạnh tâm linh. Thiếu cầu nguyện, tất cả mọi việc ta làm chỉ giống như những cú búa nện chẳng nên cơm cháo gì, đôi khi còn gây hại là đàng khác. Xin Chúa đừng để muối của ta bắt đầu nhạt đi (x. Mt 5, 13), vì mặc dù bề ngoài có vẻ như đã làm được chút gì đó nhưng xét cho cùng thì lại chẳng là gì cả, bởi vì chắc chắn ta không thể làm được những việc tốt lành nếu không dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa.

Ôi biết bao nhiêu điều có thể viết về đề tài này ở đây! [...] những ai muốn giản lược tất cả vào cái hoạt động sáng chói bên ngoài, đập thẳng vào mắt người ta. Họ làm sao hiểu được những mạch ngầm lặng lẽ đang phát sinh ra dòng nước, những cội rễ ẩn khuất đang làm trổ sinh mọi thứ hoa trái” (Khúc Linh Ca 29, 1-4, bản dịch Trăng Thập Tự và Nguyễn Uy Nam, NXB Tôn Giáo 2003, trang 301-306).

Lectio divina
và những khó khăn của cuộc sống đời thường

Trong phần thứ hai của quyển sách, này chúng tôi đã đề cập qua về vấn đề này. Trong cuộc sống đời thường, ta phải đối đầu với những vấn đề khác nhau và những khó khăn. Chúng thuộc nhiều cấp độ khác nhau; chúng có thể thuộc vật chất, luân lý, gia đình, v.v... Khi bắt đầu Lectio divina ta mang trong mình tất cả những lo âu và thường tâm trí ta còn bị chúng đè nén. Ta khó có thể thoát khỏi chúng. Hoặc chúng trở thành trọng tâm của Lectio divina hoặc cố gắng quá lớn gạt bỏ chúng ra bên cạnh đến độ không thể được. Làm sao đây? Hơn nữa, đó lại là một khó khăn thường ngày; làm sao có thể thoát khỏi để thực hành Lectio divina? Hoặc ta cảm thấy bắt buộc phải vòng vo theo hướng các sự việc luôn chiếm hữu mình. Hoặc người ta đi vào mơ mộng và ganh tị với các đan sĩ là những người không có tất cả những vấn đề ấy. Ta đâm ra chán nản thất vọng vì không trung thành được với Chúa trong hoàn cảnh đang gặp phải. Và rồi những cám dỗ ập đến trong tâm trí: phải chăng Chúa quên tôi? phải chăng Người tách biệt         khỏi cuộc sống thường ngày của tôi? Người ta Chỉ còn biết nghĩ ngợi lung tung.

Ta hãy thử xét một trong những lời của Chúa. Trong Phúc âm theo thánh Mátthêu, Chúa nói với ta một lời an ủi nhất, nhưng lại bao gồm giải đáp cho mối bận tâm của ta. Người nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30). Qua những lời này dường như Chúa đề nghị với ta một trao đổi. Các con cho Thầy các lo âu của các con, Thầy sẽ cho các con những mối lo âu của Thầy. Các con có một gánh nặng, và Thầy cũng có một gánh nặng. Ở đây Chúa không hề nói đến thập giá, nhưng gánh nặng. Điều thấy trong câu nói: có vẻ gánh nặng của ta thì nặng nề hơn gánh nặng của Người. Trong mọi trường hợp, Chúa đề nghị trao đổi những gánh nặng. Chúa không yêu cầu ta phải tìm mọi cách khước từ gánh nặng – lúc đó cuộc sống trên trần đời sẽ mất đi tất cả ý nghĩa, bởi vì ta sống trên đời là để làm một cái gì đó giúp ta trở nên tốt hơn. Sự trao đổi ở đây thực chất là trao đổi những viễn tượng, những mục đích, những ý nghĩa. Cách thế ta đi vào tiếp cận cuộc sống thâm nhập thái độ của ta khi ta thực hành Lectio divina. Và ta rất thường không thoát ra khỏi cuộc sống của mình như Chúa muốn. Chúa muốn ta ở trong thế gian, nhưng không hề thuộc về thế gian. Người yêu cầu ta sống và dấn thân trong thế gian nhưng bằng cách không dính bén. Thánh Phaolô diễn tả điều này như sau: “Tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7, 29-32). Chúa không đòi hỏi ta phải rời khỏi đời này; đó cũng chính là điều Chúa thưa với Chúa Cha khi cầu nguyện: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17, 15). Điều quan trọng đối với Chúa là không lo lắng, bởi vì lo lắng bóp nghẹt Lời của Chúa và làm cho Lời của Chúa ra vô hiệu trong cuộc sống ta. Trong giải thích về dụ ngôn Người Gieo Giống, về loại đất thứ ba, loại đất có những bụi gai, Chúa nói về hạt giống Lời được gieo trong lòng lo lắng của ta: “Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì” (Mt 13, 22). Chính vì thế nhiều lần Chúa đã khuyên ta đừng lo lắng. Người biết luôn có những khó khăn và những gian truân trong cuộc sống. Nhưng Người muốn ta không lo lắng. Có một sự khác biệt lớn giữa những khó khăn và những lo lắng do khó khăn gây ra. Chúa gia tăng những lời nhắn nhủ trong ý nghĩa này. Người nói rằng những lo âu và lo lắng không thể thay đổi được những hoàn cảnh. “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay”? (Mt 6 ,27). Và Người còn nói: “không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12, 15). Sự khác biệt giữa khó khăn và lo lắng rất quan trọng, cần phải hiểu. Những vấn đề, luôn luôn có đó, và dù ta sống theo ơn gọi nào cũng thế. Những ai cho rằng cuộc sống của các đan sĩ không có những lo lắng thì chỉ có một nhận thức, một hiểu biết ngoài mặt về con người. Thế gian cũng theo các đan sĩ đi vào trong hoang mạc và trong tu phòng của các ngài. Ta hãy nhắc lại: ước mong thôi thúc của Chúa đó là ta đừng để cho lo lắng đày đọa mình. Thực ra nỗi lo lắng làm tiêu sinh lực của lòng ta như ta đã thấy trong phần hai của quyển sách này. Lòng ta được dựng nên cho chỉ mình Chúa và khốn thay những tạo vật, những âu lo ngự trị trong đó. Chúng làm cho lòng ta thành nô lệ, thành tù nhân. Chính trong lòng ta xảy ra cuộc chiến. “Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi”. Đó là thách đố mà Phúc âm đặt ra cho ta. “Hết lòng ngươi”. Làm sao có thể luôn bình an trong nội tâm giữa những sóng gió bập bùng của trần gian này? Chúa muốn ta ở trong thế gian. Tất nhiên Người phải có một giải pháp.

Vậy làm cách nào? Người yêu cầu ta phó thác cho Người những âu lo của ta. Ta cần sự trợ giúp của Người để được giải thoát, không phải những khó khăn, nhưng là những âu lo mà những khó khăn gây ra trong lòng ta. Ta cần Chúa Thánh Thần để Người giúp ta phó thác cho Chúa tất cả những âu lo của ta, tất cả nỗi lo lắng của ta. Ta cần sự trợ giúp của Chúa để Người dạy ta biết làm việc trong bình an, giữa những khó khăn mà không bị khổ tâm. Phải, Chúa đòi hỏi ta làm việc, vì “ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2 Th 3, 10). Nhưng làm việc trong an tâm để có của nuôi thân (x. 2, Th 3, 12).

Chúa giúp ta nhờ Thần Khí Tình Yêu của Người. Đó là điều vua Đa-vít nhắc cho ta:

Lạy Chúa, khi con nói: “Này chân con lảo đảo”,
tình thương Người đã đỡ nâng con;
lúc ưu tư đầy ắp cõi lòng,

ơn Người an ủi khiến hồn con vui sướng”
                                                     (Tv 94, 18-19).

Như vậy ta trao đổi gánh nặng của ta lấy gánh nặng của Người; ta quăng gánh nặng của ta,  ta than thở, ta van xin. Ta phó thác cho Chúa những âu lo của ta và ta đón nhận sự an ủi của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho lòng ta bình an và chuẩn bị ta đi vào Lectio divina. Ta nhắc lại niềm tin cậy của ta nơi Người. Chúa là Bạn của ta. Người lắng nghe và an ủi ta. Người chuẩn bị ta như thế để lắng nghe Người.

Tiếp đến ta hỏi Người cho biết ta phải nhận lấy gánh nặng nào? Thường ta nghĩ tới Thánh Giá nhưng thực tế Chúa chỉ cho biết gánh nặng của Người, nỗi lo lắng phải xâm chiếm lòng ta. “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6, 33). Đó là nỗi lo lắng và gánh nặng mà ta phải vác mọi ngày. Chúa có lý khi nói gánh của Người nhẹ nhàng. Gánh nặng của Người, đó chính là gắn bó với Người để vác cùng một ách: Chúa Thánh Thần, Tình Yêu của Người. Nhận biết Chúa đó là Nước Trời. Nhưng điều đó đòi hỏi thực thi thánh ý Người, trước hết tìm kiếm thánh ý Người. Và đó là Lectio divina. Vì yêu mến Chúa đòi phải thực thi ý Chúa. Ai yêu mến Thầy thì thực thi ý muốn của Thầy và đem ra thực hành. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14, 23).

Không phải là trí thức
         cũng không phải hiếu động

Lectio divina không phải là vấn đề trí thức, nhưng dùng trí tuệ phụng sự Chúa và nhắm tới biến đổi ý muốn của ta. Ta không tìm trong Lectio divina một kiến thức về Chúa, cho dù hoàn toàn có trong đó và tiềm ẩn. Trong chủ thuyết duy trí, ánh sáng nhận được vẫn là tù nhân của tri thức của ta và không nhập thể. Trong Lectio divina, ta không tìm kiếm để có được những tư tưởng hay đẹp về Thiên Chúa. Ta chiêm ngắm trong đó, với trí thức của ta, điều mà Chúa – Đấng là ánh sáng – cho ta biết về chính Người mỗi ngày.

Nhưng Chúa là ánh sáng và tình yêu. Tuy nhiên trong Người ánh sáng và tình yêu không tách rời nhau. Người là ánh sáng-tình yêu, là ánh sáng yêu đương, cũng như lửa vừa là ánh sáng vừa là sức nóng. Như thế, ánh sáng được tiếp nhận, là một ánh sáng có mục đích nhập thể, đưa ra thực hành, áp dụng. Từ đó có hoạt động chứ không có tính cách hiếu động. Những con người hướng ngoại theo bản tính thường hướng đến hoạt động và điều đó dễ trở thành hiếu động. Ngay cả những người hướng nội, ít ra chính họ cũng sa chước cám dỗ chạy trốn khỏi hoạt động bên ngoài. Mà Lectio divina lại làm cho ta tránh khỏi cả hai mối nguy: duy trí và hiếu động. Trong hiếu động, hoạt động của ta bắt nguốn từ chính ta chứ không phải từ ánh sáng của Chúa. Ánh sáng hướng dẫn hành động của ta và định hướng ta không phát xuất từ Thiên Chúa. Ta không hướng dương, ánh dương là Chúa Ki-tô. Vậy Lectio divina không phải là thái độ duy ý chí mà cũng không phải là hiếu động. Lectio divina là tác động. Tác động trong Thiên Chúa. Sự hiệp đồng. Tác động tìm gặp trong đó tất cả giá trị, sự rạng ngời, và chiều sâu của nó.

Hơn nữa, Lectio divina rèn luyện một ý chí đổi mới. Qua những tác động nó khơi dậy và dẫn tới thực hiện, Lectio divina làm cho tái sinh ý muốn trong Chúa. Cũng vậy Lectio divina huấn luyện ý thức trách nhiệm và hoạt động đúng. Lectio divina thúc đẩy tới chọn lựa và quyết định, Lectio divina làm cho chọn lựa đúng đắn.

Lectio divina và sứ vụ tư tế

Những lưu ý sau đây được áp dụng cho tất cả những ai làm việc trong cánh đồng của Chúa: các linh mục, phó tế, giảng viên giáo lý, v.v... Nhưng ở đây, chúng tôi lấy ví dụ đặc thù về linh mục.

Sứ vụ đầu tiên của linh mục là giảng lời Chúa. Khoa học xuất phát từ miệng linh mục. Mà như ta đã thấy trên kia, khoa học nào nếu không phải là khoa học của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là đối tượng cho việc tìm kiếm của linh mục mỗi ngày? Được gọi để cử hành Thánh Lễ mỗi ngày, cũng thật bình thường nếu linh mục là người thứ nhất trong cộng đoàn các tín hữu cần được giáo huấn bởi Lời. Và để được vậy, có phương thế nào dễ đạt được và thực tế hơn là Lectio divina! Linh mục có một ơn gọi đặc biệt hơn cho việc thực hành này vì hơn nữa ngài có trách nhiệm đối với các tín hữu, ban phát cho họ một thức ăn cứng và hữu hiệu. Vài lời ngắn gọn có thể nói trong Lễ hằng ngày. Nhưng thật dễ hiểu là ngài sẽ gặp khó khăn nếu ngài không có một tiếp cận đầy sinh khí và thường nhật với Lời Chúa do Lectio divina mang lại.

Lectio divina góp phần rất lớn trong việc linh mục nối kết với Chúa Kitô và được Chúa Kitô thúc đẩy, bởi vì Lectio divina cho phép linh mục, qua việc lắng nghe luôn đổi mới, lắng nghe Chúa Kitô nói với mình mỗi ngày. Lectio divina đem lại cho linh mục một sự thân mật với Thần Khí là Tác Giả của Kinh Thánh. Thần Khí này mà ta thấy sống động và linh hoạt các thánh viết Phúc âm cũng như các Giáo Phụ.

Lectio divina và giảng thuyết

Như ta đã thấy ở trên, Lectio divina và giảng thuyết liên hệ với nhau. Giáo Hội, nhất là từ công đồng Vaticanô, yêu cầu chủ tế trong Thánh Lễ chú giải những bài đọc được công bố. Người linh mục thực hành Lectio divina hằng ngày, trở thành quen thuộc với Lời Chúa, một cách sâu đậm và thần thánh. Người quen để cho Lời Chúa uốn nắn mình chứ không phải ngược lại, có nghĩa là dùng Lời Chúa để quảng diễn tư tưởng riêng của mình, hoặc chú giải riêng của mình về thời sự. Điều này thật quan trọng, bởi vì phải đọc Kinh Thánh trong chính Thần Khí đã soạn ra. Nhưng phải chăng linh mục hay vị cử hành được mời gọi cống hiến nội dung Lectio divina của cá nhân mình? Lectio divina là một lời Chúa nói với từng cá nhân một cách duy nhất. Một sứ điệp thuộc riêng một cá nhân như Lectio divina không nhất thiết ích lợi cho cả cử tọa, hoặc cho đa số người trong cử tọa. Cũng có thể một cử hành đặc biệt (nhóm riêng, hôn phối, rửa tội v.v...) cũng không thích hợp gì với ánh sáng đã nhận được. Do vậy khuyên linh mục khi chuẩn bị bài giảng cần phải lưu ý đến thính giả và đừng đưa ra sứ điệp Chúa gửi đến riêng cho mình. Đôi khi có trùng hợp cách nào đó. Nhưng rất họa hiếm.

Như vậy Lectio divina chắc chắn là một chuẩn bị xa, một huấn luyện trường kỳ và dài hơi cho việc giảng – đàng khác linh mục có một bước đi dài và làm quen thật với Kinh Thánh và Thần Khí của Kinh Thánh qua chính lịch sử của riêng mình và việc huấn luyện của mình. Nhưng Lectio divina không nhất thiết là một chuẩn bị bài giảng. Bài giảng đòi hỏi những yếu tố mới: để ý tới cử tọa, hoàn cảnh, v.v...

Hiển nhiên là một linh mục thực hành Lectio divina mỗi ngày sẽ rất dễ chia sẻ đôi lời trong Thánh Lễ trong tuần. Và ngài không thấy quá khó khăn đối với bài giảng Chúa Nhật có nội dung dầy hơn. Có thể ngài cảm thấy không có ý nghĩa gì nếu dọn bài giảng cả năm ngày trước, và đó là điều rất tự nhiên. Vì thực tế mỗi ngày có thức ăn riêng của ngày đó. Chỉ từ sau trưa thứ bảy ngài nên dành giờ dọn bài giảng  Chúa Nhật.

Lectio divina được thực hành tất cả mọi ngày cho phép tiếp nhận Thần Khí Chúa trực tiếp hơn đối với mình, và như thế giúp chú giải Kinh Thánh hằng ngày hữu hiệu hơn. Lectio divina cho người linh mục tự tin hơn vì ngài hiểu rằng Lectio divina trước hết là công việc hoán cải nội tâm, ngay cả là công việc của Chúa trong các tâm hồn. Và linh mục lúc đó luôn khởi đi từ điều chính yếu, khuyến khích thính giả một cách nội tâm hơn và hữu hiệu hơn. Ngôn từ của linh mục lúc đó có lẽ sẽ đơn sơ hơn và bớt rườm rà hoặc quá “cao siêu”, nhưng có một tác động trên các tâm hồn, tác động trong sáng đối với hành động của Chúa trong cử hành. Linh mục sẽ là dụng cụ hơn nữa của Chúa, ngoan ngoãn hơn và như vậy sẽ có khả năng kết hợp cử tọa với Chúa hơn.

Chính cách thế dọn bài giảng cũng sẽ được thay đổi nhờ Lectio divina. Linh mục sẽ hiểu rằng Chúa muốn chuyển ban ánh sáng của Người chứ không phải những tư tưởng (dù những tư tưởng rất quan trọng trong đời sống). Linh mục sẽ hiểu rõ hơn rằng sự vận hành của bài giảng thật ra thì rất đơn sơ: Một ánh sáng (chứ không phải một tư tưởng) phải thấy và phải làm cho nhập thể vào cuộc sống thường nhật của thính giả. Chính Lectio divina sẽ cho linh mục biết cái bí mật của bài giảng. Rất thường là khi đó đối với linh mục phải nhìn, phải nhận ra một ánh sáng qua bản văn, nhận ra giá trị, trình bày, giải thích nhờ những hình ảnh và cuối cùng chỉ cho biết làm sao ánh sáng này có thể nhập thể trong đời thường. Có thể linh mục không cần thiết phải viết đầy đủ hết cả bài giảng của mình, nhưng chỉ cần ghi lại trên giấy vài điểm một cách có hệ thống ánh sáng và diễn tiến của ánh sáng, đó là một cuộc nhập thể, ành sáng xuất phát từ Thiên Chúa và nhập thể trong lòng con người và trong những sinh hoạt của con người. Chính cái tài khéo riêng của linh mục phụ vào để chuyền đạt sứ điệp. 



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!