.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Dẫn nhập

PHẦN I: Ngôi Lời Trở Thành Những Ngôn Từ

PHẦN II: LECTIO DIVINA

I: Những điểm căn bản trong Lectio Divina

II: Đọc

III: Liên quan đến Lectio Divina

PHẦN THỨ III: Mẹ Maria và Lectio Divana

I: Mẹ Maria và Ngôi Lời

II: Mẹ Maria và Chúng ta

PHẦN THỨ IV: Chúa Thánh Thần và Lectio Divina

I: Một vài nhắc nhớ quan trọng

II: Chúa Thánh Thần và Lectio Divina

Kết luận phần thứ bốn

PHẦN V: Lectio và Cuộc sống hàng ngày

I: Lectio và hai luật tình yêu

II: Lectio Divina trải dài trong ngày sống

III: Lectio Divina và cuộc sống đơn sơ

IV: LEctio Divina và ơn gọi

V: Lectio Divina và cuộc sống tri thức

VI: Lectio Divina và đời sống thiêng liêng

VII: Ví dụ về Lectio Divina

Kết luận chung

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
LECTIO DIVINA học trong trường Mẹ Maria
Tác giả: Gia Đình Lectio Divina
dịch
I: MỘT VÀI NHẮC NHỚ QUAN TRỌNG

Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa

Trước khi đi vào chủ đề sống động này, có nghĩa là về khía cạnh thực tiễn của việc Thần Khí can thiệp vào Lectio divina, cũng nên xét đến vài khái niệm sẽ giúp ta hiểu biết Chúa Thánh Thần hơn và trân trọng Người hơn.

Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Ta tuyên xưng niềm tin của ta nơi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ta rất thường quên Ngôi Ba Thiên Chúa. Hoặc gán cho Người cả ngàn hoạt động hay đặc sủng nhưng lại quên điều chính yếu: công việc biến đổi ta. Cần thiết ta nhớ rằng Người là Thiên Chúa và tin nơi Người là điều thuộc đức tin của ta.

Nói về Người để hiểu rõ Người hơn và để hiểu được hành động của Người và sự quan trọng cần có Người, sẽ đưa Người từ bóng tối ra ánh sáng. Việc đi ra từ bóng tối qua ánh sáng là một lời gọi sống đức tin tích cực hơn. Nói rằng Người là Thiên Chúa, cũng có nghĩa nói rằng ta được mời gọi trọn vẹn lưu tâm đến Người. Người vẫn luôn bí nhiệm, nhưng ít ra sự chú tâm của ta, việc lắng nghe của ta cũng được khích động.

Người là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con. Thần Khí là hơi thở sống động chung của Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha và Chúa Con cũng gửi Thánh Thần xuống cho ta. Chúa Thánh Thần là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, là mối liên hệ kết hiệp Chúa Cha và Chúa Con. Người cũng là tình yêu kết hiệp ta với Chúa Cha và Chúa Con. Người ta cũng có thể nói rằng Lời vĩnh cửu của Cha (Logos-Thiên Chúa), với Cha thở hơi[3] Thánh Thần.

Với Đức Maria,
          Người là Tác Giả của việc Nhập Thể

Như trong bài ta học hỏi về Mẹ Maria và Lectio divina, Chúa Thánh Thần là Tác Giả của việc Nhập Thể: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1, 35). Mẹ Maria sinh hạ Chúa Con do tác động của Chúa Thánh Thần. Ta cũng nên ghi nhớ rằng thiên thần Gáp-ri-en đã chào Mẹ bằng một tên khác, một tên mới: “Người Nữ đầy ơn sủng”. Và cũng cần ghi nhớ rằng trong cái tên mới mà qua thiên thần Thiên Chúa đã đặt cho Mẹ có nhắc đến Chúa Thánh Thần, bởi vì từ “ơn sủng” hoặc Thánh Thần” cũng là một. Mẹ đầy Chúa Thánh Thần. Điều này cho ta biết không thể tách rời Mẹ Maria khỏi Chúa Thánh Thần. Các Ngài hoạt động chung. Và Mẹ đã thấm đượm Chúa Thánh trọn vẹn đến độ việc Mẹ làm là chính Chúa Thánh Thần làm và việc Chúa Thánh Thần làm là chính Mẹ làm. Nhận định này là nền tảng và minh chứng những gì ta học hỏi về Mẹ Maria là chính xác. Nếu Mẹ Maria là “Đất Tốt” đó chỉ vì Mẹ là Đấng “đầy ơn sủng”, đó chính là vì Thần Khí là “linh hồn” của Mẹ, Người sống động trong Mẹ với một sự sung mãn mà sự suy ngắm của ta không giúp ta hiểu được, và có nghĩa là tất cả những gì Người muốn Người đều thực hiện trong Mẹ. Đó cũng là lý do mà ta gặp thấy nơi Mẹ sự lắng nghe và tiếp thu tuyệt diệu nhất và nhờ đó Mẹ dạy ta nhận biết Chúa và yêu mến Chúa một cách tốt nhất. Lý do của mầu nhiệm này đó chính là Chúa Thánh Thần ngự trong Mẹ cách sung mãn: “đầy ơn sủng”[4]. Ta cũng hãy ghi nhận rằng Mẹ đã bỡ ngỡ trước tên gọi mới này đã được ban cho Mẹ . “Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1, 29). Dường như việc nhận thức và lưu ý đến hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi Mẹ là tác động đầu tiên của Mẹ Maria.

Sự Nhập Thể của Chúa Con, của Lời vĩnh cửu đã được thực hiện do hành động chung của Chúa Thánh Thần và của Mẹ Maria. Chúa Thánh Thần cần đến “lời vâng” của Mẹ Maria để hành động, Người cần đến sự hiến thân của chính Mẹ để hành động. Người ta cũng có thể suy diễn thêm rằng tất cả việc nhập thể của Lời đều cần phải có Chúa Thánh Thần. Chính Người là Đấng ban cho Lời có hình dạng con người, chính Người nhân dạng hóa Lời Thiên Chúa. Người ban cho Lời một thân xác. Ước muốn của ta trong thực hành Lectio divina đó là Lời được tiếp nhận có thể nhập thể trong ta, đó chính là Chúa Giêsu có thể tượng hình trong ta. Chúa Thánh Thần, cùng với sự hợp tác của Mẹ Maria, thực hiện công việc này trong ta: con người mới được sinh ra,   ngày  lại ngày. Hoạt động này chậm tiến, nhưng mới mẻ và hữu hiệu.

Thần Khí và Con

Thần Khí ngự trong Chúa Con,
          chính là Thần Khí của Chúa Con

Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Con, Người ngự trong Chúa Con: “Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân” (Mt 12, 18). “Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11, 2). Và Chúa Giêsu tự nhận cho mình những lời này khi Người đọc sách trong hội đường: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Phúc âm cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4, 18).

Chính Chúa Con ban Thần Khí

Làm sao có được Thần Khí? Ai ban Thần Khí cho ta? Đó chính là Chúa Con ban Thần Khí. Chúa Con ban Thần Khí cho ta từ nơi Chúa Cha: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15, 26). Chúa Con vĩnh củu được nhập thể bởi Chúa Thánh Thần, nhưng, chính Chúa Con Nhập Thể ban Chúa Thánh Thần. Thần Khí thoát ra từ miệng Chúa Kitô như một hơi thở (“Người thổi hơi vào các ông” Ga 20, 22, “Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” Ga 19, 30), Thần Khí thoát ra từ con tim của Chúa Kitô như một sức sống.

Hơn nữa, Chúa Giêsu phục sinh đã thổi Thần Khí của Người trên các Tông Đồ (x. Ga 20, 22). Và như một trong những kết quả đầu tiên của sự hiện diện mới của Thần Khí, các Tông Đồ hiểu Kinh Thánh (x. Lc 24, 45). Chúa Giêsu phục sinh mở lòng mở trí các ông nhờ Chúa Thánh Thần, nhờ Thần Khí của Người, hơi thở thần thiêng của Người. Ta sẽ bàn đến sự liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và Kinh Thánh.

Nhờ Thần Khí,
          Chúa Con nói những lời của Chúa Cha

Chính Chúa Cha, trong tâm hồn Chúa Kitô, bởi Chúa Thánh Thần linh hứng cho Con Người những lời phải nói ra. “Tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người (Chúa Cha) nói” (Ga 8, 26; “... đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa” (Ga 8, 40). “Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì.50 Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (Ga 12, 49-50). “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” Ga 16, 15). “vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con” (Ga 17, 8). 

 

Thần Khí mạc khải Chúa Kitô
          và thông ban tình yêu của Người cho ta

Truyền Thống cho ta biết rằng chính Thần Khí mạc khải Chúa Kitô, Người là cặp kính tốt nhất để nhìn thấy Chúa Kitô, khám phá ra Chúa Kitô. Người ta không thực sự nhìn ra Chúa kitô nếu không có Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần mạc khải Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần chỉ cho ta thấy khuôn mặt thật của Chúa Kitô, đưa ta vào trong thâm sâu nơi Chúa Kitô cho đến khi khám phá được Thần Tính của Chúa Kitô. Chính vì thế mà ta luôn phải cầu xin Chúa Thánh Thần khi ta đọc Kinh Thánh và khi ta cầu nguyện. Không có Chúa Thánh Thần sẽ không thể gặp gỡ đưọc Chúa Kitô sống động.

Thật ra, ta thấy Chúa Kitô bằng xương bằng thịt đứng trước những người đồng thời với Người, nhưng đa số chẳng nhìn ra được Thiên Tính của Người[5]. Mắt của họ cần được mở ra. Và chính Chúa Thánh Thần làm công việc này. Cần thiết là cầu xin Chúa Thánh Thần để nhìn thấy Chúa Giêsu. Nếu không, lòng trí ta vẫn dầy đặc, mắt nội tâm của ta mù quáng. Đó là điều thánh Têphanô trách cứ các trưởng lão và các luật sĩ: “Các ông chống cưỡng lại Chúa Thánh Thần”. Ngược lại khi đến trong lòng ta, Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cho ta thấy Chúa Giêsu trong Thiên Tính của Người. Chính khi được tràn đầy Chúa Thánh Thần, thánh Têphanô được thấy Thiên Chúa và Con Người[6]. Trong Phúc âm Luca, sự liên hệ giữa sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và khả năng nhìn thấy được nhấn mạnh nhiều lần: Ê-li-sa-bét nhận biết Mẹ Maria và Con Trẻ trong Mẹ nhờ Chúa Thánh Thần (x. Lc 1, 41-45). Và trong Lc 2, 22-32, Ông Simêon, được Chúa Thánh Thần linh hứng, nhận biết con trẻ mà ông đang bồng trên tay là ơn Cứu Độ được Chúa đem đến.

Thánh Phaolô, theo cách riêng của ngài, cho ta thấy cần thiết phải cầu xin Chúa Thánh Thần để nhận biết Thiên Chúa, hoặc nhận biết Chúa Kitô theo Thần Khí[7]: “Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1 Cr 2, 10). “Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (1 Cr 2, 11). “Không ai có thể nói rằng: "Đức Giê-su là Chúa", nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12, 3).

Thánh Irênê quả quyết: “Không có Thần Khí không thể nhận biết Ngôi Lời của Thiên Chúa; sự nhận biết Con Thiên Chúa là do Chúa Thánh Thần mà có”[8]. 

Cũng vậy chính nhờ Thần Khí mà ta biết được tình yêu của Thiên Chúa dành cho ta. Đàng khác, chính Chúa Thánh Thần là Tình Yêu Thiên Chúa; trong Ba Ngôi, Người là chính ngôi vị của Tình Yêu. Khám phá biết được Chúa yêu thương ta thế nào, chính là chỉ nhờ Thần Khí. Và ta cần phải trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa.

Ơn Thần Khí và các ơn của Thần Khí

Cần phải phân biệt Ơn Chúa Thánh Thần và các ơn của Chúa Thánh Thần. Ngôi Thánh Thần, là Ơn Chúa Kitô ban cho ta, hoạt động trong sâu thẳm cõi lòng ta, trong tinh thần[9]. Hoạt động này ta không thể nhận biết trực tiếp được, nhưng qua những tiếng dội mà Chúa ban trong tâm hồn. Ngược lại, những ơn của Chúa Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn, trong trí hiểu và trong ý muốn của ta. Đàng khác, cũng chính Người soi sáng và hướng dẫn ta. Thực vậy, qua Lời được lãnh nhận trong Lectio divina, Người soi sáng, nhờ các ơn hiểu biết của Người.

Như thế Người là sự sống của tâm hồn cũng như của tinh thần.

Tác giả chính của việc thánh hóa ta

Chúa Thánh Thần là tác giả chính làm việc thánh hóa ta. Chính Người hình thành Chúa Giêsu trong ta và Người chẳng có việc gì khác ngoài việc hình thành Chúa Giêsu. Ngày lại ngày, Người sinh ra trong ta con người mới: Chúa Giêsu sống động. Trên đây ta đã nói vì biết Người là Thiên Chúa nên ta phải trọn vẹn lưu tâm đến Người. Thực vậy, trong Ba Ngôi, Người là Ngôi Vị hoạt động trực tiếp trong ta. Thực ra thì tất cả Ba Ngôi đều hoạt động trong ta. Nhưng Truyền Thống dành cho Người việc hoạt động trực tiếp. Chúa Kitô cũng gọi Người là: ngón tay của Cha, và trong kinh Veni Creator Spiritus Người được gọi là “ngón tay phải của Cha”. Nhờ ngón tay này, Thiên Chúa đụng chạm đến ta, hoạt động trực tiếp và biến đổi ta. Nhờ các ơn của Người, Người đụng chạm đến ta và ta trải nghiệm những thay đổi mà Người thực hiện trong ta: hoặc trong trí hiểu mà Người soi sáng và làm cho sắc bén, hoặc trong ý muốn mà Người giải thoát và củng cố trong ý muốn của Thiên Chúa.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

3. Động từ “spirer” ở đây được chủ ý dùng ở số ít để cho thấy chỉ có duy một nguyên lý, chỉ có duy một nguồn trong “việc thở”. Chúa Cha và Chúa Con, “như từ một nguyên lý”, thở hơi Chúa Thánh Thần. “Với sự trung thành và sùng kính chúng tôi tuyên xưng rằng Chúa Thánh Thần từ muôn đời xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con, không phải như hai nguyên lý, nhưng chỉ duy một nguyên lý, không phải bởi hai hơi thở, nhưng chỉ duy một hơi thở duy nhất” (2è concile de Lyon, 2è session, 18 mai 1274: Constitution sur la Trinité souveraine et la foi catholique. La procession du Saint-Esprit).

4. “[...] Đức Bà Trinh Nữ rất vinh hiển [...] không bao giờ in vết của một tạo vật trong tâm hồn mình, cũng không bao giờ để cho tạo vật điều động Mẹ, nhưng luôn luôn do Chúa Thánh Thần” (Đường lên Cát Minh”, thánh Gioan Thánh Giá, III. 2, 10). Người ta cũng có thể tìm hiểu nơi thánh Maximilien Kolbe là người kiên trì đào sâu sự liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và Mẹ Maria.

5. “Các ngươi có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy” (x. Mt 13, 14-15. x. Ga 12, 37-41).

6. “Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” (Cv 7, 55-56). Sự liên hệ giữa sự kiện được đầy ơn Thánh Thần và sự kiện thấy Thiên Chúa là rất rõ ràng; Thánh Luca đã nhấn mạnh điểm này.

7. “Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa” (2 Cr 5, 16).

8. Démonstration de la prédication apostolique, Irénée de Lyon, 7.

9. Ta hãy nhớ rằng tinh thần là chóp đỉnh của tâm hồn, là phần thụ động và siêu ý thức được mời gọi tham dự vào bản tính của Thiên Chúa, và những hoạt động của Người ngay từ đời này.

Tác giả Gia Đình Lectio Divina (dịch)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!