.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Dẫn nhập

PHẦN I: Ngôi Lời Trở Thành Những Ngôn Từ

PHẦN II: LECTIO DIVINA

I: Những điểm căn bản trong Lectio Divina

II: Đọc

III: Liên quan đến Lectio Divina

PHẦN THỨ III: Mẹ Maria và Lectio Divana

I: Mẹ Maria và Ngôi Lời

II: Mẹ Maria và Chúng ta

PHẦN THỨ IV: Chúa Thánh Thần và Lectio Divina

I: Một vài nhắc nhớ quan trọng

II: Chúa Thánh Thần và Lectio Divina

Kết luận phần thứ bốn

PHẦN V: Lectio và Cuộc sống hàng ngày

I: Lectio và hai luật tình yêu

II: Lectio Divina trải dài trong ngày sống

III: Lectio Divina và cuộc sống đơn sơ

IV: LEctio Divina và ơn gọi

V: Lectio Divina và cuộc sống tri thức

VI: Lectio Divina và đời sống thiêng liêng

VII: Ví dụ về Lectio Divina

Kết luận chung

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
LECTIO DIVINA học trong trường Mẹ Maria
Tác giả: Gia Đình Lectio Divina
dịch
II: MẸ MARIA VÀ CHÚNG TA

Cầu xin mẹ trong khi thực hành Lectio divina

Chú ý đến tất cả những liên hệ giữa Mẹ Maria và Lời, ta dễ dàng suy ra rằng cầu xin Mẹ Maria trong khi thực hành Lectio divina là một trợ giúp tuyệt hảo. Lấy kinh Mân Côi làm ví dụ. Khi ta đọc kinh Mân Côi không phải là để tưởng nghĩ đến Mẹ Maria cho bằng suy ngắm những mầu nhiệm vui, sáng, thương, mừng của cuộc đời Chúa ta. Lặp đi lặp lại “Kính mừng Maria” như là một nâng đỡ an bình giúp ta đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Kitô. Sự lặp đi lặp lại này không làm ta xa cách Chúa, nhưng đưa ta đến gần Chúa hơn.

Cũng vậy, xin Mẹ Maria trợ giúp khi thực hành Lectio divina, ví dụ đọc một kinh “Kính mừng Maria”, sẽ giúp ta biết lắng nghe Chúa hơn. Cầu nguyện với Mẹ Maria trong lòng mình và lắng nghe Chúa nói trong tâm trí mình rất phù hợp với nhau. Đó là hai cấp độ khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Trung tâm điểm của Lectio divina là Chúa Kitô nói với ta. Mẹ Maria giúp ta và dạy ta lắng nghe Chúa và đem Lời Chúa ra thực hành.

 

Mẹ Maria hình thành Giêsu-Lời trong ta

Cũng như Mẹ Maria đã giáo dục Chúa Giêsu, Mẹ cũng giáo dục ta. Chúa Giêsu là Lời của Cha, và là đời sống mới của ta. Con người mới của ta được cấu tạo do cuộc gặp gỡ này, do sự kết cấu này, giữa Lời và ta. Lời lại uốn nắn ta; Mẹ Maria cũng huấn luyện cuộc sống mới này, là Chúa Giêsu trong ta. Mẹ đem lại sự đảm bảo hơn cho công việc này được thực hiện cách trọn hảo nhất, hầu không một lời nào do Chúa nói ra trong lòng ta không đem lại hoa trái. Với Mẹ Maria, những hoa trái của Lời Chúa luôn tồn tại[16].

Mẹ Maria là nơi Lời sinh ra, là nơi Lời nhập thể

Người Ta có thể nói rằng lòng Mẹ Maria – lòng theo ý nghĩa Kinh Thánh – là nơi Lời nhập thể sinh ra. Hơn nữa Mẹ Maria thuộc về ta, Mẹ đã được ban cho ta. Chúa Kitô nói với mỗi người, cũng như nói với thánh Gioan dưới chân Thánh Giá: “Đây là Mẹ của con” (Ga 19, 26). Đó cũng là lời mời gọi noi gương thánh Gioan đón nhận Mẹ về nhà mình, vào trong lòng mình: “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 26). Như vậy trong ta, Mẹ trở thành nơi cho Lời nhập thể. Để hiểu rõ điều này ta tìm hiểu sâu xa dụ ngôn người gieo giống trong Phúc âm Mát-thêu chương 13.

Dụ ngôn người gieo giống[17] 

Ta ghi Nên nhớ rằng dụ ngôn này là dụ ngôn được khai triển nhất trong các dụ ngôn của Phúc âm và là dụ ngôn được các thánh sử ghi lại cách tuyệt vời. Quả thực dụ ngôn này là chìa khóa để lãnh hội giáo huấn của Chúa Kitô bằng dụ ngôn: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn!” (Mc 4, 13). Dụ ngôn này trình bày điểm chính của Phúc âm: lắng nghe Lời Thiên Chúa. Dụ ngôn này phân tích cho thấy đỉnh điểm điều Chúa chờ đợi: chất lượng của việc con người lắng nghe Lời của Người. Dụ ngôn này soi sáng cách vô cùng đặc biệt Lectio divina. Dụ ngôn này cũng soi cho ta hiểu thật thâm sâu về Đức Trinh Nữ Maria.

Dụ ngôn người gieo giống, theo cách thế riêng, cho ta thấy hai điểm trong đức tin của ta: một đàng Lời (đối tượng của ta tin: hạt giống) và đàng khác việc tiếp nhận Lời này (người tin, chính con người, cách thế: những loại đất khác nhau). Lời được thi hành sung mãn chính là Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu và “người đón nhận toàn hảo” là chính Mẹ Maria. Mẹ Maria là ‘cách’ tiếp nhận Lời tuyệt hảo nhất. Ta đã thấy như thế. Qua Lectio divina ta càng ngày càng trở thành Maria (khả năng) để tiếp nhận Chúa Giêsu càng ngày càng thêm sung mãn. Sự ngoan ngoãn của Mẹ Maria lúc Truyền Tin và trong suốt cuộc sống của Mẹ trở thành của ta.

Ngôi Lời đã đi ra từ Cung Lòng Cha để đi gieo chính mình. Hoặc Lời vĩnh cửu đã trở thành những lời đầy Thần Khí và Sự Sống. Những lời này do chính Chúa Giêsu ban cho. Nhưng có nhiều cách thế tiếp nhận những lời đó, có nhiều cách thế nghe Lời của Người. Những cách thế này được tượng trưng bằng những loại đất khác nhau tiếp nhận Hạt Giống. Dụ ngôn nêu lên bốn loại đất. Ba loại thuộc đất xấu – quả thực cả ba loại đất đầu tiên đều không sinh hoa trái – và một loại đất tốt, đem lại hoa trái.

Loại đất thứ nhất: đất này diễn tả tâm lòng khô cằn như một vỏ cứng không tiếp nhận được gì cả. Không có gì có thể đi sâu vào. Đó là một con tim không có trí hiểu, một con tim không lắng nghe, không hiểu gì cả, không muốn mở ra để tiếp nhận Lời.

Loại đất thứ hai: đất này chính là tâm lòng vui vẻ tiếp nhận Lời ngay, như người con nói: “Vâng con sẽ đi làm vườn nho cho cha ngay”[18], nhưng rồi anh ta lại chẳng đi. “Đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay”. Không có kiên trì, không có bền chí. 

Loại đất thứ ba: đất này là con tim “nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì”.

Một nhận định không vui gì, không một đất nào trong ba loại trên đây thành công đón nhận đúng đắn những Lời được gieo vào đất mình và sinh hoa trái. Dẫu vậy, chính Chúa nói với ta: “Chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15, 16). Cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không cho hoa trái, nếu Lời Chúa không đem lại hoa trái mà người ta mong chờ, mà Chúa chờ đợi. Ta nhận thấy rằng lòng ta là một pha trộn cả ba loại đất đầu tiên này nhưng ta lại cứ ước mong là như loại đất thứ bốn, “Đất Tốt”, và mang lại nhiều hoa trái. Nếu ta để cho ánh sáng của bài Phúc âm này soi chiếu trong thâm sâu của lòng mình, ta sẽ nhận ra rằng tâm lòng ta pha trộn những đui điếc, những ơ hờ ngoài mặt và những âu lo bóp nghẹt. Một nhận định khiêm tốn và rất thật: ta không lắng nghe Lời một cách tốt nhất. Ta khám phá ra rằng lòng ta bệnh hoạn, và ngay cả một tâm lòng trọn hảo nhất cũng vẫn còn pha trộn ba loại thái độ không đem lại hoa trái. “Vậy có ai được cứu rỗi”?[19]. Ai có thể đạt tới trưởng thành? Ai có thể đem lại hoa trái? Ta thất vọng như cả nhân loại, mà thánh Bênađô diễn tả[20], chờ đợi một Bình ưu tuyển có thể nói “vâng”, tiếp nhận Đấng Cứu Độ và đem lại một thứ hoa trái của ơn Cứu Rỗi.

Loại đất thứ bốn: đất này là “kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục”. Ai ngoài Mẹ Maria nghe và hiểu? Trước hết Mẹ tiếp nhận Ngôi Lời trong lòng Mẹ nhờ đức tin. Mẹ chính là “Quyển Sách Thánh trong đó ngón tay của Cha đã ghi viết Ngôi Lời”[21] hoặc là “Sách sống động của Chúa Kitô được đóng ấn Chúa Thánh Thần”[22]. Mẹ Maria quả thực là “Đất Tốt” của dụ ngôn người gieo giống. Mẹ như là một trang sách Phúc âm tuyền vẹn trên đó Cha đã viết Lời, Lời của Cha, Lời duy nhất của Cha, Logos, Ngôi Lời. Nhìn ra Mẹ Maria là “Đất Tốt” là một chiêm ngắm sâu xa về mầu nhiệm của Mẹ Maria. Ở nơi Mẹ ta tìm gặp được Chúa Giêsu.

Như ta vừa suy niệm, dụ ngôn người gieo giống cho ta thấy rõ ràng rằng trong đức tin của ta có hai điểm: 1- Người tin hoặc lắng nghe, và 2- Đối tượng của chính đức tin này: hạt giống của Lời, Chúa Kitô. Qua chăm chú đọc, ta đã khám phá ra rằng người trọn hảo là Mẹ Maria và tất cả người khác không thể đem lại hoa trái. Mẹ Maria là phương cách trọn hảo để tiếp nhận Lời và làm cho Lời sinh hoa kết trái. Vậy ta cũng được mời gọi đi vào trong Mẹ, và nhờ Mẹ là bề tôi trọn hảo, lắng nghe đối tượng của đức tin ta, những lời của Chúa Kitô, và mang lại những hoa trái tồn tại. Ơn gọi của ta là tiếp nối trong ta mầu nhiệm chủ yếu của đức tin ta: Maria-Giêsu, và làm cho mầu nhiệm này luôn sống động.

Diễn tả cách khác, những lời của Chúa Kitô, bị bỏ quên trong tâm lòng sỏi đá của ta sẽ gặp nguy hiểm và không thể sinh hoa kết quả. Những lời này mới chỉ là một nửa ơn huệ Chúa ban. Nửa còn lại chính là: khả năng tiếp nhận những lời đó”. Biết rằng Chúa Kitô đã nói những lời này lời nọ, chưa đủ, cần thiết những lời đó nhập thể trong tâm lòng ta và đem lại hoa trái. Chúa Kitô ban cho ta những lời của Người đồng thời cũng ban “khả năng tiếp nhận lời”, “khả năng tiếp thu”, của Mẹ Maria. Ơn huệ Người ban căn bản bao gồm cả hai điểm: Người vừa ban hạt giống vừa ban đất.

Những lời của Chúa Kitô cũng tìm gặp trong ta nơi chứa xứng hợp và thần thiêng: Mẹ Maria. Có được Mẹ Maria, vì Cha ban Mẹ cho ta, ta có       thể nhờ Mẹ và trong Mẹ làm sinh hoa kết trái Lời của Thiên Chúa.

Vậy có thể nói Mẹ Maria giúp ta, một cách không sai lầm, tìm gặp được Chúa Giêsu, lắng nghe Người nói với ta trong Kinh Thánh, bởi vì có thể nói Mẹ là mẫu gốc sống động của  sách Kinh Thánh. Như thế và nhất là Mẹ giúp ta hiểu được Kinh Thánh, như dụ ngôn nói: đất tốt là kẻ “ngộ”. Mẹ Maria đã cưu mang trong lòng Đấng mà cả trời đất không chứa nổi. Mẹ đã hiểu Người. Một Giáo Phụ nói: “Toàn bộ Kinh Thánh, Tất cả lời của Chúa, Chúa đã thu gom lại trong cung lòng Đức Trinh Nữ”[23]. Lòng của Mẹ Maria là Bình ưu tuyển, là Bình Mới có thể chứa Rượu Mới[24], là áo cưới được nhận cho mặc dự tiệc cưới Nước Trời[25], là Bụi Gai[26] cháy mà không   tiêu hủy, nhưng mang và nâng đỡ Lời của Thiên Chúa là lửa hồng[27].

Mẹ Maria được ban cho ta;
         trở thành Maria

Mẹ Maria, Đất Tốt, được ban cho ta để nhờ Mẹ và trong Mẹ, Lời có thể sinh hoa kết trái. Mẹ là ơn huệ của Chúa và niềm cậy trông của ta. Trái tim của Mẹ thật trọn hảo, và Chúa ban cho ta trái tim này cách nhưng không; Trái tim này là hoa trái thứ nhất của ơn Cứu Độ. Ta phải chấp nhận tiếp đón Trái Tim này, sử dụng Trái Tim này, biến Trái Tim này thành trái tim của ta để mỗi ngày có thể tiếp nhận Lời, hầu mang lại hoa trái và thực hiện cuộc sống của ta. Như thế khả năng của Mẹ sẽ là khả năng của ta. Ta đón nhận Mẹ về nhà mình như thánh Gioan người môn đệ yêu dấu đã làm. “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 26).

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu hát kính Mẹ Maria một cách đơn sơ nhưng cũng thật ý nghĩa: “Kho tàng của người mẹ thuộc về người con, vậy lạy Mẹ yêu mến, con là con của Mẹ; các nhân đức của Mẹ, tình yêu của Mẹ lại không là của con sao (...)[28]? Ta có thể nối tiếp tư tưởng của thánh nữ khi nói rằng khả năng lắng nghe, tiếp thu và hiểu của tâm lòng Mẹ Maria đã được ban cho ta, hoặc nói ngắn gọn: con tim của Mẹ thuộc về ta.

Người ta có thể nói rằng để sinh ra Lời trong lòng ta, cũng như để nhập thể, ta phải cần có không những Chúa Thánh Thần mà cả Mẹ Maria nữa.

“Lời vâng” mà Mẹ Maria đã thốt ra trong ngày Truyền Tin cũng cần thiết cho ta. Ta cần đến lời vâng này để Lời có thể nhập thể trong lòng ta và trong cuộc đời ta.

Ta noi gương Mẹ, nhưng ngày lại ngày ta cũng phải trở thành Mẹ, con người thâm sâu của ta mỗi ngày càng phải trở nên con người của Mẹ Maria. Càng ngày Mẹ càng sống trong ta. Càng kêu cầu Mẹ, càng khẩn nài Mẹ trợ giúp, ta càng để cho Mẹ dẫn dắt ta, soi sáng ta, ta càng trở thành như Mẹ, nhờ Mẹ và trong Mẹ ngoan ngoãn đón nhận tác động của Lời. Như thế, đối với ta cũng vậy, trái tim của Mẹ Maria trong ta trở thành nơi sinh cho Lời được nói cho ta mỗi ngày[29].

Như thế nên tập quen để Mẹ Maria đến tiếp nhận Lời trong ta. Thốt lên “Maria”, cầu khẩn Mẹ, ta dần dần trở nên đồng hình đồng dạng với Mẹ. Lắng nghe Mẹ, theo những chỉ dẫn của Mẹ và những lời khuyên nhủ của Mẹ, ngoan ngoãn trong vòng tay của Mẹ, hoàn toàn phó thác cho Mẹ, sẽ làm cho tâm hồn ta trở thành Maria. Thánh Grignon de Montfort khuyên ta nên để Đức Trinh Nữ ở trong ta để Mẹ làm cho rễ của khiêm tốn đâm sâu trong ta[30]. Người ta có thể thêm: những rễ sâu đậm của lắng nghe Lời.

Mẹ Maria mẫu gương thực hành Lời Chúa

Ngay khi đáp lời “vâng” với thiên thần, Mẹ đã vội vã đem vào thực hành. “Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa” (Lc 1, 39). Mẹ đã vội vã ra đi để giúp đỡ người chị họ. Sự lắng nghe là một tác động trọn vẹn khởi đi từ đơn sơ lắng nghe Lời, và kết thúc với việc thực hành Lời đã đón nhận. “Lắng nghe Lời” có nghĩa là tuân phục. Thánh Phaolô nói đến “sự tuân phục của đức tin” (Rm 1, 5), “đức tin đến nhờ nghe” (Rm 10, 17).

Như Mẹ Maria và với Mẹ Maria đi thăm bà Ê-li-sa-bét, tâm hồn trinh khiết và, nhờ Lectio divina, mang Lời đến thăm tha nhân. Tâm hồn này sẽ làm thai nhi Gioan Tẩy Giả vị Tiền Hô ngộ ra Chúa Kitô nhảy mừng trong lòng tâm hồn Mẹ đến viếng thăm. Tiếp theo sự “tri biết” này, tâm hồn của tha nhân chứa đầy Chúa Thánh Thần! 

 

Giữ lại một dấu vết qua chữ viết:

hành động thuộc Maria

Người ta thường khuyên mỗi ngày nên viết để giữ lại ánh sáng đã tiếp nhận. Nhưng có một số người tin là mình phản đối hợp lý: “Tôi không phải là một nhà trí thức, tôi có thể diễn tả cách khác (qua một hình vẽ hoặc một bức điêu khắc)”, hay “Tôi chẳng thấy viết mang lại lợi ích gì”. Nhưng xét kỹ giữ lại qua một nét viết ánh sáng đã tiếp nhận là một hoạt động thuộc Maria. Thực vậy, thế giới ta đang sống đã đánh mất một số những thái độ của con người, một số những hoạt động trước kia rất thường và tự nhiên. Trong thực tế ngày nay ta có một nhịp độ sống mau lẹ hơn trước nhiều. ta tiếp nhận một lượng rất lớn về những thông tin, những biến cố, người ta có thể nói ta bị dội bom bởi đủ thứ thông tin. Ngược lại ta còn quá ít giờ để đưa vào nội tâm điều mình tiếp nhận. Ta không còn có được trí nhớ của các tổ tiên ta. Sự thiếu tiếp thu ngoài ý muốn này khiến cho chính điều liên quan đến những ơn sủng được nhận lãnh, hoạt động của Thiên Chúa, không hoàn tất con đường nơi ta. Ta hãy xét kỹ điều này.

Ta hãy tưởng tượng con người ta như khối hình nón, đi từ cái tế nhị nhất, thuộc thể hơi, thiêng liêng, tinh thần là điểm nhỏ của linh hồn (điểm chóp nón) đến cái nặng hơn, thân xác (phần đáy nón). Ánh sáng Chúa thông ban cho ta đi từ cái bên trong nhất, sâu xa nhất, có nghĩa là từ điểm nhọn của nón, đi qua phần ý thức của ta, trí hiểu, ý muốn, tự do, nhưng cũng nhờ tưởng tượng và các giác quan, xuống tới phần “thấp” nhất, hoặc bên ngoài con người ta, thân xác. Rất cần phải giúp Ánh Sáng thực hiện cuộc hành trình này, cống hiến cho Ánh Sáng một mảnh đất sẵn sàng tiếp nhận bằng cách đồng hành với Ánh Sáng và cống hiến cho Ánh Sáng một phần của chính ta, một không gian và một thời gian.

Phúc âm nói với ta rằng Mẹ Maria tiếp nhận những ơn Chúa ban, và rồi Mẹ đưa những ơn ban đó vào lòng: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19). Hoạt động thật quan trọng. Nó giúp ta ý thức điều Thiên Chúa ban cho ta và cũng trở thành một đối tác, một người bạn của Chúa tự do hợp tác với hoạt động của Người. Ánh sáng kết thúc như thế tiến trình     trong ta.

Mục đích không phải là có viết, càng không phải là để làm hài lòng mình vì đã viết hoặc để cho người khác đọc được điều mình viết. Mục đích là để ngồi đó (hoặc để không vội vã đứng dậy ngay), để dùng thời gian ý thức về ánh sáng Chúa ban. để dự phần vào hoạt động của ánh sáng đang tràn ngập con người của mình, cho tới cả thân xác của mình cũng được mời gọi hành động. Tìm cho ra được những chữ những câu diễn tả ánh sáng đã được ban cho, cần phải có thời gian. Và viết ra, cô đọng lại trên trang giấy điều mình đã tiếp nhận trong thâm sâu lòng mình sẽ giúp ích nhiều. Đây hoàn toàn không phải là hoạt động trí thức hay tiểu thuyết. Đây là hoạt động thuộc lãnh vực Maria; Hoạt động này phần nào đó giúp ta tham dự cách nào đó vào hoạt động của Mẹ Maria. Và đó cũng không phải là một hình thức diễn tả mà một số người thực hiện tốt đẹp hơn qua tranh vẽ hoặc điêu khắc hoặc viết văn. Không. Đó chính là, như Mẹ Maria, và với Mẹ thực hiện một cố gắng đáp ứng với ơn được ban cho để tiếp nhận ơn, chuyển trao, ý thức để có thể làm cho ơn đó sinh hoa kết trái. Mẹ Maria đã hiến thân như thế cho Lời và đó cũng là một cách thế rất tốt để hôm nay ta có thể hiến thân cho Lời. Chắc hẳn đó mới chỉ là một bước, nhưng là một bước quan trọng để đưa ta đi vào hành động thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, một ý muốn mà ta để tâm “ngộ” được dễ dàng hơn khi cúi xuống suy nghĩ viết trên giấy.

Trong trường hợp ngược lại, dường như Ánh Sáng của Chúa ngưng chiếu, mất đi sự hữu hiệu, phân tán, người ta đánh mất những phát quang và đôi khi đánh mất tất cả. Ta nghĩ rằng mình đã nhận ơn, ánh sáng, nhưng thực tế ta đã không tiếp nhận, ta đã không giữ lại, ơn sủng đã không hình thành trong ta!

Ban đầu, ta có thể thấy khó khăn viết ra câu văn điều ta đã nhận được, tìm được những từ đúng. Đòi hỏi ta phải cố gắng viết cho được ba bốn câu văn. Ngược lại, không tách khỏi những lời của Kinh Thánh mà Chúa dùng để nói với ta, ta không ngần ngại viết chúng ra trên giấy. Chúng sẽ có một âm vang, một sức nặng, một giá trị khác trên ta. Cho dù ta chỉ viết chính những lời đã được tiếp nhận, ta cũng giúp cho ánh sáng nhập thể trong cuộc sống của ta. Ta giữ lại lời để lời không bay biến đi mất, ta tiếp nhận lời để lời luôn giữ mãi được tính hiệu quả thực tiễn trong cuộc đời của ta.

Kết luận

Sau khi học hỏi về Mẹ Maria, có lẽ ta đo lường được cách thế mới vai trò của Mẹ trong việc ta lắng nghe Lời Chúa hằng ngày. Điều đó chắc chắn sẽ giúp ta hiểu biết hơn, yêu mến hơn đối với Đấng đã thực hiện việc lắng nghe cách trọn hảo.

“Đời sống kitô hữu cốt yếu hệ tại ở việc thực thi thánh ý Chúa. Mà Chúa đã chẳng có một ý muốn nào khác ngoài việc Sinh Người Con Duy Nhất, trong cung lòng Ba Ngôi, một phần và phần khác trong cung lòng Mẹ Maria nhờ tác động của Chúa Thánh Thần (Ba Ngôi và Nhập Thề). Do đó tâm hồn kitô hữu không cần phải làm gi khác ngoài việc chủ yếu thực thi tinh thần Maria để Cha sinh ra Người Con của mình trong Mẹ” [31].


 

 

16. Về vấn đề Mẹ Maria là người hình thành ta và là “khuôn của Thiên Chúa”, xem Grignon de Montfort, Le secret de Marie nno 16 à 18 et Traité de la vraie dévotion nno 218-221. Người ta cũng có thể đào sâu khía cạnh với la vie marie-forme de Marie Petyt (1623-1677): Maria a Sancta Teresia, Vie Mariale (fragments traduits du flamandd par Louis Van den Bossche), Paris, 1928.

17. Mt 13, 3 bss et//

18. “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. Nó đáp: “Con không muốn đâu”! Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây”! " nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha”? Họ trả lời: “Người thứ nhất” (Mt 21, 28-31).

19. Mt 19, 25 tt

20. Quatrième Homélie “super missus”.

21. Canon de l’Hymne Acathiste, Ode 7.

22. Canon de l’Hymne Acathiste, Ode 1.

23. Rupert, “In Is.”, L. 2, c. 31 (PL, 167, 1362 BD).

24. Mt 9, 17.

25. Mt 22, 12.

26. Ex. 3, 2

27. “Lời của Ta lại chẳng giống như lửa,
Sấm ngôn của Đức Chúa” (Gr 23, 29).
 

28. Poésie no 54, 5, Pourquoi je t’aime Marie.

29. Nếu người ta muốn đào sâu những vấn đề này thì nhất thiết phải đọc những bài viết của thánh Louis Marie Grignon de Montfort, học thuyết của thánh nhân phong phú và sâu xa. Người ta có thể bắt đầu với Le secret de Marie là một tập sách nhỏ nhưng rất cô đọng. Và rồi có thể đọc Le traité de la vraie dévotion à la Vierge Marie. (Hình như hai tác phẩm này đều đã được dịch sang tiếng Việt từ trước 1975, lời người dịch).

30. Traité de la vraie dévotion, no 34-37

[31] 31. Một linh mục thần bí đương đại.

Tác giả Gia Đình Lectio Divina (dịch)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!