Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gia Đình Lectio Divina
Mục Lục

Dẫn nhập

PHẦN I: Ngôi Lời Trở Thành Những Ngôn Từ

PHẦN II: LECTIO DIVINA

I: Những điểm căn bản trong Lectio Divina

II: Đọc

III: Liên quan đến Lectio Divina

PHẦN THỨ III: Mẹ Maria và Lectio Divana

I: Mẹ Maria và Ngôi Lời

II: Mẹ Maria và Chúng ta

PHẦN THỨ IV: Chúa Thánh Thần và Lectio Divina

I: Một vài nhắc nhớ quan trọng

II: Chúa Thánh Thần và Lectio Divina

Kết luận phần thứ bốn

PHẦN V: Lectio và Cuộc sống hàng ngày

I: Lectio và hai luật tình yêu

II: Lectio Divina trải dài trong ngày sống

III: Lectio Divina và cuộc sống đơn sơ

IV: LEctio Divina và ơn gọi

V: Lectio Divina và cuộc sống tri thức

VI: Lectio Divina và đời sống thiêng liêng

VII: Ví dụ về Lectio Divina

Kết luận chung

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LECTIO DIVINA - Cầu Nguyện Dưới Tác Động Của Lời Chúa

LECTIO DIVINA học trong trường Mẹ Maria

LECTIO DIVINA học trong trường Mẹ Maria
I: Lectio và hai luật tình yêu

Hai luật tóm kết tất cả

Hai luật tóm kết tất cả Kinh Thánh, tất cả Lề Luật, tất cả các ngôn sứ. Mục đích của tất cả mọi sự. Chính trong hai luật này mà ta tìm gặp được tất cả. Thế mà Lectio divina cho phép ta phát triển trong việc chu toàn hai luật này. Chúa Kitô kết hợp hai luật của Người vào làm một luật duy nhất, luật của Người: yêu tha nhân như Người đã yêu ta. Lectio divina cho phép ta đi sâu vào những mầu nhiệm của hai luật này, của tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Lectio divina cho phép ta nhận biết Thiên Chúa và ngày lại ngày suy ngắm Người đã yêu thương ta thế nào.

“Con hãy yêu mến Chúa hết lòng con”

Điểm đơn thuần mà Lectio divina nhắm tới, đó chính là “Điểm cao nhất của Kinh Thánh”[1]. Có được chính Thiên Chúa. Nếu sau những năm thực hành Lectio divina, chỉ một chữ, một câu cũng đủ cho ta, điều đó rất bình thường; lúc đó người ta luôn luôn có thể nếm hưởng sâu đậm hơn. Người ta cần ghi nhận rằng tất cả sứ điệp của Kinh Thánh, Lời mà Chúa muốn nói với ta mỗi ngày đều qui gom về một ít điều, về một sự. Thực ra vai trò của Kinh Thánh là như cầm tay dẫn ta đến sự viên mãn kết hiệp với Chúa chứ không phải là trực tiếp giải quyết những vấn đề vật chất. Ta có trí tuệ và ý kiến của những người khôn ngoan để tìm được những giải đáp trong tinh thần Phúc âm. Ngày kia có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh” (x. Lc 12, 13-14). Phản ứng của Chúa thật rõ ràng và dứt khoát. Người ta còn nghe được lời này: “Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18, 36). “Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống” (Rm 14, 17). Vậy chờ đợi Lectio divina cho những câu trả lời vật chất, đó không khác gì chiếm hữu Lời, đó không khác gì chẳng nắm bắt được mục đích của tất cả Kinh Thánh! Đó không phải là Thiên Chúa đứng ngoài cuộc sống thường ngày của ta, chính Người cũng đã nói dù các sợi tóc của ta thì cũng đã được đếm cả. Nhưng hướng đến nền tảng là sự thánh hóa ta: “Ý muốn của Thiên Chúa   là anh em nên thánh” (1 Th 4, 3). Nếu không, sẽ là đổi hướng Lời của Chúa tách khỏi ý nghĩa và Thần Khí của chính Lời.

Qua Lectio divina, Chúa trao đổi với ta mỗi ngày để cho biết Người là ai. Người mở lòng Người cho ta và cho ta thấy được sự êm dịu và khiếm hạ của Người. Hoặc Người đốt nóng lòng ta bằng    một lời, cho ta khám phá được ý nghĩa mới sâu      xa làm cho ta đi vào trong con tim của Người. Ta hiểu hơn về lửa Người đem đến ném trên trái đất và ước mong của Người muốn ăn lễ vượt qua với ta (Lc 22, 15).

 

“Con hãy yêu tha nhân”

Qua Lectio divina, Chúa đưa ta đi vào tình yêu Người dành cho ta, Người vén màn cho ta thấy điều Người làm cho ta. Nhờ Lời Người, Người cầm tay ta, và ngày lại ngày Người soi sáng trí tuệ ta và linh hoạt lòng muốn ta yêu mến, không phải bằng khả năng hạn hẹp của ta, nhưng theo Chúa Thánh Thần mà Người ban cho ta. Như thế ta khám phá được chiều sâu, chiều rộng và chiều cao của tình yêu Người dành cho ta. Ta đi  vào trong mầu nhiệm của điều Người đã làm cho chúng    ta trong Bữa Tiệc sau cùng, tại vườn Cây Dầu và trên Thánh Giá.

Khả năng yêu của ta từ đó được nới rộng. Chính nhờ sự liên lạc sống động với Chúa Kitô, luôn được Lectio divina gìn giữ, mà ta đi vào mầu nhiệm tình yêu của Người cho con người và ta học biết yêu mến họ bằng chính tình yêu của Người.

Thánh Phaolô, trong các thư viết trong tù, chỉ cho ta một sự hiểu biết mới và sâu về mầu nhiệm của Thân Thề Chúa Kitô hay của Chúa “Kitô Toàn Thể”, như thánh Augustinô đã nói. Đó là dấu chỉ của sự hiện diện của một chân trời mới đối với bác ái. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, vào cuối cuộc sống ngắn ngủi của chị, đã nói rằng Chúa đã khai mở cho chị mầu nhiệm bác ái một cách mới mẻ. Và thánh Gioan đã cho ta biết tất cả những gì Con Người làm, ta cũng được mời gọi làm. Trong một ý nghĩa nào đó, điều này cho phép ta đọc lại Phúc âm của Người trên một bình diện khác: cũng như ta được mời gọi làm lại trong chính con người ta mầu nhiệm của Chúa Kitô cho các anh em của ta. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã có cái can đảm thánh thiện này là áp dụng cho mình những lời của Chúa Giêsu trong Phúc âm theo Gioan 17.

Nhờ Lectio divina, phương thế mạnh mẽ này giữ nối kết sống động và thường nhật với Chúa, ta được dẫn vào trong mầu nhiệm đối với tha nhân, vào trong mầu nhiệm của giới luật mới. Một giới luật không dò thấu và gây bối rối.

Chiều sâu của cuộc sống thiêng liêng

Thánh Phaolô nói về một bước tiến đến tuổi trưởng thành. “Về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Đức Ki-tô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi” (1 Cr 3,1-2). Nhưng những ai đã đạt tới sẽ đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa (x. Ep 3, 18-19). Thánh Gioan Thánh Giá cũng nhắc đến trích đoạn này nhưng dường như trong triệt 36 của Khúc Linh Ca thánh nhân đề nghị với con người đã tiến xa hơn nữa: “Ta hãy đi vào sâu hơn nữa trong chiều dày” của sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Ta hãy xét kỹ điều mà có thể trở thành hai giới luật cho những con người nhờ ánh sáng của Lectio divina.

“Điểm cao nhất của Kinh Thánh”

Thánh Phaolô nhắc nhở ta: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1 Th 4, 3). Nếu Lectio divina là sự tìm kiếm thánh ý Chúa, điều đó có nghĩa là chính Lectio divina dẫn ta đến sự thánh thiện. Và thánh thiện là gì nếu không phải là kết hiệp với Chúa! Vậy Lectio divina, như là một nhà giáo dục, cầm tay ta, dắt ta đến với Chúa. Nếu luật thứ nhất là yêu mến Chúa, thì Lectio divina giúp ta thực hiện điều đó: Chúa làm cho ta thành nơi Chúa ngự.

Trong ý nghĩa này ta có thể nói về Kinh Thánh như là một tùy thể[2] chứa đựng một thực thể: Ngôi Lời. Thiên Chúa. Vậy theo một cách thế nào đó, Kinh Thánh không phải là một tuyệt đối. Kinh Thánh chứa đựng một thực thể (bản thể), có nghĩa là Ngôi Lời, là Lời, là Logos vĩnh cửu, và chính Người là Đấng ta muốn gặp được trong Kinh Thánh. Lectio divina có tác dụng dẫn đến Ngôi Lời. Lectio divina tự mình không phải là một mục đích.

Ta sẽ xem xét một số tác giả kitô giáo mà ba trong số các vị là các Giáo Phụ. Nhưng trước hết ta hãy khảo sát hai biệt tài lớn của Kitô giáo, Gioan và Phaolô, theo cách thế riêng của các ngài, đã tóm lược Phúc âm, Kinh Thánh. Thánh Gioan nói rằng tất cả trong Kinh Thánh đều dẫn tới tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Thực tế, Kinh Thánh được tóm kết như sau: “Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin” (kết luận thứ nhất của thánh Gioan: Ga 20, 31). “Và điều làm cho ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của ta” (1 Ga 5, 4). Đức tin ở đây đồng nghĩa với kết hiệp với Thiên Chúa. Thánh Phaolô tóm kết Kinh Thánh như sau: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô...” (1 Cr 2, 2), hoặc còn về bác ái: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1 Cr 13, 2).

Bây giờ ta xét xem mỗi người trong số các tác giả này theo cách riêng của mình bàn đến vấn đề tương đối của Kinh Thánh xét như là sứ điệp như thế nào.

Denys l’Aréopagite, chóp đỉnh của Kinh Thánh

Trong quyển sách La Théologie Mystique (Thần học thần bí), Denys l’Aréopagite cầu nguyện như sau: “Xin dẫn chúng con không chỉ duy bởi trên tất cả ánh sáng, nhưng còn trên ngay cả sự vô thức cho tới chóp đỉnh của Thánh Kinh thần bí, nơi đó những mầu nhiệm đơn thuần, tuyệt đối và không thể hư hoại của thần học được mạc khải trong Cảnh Tối chiếu sáng nhất của Cõi Thinh Lặng: chính trong Cảnh Tối thì cũng vẫn là quá ít nếu có quả quyết rằng nó chiếu sáng bằng loại ánh sánh chói lòa nhất trong lòng bóng tối thâm u nhất, và dù vẫn luôn hoàn toàn không đụng chạm tới được hoặc hoàn toàn không thấy được thì vẫn có thể quả quyết rằng Cảnh Tối này cũng chứa đầy ánh quang đẹp đẽ hơn cả nét đẹp của trí tuệ và biết làm cho những con mắt phải khép lại”[3].

Ở đây dường như Kinh Thánh thông truyền chính Thiên Chúa! Không còn có vấn đề chú giải theo nghĩa thường hiểu – cho dù là theo các Giáo Phụ. Kinh Thánh, như là một bí tích cao siêu, ban cho ta chính Thiên Chúa. Từ đỉnh cao của Kinh Thánh ta thấy được “Tia sáng tăm tối của Siêu Bản Thể Thiên Chúa” (Noms Divins 1, 1). Tia Sáng siêu bản thể này chứa đựng tất cả vĩnh cửu, theo cách gọi quá hạn hẹp là “khôn tả”, tận cùng của tất cả mọi hiểu biết. Người Ta không thể suy tư, cũng không thể diễn tả, không thể hiểu biết được bằng bất cứ thị kiến nào vì nó tách biệt khỏi mọi sự vật (Cf. Ibid. 1, 4). Như vậy dường như nói rằng Tia Sáng này phát ra từ Kinh Thánh như từ một nhà tạm (nơi cất giữ Mình Thánh Chúa).

Denys mở cho ta một nhãn giới mới khi cho ta thấy rằng Kinh Thánh chứa đựng một Tia Sáng. Ông kêu gọi ta vượt qua những phương pháp chú giải của ta, cho dù sâu xa nhất, để trao mình cho chính Thiên Chúa và không gì ngoài Người. Đó chính là một dữ kiện ta ít quen thuộc và có lẽ mạc khải cho ta bí nhiệm sâu xa nhất của khoa chú giải. Sự diễn tả này của Denys thật quá ngắn. Tuy nhiên một hiểu biết tốt về thần bí[4] có thể giúp ta hiểu điều ông nói hơn.

Như vậy Kinh Thánh được so sánh với ngọn núi cao phải trèo lên qua bốn nấc mà ta đã có dịp khảo sát và nấc cuối cùng đưa ta ngập chìm vào chính Thiên Chúa một cách vượt trên hết mọi hiểu biết. Chính ở đó, tại ngọn cao nhất của Kinh Thánh mà ta tiếp nhận được Tia Sáng siêu bản thể.

Thánh Augustinô,

đức ái con tim của Kinh Thánh

Thánh Augustinô thấy rằng tất cả Kinh Thánh nói về một điều, về tình yêu: yêu, yêu bằng một con tim thanh khiết... theo con tim của Chúa. Thánh nhân tóm kết tất cả Kinh Thánh trong một điều: “Từ tất cả những trang Kinh Thánh, không xuất phát ra điều gì khác ngoài đức ái”[5]. Thánh Augustinô dạy rằng Chính Kinh Thánh dẫn tới bác ái; nhưng không phải bất cứ thứ bác ái nào. Điều này cho ta liên tưởng tới điều thánh Gioan Thánh Giá giải thích về những đỉnh cao của cuộc sống thiêng liêng: “lửa, ánh hồng rực sáng”. Người Ta hiểu rằng Kinh Thánh rút lui trước thực tại mà Kinh Thánh dẫn tới: Thiên Chúa trong tâm hồn, yêu mình qua những tiếng rên nhiệm lạ. Đó là điều thánh nhân nói với ta: “Đối với ai muốn nói về bác ái, không còn cần phải chọn trang nào để đọc: mỗi trang mà anh em mở ra đều vang lên điều đó”. Thầy Chí Thánh làm chứng điều này, khi được hỏi để biết những giới luật nào lớn nhất trong Lề Luật, Người đã trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22, 36-39). Và “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Và để tránh không phải tìm kiếm điều gì khác trong các trang Sách Thánh, Người tiếp: “Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 40). Nếu đã như thế đối với “Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ”, thì lại càng như thế đối với Phúc âm.

“Về tất cả những điều chúng tôi đã khảo luận đến bây giờ, điều chính yếu là hiểu rằng “yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13, 10), tình yêu của Đấng Hiện Hữu mà ta phải vui hưởng và cũng vui hưởng với ta. Bởi vì đối với ai yêu mến thì không còn cần lề luật”[6].

“Con người dựa vào đức tin, đức cậy, đức mến và quyết tâm tuân giữ thì chỉ cần đến Kinh Thánh để dạy bảo những người khác. Có không ít người sống ba nhân đức này trong cô tịch, chẳng có cuốn sách nào. Nơi những người này, dường như đã chu toàn điều được viết: “Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn” (1 Cr 13, 8). Trên những nền tảng như thế, toà nhà đức tin, đức cậy, đức mến đã được xây dựng. Có được sự sung mãn rồi, những người này chỉ làm những việc lành từng phần. Sự   sung mãn, được hiểu là có thể đạt tới trong cuộc sống này, vì so sánh với cuộc sống mai sau, không cuộc sống nào của một người công chính và thánh thiện là trọn hảo”[7].

Thực ra tất cả những gì tìm gặp trong kinh Thánh có thể tóm kết trong ba nhân đức đối thần: đức tin, đức cậy, đức mến. “Thánh Augustinô đã qui gom sự hiểu biết toàn thể Kinh Thánh vào ba nhân đức này”[8]. Tất cả thời Trung Cổ đã theo nguyên tắc giải thích này về Kinh Thánh[9]

Thánh Thomas Aquinô, Luật mới

Trong “Trả lời” của II-IIae q. 106 a.1, thánh Thomas Aquinô nói: “Luật mới chính yếu (princi-paliter) là luật bên trong (nội tâm), còn những yếu tố phụ thuộc (secondario) là một luật được viết ra”. Và trong “ad.1” thánh nhân nói tiếp: “Chữ viết của Phúc âm chỉ bao gồm điều liên kết với ơn Chúa Thánh Thần theo cách thế xếp đặt chuẩn bị, hay như những qui tắc dùng ơn thánh này”. Chúa Thánh Thần là Lề Luật mới được viết trong lòng ta. Người là tâm điểm, là con tim của Kinh Thánh.

Qua vài ví dụ này ta hiểu hơn rằng ta được mời gọi đạt tới điểm mà chỉ cần một chữ cũng có thể đủ cho ta cầm trí và tìm gặp được điều chính yếu: Thiên Chúa. Ta hiểu rằng Lectio divina không phải là cái hộp chứa những giải đáp nhưng là bí tích của sự gặp gỡ Thiên Chúa, ta hiểu rằng, sau khi đã cầm lấy tay ta, Kinh Thánh dẫn ta lên Đỉnh Cao của Núi Nhận Thức Thiên Chúa.

Tình lớn nhất:
         trách nhiệm của ta tăng triển

Càng tiến xa trong Lectio divina, ta càng biến đổi mình trong Thiên Chúa, ta càng nhận ra rằng Lectio không có đó để nói điều ta phải trả lời cho những câu hỏi, những vấn nạn nhất định. Một cách nào đó, tác dụng của Lectio divina là cho ta thấy tình yêu Thiên Chúa và cho ta biết Chúa Giêsu yêu thương ta như thế nào và Người khao khát ta như thế nào. Ta có thể hỏi: làm gì đây? Vâng, dâng hiến mình mọi ngày. Điều người ta làm, thì làm với tình yêu, tìm kiếm tuyệt đối. Điều quan trọng nhất đó là yêu mến Chúa Giêsu.

Tất cả ta đều qua Lectio divina tìm kiếm thánh ý Chúa và muốn biết phải làm gì với cuộc sống của ta. Nhưng nói rõ thêm một lần nữa, không phải là Lectio divina, như một bàn hỏi lời sấm (xin quẻ!), sẽ cho ta những chỉ điểm như ta mong đợi. Ta hãy hiểu điều này, con tim có nơi ở trên trời, và ta còn phải hoạt động với những dụng cụ của con người. Ta làm tốt trong tìm kiếm thánh ý Người và Người yêu mến ta vì điều đó. Nhưng ý Người muốn là ta tự do trong những hành động của ta, trong những quyết định của ta. Đấng Toàn Năng sử dụng toàn thể con người để ban phát tình yêu của Người, tuy nhiên Người để cho mỗi người cái tự do thực hiện theo khả năng và những quyết định riêng của họ. Lời kêu gọi của Người là lời kêu gọi đến vinh quang! Ta có trách nhiệm về những hành động của mình. Nếu ta muốn sử dụng thì hãy dùng những khả năng của mình và sử dụng chúng cách khôn ngoan.

Ta sẵn sàng chiến đấu thế nào để có cho được điều mình muốn? Ta có đi tới tận cùng trái đất để chiếm cho được điều mình muốn không? Chớ thì Chúa không ban cho ta những tư tưởng, những mơ ước, những ước muốn? Ta đã sử dụng những thứ đó ra sao? Ta đã được dìm trong Chúa và cuộc sống mới này cho ta quyền tin rằng những tư tưởng của ta và những ước muốn của ta đều chìm đắm trong Người. Thường thì ta tự trói buộc theo những ước muốn của mình. Tuy nhiên càng ước muốn ta càng được nhận lãnh[10].

Thời tuổi thơ đã qua rồi, giờ đây ta phải hành động như những người lớn: làm những gì người ta biết làm và làm tốt, tự tin nơi mình, nơi sức lực của mình, ý muốn của mình, chọn lựa của mình và tình yêu của mình. Nói khôngkhông, Thiên Chúa không quyết định thay cho ta!

Ta Hãy xét xem các thánh sống loại liên hệ này với Chúa như thế nào. Điều này giúp ta hiểu điều ta có thể chờ đợi nơi Lectio divina.

Ta Hãy đọc trích đoạn thời danh của thánh Têrêsa Giêsu trong Đường Hoàn Thiện, trong đó thánh nữ mở ra cho ta thấy một khía cạnh kinh ngạc nơi Thiên Chúa: Thiên Chúa đối xử “rất thân tình đến độ, như có thể nói, cả hai ý muốn cùng làm chủ, cùng ra lệnh, Người làm theo ý linh hồn xin cũng như linh hồn làm theo lệnh Người truyền” (Đường Hoàn Thiện 32, 12 tr. 174; xin dịch lại theo bản tiếng pháp của Jean Khoury trích dẫn: “rất thân tình, đến độ không những Người để cho linh hồn sử dụng ý muốn của mình mà Người còn ban cho linh hồn ý muốn của chính Người; vì trong một tình nghĩa thiết rất sâu đậm, đôi khi Chúa hài lòng để cho linh hồn, đến   phiên mình, điều khiển Chúa làm điều linh hồn xin Chúa cũng như linh hồn thực hiện điều Chúa xin linh hồn làm”).

Nơi thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, ta có những lời này là âm vang của Phúc âm: “Tất cả những gì các con xin Cha, nhân danh Thầy, Cha sẽ ban cho các con”! Vậy con chắc chắn rằng Chúa sẽ nhậm lời những ước vọng của con; con biết như thế, ôi lạy Chúa Trời của con! Chúa càng muốn cho thì Chúa lại càng làm cho con ao ước” (Pri 6, 2ro). Hoặc: “Người luôn ban cho em điều em ước muốn hoặc đúng hơn Người luôn làm cho em ao ước điều Người muốn ban cho em” (Ms C 31ro). Ta cũng thấy nơi thánh Gioan Thánh Giá cũng một loại năng động này: “Tâm hồn càng ước muốn, lại càng nhận được: (II MC 7, 2) và “Người càng muốn cho, càng làm cho người ta ước muốn” (Lettre du 8/7/1589).

Như thế ta có quyền đặt cho mình câu hỏi: đạt tới một giai đoạn tiến sâu trong thông hiệp với Chúa, phải chăng ta có nguy cơ đứng trước một ngõ cụt không lối thoát? Có nghĩa là, nếu từ khởi đầu ta có cảm tưởng là Lectio divina đem đến cho ta những chỉ dẫn chính xác trong cuộc đời ta, càng tiến xa, ta càng bị để cho chính ta chọn lựa điều phải làm! Ta nghĩ rằng mình hoàn toàn ở trong đêm đen. Đúng và không đúng. Ý thức trách nhiệm phát triển như ta đã thấy trên kia và ta trải nghiệm Chúa làm cho ta thành những bạn hữu. Với các bạn hữu, từ nay Chúa nói tất cả. Bây giờ đến lúc các bạn hữu, như là tiếp nối thân xác của Người trên thế gian, phải chọn lựa và lấy những quyết định xứng hợp. Người không còn đó bên cạnh họ để chỉ cho họ việc phải làm, tuy nhiên vẫn ở trong họ, sống động và tác động trong họ một cách không cảm nghiệm thấy, điều này gây ấn tượng là mình bị phó mặc cho chính mình, không còn có một chỗ dựa nào từ bên ngoài đến từ Lời của Chúa, như một chỉ dẫn chắc chắn về điều phải làm. Người bạn biết và từ nay phải hành động với tư cách là người thứ nhất. Anh không thể có một sợ hãi nào. Anh biết bạn mình và biết mình được huấn luyện tại trường của bạn mình. Từ nay môn đồ là như Thầy, chính mình phải tiến ra xa, đi trên mặt nước.

Khi đó, Lectio divina đem lại điều gì trong lúc này? Trước hết, Lectio divina nhắc nhớ rằng Ơn Cứu Độ lệ thuộc ta. Sự cứu rỗi nhận được đã hoàn tất trên Thánh Giá chờ đợi ta cộng tác để có thể ban cho người khác. Lectio divina luôn cho thấy một cách thấm thía ta được cứu rỗi như thế nào do ý muốn con người của Chúa Giêsu và ý muốn này của Người là quyết định. “Cha đã ban cho con một thân xác và con đã thưa: này con đến thi hành ý Cha”. Cũng thế, người môn đệ, nhờ Lời được tiếp nhận mỗi ngày, nhận thức rằng mình tháp nhập vào nhân tính của Chúa Kitô và mình phải tiếp nối công việc của Người cho việc cứu rỗi. Tiếp đến, Lectio divina, không là một sấm ngôn về điều phải làm, luôn tiếp tục giáo huấn người môn đệ, soi sáng anh, củng cố anh trên đường anh đi và nhất là chỉ bảo cho anh biết điều chính yếu: lửa củaTình yêu, sự hiến thân mình. Nó không là rào cản để anh không phạm sai lầm, nhưng là một lực đẩy khuyến khích anh hiến thân mình và sống khiêm tốn. Tự hiến thân mình, vâng, nhưng trọn vẹn. Lectio divina kích động mỗi ngày. Tuy nhiên Lectio divina không hứa không sai lầm, mà luôn dẫn tới khiêm tốn và liên quan tới điều kiện của con người. Lectio divina luôn đưa tới tin tưởng và từ bỏ. Tình yêu trọn vẹn thấm nhập như thế vào cuộn sóng của tin tưởng và từ bỏ giúp anh luôn vượt qua chính mình để hướng tới những bắt đầu mới. 

 

“Không có tình nào lớn hơn”

Cụ thể, Lectio divina làm cho người môn đệ đạt tới những đỉnh cao của tham dự vào cuộc Khổ Nạn. Cũng như tất cả các thánh, Lời thức tỉnh anh mỗi ngày và nhắc nhở anh đỉnh cao của bác ái.

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, về cuối đời, nói rằng Chúa mở ra cho chị bác ái một cách mới mẻ. Phải chăng điều đó nói rằng chưa bao giờ chị đã thực hành bác ái? Không. Tuy nhiên có những cấp độ và chị cho ta thấy trải nghiệm của riêng chị luôn được Lời Chúa soi sáng.

Khoa học của bác ái hay của cứu rỗi nhân loại là một khoa học sâu xa mà người môn đệ được dẫn đưa vào. Từ nay được đặt trong trục của nhân tính Chúa Kitô, người môn đệ được mời gọi làm điều Chúa đã làm. Chắc hẳn người môn đệ vẫn luôn còn là một tạo vật, và ngay cả dù là một tạo vật thánh thiện nhất trong các tạo vật cũng vẫn luôn khác với Ngôi Lời Nhập Thể, nhưng dẫu vậy vẫn có một bí nhiệm mà người môn đệ được dẫn vào. Theo Thầy mình, và trong Người, như thánh Phaolô, người môn đệ làm trọn trong thân xác mình điều còn thiếu trong cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô trong Thân Thể Người.

Lectio divina trao ban những sâu nhiệm mới không thể nghi ngờ được của Lời Chúa. Hãy lấy một ví dụ: ví dụ của Phúc âm thánh Gioan. Phúc âm này cống hiến những trang đọc trên cấp độ cao sâu hơn, cấp độ đọc của người thứ nhất, của Con Người. Người đọc Phúc âm, thay vì ở trong tư thế của người đọc những dấu chỉ được Chúa Giêsu thực hiện để tỏ bày thiên tính của Người, thì từ nay trong tư thế của người ủy thác cho mình sứ mệnh noi theo gương của Người – chiều sâu chưa từng nghe và trách nhiệm không kém quan trọng trước sự cứu rỗi của những người khác.

Lectio divina, giống như Chúa Thánh Thần, trao người nghe mình (Lời Chúa) cho con người, như Chúa Giêsu đã thực hiện, để cứu rỗi họ. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”[11] (Ga 15, 13).

----------------------------------------------------------------------------------------------------------

1. Diễn ngữ là của Denys l’Aréopagie (x. Théologie mystique, I, 1), nhưng ta cũng có cùng một tư tưởng nơi Origène.

2. “Tùy thể” dựa vào sự khác biệt của triết học giữa thực thể hay bản thể (subtance) và tùy thể (accident).

3. La Théologie Mystique, I, 1, in Oeuvres complètes du Pseudo-Denys l’Aréopagite Denys traduction et préface de Maurice de Gandillas, Paris 943.

4. Thứ nhất là của Denys và như thế cần phải đọc trọn La Théologie Mystique.

5. “Inerr. in Psalmos” Ps 140, in Lire la Bible à l’école des Pères, de Justin martyr à S. Bonaventure, coll “Les Pères dans la foi” Migne, Paris, 1997. p. 184.

6. De Doctrina Christiana, I, 39-40. p. 197.

7. Ibid. p. 199.

8. Ibid. p. 200.

9. x. Exégèse médiévale của De Lubac. Cũng x. Origène là người nói rằng điều người ta tìm và người ta gặp được trong Kinh Thánh, đó chính là Logos (Lời) (Histoire et esprit de De Lubac, chapitre VIII 3 et 4) và rằng KinhThánh cũng như Thân Thể Chúa Kitô là những điều nhất thời (Ibid. fin).

10. Đây là tư tưởng quý đối với thánh Gioan Thánh Giá và thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu; chúng tôi sẽ trích lại vài hàng ở dưới.

11. “Thí mạng” ở đây có nghĩa sâu xa của cho đi trọn vẹn, một sẵn sàng bí nhiệm của tâm hồn dưới tác động của Chúa Thánh Thần nhắm tới một hành động cứu rỗi. Ta còn có một diễn ngữ khác cũng giống như vậy “bị nộp vào tay phường tội lỗi” (Mc 14, 41). Ta có thể nói “tay của tội lỗi”, bởi vì đó là thí “mạng sống” - bản tiếng pháp thí “linh hồn” - và tội lỗi chủ yếu đạt tới linh hồn! Cũng vậy Thần Khí giao nộp tông đồ cho những người khác như một tấm bánh: “Anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga, 21, 18).



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!