Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gia Đình Lectio Divina
Mục Lục

Dẫn nhập

PHẦN I: Ngôi Lời Trở Thành Những Ngôn Từ

PHẦN II: LECTIO DIVINA

I: Những điểm căn bản trong Lectio Divina

II: Đọc

III: Liên quan đến Lectio Divina

PHẦN THỨ III: Mẹ Maria và Lectio Divana

I: Mẹ Maria và Ngôi Lời

II: Mẹ Maria và Chúng ta

PHẦN THỨ IV: Chúa Thánh Thần và Lectio Divina

I: Một vài nhắc nhớ quan trọng

II: Chúa Thánh Thần và Lectio Divina

Kết luận phần thứ bốn

PHẦN V: Lectio và Cuộc sống hàng ngày

I: Lectio và hai luật tình yêu

II: Lectio Divina trải dài trong ngày sống

III: Lectio Divina và cuộc sống đơn sơ

IV: LEctio Divina và ơn gọi

V: Lectio Divina và cuộc sống tri thức

VI: Lectio Divina và đời sống thiêng liêng

VII: Ví dụ về Lectio Divina

Kết luận chung

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LECTIO DIVINA - Cầu Nguyện Dưới Tác Động Của Lời Chúa

LECTIO DIVINA học trong trường Mẹ Maria

LECTIO DIVINA học trong trường Mẹ Maria
II: Chúa Thánh Thần và Lectio Divina

Chúa Thánh Thần và Kinh Thánh

Tác giả của Kinh Thánh

Một số bản văn Kinh Thánh và Truyền Thống nói cho ta về Chúa Thánh Thần như là tác giả chính của Kinh Thánh. Khi thực hành Lectio divina, ta luôn luôn phải giục lòng tin; Lời này được Thiên Chúa mạc khải, tác giả của Lời này là Chúa Thánh Thần – là Thiên Chúa. Để củng cố đức tin của ta, ta chăm   chú đọc mấy đoạn văn này. Trong ba trích dẫn đầu, nói tới Cựu Ước:

 “Nhất là anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2P 1,21-22).

“[...] "Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đa-vít để nói trước” [...] Cv 1, 16)

“Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con” (Mc 12, 36).

Chính thánh Phaolô cũng quả quyết: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng” (2 Tm 3, 16).

Đây là điều ĐGH Léon XIII nói về tác động của Chúa Thánh Thần trong các tác giả được linh hứng viết Kinh Thánh: “Nhờ sức mạnh siêu nhiên, chính Người đã linh hoạt và thúc đẩy viết và Người trợ giúp các tác giả đó khi họ viết, để họ suy nghĩ đúng, trung thành viết lại và diễn tả chính xác với một chân lý không hề lầm lạc tất cả những gì Người truyền cho họ viết, và chỉ viết điều Người truyền cho họ viết: nếu không, chính Người sẽ không là tác giả của toàn bộ Kinh Thánh”[10] 

Tại Công Đồng Vaticanô II ta cũng tìm gặp được giáo huấn như thế: “Những gì Thiên Chúa đã mạc khải Thánh Kinh chứa đựng và trình bày, đều được viết ra dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần”[11].

Nhớ lại điều đó giúp ta dễ dàng tin, mở tai lòng ta để lắng nghe Chúa là Đấng đã viết ra những Lời này. Điều đó cho ta thấy Chúa gần gũi ta biết bao. Chúa đã mặc lấy thực tại của ta như thế nào để nói với ta. Nhưng khi phải nói, Người nói theo cách thế của Thiên Chúa: “Thầy ở trên cõi cao” (Ga 8, 23). Bây giờ ta hãy xem, Chúa đưa ta vào hiểu biết điều Người đã viết như thế nào.

 

Giải thích Kinh Thánh

Chính Chúa Kitô đã biết rõ rằng những lời được chuyển trao đến từ Cha và việc giải thích những lời này là hai điều khác biệt. Người đã nói cho biết như thế khi tuyên bố với ta rằng tốt hơn thì Người phải ra đi để Chúa Thánh Thần đến và Chúa Thánh Thần dẫn đưa ta vào chiều sâu ý nghĩa những lời mà Người đã nói với ta. Do đó Người đã nói về Chúa Thánh Thần và về hoạt động của Chúa Thánh Thần liên quan đến điều Người đã nói: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26). Người còn đi xa hơn khi nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em” (Ga 16, 12 tt). Tuy nhiên Người cho biết: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. Đưa ta vào, hướng dẫn ta, tỏ cho ta biết. Ta thấy vai trò của Chúa Thánh Thần thật chính yếu như thế nào. Chúa Thánh Thần quả thật là vị Thầy dạy từ bên trong, cho ta được hiểu. Việc Chúa Con đến vẫn chưa đủ, cần thiết Chúa Con phải cho ta Thần Khí của Người để ta có thể nhận biết Người và đi vào trong bí nhiệm của Người cũng như những bí mật của các lời Người nói. Thánh Thần không hoạt động độc lập với Chúa Con. “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16,12).

Trong Phúc âm Gio-an khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các tông đồ, Người thổi hơi trên các vị và nói: “Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần”. Và thánh Luca, khi Chúa hiện ra với các tông đồ, viết: “Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (Lc 24, 45). Như thế ta thấy các tác giả viết Kinh Thánh đã đặt nặng tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần. Chính Người là Thần Khí của Chúa Kitô, mạc khải Chúa Kitô, mở lòng mở trí cho ta hiểu bí nhiệm và những lời của Chúa Kitô.

Chỉ có tác giả của lá thư mới có thể giải thích ý nghĩa của lá thư. Chúa Thánh Thần là tác giả của lá thư này là Kinh Thánh. Muốn hiểu lá thư Kinh Thánh này, ta phải khẩn khoản nài xin Chúa Thánh Thần. “Hãy xin sẽ được, hãy gõ thì cửa sẽ mở cho các con”. Cầu xin ánh sáng của Chúa Thánh Thần để Kinh Thánh nổi rõ nét, ban sinh lực và nói với tâm lòng ta, mở trí ta hiểu biết, mạc khải cho ta ý định của Chúa đối với ta, giúp ta khám phá ra khuôn mặt của Chúa Kitô là Đấng yêu thương ta. Chúa Thánh Thần là sự hiểu biết Kinh Thánh. Không có Chúa Thánh Thần sẽ không có Lectio divina. Không có Chúa Thánh Thần thì chỉ là một việc làm hoàn toàn con người, một việc đọc, một sản phẩm con người, không phải là một đàm đạo sống động mạc khải khuôn mặt của Chúa Kitô và chiều sâu của tâm hồn ta. Tuy vậy cũng cần phải ghi nhớ rằng việc giải nghĩa Kinh Thánh của Chúa Thánh Thần không chống nghịch lại ánh sáng của lý trí. Người không phải là Đấng “phi lý trí”; Người là sự hiểu biết cao sâu hơn. Người nâng nhắc tầm hiểu biết của con người lên và huấn luyện sự hiểu biết của con người.

Ngay từ đầu Giáo Hội đã đọc Kinh Thánh trong Thần Khí và Thần Khí đã phân định mầu nhiệm Chúa Kitô trong Kinh Thánh. Nhưng có một thời việc đọc Kinh Thánh được áp dụng với những phương pháp và cách thức phong phú. Đó là thời các thánh Giáo Phụ. Các Người dạy ta đọc Kinh Thánh trong Thần Khí.

“Đọc hợp với Thần Khí”;
        
   chú giải của các Giáo Phụ

Chúa Thánh Thần dạy ta đọc Kinh Thánh và qua đó cũng cho ta những tiêu chuẩn để giải thích Kinh Thánh đúng đắn. Chúa Thánh Thần đã ngự trong Chúa Kitô trọn vẹn và sung mãn. Người đã chỉ cho Chúa Kitô-Người cách đọc Cựu Ước và cho biết Cựu Ước đã nói gì về Chúa Kitô-Người. Người tiếp tục giúp Giáo Hội đọc Kinh Thánh đúng đắn. Ta có rất nhiều gương sống trong thời hoàng kim là thời các Giáo Phụ. Thần Khí đã ban dồi dào cho các Người biết giải thích Kinh Thánh và cho ta thấy sự phong phú tuyệt diệu. Đến học tại trường của các Người, đơn giản chỉ là trường học của Chúa Thánh Thần – Người thông dịch Kinh Thánh. Trong cuốn sách này ta không thể bàn tới chú giải theo các Giáo Phụ hay theo Thần Khí (tất cả là một). Nhưng ta cũng không thể bỏ qua vấn đề này. Bởi vì Lectio divina, là hoạt động của Thần Khí trong ta, soi sáng ta và làm cho ta nghe được tiếng Chúa Kitô trong ta, cũng là đọc Kinh Thánh và việc đọc này cũng theo đúng những tiêu chuẩn của việc giải thích Kinh Thánh. Do đó thỉnh thoảng ta cũng nên xét lại xem việc đọc của ta khi thực hành Lectio divina có hợp với Thần Khí hay không.

Bây giờ ta bàn đến việc đọc chính xác bản văn; (không cho bản văn điều mà bản văn không nói đến) nhưng cũng đi vào việc hiểu Kinh Thánh. Thực hành Lectio divina và hiểu Kinh Thánh là hai điều liên hệ mật thiết với nhau. Và ta thấy rõ rằng trong cuộc sống kitô hữu có một chặng đường quan trọng và mới mẻ đó là đi vào một thế giời mới của việc hiểu Kinh Thánh. Chính Phúc âm cũng nhấn mạnh đến điều đó trong câu chuyện hai môn đệ làng Emmaus, nhưng cũng trong một lần Chúa Kitô hiện ra và thổi trên các tông đồ Thần Khí của Người và mở lòng mở trí để các ông hiểu Kinh Thánh. Để thực hành tốt Lectio divina, người ta không thể tiết kiệm trong việc đi vào tìm hiểu Kinh Thánh.

Dẫn vào tiến trình siêu nhiên của việc lắng nghe (tiến trình của Lectio divina) và đi vào hiểu biết Kinh Thánh cũng chỉ là một hoạt động của Thần Khí.

Để được thế, cần phải đọc những sách khác bàn trực tiếp về vấn đề hiểu biết Kinh Thánh, chú giải của các   Giáo Phụ[12].

Không hiểu biết Kinh Thánh, không có “cái nhìn” về Kinh Thánh, có thể ta hiểu một số trích đoạn Kinh Thánh, hoặc Tân Ước, theo cách thế của ta, theo cách thế con người. Nhưng đi vào hiểu biết Kinh Thánh quả thực là đi vào trong đám mây của đức tin, trong phương cách đọc của Thiên Chúa và lắng nghe Kinh Thánh. Thường việc đọc của ta thật hạn hẹp. Do đấy cần phải được hướng dẫn đi vào hiểu biết Kinh Thánh để Thần Khí có thể nói với ta. Như cần có một khai mở, một bức màn che phải được cất đi[13].

Giáo huấn của các Giáo Phụ thật phong phú không thể vội vàng đưa ra một bản tóm kết. Đã có nhiều cố gắng trong lãnh vực này nhưng vẫn chưa đủ. Tiếp cận thường xuyên với các Giáo Phụ ta sẽ hiểu phần nào cách thế siêu nhiên các Người sử dụng để đọc Kinh Thánh. Cũng chính vì thế rất nên đọc những chú giải của các Người để làm quen với tinh thần và với những nguyên tắc trong việc đọc Kinh Thánh như các Người.

Quả quyết rằng nói đầy đủ về hiểu biết Kinh Thánh là điều không thể tin nổi. Dẫu vậy, không nói gì thì lại là một nguy hiểm lớn. Chẳng khác gì lấy Thần Khí ra khỏi Kinh Thánh. Ai dám nói rằng tôi đọc tốt? Ai có thể nói cho tôi rằng ý nghĩa mà tôi thấy trong một trích đoạn là ý nghĩa hợp với đức tin của tôi? Chắc hẳn phương cách tìm hiểu hai bản văn trong thánh lễ  hằng ngày thích ứng với nhau sẽ tránh được nhiều giải thích sai lầm, tuy nhiên điều này không cho phép ta bỏ qua một dẫn nhập học hiểu Kinh Thánh.

Quả thực đó là đi vào một cấp độ chiều sâu hoàn toàn khác và mới mẻ. Đó cũng như sự đột nhập của cái siêu nhiên. Đó cũng như việc khám phá những chiều kích mới của bản văn, của những hòa điệu, của những thích ứng mới... thuộc vấn đề thống nhất của bản văn. Chiều kích mới này cho bản văn một sức sống. Hơn thế nữa, nó trả lại cho bản văn chính sự sống của bản văn và làm cho bản văn sinh động được.

Để một khảo luận về Lectio divina được thỏa mãn, cần thiết mở lòng ra để hiểu biết Kinh Thánh. Nếu không sẽ thiếu một cái gì thật là nền tảng trong việc giảng dạy về Lectio divina. Ở đây chúng tôi đề nghị ba tiêu chuẩn để thực hành Lectio divina theo Thần Khí.

Ba tiêu chuẩn để đọc theo Thần Khí

Giáo Hội đề nghị ba tiêu chuẩn truyền thống để cắt nghĩa Kinh Thánh. Do vậy khi thực hành Lectio divina ta cần lưu tâm đến ba tiêu chuẩn này. Điều đó sẽ tạo nên trong ta một thứ bản năng mới. Những tiêu chuẩn đó là:

1. Lưu ý đặc biệt tới nội dung và sự thống nhất của tất cả Kinh Thánh. Cho dù các sách Kinh Thánh có khác nhau, Kinh Thánh cũng vẫn là một vì sự đồng nhất của ý định của Thiên Chúa, mà Chúa Kitô là tâm điểm, là con tim, được mở rộng từ cuộc Vượt Qua của Người[14].

Con tim[15] của Chúa Kitô chỉ rõ: Kinh Thánh mới làm cho hiểu con tim của Chúa Kitô. Trái tim này đã bị khép kín trước cuộc Khổ Nạn vì Kinh Thánh lúc đó còn u mờ. “Nhưng Kinh Thánh đã được mở ra sau cuộc Khổ Nạn, bởi vì từ nay những ai hiểu được Kinh Thánh và phân định những lời tiên tri phải biết giải thích như thế nào[16][17]. Cũng nên ghi nhận rằng Thánh Giá và mầu nhiệm Cứu Độ (chết và sống lại) là tâm điểm của việc chú giải Tân Ước: ít ra có ba bài học về vấn đề này trong Tân Ước để chỉ cho biết bằng cách nào qua và trong cuộc Khổ Nạn, Kinh Thánh được mở ra hay được vén màn[18] để cho ta hiểu được ý nghĩa: bài học thứ nhất là bài học do chính Chúa đã dạy các môn đệ làng Emmaus (Lc 24, 15-27)[19]. Bài học thứ hai là của thánh Phêrô trong thư thứ nhất của Người (1P 2, 21-25)[20]. Bài học thứ ba là thánh Philipphê dạy cho viên thái giám người Ethiopie (Cv 8, 28-40). Ít ra, ta nên ghi nhớ hai trong ba bài học này có chủ đề tìm gặp trong sách ngôn sứ Isaia các ở chương 52, 13 đến 53, 12. Ta không áp dụng bản văn theo cách thế chú giải, mà chỉ thấy trong đó chính Chúa Kitô. Trong trích đoạn về viên thái giám ta tìm gặp ghi chú quí báu này: “Ông Phi-líp-phê lên tiếng, và khởi từ đoạn Kinh Thánh ấy (Isaia 53) mà loan báo Phúc âm Đức Giê-su cho ông” (Cv 8, 35) không khác gì tất cả đã được mở ra khởi đi từ trích đoạn Kinh Thánh này, hoặc những trích đoạn khác giống như vậy nói về sự đau khổ của Chúa Kitô. Đó cũng chính là diễn tiến và cách thức ta tìm thấy trong bài học Chúa dạy các môn đệ làng Emmaus.

2. “Đọc Kinh Thánh trong Truyền Thống sống động của toàn thể Giáo Hội”. Theo một cách ngôn của các Giáo Phụ, Kinh Thánh được đọc tốt trong lòng Giáo hội hơn là bằng những phương thế vật chất. Vì chưng, Giáo Hội mang trong Truyền Thống của mình kỷ niệm sống động về Lời Chúa, và chính Chúa Thánh Thần ban cho hiểu biết việc giải thích thiêng liêng về Kinh Thánh (“... theo ý nghĩa thiêng liêng mà Thần Khí ban cho Giáo Hội[21]”)[22].

Con tim của Truyền Thống là Chúa Thánh Thần. Yves Congar nói rằng Chúa Thánh Thần là “chủ thể siêu việt của Truyền Thống”[23]. Như vậy Đọc Kinh Thánh trong Truyền Thống, đó chính là cố gắng khai triển một cảm nghiệm về sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần trong Truyền Thống và theo nghĩa mà Người xác định trong những yếu tố của đức tin ta. Hoặc còn có nghĩa là tháp nhập ý nghĩa đức tin mà Truyền Thống trao lại, và như vậy cũng có nghĩa là nhận thức về Chúa Thấnh Thần là Đấng giúp đọc và hiểu chính xác Kinh Thánh.

3. Chú tâm đến việc loại suy của đức tin (x Rm 12,6). Cụm từ loại suy của đức tin muốn nói lên sự kết hợp chặt chẽ giữa những chân lý của đức tin với nhau và trong chương trình toàn diện của Mạc Khải[24]. Ví dụ nếu trong một đoạn văn ta đọc thấy rằng Chúa Con thì kém hơn Chúa Cha (“Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28), ta đọc và hiểu theo Người nói về bản tính nhân loại của Chúa Kitô, chứ không phải muốn nói Con không phải là Thiên Chúa. Do vậy ta phải lưu ý đến những chân lý khác của đức tin (Con là Thiên Chúa) và sự kết hợp chặt chẽ của tất cả (vừa là người, vừa là Thiên Chúa).

Chúa Thánh Thần
         nói với ta qua Kinh Thánh

Phương thế chắc chắn nhất để lắng nghe Thần Khí nói với ta đó chính là Kinh Thánh. Việc đồng hành thiêng liêng được coi là phương thế hữu hiệu nhất để biết được thánh ý của Thiên Chúa cũng không bao giờ có thể thay thế việc tiếp cận trực tiếp với Chúa Thánh Thần nhờ Kinh Thánh. Quả vậy sự đồng hành phải có vai trò xác định tác động này. Vì như đã nói ở trên Người Thầy thật đó chính là Chúa Thánh Thần. Chính Người dò xét lòng ta và Người biết rõ lòng ta hơn bất cứ ai khác. Không có gì, không có gì có thể thay thế hoạt động của Người qua Kinh Thánh. Đó là một hoạt động trực tiếp trong trí hiểu của ta. Người soi sáng lương tâm ta và huấn luyện lương tân ta bằng ánh sáng của Người. Người biến đổi con người nội tâm của ta. Tiếng nói của vị đồng hành hoặc của Giáo Hội chỉ có tính cách xác định hoạt động đầu tiên này. Chính vì thế, điều rất quan trọng là mượn con đường hoàng đạo này: Lắng nghe Chúa Thánh Thần nói với ta qua Kinh Thánh. Lửa bùng cháy thiêu đốt trong Kinh Thánh đó chính là lửa của Người.

Chúa Thánh Thần và ta

Vị hướng dẫn và Thầy của ta

Trong đời sống thiêng liêng, vị hướng dẫn và Thầy của ta chính là Chúa Thánh Thần. Hơn bất cứ ai khác và hơn cả ta chính Người biết ta. Người dò xét nội tâm sâu kín của ta và biết điều gì là tốt cho ta. Lắng nghe Người, trung thành với những linh hứng của Người là bổn phận cao cả nhất của ta. Luật mà Chúa ban cho ta chính là Chúa Thánh Thần trong lòng ta, chính Người là Đấng ta phải theo. Chắc hẳn trung thành với Chúa Thánh Thần là Đấng nói trong lương tâm của ta thì yêu sách hơn trung thành với một luật đơn giản được viết ra hoặc những qui định bên ngoài. Chính vì thế thánh Thomas Aquinô nói rằng Luật mới, Luật của Giao Ước được ký kết bởi máu Chúa Giêsu Kitô, chính là Chúa Thánh Thần trong lòng ta.

“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16, 13). Điều này cho ta thấy sứ mệnh của Chúa Kitô được Chúa Thánh Thần thực hiện trong ta. Người là vị hướng dẫn, là Đấng đưa cuộc sống của Chúa Kitô vào trong ta, là Đấng nhập thể Chúa Kitô trong ta. “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26). Và ta cũng thấy Chúa Thánh Thần can thiệp trong tâm trí của ta và dậy bảo trong lòng ta điều Chúa Giêsu đã nói. Đó là một hoạt động không thể thay thế và tuyệt đối bổ sung cho việc Chúa Kitô đến. Chính vì thế mà thánh Irênê nói về Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần là hai tay của Chúa Cha[25].

Người còn nói với ta trong bí mật của lương tâm ta và ta tìm cách lắng nghe Người. Người soi sáng lương tâm ta: "Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa;11 về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi" (Ga 16, 8-11). Ta có thể đọc chú giải của ĐGH Gioan Phaolô II về trích đoạn này trong Tông Huấn về Chúa Thánh Thần, Dominum et vivificantem" các số 27 đến 48.

Những bản văn thuôc các số trên đây của Tông Huấn là một lời mời gọi ta xin Chúa Thánh Thần làm Bạn và làm Người Hướng Dẫn của ta.

Các ơn của Thần Khí

Nhờ các ơn sủng của Người, Chúa Thánh Thần muốn chiếm hữu tâm hồn, trí hiểu và lòng muốn đầy ý thức và tích cực của ta. Có một phương cách thần linh trong hành động. Chúa Thánh Thần ban bảy ơn5 hoạt động trong tâm hồn. Các ơn Khôn ngoan, Minh mẫn, Hiểu biếtMưu lược hoạt động trong trí hiểu. Các ơn Hiếu nghĩa, Dũng mãnhKính sợ hoạt động trong ý muốn. Thường ta hay tóm kết hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh bởi ơn khôn ngoan, nhờ chính trí hiểu mà người ban cho ta. Điều đó không có nghĩa là sáu ơn kia không hiện diện.

Có một sự khác biệt giữa lời được nói ra (vỏ của trái), và nhờ Chúa Thánh Thần đi vào lời này (nếm hưởng trái). Quả thực Chúa Thánh Thần dạy điều mà Chúa Con đã nói (“... Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” Ga 14, 26), Người làm cho lời này đi sâu vào, Người giải thích, Người giúp cho hiểu lời này. Chuyển đạt lời và giúp cho hiểu lời, là hai giai đoạn khác biệt, hai hoạt động khác nhau. Có những người nghe mà không hiểu[26]. Do đấy, có những lời vẫn chưa đủ. Nhưng tại sao có người nghe mà lại không hiểu? Có thể do hai lý do: một đàng người ta không muốn lắng nghe, người ta không muốn tìm hiểu sự thật, và đàng khác, chính Chúa Thánh Thần ban sự hiểu biết am hợp với sự phát triển của con người. Phải hội đủ cả hai điều kiện này. Những lời của Kinh Thánh đều như nhau, nhưng hiểu được lại là chuyện khác. Sự hiểu biết này đến từ từ; Chính Chúa Thánh Thần ban cho hiểu (ơn hiểu biết) và Người ban đầy đủ xứng hợp với từng người và những nhu cầu của mỗi người.

Chúa Thánh Thần và Lectio divina

Ánh sáng và trí hiểu

Dĩ nhiên ánh sáng được nhận lãnh trong Lectio divina là ánh sáng của Chúa Thánh Thần soi chiếu trí hiểu của ta. Điều ta hiểu, sự hiểu biết mới mẻ người ta có được từ Kinh Thánh đều do Chúa Thánh Thần là tác giả.

Thần Khí là Ánh Sáng. Thường người ta chú tâm đến sự kiện Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, và điều này thật đúng như vậy. Thánh Augustinô nói rằng trong Ba Ngôi, chính Chúa Thánh Thần là Ngôi Tình Yêu. Nhưng ta đừng quên rằng Người cũng là ánh sáng. Và trong thực hành Lectio divina ta cần đến ánh sáng của Người để có thể hiểu được thánh ý Thiên Chúa, và như thế có thể trở nên bạn hữu của Thiên Chúa: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).

Cầu xin Chúa Thánh Thần

Thực tế cần thiết phải cầu xin Chúa Thánh Thần, xin Người ban ánh sáng để có thể hiểu được bản văn Kinh Thánh. (...)

Cầu xin Chúa Thánh Thần là lời xin đầu tiên khi đi vào Lectio divina: “Lạy Chúa, nhờ Thần Khí Chúa, con muốn nhìn thấy, xin chỉ cho con biết điều Chúa muốn thay đổi trong con”. “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao”? (Lc 11, 9-13).

Thánh Augustinô thường nói với các thính giả của Người: “Ta hãy gõ” và thánh nhân gõ cửa Chúa Thánh Thần để Chúa Thánh Thần mở ý nghĩa của những lời mà Người phải chú giải.

 Chúa Thánh Thần chỉ Lời,  một Ánh Sáng
        cho hôm nay để làm lương thực cho ta

Chính do đấy mà Chúa Thánh Thần còn được gọi là “Ngón tay của Thiên Chúa”, bởi vì Thiên Chúa dùng Ngón Tay của Người (Chúa Thánh Thần) chỉ cho ta lời và làm cho lời sống trước mặt ta. Mỗi ngày Người ban cho ta một lời.

Người cho phép ta nhìn thấy Chúa Kitô, lắng nghe Chúa Kitô.

Người nhập thể trong ta
         Lời mà Người ban cho ta

Như Người đã làm trong việc Nhập Thể, nhưng trong một mức độ kém hơn, Thần Khí làm cho Lời đã được tiếp nhận nhập thể trong ta. Chúa Thánh Thần làm cho Lời sống trong ta và đổi mới ý muốn của ta. Thực hiện điều này Người đã dùng một lời trong Kinh Thánh để chỉ cho ta.

Lời cầu xin thứ hai của Lectio divina là: “Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần của Chúa cho chúng con để lời chúng con đã tiếp nhận được đem vào thực hành”. Chính là đáp lại lời mời gọi của Thần Khí, Đấng nói trong lòng ta, mà nhờ Người ta đem ra thực hành điều Người nói với ta, nhờ Người ta được đổi mới và Lời nhập thể trong ta.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

10. Léon XIII, Tông huấn “Providentissimus Deus”, 18.11.1893.

11. Dei Verbum, 11. Ta cũng có thể đọc GLCG 105-108 về sự linh ứng và chân lý của Kinh Thánh.

12. Ngoài các sách của cha Henri de Lubac được liệt kê trên đây, người ta còn có thể đọc: Lire la Bible à l’école des Pères, A.-G Hamman et M.-H. Congourdeau, Paris, 1997. Trong sách này ta tìm thấy nhiều chỉ dẫn thư mục. Người Ta cũng có thể đọc toàn bộ chú giải của một Giáo Phụ. Ví dụ, Sermon sur la montagne, của thánh Augustinô, hoặc cũng cùng tác giả, Commentaire de la première lettre de saint Jean, v.v...

13. x. Bức màn mà thánh Phaolô nói tới: “Thật vậy, cho đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, tấm màn ấy vẫn còn, chưa được vén lên, vì chỉ trong Đức Ki-tô, tấm màn ấy mới được vứt bỏc [...] Nhưng khi người ta quay lại với Chúa, thì tấm màn mới được cất đi” (2 Cr 3, 14-16). Đối với ta, là kitô hữu vẫn chưa đủ để bức màn này được vén lên, ta còn cần phải hoán cải và   bắt đầu một giai đoạn mới với Chúa Kitô, tay trong tay bước đi với Người.

14. x. Lc 24, 25-27; Lc 24, 44-46.

15. x. Tv 22, 15

16. Thánh Thomas d’Aquin, Psal. 21, 11.

17. GLCG 112.

18. Thánh Phaolô nói rằng khi tin nơi Chúa Kitô bức màn che ý nghĩa của các sách Cựu Ước sẽ rơi xuống (được vén lên). “Thật vậy, cho đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, tấm màn ấy vẫn còn, chưa được vén lên, vì chỉ trong Đức Ki-tô, tấm màn ấy mới được vứt bỏ.15 Phải, cho đến nay, mỗi khi họ đọc sách ông Mô-sê, tấm màn vẫn che phủ lòng họ.16 Nhưng khi người ta quay lại với Chúa, thì tấm màn mới được cất đi” (2 Cr 3, 14-16).

19. Vậy Người nói với họ: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 25-27). “Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp” (Lc 22, 37). Đó là một ám chỉ rõ ràng Is 53, 12.

20. “Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (1 P 2, 21-25). Đoạn văn này được dệt bằng những trích dẫn Isaia 53. Người Ta cũng có thể đọc bài giảng thứ nhất của thánh Phêrô trong sách Công Vụ, trong đó thánh nhân áp dụng một đoạn Thánh Vịnh (Tv 16, 8-11) vào cuộc khổ nạn của Chúa (Cv 2, 25-28).

21. Origène, Homélie sur le Lévitique 5, 5.

22. GLCG 113.

23. Yves Congar, La Tradition et les traditions, vol. II, Essai théologique, Paris, 1962, p. 101. “Thần Khí cùng lúc tác tạo, từ bên trong, sự hợp nhất của cộng đoàn và những cơ cấu hoặc những biểu lộ của các thiên tài của cộng đoàn, có nghĩa là của truyền thống của cộng đoàn”. (Xf. Ibid. p. 103).

24. GLCG 114.

25. Thánh Irénée, Demonstratio apostolica, 11.

26. “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13, 11-15). Hoặc như ngạn ngữ nói: “Không có gì ngưới điếc nào tệ hơn là người không muốn nghe”.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!