Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Văn Thành
Mục Lục

Chương I: Lòng Tự Tin « Tôi tin tôi »

Chương II: Thiếu Tự Tin, Những Triệu Chứng

Chương III: Kỹ thuật hóa giải tâm trạng thiếu tự tin

Chương IV: Hướng về Tương-lai

Kết luận: Con đường nào?

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Lắng Nghe, Một Quà Tặng Vô Giá !

Lòng Tự Tin - Hành trang cho ngàn năm thứ ba

Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải

Bản câu hỏi về tính tình

Phát Huy Quan Hệ Xã Hội Trong Vấn Đề Giáo Dục Trẻ Em Tự Kỷ

Trong Đức Kitô

Nguy cơ Tự Kỷ (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)

Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ

Quan hệ mẹ con : Bài học đầu tiên của cuộc sống

Phương Pháp Tâm Vận Động

Trẻ Em Chậm Phát Triển

Đồng Cảm Để Đồng Hành

Lắng Nghe Chúa Thánh Thần

Đối Thoại Một quê hương Tình Người

Nguyễn Trãi, Vạn Xuân và Đại Việt

Con Đường Bao Dung

Huyền Sử Việt Nam

Tư Duy và Hành Động

Lòng Tự Tin - Hành trang cho ngàn năm thứ ba
Chương IV: Hướng về Tương-lai

 Một nền giáo dục hà khắc  dùng roi vọt và lời chửi mắng, hay là một học đường với đường hướng duy lý quá khích,  chỉ thai sinh những thế hệ bạc nhược,  luồn cúi, bịa đặt , mua bằng cấp hay là những người trẻ phản loạn, đạp phá, hút xách, nghiện ngập, bỏ nhà đi lang thang, lập băng đảng cướp giật...

Ngàn năm thứ hai sắp kết thúc để lại một gia tài với bao nhiêu vấn đề liên hệ chặt chẽ đến những con người thiếu tự tin. Không lớn lên với một hành trang giàu lòng tự tin, một số thành phần trẻ đang bơ vơ, lạc lõng. Không mục đích, không lý tưởng. Không có ý nghĩa. Không có nơi nương tựa trong cuộc đời. Chỉ còn lại một phương cách khẳng định  là phá phách, bạo động, đốt cháy xe cộ và bôi bẩn những thành quách, vách tường...

Gốc rễ sâu xa

Gốc rễ của tác phong diễn tả những cảm trạng chao đảo, thiếu tự tin trong nhiều thành phần giới trẻ hiện nay,  đã có mặt trong năm sáu năm đầu tiên, kể từ khi họ sinh ra, chào đời. Mùa màng tang thương mà họ đang gặt hái trong cuộc đời đã được gieo vãi, do những người làm cha, làm mẹ thiếu an lạc.

Sống thường xuyên trong xung đột, chạy đua theo những đòi hỏi tiện nghi của xã hội, các bậc cha mẹ đã đánh mất bản thân mình. Và hệ quả là con cái đã trở thành nạn nhân của các bậc cha mẹ. Một cách đặc biệt, tôi muốn nói đến những câu nói, những lời phát biểu, những mệnh lệnh bề ngoài xem ra có vẽ vô thưởng vô phạt, tự nhiên và thường tình. Nhưng theo ý kiến của các nhà tâm lý, những sứ điệp phá hoại, chỉ trích, phê phán được gieo vào lòng của trẻ em, nhất là khi chúng nó chưa có khả năng ngôn ngữ, để hóa giải, chuyển biến và diễn tả ra ngoài...

Đó là những hạt mầm, những chủng tử đã trở thành xương da, máu thịt, hơi thở của chúng nó. Chính những hạt mầm ấy ngày nay lớn lên, đâm chồi nẩy lộc một cách man rợ và giết chết lòng tự tin.

Cha mẹ độc tài, bao che

Nói tóm lại, thay vì làm cha mẹ có khả năng soi sáng, nâng đỡ hướng dẫn, còn được gọi theo lối nói của E. Berne, là Cha mẹ Từ tâm  và Kỹ cương, chúng ta đã làm Cha mẹ Độc tài, bao che (24). Cho nên con cái đã dần dần trở nên những trẻ em lệ thuộc, bị động hay là phản loạn, đập phá, bạo hành và phạm pháp...

***

   

Những "Cấp" phát triển

Nhằm giúp người làm cha mẹ ý thức về vai trò của mình, tác giả P. Levin đã trình bày những cấp phát triển của một con người từ lúc mới sinh ra đến ngày thành người, chung quanh 20 tuổi (25).

Ở mỗi cấp phát triển, trẻ em hay là người thanh thiếu niên có một nhu cầu, một khát vọng đặc biệt. Nếu nhu cầu ấy được vun tưới, chăm sóc, trẻ em sẽ lớn khôn, tràn đầy sinh lực cũng như lòng tự tin. Nhờ đó chúng nó có thể hiên ngang và vững chãi đi tới. Ngược lại, như một cây không được vun bón, tưới tẩm, trẻ em sẽ hao hụt, mòn mõi, phôi pha về mặt tâm linh, nhất là trong địa hạt tự tin, ý thức về ý nghĩa và giá trị làm người.

Những từ tôi sử dụng như "vun tưới, chăm bón", chỉ là hình tượng diễn tả quan hệ qua lại, hai chiều giữa cha mẹ và con cái. Quan hệ có thể đi theo hệ hàng dọc, khi cha mẹ soi sáng, nâng đỡ, giải thích, trình bày, động viên. Quan hệ cũng có thể đi theo chiều hàng ngang, khi cha mẹ đồng hành, chia sẽ lắng nghe, phản ảnh.

Quan hệ đi đôi với tác phong và ngôn ngữ. Khi cha mẹ phát biểu, hãy tìm cách ăn nói làm sao, để con cái có thể nhận lãnh ba loại sinh tố làm người, bắt đầu bằng chữ P trong tiếng Pháp:

P. 1 là Puissance có nghĩa là khả lực, năng động

     - "Tôi có thể làm, tôi có khả năng...",

     - "Tôi biết cách làm..."

P. 2 là Protection có nghĩa là nâng đỡ. Khi cảm thấy mình được bao bọc, trẻ em không lo sợ, hiên ngang, mạo hiểm và can trường bước tới.

     - "Tôi có động lực từ bên trong thúc đẩy tôi...

     - "Tôi có đầy đủ ánh sáng để bước tới"

     - "Tôi có sức mạnh, nghị lực".

P. 3 là Permission, cho phép.

     - "Tôi có phép..."

     - "Tôi được quyền..."

     - "Tôi biết rõ cái gì phải, cái gì trái"

     - "Nguyên tắc hành động có mặt trong nội tâm".

Ba yếu tố cơ bản ấy tạo nên lòng tự tin.

Đó là kiềng ba chân trong câu ca dao:

     « Mặc ai nói ngã nói nghiêng

     « Tôi đây đứng vững như kiềng ba chân!".

Trái lại ba triệu chứng sau đây diễn tả những quan hệ có vấn đề trầm trọng, trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái:

     - Một: Cha mẹ bao thầu tất cả,

     - Hai: Cha mẹ bắt bớ, xua đuổi, đánh đập,

     - Ba: Cha mẹ phàn nàn rên rĩ, trách móc, chửi, rủa.

     Ba yếu tố ấy tạo nên một tam giác xung đột, xói mòn lòng tự tin.

Khi cha mẹ phát biểu trong chiều hướng "Kiềng ba chân", đó là những sứ điệp xây dựng lòng tự tin.

Trái lại, khi cha mẹ vòng vo, luẫn quẫn trong tam giác bi kịch, khủng hoảng xung đột, cha mẹ chỉ tuôn trào, nói ra những sứ điệp làm ô nhiễm lòng tự tin của con cái.

Sau đây là những cấp được khảo sát, ở hai bình diện nhu cầu và sứ điệp xây dựng.

 

Cấp 1- Nhu cầu "có mặt trong cuộc đời"

     Nhu cầu nầy được diễn tả từ 0 đến sáu tháng. Những con số về ngày tháng chỉ có giá trị tương đối.

     Khi đứa con sinh ra dù ngôn ngữ chưa xuất hiện, toàn thể con người nó đã diễn tả thể thức khẳng định và yêu cầu của nó đối với môi trường:

     - Tôi muốn sống!

     - Hãy yêu thương đùm bọc tôi!

     - Hãy coi tôi là người quan trọng trong cuộc đời của quí vị.

     - Hãy nhìn ngắm tôi.

     - Hãy trao cho tôi hơi ấm của làn da thịt.

     - Hãy vuốt ve, bồng ẵm, thoa bóp tôi.

     - Cho tôi ăn, cho tôi bú.

     - Hãy lại gần khi tôi khóc.

     Và chúng ta, người lớn trong gia đình có thể đáp trả thế nào?

     - Con là hạnh phúc của đời Mẹ.

     - Mẹ hiểu con cần gì.

     - Mẹ đây sống cho con.

     - Trai hay gái, con cũng là con người.

     - Con mang đến cho mẹ niềm vui!

     - Mẹ vui thích, sung sướng ôm ẵm con vào lòng.

     - Mẹ "xi" cho con đi đại và tiểu tiện. Nhưng mẹ không thúc hối con. Con thư thả theo tốc  độ của con.

     Người lớn cần tránh tối đa những sứ điệp lệch lạc:

     - Lớn nhanh đi để nuôi mẹ!

     - Con cứ mãi mãi làm con búp bê của mẹ.

 

Cấp 2- Nhu cầu múa máy lay động, đụng chạm, di chuyển, nghe ngóng

     Thời gian: từ 6 đến 18 tháng.

     Nhu cầu trẻ em:

     - Bồng con đi chơi đó đây.

     - Cho con nhìn cái nầy cái khác, những đồ vật di động càng tốt.

     - Cho con nghe bất kể âm thanh nào.

     - Con cần tiếp xúc, đụng cạm phân biệt nóng lạnh...

     Sứ điệp:

     - Con nhìn phía nào tùy con.

     - Nhìn mẹ cũng được- Ngoảnh qua nơi khác cũng không sao!

     - Cúc cù, mẹ đây. Nghe mẹ gọi cúc cù. Nhìn mẹ đi!

 

Cấp 3- Nhu cầu suy nghĩ

     Thời gian: 18 tháng đến 3 tuổi

     - Con cần biết con khác cha mẹ thế nào!

     - Con học nói "không",

     - Con muốn học cho biết con làm được gì?

     - Sao cha mẹ nhìn đâu vậy? Hãy nhìn con. Con chơi với lửa đây nầy. Sao không nói rõ cho con  biết con có được phép không? Nguy hiểm thế nào?

     - Con ra đường, con chạy thoát khỏi tay cha mẹ, để xem cha mẹ có thương con, lo cho con, chạy theo không...

     Sứ điệp:

     - Cha mẹ sung sướng thấy con ngày càng lớn khôn.

     - Con có quyền bực bội, tức giận. Nhưng tuyệt đối cấm không được đánh em, đánh mẹ...

     - Con nói ra cho mẹ biết con muốn gì? bực bội về chuyện gì?

     - Con cần gì? Hãy tập nói ra ý kiến của mình!

     - Con muốn cái khác. Con có phép chọn lựa.

     - Con có phép...

     - Con có sức...

     - Con biết...

     - Mẹ thấy con làm không được. Con cần mẹ giúp con không?

     - Nếu con muốn qua chơi bên cạnh, con tới xin phép Ba con.

     - Con có thể vào bếp tìm cho mẹ cái muỗng...

 

Cấp 4- Nhu cầu khẳng quyết và xác định mình

     Thời gian: từ 4 đến 6 tuổi.

     Nhu cầu:

     -Xác định tôi là ai ?

     -Trắc nghiệm, kiểm chứng "Tôi với ý kiến ấy có được chấp nhận không".

     -Tôi có khả năng gì?

     Sứ điệp nâng đõ, cũng cố:

     - Con có quyền nói ra ý kiến chấp thuận hay là không!

     - Con không cần giả bộ...Con chỉ cần nói rõ con muốn gì và cha mẹ sẽ cho biết ý kiến,

     - Trong trường hợp ăn mặc, con đã biết chọn lựa. Vậy con mặc gì, khi đi về thăm ngoại ?

     - Ba đồng ý cho con quyết định tùy con.

     - Con thử tưởng tượng em con cảm thế nào khi con đánh em!

     - Con làm như vậy, cái gì sẽ xảy ra, hậu quả thế nào?

 

Cấp 5- Nhu cầu thành đạt, thu lượm kết quả khả quan, cụ thể

     Nhu cầu:

     - Biết làm theo cách riêng của mình,

     - Biết rõ nguyên tắc hành động.

     - Biết rõ phương pháp và các giai đoạn đi lên...

     Thời gian: từ 6 đến 12 tuổi

     Sứ điệp soi sáng, nâng đỡ :

     - Trước khi làm, con cần suy nghĩ...

     - Trong trường hợp nầy, con cảm thấy phải chọn gì?

     - Con hiểu làm sao, thì cố làm như điều con hiểu.

     - Con có quyền không đồng ý, nếu con đã cân nhắc...

     - Vì con đã quyết định như vậy, cho nên bây giờ hậu quả là...

     - Con thử tìm cho ra 3 cách khác nhau... Bây giờ theo con, cách nào hợp ý con?

 

Cấp 6- Nhu cầu có tiếng nói, có lập trường, có quan điểm

     Thời gian: từ 13 - 18 tuổi

     Nhu cầu:

     - Có tiếng nói riêng biệt,

     - Có vị trí,

     - Có lập trường.

     Sứ điệp: Con có thể có những nhu cầu riêng biệt.

     - Con có trách nhiệm về tình cảm và hành động...

     - Con có quyền tự lập, nhưng con luôn luôn là con được yêu thương và tôn trọng trong tâm hồn và cuộc đời của cha mẹ.

     - Con có tôn trọng người khác , qui luật...hay không?

 

Cấp 7- Nhu cầu tự lập, tự túc

     Thời gian: từ 19, 20 tuổi trở lên

     Nhu cầu :

     * Biết từ chối, nói không.

     * Vẫy cánh bay xa để nhìn, để nghe, để cảm với những hạng người khác nhau trên mặt địa cầu.

     * Tìm ra ý nghĩa cho cuộc đời, thậm chí trong những hoàn cảnh ngõ cụt và bế tắc.

     * Nhu cầu đổi mới, sáng tạo thường xuyên.

     * Nhận để cho, cho để nhận, cũng như học và dạy quyện vào nhau.

     * Nhu cầu được cũng cố.

     * Nhu cầu được rút tỉa những bài học từ thất bại, sai lầm.

     * Nhu cầu đảm nhiệm một vai trò để phục vụ.

     Sứ điệp :

     * Bạn được lắng nghe và tôn trọng.

     * Bạn hãy cho biết ý kiến?

     * Bạn muốn làm gì?

     * Bạn có thể làm gì?

     * Bạn giải quyết, thay đổi thế nào?

     * Bạn thấy tôi thế nào?

 

Mẫu đối thoại giữa Đức Bụt và Đại đức Punna (26)

Để có một ý niệm khá rõ rệt về sứ điệp của một người trưởng thành đối với một người trưởng thành khác, tôi xin trích dẫn ra đây những lời trao đổi giữa Đức Bụt và thầy Punna (thường được gọi là Phú Lâu Na trong tiếng Việt) :

Hôm ấy, sau mùa an cư, Đại đức Punna có ý trở về quê hương mình để hành đạo.

Bụt hỏi:

     - Dân cư vùng đó còn rất hung dữ. Bao động thường xảy ra. Về đó có tiện không?

     - Bạch Thế Tôn, Đại đức Punna trả lời, chính vì họ còn hung ác nên con muốn về đó, để khai hóa lòng người.

     - Nếu họ đến chửi mắng thầy?

     - Dạ cũng chưa can chi! Ném đồ dơ bẩn lên đầu còn khó chịu hơn!

     - Nếu họ đến ném đồ dơ bẩn lên đầu Thầy?

     - Dạ cũng chưa hề gì, nếu họ chưa hành hung con.

     - Một ngày nào đó, họ đến hành hung, thì sao?

     - Nếu họ chưa giết, thì con còn chịu được!

     - Họ giết thì sao?

     - Lúc gần tắt thở, con cám ơn họ đã cho phép con chết một cách hiên ngang, chính lúc con "làm người".

Bụt kết thúc:

     - Thực ra tôi tin vào Thầy, từ ngày chúng ta gặp nhau. Nhưng sỡ dĩ tôi hỏi thầy cách cặn kẽ như vậy, để Thầy cũng cố cho những Thầy khác thuộc đàn em của Thầy và các cháu chắt sau nầy...để họ cũng "làm người".

     Thật tuyệt diệu, khi cõi lòng mình là Đại Dương chấp nhận mọi dòng sông chảy về từ muôn nẽo. Xin cám ơn Thầy, hỡi Đại dức Punna! Thầy bất diệt!

***

Trong tư tưởng Đông-phương, chưa có một tác giả nói đến những cấp phát triển với đầy đủ chi tiết cụ thể như trên đây, nhất là từ 15 tuổi trở xuống cho đến ngày sanh ra khỏi lòng Mẹ.

Tuy nhiên trong vấn đề học đạo, và thấm nhuần đạo làm người, chúng ta có thể ghi nhận những điểm mốc như sau (27) :

     - Mười lăm tuổi:

     "Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học": Chuyên chăm vào việc học.

     - Ba mươi tuổi

     "Tam thập nhị lập": Tự lập vững vàng.

     - Bốn mươi tuổi:

     "Tứ thập nhi bất hoặc": Không lầm lẫn.

     - Năm mươi tuổi:

     "Ngũ thập nhi tri thiên mệnh": Hiểu biết ý của Trời.

     - Sáu muơi tuổi:

     "Lục thập nhi nhĩ thuận": Lắng nghe thực sự.

     - Bảy mươi tuổi :

     "Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du cũ": Đi theo con đường  của Tình Thương :

Bài thơ sau đây diễn tả khả năng « Tùng Tâm »  ấy :

     « Hãy lắng nghe Thinh Lặng và Mênh Mông,

     « Như người mẹ hân hoan mở rộng lòng,

     « Sẵn sàng cho suốt cuộc đời hiện diện

     « Sồng vì con trọn Lời Kinh Dâng Hiến.

 

     « Hãy lắng nghe Bao La và Vô Tận

     « Suốt ngày đêm giăng hai tay đón nhận,

     « Những khuôn mặt quen thân và xa lạ,

     « Nối kết lại thành Chân Trời Cao Cả » (28).

Bị Chú:

24) Jaoni G. - Le Triple Moi - R. Laffont Paris 1997.

25) Levin P. - Les cycles de l'identite - Tnter Ed., Paris 1986.

26) Thích Nhất Hạnh - Đường xưa mây trắng - Lá Bối, SJ-U.S.A. 1992, tr. 453.

27) Phan Bội Châu  -  Khổng Học Đăng - Anh Minh, Huế 1957, I tr. 15.

28) Nguyễn Văn Thành - Lắng Nghe - TN - Lausanne 1999



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!