Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Nhà Văn Hương Vĩnh
Mục Lục

Lời Mở Đầu

Phần I: Phép lạ

Phần II: Căn tính

Phần III: Buông thả

Phần IV: Triển vọng

Phần V: Tư duy

Phần VI: Công khai

Phần VII: Tổn thương

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Đồng Hành Với Chúa

Những Nẻo Đường Việt Nam

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu

Công Đồng Vatican II qua bốn thập niên

Đứng dậy! Ta đi nào! Tự Thuật của ĐGH Gioan Phaolô II.

Như Tiếng Chim Ca

Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom

Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom
Phần I: Phép lạ

PHÉP LẠ  

Một người đã băng ngàn lội suối để kiểm chứng cho rõ thực hư về danh tiếng đồn đãi của Minh Sư.  

Ông ta hỏi một đệ tử: "Minh Sư của anh đã làm được những phép lạ nào?" 

"Này ông bạn, có những phép lạ khác nhau. Trong xứ bạn, người ta bảo phép lạ là khi Thượng Đế làm theo ý muốn của một người. Còn trong xứ chúng tôi, người ta bảo phép lạ là khi một người thực thi Thánh Ý Thượng Đế!" 

 

TRƯỞNG THÀNH 

Một đệ tử suốt ngày cầu nguyện, Minh Sư bảo: "Chừng nào con mới thôi nương tựa vào Thượng Đế và đứng vững trên đôi chân của con?” 

Đệ tử sửng sốt: "Nhưng chính thầy là người đã dạy chúng con nhìn lên Thượng Đế như một người Cha mà!” 

“Chừng nào con mới hiểu được rằng người cha không phải là một kẻ để con có thể nương tựa mà là một kẻ giúp con vứt bỏ cái khuynh hướng tựa nương.” 

 

NHẠY CẢM 

 "Thưa thầy, làm sao con chứng nghiệm được rằng con với vạn vật là một?" 

Minh-Sư đáp: "Bằng cách lắng nghe.” 

“Và con phải lắng nghe như thế nào?” 

 “Con hãy lắng tai để nghe ngóng mỗi lời thì thầm của vũ trụ. Khi con nghe thấy chính tiếng nói của con thì con hãy thôi nghe."

   

PHI LÝ  

 Minh Sư cố cọ xát một viên gạch trên sàn căn phòng mà đệ tử đang tọa thiền. 

Ban đầu, đệ tử xem ra thích thú, lấy đó làm một trắc nghiệm đối với năng lực tập trung của mình. Nhưng khi không thể chịu đựng tiếng động được nữa, đệ tử la lên: "Trời đất ơi! Thầy làm gì vậy? Thầy không thấy con đang thiền định hay sao?" 

Minh Sư đáp: "Thầy cọ giũa viên gạch này để làm thành một tấm kiếng soi mặt.” 

“Thầy điên rồi! Làm sao thầy có thể làm một tấm kiếng từ một viên gạch?”  

“Thầy không điên hơn con đâu! Làm sao con có thể biến cái tôi của con thành một con người thiền định?” 

  

MINH BẠCH 

 Minh Sư bảo: "Đừng tìm kiếm Thượng Đế. Các con chỉ cần nhìn thôi - và mọi chuyện sẽ được tỏ bày." 

"Nhưng phải nhìn như thế nào?” 

“Mỗi khi nhìn vật gì, các con chỉ thấy vật đang ở đó thôi và không thấy vật gì khác nữa." 

Các đệ tử hoang mang nên Minh Sư giảng giải cách đơn giản hơn: "Chẳng hạn, khi các con nhìn mặt trăng thì các con chỉ nên thấy mặt trăng thôi mà không thấy gì khác nữa." 

“Khi người ta nhìn mặt trăng, thì người ta có thể thấy gì khác ngoại trừ mặt trăng?” 

“Người đói bụng có thể (nhìn mặt trăng mà) thấy một mẩu phó mát hình tròn. Người si tình có thể thấy khuôn mặt người yêu." 

  

TÔN GIÁO 

 Nhân một chuyến công du, vị Tổng Trấn sở tại dừng chân đảnh lễ Minh Sư.  

Ông nói: "Thưa ngài, Việc Nước bề bộn không cho phép tôi có nhiều thì giờ luận bàn viển vông. Có thể nào ngài tóm gọn cốt lõi của tôn giáo trong một hai câu, cho một người quá bận rộn như tôi không?" 

"Vì lợi ích của Thượng Quan, tôi xin tóm tắt điều cốt yếu đó trong một từ (kép)” 

“Tuyệt vời! Và từ siêu việt đó là gì?” 

“Thinh-Lặng.” 

“Và đường nào dẫn tới Thinh-Lặng?” 

“Chiêm-niệm.” 

“Và xin cho phép tôi được hỏi chiêm-niệm là gì?” 

“Thinh-Lặng." 

 

LINH ĐẠO 

 Mặc dù đó là Ngày Tịnh Khẩu của Minh-Sư, một khách hành hương đã van lơn ngài ban bố một lời minh triết để có thể hướng dẫn suốt hành trình cuộc sống. 

Minh Sư ân cần gật đầu, lấy một tờ giấy và viết gọn lỏn hai chữ: “Thức Tỉnh”. 

Lữ khách lúng túng: "Quá vắn tắt. Có thể nào xin thầy vui lòng khai triển thêm chút xíu?”  

Minh Sư lại cầm miếng giấy lên và viết: “thức tỉnh, thức tỉnh, thức tỉnh.” 

Người khách lạ không hiểu ất giáp gì cả nên nói: "Nhưng những chữ đó nghĩa là gì?" 

Minh Sư với lấy tờ giấy và viết: “thức tỉnh, thức tỉnh, thức tỉnh nghĩa là THỨC TỈNH”

 

TỈNH THỨC 

 “Có điều gì con có thể làm để được Thức Giác?”  

"Không có điều gì, cũng như con không thể làm cho mặt trời mọc ban sáng được." 

“Vậy thì những bài tập tu đức mà thầy truyền dạy, dùng để làm gì?” 

“Để chắc chắn con không còn ngủ mê khi mặt trời bắt đầu mọc lên." 

  

HIỆN DIỆN 

 “Ở đâu con sẽ tìm được sự Thức Giác?”

“Ở nơi đây.”

“Chừng nào điều đó xảy ra?”

“Đang xảy ra ngay bây giờ đây.”

“Vậy tại sao con không cảm nghiệm được?”

“Bởi vì con không nhìn.”

“Con phải nhìn để tìm gì?”

“Không để tìm cái gì hết. Chỉ nhìn thôi.”

“Nhìn gì?”

“Nhìn cái mà mắt con dán xuống.”

“Con có phải nhìn một cách đặc biệt không?”

“Không. Con chỉ nhìn một cách bình thường mà thôi”

“Nhưng phải chăng con không luôn luôn nhìn một cách bình thường?”

“Không.”

“Tại sao không.”

“Vì muốn nhìn, con phải hiện diện ở đó. Thường khi con vẫn ở đâu đâu.” 

 

CHIỀU SÂU 

Minh-Sư nói với doanh nhân: "Cũng như con cá phải chết ở trên đất khô, bạn cũng phải chết như vậy khi bạn vướng mắc thế sự. Con cá phải trở về với nước - bạn cũng phải trở về với sự cô tịch." 

Doanh nhân cảm thấy bàng hoàng: "Tôi phải bỏ việc kinh doanh của tôi để vào sống trong tu viện sao?” 

“Không, không phải. Bạn cứ duy trì doanh nghiệp của bạn và hãy đi vào trong nội tâm của bạn." 

  

NỘI TÂM 

 Đệ tử thỉnh cầu một lời minh triết. 

Minh Sư đáp: "Con hãy ngồi trong tịnh xá của con và tịnh xá của con sẽ dạy con sự minh triết.” 

“Nhưng con không có tịnh xá. Con không phải là một đan sĩ.” 

“Dĩ nhiên con có một tịnh xá. Hãy nhìn vào bên trong.” 

 

ĐOÀN SỦNG 

Một đệ tử là người Do Thái hỏi: "Con phải làm việc lành nào để được Thượng Đế chấp nhận?" 

Minh Sư trả lời: "Làm sao thầy biết được. Thánh Kinh nói rằng tổ phụ Abraham thực thi lòng hiếu khách và Thiên Chúa ở với ông. Tiên tri Elia say mê việc cầu nguyện và Thiên Chúa ở với ông. Vua David chăm lo việc trị nước và Thiên Chúa cũng ở với ông nữa.” 

“Có cách gì con có thể tìm ra việc mà Thượng Đế đã phân định cho riêng con không.” 

“Có chứ. Hãy tìm kiếm trong nội tâm con khuynh hướng sâu thẳm nhất, rồi nương theo đó mà hành động." 

 

HÒA ĐIỆU 

Trái với lẽ thường, Minh Sư ít tôn trọng luật lệ và truyền thống.  

Một đệ tử và con gái ông cãi vã nhau vì ông đòi hỏi cô phải tuân theo luật lệ của đạo giáo khi chọn lựa người chồng tương lai. 

Minh Sư công khai theo lập trường của người con gái . 

Khi người đệ tử ấy ngạc nhiên vì sao một người thánh thiện như Minh Sư mà hành động như thế, ngài nói: "Con phải hiểu rằng cuộc sống cũng giống như âm nhạc, nghĩa là được hình thành bằng bản năng và cảm nhận hơn là bằng những luật lệ."

 

THÔNG CẢM

“Làm thế nào để con được ơn đừng bao giờ đoán xét người lân cận?" 

"Bằng cầu nguyện.” 

“Vậy tại sao con chưa được ơn đó?” 

“Tại vì con không cầu nguyện đúng chỗ.” 

“Chỗ đó ở đâu?” 

“Ở trong cung lòng Thượng Đế.” 

“Và con vào đó như thế nào?” 

“Con phải hiểu rằng ai phạm tội cũng đều không biết việc mình làm, nên họ đáng được thứ tha."
 

ẢO TƯỞNG

“Làm thế nào để đạt tới sự Sống Vĩnh Cửu?" 

“Sự Sống Vĩnh Cửu chính là bây giờ đây. Con hãy  trở về với hiện tại.” 

“Nhưng con đang sống trong hiện tại bây giờ đây, không phải sao?” 

“Không phải đâu.” 

 “Sao lại không?” 

“Tại vì con không buông bỏ quá khứ.” 

“Tại sao con phải buông bỏ quá khứ? Không phải tất cả những gì thuộc về quá khứ đều xấu cả.” 

“Ta buông bỏ quá khứ, không phải vì quá khứ xấu xa, nhưng vì quá khứ đã chết rồi." 

 

LỜI TIÊN TRI 

“Con muốn trở thành một người dạy Chân Lý." 

“Con có sẵn sàng để bị chế giễu, ghét bỏ và đói khổ cho đến năm bốn mươi lăm tuổi không?” 

“Thưa được. Nhưng xin thầy nói cho con biết: điều gì sẽ xảy ra khi con quá bốn mươi lăm tuổi?” 

“Con sẽ quen sống như thế." 

 

CẢI TIẾN 

Một người trai trẻ hoang phí hết gia tài vừa được thừa hưởng. Như thường xảy ra trong cảnh ngộ như thế, lúc anh bị cháy túi thì bạn bè bỏ rơi anh. 

Cùng đường, anh tìm tới Minh Sư và nói: "Con mất hết tiền tài, bạn hữu. Điều gì sẽ xảy đến cho con nữa đây?" 

"Con đừng lo. Hãy ghi nhớ lời thầy nói đây: mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp trở lại." 

Chàng thanh niên lóe lên một tia hy vọng trong ánh mắt: "Con sẽ giàu có trở lại ư?” 

“Không phải. Con sẽ quen sống cô đơn và không một đồng xu dính túi." 

 

THỰC DỤNG 

Nữ đệ tử chuẩn bị tiệc cưới, tuyên bố là do lòng yêu thương kẻ nghèo, chị đã thuyết phục gia đình đi ngược lại tục lệ bằng cách sắp xếp những khách nghèo hèn ngồi ở bàn đầu, còn những khách quyền quí ngồi ở cửa ra vào. 

Chị nhìn vào mắt Minh Sư, chờ đợi ngài tán thành. 

Minh Sư suy nghĩ một lát rồi nói: "Con ơi, đó là điều rất đáng tiếc. Đám cưới ấy không làm ai hài lòng hết. Gia đình con sẽ khó xử. Khách quyền quí sẽ bị xúc phạm và khách nghèo hèn sẽ đói meo, vì khi phải ngồi bàn đầu thì họ e dè nên không ăn uống no nê được." 

 

NGU MUỘI 

Đệ tử trẻ tuổi là một thần đồng đến nỗi học giả khắp nơi tìm đến tham vấn và rất ngạc nhiên trước sự hiểu biết của anh ta. 

Khi vị Tổng Đốc sở tại muốn tìm một người cố vấn, ông đã đến gặp Minh Sư và hỏi: "Xin ngài nói cho tôi biết có đúng là cậu thanh niên đó đã biết nhiều điều như người ta đồn đãi?" 

Minh Sư gượng gạo trả lời: "Thật tình mà nói, người thanh-niên đó đã đọc nhiều đến nỗi tôi không hiểu làm sao cậu ta có thể tìm ra thì giờ để biết được một điều gì."

 

HUYỀN THOẠI

Minh Sư truyền đạt giáo huấn của ngài qua những mẩu chuyện hay dụ ngôn mà đệ tử lãnh hội một cách thích thú hay đôi khi bực dọc vì họ mong ước được nghe những diễn từ sâu sắc hơn. 

Minh Sư vẫn thản nhiên. Đối với những phản kháng của đệ tử, ngài chỉ trả lời như sau: “Các con thân mến, các con chưa bao giờ hiểu rằng khoảng cách ngắn nhất giữa con người và Chân Lý là một mẩu chuyện.” 

Lần khác ngài nói: “Các con đừng xem thường những mẩu chuyện. Chính nhờ cây nến một xu mà người ta tìm được đồng tiền bằng vàng; xuyên qua những câu chuyện tầm thường, người ta khám phá được những chân lý sâu sắc độc đáo.” 

 

HẠNH PHÚC 

“Con rất cần đến sự giúp đỡ của thầy - nếu không, con sẽ quẫn trí luôn. Chúng con ở trong một căn phòng độc nhất, gồm có vợ chồng, con cái, và dâu rể! Do đó chúng con luôn bị căng thẳng thần kinh, la hét cãi cọ nhau om sòm. Căn nhà thật là chốn địa ngục." 

Minh Sư đáp một cách trịnh trọng: "Con có hứa là làm bất cứ những gì thầy dạy bảo không?” 

“Con xin thề là sẽ làm bất cứ điều gì.” 

“Được rồi. Con có bao nhiêu gia súc?” 

“Một con bò cái, một con dê và sáu con gà.” 

“Con hãy đem hết các con vật đó vào trong căn phòng của con. Rồi con hãy trở lại sau một tuần lễ." 

Đệ tử kinh hoàng. Nhưng đã trót hứa vâng lời. Do đó, anh ta đã mang các gia súc vào nhà. Một tuần lễ sau anh ta trở lại, gương mặt rầu rĩ thảm não và nói: "Con bị thần kinh căng thẳng đến tột độ. Nào là nhơ uế! Hôi hám! Ồn ào! Tất cả chúng con sắp sửa hóa điên mất!" 

Minh Sư truyền dạy: "Con hãy trở về và đem hết súc vật ra ngoài." 

Anh ta chạy một mạch về nhà. Và hôm sau, anh ta trở lại, ánh mắt rực sáng niềm vui: "Đời êm đẹp làm sao! Các gia súc đã đi khỏi. Căn phòng là một thiên đường: Yên tĩnh làm sao! Sạch sẽ làm sao! Và khoảng khoát làm sao!" 

 

THIỀN ĐỊNH 

Một đệ tử nằm ngủ và mơ thấy mình vào Thiên Đường. Rất đỗi ngạc nhiên, anh ta thấy Minh Sư và các đệ tử khác cũng đang ngồi ở đó, đắm mình trong thiền định. 

Anh la lên: "Đó là phần thưởng trên nước Thiên Đường hay sao? Lạ nhỉ! Đúng là điều mà người ta đã làm ở trên mặt đất!" 

Anh nghe một tiếng la lớn: "Đồ ngu! Con tưởng những người thiền định đó đang ở trên Thiên Đường sao? Hoàn toàn ngược lại - Thiền Đường ở trong tâm của họ." 

 

THỰC TẾ 

Một người mê cờ bạc, ngày kia nói với Minh Sư: "Hôm qua người ta bắt gặp con chơi cờ gian bạc lận nên những người chung sòng đã cho con một trận nên thân và họ đã liệng con qua cửa sổ. Thầy thấy con phải làm gì đây?" 

Minh Sư nhìn thẳng vào mắt anh ta rồi nói: "Nếu tôi ở vào trường hợp của anh, từ rày về sau, tôi sẽ chơi bài ở tầng trệt." 

Các đệ tử giật mình nên hỏi: "Sao thầy không khuyên bảo anh ta đừng chơi bài nữa?" 

Minh Sư trả lời một cách ngắn gọn và đầy ý nghĩa như sau: "Bởi vì thầy biết có khuyên như thế cũng chỉ bằng thừa mà thôi."

 

TIN ĐỒN

Đệ tử nóng lòng muốn thuật lại Minh Sư tiếng đồn nghe ngóng ngoài chợ.  

Minh Sư nói: "Hãy thư thả. Con định thuật lại những gì? Chuyện có thực không?” 

“Con không tin như thế.” 

“Chuyện hữu ích không?” 

“Dạ không.” 

“Chuyện vui không?” 

“Dạ không.” 

“Vậy tại sao chúng ta phải nghe những chuyện đó."

 

THOẢI MÁI TÂM LINH 

Minh Sư thường nói rằng không một từ ngữ nào là thô tục nếu chúng được sử dụng trong một ngữ cảnh thích hợp. 

Khi người ta nói cho ngài hay là một đệ tử có thói quen hay thề thốt, ngài đã đưa ra nhận xét như sau: "Mọi người thừa biết rằng những lời thề thốt sẽ mang lại sự thoải mái tinh thần khi nào kinh nguyện không đem đến được." 

 

CHUYỆN TẦM PHÀO 

Một đệ tử thú nhận có tật xấu thích ngồi lê đôi mách. 

Bằng một giọng ranh mãnh, Minh Sư đáp: "Lặp đi lặp lại những chuyện tầm phào thì không đến nỗi tệ nếu con không thêm thắt vào đấy.” 

 

NÁO ĐỘNG

Các đệ tử không ngừng xin Minh-Sư ban bố những lời minh triết; ngài phán bảo họ: "Minh triết không được biểu thị bằng lời nói. Minh triết được biểu lộ bằng việc làm." 

Nhưng khi thấy đệ tử lăn xả vào hành động, Minh Sư cười thoải mái và nói: "Đó không phải là hành động mà là náo động."

 

TÙ NGỤC

Minh-Sư nói với đệ tử: "Con quá tự hào về trí thông minh của con. Con chẳng khác nào một tù nhân hãnh diện về chiều rộng của xà lim nhốt mình.”



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!