.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Mở Đầu

Phần I: Phép lạ

Phần II: Căn tính

Phần III: Buông thả

Phần IV: Triển vọng

Phần V: Tư duy

Phần VI: Công khai

Phần VII: Tổn thương

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom
Tác giả: Nhà Văn Hương Vĩnh
PHẦN IV: TRIỂN VỌNG

 TRIỂN VỌNG 

Thấy Minh Sư vui tính nên đệ tử đặt nhiều câu hỏi. Họ hỏi có bao giờ ngài xuống tinh thần không. 

Minh Sư bảo rằng có. 

Họ lại khăng khăng hỏi: “Thế nhưng lúc nào ngài cũng hạnh phúc, có đúng như vậy không ?” 

“Đúng như vậy!” 

Họ muốn biết bí quyết là gì. 

Minh Sư nói: “Bí quyết như thế nầy: mọi chuyện có thể trở nên tốt hay xấu do ý tưởng của người ta đối với việc đó." 

 

CHIA LY 

Những giáo huấn của Minh Sư đã làm phật lòng Chính Phủ nên ngài bị đày biệt xứ. 

Khi đệ tử hỏi ngài có cảm thấy nổi sầu viễn xứ không, Minh Sư trả lời: “Không.” 

Họ phản đối lại: "Nhưng không nhớ nhà thì không phải là con người! “ 

Minh Sư đáp lại: "Ta chỉ hết cảm thấy bị lưu đày ngày nào ta khám phá ra rằng thế giới này là nhà mình." 

 

THAY ĐỔI 

Một sử gia thăm viếng Minh Sư, ông rất ưa tranh luận. 

Ông ta hỏi: "Những cố gắng của chúng ta không làm thay đổi giòng lịch sử nhân loại sao?" 

Minh Sư trả lời: "Ồ! Có chứ.” 

“Và lao động của con người không làm thay đổi trái đất sao?” 

Minh Sư đáp: “Chắc chắn rồi.” 

“Vậy tại sao ngài dạy rằng những cố gắng của con người không mang lại chút kết quả gì hết?" 

Minh Sư đáp: "Bởi vì khi gió lặng, thì lá vẫn rơi rụng như thường." 

 

NHÌN NHẬN 

Khi Minh Sư trở nên già yếu, tàn-tật, các đệ tử van xin ngài đừng sớm lìa trần. Minh Sư bảo: "Giả như thầy không rời các con, làm sao các con thấy được?" 

Các đệ tử hỏi: "Chúng con không thấy được cái gì khi thầy còn ở với chúng con?" 

Nhưng Minh Sư không nói lời nào. 

Khi ngài sắp lìa trần, các đệ tử hỏi: "Chúng con sẽ thấy được gì khi thầy đã ra đi?" 

Với một cái chớp mắt, Minh Sư nói: "Tất cả những gì thầy đã làm là ngồi bên bờ sông và phân phát nước sông. Sau khi thầy ra đi, chắc chắn các con sẽ nhìn thấy giòng sông." 

 

NHÌN VÀO NỘI TÂM 

Các đệ tử hăng say tranh cãi về nguyên nhân đau khổ của nhân loại. 

Người này bảo là do tính ích kỷ. Người kia thì nói là do ảo tưởng. Kẻ khác thì cho là không biết phân biệt giữa hiện thực và không hiện thực. 

Khi được hỏi ý-kiến, Minh Sư trả lời: "Mọi đau khổ đến từ sự việc con người không thể ngồi thinh lặng một mình." 

 

AN NHIÊN TỰ TẠI 

Minh Sư xem ra hững-hờ với những gì mà người đời nghĩ tưởng về ngài. Khi đệ tử hỏi ngài làm thế nào mà đạt tới sự an nhiên tự tại như thế, Minh Sư cười lớn và nói: "Tới khi thầy hai mươi tuổi, thầy không chút ưu tư về những gì người ta nghĩ tưởng về mình. Sau hai mươi tuổi, thầy thường bận tâm về những gì hàng xóm láng giềng suy nghĩ. Rồi một ngày kia, sau khi thầy được năm mươi tuổi, thầy mới nhận ra rằng, trong thực tế, không ai nghĩ tưởng về thầy hết!" 

 

MIỄN NHIỄM 

Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Minh Sư xem ra không sốt sắng lắm đối với việc dạy giáo lý cho giới trẻ. 

Khi được hỏi lý do tại sao, ngài nói: "Chích ngừa chúng khi còn trẻ, tức là quí vị cản trở chúng nắm bắt thực tế khi chúng trưởng thành." 

 

THỰC CHẤT 

Minh Sư không bao giờ cảm thấy lóa mắt vì bằng cấp. Ngài để ý tới con người, chứ không phải văn bằng. 

Có lần người ta nghe ngài nói: "Khi các con có tai để nghe một loài chim hót, thì các con chả cần xét xem chúng có chứng chỉ gì." 

 

THÀNH KIẾN 

Minh Sư nói: "Không có điều gì là xấu hay tốt. Chính tư duy làm cho mọi chuyện trở nên xấu hay tốt." 

Khi người ta xin Minh Sư cắt nghĩa, ngài nói: "Một người có thể giữ chay theo tôn giáo mình bảy ngày một tuần một cách vui vẻ. Còn người hàng xóm thì chết rũ khi nhịn đói như thế." 

 

TỰ MÃN 

Minh Sư yêu thích những người tầm thường và ngờ vực những người nổi tiếng thánh thiện. 

Một đệ tử thỉnh ý Minh Sư về vấn đề hôn nhân, ngài bảo: "Con phải cầm chắc là đừng bao giờ cưới một bà thánh." 

“Tại sao không bao giờ?" 

Minh Sư vui vẻ trả lời: "Bởi vì đó là cách chắc chắn nhất để biến mình thành một người tử đạo."

 

HỨNG THÚ 

Một bà than vãn sự giàu có đã không làm cho bà được hạnh phúc, Minh Sư bảo: "Bà nói như thể đời sống xa hoa và sự tiện ích là những đồ gia vị đem lại hạnh phúc; trong khi đó, điều duy nhất bà cần để thực sự hạnh phúc chính là một cái gì đó để mà hứng thú" 

 

CHUYÊN CHẾ 

Đệ tử ngỡ ngàng vì có lần Minh Sư nói với một giám mục rằng những người đạo đức có khuynh hướng tự nhiên hướng về sự độc ác. 

Khi vị giám mục đi rồi, các đệ tử đã hỏi:  “Tại sao vậy?”  

Minh Sư đáp: “Bởi vì tất cả họ dễ dàng hy sinh con người để đạt tới một mục đích.” 

 

ÍCH KỶ 

Một kỹ nghệ gia giàu có hỏi Minh Sư: "Ngài làm nghề gì?" 

Minh Sư trả lời: "Vô nghề nghiệp." 

Kỹ nghệ gia cười ngạo nghễ: "Có phải đó là lười biếng không?" 

"Trời hỡi, không phải đâu! Lười biếng thường là một tật xấu của những người lăng xăng hoạt động." 

Về sau Minh Sư bảo đệ tử: "Đừng làm gì hết và mọi chuyện sẽ được thực hiện qua các con. Không làm gì hết thật sự là làm nhiều lắm đấy - hãy thử đi!”

 

MINH TRIẾT 

Minh Sư luôn sung sướng khi thấy người ta nhận ra sự vô minh của mình.  

Ngài tuyên bố: "Minh Triết có khuynh hướng lớn lên tương ứng với giác thức về sự vô minh của chính mình." 

Khi người ta xin ngài cắt nghĩa thêm, ngài trả lời: "Khi bạn nhận thấy rằng hôm nay bạn không minh triết như bạn nghĩ về mình hôm qua, thì hôm nay bạn đã minh triết hơn rồi."

 

TÌNH YÊU 

Một đôi vợ chồng mới cưới hỏi: "Chúng con sẽ làm gì để tình yêu chúng con bền bỉ luôn mãi?" 

Minh Sư đáp: "Các con hãy cùng nhau yêu thương những điều khác đi."

 

GIÀU CÓ 

Nhà kinh doanh hỏi: "Làm sao đời sống tâm linh có thể hữu ích cho một người trần tục như tôi?" 

Minh Sư đáp: "Điều đó sẽ giúp bạn có được nhiều hơn.” 

“Như thế nào?” 

“Bằng cách dạy bạn ham muốn ít hơn." 

 

PHƯỚC HẠNH 

Một nhân viên mãi dịch cổ phần chứng khoán rất đau khổ vì gia tài khánh tận, đã đến một tu viện để tìm sự thanh thản nội tâm. Nhưng vì quá thất vọng nên không thể chiêm niệm được. 

Sau khi ông ta ra về, Minh Sư đã nói một câu chua chát như sau: "Những ai nằm đất sẽ không bao giờ bị té khỏi giường." 

 

PHỔ QUÁT 

Minh Sư thường khuyên bảo người ta đừng nên sống trong một tu viện. 

Ngài hay nói: "Muốn tìm lợi ích của sách, bạn không cần phải sống trong một thư viện." 

Có khi ngài còn nói một cách đanh thép hơn: "Bạn có thể đọc rất nhiều sách mà chẳng bao giờ đặt chân đến một thư viện nào cả; cũng như thực hành tu đức mà chẳng bao giờ vào một đền thờ nào." 

 

DÒNG CHẢY 

Khi biết chắc Minh Sư sẽ từ trần, đệ tử vô cùng thất vọng.  

Minh Sư tươi cười bảo họ: "Các con không thấy rằng cái chết làm cho đời sống đáng yêu sao?" 

“Dạ không. Chúng con chỉ ước mong thầy đừng bao giờ ly trần thì hơn." 

"Bất cứ cái gì thực sự sống thì đều phải chết. Các con hãy nhìn xem bông hoa: chỉ những hoa giả mới không bao giờ chết." 

 

MẠO HIỂM 

Đề tài thảo luận của Minh Sư là Sự Sống. 

Ngày kia Minh Sư thuật lại việc ngài gặp gỡ viên phi công đảm trách việc chuyên chở những người lao động từ Trung Hoa sang Miến Điện trong thời Đệ-Nhị Thế-Chiến để lo xây đắp những đường sá qua rừng rú. Chuyến bay thật dài và thật chán nản nên đám người lao động chơi trò đánh bạc. Vì không có tiền, họ đã đem mạng sống ra để đánh bạc - người nào thua phải nhảy khỏi máy bay không dù! 

Các đệ tử kinh-hoảng la lên: "Ghê quá!" 

Minh Sư nói: "Đúng thế. Nhưng đó mới làm cho cuộc đánh bài trở nên hào hứng." 

Về sau, cũng trong ngày đó, ngài nói thêm: "Các con không bao giờ sống những giây phút trọn vẹn như thế cho bằng khi các con đánh bạc với chính sinh mệnh của các con." 

 

TỬ VONG 

Có một đệ tử van xin Minh Sư chỉ bảo sự Minh Triết, ngài nói: "Con hãy làm thử điều nầy: nhắm nghiền mắt lại và tưởng tượng con bị rơi xuống vực thẳm với mọi sinh vật bị cuốn lôi theo con. Mỗi lần con bám vào bất cứ vật gì để chận con lại cho khỏi bị rơi thì con hãy biết rằng vật đó cũng đang rơi.”  

Đệ tử đã thử như thế và anh ta không bao giờ còn là một người như trước nữa. 

 

GIẢI THOÁT 

“Làm thế nào để con được giải thoát?" 

Minh Sư đáp: "Hãy tìm cho ra ai đã trói buộc con." 

Sau một tuần lễ, đệ tử đó trở lại và nói: "Dạ không ai trói buộc con hết.” 

“Vậy tại sao con mong được giải thoát?" 

Ngay lúc đó đệ tử được giác ngộ và lập tức anh ta cảm thấy tự do. 

 

GIỚI HẠN  

Minh Sư hết sức lịch sự đối với những giáo sư Đại học thăm viếng ngài nhưng không bao giờ trả lời các câu hỏi của họ hay để bị lôi cuốn vào những biện minh thần học.  

Các đệ tử ngạc nhiên vêà điều đó và ngài bảo họ: “Có thể nào nói về đại dương với một con ếch ngồi đáy giếng - hay về thần học với những người bị giới hạn bởi những quan niệm của họ.” 

 

DẤN THÂN 

Mặc dù rất ưu ái đối với mọi đệ tử, Minh-Sư không thể che giấu sự yêu chuộng những người sống “ngoài đời” như những cặp vợ chồng, thương-gia, nông-dân...hơn là những người đang sống trong tu viện. 

Khi được hỏi về điều nầy, ngài nói: "Tu đức được thực thi trong một tình trạng họat động thì hơn hẳn tu đức được thực thi trong tình trạng ẩn dật.” 

 

THIÊN NHIÊN 

Một diễn giả cho biết chỉ một phần rất nhỏ của những số tiền khổng lồ mua bán vũ khí hiện nay sẽ đủ để giải quyết mọi vấn đề vật chất của toàn thể nhân loại. 

Sau bài diễn văn, đương nhiên các đệ tử phản ứng như sau: "Vậy tại sao người ta ngu muội đến thế?" 

Minh Sư trịnh trọng trả lời: "Bởi vì người ta chỉ biết đọc những quyển sách in mà thôi. Họ đã quên nghệ thuật đọc những quyển sách chưa hề xuất bản.” 

�Xin thầy cho chúng con một thí dụ về một quyển sách chưa hề xuất bản." 

Nhưng Minh Sư không cho thí dụ nào. 

Ngày kia, họ cứ dai dẳng hỏi, ngài đã trả lời như sau: "Tiếng chim hót líu lo, tiếng côn trùng rên-rĩ, tất cả đều vang vọng Chân Lý. Cỏ cây hoa lá chỉ cho ta Con Đường trở về. Các con hãy lắng nghe! Hãy nhìn xem! Chính đó là điều phải đọc!" 

 

THIÊN ĐÀNG 

Một đệ tử bị ám ảnh bởi ý nghĩ về cuộc sống sau khi từ trần; Minh Sư nói với anh: "Tại sao con phải mất thời giờ nghĩ tới thế giới bên kia?" 

"Nhưng có thể nào không nghĩ tới được sao?” 

“Được chứ.” 

“Như thế nào?” 

“Bằng cách sống trên thiên đàng, ngay tại bây giờ và nơi đây.” 

“Và thiên đàng ở đâu?” 

“Ở tại nơi đây và bây giờ." 

 

HIỆN TẠI 

Khi các đệ tử xin một công thức về linh đạo để theo đó mà thực tập, Minh Sư chỉ trả lời giản dị như sau: "Hà! Hãy lắng nghe!" 

Và khi họ nghe âm thanh của đêm trường ở bên ngoài tu viện, Minh-Sư ngâm bài thơ ngắn sau đây: 

"Tuy cái chết gần kề

nhưng không hề lo lắng,

Ve sầu vẫn ve ve." 

 

NHẬN THỨC 

“Thức giác mang lại lợi ích gì cho thầy?" 

"Sự an vui.” 

“Và an vui là gì?” 

 “Là nhận chân rằng khi mất hết mọi sự, ta chỉ mất một món đồ chơi thôi." 

 

TIN TƯỞNG 

Minh Sư thường nhấn mạnh sự thánh thiện không hệ tại ở điều mình "làm" cho bằng điều mình 'cho phép' xảy ra. 

Vì một số đệ tử không hiểu rõ điều đó, nên Minh Sư trả lời bắng cách thuật câu chuyện sau đây:  

Có một con rồng một chân ngày kia nói với con rết (trăm chân) như sau: "Làm sao bạn có thể điều khiển tất cả bao nhiêu chân đó được? Riêng tôi, tôi chỉ có thể điều khiển mỗi một chân mà thôi." 

Con rết (trăm chân) trả lời: "Thật ra, tôi chả điều khiển gì hết." 

 

TIẾNG ĐỘNG 

Mỗi ngày Minh Sư bị người ta tới tấp đặt những câu hỏi mà ngài phải trả lời nghiêm nghị, bông đùa, lịch sự hay cứng rắn. 

Có một nữ đệ tử luôn ngồi trong thinh lặng suốt mỗi buổi diển thuyết. 

Khi người ta hỏi chị nghĩ gì về các buổi diển thuyết đó, chị trả lời: “Tôi không nghe được một tiếng nào của ngài. Tôi bị lo ra vì sự im lặng của ngài.”

Tác giả Nhà Văn Hương Vĩnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!