.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Mở Đầu

Phần I: Phép lạ

Phần II: Căn tính

Phần III: Buông thả

Phần IV: Triển vọng

Phần V: Tư duy

Phần VI: Công khai

Phần VII: Tổn thương

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom
Tác giả: Nhà Văn Hương Vĩnh
PHẦN VI: CÔNG KHAI

CÔNG KHAI

Nếu không có con mắt tinh đời, người ta không thể nhận ra điều gì khác thường ở nơi Minh Sư. Ngài có thể sợ hãi và sa sút tinh thần khi hoàn cảnh đưa đẩy. Ngài có thể vui cười, khóc lóc hay nổi giận. Ngài cũng thích ăn ngon, thích nhắm nhí và thậm chí cũng biết ngoái đầu nhìn trộm một người đàn bà đẹp. 

Khi một khách hành hương than phiền Minh Sư không phải là một "vị thánh", một đệ tử vội ngắt lời:  

"Một người thánh thiện là một việc. Còn người đó có buộc phải ra vẻ thánh thiện dưới mắt bạn hay không, thì lại là một việc hoàn toàn khác." 

 

SÙNG BÁI NGẪU TƯỢNG 

Minh Sư không ngớt cảnh cáo đệ tử về những nguy hiểm do tôn giáo gây ra. Ngài thích thuật lại câu chuyện một nhà tiên tri rảo bước qua các đường phố với bó đuốc trong tay, luôn miệng nói rằng mình sẽ đốt cháy đền thờ để dân chúng quan tâm đến Chúa nhiều hơn là đến đền thờ. 

Và Minh Sư nói thêm: "Ngày kia, thầy cũng sẽ đích thân mang bó đuốc đốt cháy cả đền thờ lẫn Chúa của đền thờ." 

 

TRỒNG TRỌT 

Một du khách tầm đạo hỏi Minh Sư làm thế nào phân biệt một người thầy chân chính với một người thầy giả mạo, khi ông ta trở về xứ sở mình. 

Minh sư trả lời: "Một ông thầy hay thì dạy cách thực hành; một ông thầy tồi thì dạy lý thuyết suông.” 

“Nhưng làm thế nào để biết thực hành đúng hay sai?” 

“Cũng như trại chủ biết mình trồng trọt đúng hay sai." 

 

NGẮN NGỦI 

Minh Sư hay dị ứng với những người kéo dài thời gian lưu ngụ ở nơi tu viện. Sớm muộn mỗi đệ tử sẽ nghe những lời chói tai như sau: "Đã đến lúc bạn nên dời gót ra đi. Nếu bạn không ra đi, Thánh Linh sẽ không đến với bạn." 

“Thánh Linh” đó là gì, một đệ tử mộ đạo muốn biết. 

Minh-Sư đáp:

"Nước chỉ sống động và tự do khi tuôn chảy.

Con cũng sẽ sống động và tự do khi ra đi.

Nếu con không rời xa thầy, con sẽ bị ứ đọng và chết mất - và bị ô nhiễm luôn." 

 

PHI CHỨNG NGHIỆM 

Trong một cuộc thảo luận liên quan đến chứng nghiệm về Thượng Đế, Minh Sư nói: “Khi Thượng Đế được chứng nghiệm, cái ngã phải biến mất. Vậy ai muốn chứng nghiệm đây?” 

“Vậy chứng nghiệm về Thượng Đế có phải là một điều phi chứng nghiệm không?” 

Minh Sư trả lời: “Điều đó giống như giấc ngủ. Chỉ biết được chứng nghiệm về giấc ngủ khi hết ngủ mà thôi.”

 

CHE GIẤU 

Ngày kia, Minh Sư thuật lại câu chuyện một chiếc bình cổ rất quí được bán đấu giá rất cao. Chiếc bình đó trước kia thuộc về một anh bụi đời đã chết trong cảnh nghèo nàn mà hoàn toàn không hay biết giá trị của chiếc bình bát anh dùng để đi xin từng đồng xu. 

Khi một đệ tử hỏi Minh Sư chiếc bình đó biểu tượng điều gì thì Minh Sư trả lời: "Đó là chính con!" 

Khi xin cắt nghĩa rõ thêm, Minh Sư nói: "Tất cả sự chú ý của các con đều tập trung vào cái kiến thức đáng một xu mà các con thu nhặt được qua sách vở hay các giáo sư. Các con nên để tâm vào chiếc bình mà trong đó các con chứa mọi tri thức." 

 

NGẠC NHIÊN 

Người ta đồn rằng một vị thánh ở ven biên thành phố đã làm rất nhiều phép lạ đến nỗi nhà ông ta trở nên một trung tâm hành hương cho những đoàn lũ bệnh nhân. 

Người ta biết rằng Minh Sư không chút quan tâm đến những chuyện huyền bí nên ngài không bao giờ trả lời những câu hỏi liên quan đến vị thánh đó. 

Khi người ta dồn dập hỏi Minh Sư tại sao lại chống đối phép lạ, ngài trả lời: "Làm sao người ta có thể chống đối điều đang xảy ra nhan nhản trước mắt chúng ta từng phút từng giây trong ngày?" 

 

THẤT VỌNG 

"Làm thế nào để có thể phân-biệt một nhà thần bí là chân chính hay giả mạo?”, các đệ tử hỏi như vậy. Họ là những người rất say mê những chuyện huyền bí. 

Minh Sư hỏi: "Làm thế nào các con có thể phân biệt một người ngủ thật với một người ngủ giả vờ?" 

Các đệ tử trả lời: "Vô phương. Chỉ người ngủ mới biết khi nào mình ngủ giả vờ mà thôi." 

Minh Sư mỉm cười. 

Về sau, ngài bảo: "Người ngủ giả vờ có thể dối gạt kẻ khác - họ không thể dối gạt chính mình. Khốn nỗi, thần bí gia giả mạo có thể dối gạt vừa người khác và vừa chính mình nữa." 

 

LẨN TRÁNH 

Một khách hành hương kể chuyện về một người lành thánh muốn viếng thăm một người bạn hấp hối nhưng ông lo sợ phải đi đường ban đêm nên đã bảo mặt trời: "Nhân danh Thượng-Đế, ngươi hãy dừng lại đó ở trên bầu trời cho đến khi ta tới ngôi làng mà bạn ta đang hấp-hối." Và mặt trời đã dừng ngay trên trời cho tới khi vị thánh kia tới ngôi làng. 

Minh Sư mỉm cười nói: "Nếu người lành thánh đó lướt thắng nỗi sợ hãi đi đường ban đêm thì chẳng tốt hơn sao?" 

 

PHÁN ĐOÁN 

“Làm thế nào con có thể tha thứ người khác?” 

“Nếu con không bao giờ kết án thì con sẽ không cần tha thứ bao giờ.”

 

THANH THẢN 

“Có cách nào đo lường năng lực tu đức không?" 

“Nhiều lắm.” 

“Xin chỉ chúng con một cách.” 

“Hãy xem các con bị phật ý bao nhiêu lần trong một ngày." 

 

LIỀU LĨNH 

Minh Sư luôn nhấn mạnh là chúng ta phải tự học hỏi - chúng ta phải là những minh sư của chính chúng ta - hơn là lệ thuộc vào quyền uy người khác. Dĩ nhiên, điều nầy có những giới hạn, cũng như khi một cậu thanh niên xuất chúng tự nhủ mình rằng phải dùng thử ma túy như một phương thế để có chứng nghiệm thần bí - và “chấp nhận rủi-ro, bởi vì người ta chỉ có thể học hỏi qua thử thách và vấùp ngã mà thôi.”  

Điều đó thúc đẩy Minh Sư thuật lại câu chuyện cây đinh trơn và cây đinh ốc: 

"Đây là một cách để biết xem ta cần cây đinh trơn hay đinh ốc để đóng vào một tấm ván. Hãy đóng cái đinh trơn vào. Nếu nó làm nứt tấm ván - ta biết phải cần tới cây đinh ốc vậy." 

 

ĐIÊN RỒ

Khi được hỏi về sự đạt ngộ của mình, Minh Sư tỏ rất dè dặt, dẫu khi đệ tử bằng mọi cách cố làm hết sức để ngài phải nói. 

Điều duy nhất họ biết được về vấn đề này là điều mà Minh Sư nói với người con út mình, khi cậu muốn biết cha mình cảm nhận gì khi đạt ngộ. Câu trả lời là: “Một người khờ.” 

Khi cậu trai hỏi tại sao, Minh Sư đáp lại: "Này con, cũng giống như khi phải nhọc nhằn lắm để chui vào nhà bằng cách trèo lên một cây thang và phá vỡ cánh cửa sổ - rồi sau đó nhận ra rằng cửa chính ra vào nhà đã mở sẵn." 

 

PHÁT TRIỂN 

Một đệ tử than phiền về những giới hạn của mình, Minh Sư bảo: "Quả thật, con bị giới hạn. Nhưng con có nhận thấy rằng hôm nay con có thể làm những việc mà cách đây mười lăm năm con tưởng không thể nào làm được không? Điều gì đã thay đổi?" 

“Những khả năng của con đã thay đổi.” 

“Không phải đâu. Con đã thay đổi.” 

“Cũng giống nhau thôi.” 

“Không phải. Con tưởng con thế nào thì con thế đó. Khi suy tư của con thay đổi thì con đã thay đổi.” 

 

HỜI HỢT 

Ngày kia, một ký giả xin Minh Sư nói ra một đặc-điểm của thế giới hiện đại. 

Minh Sư đã trả lời không chút do dự: "Mỗi ngày, người ta càng hiểu biết nhiều về Vũ Trụ nhưng càng ít biết về chính mình." 

Và với một nhà thiên văn đang thao thao bất tuyệt với Minh Sư về những kỳ công tuyệt diệu của ngành thiên văn học hiện đại, Minh Sư đột nhiên tuyên bố: "Ở giữa triệu triệu những vật thể kỳ lạ ở trong vũ trụ - những hố đen, những chuẩn tinh, pun xa... điều kỳ lạ hơn hết và chắc chắn hơn hết chính là cái tôi!" 

 

BUÔNG THẢ 

“Hành động nào cao quí nhất mà người ta có thể thực hiện được?" 

"Tọa thiền." 

“Chẳng phải điều đó dẫn tới vô vi sao?” 

“Đó chính là vô vi.” 

“Vậy thì hoạt động thua kém sao?” 

“Vô vi mang lại sinh khí cho hoạt động. Không có vô vi, các hành động sẽ tiêu tan."

 

ÓC SÁNG TẠO 

“Hành động nào cao quí nhất mà người ta có thể làm được?" 

“Tọa thiền." 

Nhưng người ta ít khi thấy chính Minh Sư tọa thiền. Ngài không ngừng làm việc lặt vặt trong nhà hay ngoài đồng, tiếp khách hoặc viết sách. Ngài còn đảm đương việc sổ sách kế toán vặt vãnh trong tu viện nữa. 

“Vậy tại sao thầy làm việc suốt ngày?” 

“Khi làm việc thì không cần phải ngưng tọa thiền." 

 

TIÊU TAN  

Một đệ tử cố gắng hết sức để đạt ngộ cho đến nỗi thể xác trở nên suy nhược, Minh Sư bảo anh: "Con có thể nắm bắt một tia sáng mặt trời -  nhưng không phải bằng đôi tay của con. Con có thể đạt ngộ - nhưng không phải bằng nỗ lực của con." 

Rất đỗi hoang mang, đệ tử đáp: "Nhưng thầy đã không dạy bảo con phải nỗ lực để trở thành trống rỗng sao? Đó là điều mà con đang cố sức làm." 

Minh Sư cười lớn tiếng bảo: "Vậy bây giờ lòng con 'đầy' nỗ lực cần phải đổ ra cho trống rỗng rồi đó!" 

 

THỰC TẾ 

Dù Minh Sư xem ra thích thú cuộc sống và vui hưởng tối đa, người ta cũng biết ngài liều lĩnh tột độ, như khi ngài kết án chính phủ độc tài, khiến ngài có thể bị bắt và bị giết; và như khi ngài dẫn một nhóm đệ tử đi phục vụ một ngôi làng đang bị nạn dịch hạch hoành hành.  

Ngài thường nói: "Những người Minh Triết không sợ chết." 

Ngày kia, người ta hỏi ngài: "Tại sao một người có thể liều mạng một cách dễ dàng như thế?" 

"Tại sao một người có thể không mấy quan tâm việc một ánh nến phải tắt khi ngày bắt đầu ló rạng?” 

  

KHOẢNG CÁCH 

Chủ nhân một công viên giải trí cho biết cảnh ngộ éo le của ông là đang khi lũ trẻ chơi đùa như điên như dại ở nơi công viên giải trí thì chính ông thường hay xuống tinh thần. 

Minh Sư nói: "Ông thích làm chủ công viên giải trí hơn hay là muốn tiêu khiển?” 

“Tôi muốn cả hai." 

Minh Sư không đáp. 

Về sau, khi được cật vấn về điểm nầy, Minh Sư trích dẫn lời nói của một anh bụi đời với một ông chủ đất giàu có: "Ông làm chủ sản nghiệp. Những người khác thưởng thức phong cảnh." 

 

GIỚI HẠN 

Người vô thần hỏi: "Có Thượng Đế không?" 

Minh Sư đáp: "Chắc chắn không có loại Thượng Đế mà người đời nghĩ tưởng.” 

“Ngài muốn ám chỉ ai khi đề cập tới người đời?” 

“Mọi người." 

 

DẪN CHỨNG 

Ngày kia, Minh Sư hỏi: "Thượng Đế hiện hữu không?" 

Các đệ tử đồng thanh trả lời: "Có.” 

Minh Sư đáp: “Sai rồi!” 

Đệ tử nói: “Không.” 

Minh Sư đáp: “Lại sai.” 

Đệ tử hỏi: “Câu trả lời là thế nào?” 

“Không có câu trả lời.” 

“Tại sao lại không?” 

Minh Sư đáp: “Bởi vì không có câu hỏi." 

Về sau, ngài cắt nghĩa: "Nếu người ta không thể nói gì về Thượng Đế vì Ngài ở bên kia ngôn ngữ và tư duy thì làm sao người ta có thể hỏi gì về Ngài được." 

 

ƯU TIÊN 

Minh Sư hoan nghênh những tiến bộ kỹ-thuật, nhưng ngài rất ý thức về những giới hạn của kỹ thuật. 

Khi một kỹ nghệ gia hỏi ngài làm nghề gì, ngài trả lời: "Tôi hoạt động trong kỹ nghệ nhân sinh." 

Kỹ nghệ gia hỏi: "Xin thầy cho biết thầy muốn nói điều gì?" 

Minh Sư đáp: "Lấy thí dụ trường hợp của ông. Những cố gắng của ông nhằm sản xuất những đồ vật tốt hơn; còn tôi lo đào tạo con người cho họ tốt hơn." 

Về sau, ngài nói với đệ tử: "Mục đích đời sống là phát triển nhân sinh. Ngày nay, xem ra người ta quan tâm nhiều nhất đến việc hoàn thiện các đồ vật." 

 

BÓNG GIÓ 

Minh Sư bảo rằng ngài có một quyển sách chứa đựng mọi điều mà người ta có thể hiểu biết về Thượng-Đế. 

Chưa có ai thấy được quyển sách đó cả cho đến khi một học giả thăm hỏi, hết sức khẩn khoản van xin, đã giựt được quyển sách đó khỏi Minh Sư. Ông ta mang về nhà, vội vàng mở ra xem - chỉ  thấy mọi trang sách đều trắng trơn.  

Học giả than vãn với Minh Sư: "Nhưng quyển sách đó chẳng đề cập đến điều gì cả." 

Minh Sư đáp lại một cách thỏa dạ: "Tôi biết. Nhưng ông nên xem sách đó muốn ám chỉ điều gì."

 

KHÔNG LAY CHUYỂN 

“Trời ơi, anh già làm sao!”, Minh Sư đã la lên như thế sau khi nói chuyện với một người bạn thuở nhỏ. 

Người bạn đáp: “Người ta không thể ngăn cản khỏi tuổi già, phải không?” 

Minh Sư đồng ý: “Vâng, không thể, nhưng phải tránh việc trở nên già nua.” 

 

HỦY DIỆT 

Dù rất thánh thiện, Minh Sư có vẻ hơi đối kháng với tôn giáo. Điều nầy luôn khiến các đệ tử hoang mang vì, không giống Minh Sư, họ xem tôn giáo ngang hàng với linh đạo. 

Minh Sư nói: "Tôn-giáo như người ta thực hành hôm nay chỉ chú trọng đến việc thưởng phạt. Nói cách khác, tôn giáo chỉ nuôi dưỡng sự sợ hãi và lòng ham muốn - hai việc tai hại nhất đối với linh đạo." 

Về sau, ngài còn nói thêm một cách chua chát: "Đó chẳng khác nào dùng nước để ngăn chặn hồng thủy; hoặc dùng lửa để chữa hỏa-hoạn." 

 

ĐÀN ÁP 

Minh Sư luôn để người ta tiến triển theo nhịp độ của chính họ. Không bao giờ ngài "thúc đẩy" họ cả. Ngài giải thích rõ điều đó bằng dụ ngôn sau đây: 

"Ngày kia, một người quan sát một con bướm đang vùng vẫy để thoát khỏi cái kén, ông ta cho là quá chậm, do đó ông bắt đầu thổi hơi nhè nhẹ lên cái kén. Khí nóng từ hơi thở thoát ra khiến mọi việc diễn tiến nhanh hơn. Nhưng thoát ra khỏi kén không phải là một con bướm mà là một con vật với đôi cánh nhàu nát." 

Minh Sư kết-luận: "Để triển nở, người ta không thể đẩy nhanh tiến trình được. Người ta chỉ phá hỏng mà thôi."

 

THẤT VỌNG 

Các đệ tử không thể hiểu cách thức thâu nhận đệ tử một cách xem ra độc đoán, theo đó có người được thâu nhận làm đệ tử, có người bị khước từ. 

Họ phanh ra manh mối ngày mà họ nghe Minh Sư nói: "Đừng cố tập cho con heo hát. Chỉ phí thì giờ các con thôi. Và chỉ làm cho heo điên tiết lên.”

 

ĐỊNH NGHĨA 

Minh Sư rất say mê những phát minh tân thời như trẻ con vậy. Khi thấy một chiếc máy tính cỏn con nằm gọn trong túi áo, ngài rất đỗi ngạc nhiên. 

Về sau ngài nói hơi mai mỉa: "Nhiều người xem ra sở hữu những chiếc máy tính cỏn con đó, nhưng không có gì trong túi họ đáng để tính cả!" 

Vài tuần lễ sau, khi một khách hành hương hỏi ngài đã dạy đệ tử điều gì, Minh Sư bảo: "Phải biết đặt đúng những ưu tiên: thà có tiền hơn là đếm tiền; thà có kinh nghiệm hơn là định nghĩa kinh nghiệm là gì."

 

Ý NGHĨA 

Lần kia các đệ tử tập trung tranh luận về lợi ích của việc đọc sách. Có người cho đó là việc mất thời giờ, kẻ khác bất đồng ý kiến.  

Khi người ta hỏi ý kiến, Minh Sư trả lời: "Có bao giờ các con đọc được một văn bản mà những ghi chú bên lề của một độc giả lại có ý nghĩa bằng chính văn bản không?" 

Các đệ tử gật đầu đồng ý. 

Minh Sư nói: "Đời sống là một văn bản như thế.”

Tác giả Nhà Văn Hương Vĩnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!