Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Trần Minh Huy, pss
Mục Lục

Lời Tựa

Dẫn Nhập

Lược Tóm

PHẦN I - Chương I: Xã Hội Việt Nam

Chương II: Giáo Hội Việt Nam với các Chủng Viện và Hàng Giáo Sĩ

Chương III: Việc đào tạo thiêng liêng hiện nay ở các chủng viện Việt Nam

PHẦN II - Chương IV: Giáo Huấn của Hội Thánh Hoàn Vũ về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương V: Giáo huấn của Hội Thánh Địa Phương về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương VI: Áp dụng giáo huấn của Hội Thánh vào việc đào tạo Thiêng Liêng cho các Chủng Sinh

PHẦN III - Chương VII: Bối cảnh hoá đào tạo Thiêng Liêng cho các Linh Mục Việt Nam tương lai

Chương VIII: Giai đoạn tiền chủng viện thăng tiến, thẩm tra và đón nhận

Chương IX: Giai đoạn chủng viện đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng

Chương X: Giai đoạn hậu chủng viện

Kết Luận

Sách tham khảo

Phụ trương A

Phụ trương B

Phụ trương C

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

THƯƠNG CHO ĐẾN CÙNG ĐỜI LINH MỤC THỪA TÁC

Đối Mặt Với Bối Cảnh Đào Tạo Hôm Nay: Cuộc Khủng Hoảng Tình Cảm Và Tình Dục Trong Giáo Hội.

ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI HÔM NAY

LƯỢNG SỨC MÌNH ĐỂ QUYẾT ĐỊNH DỨT KHOÁT

Hiệp Thông Trong Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC NGÀY NAY

BAN HUẤN LUYỆN ĐAMINH TAM HIỆP - Thường Huấn 4-7/5/2017

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN - XÂY DỰNG NHÂN CÁCH TU SĨ

Xây dựng Cộng Đoàn Cầu Nguyện và Yêu Thương

NHÀ ĐÀO TẠO TÂM HUYẾT HÔM NAY

TRỞ NÊN LINH MỤC ĐÍCH THỰC NHƯ LÒNG MONG ƯỚC.

MỤC VỤ LINH HƯỚNG - Phân Định và Sống Ơn Gọi

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC NGÀY NAY

Đào Tạo Trưởng Thành Nhân Bản Kitô Giáo và Đời Tu

CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN BÍ QUYẾT TÌNH YÊU VÀ VUI SỐNG

Linh Mục Sống và Thực Thi Năm Thánh Lòng Thương Xót - Linh Mục Đoàn Ban Mê Thuột Thường Huấn 29/2 - 4/3/2016

Đối Mặt Với Các Thách Thức Trong Đời Sống Và Sứ Vụ Linh Mục Của Chúng Ta Hôm Nay - Linh Mục Đoàn Hưng Hoá Tĩnh Tâm Năm 9 - 13/11/2016

Người Nữ Tu Sống Tu Đức Toàn Diện

Đứng Gần Thập Giá Chúa GiêSu

Cầu Nguyện Cá Nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống

Sứ Điệp Từ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu

Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay

Lớp Thần Học bổ túc (2006-2007)

Mười Ba Nét Mặt Tình Yêu

Chúa vẫn thương

Làm Sao Để Tha Thứ

Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay
PHẦN III - Chương VII: Bối cảnh hoá đào tạo Thiêng Liêng cho các Linh Mục Việt Nam tương lai

PHẦN BA

ĐÀO TẠO VÀ TỰ ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG CỦA CÁC LINH MỤC TƯƠNG LAI

TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM HÔM NAY

 

Trong vài năm qua, Hội Thánh Công giáo đã phải chịu đau đớn nhiều vì cách cư xử không đúng đắn của một ít linh mục. “Chúng ta phải thừa nhận rằng hàng giáo sĩ của chúng ta,  cả trẻ và già, không phải không có những vấn đề, những xung đột, và những khủng hoảng có lẽ phản ánh việc lựa chọn và đào tạo chưa đầy đủ của họ.”198

Những trường hợp này có thể được dùng như phúc lành của Chúa nhắc nhở và thách thức chúng ta phân tích, lượng định và tổ chức lại việc huấn luyện chủng viện.199 Có những người sẽ nói rằng việc huấn luyện ở chủng viện trong quá khứ đã phải chịu đựng một loại nhị nguyên luận. Nghĩa là có sự tách đôi giữa những gì các chủng sinh học, và những gì họ sống. Chúng tôi bác bỏ kiểu phân chia như thế trong chương trình đào tạo chủng viện, vì con người là một thể thống nhất. Cuộc sống con người với và trong Thiên Chúa tác động mọi khía cạnh của con người, bởi vậy, đời sống thiêng liêng phải bao gồm, tác động, và bao quát mọi khía cạnh của đời sống con người, cùng những gì thuộc về con người cách chân thực và đích thực.

Phần ba này sử dụng những nền tảng, thách đố và cơ hội khả dĩ trong bối cảnh Việt nam đã được trình bày ở phân thứ nhất, và giáo huấn của Huấn Quyền Giáo Hội đã được nhấn mạnh ở phần thứ hai. Sử dụng hai cột trụ quan trọng đó, phần này sẽ tạo nên toà nhà của việc đào tạo ở chủng viện và toà nhà sẽ gồm cả việc đào tạo thiêng liêng cho các chủng sinh đặt trong bối cảnh Việt Nam hôm nay, với cả những quan điểm về Giáo Hội học của Vaticanô II, của việc Truyền Giáo, của việc Cộng Tác với Giáo Dân, và của việc Đối Thoại. Việc Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng sẽ được trình bày theo ba thời kỳ: Giai đoạn Tiền Chủng Viện, Giai đoạn đào tạo Chủng Viện, và năm năm đầu đời Linh Mục thuộc thời kỳ Hậu Chủng Viện.

 

CHƯƠNG VII

BỐI CẢNH HÓA ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG CHO CÁC

LINH MỤC VIỆT NAM TƯƠNG LAI

 

A.  Trong Viễn Anh Giáo Hội Học của Vaticanô II

Trong kiểu Giáo Hội nào mà các chủng sinh hôm nay được đào tạo, và rồi, họ sẽ thi hành tác vụ trong tương lai? Ta có thể nói ngay rằng đó là Giáo Hội của Vaticanô II: với cái nhìn năng động mới và một hiểu biết quân bình hơn về những hình thức khác nhau của đời sống Kitô giáo: Giáo Dân, Tu Sĩ và Giáo Sĩ cùng với nhau trong bình đẳng phẩm giá, bổ sung, hài hoà và liên đới với nhau vì Nước Thiên Chúa.

Giáo Hội ấy được xem như:

* Giáo Hội Hiệp Thông, hiệp thông trong lòng Giáo Hội: Tình huynh đệ, phục vụ lẫn nhau, vâng phục lẫn nhau và hiệp nhất trong đa dạng giữa Giáo Hội phổ quát và Giáo Hội địa phương;

* Giáo Hội Truyền Giáo, mở ra với thế giới: Nước Thiên Chúa vượt ra ngoài biên giới Giáo Hội, và Thần Khí vẫn luôn hiện diện trong Giáo Hội, trong thế giới, trong các tôn giáo khác và xã hội. Với tư cách là thừa tác viên và người truyền đạt Lời Chúa, Giáo Hội là dấu chỉ bí tích, là hạt mầm của Nước Trời, theo cái nhìn cánh chung;

* Dân Lữ Hành của Thiên Chúa: mặc dù với những cơ cấu, nhưng không chỉ là thể chế được thiết lập, vẫn luôn trên hành trình về với Chúa Cha, trong Chúa Giêsu Kitô, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần;

* Giáo Hội Phục Vụ: Giáo Hội không phải ở ngoài hay song hành với nhân loại, nhưng được lồng vào trong lịch sử nhân loại vì sự sống của trần gian, với thái độ bất biến là đối thoại và hợp tác với con người trong việc xây dựng tình huynh đệ phổ quát.

Trong khi đó, thế giới hôm nay là thế giới của văn minh khoa học kỹ thuật, thế giới của thần học giải phóng, của sự thăng tiến phụ nữ, của lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, người bên lề, người bị áp bức, và người thấp cổ bé họng; thế giới của nền kinh tế lấy thị trường làm trung tâm với nền văn hoá duy vật và duy tiêu thụ.

Các linh mục tương lai sẽ được đào tạo và rồi thi hành thừa tác vụ trong nhãn quan Giáo Hội học này: mọi thành phần của Giáo Hội đều được kêu gọi nên thánh và đạt tới đức ái trọn hảo; nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô linh mục, ngôn sứ và vương giả, qua phép rửa tội và phép thêm sức; được thánh hiến vì sứ vụ, để yêu mến, để phục vụ và để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, trong sự hiểu biết phổ quát về ơn cứu độ, với lòng khiêm tốn và với ý thức về những yếu đuối của con người và những điều kiện tội lỗi, không còn những thái độ và lời lẽ ngạo mạn.200

      

B.  Trong Viễn Anh  Truyền Giáo

     1.  Tính Khẩn Thiết của Việc Truyền Giáo với Giáo Hội Việt Nam Hôm Nay

Á Châu là cái nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới. Đặc tính thánh thiêng của các tôn giáo này đã được rất nhiều người biết đến, đặc biệt là người Âu Châu, trong số đó có nhiều người, thậm chí các Kitô hữu, sử dụng những lối thực hành cầu nguyện chiêm niệm, suy niệm, và một số người trở thành những môn đệ thuần thục của các tôn giáo này.

Trong bối cảnh này, chúng ta có nhu cầu khẩn thiết phải loan báo Tin Mừng,201 bởi vì “hầu hết các linh mục địa phương có thể là những người quản lý tốt những cộng đoàn Kitô hữu, nhưng họ lại thường thiếu quan tâm và lòng cởi mở với những người không Công giáo quanh họ,”202 trong khi Thiên Chúa lại muốn cho cả trần gian được cứu độ (x. Ga 3,16-17). Bản chất của tình yêu là chia sẻ sự phong phú tràn trào của nó và đó cũng là lý do tồn tại của sứ vụ của Chúa Giêsu là chia sẻ tình yêu tràn trào của Thiên Chúa cho nhân loại. Chúa Giêsu trao sứ vụ của Ngài cho Giáo Hội và Giáo Hội gắng sức làm chứng cho tình yêu đó của Thiên Chúa và tập hợp mọi người lại trong Nước Thiên Chúa, như Công Đồng Vaticanô II thúc đẩy chúng ta.

Nếu chúng ta hiểu thấu đáo ý nghĩa sứ vụ của Chúa Giêsu, cũng là sứ vụ của Giáo Hội, chúng ta sẽ không giới hạn việc thực thi sứ vụ này trong việc rửa tội cho người ta để biến họ thành Kitô hữu: “Việc tân Phúc Âm hoá cần những người loan báo Tin Mừng mới… những người động lòng trắc ẩn trước đám đông và trao cho họ bánh sự thật, bánh tình yêu, bánh sự sống.”203 Nước Thiên Chúa bao gồm mọi người, mọi thụ tạo của Thiên Chúa. Vì thế “việc tân Phúc Âm hoá chính là nhiệm vụ thiết yếu và cấp bách của Hội Thánh.”204

Trong nhãn quan rộng rãi hơn như thế, việc đào tạo thiêng liêng nhắm mục đích giúp các linh mục tương lai nhận thức được việc tự đào tạo để nên những linh mục truyền giáo nhiệt thành mà Giáo Hội cần, không chỉ cho Giáo Hội địa phương ở Việt Nam, nhưng còn cho các Giáo Hội anh em tại Á Châu. Quả thực, “toàn thể Giáo Hội đều là thừa sai. Ngay cả khi chúng ta phục vụ tại chính giáo phận mình, thừa tác vụ của chúng ta cũng phải thấm nhuần chiều kích truyền giáo.”205

    2. Nguồn Gốc và Mẫu Mực: Sứ Vụ của Chúa Giêsu

      a. Sứ Vụ của Chúa Giêsu trước Phục Sinh

Chúa Giêsu là nhà thừa sai trước tiên được Chúa Cha sai đến. Sứ vụ của Chúa Giêsu mở ra một cuộc canh tân. Ngài phá đổ những ranh giới qua nhiều lời nói, dụ ngôn và hành động của Ngài. Tính chất bao gồm (inclusiveness) trong sứ vụ của Chúa Giêsu gây sửng sốt! Ngài là người đặt nền móng cho sứ vụ với Dân Ngoại. Những nét quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giêsu là: Chúa Giêsu thi hành sứ vụ của Ngài với lời cầu nguyện liên lỉ và kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa, Cha của Ngài; Nước Thiên Chúa là trung tâm trong toàn bộ tác vụ của Chúa Giêsu và là trung tâm đối với sự hiểu biết về chính sứ vụ của Ngài; sứ vụ của Chúa Giêsu đặt tâm điểm nơi vấn đề con người hơn là những nguyên tắc và nghi thức.206

      b. Sứ Vụ của Chúa Giêsu sau Phục Sinh

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu tiếp tục bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, khi Ngài hiện ra với các môn đệ và chào họ bằng những lời trấn an: “Bình an cho anh em!” Chúa Giêsu thổi hơi vào họ, trao ban Chúa Thánh Thần cho họ và sai họ ra đi tiếp nối chính sứ vụ của Ngài.

Kinh nghiệm Phục Sinh là trung tâm, không chỉ cho các môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng còn cho tất cả chúng ta, vì kinh nghiệm này giữ cho sứ vụ của Chúa Giêsu luôn sống động. Rời bỏ thế gian và lên với Chúa Cha, giờ đây Chúa Giêsu có thể làm công việc của Ngài ở mọi nơi trên thế giới, bất cứ nơi đâu có các môn đệ của Ngài hiện diện. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta có một sứ điệp tuyệt đẹp của tình yêu Thiên Chúa để sẻ chia. Và trước hết, đó không phải là một sứ điệp bằng lời, mà là một sứ điệp tự diễn tả qua cách sống và cách hiện diện của chúng ta. Đây là sứ vụ vĩ đại mà chúng ta được đặc quyền chia sẻ và làm chứng, ở đây và bây giờ.

      c. Bản Chất của Giáo Hội là Truyền Giáo

Tự chính bản chất, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo, vì Giáo Hội được khơi nguồn từ chính sứ vụ của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần, theo đúng thánh ý Chúa Cha, như Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh (LG 4). Vậy tất cả Dân  Chúa đều được mời gọi canh tân nội tâm sâu xa với ý thức sống động trách nhiệm của chính mình trong việc truyền bá Tin Mừng (AG 35): “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Hành động nhân danh và là hiện thân của Đấng Cứu Thế, linh mục phải cưu mang trong tâm trí mình lời kêu gọi cấp thiết này và duy trì tinh thần truyền giáo theo lệnh truyền của Chúa Giêsu.

      3. Đối Thoại, Con Đường Thích Hợp để Sống và Thi Hành Sứ Vụ Truyền Giáo

Theo quan điểm của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, con đường mới trong sự hiện diện của Giáo Hội là con đường với ba cuộc đối thoại: Đối thoại với các nền văn hoá và các truyền thống, đối thoại với các Tôn Giáo Khác và đối thoại bằng cuộc sống với người nghèo. Nhưng bối cảnh Việt Nam đòi hỏi thêm một chiều kích đối thoại nữa: đối thoại với người cộng sản.207 Mặc dù điều này xem ra có vẻ khó khăn vì chính sách tôn giáo khắt khe của ý thức hệ cộng sản, chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng là Chủ của lịch sử, Ngài sẽ biến đổi mọi sự vào đúng thời của nó. Được trang bị bằng đời sống nội tâm vững chắc trong mối tương quan gần gũi với Thiên Chúa, các linh mục dấn thân vào thế giới để cứu độ thế giới và để được cứu độ cùng với toàn thể thế giới được tạo thành.

      4.    Trở Nên Những Thừa Sai Hăng Say và Hiệu Quả

Mỗi thời đại có những khía cạnh tích cực và tiêu cực của nó. Chúa Thánh Thần là tác giả của mọi cuộc canh tân trong Hội Thánh và trong thế giới. Hướng tới một cách thức hiện diện và thi hành sứ vụ truyền giáo hữu hiệu trong thế giới đương đại, các linh mục Việt Nam208 phải lắng nghe theo những linh hứng của Ngài. Tin rằng Chúa Thánh Thần luôn cùng làm việc với các ngài, các linh mục tự dấn thân vào công việc Phúc Âm hoá, ý thức đầy đủ về sứ vụ khẩn cấp của mình (1 Cr 9,16). Nhưng các ngài cũng ý thức được những giới hạn con người của mình với những yếu đuối và tội lỗi, luôn ghi nhớ trong tâm trí lời Thánh Phaolô: “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1 Cr 9,27).

 

C.  Trong Viễn Ảnh Cộng Tác Với Giáo Dân209

      1. Quan Tâm Mới, Cái Nhìn Mới

Chịu ảnh hưởng do quan niệm tiền Vaticanô về đời sống linh mục và đời sống tu trì, hàng giáo sĩ thường có mặc cảm tự tôn đối với giáo dân. Nhưng ngày nay nhiều giáo dân giỏi hơn nhiều linh mục do căn bản giáo dục và kiến thức thần học cao hơn. Thách đố này mang đến một nhìn nhận rõ ràng: ở tuyến đầu của Giáo Hội, trong địa hạt các đặc sủng và sứ mệnh, cũng như trong định nghĩa (Dân Thiên Chúa, tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô) và con số (99,80% giáo dân, mà chỉ  0,12% tu sĩ và chỉ 0,08% thừa tác viên chức thánh),210 người giáo dân cho thấy một đóng góp đối với việc thực hiện Nước Thiên Chúa và công trình thánh hoá trần gian từ bên trong như men. Mọi người đã chịu phép rửa tội được kêu gọi nên thánh, tùy theo việc phục vụ và thừa tác vụ hợp với những ân huệ và tài năng của riêng mình. Cả giáo dân và giáo sĩ đều góp phần vào Triều Đại Thiên Chúa trong chiều kích cánh chung: người giáo dân nhấn mạnh cái hiện tại (cái đã có), trong khi hàng giáo sĩ nhấn mạnh đến cái tương lai (cái chưa có).

Việc xây dựng sự cộng tác làm việc giữa giáo dân-giáo sĩ là rất quan trọng và thông qua ba yếu tố chủ yếu: hiệp thông, hợp tác trong sứ vụ và việc đào tạo thích hợp về thiêng liêng, tín lý và văn hoá. Đúng thế, hình ảnh thích hợp của linh mục thế kỷ hai mươi mốt là bậc thầy luôn học hỏi Chúa Kitô: ngài luôn đồng hành với con người ở đúng nơi mà họ đang hiện diện, lắng nghe họ và rồi chia sẻ những hiểu biết trong hành trình của họ. Đó cũng là người chữa lành mà lại mang thương tích như Chúa Kitô: ngài có mọi quyền năng, nhưng lại hoàn toàn dễ dàng bị tổn thương. Bắt chước người chữa lành mang thương tích, các linh mục và giáo dân biết mình là ai nơi cốt lõi của chính mình, bằng cách chia sẻ chính mình với Thiên Chúa và với mọi người, nam cũng như nữ, trong những mối tương quan mật thiết, như Chúa Giêsu, Đấng từng có cả bạn bè nam và nữ.211

Để xúc tiến sự hợp tác giáo dân-giáo sĩ này, hàng giáo sĩ và giáo dân phải:

* dấn thân nhiều hơn trong đời sống của nhau với sự cảm thông với nhau sâu sắc hơn;

* chia sẻ những trách nhiệm trong sự hiểu biết, tự do và viển ảnh Kitô giáo với tình yêu chân thực của những người cộng tác với nhau;

* cổ vũ sự hiệp thông với ý thức về sự hiện diện của người khác, với sự nhìn nhận những tình trạng khác nhau trong cuộc sống và chấp nhận người khác theo như đúng bản chất của họ;

* nâng phẩm chất việc đào tạo toàn diện của giáo sĩ và giáo dân, trong đó chiều kích liên hiệp của giới tính con người phải được đề cao.212

      2.    Cộng Tác với Người Giáo Dân Nói Chung

Công Đồng Vaticanô II là một Lễ Hiện Xuống mới với viễn ảnh mới về Giáo Hội như là hiệp thông, mà hàng giáo phẩm là ở trong lòng Dân Chúa, chứ không phải ở bên trên, và  như huynh đệ, nhấn mạnh đến sự bình đẳng của mọi tín hữu dựa trên phép rửa tội (LG 30;32). Các mục tử phải nhìn nhận các đặc sủng và sứ vụ của giáo dân : cộng tác trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội; chia sẻ ý kiến vì lợi ích của Giáo Hội  trong tinh thần vâng phục lẫn nhau; thi hành sứ vụ trong lãnh vực hôn nhân, gia đình, văn hoá, các cơ cấu xã hội, kinh tế, chính trị, tình liên đới, công lý và hoà bình.213 Vấn đề chính yếu không phải là canh tân một phía, giáo sĩ hoặc giáo dân, vì giáo sĩ và giáo dân có liên hệ với nhau và tùy thuộc lẫn nhau. Họ phải cảm thấy nhu cầu cần thay đổi căn bản trong tâm trí, để cùng bước đi trên con đường Nước Thiên Chúa.

Trong tinh thần đó, linh mục phải đề cao sự cộng tác214 với người giáo dân, lắng nghe họ và đáp ứng lại những mong đợi của họ liên quan đến đời sống và sứ vụ linh mục, đào tạo và tự đào tạo cho việc Phúc Âm hoá và vì ích chung của Giáo Hội và thế giới. Giáo dân mong đợi nơi linh mục:

* canh tân và thánh hoá đời sống linh mục như là chuyện quan trọng nhất;

* đời sống thiêng liêng và cầu nguyện của linh mục như là mẫu mực của người tín hữu;

* linh mục phải là hình ảnh của Chúa Kitô và là mẫu mực cho đời sống đức tin của người tín hữu;

* Thiên Chúa phải là mục đích trước tiên và tối hậu của đời sống linh mục;

* một linh mục luôn trung thành với thánh ý Thiên Chúa sẽ biết cách giữ quân bình trong các hoạt động thuộc thừa tác vụ của mình, vượt qua những khó khăn và cám dỗ mà ngài gặp phải trong đời sống hằng ngày;

* mọi giáo sĩ phải yêu thương tất cả mọi người và yêu thương nhau như là những môn đệ yêu thương của Chúa Kitô (Ga 13,1.34-35), và trung thành với chức linh mục cho đến chết;

* linh mục không kiêu căng và độc đoán, nhưng khiêm tốn đứng về phía người nghèo, người ngoài lề xã hội và người bị áp bức;

* linh mục phải luôn hiệp thông gần gũi với tín hữu và tránh mọi hình thức độc đoán và quản lý theo kiểu dân chủ, vì những điều này dẫn tới tục hoá linh mục và giáo sĩ hoá giáo dân;

* Đức Trinh Mữ Maria phải là mẹ và mẫu mực cho linh mục và linh mục phải đón nhận Mẹ vào cuộc đời mình, để học cách sống khiêm nhường, trong sạch và vâng phục của Mẹ, và tìm thấy niềm vui và nguồn an ủi nơi Mẹ;

* Mong sao giáo dân được sử dụng trong việc giáo dục các chủng sinh.215

           3.  Cộng Tác với Phụ Nữ, Nữ Giáo Dân và Nữ Tu

Nữ tu Sung-Hae Kim, SC, “than phiền” rằng việc đào tạo linh mục hiện nay không tạo ra được những cơ hội tự nhiên để đào tạo một kiểu mẫu tích cực về nữ giới: một khi đã vào chủng viện, các chủng sinh sinh sống, giải trí và học tập trong một thế giới toàn nam giới, không có những tiếp xúc có ý nghĩa với phụ nữ, không có kinh nghiệm về phụ nữ như là những môn đệ bình đẳng của Chúa Kitô… Sau khi chịu chức, nhiều vị không được chuẩn bị để làm việc với phụ nữ, và đôi khi cảm thấy bị các nữ tu và các lãnh đạo phụ nữ đe doạ nghiêm trọng, nên phản ứng tiêu cực, thậm chí phân biệt đối xử và dùng ngôn ngữ miệt thị. Một nghiên cứu kết luận rằng phân biệt giới tính đối với phụ nữ trong Giáo Hội còn lớn hơn ngoài xã hội.

Để cải thiện tình trạng này, chị gợi ý nên thuê những phụ nữ có khả năng, cả nữ tu và giáo dân, dạy trong chủng viện hoặc hướng dẫn tĩnh tâm, để các chủng sinh có thể tôn trọng, đề cao và hình thành một mô hình tích cực về phụ nữ, một quan niệm quân bình về phụ nữ, và có cơ hội nhìn Thiên Chúa theo viễn ảnh của phụ nữ. Các linh mục hiện nay sở hữu một kiến thức hời hợt về đời sống tu trì và vì thế có xu hướng đi tới hai thái cực. Do đó, người ta mong ước rằng các chủng sinh được cung ứng một hiểu biết tốt hơn về đời sống thánh hiến trong bối cảnh khoa Giáo Hội học hiệp thông. Hiểu biết lẫn nhau chính là chìa khoá. Và sau cùng chị ước mong rằng chúng ta nên làm bất cứ điều gì có thể để giáo dục các chủng sinh, tu sĩ và giáo dân, để giúp họ tập làm việc với nhau như là những cộng sự viên bình đẳng, và trở nên những nhân chứng sống động của Tin Mừng.216

      4.    Kiểi Mẫu Đào Tạo ICLA

Ta có thể nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng theo tâm thức tự tôn của nam giới, cách nào đó, người phụ nữ Á Châu bị coi thường, khinh miệt, bách hại và đàn áp, không chỉ ngoài xã hội, do những người bên ngoài, nhưng ngay trong chính gia đình, do cha, chồng và anh em của họ. Và thật phi lý khi có sự phân biệt đối xử, ngược đãi, bất công và đàn áp mà người phụ nữ phải chịu đựng ngay trong Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô. Trong khi, do tinh thần xã hội phong kiến và cơ cấu tôn ti, người Công giáo Á Châu quá tôn trọng hàng giáo sĩ, và thực tế này làm cho các linh mục trở nên quan liêu và độc đoán, ít ra là với mặc cảm tự tôn.

Hi vọng rằng Học Viện Đời Sống Thánh Hiến tại Á Châu (Institute for Consecrated Life in Asia – ICLA, Manila, Philippines), như là một dấu chỉ mới mẻ và tuyệt vời của Chúa Thánh Thần, là học viện chào đón các tu sĩ nam nữ, linh mục, chủng sinh và giáo dân từ trên hai mươi nước Á Châu, sẽ tạo ra những cơ hội cho một mô hình tích cực về nữ giới, biến chuyển từ mô hình cổ điển,  qua mô hình của Vaticanô II và hậu Vaticanô II, sang mô hình nữ quyền:217 Bên cạnh những phụ nữ có khả năng, cả tu sĩ  lẫn giáo dân, đang dạy học và hướng dẫn tĩnh tâm, còn có nhiều nữ tu có trình độ cao hơn các sinh viên nam trong một số khía cạnh, và họ được tôn trọng, đề cao và vì vậy tự tin hơn.

Đời sống cộng đoàn và những hoạt động của ICLA cung cấp cho các sinh viên thuộc cả hai giới những cơ hội hợp tác, chia sẻ cuộc sống và trách nhiệm, trong đời sống hằng ngày cũng như trong đời sống thiêng liêng, để cùng làm việc, cùng học tập, cùng ăn uống, cùng vui chơi, cùng cầu nguyện, cùng tham dự tĩnh tâm, và cùng cử hành Thánh Thể, với sự tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết và khích lệ mang tính bằng hữu, với quan niệm quân bình, những mối tương quan hài hoà và trưởng thành, với kinh nghiệm là những môn đệ bình đẳng của Chúa Kitô cùng làm chứng cho Tin Mừng. Những mối tương quan trưởng thành và tôn trọng nhau giữa các nhà đào tạo ICLA (linh mục, nữ tu, giáo dân nam và nữ) đối với các sinh viên là mẫu gương tốt đẹp và là bằng chứng rõ ràng về điều mà họ muốn tạo nên và đào tạo, đặc biệt Cha Giám Đốc với sự săn sóc hiền hậu, sự quan tâm nhậy bén, sự cảm thông sâu sắc, sự hiện diện gây an lòng, sự khích lệ đầy tin tưởng và tình yêu bền chặt với mọi người.

Sự hiện diện của họ mang tính giáo dục còn nhiều hơn chính điều họ dậy dỗ. Mẫu đào tạo của ICLA là một đóng góp hữu hiệu cho cuộc canh tân Giáo Hội, đặc biệt là cho đời sống tu trì. Mọi người đều ước mong rằng mẫu đào tạo của ICLA sẽ được nhân rộng, được thực hiện và được đẩy mạnh, để ta có thể nhìn tới một tương lai tốt đẹp hơn của một số Giáo Hội Á Châu trong sứ vụ tân Phúc Âm hoá, sứ vụ của người Á Châu cho người Á Châu.

      5. Viển Ảnh và Đề Nghị của FABC

Trong đường hướng này, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu cũng khích lệ chúng ta. Các ngài tuyên bố rằng Thiên Chúa đã chọn một phụ nữ, Đức Trinh Nữ Maria, làm mẹ  Chúa Giêsu, qua Mẹ, Thiên Chúa mặc khải giá trị và phẩm giá của người phụ nữ. Chúng ta lấy Chúa Giêsu làm mẫu mực cho chúng ta theo cách Ngài đón nhận và nhìn nhận thiên hướng và phẩm giá của phụ nữ, thái độ và sự nhậy cảm của ngài đối với phụ nữ và lòng can đảm của Ngài khi đối xử với phục nữ với lòng tôn trọng và phẩm giá bình đẳng.

Và rồi, các ngài ước mong rằng việc đào tạo linh mục phải bao gồm:

*    Một tương tác lành mạnh với phụ nữ;

*    Huấn luyện sự nhậy bén về giới tính;

*    Đọc lại, giải thích lại và tái khám phá Sách Thánh để bao gồm cả nhãn quan phụ nữ;

*    Các giáo trình thần học và các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng về phụ nữ; Sự hiện diện của các nữ giáo sư và nữ sinh viên trong các chủng viện.218

 

D.  Trong Viễn Ảnh Đối Thoại   

      1. Thái Độ và Chỉ Đạo của Đức Bênêđitô XVI

Sau khi đưa ra cái nhìn toàn cảnh về tình trạng của Giáo Hội và của thế giới, với nhiều dòng ý thức hệ và mốt suy tư dẫn đưa tới lầm lạc, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI giới thiệu niềm tin trưởng thành và chín chắn vào Con Thiên Chúa, Đấng là thước đo tối hậu và tiêu chuẩn, như là con đường dẫn đưa tới nền tảng đời sống Kitô hữu.219

Tiếp đến ngài giải thích cho các Hồng Y220 chương trình tổng quát của ngài trong việc cai quản và dẫn dắt Giáo Hội hoàn vũ: vâng theo những linh hứng của Chúa Thánh Thần, với lòng phó thác khiêm nhường cho sự quan phòng của Thiên Chúa, bước theo những vị tiền nhiệm trong việc tiếp tục dấn thân thực hiện Công Đồng Vaticanô II, trong việc xây dựng sự hiệp thông trong lòng Hội Thánh, thiết lập sự hiệp nhất giữa mọi người đi theo Chúa Kitô, làm sống lại sứ vụ Truyền Giáo, đảm bảo một cuộc đối thoại chân thành và cởi mở với các tôn giáo khác, các nền văn hoá và văn minh, và tuyên bố mọi người Công giáo sẵn lòng cộng tác vì sự phát triển xã hội và phẩm giá của mọi người.

Và sau cùng, ngài nhắc lại những lời của Đức Gioan Phaolô II “Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!”… Chỉ nơi tình bằng hữu này chúng ta mới cảm nghiệm được vẻ đẹp và sự giải phóng.”221 Chúng ta hiểu rằng trong những con đường rộng mở ấy, chúng ta sẽ đào tạo các ứng sinh linh mục của chúng ta, để họ đáp ứng đúng theo những nhu cầu của thời đại chúng ta, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người.

      2. Đối Thoại với Các Nền Văn Hoá

Việc hội nhập văn hoá, như một điều khẩn thiết được Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh, là một nhu cầu khẩn cấp đối với sứ vụ Truyền Giáo ở Việt Nam hôm nay. Hội nhập văn hóa phải được nuôi dưỡng ngay trong đào tạo chủng viện. Việc này nhằm biến đổi nền văn hoá đón nhận Tin Mừng nhờ sứ điệp Tin Mừng và làm cho các thừa tác viên thích ứng với văn hoá và môi trường sống của đoàn chiên222 như Thánh Phaolô đã làm (1 Cr 9,23). Hội nhập văn hóa là một nhu cầu khẩn cấp đối với sứ vụ của các linh mục Việt Nam. Nó làm cho người Việt Nam dễ dàng đón nhận Tin Mừng và điều chỉnh theo Tin Mừng các giá trị văn hoá phong phú và cao quí của họ: “Phúc Âm hoá và hội nhập văn hoá liên kết với nhau một cách tự nhiên và mật thiết.”223    Các linh mục được kêu gọi làm tăng triển sự nhậy bén của họ đối với văn hoá, để họ có thể hội nhập văn hoá công việc tân Phúc Âm hoá của mình vì vinh quang Thiên Chúa, và ơn cứu độ của toàn thể thế giới được tạo thành.

Trong tiến trình hội nhập văn hoá, mỗi nền văn hoá đón nhận những yếu tố tích cực từ nền văn hoá khác và do đó được nên phong phú hơn. Ví dụ, cuộc gặp gỡ giữa nền văn hoá Việt Nam và Tin Mừng của Kitô giáo, Tin Mừng đề cao nhiều yếu tố văn hoá, và khám phá ra những cách thức mới mẻ diễn tả các giá trị Tin Mừng. Vậy ta có thể nói rằng việc hội nhập văn hoá của Kitô giáo phải đặt nền tảng trên mầu nhiệm Nhập Thể. Hội nhập văn hoá theo tinh thần như thế sẽ làm cho các “Kitô hữu bản địa có khả năng sống theo những giá trị văn hoá của riêng họ, không bị méo mó, và đồng thời sống theo những giá trị đặc biệt của Tin Mừng.”224

Từng trải nghiệm sự thiệt hại không thể phủ nhận do việc Giáo Hội bác bỏ việc thờ kính tổ tiên nhân danh việc Phúc Âm hoá trong quá khứ, Giáo Hội địa phương ở Việt Nam buộc phải dấn thân không hề chậm trễ trong việc hội nhập văn hoá. Nhưng trong hiện tại, việc thiếu nhân sự thành thạo, thời gian và thiện chí là những trở ngại chính cho việc hội nhập văn hoá.225 Do vậy, chúng ta phải để ý nhiều hơn tới vấn đề này trong công việc đào tạo linh mục: những người loan báo Tin Mừng buộc phải “đặt mình vào hoàn cảnh của người nghe, để cho việc loan báo của mình thích ứng với trình độ và mức trưởng thành của người nghe, và theo hình thức ngôn ngữ phù hợp.”226 Nhất là phải nổ lực đặc biệt để hội nhập cái tinh thần, cái lối sống, chứ không chỉ với cái hình thức bên ngoài

      3.  Đối  Thoại  Liên  Tôn

Đối thoại liên tôn, “như là một bổn phận và thách đố của toàn thể Hội Thánh,”227 muốn nói tới việc xem xét những đường lối “cổ vũ sự hiểu biết và làm phong phú lẫn nhau” trong đó các thành viên của các truyền thống tôn giáo khác nhau có thể học hỏi nhau và học hỏi về nhau, đồng thời học hỏi về chính mình để nhận ra những giá trị thiêng liêng và cứu độ của chính mình và tin vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chính mình.

Ở mức độ sâu xa nhất, đối thoại liên tôn luôn là đối thoại về ơn cứu độ, bởi vì cuộc đối thoại này tìm cách khám phá, làm sáng tỏ, và hiểu biết hơn những dấu chỉ thời đại trong suốt cuộc đối thoại mà Thiên Chúa duy trì với nhân loại.

Một cuộc đối thoại liên tôn chân thành và cởi mở là một con đường tốt cho sứ vụ truyền giáo tại Việt Nam, một đất nước giàu các tôn giáo truyền thống. Qua đối thoại, chúng ta để Thiên Chúa hiện diện ở giữa chúng ta, vì khi chúng ta tự mở ra với người khác, chúng ta cũng tự mở ra với Thiên Chúa. Vì thế đối thoại liên tôn là công trình Thiên Chúa khát khao, một yếu tố không thể thiếu trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh, sứ vụ này tìm ra cách diễn tả trong khi phục vụ đức tin, sự thăng tiến công bằng và phẩm giá con người.

Dù những hình thức cụ thể của việc thực hiện cuộc đối thoại liên tôn có thể khác biệt, căn bản của cuộc đối thoại (thái độ kính trọng và tin tưởng) phải luôn là một, đặc biệt với “đức tin Kitô giáo trưởng thành và xác tín.”228 Cuộc đối thoại như thế khiến các Kitô hữu trở nên tốt hơn và dễ thương hơn. Điều này cũng tương tự cho các tín hữu thuộc các tôn giáo khác. Sự thăng tiến chung này chuẩn bị đất đai mầu mỡ cho Tin Mừng được gieo xuống và mọc lên.

Bởi thế, một chương trình huấn luyện phù hợp cho các linh mục tương lai là rất quan trọng. Cuộc hội thảo toàn thể của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) tại Sam Phran, Thái Lan, đề nghị rằng linh đạo đối thoại liên tôn, như là một “cách thức hiện diện mới mẻ của Hội Thánh,” phải được in sâu nơi các nhà lãnh đạo trẻ của Giáo Hội tại Á Châu. Những người tham dự cuộc hội thảo nhận diện những nỗi sợ hãi và những thành kiến về tôn giáo như là những trở ngại to lớn trong việc theo đuổi cuộc đối thoại liên tôn. Và họ kể ra việc lắng nghe nhau, học hỏi nhau, khuyến khích nhau, cảm thông lẫn nhau, kính trọng và tin tưởng nhau như là điều kiện bó buộc để giúp thăng tiến cuộc đối thoại liên tôn hướng tới cuộc sống sung mãn.229 Quả thực, “nơi đầu tiên mà chúng ta phải thoát khỏi là trái tim nhỏ bé và hẹp hòi của chúng ta.”230

      4. Hiện Diện với Người Nghèo:

Thiên Chúa là Đấng đầu tiên đã ưu tiên chọn lựa người nghèo. Qua Con Yêu Dấu của Ngài, Thiên Chúa khai mạc Vương Quốc giữa người nghèo (x. Mt 5,3; 25,40). Và “khi tìm cách thăng tiến nhân phẩm con người, Hội Thánh chứng tỏ lòng yêu thương ưu ái dành cho người nghèo và người thấp cổ bé miệng.”231

Nghèo đói là một số phận đối với nhiều người Việt Nam. Vì thế, Giáo Hội tại Việt Nam phải thực sự là Giáo Hội  của người nghèo, vì người nghèo, cho người nghèo và với người nghèo “cả trong lời nói và việc làm” và trong cách “sống giản dị theo gương Chúa Giêsu.”232 Các linh mục phải sẵng lòng lắng nghe người nghèo và người bên lề xã hội, để thực sự là dấu chỉ chữa lành của tình yêu Thiên Chúa đối với họ.

Đức Hồng Y Paul Shan Kuo-hsi ước mong rằng “Tình yêu ưu ái và tình liên đới với người nghèo phải được truyền đạt cho các chủng sinh và phải bám rễ vào lòng họ, để họ có thể mang Tin Mừng cho người nghèo.” Và ngài gợi ý rằng “Các chủng sinh cần có kinh nghiệm về một số công việc dãi gió dầm sương trong cuộc sống thực của người nghèo, để các thầy có sự cảm thương sâu sắc với người nghèo, và sống một cuộc sống giản dị,” bởi vì “trong một xã hội thiên về vật chất và hưởng thụ, cuộc sống giản dị của linh mục là một bằng chứng mạnh mẽ cho những giá trị Tin Mừng và là một liều thuốc giải độc hữu hiệu đối với tình trạng khó chịu của thế giới hiện đại.233

Ngày nay chúng ta có một nhận thức mới mẻ rằng người nghèo không chỉ nghèo, nhưng còn bị áp bức, cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ là những nạn nhân của những cơ cấu  kinh tế và chính trị bất công, thậm chí cả những cơ cấu tôn ti và gia trưởng của kiểu tự tôn trong gia đình, trong xã hội và trong Hội Thánh, là nạn nhân của bóc lột, phân biệt đối xử và bạo lực, đặc biệt là phụ nữ và trẻ nhỏ. Vì thế, tham dự vào cuộc đấu tranh của người nghèo để giải phóng họ là một phần không thể thiếu trong sứ vụ của chúng ta: “Hội Thánh phải làm tất cả những gì có thể để vượt qua những sự dữ như thế, để hành động vì lợi ích của những người bị bóc lột nhiều nhất ấy và tìm cách đưa những người nhỏ nhất đến với tình yêu của Chúa Kitô.”234

Các linh mục thực sự hướng về phía người nghèo và người thiếu thốn trong sứ vụ của mình. Các ngài phải để giáo xứ mình dấn thân vào nhiều hình thức khác nhau trong việc nâng đỡ người nghèo, các trẻ mồ côi, những người goá bụa và sống dưới mức bình thường, nhằm “giúp cho họ biết tự giúp mình, để họ có thể làm việc nhằm thăng tiến tình trạng của họ và trở thành những người loan báo Tin Mừng cho chính nền văn hoá và xã hội của họ.”235

Chúng ta phải nhận ra hình ảnh Chúa Kitô, Đấng đã tự hủy mình ra không nơi người nghèo, và lắng nghe tiếng kêu của Ngài qua tiếng kêu của người nghèo, tin rằng nghèo khổ có thể mang tính cứu độ, nếu như đó là một sự nghèo khổ theo Tin Mừng. Tại Việt Nam, ta có thể xem xét, như là một khía cạnh tích cực trong sự quan phòng của Thiên Chúa, chính sách của những người cộng sản là áp đặt những hạn chế trên Giáo Hội và trưng thu những tài sản của Giáo Hội, nhờ thế các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân phải nhìn lại đời sống chứng tá của mình và thăm dò những cách thức mới mẻ để sống với người nghèo và với những người sống niềm tin khác, thậm chí đối nghịch với mình.236    

      5. Đối Thoại với Người Cộng Sản

Sống dưới chính sách Cộng sản, Việt Nam có hoàn cảnh riêng của mình. Vì thế, nghiên cứu này chú ý nhiều hơn đến địa hạt đối thoại với người Cộng Sản, trong đó bao hàm cả việc đào tạo, cuộc sống và thừa tác vụ của các linh mục tương lai.

         a. Những Lý Do Đối Thoại với Người Cộng Sản

             1) Sứ Vụ Của Chúa Giêsu Và Sứ Vụ Của Hội Thánh

Thiên Chúa là Đấng đi bước trước trong cuộc đối thoại với con người. Hội Thánh được kêu gọi tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu được Chúa Cha trao phó, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nước Thiên Chúa không loại trừ ai, và sứ vụ của Chúa Giêsu, cũng là sứ vụ của Hội Thánh, là”một sứ vụ bao gồm tất cả:”237 gồm cả người nghèo và người giầu, người bị áp bức và người áp bức, tội nhân và người đạo đức, làm tan biến sự tha hoá và phá đổ những bức tường thù địch.

Công Đồng Vaticanô II đề nghị rằng các chủng sinh “cần học để tìm Chúa Kitô nơi … đặc biệt là người nghèo, các trẻ em, người bệnh tật, người tội lỗi và người không tin.”238 Chúng ta không được quên sự hiện diện của người Cộng Sản Việt Nam và chúng ta có thể tiếp cận họ qua con đường đối thoại, trong nhãn quan về sứ vụ cứu độ của Hội Thánh.239

Thực thế, “hầu hết mọi quan chức chính quyền và các nhà lãnh đạo trong xã hội đều chính thức đi theo ý thức hệ Mác-xít. Vì thế, Hội Thánh tại Việt Nam cũng được kêu gọi đối thoại với những người vô thần.”240 Vấn đề chính là phải theo kiểu đối thoại nào? Nếu chúng ta hiểu đối thoại như là một tương quan theo đúng mô hình “ad intra” (hướng vào trong) và “ad extra” (hướng ra ngoài) của Chúa Ba Ngôi, như là việc mang sứ điệp đi phân phát và mang sự hiệp thông đi trao tặng, như là chia sẻ tình yêu Thiên Chúa và làm chứng về tình yêu Thiên Chúa cho mọi người, như là một nỗ lực biến đổi thế giới này thành một thế giới tốt đẹp hơn và huynh đệ hơn, thì đối thoại trở thành một bổn phận của Hội Thánh như là hạt giống, men, muối và ánh sáng của trần gian.

                 2) Đòi Hỏi Của Tin Mừng

Đó là điều Chúa Giêsu Nadarét, Thiên Chúa thật và người thật, đã mang đến cho nhân loại nhờ tình yêu đến mức chết trên thập giá của Ngài. Ngài khởi sự một trật tự mới xuất phát từ tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Ngài chúc phúc cho người xây dựng hoà bình (Ga 16,33; Mt 5,9) và ra lệnh phải yêu thương kẻ thù (Mt 5,43-45). Chúng ta phải góp phần thực hiện những viễn tượng hoà bình của Isaia (Is 2,4). Thế giới đương thời của chúng ta được tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha khích lệ và đảm bảo. Chúa Cha là Đấng “đã sai Con Ngài đến cứu độ thế gian” (1 Ga 4,14) để cho thế gian có “sự sống dồi dào” (Ga 10,10). Cuộc đối thoại cứu độ này xuất phát từ Thiên Chúa Cha đến với nhân loại qua Chúa Con và quyền năng Chúa Thánh Thần. Chỉ có một cuộc đối thoại chân thành và tin tưởng giữa mọi thành phần của xã hội dân sự mới có thể tạo nên mội hy vọng mới cho toàn thể dân tộc Việt Nam.241

             3) Định Hướng Lịch Sử Của Nhân Loại Trong Thời Đại Chúng Ta

Nhân loại đã chịu đựng quá nhiều các loại chiến tranh: chiến tranh ý thức hệ và diệt chủng, chiến tranh thế giới, nội chiến và chiến tranh quốc gia, chiến tranh đẫm máu giữa những anh em cùng dòng máu, chiến tranh nóng với bom hạt nhân, chiến tranh lạnh với đe doạ của nguyên tử, chiến tranh kinh tế, v.v…

Thật tuyệt vời khi biến kẻ thù thành bạn hữu. Một bài hát Việt Nam ca rằng: “Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai? Kẻ thù ta, tên nó hờn căm, tên nó là tỵ hiềm, tên nó là một lủ ma.” Ta không thể tiếp tục cuộc tàn sát của chiến tranh. Nhân loại phải phá bỏ xiềng xích bạo lực và hận thù, và bắt đầu cùng tồn tại trong hoà bình và liên đới, bằng đối thoại và hợp tác, bằng cách dùng mọi nghiên cứu và mọi tiến bộ xã hội và kỹ thuật để phục vụ cho mọt tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người.

“Thế giới này của chúng ta có thể biến đổi: hoà bình là có thể, thậm chí ở nơi đã có giao chiến và chết chóc kéo dài.”242 Lịch sử chứng minh rằng thế giới có thể thay đổi (và phải thay đổi) những cách suy nghĩ và hành động, để hướng tới mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác và với tạo thành, trong tình liên đới và yêu thương. Dù hoà giải các lập trường của các đối thủ có những mối hận thù xa xưa và những vấn đề trầm trọng thật là khó,”243 nhưng “Thần Khí vẫn luôn dùng sự bất lực và yếu đuối con người để thực hiện sự tha thứ lẫn nhau và hoà giải giữa các cá nhân, các gia đình và các cộng đoàn.”244

         4) Sự Biến Chuyển Của Nhận Thức Và Các Mối Liên Hệ

Chúng ta phải sống bài học quá khứ của lịch sử  với niềm hy vọng: đó là sự biến chuyển nhận thức và mối liên hệ giữa Giáo Hội và Chủ Nghĩa Cộng Sản, biến chuyển của mối quan tâm và liên hệ trong chính mỗi cơ cấu. Chẳng hạn, sự biến chuyển này diễn ra từ quan điểm đối đầu và loại trừ của Thông Điệp Divini Redemptoris về Chủ Nghiã Cộng Sản Vô Thần,245 của Thư Mục Vụ 1951 của các Giám Mục Đông Dương 246coi chủ nghĩa cộng sản như là mối nguy hiểm lớn nhất của thời đại, hoàn toàn mâu thuẫn với Công giáo, xấu xa tự bản chất, những người Công giáo tham gia chủ nghĩa cộng sản sẽ bị vạ tuyệt thông; và điều này được lặp lại trong Thư Mục Vụ 1960 do các Giám Mục Miền Nam Việt Nam,247 đến tinh thần đối thoại và cộng tác của Công Đồng Vaticanô II và sự cộng tác lành mạnh của Đức Gioan Phaolô II.

Về phía Chủ Nghĩa Cộng Sản, điều tương tự cũng diễn ra, đặc biệt là với những chính sách perestroika và glasnost248 (canh tân và mở ra công khai) của Mikhail Gorbachev, được thực hiện ở Việt Nam với chính sách Đổi Mới của Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản; với chuyến viếng thăm Vaticanô gần đây của Phó Thủ Tướng Việt Nam, ông Vũ Khoan, “nhân vật quan trọng nhất của Việt Nam trở lại thăm viếng các chức sắc Rôma kể từ năm 1987.” Trong chuyến viếng thăm này, “hai bên đã đồng ý về nhu cầu tăng cường hợp tác giữa Giáo Hội và Chính Phủ, vì lợi ích của toàn xã hội Việt Nam, bao gồm cả vấn đề bình thường hoá quan hệ ngoại giao.”249

      b. Những Tiêu Chí Của Cuộc Đối Thoại Này

            1)  Khuyến Cáo Của Đức Gioan Phaolô II

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cụ thể hoá và bối cảnh hoá những nguyên tắc chỉ đạo cho cuộc đối thoại này trong những bài nói chuyện với các Giám Mục Việt Nam.         

Những Điều Kiện Tiên Quyết: Đức Tin Mạnh Mẽ, Hiệp Nhất và Hiệp Thông trong Hội Thánh250

Trong bài nói chuyện vào ngày 17-6-1980, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc nhở các Giám Mục Việt Nam về sứ vụ quan trọng nhất là giảng dạy, bảo vệ và nâng đỡ đức tin của đồng bào mình. Ngài nói rằng cuộc tiếp xúc và đối thoại với nhà cầm quyền dân sự là cùng nhau tìm kiếm lợi ích của đất nước và Hội Thánh tại Việt Nam.251

Trong bài nói chuyện ngày 11-12-1980, ngài nhấn mạnh đến mối hiệp nhất trong hàng giám mục như là sự bảo đảm cho mối hiệp nhất giữa các linh mục địa phận: hiệp nhất và hiệp thông bằng lòng yêu mến và hành động, bằng suy nghĩ và việc làm trong Hội Thánh là rất quan trọng, bởi vì thật phi lý là cuộc đối thoại trong lòng Hội Thánh đôi khi còn khó khăn hơn cuộc đối thoại với bên ngoài. Đức Giáo Hoàng ước mong rằng hàng Giám Mục biểu lộ cho người khác thấy các ngài yêu mến quê hương đến mức nào, và rằng tham dự vào việc thăng tiến đất nước cũng là cách các ngài loan báo Tin Mừng.252

Tôn Trọng Sự Độc Lập và Tự Quản

Trong bài nói chuyện ngày 22-1-2002, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng “do nhiệm vụ và thẩm quyền của mình, Hội Thánh không hoà mình, bằng bất cứ cách nào, vào cộng động chính trị và không liên kết với bất cứ hệ thống chính trị nào”; rằng “cộng đồng chính trị và Hội Thánh độc lập với nhau và tự quản trong địa hạt của mỗi bên;”253 “được kêu gọi vừa để chu toàn sứ vụ riêng biệt của mình vì lợi ích của cùng một dân tộc, việc phục vụ của cả hai phía sẽ còn hữu hiệu hơn vì họ còn thực hiện giữa họ một sự cộng tác lành mạnh.”254

Tôn Trọng Sự Phát Triển của Tự Do Tôn Giáo

Để tiến hành “sự cộng tác lành mạnh” này, Giáo Hội chờ đợi nơi cộng đồng chính trị sự tôn trọng hoàn toàn tính độc lập và tự quản của Giáo Hội. Chính sự thiện vô giá là tự do tôn giáo -  được Công Đồng Vaticanô II, các Tuyên Ngôn và Công Ước Quốc Tế đặt thành vấn đề – cũng được gửi tới các cá nhân và các cộng đồng tôn giáo. Dựa trên Tuyên Ngôn Dignitatis Humanae,255 Đức Giáo Hoàng miêu tả chi tiết những quyền tự do tôn giáo đối với các cá nhân cũng như cộng đồng tôn giáo.256

Viễn Ảnh Một Tương Lai Tốt Đẹp Hơn

Về tương lai của Việt Nam, Đức Gioan Phaolô II ước mong rằng người tín hữu phải có khả năng được hưởng một nền giáo dục khả dĩ giúp họ nên chứng nhân trong đời sống xã hội, chính trị và kinh tế, để họ có thể “đảm nhiệm vai trò thuộc về họ trong đời sống và sứ vụ của Dân Chúa, như những chứng nhân của Chúa Kitô, ở bất cứ nơi đâu mà họ có thể hiện diện;”257 rằng “mọi thành phần quốc gia đều được liên kết nhằm thăng tiến nền văn minh tình thương, đặt nền tảng trên những giá trị phổ quát là hoà bình, công lý, liên đới và tự do” và rằng đức cậy Kitô giáo làm phong phú nhiệt tình tông đồ và trao ban những sức mạnh mới để công bố Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ, Ngài đã đến “để con người được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

           2) Thái Độ Của Các Giám Mục Việt Nam

Trong Thư Mục Vụ 1976, các Giám Mục Việt Nam nhận định rằng cuộc xung đột giữa niềm tin Kitô giáo và học thuyết Mác-xít là rõ ràng, nhưng đó không phải là lý do để nói rằng cuộc đối thoại và hợp tác giữa những người phục vụ con người trong sứ mệnh cá nhân và xã hội là không thể diễn ra. Và các ngài kết luận rằng đức tin Kitô giáo không phải là trở lực gây chia rẽ người có tôn giáo và người không tôn giáo, đức tin ấy cũng không phải chất ma tuý đem người Công giáo ra khỏi thực tại trần thế. Trái lại, đức tin dẫn chúng ta đến với con người và làm cho chúng ta có khả năng đánh giá đúng đắn các thực tại trần thế.258

Với lòng gắn bó như thế với cuộc đối thoại và hợp tác, được những khích lệ của Đức Giáo Hoàng động viên và soi sáng, các Giám Mục Việt Nam đã thẳng thắn trình lên các Nhà Lập Pháp Việt nam một lá thư ngỏ nêu ra những gợi ý của các ngài hướng đến việc xây dựng và phát triển xã hội vì nhân vị con người, như là cùng đích của bất cứ tổ chức và cơ cấu xã hội nào, theo phẩm giá và các quyền của họ:

* Giảm thiểu những khiếm khuyết xã hội hiện nay: tha hoá nhân vị con người, hệ thống bất công làm tha hoá con người, ví dụ cơ chế “xin cho” máy móc;

* Phát triển các giá trị nhân bản làm cho con người trở nên nhân bản hơn và sống theo phẩm giá con người của mình, “như là một giá trị Tin Mừng không thể bị khinh miệt mà không xúc phạm trầm trọng đến Đấng Tạo Hoá:”259 phát triển nhân phẩm con người, phát triển xã hội và thăng tiến nhân vị con người dựa trên sự thật, phát triển tình liên đới trong mọi sinh hoạt gia đình và xã hội, phát triển nguyên tắc phân quyền, phát triển nhận thức và lòng sẵn sàng phục vụ công ích.”260

Ngoài ra, Đức Cha Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng nói với Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ rằng việc loan báo Tin Mừng không thể tách lìa sứ vụ thăng tiến sự tiến bộ thực sự của tất cả mọi con người. Đây là giáo huấn cốt lõi của Đức Gioan Phaolô II trong Ecclesia in Asia mà các Giám Mục Việt Nam đã đón nhận như là chỉ dẫn mục vụ cho mình. Và ngài kết luận: “Để hoàn thành sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô tại Việt Nam, chúng tôi đang nổ lực gia tăng nhân sự được huấn luyện kỹ càng và thực hiện các giá trị truyền thống trong gia đình và xã hội.”261

Và gần đây, Tuần Báo France Catholique tường thuật cuộc phỏng vấn của Vietcatholic News với Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn. Với câu hỏi tại sao các Giám Mục Việt Nam không dùng một lập trường cứng rắn hơn đối với chính quyền, Hồng Y Mẫn trả lời rằng người Kitô hữu Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, có những thái độ khác nhau trong lãnh vực này. Về phía các Giám Mục, các ngài luôn khởi đi từ Tin Mừng, nguồn ánh sáng, sự thiện và chân lý. Các ngài có trách nhiệm mang Tin Mừng đến cho dân chúng, mà các ngài phải yêu thương tất cả mọi người, bất cứ họ là ai. Hồng Y Mẫn cũng nhắc tới Đức Gioan Phaolô II, vị đã thường tuyên bố rằng con đường duy nhất mà Hội Thánh phải theo đuổi, cho dù thiếu tự do hay gặp nhiều khó khăn, là con đường đối thoại, con đường của Vaticanô II. Như thế, các Giám Mục không thực hành sự đối lập mang tính hệ thống, nhưng là thái độ đối thoại.262

           3)  Sự Cảm Thông Của FABC

Với tinh thần thực tế và lòng cậy trông vào ân sủng Thiên Chúa, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) tuyên bố rằng việc đối thoại đòi hỏi đời sống nội tâm sâu sắc giúp con người có khả năng tin vào tình yêu Thiên Chúa, dám mạo hiểm chịu thương tích và hiểu lầm, thậm chí mọi thứ có vẻ như tan tành; và giống Chúa Kitô hoàn toàn khi tự huỷ mình ra không, để rồi, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, “chúng ta có thể thành những dụng cụ hữu hiệu để xây dựng Nước Thiên Chúa.”263       

      c. Đường Lối Đối Thoại Thích Hợp với Người Cộng Sản 

           1) Nhìn Nhận Những Quyền Bính Dân Sự

Không gì thoát khỏi kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa, cho dù con người không thể hiểu được (Is 55,8). Quyền bính “được Đức Chúa trao ban và chính Đấng Tối Cao đã ban quyền thống trị” (Kn 6,3). Chính Chúa Giêsu đã trả lời Philatô rằng: “Ngài không có quyền gì trên tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 19,11); và Ngài nói với những người Pharisêu: “Của Xêda, trả cho Xêda; của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa” (Mt 22,21). Thánh Phêrô cũng dạy như thế (1 Pr 2,13-14).

Trong chiều hướng này, Chính Quyền và Đảng Cộng Sản là những thực thể không thể chối cãi, đã kết thúc chiến tranh và đem lại hoà bình, thống nhất và độc lập cho toàn thể đất mẹ Việt Nam, cùng với sự đóng góp của toàn thể dân chúng. Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội thuộc các tôn giáo khác cũng là những thực thể không thể chối cãi được, phải được nhìn nhận và tôn trọng. Ta phải thẳng thắn thừa nhận sự nhìn nhận tích cực của Hiến Pháp 1992 của Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và ước mong rằng với đối thoại và cùng nhau làm việc, Hiến Pháp sẽ được đem ra thực hiện:

Công dân có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các Tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.264

Có chung cùng một mục đích, các tôn giáo và cộng đồng chính trị được “kêu gọi hoàn thành sứ mệnh riêng biệt của mình vì lợi ích của dân tộc, việc phục vụ của họ sẽ hữu hiệu hơn nhiều vì họ sẽ cùng nhau thực hiện một sự hợp tác lành mạnh.”265

         2) Bác Bỏ Đối Thoại ở Mức Độ Ý Thức Hệ

Tốt hơn là nên đối thoại với người cộng sản hơn là chủ nghĩa cộng sản, với con người hơn là với ý thức hệ, do có sự khác biệt tận căn giữa Công Giáo với ý thức hệ Cộng Sản. Ta phải chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt nơi người khác; đón nhận cái tích cực và loại bỏ cái tiêu cực; đề cao và phát triển những giá trị của mỗi phía. Ta không thể phủ nhận những giá trị tích cực của Chủ Nghĩa Cộng Sản trong kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa đối với nhân loại và đối với Dân Thiên Chúa.

Hãy để thời gian và con người thử nghiệm các ý thức hệ. Bất cứ học thuyết nào không còn đáp ứng được những khát vọng của con người sẽ bị loại bỏ. Đó là lý do của sự sụp đổ của Chủ Nghĩa Cộng Sản sau một thời gian thống trị kéo dài gần một thế kỷ. Đó cũng là lý do bỏ đạo của nhiều Kitô hữu trong thế giới phát triển, ở các nước hậu cộng sản Đông Âu, thậm chí trong các nước mới phát triển thuộc thế giới thứ ba.

Đây là một lời cảnh báo nghiêm khắc thúc giục Giáo Hội có lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, người bị áp bức, người bị bóc lột và người bị đặt ngoài lề; tự đặt mình về phía những người đói khát sự thật, công lý, sự kính trọng, tự do, hoà bình, nhân phẩm con người, nhân phẩm của con cái Thiên Chúa, tình liên đới và tình yêu; và từ đó, hăm hở làm chứng cho Thiên Chúa và Nước Thiên Chúa, một Vương Quốc bao gồm tất cả mọi người.

      3) Đối Thoại Bằng Cuộc Sống Và Hành Động Với Người Cộng Sản

“Cuộc đối thoại cơ bản nhất là cuộc đối thoại của con tim và linh hồn. Cuộc đối thoại này đưa tới đối thoại về cuộc sống và hành động để cùng nhau khắc phục những thảm họa xã hội.”266

Tại Việt Nam hôm nay, con đường thích hợp để đối thoại với người Cộng Sản là Đối Thoại bằng Cuộc Sống và Đối Thoại bằng Hành Động:

* Đối thoại bằng cuộc sống xảy ra ở nơi con người phấn đấu sống trong tinh thần cởi mở và thân thiện, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, những vấn đề nhân sinh và những mối bận tâm của mình;267

* Đối thoại bằng hành động được thực hiện ở nơi mà người Kitô hữu và người Cộng Sản hợp tác vì sự phát triển toàn diện và vì cuộc giải phóng đất nước.

Dựa trên các giáo huấn Tin Mừng của Công Đồng Vaticanô II, với tinh thần cởi mở, đối thoại, hoà giải và chấp nhận những khác biệt, các Giám Mục Việt Nam đã nói trong Thư Mục Vụ 1980: “Là Hội Thánh trong lòng Dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng Quê hương, noi theo truyền thống Dân tộc, hoà mình vào cuộc sống hiện tại của Đất Nước.”268 Và trong Thư Mục Vụ 2001, các ngài viết: “Để yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành với dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và lo âu của dân tộc, trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người.”269

      4) Đối Thoại Bằng Cách Làm Chứng Cho Tình Yêu Thiên Chúa

Đặc biệt, ở phạm vi cá nhân cũng như tập thể, mọi thành phần Giáo Hội Việt Nam phải làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với người cộng sản và thật lòng yêu thương họ. Thái độ thù địch là một sức mạnh phá hủy khủng khiếp, nhưng Tình Yêu lại còn mạnh mẽ hơn: “Đức mến không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,5-7). Quả thực, “một tình yêu mạnh hơn vượt thắng một tình yêu yếu hơn và sự gắn bó đi liền với tình yêu ấy … Nếu đức tin của chúng ta đủ mạnh, chúng ta sẽ không bị sức lôi cuốn của ý thức hệ áp đảo.”270 Tình yêu sẽ biến đổi mọi sự trong thế giới này, và hy vọng sự biến đổi ngay trong lòng Chủ Nghĩa Cộng Sản và giữa những người Cộng Sản.      

      5) Một Số Dữ Liệu Thống Kê

Những con số thống kê năm 2003 cho biết: Giáo Hội địa phương ở Việt Nam có hai mươi lăm giáo phận chia thành ba giáo tỉnh, một ở miền Bắc, một ở miền Trung và một ở miền Nam với tổng số 5.572.525 người Công giáo (6,69%) trong tổng dân số 79.347.431 người. Đoàn chiên này của Thiên Chúa được uỷ thác cho hai Hồng Y, 38 Giám Mục và Tổng Giám Mục, 2125 linh mục giáo phận, 432 linh mục dòng, với sự cộng tác của 1920 nam tu sĩ, 10337 nữ tu sĩ và 50272 giáo lý viên. Có 1085 chủng sinh đang theo học ở sáu đại chủng viện, 100 trong số 241 chủng sinh mãn trường đã chịu chức linh mục, và 1712 chủng sinh còn trong danh sách chờ đợi.271

   d. Con Đường Hy Vọng Đã Được Mở Ra     

Thiên Chúa luôn luôn đúng. Ngài có thể uốn đường cong nên thẳng và rút điều tốt ra từ điều xấu. Bây giờ người Công giáo có hiểu biết nhiều hơn về người vô thần, người Cộng Sản và những người theo các tôn giáo khác. Và chính quyền các cấp cũng đã nhận ra sự đóng góp tích cực của người Công giáo trong việc phục vụ xã hội, xây dựng đất nước và đoàn kết quốc gia. Hơn thế nữa, với pháp lệnh mới về tôn giáo, ban hành ngày 18-6-2004 và có hiệu lực từ ngày 15-11-2004,272 (gồm sáu chương và 41 điều), tình trạng của các tôn giáo tại Việt Nam dần dần trở nên tốt hơn. Không ai có thể phủ nhận rằng, qua cuộc đối thoại bằng cuộc sống, bằng hành động, và bằng việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, trong đất nước, có nhiều đổi thay tích cực và những biến đổi tốt hơn trong nhiều phạm vi, và một số người cộng sản trở lại Công giáo, ít nhất là bằng con đường hôn nhân.

Con Đường Hy Vọng đã được mở ra. Các linh mục tương lai phải tiếp tục và thực hiện những nỗ lực của những người tiền nhiệm, trong tình liên đới và hợp tác với đồng bào, trong Cách Thức Hiện Diện Mới của Hội Thánh tại Á Châu, với bốn cuộc đối thoại: đối thoại với các tôn giáo khác, với các nền văn hoá, với người nghèo và với người cộng sản. Các ngài sẽ cùng làm việc với người khác để xây dựng thành trì dưới đất, nhưng không bao giờ đánh mất tầm nhìn về vương quốc trên trời.

Với tình yêu Thiên Chúa và với tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta trông mong có một tương lai tốt đẹp hơn cho nước Việt Nam và Hội Thánh tại Việt Nam: “Mọi thành phần trong quốc gia đều liên kết với nhau để thăng tiến một nền văn minh tình thương, đặt nền móng trên những giá trị phổ quát là hoà bình, công lý, liên đới và tự do.”273

Mới đây, chính quyền Việt Nam và các nhà lãnh đạo Hội Thánh Công giáo địa phương đã tỏ lòng biết ơn sự đóng góp của Đức Gioan Phaolô II đối với việc cải thiện những mối quan hệ Vaticanô – Việt Nam và bày tỏ hy vọng rằng sự tiến bộ sẽ còn tiếp tục. Các phái đoàn Vaticanô đã tiến hành 12 cuộc thăm viếng làm việc chính thức với các quan chức Việt Nam kể từ cuộc gặp mặt năm 1989, và điều này đã giúp ích cho Giáo Hội địa phương và Đất Nước. Với tinh thần đối thoại thẳng thắn và một thái độ tôn trọng lẫn nhau, hai bên có thể đạt được những thỏa thuận tích cực, hy vọng rằng chính quyền Việt Nam và Toà Thánh sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao trong tương lai gần.274

GHI CHÚ

198 Bruno Torpigliani, Forming our Future Priests…, ibid., tr. 39.

199 Phaolô VI, Summi Dei Verbum: Address on Seminaries and Vocations (Rome, November 4, 1963).

200 Domingo Moraleda, “Lectures on Theology of the Forms of Christian Life in the Church”

201 HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2003, số 2-9.

202 “Today’s Seminarians Need Missionary and Real-Life Formation” (Bangkok, November 11, 2003), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 25-12-2004.

203 Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis…, ibid., số 82.

204 Ibid., số 70.

205 Orlando B. Quevedo, Gathered Around Jesus…, ibid., tr. 41.

206 Domingo Moraleda, “Lectures on An Introduction to Missiology of Consecrated Life”…, ibid., tr. 11.

207 Xem “Đối thoại với người Cộng sản.” Cuộc đối thoại cũng có thể thực hiện ở Trung Hoa, Bắc Triều Tiên và Cuba.

208 HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2003, số 7.

209 Domingo Moraleda, “Lectures on Fundamental Ecclesiology: A Historical and Theological Reflection” tr. 4-37.

210 Domingo Moraleda, “Lectures Theology of the Forms of Christian Life in the Church” tr. 41-73.

211 Donna M. Hanson, “I invite you to Accompaniment,” in Donald J. Goergen, ed., Being A Priest Today (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1992), tr. 193-195.

212 Ren T. Lagaya, “Sharing Our Spirituality and Charisms with the Laity,” Religious Life Asia 2 (January-March, 2000): 56-68.

213 Domingo Moraleda “Lectures on “Fundamental Ecclesiology: A Historical and Theological Reflection”…, ibid.

214 Vaticanô, Lumen Gentium, chương 5; Presbyterorum Ordinis…, số 9; Synod of Bishops 1971, The Ministerial Priesthood, 3: Relations between priests and laity; Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter to the Bishops of the Catholic Church on the Collaboration of Men and Women in the Church and in the World (Rome, May 31, 2004) Zenit.org/english, truy cập ngày 29-9-2004.

215 Fabiano Choi Hong-jun, “The Expectations of the Laity on Priestly Formation,” trong Linh Mục Thiên Niên Kỷ Mới, Đại Chủng Viện Huế (2000), tr. 245-262.

216 Sung-Hae Kim, “The Threefold Dialogue and the Image of Woman: A Little Hope for the Priestly Formation from a Woman’s Perspective,” trong Linh Mục Thiên Niên Kỷ Mới, Đại Chủng Viện Huế (2000), tr. 263-279.

217 Percy Bacani, “Lectures on Missionary Spirituality”

218 “The Church in Asia in Solidarity with Women” Ucanews.com/html/fabc-papers/workshop_reports/ws03.html, truy cập ngày 19-3-2005.

219 “Jesus Christ, the Measure of True Humanism…”, ibid.

220 “A Church That Has No Fear of the Future…”, ibid.

221 “Do Not Be Afraid of Christ! ...”, ibid.

222 Bruno Torpigliani, Forming our Future Priests…, ibid., tr. 54.

223 Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia…, ibid., số 21.

224 “Evangelization in Vietnam must stress ‘Triple’ Dialogue” (Ho Chi Minh City, May 31, 2002), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 25-1-2004.

225 “Ancestor Veneration helps link Catholics with Vietnamese Mainstream” (November 9, 1999), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 25-12-2004.

226 Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia…, ibid., số 20.

227 Ibid., số 31.

228 Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia…

229 “Christian missioners must explicitly proclaim Jesus Christ in Asia” (Thailand, January 18, 2000), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 25-1-2004).

230 “Evangelization in Vietnam must stress ‘Triple’ Dialogue”… ibid.

231 Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia…, ibid., số 34.

232 Ibid.

233 “Synod of Bishops-Special Assembly for Asia: Orientations on Priestly Formation,” trong Linh Mục Thiên Niên Kỷ Mới … ibid., tr. 45-46.

234 Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia…, ibid., số 34.

235 Ibid.

236 “Vietnam Church has Matured under Communist Rule” (Ho Chi Minh City, May 10, 2002), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 3-11-2004.

237 Domingo Moraleda, “Lecture on An Introduction to Missiology of Consecrated Life”…, ibid., tr. 10.

238 Vaticanô II, Optatam Totius…, ibid., số 8.

239 Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio…, ibid., số 44.

240 “Grassroots Exchange Will Lead to Useful Dialogue” (Hue, May 22, 2003, Ucanews.com/archives, truy cập ngày 29-9-2004.

241 “The Church is Waiting for the Total Respect of its Autonomy”…, ibid.

242 Gioan Phaolô II, “Message for First Easter of the Millennium” (Vatican City, April 15, 2001), Zenit.org/english, truy cập ngày 3-11-2004.

243 Gioan Phaolô II, Le dialogue entre les cultures pour une civilisation de l'amour et de la paix (Vatican, December 14, 2000), Zenit.org/english, truy cập ngày 25-1-2005.

244 “Statement of the seventh Bishops’ Institute for Interreligious Affairs on the Theology of Dialogue,” in For All The People of Asia 1 (Quezon City: Claretian Publications 1997), tr. 311.

245 Pius XI, Divini Redemptoris: On Atheistic Communism (March 19, 1937).

246 Pastoral Letter of Indochinese Bishops 1951, Lavang.co.uk/TTMVLondon/GiaoHoiVietNam, truy cập ngày 25-12-2004.

247 HĐGMNVN, Thư Mục Vụ Mùa Chay 1960.

248 Jay Rogers, “The Downfall of Communism,” in forerunner.com/forerunner/X0658 Downfall of Communis.htm, truy cập ngày 25-1-2005.

249 “Historical Visit at Vatican of Vietnamese Vice-First Minister” (Vatican City, November 29, 2002), Zenit.org/english, truy cậpo ngày 25-1-2005.

250 Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia…, ibid., số 25.

251 Gioan Phaolô II, Speech to VBC,  Vatican.va/holy_father/john_paul_ii/ speeches/1980/june (Vatican, June 17, 1980), truy cập ngày 7-10-2004.

252 Gioan Phaolô, Speech to VBC, Vatican.va/holy_father/ john_paul_ii/speeches/1980/december (Vatican, December 11, 1980), truy cập ngày 7-10-2004.

253 “The Church is waiting for the Total Respect of its Autonomy” (Vatican, January 22, 2002), Zenit.org/english, truy cập ngày 25-12-2004.

254 Vaticanô II, Gaudium et Spes…, ibid., số 76, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trích dẫn tron Bài Nói Chuyện với HĐGMVN (22-1-2002). 

255 Vaticanô II, Dignitatis Humanae: Declaration on Religious Freedom (December 7, 1965) in Welcome to the Catholic Church. CD-ROM. (Philippines: Harmony Media Inc.), số 4.

256 Gioan Phaolô II, “Hội Thánh chờ đợi sự tôn trọng hoàn toàn quyền Tự Quản của mình”…, ibid: “Đối với con người, tự do tôn giáo bảo đảm quyền tuyên xưng và thực hành tôn giáo của mình mà không bị cưỡng ép, quyền đón nhận một nền giáo dục như là điểm khởi đầu các nguyên tắc đức tin của mình, quyền đi theo ơn gọi tôn giáo và quyền đưa ra những hành vi riêng tư và công khai nhằm diễn tả mối liên hệ nội tâm nối kết họ với Thiên Chúa và anh em mình. Đối với các cộng đoàn tôn giáo, tự do tôn giáo bảo đảm những quyền căn bản như quyền tự điều hành theo lối tự trị; quyền cử hành mà không bị giới hạn việc thờ phượng công khai; quyền công khai dạy dỗ đức tin của mình và biểu lộ bằng lời và bằng chữ viết; quyền nâng đỡ các thành viên trong việc thực hành đời sống tôn giáo; quyền lựa chọn, giáo dục, bổ nhiệm và thuyên chuyển các chức sắc của mình; quyền bày tỏ sức mạnh đặc biệt về học thuyết xã hội của mình; quyền xúc tiến những sáng kiến trong các lãnh vực giáo dục, văn hoá, bác ái xã hội.”

257 Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia…, ibid., số 45.

258 HĐGMNVN, Thư Mục Vụ 1976, số 13.

259 Gioan Phaolô II, Opening Address at the Puebla Conference (January 28, 1979), III: Defender and Promotor of Human Dignity, in Welcome to the Catholic Church CD-ROM. Philippines: Harmony Media Inc.

260 HĐGMVN, “Open Letter to Legislative Leaders of Vietnam” (Hanoi, October 7-12, 2002), Vietcatholic.net, truy cậpngày 25-12-2004.

261 Paul Nguyen van Hoa, in Communion and Solidarity, (Washington DC, November 2003), tr. 3.

262 John Baptist Pham Minh Man, “Ecclesia Zenit: Vietnam,” in France Catholique 2978 (Mai 27, 2005), tr. 19.

263 “Statement of the Seventh Bishops’ Institute for Interreligious Affairs on the Theology of Dialogue,” in For All the People of Asia 1…, ibid., tr. 311.

264 Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Hiến Pháp (Việt Nam 1992) điều 70.

265 Vaticanô II, Gaudium et Spes…, ibid., số 76, được Đức Gioan Phaolô II trích dẫn trong Bài Nói Chuyện với HĐGMVN (22-1- 2002).

266 “Dialogue between Faith and Cultures in Asia,” in For All the Peoples of Asia 2 (Quezon City: The Claretian Publications, 1997), tr.25.

267 Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia…, ibid., số1.

268 HĐGMVN, Thư Mục Vụ 1980, số 9.

269 HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2001, số 9.

270 Antonio B. Lambino, “The Faith Dimension in Social-Political Involvement,” in For Faith and Service (Philippines, 1973-1982), tr. 103.

271 The Episcopal Conference of Vietnam, Communion and Solidarity…, ibid., tr. 5-6.

272 “New Ordinance on Religion Shows Government Changing to More Open Stance” (Ho Chi Minh City, September 7, 2004), Ucanews.com/archives/english, truy cập ngày 19-3-2005.

273 “The Church is waiting for the Total Respect of its Autonomy”…, ibid.

274 “Government, Church Leaders Recognize Pope's Contributions to Vatican-Vietnam Relations” (Hanoi, April 8, 2005), Ucanews.com/archives/english, truy cập ngày 27-7-2005.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!