.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Tựa

Dẫn Nhập

Lược Tóm

PHẦN I - Chương I: Xã Hội Việt Nam

Chương II: Giáo Hội Việt Nam với các Chủng Viện và Hàng Giáo Sĩ

Chương III: Việc đào tạo thiêng liêng hiện nay ở các chủng viện Việt Nam

PHẦN II - Chương IV: Giáo Huấn của Hội Thánh Hoàn Vũ về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương V: Giáo huấn của Hội Thánh Địa Phương về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương VI: Áp dụng giáo huấn của Hội Thánh vào việc đào tạo Thiêng Liêng cho các Chủng Sinh

PHẦN III - Chương VII: Bối cảnh hoá đào tạo Thiêng Liêng cho các Linh Mục Việt Nam tương lai

Chương VIII: Giai đoạn tiền chủng viện thăng tiến, thẩm tra và đón nhận

Chương IX: Giai đoạn chủng viện đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng

Chương X: Giai đoạn hậu chủng viện

Kết Luận

Sách tham khảo

Phụ trương A

Phụ trương B

Phụ trương C

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
CHƯƠNG IX: GIAI ĐOẠN CHỦNG VIỆN ĐÀO TẠO VÀ TỰ ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG

A. Chương Trình Tổng Quát Trong Tiến Trình Đào Tạo Của Chủng Viện.

Hầu hết các Đại Chủng Viện tại Việt Nam đều chia chương trình đào tạo chủng viện làm hai giai đoạn. Trước tiên là giai đoạn triết học, giai đoạn này kéo dài 2 năm hoặc 3 năm tuỳ theo mỗi chủng viện. Cuối giai đoạn triết học, chủng sinh được đánh giá để có thể được gửi đi thực tập mục vụ tại mỗi giáo phận.

Tiếp theo là giai đoạn thần học, giai đoạn này cũng được chia làm hai nữa. Sau hai năm đầu giai đoạn thần học, chủng sinh có thể được gửi tới một giáo xứ trong vòng một năm để có được nhiều kinh nghiệm mục vụ của Linh mục. Việc phân chia thời gian như thế này thuận tiện cho ba cuộc nhận định quan trọng về chủng sinh.  Nhận định thứ nhất xảy ra sau hai năm đầu giai đoạn thần học. Nhận định thứ hai xảy ra sau khi đã đi thực tập mục vụ (năm giúp xứ) trở về. Và nhận định thứ ba sẽ xảy ra trong hai năm tiếp theo của giai đoạn thần học để chuẩn bị lãnh chức linh mục.291

Việc đào tạo thiêng liêng nhằm đến con người toàn diện và làm cho người linh mục tương lai có thể đạt tới sự trưởng thành nhân bản, trưởng thành trong đời sống kitô giáo và trưởng thành trong đời sống linh mục. Vì thế, chủng sinh phải được đào luyện với đời sống thần học kiên vững, tinh thần cầu nguyện, tinh thần khổ chế, đức vâng lời đích thực và trưởng thành, tinh thần khó nghèo Phúc âm và khiết tịnh vì Nước Trời. Chủng sinh cũng phải học và thực hành những nhân đức nhân bản và xã hội vốn được dân chúng ngưỡng vọng và đức ái đòi hỏi, chẳng hạn: lòng thành thật, ý niệm về đức công bằng, trung thành giữ lời hứa, lịch thiệp và tín cẩn, tinh thần phục vụ và dấn thân, khả năng làm việc chung, có trách nhiệm, v.v…

Người ta nhấn mạnh đến sự tương tác giữa việc đào tạo nhân bản và đào tạo thiêng liêng. Việc đào tạo nhân bản cho ứng sinh được bắt đầu với sự trợ giúp của gia đình và xứ đạo trước khi anh vào Chủng viện. Việc đào tạo nhân bản không chỉ đem lại lợi ích cho ứng sinh trong thời gian học tại chủng viện mà còn có một ảnh hưởng sâu xa đến sứ vụ tương lai của anh nữa. Nó tùy thuộc phần lớn vào sự trưởng thành, sự quân bình tâm lý và sức mạnh của ý chí của ứng sinh. Vì thế, việc đào tạo nhân bản luôn phải hòa quyện với đào tạo thiêng liêng.

 

B. Đào Tạo Thiêng Liêng

    1. Chuẩn Mực Của Đào Tạo Thiêng Liêng.

Việc đào tạo thiêng liêng thích hợp nhằm giúp các linh mục tương lai tái khám phá căn tính của mình, từ “bệ thờ” đến tham gia, từ người rao giảng cổ điển đến người mang trong mình các mầu nhiệm, từ kiểu cách đơn độc đến sứ vụ hợp tác, từ linh đạo đan viện đến linh đạo sống thánh giữa trần thế, từ việc cứu giúp các linh hồn đến việc giải thoát con người,292 ở tất cả mọi cấp độ.

        a. Cấp Độ Cá Nhân

Linh đạo của chủng sinh triều mang chiều kích Chúa Ba Ngôi và lấy Chúa Kitô làm trung tâm, gắn bó cá nhân với Ngài, vừa hoạt động vừa chiêm niệm, cam kết sống đời cầu nguyện mà Thánh Thể là trung tâm điểm, noi gương Đức Maria, canh tân đời sống nội tâm và biến đổi mình, sống kỷ luật, sống đơn sơ, sống quân bình nhân cách (thiêng liêng, tâm lý và giới tính).

         b. Cấp Độ Giáo Hội Và Truyền Giáo

Linh đạo của linh mục triều mang đặc tính:  giáo hội, mục vụ và tông đồ, tinh thần hiệp thông, tập thể tính linh mục, ăn khớp với giáo huấn của Hội Thánh, sẵn sàng đáp ứng các dấu chỉ thời đại dưới tác động của ơn Chúa, lãnh đạo như tôi tớ phục vụ, thấm nhuần đức tin và truyền giáo, liên đới với người nghèo hèn bé nhỏ, đối thoại với các nền văn hoá, với những niềm tin khác, với những người không tin, cả với người vô thần và cộng sản, thăng tiến công bằng xã hội, hoà bình, quyền con người,  văn minh tình thương và sự sống, mở ra với thế giới nhưng không thuộc về thế gian. 293

 

C. Việc Linh Hướng

     1. Định Nghĩa

Linh hướng là một công tác mục vụ đặc biệt nhằm giúp chủng sinh lớn lên trong tương quan với Chúa Cha, cởi mở đáp lại Chúa Kitô và sẵn sàng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, ngõ hầu biết phân định ơn gọi của mình và chuẩn bị cho sứ vụ linh mục trong Giáo Hội.294

* Linh hướng là một tiến trình trưởng thành liên nhân vị, qua đó tiếng gọi của Chúa được lắng nghe và đáp lại trong đức tin.

* Linh hướng nhằm nuôi dưỡng một con tim phân định can đảm đang tìm khám phá để đạt được ý Chúa.

* Linh hướng trước hết liên hệ với sự trưởng thành toàn diện trong đức tin, trong khi đối mặt kịp thời với các vấn đề và khủng hoảng. Nói cách khác, việc linh hướng kích thích đức tin phát triển.

* Việc linh hướng sẽ hữu hiệu khi sự trưởng thành được biểu lộ rõ nét trong sự gia tăng tình thương, lòng trung thành và sự chăm sóc đầy trách nhiệm.

* Việc linh hướng cung cấp một bầu khí yêu thương vô điều kiện. Môi trường này rập khuôn với bầu khí cầu nguyện. Tiên vàn đó là công việc của Chúa Thánh Thần, và vị linh hướng phải học biết làm cho dễ dàng, chứ không cản trở hoạt động của ơn thánh.

* Dù có tính cách liên nhân vị, việc linh hướng mang chiều kích cộng đồng và Giáo Hội rất cao. Nó nuôi dưỡng viễn ảnh toàn cầu và cánh chung, nội tại lẫn siêu việt.

    2. Những Nguyên Tắc Chung

Việc linh hướng thường nhắm đến những mục đích sau:

* Giúp chủng sinh biết sống tương quan mật thiết với Chúa;

* Giúp chủng sinh biết trực tiếp thưa chuyện với Chúa và lắng nghe những gì Ngài chỉ dạy;

* Giúp chủng sinh sống thân mật với Chúa và biết đối thoại với Ngài;

* Giúp chủng sinh bi?t nh?n ra và biết sống những kinh nghiệm thực tế trong tương quan với Thiên Chúa: kinh nghiệm sống đạo đối với việc linh hướng cũng giống như thực phẩm đối với việc nấu nướng;

* Giúp chủng sinh biết lưu tâm mà đáp lại tiếng Chúa mời gọi để càng ngày càng sống thân mật với Ngài hơn, và sống những hậu quả của mối tương quan ấy;

* Giúp chủng sinh biết luôn đặt mình trước mặt Chúa bằng cả con người và suốt cuộc đời mình;

* Giúp chủng sinh ý thức trách nhiệm của mình để duy trì và phát huy trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, vốn là vị linh hướng đích thực;

* Giúp chủng sinh tìm được con đường mà Chúa mời gọi, để chọn lựa phù hợp ý Chúa, với ý thức và tự do nội tâm.295

Người ta nhấn mạnh rằng người thụ hướng phải đi bước trước trong mối tương quan. Những đề tài thảo luận phải đáp ứng được các nhu cầu của người thụ hướng. Một chương trình đào tạo được thiết lập để giúp ứng sinh thực hiện một quyết định đặc biệt, trong sự tôn trọng sứ vụ linh mục trong Giáo Hội. Vì thế, một bản câu hỏi gợi ý296 được đề nghị như một chỉ dẫn để thảo luận trong các lần gặp linh hướng.

       3. Ba Vấn Đề Cơ Bản Và Quyết Định

Trong giai đoạn đầu tiên ở Đại Chủng Viện,  ứng sinh phải được giúp ý thức và làm thế nào để trực diện với ba vấn đề cơ bản mang tính quyết định ngõ hầu đạt được một đường hướng dứt khoát hơn cho cuộc đời anh. Nếu ba vấn đề này không được “giải quyết,” chúng sẽ ảnh hưởng mạnh trên cách ứng xử của anh, mà hậu quả sẽ là một khủng hoảng ơn gọi:

* Biết Mình

Tự biết mình là yếu tố rất quan trọng để ứng sinh đạt được trưởng thành. Sau những năm học đại học, có lẽ ứng sinh đã hiểu được mình là ai, với tất cả những điểm mạnh và những điểm yếu. Nếu không có nhận thức rõ ràng về mình này, ứng sinh dễ có khuynh hướng tự đề cao về mình bằng sự phòng vệ. Sự kiện hầu hết chủng sinh không thể trực diện chính mình để biết mình là ai giải thích tại sao có quá nhiều sự không trưởng thành hay tự đánh giá thấp nơi các thầy thần học, ngay cả nơi các linh mục mới chịu chức nữa.

* Vấn Đề Sự Thân Mật Và Tính Dục

Là sinh viên tốt nghiệp đại học, nhiều chủng sinh có thể đã có người yêu trong thời gian học đại học; vấn đề sự thân mật và tính dục trở nên có thật. Chủng viện sẽ xây dựng một lối sống khả dĩ ngăn ngừa cách hữu hiệu các lối giải quyết cho những chiến đấu của họ. Chọn sống độc thân là một chọn lựa tự do. Họ phải đương đầu và làm việc để vừa thắng vượt các chiến đấu này, lại vừa thăng tiến chọn lựa của mình. Nếu địa hạt này không được trực diện và giải quyết, những vật lộn này sẽ trở lại với họ, ngay cả sau khi đã thụ phong linh mục. Giáo Hội muốn tránh điều đó, nhưng tiến trình khó khăn ấy cần có thời gian và những cố gắng chân thành. Trong “Truyện Kiều,”297 Nguyễn Du diễn tả “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng,” nghĩa là “tuy đã chia tay, sự gắn bó dịu dàng vẫn còn.”

* Quyền Bính

Quyền bính quả là một cơn cám dỗ, đặc biệt trong bối cảnh văn hoá tập trung quyền bính của Việt Nam, do ảnh hưởng của Khổng Giáo và quyền bính phẩm trật của Đạo Công giáo. Thật là ích lợi cho các chủng sinh khi được đối mặt với những gương mặt quyền bính khác nhau, nhờ đó họ có cơ hội xác định và điều khiển tự do của mình, hầu làm phát triển một thái độ lành mạnh đối với quyền bính. Khả năng tạo thế quân bình giữa phục tùng và tự lập nằm ở chính đức vâng lời. Việc linh hướng phải giúp chủng sinh biết nhận ra, đối diện và giải quyết các vấn đề này, hầu tránh được các vấn đề về quyền bính có thể nổ ra sau này, gây nên các mối liên hệ căng thẳng với Giám mục và giáo dân. Ngoài ra, người ta cũng muốn vượt thắng ba loại tùng phục (quyền phục, lý phục và tâm phục). Sự kính trọng thái quá đối với các linh mục và chủng sinh của giáo dân Việt Nam có thể gây cớ cho họ trở nên độc tài và quan liêu, hách dịch.

     4. Đánh Giá Động Lực Nội Tâm

Vị linh hướng sẽ giúp chủng sinh phân tích và đánh giá hai yếu tố này:

           a. Tính Hấp Dẫn Của Ơn Gọi

Thiên Chúa có thể nói gián tiếp với chủng sinh qua Kinh Thánh, qua Giáo Hội, qua gia đình và qua những nhu cầu của cuộc sống con người. Ngài cũng có thể trực tiếp đánh động con tim và làm cho sự lôi cuốn lớn lên thành cốt lõi của ơn kêu gọi. Nhưng tính hấp dẫn này phải được phân định qua việc linh hướng để nắm chắc rằng chủng sinh đáp ứng được các khía cạnh thiêng liêng và tông đồ của một cam kết dấn thân phục vụ Giáo Hội;

           b. Biểu Lộ Cụ Thể Của Ý Hướng Ngay Lành

Tự do lương tâm là điều cần thiết cho quyết định làm linh mục. Vị linh hướng phải giúp chủng sinh khám phá ra những gì Thiên Chúa thực sự kêu gọi anh trở thành và thực hiện. Đáp trả tự do của anh sẽ là cốt lõi sự cam kết của anh và động lực xứng hợp sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự bền đỗ, khi anh cụ thể bày tỏ ý hướng ngay lành muốn làm linh mục.

Trong năm thực tập mục vụ và hai năm thần học cuối, chủng sinh phải tìm cho được lời khẳng định rằng  Chúa muốn anh quyết định trở thành linh mục. Theo Thánh Ignatio, chủng sinh phải hiểu rõ sâu xa những điểm mạnh cũng như những điểm yếu của mình. Anh phải được giúp tìm biết cách ý thức chính mình, cũng như động lực vô thức của anh, ngõ hầu anh thấy được anh phải biến đổi trong cái gì. Chủng sinh phải đánh giá lại lời mời gọi của Chúa và sự đáp trả của anh để có được một cam kết sâu xa hơn. Anh cũng phải nội tâm hóa dấn thân của anh, cũng như cụ thể hóa đời sống sứ vụ của một linh mục triều, qua việc anh gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Đấng là nguyên thuỷ và cùng đích của mọi ơn gọi (x. Ga 15, 16).

Sau khi đã chú ý lắng nghe với biện phân và khiêm tốn, vị linh hướng có thể khám phá được người thụ hướng được Chúa gọi hay không. Nếu có, ngài xác định cho anh tiếp tục đi tới với niềm vui tươi, hy vọng và hạnh phúc, mặc dù anh sẽ gặp thấy những khó khăn và đen tối trong cuộc sống lữ hành của anh. Nếu không, ngài nên  gợi ý cho anh đổi hướng sống trong bình an, đồng thời bước theo con đường Chúa mời gọi anh đi với can đảm và hạnh phúc.

 

D. Đời Sống Cầu Nguyện Và Đời Sống Nội Tâm

     1. Định Hướng Căn Bản Cho Đời Sống Thiêng Liêng Sâu Xa:

Yếu tố quan trọng nhất trong việc đào tạo thiêng liêng là cầu nguyện, vì việc cầu nguyện nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng.

Trước khi vào Chủng viện, các chủng sinh đã từng kinh nghiệmvề kinh nguyện Kitô giáo: cầu nguyện cá nhân, cầu nguyện cùng cộng đoàn và cầu nguyện trong phụng vụ. Họ đã được khai tâm bởi nhiều người và nhiều cách khác nhau, tùy theo sự khác biệt trong hành trình và sự đa dạng của các trào lưu đạo đức trong Giáo Hội Công giáo.298 Như thế, ít nhiều chi họ cũng đã nếm trải được niềm vui và sự khô khan trong việc cầu nguyện (x. Rm 8, 26). Do đó, việc huấn luyện cầu nguyện, vốn là cách biểu lộ đặc biệt đức tin và đức cậy của chúng ta nơi Chúa, sẽ không bao giờ kết thúc. Cầu nguyện sẽ giúp mỗi người sống tiếp thông với Chúa. Việc đổi mới đời sống nội tâm này là điều kiện không thể thiếu của mọi cuộc canh tân hiệu quả của Hội Thánh.299

Theo truyền thống, việc huấn luyện cầu nguyện  là đối tượng được quan tâm đặc biệt, dựa trên hai bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể.300 Việc đào tạo này lưu ý đến tâm thức đương thời, tâm lý đạo đức của chủng sinh, cách thức họ sống đời tín hữu và ước muốn trở thành linh mục. Việc đào tạo này nhằm giúp chủng sinh thanh luyện và sửa chữa cách thức cầu nguyện của họ, đồng thời học lời cầu nguyện tông đồ và mục vụ cho sứ vụ mai ngày của họ.

Một quan niệm tiên quyết và đích thực phải có là cách cầu nguyện của linh mục triều khác với cách cầu nguyện của linh mục dòng. Linh mục triều cầu nguyện bằng sứ vụ của mình bất cứ giờ nào và bất cứ ở đâu. Gương mẫu của họ là chính Chúa Giêsu, Đấng luôn sống thân mật với Chúa Cha: Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, lúc ở nơi hoang vắng hay khi ở giữa đám đông dân chúng, lúc ban ngày hay suốt đêm khuya, sáng sớm tinh sương hay muộn màng lúc đêm về, lúc vui mừng vì phép lạ hay khi đau khổ nơi vườn Giêtsimani, hoặc trên thập giá trong giờ tử nạn. Linh mục triều cầu nguyện theo đường lối đó và trong sự hiện diện của Chúa.

Vì thế, chủng sinh phải học thiết lập một kỷ luật cho mình, trong cả hai chiều kích của đời sống cầu nguyện, cá nhân cũng như cộng đoàn. Anh nắm giữ kỷ luật ấy, cả trong thời gian đang học ở chủng viện, và suốt cuộc đời linh mục của anh trong tương lai. Hầu hết các linh mục rời bỏ chức linh mục là vì đã sao lãng hay bỏ bê không cầu nguyện nữa. Họ thi hành sứ vụ như là công chức vậy.

Việc huấn luyện cầu nguyện phải được thực hiện tương tác với việc đào tạo thần học, trong các khía cạnh đa dạng của nó, đời sống cộng đoàn, phụng vụ, khai tâm tiệm tiến vào sứ vụ và đời sống linh mục, bằng khoa sư phạm phù hợp với những con người, nơi chốn, thời gian và thực hành khác nhau.301

Vì thế, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc nhở các linh mục phải lấy Chúa Giêsu làm trung tâm đời sống và luôn kết hợp mật thiết với Chúa bằng cầu nguyện, suy niệm cá nhân hàng ngày, Phụng vụ các Giờ Kinh và Thánh Thể. Rồi Ngài kết luận : “Nếu anh em đầy Chúa, anh em sẽ là những tông đồ đích thực của công cuộc truyền giáo mới,   vì không ai có thể cho cái mà họ không có trong tâm hồn.” 302

    2. Ba Đặc Tính của Cầu Nguyện:

        a. Lời Cầu Nguyện Kitô Giáo303

Lời cầu nguyện Kitô giáo giúp chúng ta khám phá và gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng làm cho ý hướng  phàm nhân được siêu thoát. Đó là một dấn thân cá nhân của con người đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa trong mỗi phút giây, nhờ Chúa Thánh Thần trợ giúp (x. Rm 8,26). Lời cầu nguyện Kitô giáo được đồng hóa với lời cầu nguyện của Đức Kitô, Đấng mang lấy cả loài người và dâng chính mình lên Chúa Cha.

Trong hiệp thông với Hội Thánh, mỗi người được mời gọi ca ngợi Thiên Chúa nơi các thánh, chiêm ngắm mầu nhiệm thánh ý Chúa, nài xin thoát khỏi những lo âu phiền muộn, giữ vững niềm tin, biết rằng mọi người trên thế gian đều phải gánh chịu cùng một nỗi thống khổ; cầu xin ơn cứu độ, xác tín rằng Thiên Chúa muốn mọi người được rỗi; hiến dâng chính mình và tất cả nhân loại, nhờ công việc của Chúa Thánh Thần; ăn năn thống hối (x. 1 Ga 1, 9); và cùng với mọi loài thụ tạo, tôn thờ Đấng Tạo Hóa.

Sau Chúa Kitô, Đức Maria là mẫu gương về đời sống cầu nguyện của mọi tín hữu. Mẹ đã ca ngợi  những kỳ công của Chúa, đón nhận mầu nhiệm cứu độ và  giữ vững đức tin sống động, cả dưới chân Thập Giá. Mẹ hằng cầu bầu cho các tín hữu và trở thành gương mẫu cho các linh mục trong đời sống cầu nguyện. Thật vậy, Tông Huấn Pastores Dabo Vobis dạy: “Mọi chiều kích của việc đào tạo linh mục đều có thể qui chiếu về Đức Maria … Nhờ gương mẫu và lời chuyển cầu của Người, Đức Trinh Nữ  luôn tĩnh thức dõi theo sự phát triển các ơn gọi và đời sống linh mục trong Hội Thánh.” 304

    b. Lời Cầu Nguyện Tông Đồ305 

Nhờ hoạt động, người môn đệ Đức Kitô loan báo Tin Mừng và khai mạc Nước Thiên Chúa. Nhờ cầu nguyện, người môn đệ nhận ra và làm chứng rằng Nước Trời là một quà tặng của Thiên Chúa, và ân huệ ấy phải được khẩn khoản nài xin bằng lời cầu nguyện. Chính Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài phải cầu nguyện cho Nước Thiên Chúa ngự đến (x. Mt 6, 9-10).

Công Đồng Vaticanô II khuyên dạy người Kitô hữu chúng ta cần để ý sâu xa hơn tới những khía cạnh tông đồ. Mục đích của việc tông đồ là làm cho người khác nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, Đấng không ngừng qui tụ mọi người từ khắp muôn phương. Như thế, chiều kích tông đồ thuộc về kinh nguyện kitô giáo. Không thể có đối nghịch và phân rẽ giữa cầu nguyện và hành động. Hành động là nơi người ta hao tốn nhiều sức lực, có khi đến cạn kiệt; còn cầu nguyện là nơi con người tái nạp lại năng lượng. Lời cầu nguyện tông đồ bảo đảm và ghi nhận xác tín rằng Nước Thiên Chúa đến không tùy thuộc hành động của con người, nhưng lệ thuộc vào hành động của Thiên Chúa.

Vì thế, việc đào tạo sống đời tông đồ và đào tạo cầu nguyện không thể tách rời nhau được. Khi linh mục xác tín hơn rằng mình phải ký thác cho Chúa Thánh Thần để trở thành dụng cụ mềm mại trong tay Thiên Chúa cho hoạt động tông đồ, lúc ấy ngài sẽ xác tín hơn về nhu cầu của lời cầu nguyện. Ngài sẽ hiểu rằng cầu nguyện không phải là một bổn phận phải chu toàn, nhưng là mối tương quan cần thiết với chính Thiên Chúa, Tác Nhân Chính Yếu của việc Nước Trời đến. Ngài sẽ giao phó chính mình cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, ý thức rõ ràng hơn các dấu hiệu cụ thể của Nước Trời đang đến và làm cho các dấu hiệu đó dễ dàng trở nên chất liệu để chiêm ngắm.

      c. Lời Cầu Nguyện Mục Vụ306

Lời cầu nguyện mục vụ là một trong những bổn phận của người mục tử, cả khi giáo dân tham gia vào các trách nhiệm mục vụ này. Những ai lãnh nhận trách nhiệm phục vụ cộng đoàn sẽ mang lấy cộng đoàn ấy vào trong lời cầu nguyện của mình.

Hoa trái của công tác mục vụ không phải là kết quả của sức con người, của tổ chức đẹp và linh hoạt tốt, nhưng là do công việc của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động cách nhiệm mầu trong cộng đoàn và trong từng thành viên của cộng đoàn ấy.

Các mục tử phải để Chúa Thánh Thần hướng dẫn chính họ, có thế thì các hoạt động của họ mới là của Ngài. Họ cũng phải xin Chúa làm công việc của Ngài ở trong cộng đoàn: mở lòng họ cho hoạt động của Ngài với tinh thần tông đồ.

Loại cầu nguyện này liên quan đến sứ vụ của toàn thể Hội Thánh, nhưng đặc biệt cho những ai, do nhiệm vụ, có trách nhiệm đối với cộng đồng Giáo Hội. Trách nhiệm này xuất hiện rõ nét nơi sứ vụ chủ tọa Bí tích Thánh Thể và cử hành Phụng Vụ các Giờ Kinh. Đối với vị mục tử, việc cầu nguyện cho dân chúng là một phần trong toàn bộ trách nhiệm mục vụ của ngài, một nghĩa vụ thường xuyên đích thực, “một mối nợ trong sứ vụ.”307

Lời cầu nguyện mục vụ là một hình thức của việc thực thi đức ái mục tử và của tình yêu Đức Kitô dành cho  Hội Thánh và hết thảy mọi người. Vì thế, lời cầu nguyện mục vụ nhắm đến toàn thể nhân loại mà Chúa Kitô đã hiến mình chịu chết, chứ không chỉ giới hạn vào cộng đoàn đã được tập họp.

3.  Phương Tiện Sư Phạm Trong Việc Huấn Luyện Cầu Nguyện

    a. Các Trách Nhiệm

Trách nhiệm đầu tiên của việc cầu nguyện thuộc về Hội Thánh. Các nhà huấn luyện nhận lãnh trách nhiệm hướng dẫn việc cầu nguyện của cộng đoàn, quan tâm đến sự tham dự của cả cộng đoàn và của từng người. Các ngài cũng phải ý thức giúp đỡ cộng đoàn Chủng viện và mỗi chủng sinh đi vào tinh thần của kinh nguyện  phụng vụ, ngõ hầu ai nấy đều có tâm thức Giáo Hội, hơn là coi đó như những thực hành hay những ưa thích cá nhân.

Dầu vậy, không có đối nghịch giữa cầu nguyện  cá nhân và cầu nguyện cộng đồng, bởi vì bất cứ buổi cầu nguyện cộng đồng nào cũng đòi hỏi mọi thành phần tham dự, và bất cứ lời cầu nguyện cá nhân nào cũng đều là sự kéo dài của kinh nguyện phụng vụ và đều hướng tới kinh nguyện phụng vụ. Nhưng cầu nguyện cộng đồng không chỉ đơn giản là tổng số những lời cầu nguyện cá nhân. Mỗi người đều có trách nhiệm về phẩm chất kitô và Giáo Hội của lời cầu nguyện cá nhân cũng như của lời cầu nguyện của cộng đoàn mình: sự hiệp nhất của các con tim  đang cầu nguyện (x. Cv 2, 46). Và lời cầu nguyện cộng đồng nâng đỡ lời cầu nguyện cá nhân: sự khích lệ nhận được từ lời cầu nguyện cộng đồng sẽ giúp mỗi người vượt qua những thử thách và những khó khăn mà mỗi người không thể tránh khỏi trong cuộc sống, chủng sinh cũng như linh mục.

      b. Những Nơi Chốn

Việc linh hướng là một chỗ đặc ân, nơi đó, với tin tưởng và tự do, mỗi chủng sinh có thể nói về đời sống cầu nguyện của anh, về phẩm chất kitô và Giáo Hội của lời cầu nguyện đó, kiểm chứng tính kiên trì của việc anh cam kết cầu nguyện cộng đồng cũng như cầu nguyện cá nhân, đặc biệt trong việc nguyện gẫm.

Việc linh hướng cũng là nơi huấn luyện cầu nguyện, vì nơi đây chủng sinh có thể bày tỏ những khó khăn, những tiến bộ hay thụt lùi, chiến đấu và niềm vui  của mình khi cầu nguyện. Trong chiều hướng này, vị linh hướng có thể giúp người chủng sinh, bị xô đẩy chán nãn, tìm ra hay tìm lại được con đường cầu nguyện, bằng cách khám phá ra và thử nghiệm những phương pháp thích hợp nhất sẵn sàng nâng đỡ anh và làm cho anh tiến bộ thực sự trong việc cầu nguyện cá nhân.

Vị linh hướng cũng phải làm cho đời sống cầu nguyện hội nhập hoàn toàn vào đời sống thiêng liêng, nhờ đó mỗi chủng sinh càng ngày càng học được làm sao đọc ra ý nghĩa thiêng liêng của các biến cố trong cuộc sống, chẳng hạn như lời mời gọi cá nhân phải hoán cải, việc loan báo Tin Mừng và tình hiệp thông huynh đệ …

     c. Các Thời Khắc

Đây là điều rất quan trọng: giúp chủng sinh ý thức sâu xa rằng đời sống thiêng liêng không thể chỉ đơn giản giản lược vào những thời khắc đặc biệt dành cho việc đọc kinh cầu nguyện, nhưng thời giờ cầu nguyện phải mở rộng ra trong toàn bộ cuộc sống. Người ta phân biệt cầu nguyện độc hữu và cầu nguyện liên lĩ. Giờ cầu nguyện độc hữu là chỉ dành cho việc cầu nguyện mà thôi, không làm chi khác. Còn cầu nguyện liên lĩ là cầu nguyện trong khi làm bất cứ việc gì.

Như thế, cầu nguyện góp phần vào sự thống nhất đời sống ơn gọi của chủng sinh, dù đôi khi cuộc sống ơn gọi đó gặp phải những khó khăn và thử thách. Các phương diện khác nhau của công cuộc đào tạo phải được tập hợp nhắm tới việc thống nhất đời sống, được kích hoạt bởi đức ái mục tử của Đấng Chăn Chiên Lành. Tất cả mọi người đều được mời gọi giúp đỡ lẫn nhau để đón nhận từ Chúa Cứu Thế sự phong phú nhiệm mầu của cuộc sống hiến dâng cho Chúa Kitô và cho tha nhân.

     4.  Sự Thinh Lặng: Điều Kiện Thiết Yếu Cho Đời Sống Nội Tâm

           a. Ý Nghĩa và Mục Đích của Thinh Lặng

Sự thing lặng không thể bị chia tách bên ngoài và bên trong được.308 Thinh lặng bên ngoài vừa là hy sinh hãm mình vừa là phương tiện bảo đảm sự yên tĩnh của tâm hồn, để hồi tâm và sống thân mật với Thiên Chúa.

Thinh lặng nội tâm là sự bình an của linh hồn, nghĩa là nỗ lực kiểm soát các đam mê, kiềm chế những tưởng tượng viển vông, lo âu, kích động thái quá hay những suy sụp chán nãn. Những tâm hồn tìm kiếm sự thánh thiện phải luyện tập để có sự bình an ấy: nếu không có thói quen tập luyện như vậy, thì cũng chẳng có thói quen tập nghĩ đến sự hiện diện của Chúa.309 Thinh lặng nội tâm là thái độ sâu xa của linh hồn tìm kiếm mọi sự từ Thiên Chúa và hoàn toàn qui hướng về Ngài.

Thinh lặng nội tâm cần đến và nuôi dưỡng thinh lặng bên ngoài, trong khi thinh lặng bề ngoài phục vụ cho mục tiêu của thinh lặng nội tâm. Vì thế, luật sống của Chủng viện phải coi thinh lặng bên ngoài như là ưu tiên, vì ở đâu thinh lặng bên ngoài không hiện hữu thì thinh lặng nội tâm cũng vắng mặt.310

        b. Giá Trị của Thinh Lặng311 

“Trong bối cảnh ồn ào và máy động như của xã hội chúng ta, thinh lặng là bầu khí thiêng liêng và sống còn để cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa.”312 Do đó, việc đào tạo thiêng liêng đòi hỏi sự thinh lặng của mỗi người trong cuộc sống hằng ngày, trong đời sống phụng vụ, và trong những dịp đặc biệt của những ngày tĩnh tâm hay cấm phòng. Nhờ sự thinh lặng, người chủng sinh biết chỗ của mình trước mặt Chúa, đồng thời tỏ lộ lòng khiêm tốn và khả năng lắng nghe của anh khi Chúa nói.

Nhờ sự thinh lặng của thân xác, của trí óc và con tim, anh mới có thể đạt tới sự hiệp nhất và hiệp thông với Chúa: “Hãy lặng thinh và hãy biết rằng Ta là Thiên Chúa” (Tv 46, 10). Như thế, “việc tìm kiếm thân mật với Chúa thực sự bao hàm nhu cầu sinh tử về thinh lặng của toàn thể con người.”313 Sự thinh lặng này không phải là một không gian trống rỗng, bởi vì Thiên Chúa luôn có đó để lấp đầy. Nhiệm vụ quan trọng nhất là phải ý thức rằng ta luôn ở trong sự hiện diện của Chúa và không thể tách khỏi Ngài.      

      c. Những Thách Đố của Thinh Lặng314

Thinh lặng là một trong những thách đố lớn nhất trong đời sống con người. Một số người tìm kiếm sự thinh lặng, nhưng nhiều người khác lại làm mọi cách để tránh nó. Nhưng thinh lặng hổ trợ lời nói, chuẩn bị lời nói và làm cho lời nói nên phong phú. Nếu không có thinh lặng thì có lẽ chẳng có ngôn ngữ. Lời nói cần thiết vì là phương tiện thông tin. Ngôi Lời, chìm sâu trong mầu nhiệm lặng thinh của Thiên Chúa để rồi giải thích và thông truyền Thiên Chúa cho con người. Đòi hỏi của thinh lặng và lời nói phải được cân bằng.

Vì thế, văn kiện Đào Tạo Thiêng Liêng Trong Chủng Viện mô tả rõ “thinh lặng nội tâm” - “thinh lặng bên ngoài”, và đòi hỏi thinh lặng nội tâm như là bầu khí đúng đắn của việc giáo dục tổng quát.315 Đức Gioan Phaolô II ước mong rằng “chủng viện phải là nơi của thinh lặng, là nhà cầu nguyện, nơi đó Chúa tiếp tục qui tụ  các môn đệ riêng ra, để họ sống cái kinh nghiệm mạnh mẻ của sự gặp gỡ và chiêm niệm.”316 Thinh lặng là một thách đố cho bất cứ ai muốn sống thật đầy ý thức, chăm chú, cảnh giác và hoàn toàn hướng về Thiên Chúa. Mỗi người cần nhìn thấy và tìm ra được những cơ hội khả dĩ cho  thinh lặng và đem chúng vào trong cuộc sống mình.

       d. Những Phương Tiện Thuận Lợi Cho Việc Giữ  Thinh Lặng317

           +  Thinh Lặng trong Phụng Vụ

Thinh lặng luôn là một phần của việc thờ phượng. Ta nên dùng kinh nguyện cộng đồng để dạy về thinh lặng. Phụng vụ cung cấp nhiều cơ hội để thinh lặng: Ngưng nghỉ một khoảng thời gian thích hợp sau mỗi bài đọc; nghỉ chốc lát để suy niệm sau bài giảng, hay sau lời kêu mời “chúng ta dâng lời cầu nguyện.” Sau hiệp lễ, nên dành một thời gian thinh lặng.

Trong Phụng vụ các Giờ Kinh cũng có nhiều dịp để thinh lặng: Sau vinh tụng ca và trước điệp ca của thánh vịnh kế tiếp, một chút ngưng nghỉ để cộng đoàn suy niệm về thánh vị đó; sau bài đọc Lời Chúa và trước xướng đáp, một lúc thinh lặng hợp lý để suy niệm.

Chúng ta chỉ chậm rải đi vào thinh lặng sâu lắng khi chúng ta ý thức sự hiện diện bí ẩn của Thiên Chúa. Cầu nguyện trở thành sự kết hợp những lúc thinh lặng và lời nói trong một thái độ chiêm niệm, và đời sống thiêng liêng được ẩn giấu với Chúa Kitô trong Thiên Chúa.318

           +  Thinh Lặng Trong Nhà

Thật là quan trọng khi nhận ra rằng có nhiều môi trường khác nhau trong nhà: Tầng trệt, sân chơi, phòng ăn và phòng khách của chủng sinh là những nơi thích hợp để chuyện vãn. Tuy nhiên, ở các hành lang trên lầu và các phòng của chủng sinh thì nên kiềm chế việc nói chuyện. Mọi người đều phải cẩn trọng để khỏi làm xáo trộn sự thinh lặng của người khác. Radio, máy nghe băng, Tivi, âm lượng trao đổi… phải được điều chỉnh để bảo vệ bầu khí chiêm niệm, vốn phù hợp cho đời sống cầu nguyện và học tập. Không đòi phải thinh lặng tuyệt đối, nhưng cuộc trao đổi phải được giữ ở mức tối thiểu.

         + Thinh Lặng trong Những Ngày Cấm Phòng hay Tĩnh Tâm

Đời sống thiêng liêng và sự trưởng thành thiêng liêng được triển nở khi thinh lặng trở thành một phần của đời sống con người. Các cuộc tĩnh tâm dành cho việc đào tạo và bồi dưỡng thiêng liêng là những cơ hội khả dĩ để trải nghiệm sự thinh lặng.

Những ngày cấm phòng và tĩnh tâm là những kinh nghiệm căn bản trong việc tìm lại nguồn năng lượng cho đời sống cầu nguyện và đức tin. Chủng sinh sẽ dần dần khám phá ra những điều kiện của đời sống cầu nguyện đích thực trong ơn gọi và đời sống thiêng liêng của mình.

Những ngày cấm phòng và tĩnh tâm còn là dịp để lấy lại sức lực cho thể xác, cho trí khôn và linh hồn. Càng cảm thấy dễ chịu khi sống thinh lặng trong nhà, người ta càng dễ đi vào những giai đoạn thinh lặng dài lâu hơn. Thinh lặng không có nghĩa đơn giản là không nói. Do đó, người tĩnh tâm nên được khuyến khích loại bỏ những mối bận tâm bên ngoài. Những thứ làm cho mình mất sự thinh lặng bề ngoài như báo chí, truyền  thanh, truyền hình … Tuy những biến cố xảy ra trên thế giới là một phần của đời sống cầu nguyện, chúng ta không cần phải quá chuyên môn để đem vào hết mọi biến cố. Càng đi vào thinh lặng và càng thăng tiến đời sống chiêm niệm, chúng ta càng có thể nghe tiếng Chúa với những âm thanh khác nhau và mới lạ.

Thật là quan trọng khi nhận ra rằng tĩnh tâm là thời gian để nâng cao ý thức. Người tĩnh tâm cần ở vị trí “là” hơn là “làm.” Sự chú tâm sẽ đạt được bằng cách  học cho biết thụ động lắng nghe. Merton nói rằng mức độ truyền thông cao nhất không phải là truyền thông nhưng là hiệp thông. Vì thế, trong thinh lặng, trong không gian vắng lời nói, người tĩnh tâm có thể trở nên một với Chúa. Nhiệm vụ thiết thực là phải thuyết phục rằng ngay cả giữa cuộc sống bận rộn và xôn xao, chúng ta vẫn có thể kết hợp nên một với Chúa. Thái độ chiêm niệm này là thích hợp, không những trong chủng viện, mà còn trải dài trong suốt cuộc sống sứ vụ. Thái độ cầu nguyện này có thể còn sinh hoa kết quả dồi dào hơn nữa. 

   5. Những Hình Thức Cầu Nguyện

        a.   Liên Quan Đến Lời Chúa

            1) Lời Chúa

Trong sắc lệnh Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục, Công đồng Vaticanô II nêu rõ: “Nhiệm vụ đầu tiên của linh mục là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho mọi người,”319 Kitô hữu cũng như không phải là kitô hữu; và Tông Huấn Pastores Dabo Vobis (Những mục tử như lòng mong ước) khẳng định “Linh mục trước tiên phải là thừa tác viên của Lời Chúa.”320 Lương thực đầu tiên nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của linh mục là Lời Chúa (x. Mt 4,4). Ai giữ Lời Chúa thì sống trong Chúa và tình yêu của Chúa được trọn hảo nơi người ấy (x 1Ga 2,5-6); và người ấy sẽ an toàn đi trên chính lộ đến cùng Chúa Cha (x. Ga 14,6). Lời Chúa ban sự sống đời đời (x. Ga 6, 68).

Suy niệm, sống và rao truyền Lời Chúa là bổn phận và sứ vụ của mọi người kitô hữu, nhưng còn hơn thế, đó là sứ vụ tiên quyết của linh mục (x. 1 Cr 9, 16). Chính Lời Chúa làm cho đời sống và sứ vụ của linh mục được triển nở và sinh hoa kết trái dồi dào trong chương trình cứu độ của thánh ý Chúa (x. Is 55,10-11, vì Lời Chúa khám phá ra điều bí ẩn trong linh hồn, chất vấn, sửa chữa, hoán cải, đổi mới và thánh hoá con người, với “một tâm hồn mới và một tinh thần mới” (x. Ezk 18,31), bằng cách làm cho  đời sống và hành động của con người được thấm nhuần những giá trị Phúc Âm.

       2) Lectio Divina

Ngày nay người ta tái khám phá ra giá trị và hiệu quả của việc đều đặn đọc và cầu nguyện Thánh Kinh, quen gọi là Lectio Divina. Nhiều linh mục và giáo dân làm chứng rằng họ đã tìm được nguồn lương thực nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng trong việc đọc và suy gẫm Lời Chúa hàng ngày hay hàng tuần. Bằng cách đặt cuộc sống mình dưới sức mạnh của Lời Chúa, người ta bộc lộ thái độ của người môn đệ lắng nghe, của người tôi tớ vâng lời, của Người Con đến để thi hành thánh ý của Cha. Lời Chúa đổi mới cái nhìn của chúng ta về mọi sự. Lời Chúa soi sáng trí khôn, mời gọi tới đức tin, mở lớn niềm hy vọng, thức tỉnh và đổi mới tình yêu.

Trong chủng viện, Lectio Divina được để cho sáng kiến của chủng sinh, với sự giúp đỡ của vị linh hướng. Khoa chú giải Thánh Kinh và Lectio Divina là hai bước biệt lập: qua việc chú giải Thánh Kinh, người ta học làm sao để thực sự đọc một bản văn với sự chú ý và khách quan, trong khi Lectio Divina gợi lên lòng khao khát học toàn bộ Kinh Thánh để khám phá và sống mỗi ngày một hơn sự phong phú bất tận của Lời Chúa.

         3) Phụng Vụ Các Giờ Kinh

Phụng Vụ Các Giờ Kinh là lời cầu nguyện của Hội Thánh. Nhịp điệu và cấu trúc của nó không ngừng hướng con tim và ý tưởng chúng ta về Chúa, Đấng là nguồn mọi thiện hảo. Đối với một số người, nguy cơ của việc cử hành cộng đồng Phụng vụ các Giờ Kinh là để cho mình bị lôi đi cách máy móc hời hợt, thiếu nội tâm hóa đầy đủ sự phong phú của lời kinh này. Nhưng việc đọc riêng Thần vụ này còn khó khăn hơn, song đây lại là cái thông thường trong đời sống của đa số các linh mục triều sau khi chịu chức.

Vì thế, trong các buổi gặp linh hướng, người ta phải lưu ý “trắc nghiệm” các chủng sinh trong những kỳ nghỉ và thời gian thực tập mục vụ: Sống xa chủng viện, lại nhiều ít ở một mình, đâu là chỗ họ dành cho Kinh Nhật Tụng? Khuyến khích các linh mục tương lai trung thành với Phụng vụ các Giờ Kinh được nhìn nhận như là một bổn phận, hoặc đề nghị họ thực hành cộng đồng thì chưa đủ. Cần làm cho họ có thể hiểu rõ sự phong phú và ý nghĩa của việc thực hành này, ngõ hầu họ đảm nhận nó như một bổn phận quan trọng của sứ vụ tương lai của họ, trong sự hiểu biết và xác tín.

          4) Nguyện Gẫm

Nguyện gẫm cá nhân hằng ngày là một thực hành cổ điển trong các chủng viện. Các chủng sinh được khuyến khích và giúp đỡ do được dạy cho biết nhiều phương pháp nguyện gẫm của nhiều trường phái linh đạo khác nhau. Họ có thể đi sâu vào một phương pháp thích hợp và khám phá ra cách thức riêng của mình để nguyện  gẫm, vượt quá các phương pháp trên.

Hình thức cầu nguyện bằng trí khôn này là một cuộc tìm kiếm đầy đủ và sâu xa sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa, như được mạc khải nơi các bản văn họ đọc. Họ đem hết trí tưởng tượng, tình cảm, trí khôn và ý muốn để chiêm ngắm những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Những khám phá như thế dẫn tới những biến đổi trong thái độ nội tâm và các động lực, ảnh hưởng đến cách ứng xử và làm phong phú mối tương quan của họ với Chúa (x. Lc 24,32).

Việc nguyện gẫm được hướng dẫn bởi các nhà đào tạo có thể giúp những người bắt đầu đi vào thực hành nguyện gẫm và làm cho họ có thể tự do chấp nhận một cách thức cụ thể để vượt qua các giai đoạn của thời gian  cầu nguyện này. Thời gian tĩnh tâm và cấm phòng là những thời khắc đặc ân để tập luyện thực hành nguyện gẫm. Nhờ vào bầu khí lắng nghe, trao đổi và khích lệ của các buổi gặp linh hướng, chủng sinh có thể nói và đánh giá những niềm vui và những khó khăn họ gặp phải, nhịp độ và những khám phá đã thực hiện. Đời sống nhóm cũng là nơi để trao đổi và chia sẻ hữu ích.

Nguyện gẫm phải là thời gian và nơi chốn  không gì có thể thay thế. Nó là một niềm vui và một trắc nghiệm lòng trung thành với Chúa, trong sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài. Sự khô khan không thể tránh khỏi và sa mạc là những cuộc tập luyện tốt để khỏi dính bén các ảo tưởng cho rằng mình trực tiếp nắm bắt được Chúa.

Sau cùng, nguyện gẫm là nơi tiếp nhận và tái khám phá Thiên Chúa, Đấng không ngừng tự hiến mình cho những ai hằng tìm kiếm Ngài. Nhờ việc nguyện gẫm hằng ngày, người ta hiệp thông với Chúa và kín múc được nghị lực phục vụ tha nhân. 

          5) Đọc Sách Thiêng Liêng

Cùng với Lectio Divina, phải kể đến thực hành đọc đều đặn sách thiêng liêng của các Giáo phụ, để có thể làm quen trong đức tin sứ điệp Tin Mừng được các chứng nhân sống động chuyển tải và phiên dịch. Việc đọc sách thiêng liêng được coi là suối nguồn rất giá trị giúp chủng sinh lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa và vận dụng cho các cuộc gặp linh hướng. Đọc sách thiêng liêng là một con đường đức tin được chia sẻ trong kinh nghiệm của người khác.

Điều quan trọng là sống làm sao. Tốt hơn là đọc ít đoạn rồi dừng lại để suy gẫm, thay vì đọc nhiều trang mà không để cho những điều đã đọc giúp mình tương quan thân mật với Chúa. Các sách thiêng liêng cổ thời hay hiện đại đều có thể giúp chúng ta lớn lên trong đời sống thiêng liêng mỗi ngày. Điều quan trọng không phải là đọc một bản văn, nhưng là tìm ra từ bản văn ấy cái giúp phát triển mối tương quan của một con người với Thiên Chúa.

     b. Biểu Tượng và Nghi Thức

           1)  Bí Tích Thánh Thể

Thánh Thể là “nguồn suối và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu, đồng thời là trung tâm của tất cả đời sống chủng viện.”321 Nhờ Thánh Lễ, tất cả và từng người tham dự vào lời cầu nguyện của Chúa Kitô. Thánh Lễ  không phải là một lời đáp trả cá nhân đối với tình yêu của Chúa Cha, nhưng là đại dương vô tận của những lời cầu khẩn, ca khen và dâng hiến của Chúa Kitô. “Thánh Thể nối kết trời với đất, ôm lấy và thấm nhuần tất cả tạo thành.”322 Điều thiết yếu là học cho biết làm sao để được Chúa Kitô “bắt lấy”, nên một với Ngài, nhờ đó trọn vẹn  đời sống chúng ta là một lễ vật.

Do đó, cử hành cách xứng đáng theo đúng luật phụng vụ thôi chưa đủ, cần phải có mối hiệp thông tâm hồn, nghĩa là sự tham dự sống động của tất cả mọi người. Trong chủng viện, đề nghị nhiều hình thức khác nhau là điều tốt: từ việc “viếng Mình Thánh Chúa” ngắn ngủi đến việc “thờ phượng” thường xuyên, như “đêm thờ phượng”, “Giờ Thánh”, “chầu Thánh Thể liên tục”… Chúa Kitô được tôn thờ dưới dấu chỉ khiêm tốn của miếng bánh là Đấng đã tự hiến chính mình vĩnh cửu cho Chúa Cha và đã trở nên lương thực cho tín hữu. Việc tôn thờ Thánh Thể thường xuyên giúp canh tân và xây dựng các cộng đoàn Giáo Hội trên khắp thế giới. Việc tôn thờ này mang lại nhiều nghị lực và hăng say cho các nhà truyền giáo, vì Thánh Thể là dấu chỉ thường xuyên của tình yêu Thiên Chúa.323

        2)  Bí Tích Sám Hối

Việc cử hành Bí Tích Hối Sám luôn là một cử hành phụng vụ, ngay cả với hình thức riêng tư của nó. Quả thế, thực hành bí tích sám hối là một yếu tố trong đời sống cầu nguyện của cả hai người, người xưng thú lẫn người nghe xưng thú. Trong chủng viện, các vị linh hướng luôn là thừa tác viên thường xuyên của bí tích này. Các ngài không chỉ khuyến khích các chủng sinh đều đặn thực hành bí tích này, mà còn giúp họ hiểu biết tốt hơn và cử hành nghiêm túc, vì bí tích này cũng là “một tập luyện tuyệt vời về nhân đức, đền tội…  là trường tu đức không thể thay thế, là một sự trợ giúp thực sự trên con đường thánh hóa và linh hướng.324

           3)  Lòng Sùng Kính Đức Maria

Đa số chủng sinh đều tự phát có lòng sùng kính Đức Maria với con tim chân thành. Trách nhiệm của các nhà huấn luyện là giúp họ biết sống lòng tôn sùng ấy một cách sâu xa. Lòng tôn sùng đích thực Đức Trinh Nữ Maria được đặc trưng qua thái độ sống đơn sơ và khiêm tốn theo gương của Ngài. Lòng sùng kính này được phát sinh từ việc chiêm ngắm mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.  Lòng sùng kính này hướng dẫn sống đời nội tâm và việc dâng hiến đời mình theo gương mẫu của Đức Maria, trong  lễ Mẹ Dâng Mình. Người ta sẽ không thể quên đặt lên hàng đầu chiều kích truyền giáo của lòng sùng kính Đức Mẹ.

Cách đơn giản, vô số tín hữu đã ưa thích việc lần hạt mân côi như là phương thế kết hiệp với Chúa qua kinh nguyện. Chuỗi mân côi là bản tóm lược của Phúc Âm.  Cầu nguyện chuỗi mân côi là tham dự vào đời sống và sứ vụ của Chúa Cứu Thế và Mẹ Người, Đấng đã trở nên mẹ của hàng linh mục cách đặc biệt. Mẹ dẫn dắt mọi người đến với Chúa Giêsu và Chúa Giêsu sẽ đưa họ tới Chúa Cha. Đây hẳn là hành trình đức tin chắc chắn theo gương Đức Trinh Nữ Maria.

    6. Những Cách Cầu Nguyện Của Người Á Châu Và  Việt Nam

          a. Từ Những Kinh Nghiệm Cầu Nguyện Trong Quá Khứ

Người ta cố gắng tập trung vào cả hai cách, cầu nguyện cộng đồng và cầu nguyện cá nhân. Vì thể xác có thể trở nên căng thẳng, sự chú tâm bị phân tán và dao động, người ta có thể dùng Kinh Thánh, các bài hát, đọc kinh, lần chuỗi để cầu nguyện và suy gẫm. Người ta cảm nhận được mối tương quan tốt với Chúa, nhưng đôi khi cũng bị chia trí, đôi khi rất căng thẳng và mệt mỏi, và thường làm theo thói quen như bổn phận phải làm. Với cầu nguyện cá nhân, đặc biệt là cầu nguyện thinh lặng và  suy gẫm trong tâm trí, nhiều sự chia trí chiếm lấy đầu óc và cản trở cầu nguyện. Nhiều lúc người ta kết thúc giờ cầu nguyện với khô khan trống rỗng, quên đi rằng nếu tinh thần có đi đâu đâu thì thân xác vẫn luôn có đó ở trước mặt Chúa.

      b. Đến Cầu Nguyện Trong Bối Cảnh Của Á Châu325

Khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống: Cách thức tín đồ Lão giáo, Khổng giáo và Phật giáo tọa tĩnh tòa sen tụng niệm có thể giúp chúng ta tái khám phá các hình thức chiêm niệm của cầu nguyện trong truyền thống kitô giáo và hội nhập chúng, bằng cách hướng chúng ta chú ý hơn nữa tới tư thế thân xác khi chúng ta cầu nguyện.326 Các thực hành Zen hay Yoga có thể được dùng để giúp chủng sinh làm quen với ý thức sự hiện diện của Chúa. Đó là một cảm nhận chính mình như một toàn thể tinh-thần-thân-xác trong tương quan với Chúa. Dần dần người ta sẽ đắc thủ được thói quen ý thức, bằng cách tập sống sự hiện diện của Chúa, nghĩa là thường xuyên hướng chú ý của mình về sự hiện diện đầy yêu thương và sống động của Chúa ở trong và quanh mình. Thời gian thinh lặng của những ngày tĩnh tâm hay cấm phòng cống hiến những cơ hội thuận lợi để phát triển sự ý thức này ở một mức độ sâu hơn.

Một cách tốt để các chủng sinh khởi đầu là họ bỏ ra 15 hoặc 20 phút, hay lâu hơn nếu họ muốn, để tạo một tư thế thư giản bằng cách kiểm soát hơi thở (hít vào và thở ra thật sâu); đồng thời tẩy bỏ khỏi đầu óc bất cứ bận rộn hay suy nghĩ nào, và để chìm sâu trong sự hiện diện của Chúa ở trong và ở quanh họ.

Sau một lúc, họ được nhắc nhở đi vào một cuộc đàm thoại đơn sơ, sâu lắng với Chúa đang hiện diện, về bất cứ cái gì đang chất chứa trong tâm hồn họ lúc đó. Có lẽ họ chẳng có gì để nói mà chỉ thích ngồi lắng nghe Chúa. Giây phút thinh lặng này thật bình an và thoải mái. Nếu cứ tập luyện mỗi ngày, họ sẽ khám phá được rằng  dần dần họ trở nên càng ngày càng chú tâm vào Chúa hơn, và rằng họ đang lớn lên trong hiểu biết, nhẫn nại và yêu thương đối với những người xung quanh.327

      c. Ích Lợi của Cách Cầu Nguyện Á Châu

Các tôn giáo Á Châu giới thiệu nhiều cách thức cầu nguyện đưa dẫn và thúc đẩy trọn vẹn con người vào cầu nguyện: thể xác, trí khôn, con tim, trí nhớ, trí tưởng tượng, hơi thở, tư thế thân xác và ngay cả môi trường bên ngoài đều được sử dụng cho việc cầu nguyện, và người ta gọi đó là “thân xác cầu nguyện.” Phương pháp này nâng cao phẩm chất của cầu nguyện, cũng như phẩm chất của người cầu nguyện.

*    Việc thực tập lắng nghe này làm chủng sinh dễ dàng đi vào tiếp xúc và hiệp thông với Chúa. Sự ý thức thụ động này giúp họ mở rộng lòng và “phó mặc” cho ơn Chúa hoạt động. Thái độ đón nhận thụ động này mang lại sự thinh lặng nội tâm cần thiết cho việc cầu nguyện, nhờ đó họ được Lời Chúa Kitô và ơn Chúa Thánh Thần đánh động và biến đổi.

*    Thực hành thư giãn tạo nên bình an nội tâm và sự hài hòa làm cho tiến trình cầu nguyện được dễ dàng, trong khi thực hành tập trung cao độ lại rất hữu ích cho đời sống cầu nguyện. Nhịp thở có thể giúp gia tăng sự chú ý, tập trung và ý thức, là những cái làm cho tiến trình cầu nguyện của con người được dễ dàng.328

     d. Cầu Nguyện Tập Trung Và Niềm Vui Thiêng Liêng  

Các bậc thầy Zen hay Yoga có thể cầu nguyện (suy niệm và chiêm niệm) liên tục nhiều giờ. Họ cầu nguyện bằng tâm trí hay chính xác hơn là bằng cách tập trung tư tưởng.329 Đây là một hình thức cầu nguyện rất  đơn giản, thường không dùng lời nói (cầu nguyện bằng lời). Để đi vào cầu nguyện tập trung, ta phải để mình hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa và để cho tình yêu của Chúa Thánh Thần chi phối. Hãy lặn xuống trong sâu thẳm cõi lòng, nơi đó Thiên Chúa đang thực hiện những điều kỳ diệu; và hãy mở lòng cho Chúa Thánh Thần đang cư ngụ trong ta.

Phương pháp của cầu nguyện tập trung là:

* Ngồi yên lặng, tư thế thoải mái và thư giãn;

* Nghỉ ngơi trong lòng khao khát Chúa;

* Hướng vào trung tâm bản ngã của mình;

* Trong yên lặng, ý thức sự hiện diện của Chúa và bình an hấp thụ tình yêu của Ngài.330

Ngày nay, nhiều người công giáo học theo phương pháp cầu nguyện này. Các nhà đào tạo có thể thực hành và dạy chủng sinh áp dụng phương pháp này trong đời sống cầu nguyện của họ. Nếu kiên trì tập luyện thì ngày qua ngày, cầu nguyện tập trung sẽ giúp họ đi vào hiệp thông với Chúa ở mức độ sâu thẳm nhất của chính họ. Họ sẽ cảm thấy bình an hơn và càng ao ước mối tương quan yêu thương này với Chúa. Họ sẽ được thúc đẩy tìm kiếm sự kết hiệp chiêm niệm sâu xa hơn nữa, mà bất cứ người sống đời dâng hiến nào cũng đều được mời gọi.

Nếu nguyện gẫm được mô tả như lời cầu nguyện của tâm trí tìm biến đổi con tim, thì chiêm niệm là lời cầu nguyện của con tim sẽ biến đổi tâm trí. Cầu nguyện tập trung có thể giúp những người tìm kiếm Chúa kinh nghiệm được lợi ích tuyệt vời này. Thay vì dùng nhiều lời, ta có thể bắt đầu cầu nguyện tập trung bằng cách chọn một lời thôi: một lời thánh thiêng mang một ý nghĩa đặc biệt, có thể là một danh hiệu của Chúa, hay một lời rút ra từ  Thánh Kinh.

Sau khi đã ổn định được tư thế thoải mái và thư giãn để cầu nguyện, hãy để nhịp thở nhẹ nhàng và đều đặn, hãy nhắm mắt lại và nói lên trong thinh lặng lời thánh thiêng đó, chú tâm vào sự hiện diện của Chúa và biểu lộ lòng ưng thuận của mình cho hoạt động của Ngài nơi bản thân mình. Khi những tư tưởng hay cảm nhận, những hình ảnh và kỷ niệm nổi lên làm chia trí, hãy nhẹ nhàng quay trở lại với lời thánh thiêng đó và để nó chiếm lĩnh hiện trường của ý thức. Không cần phải làm gì nhiều hơn thế. Không có gì đặc biệt để phấn đấu hay bất cứ kết quả rõ ràng nào để đạt cho được. Khi thời giờ cầu nguyện đã hết, từ sâu thẳm cuộc đối thoại thinh lặng với Chúa, hãy từ từ trở về cùng thế giới bên ngoài và những hoạt động thường nhật của mình.331 

   e.  Vượt Qua Những Khó Khăn và Kiên Trì Trong Đời Sống Cầu Nguyện332

Người ta phải nhắc các chủng sinh nhớ những thực tế này: Họ có thể gặp nhiều khó khăn trong suốt hành trình cầu nguyện của mình. Cầu nguyện không chỉ gồm toàn những kinh nghiệm vui mừng và thích thú. Khô khan và tăm tối cũng là một phần thiết yếu trong  quá trình trưởng thành và biến đổi. Tự biết mình không phải luôn luôn là một kinh nghiệm vui thích, nhưng thông thường là một quá trình đau đớn của sự chấp nhận chính mình để được chữa lành. Họ phải học sống khiêm nhường, siêu thoát, từ bỏ và quên mình để chiến đấu chống lại tính kiêu căng tự mãn với tất cả những sức kháng cự tiềm ẩn của nó. Chỉ với lòng khiêm tốn và sự cởi mở với ơn Chúa, họ mới có thể đương đầu trong cuộc chiến đấu này.

Cách cầu nguyện Á Châu này thúc đẩy trọn vẹn con người vào trong mối tương quan với Chúa và làm biến đổi con người cách lớn lao trong mọi chiều kích (thể lý, tâm lý và thiêng liêng): Siêu nhiên không phá hủy tự nhiên, nhưng thăng tiến tự nhiên. Vậy, một khi áp dụng cách thực hành lắng nghe, thư giản và tập trung, người ta càng trở nên ý thức hơn mình là ai và phải làm gì, không chỉ trong lời cầu nguyện mà còn trong đời sống hằng ngày của mình nữa.

      7. Để Thành Người Lãnh Đạo Cầu Nguyện

           a.  Học Làm Sao Chủ Sự Cầu Nguyện

“Linh mục chỉ có thể huấn luyện người khác trong trường cầu nguyện của Chúa Giêsu, nếu chính Ngài đã được huấn luyện trong trường đó và tiếp tục nhận được sự đào luyện này.”333 Một khía cạnh căn bản trong chiều kích mục vụ của cầu nguyện là việc chủ sự cầu nguyện, phụng vụ và các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể.

Các chủng sinh luân phiên với các nhà đào tạo trong việc hướng dẫn giờ Kinh Sáng và giờ Kinh Chiều. Những cơ hội này cung cấp cho họ kinh nghiệm hướng dẫn cầu nguyện, là một trách nhiệm hàng đầu của linh mục. Một trong những vai trò của việc cử hành là giúp cộng đoàn cầu nguyện, bằng cách làm cho cộng đoàn có thể đi vào trong chính mầu nhiệm đang cử hành. Tất cả những tác viên khác của cử hành phụng vụ đều có vai trò của họ, nhưng vai trò của linh mục có tầm quan trọng hàng đầu. Sự hiện diện, những lời suy niệm và phẩm chất các bài giảng của ngài đều mang tính thúc giục quyết tâm.

Tuy nhiên, linh mục chủ sự đôi khi có cảm giác mình không thể cầu nguyện sốt sắng được. Ngài thường bị chi phối bởi tiến trình cử hành, bởi những chi tiết của việc tổ chức và bởi những phản ứng của cộng đoàn. Đôi khi ngài cảm thấy không hài lòng.

Vì thế, các linh mục tương lai cần phải được chuẩn bị cho lời kinh phụng vụ mà họ sẽ chủ sự, về phương diện kỹ thuật cũng như phương diện thiêng liêng, để họ sống những gì họ nói và thấy. Nếu được chuẩn bị thực sự, vị chủ sự sẽ cảm thấy tự do hơn để cầu nguyện và qui tụ lời cầu nguyện của cộng đoàn lên Chúa. Vị chủ sự luôn nói “chúng ta:” ngài không thể cầu nguyện giống hệt như các thành viên khác của cộng đoàn cầu nguyện, họ vốn không có một trách nhiệm đặc biệt gì. Ngài phải hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện, bằng cử chỉ và lời nói, và ngài cầu nguyện nhân danh toàn thể cộng đoàn. Vị chủ sự phải chú tâm đến những lúc suy niệm trong phụng vụ, đúng theo nghi thức. Như thế, khi vị chủ sự cầu nguyện trong vai trò của mình và đúng theo vai trò của mình, ngài sẽ cầu nguyện cách cá nhân.

Trong thời gian ở chủng viện, việc huấn luyện phụng vụ phải cung ứng cho chủng sinh một sự chuẩn bị tốt cho việc cử hành, không chỉ về mặt kỹ thuật, mà nhất là về mặt thiêng liêng. Phải quan tâm cho các chủng sinh có cơ hội lên tiếng trong cử hành phụng vụ (chẳng hạn vào lúc bắt đầu Thánh Lễ). Việc đó khiến họ cố gắng giúp cộng đoàn đi vào cầu nguyện. Trong việc thực thi sứ vụ của mình, các phó tế được chủ sự bí tích Thánh Tẩy, bí tích Hôn Phối và nghi thức An Táng. Đừng quên tiếp tục đồng hành giúp họ khám phá ra phận vụ của họ.

     b.  Học Hướng Dẫn Dân Chúa Trong  Hành Trình Thiêng Liêng của Họ

Các ứng sinh linh mục phải chuẩn bị chính họ để trở thành Thày dạy Lời Chúa, Thừa tác viên Bí tích, và Người Lãnh Đạo Cộng đoàn. Nói cách khác, họ phải học làm sao hướng dẫn cộng đoàn Dân Chúa trong đời sống thiêng liêng, đặc biệt trong việc linh hướng. Trong lãnh vực này, ta phải điều chỉnh lại quan niệm cho rằng mọi linh mục đều có thể trở thành vị linh hướng, vì ngày nay việc linh hướng và xưng tội có thể tách biệt nhau. Những ai muốn và được cắt cử làm linh hướng phải được Chúa Thánh Thần kêu gọi và phải được đào tạo kỹ lưỡng. Do đó, tất cả các chủng sinh, nhất là các thày trong năm phó tế, phải học nghệ thuật và kỹ năng làm linh hướng.334

 

E. Cơ Cấu Của Việc Đào Tạo Thiêng Liêng

     1. Việc Đào Tạo và Toà Trong/Toà Ngoài335

         a. Định Nghĩa Từ  Ngữ 

“Toà” là một từ gốc Latinh và là một thuật ngữ luật pháp, có nghĩa là một nơi công cộng mà ở đó sự công bằng được xác lập. Trong quá khứ, người ta phân biệt toà trong như nơi phán xử lương tâm của một người và toà ngoài như toà án của người đời, chẳng hạn như chính quyền hay công an. Trong việc biện phân ơn gọi, toà được quan niệm như “quyền” phê phán ơn gọi của một chủng sinh hướng tới chức linh mục. Ở đây cũng có hai mức độ, toà ngoài và toà trong, nhưng đối tượng của phê phán không hoàn toàn như nhau, tùy theo từng toà.          

         b.  Toà Trong

Khi nói về toà trong, người ta có ý nói về việc phán xét trong lương tâm của chủng sinh. Anh quyết định tự trình diện với Hội Thánh để trở thành một linh mục, vì anh cảm thấy được Chúa gọi. Chính anh phân định ơn gọi của anh, dưới sự hướng dẫn của vị linh hướng. Việc này theo sau một thời gian suy nghĩ chín chắn, từ đó, theo sự phán đoán của chính mình, anh đánh giá rằng  anh có khả năng phục vụ Hội Thánh như linh mục. Việc suy nghĩ này được tiến hành dưới hình thức một phân định thiêng liêng về thực tại khách quan của tác vụ linh mục và thực tại chủ quan của lời mời gọi cá nhân và duy nhất của anh, qua đối thoại với một vị linh hướng. Chính với vị linh hướng mà việc phân định ơn gọi được hoàn tất.

Mặc dù toà trong là lương tâm của chủng sinh, nhưng không có nghĩa là vị linh hướng không có vai trò gì trong tiến trình này. Thường thường vị linh hướng đi vào trong tiến trình này bằng cách cống hiến ý kiến riêng  làm sao ngài kinh nghiệm rằng chủng sinh ấy được Chúa gọi. Vị linh hướng có lý mạnh để can thiệp, nếu ngài cảm thấy người thụ hướng đang làm một lầm lỗi nghiêm trọng. Nhưng trong mọi trường hợp, chủng sinh không thể được bảo phải làm gì, ngoại trừ  khẳng định rằng đó là đánh giá, phán đoán, và quyết định của anh. Sự hiện hữu của tòa trong vẫn cần thiết trong nhiều con đường Chúa gọi một con người. Quả vậy, tòa trong là nơi một chủng sinh nắm lấy tiếng gọi, một cách nội tâm và tự do, qua bất cứ con đường nào mà lời mời gọi ấy đạt tới anh.

          c.  Toà Ngoài

Toà ngoài là quyết định và phê phán  của người khác hơn là của chủng sinh. Trong trường hợp đánh giá một thanh niên có thích hợp với chức linh mục hay không, trách nhiệm cao nhất thuộc về Giám Mục. Trách nhiệm này thường được ngài uỷ cho những người thích hợp. Tại Việt Nam, đó là những thành viên thuộc hội đồng chủng viện. Hội đồng này phải phán quyết một thanh niên có thích hợp hay không để trở thành linh mục. Trong tiến trình đánh giá cuối cùng, hội đồng sẽ giới thiệu ứng viên lên Giám Mục xin ngài phong chức.

       2. Tiến Trình và Sự Tương Tác Giữa Hai Tòa

            a. Khác Biệt Nhưng Bổ Túc Cho Nhau 

Toà trong đóng vai trò bổ túc, nhưng lại hoàn toàn khác biệt với toà ngoài. Thật vậy, điều mà vị  linh hướng khám phá về chủng sinh ở toà trong sẽ không được tiết lộ ra ở toà ngoài. Dữ kiện này có cùng một qui chế như của toà giải tội.336 Điều này không chỉ để bảo vệ   chủng sinh, mà còn cống hiến cho anh sự tín nhiệm và tin tưởng rằng điều gì anh đã bộc lộ ở tòa trong vẫn được giữ kín.

Trong quá trình phân định ơn gọi, mối quan tâm của cả hai người, chủng sinh và vị linh hướng, là lợi ích của Hội Thánh. Chủng sinh không tìm phân định ý riêng hay ước vọng cá nhân của mình. Đúng hơn, anh tìm khám phá ý muốn của Chúa cho anh, bằng cách phân tích các khả năng và động lực của anh đối với những kỳ vọng và nhu cầu của Hội Thánh. Do đó, ở toà trong, vị linh hướng không chỉ là người thụ động lắng nghe, song ngài phải sẵn lòng và có khả năng thách đố và đối đầu, khi sự việc đòi hỏi, để giúp chủng sinh trải qua một tiến trình phân định ơn gọi đích thực.

Thông thường ở toà ngoài, vị Giám đốc chủng viện có trách nhiệm hàng đầu trong việc đánh giá tính thích hợp hay không của chủng sinh với chức linh mục. Vì thế, ngài không thể đóng một vai trò nào ở toà trong. Sự hiểu biết có được về chủng sinh ở toà ngoài đều do nhận xét của nhiều nhà đào tạo. Vì toà ngoài không trực tiếp nghiên cứu sâu vào nội tâm của chủng sinh, nên sự hiểu biết có được thường có một mức độ chắc chắn khác và ít hơn sự chắc chắn có được ở tòa trong.

Một câu hỏi căn bản là: Người này có được Chúa kêu gọi không? Tất cả các nhận xét đều nhằm trả lời câu hỏi này. Trong khi tìm trả lời câu hỏi này, các nhà đào tạo sẽ thừa nhận với tất cả khiêm tốn rằng Chúa kêu gọi người yếu đuối để làm xấu hổ kẻ hùng mạnh! (x. 1Cr 1, 26-29). Không phải Giáo Hội kêu gọi ứng sinh, nhưng là chính Thiên Chúa. Vai trò của Giáo Hội là đánh giá lời kêu gọi ấy và rồi chấp nhận ứng sinh với vui mừng và tạ ơn Thiên Chúa.      

       b. Thực Hành Chuyên Biệt

Vị linh hướng không bao giờ được nói về những người ngài tháp tùng, không nói với hội đồng và cũng chẳng nói riêng với ai ngoài hội đồng, không được lên tiếng để kết án mà cũng chẳng được lên tiếng để bảo vệ: ngài phải im lặng khi hội đồng nói về người thụ hướng của mình. Chỉ vị Bề Trên nói lại cho chủng sinh ý kiến của hội đồng và đại diện cho hội đồng chủng viện bên cạnh Giám Mục. Một cách rõ ràng, sự bảo mật này là bảo đảm cho tự do nội tâm của chủng sinh. Nhưng vị linh hướng có thể nghe trong hội đồng những quan điểm khác quan điểm của ngài về người thụ hướng của ngài. Như thế, vị linh hướng có thể được thông tin về những yếu tố khác, nhờ đó ngài sẽ phân định tốt hơn phán đoán của ngài và chọn lựa sự giúp đỡ thích hợp mà ngài có thể mang lại cho người thụ hướng của ngài.

Toà ngoài sẽ hình thành phán quyết của mình về các chủng sinh từ sự hiểu biết trong việc tháp tùng hằng ngày của tiến trình đào tạo, bởi vì cuộc sống hàng ngày mạc khải trọn vẹn tất cả con người. Như thế, cả hai toà trong và toà ngoài không đối nghịch nhau, nhưng bổ túc cho nhau để phục vụ một công việc của Hội Thánh.

         c. Khác Biệt

Rõ ràng vì có hai toà cùng trong một tiến trình phân định ơn gọi, nên luôn có khả năng là kết quả không đồng ý được với nhau.

Một đàng, có thể xảy ra là một người đã tự trình diện với Giáo Hội như một người đã được kêu gọi, nhưng anh lại nhận thấy rằng cảm thức được gọi của anh là sai lầm. Thế mà, vị giám đốc và hội đồng có thể đã đi tới quyết định rằng người này rất xứng đáng và có khả năng theo đuổi việc chuẩn bị chịu chức linh mục. Trong trường hợp này, vị giám đốc và hội đồng chỉ có thể chấp nhận sự chân thành trong nhận định mới của người đó, tin tưởng rằng Chúa sẽ sử dụng anh cách tốt lành cho lợi ích của Giáo Hội.

Trường hợp khác biệt thứ hai không dễ giải quyết. Đó là trường hợp khi vị giám đốc và hội đồng  đều đồng ý rằng, trong thời gian này, không nên cho chủng sinh này tiếp tục ở trong chủng viện nữa, trong khi đó anh ta lại xác tín rằng anh được Chúa kêu gọi làm linh mục. Tiến trình phân định ơn gọi và những quyết định của chủng sinh này không thể phủ nhận. Tuy nhiên, căn bản của quyết định tòa ngoài phải được giải thích cho ứng sinh, để anh có thể cố gắng hiểu và chấp nhận quyết định đã được đưa ra ở tòa ngoài. 

Tòa ngoài có thể đồng ý rằng chủng sinh này có một đặc tính, hay một thái độ có thể làm thiệt hại việc anh thực thi phận vụ với tư cách linh mục, nhưng có thể sửa chữa được. Trong trường hợp này, nên yêu cầu ứng sinh rời khỏi chủng viện và ra sống ở ngoài chủng viện cho tới khi vấn đề đã được sửa chữa. Như thế, cánh cửa chủng viện không hoàn toàn đóng lại đối với anh. Anh được khuyến khích tiếp tục tương quan linh hướng, ngõ hầu khám phá ra Chúa kêu gọi anh thế nào để phục vụ Hội Thánh Chúa và Dân Người.

Thông thường hơn, toà ngoài đạt tới một quyết định rằng người nọ quả thực không thích hợp để được chấp nhận là ứng sinh linh mục. Chắc chắn điều đó phải được giải thích cho anh cách tế nhị và tình cảm. Ở Việt Nam, quyết định rời khỏi chủng viện chịu ảnh hưởng sâu xa bởi gia đình và áp lực của xã hội, cũng như bởi cảm thức xấu hổ, ân nghĩa và tình bạn bè. Chủng viện nên hướng dẫn anh làm một chọn lựa đúng đắn và giúp họ vượt qua các khó khăn. Trong việc này, Giám Mục nên ủng hộ quyết định của chủng viện.337

 

F. Những Tác Nhân Đào Tạo

       1. Cộng Đoàn Giáo Dục

“Việc đào tạo linh mục được hiệu quả nhất ở trong cộng đoàn, được hiểu như một mạng lưới hữu cơ của mối tương quan liên nhân vị.”338 Vì thế, chủng viện phải được quan niệm như một cộng đoàn giáo dục,339 nơi mà chủng sinh được hướng dẫn “không chỉ tới chức linh mục, song còn khám phá và sống đời sống của Chúa Giêsu.”340

Cộng đoàn giáo dục này gắn liền với việc thực thi tập thể trách nhiệm của các nhà đào tạo trước tiên. Nó cũng mời gọi các chủng sinh đảm nhận trách nhiệm hàng đầu của việc đào tạo chính họ, và cộng tác vào việc đào tạo các bạn của họ, nhờ đời sống chung của chủng viện.341 Yếu tố căn bản của việc đào tạo linh mục là kiến tạo bầu khí kiên định, trước sau như một, thích hợp cho việc phát triển tâm lý và thiêng liêng. Sự thật và tính  đơn sơ trong mối tương quan dẫn đến việc chỉ bảo lẫn nhau, chấp nhận lẫn nhau, ý thức chung về lợi ích chung và niềm vui chung trong việc tìm kiếm và phục vụ Chúa.

Những nhóm nhỏ cống hiến nhiều cơ hội chia sẻ đức tin, kiểm điểm đời sống và kinh nghiệm cầu nguyện sẽ góp phần làm phát triển cộng đoàn giáo dục ấy. Cộng đoàn giáo dục này cũng mở ra với các cơ chế cộng đoàn của Giáo Hội địa phương, nơi mà các ứng sinh sẽ lãnh nhận được kinh nghiệm mục vụ phục vụ đoàn chiên Chúa. Những kinh nghiệm về Giáo Hội này lớn hơn kinh nghiệm mà cộng đoàn chủng viện cống hiến cho họ. Các kinh nghiệm ấy sẽ đào tạo ý thức mục vụ và tinh thần tông đồ của chủng sinh, đồng thời giúp họ khám phá ra cách cụ thể tính cấp bách của việc loan báo Tin Mừng, ý nghĩa và những đòi hỏi của cuộc đời họ, được trọn vẹn hiến dâng cho việc phục vụ Dân Chúa. Nhưng những kinh nghiệm ấy chỉ sinh hoa kết quả nhờ một suy tư thần học và tu đức được các nhà đào tạo tốt gợi lên và hướng dẫn.342

     2. Chính Ứng Sinh343

Việc đào tạo sẽ mất đi hiệu quả của nó, nếu nó không bao hàm sự tham gia cá nhân của ứng sinh, nghĩa là sự tự đào tạo của anh. Chính vì thế, Đức Gioan Phaolo II đã nhắc nhở rằng chính ứng sinh là nhân tố cần thiết và không thể thay thế được trong việc đào tạo của chính anh: “Tự đào tạo là tối quan trọng trong tất cả mọi công cuộc đào tạo, kể cả đào tạo linh mục. Không ai có thể thay thế chúng ta trong sự tự do có trách nhiệm mà chúng ta có được như là những nhân vị độc đáo.”344

Vâng, tự đào tạo là yếu tố quyết định đưa tới thành công trong việc đào tạo thiêng liêng. Mặc dù Chúa Thánh Thần là tác nhân tuyệt hảo trong việc đào tạo này, ứng sinh phải hoàn toàn tự do đón nhận tác động định hình Ngài. Cũng thế, hoạt động của các nhà đào tạo khác nhau sẽ chỉ “trở nên thực sự và đầy đủ hiệu quả, nếu ứng sinh này cống hiến sự cộng tác chân thành và xác tín của chính anh vào công cuộc đào tạo này.”345

Quan niệm Á Châu “không thầy đố mầy làm nên” ngày này đã được thay đổi: nếu không có sự thực hành của trò thì những giáo điều và lý thuyết của thầy chỉ là những lời hoa mỹ thôi. Điều rất quan trọng là việc đào tạo phải cung cấp cho ứng sinh cách suy nghĩ mới, cách sống mới, cách hành động mới, cách yêu thương mới và cách làm chứng mới cho Tin Mừng. Nhưng điều còn quan trọng hơn nữa là việc tự đào tạo này phải đem sự hiểu biết hữu ích đó ra thực hiện. Sự cộng tác chặt chẽ giữa hai phía, đào tạo và tự đào tạo, là điều kiện tiên quyết cho mọi thành công, và dĩ nhiên với ơn Chúa nữa. Vì thế, Pastores Dabo Vobis đòi hỏi: “Các ứng sinh linh mục phải hết sức ý thức chuẩn bị chính mình để đón nhận ơn Chúa và đem ra thực hành, biết rằng Giáo Hội và thế giới đang rất cần đến họ.346

    3. Các Nhà Đào Tạo347

        a. Chúa Giêsu, Gương Mẫu Của Nhà Đào Tạo

Để đồng hành với chủng sinh và giúp họ trở nên linh mục đích thực, các nhà đào tạo phải là những người đầu tiên bước theo mẫu gương hoàn hảo là Chúa Giêsu, Đấng đã dạy dỗ với ví dụ cụ thể bằng cách rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,12-15). Ngài yêu thương họ và đối xử với họ như bạn hữu. Ngài sống với họ và đồng hành với họ trên hành trình trưởng thành đức tin và   thiêng liêng bằng tình yêu thương, kiên nhẫn, săn sóc, và sự tận tâm của Ngài. Ngài biết rõ họ từng người một: tính tình, phẩm chất và những điểm yếu của họ. Ngài bao dung trước sự yếu đuối, khuyết điểm, những tham vọng trần thế, cứng đầu cứng cổ, yếu lòng tin và chậm hiểu mầu nhiệm Nước Trời của họ, và Ngài kiên nhẫn chờ đợi sự giáo dục bổ túc của Chúa Thánh Thần cho họ (x. Ga 16,12). Ngài cầu nguyện cho họ và trao họ cho Cha trên trời gìn giữ và bảo vệ (x. Ga 17,15).

Vâng, không ai có thể cho điều mình không có. Để đào tạo chủng sinh trở thành linh mục, các nhà đào tạo phải luôn qui chiếu về Chúa Giêsu và trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu là mẫu gương vĩnh cửu của mọi linh mục, hôm qua, hôm nay và mãi mãi.348 Họ phải trở nên những chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu, đôi khi cả chứng tá câm nín bằng cuộc sống. Những ai dấn thân vào công cuộc đào tạo, nhất là đào tạo thiêng liêng, phải được liên tục cập nhật và đào tạo. Sự hiện diện đồng hành và chứng tá của các nhà đào tạo phải được gia tăng vì lợi ích của chủng sinh. Các ngài nên tỏ lòng yêu thương hơn đối với họ, như các bậc cha mẹ vốn làm khi nuôi lớn con cái, trong vai trò cố vấn hay hướng dẫn vì sự phát triển toàn diện của họ.

         b. Vai Trò và Sự Hiệp Nhất của Đội Ngũ Đào Tạo

Đội ngũ đào tạo phải thực hiện thực hành trách nhiệm tập thể, cùng với sự cộng tác của các ứng sinh, của hàng giáo sĩ giáo phận, và của các thành viên khác của cộng đoàn Kitô, vì sự phát triển toàn diện của các ứng sinh linh mục. Những Chỉ Dẫn Liên Quan Việc Chuẩn Bị Các Nhà Đào Tạo Chủng Viện quả quyết rằng việc chọn lựa và đào tạo các nhà giáo dục, ngay cả khi họ rất giỏi, là “không đủ, nếu họ không có khả năng thiết lập ‘đội ngũ giảng dạy’ thực sự và thích hợp, mà mọi thành viên đều hợp nhất tinh thần và cộng tác huynh đệ.”349 Họ phải cùng với các ứng sinh xây dựng một cộng đoàn giáo dục bằng việc chia sẻ đời sống và đối thoại chân thành.

Cộng đoàn giáo dục này cho phép sự đồng trách nhiệm, đối chất khi cần thiết, phân định và đánh giá tốt hơn các ơn gọi, qua việc tiếp xúc cá nhân, gương sáng và linh hướng đều đặn. Việc tham dự các cuộc họp của hội đồng chủng viện biểu lộ rõ nét trách nhiệm tập thể này.350 Tất cả các nhà đào tạo làm việc chung với nhau dưới sự lãnh đạo của vị giám đốc, bắt nhịp với những thực tại của Giáo Hội và của thế giới.

Các ngài phải đào sâu các nguyên tắc của đời sống thiêng liêng và sự hiểu biết tâm lý cần thiết cho vai trò hướng dẫn và cố vấn. Tự do thiêng liêng của ứng sinh là một mối quan tâm lớn hơn, được nhấn mạnh bởi một sự phân biệt rõ ràng về trách nhiệm giữa toà trong và toà ngoài. Sự hiệp nhất với Chúa Kitô là khuôn mẫu của việc thống nhất đời sống của các ngài và những khía cạnh đào tạo khác nhau (nhân bản, thiêng liêng, tri thức, cộng đoàn và mục vụ). Các ngài nên làm cho chính mình trở nên dễ dàng cho những ai đến với các ngài để xưng tội và linh hướng. Vai trò quan trọng nhất của các ngài là đào tạo nơi chủng sinh lòng quí trọng và yêu thích sự thật, óc phê bình thực sự với sự sáng suốt, quân bình và khiêm tốn.

Các ngài phải phát huy khả năng giảng dạy và cập nhật hoá kiến thức của mình bằng việc cải tiến phương pháp, cùng thực hiện những cập nhật cần thiết đối với những nhu cầu hiện tại của Giáo Hội, giữa một thế giới đang đổi thay nhanh chóng, trong sự trung thành với Mạc Khải và Huấn Quyền.

          c. Cần Những Nhà Đào Tạo Có Phẩm Chất

Phẩm chất và đức tính của các nhà đạo tạo là hết sức quan trọng. Họ phải là những con người của đời sống cầu nguyện sâu xa, khiêm tốn và khôn ngoan. Họ cần “được tuyển chọn giữa những người ưu tú, được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi một nền giáo lý vững chắc, một kinh nghiệm mục vụ thích hợp, được huấn luyện đặc biệt về thiêng liêng và sư phạm.”351

Đức Gioan Phaolô II đã ký thác cho các Giám Mục “trách nhiệm nặng nề đào tạo những người sẽ được giao phó nhiệm vụ giáo dục các linh mục tương lai.”352 Ngài còn căn dặn rằng “họ cần nhận được một đào tạo chuyên biệt chú trọng về linh đạo linh mục, nghệ thuật linh hướng, và những khía cạnh khác của nhiệm vụ khó khăn và tế nhị đang chờ đợi họ trong việc giáo dục các linh mục tương lai.”353

       4. Vị Linh Hướng

            a. Vai Trò Thiết Yếu của Chúa Thánh Thần 

Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Hội Thánh, trong thế giới và trong từng con người. Mỗi người phải để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nắn đúc con tim, tình cảm và đời sống nội tâm của mình ngõ hầu sống giống như Đức Giêsu Nagiaret đã sống: là sự kéo dài của Đức Giêsu trong lịch sử và hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa như của lễ toàn thiêu.354 Sức mạnh của Chúa Thánh Thần luôn luôn “có đó để soi sáng, tăng sức và hoàn thiện sứ vụ của chúng ta.” 355

Đào tạo thiêng liêng là công việc của Chúa Thánh Thần và Ngài là vị linh hướng đích thực. Vị linh hướng chỉ là dụng cụ của Chúa Thánh Thần: vị linh hướng hướng dẫn chủng sinh, nhưng chính ngài cũng được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần và vị đồng hành thiêng liêng của ngài. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới biết đầy đủ và có thể biến đổi một con người: “Bất cứ sự thay đổi đích thực và bền lâu nào cũng đều chỉ đến từ Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trực tiếp trên dân chúng và trong mọi hoàn cảnh.”356 Ngài sẽ soi sáng cho chúng ta vào lúc thích hợp những gì phải nói và nói thế nào (x. Mt 10,19-20). Nhưng, “một thừa tác viên được hướng dẫn tốt của Chúa (họ có thể là giáo sĩ, tu sĩ hoặc giáo dân), sẽ hướng dẫn người khác cách hữu hiệu trong hành trình thiêng liêng.”357 Nếu vị linh hướng luôn luôn “ngoan ngoãn vâng theo những linh hứng của Chúa Thánh Thần,”358 người có thể làm việc cùng với Ngài: “Thánh Thần và chúng tôi” (Cv 15,28).

         b. Vai Trò Quan Trọng của Vị Linh Hướng

Các vị linh hướng phải là những người có khả năng hiểu được hoạt động của Thánh Thần Thiên Chúa nơi những người thụ hướng và giúp họ “phân định các đường lối Chúa.”359 Họ phải là những chứng nhân bằng chính con người và toàn bộ đời sống đức tin - nhân bản của họ để người được đào tạo lắng nghe và tuân giữ.360 Họ phải khơi dậy lòng tín nhiệm nơi người thụ hướng bởi thái độ đón tiếp niềm nở và chân thành, đồng thời nuôi dưỡng một tinh thần tin cậy nhờ sự cẩn mật của họ, có thế thì những người thụ hướng mới có thể tự do nói lên những trăn trở riêng tư, đặc biệt trong lãnh vực giới tính.

Các vị linh hướng phải cập nhật các kỹ năng linh hướng, những hiểu biết về tâm sinh lý, khả năng tư vấn và các đề tài thích hợp khác để có thể nâng cao chuyên môn của mình: “những khám phá của khoa tâm lý học, những gợi ý từ  y học hiện đại và những điều tra về xã hội học, được áp dụng vào bối cảnh nền tảng của con người, đều rất hữu ích.”361 Họ có thể rút ra được một chương trình linh hướng có hệ thống và dễ hiểu qua con đường trao đổi với các đồng nghiệp. Họ nên tham dự các khoá bồi dưỡng định kỳ dành cho các vị linh hướng, cả hai hạng, vừa huấn luyện các vị linh hướng mới, vừa cập nhật hoá cho các vị linh hướng cũ, nhờ đó khả năng của họ có thể tiến bộ liên tục hầu đáp ứng nhu cầu của người thụ hướng. Thật là lợi ích khi thỉnh thoảng có cuộc tĩnh tâm dành riêng cho các vị linh hướng thuộc các chủng viện khác nhau.362

       c. Nguyên Tắc Khi Cần Thay Đổi Vị Linh Hướng

Có thể xảy ra trường hợp thiếu hoặc mất tín nhiệm, thì “việc đổi linh hướng là luôn có thể và đôi khi đáng ao ước nữa.”363 Chủng sinh có thể đề nghị trước. Đôi khi, vị linh hướng sẽ yêu cầu chủng sinh đi linh hướng với người khác, bởi vì ngài nghĩ rằng ngài sẽ không thể tiếp tục trách nhiệm nữa.”364

Vì lợi ích của người thụ hướng, những nguyên tắc sau đây giúp anh phân định xem có nên hay không tiếp tục gặp một vị linh hướng cá biệt. Anh thẳng thắn xem xét các động lực khiến anh muốn thay đổi vị linh hướng của anh: Có phải do mâu thuẫn cá nhân không? Có phải anh muốn thoát khỏi bị thách đố? Có phải anh đang phóng chiếu những đức tính tiêu cực như hách dịch, vô cảm, thiếu thông cảm và hiểu biết lên vị linh hướng của anh ? Có những mong đợi không thực tiễn chăng? Có phải vì vị linh hướng từ chối cung cấp thêm ảo tưởng của anh ? Anh cần tranh luận với vị linh hướng về những khó khăn mà anh đang trải nghiệm trong giao tế? Anh có tiếp tục nhận được ích lợi thiêng liêng từ việc hướng dẫn này không? Có vị linh hướng khác mà anh bị lôi cuốn chăng?  Đâu là những lý do? 

Người thụ hướng cần phải có đủ thời gian để suy nghĩ về toàn bộ vấn đề trước khi đưa ra một quyết định. Anh không nên vội vả, nhưng nên bàn hỏi vấn đề này với một người trung lập. Có phải đó là sự chấm dứt tự nhiên, vì sự hướng dẫn tìm kiếm đã được thực hiện? Liệu đây có phải là thời gian để thay đổi vì hoàn cảnh của người thụ hướng hay của vị linh hướng, hoặc của cả hai?: thay đổi sự bổ nhiệm, chuyển sang giai đoạn huấn luyện khác? Hay còn những việc khác xem ra gặp phải trên đường tương quan linh hướng như: thời gian, lòng tín nhiệm, hấp dẫn giới tính, đổ vở giá trị?365       

     5. Vị Giám Đốc và Hội Đồng 

Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis khuyên Giám Mục bổ nhiệm vị giám đốc “sau khi tham khảo cẩn thận.”366 Như là trung tâm của chủng viện, vị giám đốc phải là mẫu mực đức tin và bác ái trong sứ vụ và đời sống linh mục, với một viễn ảnh rõ ràng về Giáo Hội của tương lai. Ngài phải được cập nhật cách triệt để và quen thuộc với những văn kiện của Giáo Hội liên quan tới việc đào tạo linh mục. Ngài cũng phải rõ ràng về khoa Giáo hội học của Giáo Hội và có khả năng xây dựng một đội ngũ đào tạo hiệp nhất và làm việc cho một viễn ảnh chung của chủng viện. Ngài phải vô tư, không thiên vị và có thể đưa ra những quyết định đúng đắn và công bằng.

Ngài cũng nên liên kêt với các vị giám đốc và các nhà đào tạo thuộc các chủng viện khác ở Việt Nam cũng như ở các nước Á châu, trong tinh thần của một cuộc trao đổi huynh đệ và hiệu quả. Ngài cần can đảm và thận trọng trong việc tuyển chọn các ứng sinh, lúc chiêu sinh cũng như trong thời gian đào tạo, nhấn mạnh đến chất lượng hơn số lượng. Ngài nên có một sự hiện diện hữu hiệu trong chủng viện. Sự chia sẻ đời sống hằng ngày trong chủng viện, tính đều đặn và gương sáng của ngài là hết sức quan trọng đối với chủng sinh. Ngài nên soạn thảo một chương trình cho các linh mục mới chịu chức trong vòng năm năm đầu tiên sau khi thụ phong, với sự chấp thuận và giúp đỡ của Giám Mục.367

      6. Nhóm Nhỏ Các Bạn Đồng Môn

Ngày nay người ta nhấn mạnh nhiều đến tính năng động của nhóm đào tạo. Dưới Ban Giám Đốc, một Ban Đại Diện, được anh em bạn bầu lên, tham gia vào việc điều hành chủng viện. Cộng đoàn chủng viện được phân chia thành nhiều nhóm nhỏ, nhằm thăng tiến việc làm việc nhóm và đời sống cộng đoàn.368

Các nhóm nhỏ chủng sinh được hình thành theo các trình độ khác nhau hoặc theo năm đào tạo. Một người trong ban đào tạo được chỉ định làm linh hoạt viên của nhóm, để duy trì thế quân bình giữa đời sống cấp nhóm và đời sống cấp chủng viện. Phải nhắm đến cả hai, các cá nhân và nhóm, như một toàn thể, ngõ hầu bảo đảm được sự trưởng thành của cả hai, cá nhân và tập thể.

Đời sống trong nhóm gồm có những lúc cầu nguyện, gặp gỡ hàng tuần về một đề tài thuộc đời sống thiêng liêng (chia sẻ đức tin), những giờ giải trí, các hoạt động mục vụ, trách nhiệm phụng vụ và các dịch vụ hàng ngày.369 “Sự tương tác trong những nhóm như thế giúp phát triển sự tin tưởng lẫn nhau, truyền thông và chia sẻ, góp phần xây dựng một cộng đoàn đúng nghĩa.”370

Nhóm nhỏ này có thể trở thành một nhóm bạn thân có thể dễ dàng thực hành việc “chỉ bảo huynh đệ.”371 Thường người ta không dám sửa lỗi người khác, phần vì con người ai cũng yếu đuối và bất toàn, phần vì tế nhị hay sợ phản ứng tiêu cực từ phía người kia, hay ít nhất để tránh hiểu lầm nhau, mâu thuẫn và xung đột có thể có. Vậy, cách tốt hơn và dễ hơn là mọi người đồng ý thỏa thuận với nhau rằng “nếu một người trong nhóm thấy người khác có lỗi, thì người này sẽ nói với người đó về lỗi ấy.”

Trong bối cảnh cuộc gặp gỡ hàng tuần chia sẻ Phúc Âm và kiểm điểm đời sống, mỗi người có thể góp ý phản hồi cho người khác và giúp nhau tiến bộ hơn trong tiến trình đào tạo chủng viện và tự đào tạo, hy vọng tiến tới “tình huynh đệ bí tích” của chức linh mục (x.Tv 133, 1). Tiến trình này đòi hỏi phải có ý ngay lành, sự sẵn sàng để thay đổi, lòng can đảm, tình bác ái, và nhất là ơn Chúa.

Trong cấp độ đời sống nhóm này, mỗi người phải học biết chăm chú lắng nghe và cho người khác ý kiến phản hồi cách thích hợp. Mỗi người cũng phải học biết chấp nhận chính mình và chấp nhận người khác: càng biết nhìn nhận lỗi lầm, thiếu sót, giới hạn, yếu đuối và bất lực của mình, ta càng trở nên khiêm tốn hơn; càng biết chấp nhận những bất lợi đó của người khác, ta càng trở nên độ lượng và cảm thông hơn.

Đời sống nhóm giúp mỗi thành viên khám phá và phát triển những tài năng, tài năng tự nhiên và tài năng đạt được từ kinh nghiệm cuộc sống. Mọi người đều được Thiên Chúa kêu gọi và trao cho một số ân huệ để mở rộng Nước Thiên Chúa. Mỗi người có trách nhiệm tìm  biết và phát triển những ân huệ ấy. Chẳng ai sở hữu được mọi ân huệ của Thiên Chúa, nhưng những ân huệ cần thiết cho sứ mạng luôn hiện diện trong cộng đoàn, và cộng đoàn là nơi cần thiết để nhận ra các ân huệ của mỗi thành viên (x. 1Cr 12-14).

Tuy nhiên, nhiều khi người ta phải chịu đựng những khó khăn và xung đột do ý niệm sai lầm hoặc đặt không đúng chỗ đức khiêm nhường, sợ hãi, ghen tị hay thèm muốn ân huệ của người khác (x. Gal 5,26). Nếu biết chú ý tới những khác biệt của tha nhân, đánh giá sự độc đáo của người khác với sự hiểu biết tích cực, coi những xung đột chỉ là một phần cần thiết trong tiến trình sáng tạo, chứ không phải là vấn đề, thì mọi sự sẽ được giải quyết, cộng đoàn sẽ tiến triển tốt đẹp,372 và sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh sẽ được hiệu quả hơn (Gal 6,2).         

     7. Môi Trường Thực Tập Mục Vụ

“Bổn phận nuôi dưỡng các ơn gọi thuộc về toàn thể cộng đồng kitô.”373 Do đó, “toàn thể Dân Chúa phải cầu nguyện và làm việc không mệt mõi cho các ơn gọi linh mục.”374 Giáo xứ nhà quê của chủng sinh hay giáo xứ mà chủng sinh được gửi tới giúp theo chương trình kỳ hè hoặc thực tập mục vụ là môi trường cần thiết và lý tưởng để mở rộng việc tự đào tạo của chủng sinh, cũng như việc đào tạo linh mục của Hội Thánh.

Trong suốt thời gian nghỉ ở môi trường này, chủng sinh tham gia vào đời sống và sứ vụ của các linh mục, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Các ngài có cơ hội để biết, làm việc với và trở nên một phần trong việc đào tạo chủng sinh, mà một ngày kia họ sẽ hội nhập với các ngài trong sứ vụ linh mục. Môi trường này sẽ cung ứng cho chủng sinh nhiều cơ hội thuận lợi:

* Anh được kinh nghiệm và tham dự vào sứ vụ giáo xứ;  

* Anh sẽ phát triển đời sống cầu nguyện của anh ngay trong bối cảnh đời sống giáo xứ, vì đó sẽ là cuộc sống thực sự của anh sau này;

* Anh sẽ học hỏi với cha xứ mà anh đang sống với ngài như người tập sự; 

* Anh được làm quen với nhiều giáo xứ khác nhau trong Giáo phận; 

* Anh đem những gì đã học và kinh nghiệm trong chủng viện vào hành động, trong những hoàn cảnh thực tế;

* Anh kinh nghiệm được cuộc sống nhà xứ.375

Chương trình đào tạo linh mục tại các chủng viện Việt Nam bao gồm một hoặc hai năm thực tập mục vụ tại giáo xứ. Việc thực tập mục vụ này tùy theo yêu cầu của chủng viện và nhu cầu của giáo phận.376 Ngoài ra, việc thực tập mục vụ này mang lại những lợi ích sau:

* Sự hiện diện hữu hình của các chủng sinh ở trong giáo xứ sẽ thăng tiến việc phát triển các ơn gọi;

* Qua việc phục vụ và cộng tác với giáo dân, chủng sinh có thể học được nơi họ rất nhiều điều: “học biết giáo dân chiến đấu và sống thế nào là một chuẩn bị tuyệt vời cho sứ vụ của anh sau này.”377 

Sau sáu mươi sáu năm tuổi đời và ba mươi bốn năm làm linh mục, người viết nhận thấy rằng có sự tương tác rất hữu ích giữa giáo sĩ và giáo dân, và người được trợ giúp, nâng đỡ và đào luyện rất nhiều bởi các giáo dân được trao phó cho người chăm sóc mục vụ. Thật vậy, nếu chúng ta hỏi ý kiến giáo dân và lắng nghe ý kiến phản hồi của họ, chúng ta sẽ biết thực hiện làm sao các thay đổi cần thiết trong đời sống và sứ vụ của mình, đồng thời biết làm sao đáp ứng thực sự nhu cầu của giáo dân.” 378

Cha xứ (hoặc Văn phòng Ơn gọi của Giáo phận) sẽ gửi về chủng viện một bản nhận xét góp thêm vào hồ sơ đào tạo của chủng sinh. Đôi khi nếu các ngài chia sẽ với chủng sinh sự đánh giá của các ngài trước khi gửi về chủng viện sẽ có ích hơn. Vì nếu có gì sai hoặc hiểu lầm, chủng sinh có thể bàn cải hoặc giải thích để vấn đề được giải quyết, thỏa mãn ích lợi đào tạo trong chân lý và tình thương: “cây lau bị dập, Người không nỡ bẻ gãy, tim đèn leo lét khói, Người không nỡ tắt đi. Ngài sẽ làm cho công lý xuất hiện trong chân lý” (Is 42, 3).

    

G.  Đánh Giá và Giới Thiệu Chịu Chức

Việc đào tạo linh mục là một tiến trình chuẩn bị  chủng sinh tiến tới chức linh mục trong Hội Thánh Công giáo theo bốn chiều kích căn bản: nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ. Việc đào tạo này nhằm giúp chủng sinh trưởng thành và cung cấp một đánh giá xác thực và hữu ích cho việc Giám Mục gọi chủng sinh ấy: “Tiếng gọi nội tâm của Chúa Thánh Thần cần được nhìn nhận như  tiếng gọi đích thực bởi việc Giám Mục gọi.”379 Mục đích  của việc nhận xét hàng năm là để giúp chủng sinh tự suy nghĩ và đánh giá, nhờ đó, trong cái nhìn xác thực về đời mình, anh có thể thấy những gì cần phải thay đổi và lên kế hoạch cụ thể để việc thay đổi ấy được hiệu quả.380

Đức Gioan Phaolô II đề cao: “Tính thích hợp của ứng sinh, trên hết, nhắm đến tinh thần cầu nguyện, sự thấm nhuần sâu xa giáo lý đức tin, khả năng sống tình huynh đệ và đặc sủng độc thân.”381 Vì thế, bên cạnh các  cuộc họp thường xuyên của hội đồng chủng viện để nhận xét chủng sinh, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu mong muốn rằng việc nhận xét này cũng bao gồm việc đánh giá  của đương sự, các bạn đồng môn, các nhân viên và  những người chủng sinh thi hành sứ vụ cho.382 Ở đây nhấn mạnh đến đánh giá hàng năm của hội đồng chủng viện và tự đánh giá hàng năm của chính chủng sinh.       

     1. Tiến Trình Đánh Giá Hàng Năm của Hội Đồng Chủng Viện

Thỉnh thoảng, Giám Mục hay đại diện của Ngài và các linh mục giáo phận khác dấn thân vào công cuộc đào tạo cũng được mời tham dự buổi họp nhận xét của hội đồng chủng viện. Mọi người phải tôn trọng chặt chẻ phận vụ của toà trong và toà ngoài. Các giá trị và kỹ năng được đánh giá dựa trên giáo huấn của Hội Thánh và nền đào tạo của chủng viện. Các lãnh vực khác nhau của việc đánh giá là:

* Trưởng thành nhân bản;

* Đời sống xã hội (cộng đoàn) và những kỹ năng tương tác liên nhân vị;

* Trưởng thành thiêng liêng được diễn tả bởi cam kết dấn thân cầu nguyện và sống thân phận môn đồ (discipleship);

* Sự sẵn sàng mục tử cho sứ vụ công cộng phục vụ Hội Thánh, hiệp thông với Đức Thánh Cha, Giám Mục Giáo phận, linh mục đoàn giáo phận, các thừa tác viên giáo dân trong Giáo hội và với các tín hữu Kitô;

* Hiểu biết sâu xa thần học và chấp nhận giáo huấn của Hội Thánh về đức tin và luân lý;

* Lòng yêu mến Lời Chúa và những dấu chỉ khả năng rao giảng Lời Chúa cho người khác;

* Lòng sùng kính Bí tích Thánh Thể và Đức Maria;

* Sẵn sàng nắm giữ đời sống độc thân, tính đơn sơ Tin Mừng, và đức ái mục tử;

* Sẵn sàng thi hành sứ vụ trong cuộc sống đang thay đổi của Giáo Hội và Thế Giới tại giáo phận mình, nhất là cảm thức liên đới với người nghèo, với nạn nhân của bất công và tôn trọng sự sống;

* Mối quan tâm tới Đại kết và Liên lạc liên tôn;

* Kỹ năng lãnh đạo, bao gồm sự sẵn sàng và các kỹ năng cần thiết cho hợp tác sứ vụ;

* Sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm tiếp tục đào tạo linh mục.383

Như “những thừa tác viên hợp luật của Hội Thánh được trao trách nhiệm phán đoán tính thích hợp của các ứng sinh,”384 Hội đồng chủng viện bỏ phiếu trong buổi đánh giá cuối cùng. Phiếu bầu có nhiều loại: khẳng định, khẳng định có ghi chú, tiêu cực và loại. Loại “khẳng định có ghi chú” có nghĩa là còn có khiếm khuyết cần phải sửa chữa và trau dồi thêm. Nếu là phiếu loại thì nên giải thích.385 Nên nhắm giáo dục hơn là loại bỏ. Giáo dục nhắm biến đổi người xấu thành người tốt và người tốt thành người tốt hơn, phó thác cho quyền năng của ơn Chúa: Đối với con người thì không thể, nhưng với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.

      2. Tự Đánh Giá Hàng Năm của Chủng Sinh 

Để đẩy xa hơn việc tự đào tạo, mỗi chủng sinh được yêu cầu trình bày một dự-án-một-năm-đời-sống-cá-nhân của mình, dưới sự hướng dẫn của người cố vấn/linh hướng. Dự án này xem xét các tiềm năng cụ thể của mỗi ứng sinh, cũng như những khuyến cáo của hội đồng đánh giá định kỳ của chủng viện. Đánh giá của hội đồng sẽ trở nên rõ ràng hơn, khi hội đồng có thể đánh giá nỗ lực đặc biệt và sự tiến bộ chủng sinh so với dự án sống này.

Căn cứ vào dự án sống liên quan đến việc đào tạo của chủng viện này, cuối mỗi năm học hàn lâm của thời kỳ đào tạo, chủng sinh sẽ viết có chọn lọc, chính xác, thực tế và ngắn gọn bản tự đánh giá của mình về thái độ ứng xử, về những điểm mạnh và về những lãnh vực đặc biệt có tiến bộ trong năm học vừa qua. Chủng sinh sẽ viết ít nhất ba lần bản tự đánh giá này vào ba thời điểm quan trọng trong tiến trình đào tạo:386

* Cuối phân khoa triết học;

* Sau năm thực tập mục vụ, còn được gọi là năm giúp xứ hay “năm thử”;

* Năm thần học cuối chuẩn bị thụ phong linh mục.387

       3. Đánh Giá Chung Cuộc và Giới Thiệu Chịu Chức

Hội đồng chủng viện và tất cả các nhà đào tạo cố gắng hiểu biết đầy đủ về từng chủng sinh để giáo dục anh và giúp anh phát huy nỗ lực tự đào tạo của anh. Các ngài góp phần vào công việc chung của Giáo Hội, bằng việc đánh giá cuối cùng và giới thiệu ứng sinh lên chịu chức linh mục.

Bản đánh giá này nhấn mạnh những lãnh vực chủ yếu: trưởng thành thiêng liêng, kết quả các môn học, tiến bộ trong lãnh vực giáo dục và tương tác xã hội vối các bạn đồng môn, các nhà đào tạo và những người khác. “Khoa tâm lý giáo dục đương thời cung cấp nhiều kỹ thuật để đánh giá cách thích hợp hơn sự phát triển thực sự của sinh viên.”388

Vì Ấn toà Giải Tội và bí mật của việc linh hướng, vị linh hướng bị ràng buộc bởi toà trong và do đó, không được bàn cải khi đánh giá và nhận xét về tính thích hợp của chủng sinh trong việc chịu chức linh mục. Còn các vị khác đã tương tác làm việc với chủng sinh cách công cộng và ở toà ngoài nên bị đòi buộc tham dự tiến trình đánh giá này, vì đó là trách nhiệm đã được trao phó cho các ngài.389

Ngay từ  đầu, chủng viện cần sự cộng tác của Giáo phận trong việc chuẩn bị chủng sinh đi vào tiến trình đào tạo chủng viện. Bây giờ, hội đồng chủng viện được chờ đợi, không những báo cáo cho Giám Mục biết thái độ ứng xử bên ngoài của chủng sinh (những gì anh nói và làm, và anh đạt được những đòi hỏi hàn lâm như thế nào), mà còn đánh giá anh xét như một ứng sinh và nộp cho Giám Mục đề nghị phong chức cho anh.

Nhưng trong cảm thức Giáo Hội, người ta không dừng lại ở đó. Chủng viện có thể báo cáo cho Giám Mục về các khuynh hướng đặc biệt, những khả năng và đức tính của ứng sinh nữa, ngõ hầu giúp Giám Mục “dùng” và bổ nhiệm anh phù hợp với các ân huệ Chúa ban cho anh và các nhu cầu của Hội Thánh.390

Chủng viện cũng có thể gợi ý và đề nghị Giám Mục cho phép một số ứng sinh đẩy xa việc học hơn nữa “hầu có thể cống hiến cho Giáo Hội những mục tử bén nhạy với các nhu cầu thiêng liêng hiện nay,”391 bởi vì không phải bất cứ linh mục nào cũng có thể trở thành nhà đào tạo, nhất là linh hướng. Đây là sự chuẩn bị các người kế vị thích hợp của Giáo Hội.392 Nếu việc đào tạo chủng sinh là ưu tiên hàng đầu của Hội Thánh, thì các Giám Mục nên chọn những linh mục ưu tú để được huấn luyện thành các nhà đào tạo tương lai trong chủng viện của các ngài.

     4. Ứng Sinh Không Thích Hợp với Chức Linh Mục

Trong ơn kêu gọi tới chức linh mục của một ứng sinh, ta phải phân biệt hai yếu tố: Ước muốn và sự thích hợp. Lòng ước muốn thuộc bình diện tình cảm, trong khi sự thích hợp đòi hỏi phẩm chất và khả năng. Một thanh niên có thể rất muốn trở thành linh mục, nhưng anh lại không đủ phẩm chất và khả năng khiến anh có thể làm một linh mục xứng đáng. Vì thế, toà ngoài phải phán đoán tính thích hợp này, ngõ hầu đón nhận hay từ chối một ứng sinh. Còn ở toà trong, lòng ước muốn phải được  xét xem có phù hợp với ước muốn của Chúa Thánh Thần không. Việc này giao phó ứng sinh cho hoạt động của Chúa Thánh Thần và sự tiếp nhận lắng nghe những gì được nói với anh ở toà ngoài. Toà ngoài cũng phải tìm biết những dấu chỉ của hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của ứng sinh.

Ứng sinh nào bị phát hiện là không thích hợp, vì khiếm khuyết thể lý, quân bình tâm lý hay luân lý, thì nên nhanh chóng đưa anh ra khỏi con đường theo đuổi ơn gọi linh mục. Cả hai phía, các nhà đào tạo và ứng sinh, không được phép nuôi dưỡng những hy vọng hảo huyền và những ảo tưởng nguy hiểm. Cũng không ai được tự phụ rằng ơn thánh sẽ thay thế cho những khiếm khuyết tự nhiên.393

Tuy nhiên, người ta sẽ cho ứng sinh không thích hợp ra đi một cách tôn trọng, bằng cách nhấn mạnh về sự không thích hợp với chức linh mục hơn là những khiếm khuyết hay lỗi lầm.  Không phải tất cả những ai vào chủng viện đều nhất thiết trở thành linh mục: “Nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn  thôi.”394

Người ta phải gợi ý cho anh một thực hiện mới, trong niềm tin tưởng rằng Chúa sẽ dùng anh cách tốt đẹp cho lợi ích của Giáo Hội, đền đáp những gì anh đã lãnh nhận từ Chúa và Giáo Hội của Ngài, qua những năm tháng được đào tạo trong chủng viện. Các cựu chủng sinh nầy cũng là kho tàng của Giáo Hội, họ sẽ cộng tác vào công cuộc đào tạo các bạn đồng môn của họ cách này hay cách khác. Họ cũng góp phần cách tích cực và hữu hiệu vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.395

GHI CHÚ

291 Xem Phụ lục A: Đánh Giá và Tự Đánh Giá.

292 Donald B. Cozzens, The Changing Face of the Priesthood : A Reflection on the Priest’ Crisis of Soul (Collêgville, Minnesota: The Liturgical Press, 2000), pp. 6-8

293 Orlando B. Quevedo, Gathered Around Jesus …, ibid.,pp. 197-198

294 St. Patrick’s Seminary, Program of Spiritual Formation (Menlo Park, California: St. Patrick’s Seminary, 1996) ,p.13

295 Judette A. Gallares, “Lectures on Perspectives for Spiritual Direction and Discernment”

296 Xem Phụ lục A: Bản Câu Hỏi Gây Ý Thức.

297 Cả tác giả và tác phẩm đều rất danh tiếng ở Việt Nam, và dân chúng nhớ thuộc lòng rất nhiều.

298  Jose Cristo Rey Paredes, “Lectures on Holy Spirit in Life and Mission of the Church and Consecrated Life”

299 “No effective Reform without Interior Renewal” (Vatican City, April 2, 2004), Zenith.org/english, truy cập ngày 3.11. 2004.

300 Vatican II, Dei Verbum: Dogmatic Constitution on Divine Revelation (November 18, 1965), số 21.

301 Compagnie des Prêtre de Saint-Sulpice, La Formation des futurs Prêtre à la Prière (Paris, Janvier 2003), p. 8

302 John Paull II, “Jesus Must Always Be the Center of Your Life” (Vatican, May 2, 2004), Zenit.org/english, truy cập ngày 25.0.2005.

303 La Formation des Futurs Prêtres à la Prière …, ibid., pp.9-10

304 Vatican II, Pastores Dabo Vobis … ibid., no. 82

305 La Formation des Furturs Prêtre à la Prière …, ibid.,pp.11-12

306 La Formation des Furturs Prêtre à la Prière …, ibid.,pp.13

307 Mgr E. Marcus, “La prière des prêtre: une dette de ministère,” in Bulletin de Saint-Sulpice 8 (1982), quoted by La Formation des Futurs Prêtres à la Prière p. 13

308 CCE, Spiritual Formation in Seminaries …, ibid., pp.10-12

309 Donald Attwater, A Catholic Dictionary (New York : The Macmillan Company, 1958), p. 462

310 CCE, Spiritual Formation in Seminaries …, ibid., p.13

311 St. Patrick’s Seminary, Program of Spiritual Formation … ibid., pp.21-22

312 John Paull II, Pastores Dabo Vobis … ibid., n.47

313 Paul VI, Evangelica Testification: Apostolic Exhortation on the Renewal of Religious Life, (June 29, 1971) số 46.

314 St. Patrick’s Seminary, Program of Spiritual Formation … ibid., pp.20-21

315 CCE, Spiritual Formation in Seminaries …, ibid., p.14

316 John Paull II, “Future Priests should be devoted to Silence and Prayer”(Vatican, March 18, 2002), Zenit.org/english, truy cập ngày 3.11. 2004

317 Spiritual Formation in Seminaries …, ibid., pp. 23-24

318 Gordon S. Wakefield, The Westminter Dictionary of Christian Spirituality (Quezon City: The Claretian Publications 1980), pp. 354-355

319 Vatican II, Presbyterorum Ordinis …, ibid., no. 4.

320 John Paull II, Pastores Dabo Vobis … ibid., n.26

321 CCE, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis…,ibid..,no.52.

322 John Paul II, Ecclesia de Eucharistia, n.8 in Celebrating the Eucharist with Mary : A Guidebook (Metro Manila, Philippines: Assisi Development Foundation, Inc.,2005) p.56

323 “Eucharist is the Permanent Sign of God’s Love (Vatican City, April 12, 2001), Zenit.org/english, truy cập ngày 25.12.2004)

324 John Paul II, “Future Priests Should Be Devoted to Silence and Prayer” (Vatican, March 18, 2002), Zenit.org/english, truy cập ngày 3.11.2004)

325 Marcelino Fonts, “Lectures on Prayer in Asian Context”

326 Sung-Hae Kim, “The Threefold Dialogue and the Image of Woman: A Little Hope for the Priestly Formation from a Woman’s Perspective”, trong Linh Mục Thiên Niên Kỷ Mới, Đại Chủng Viện Huế (2000), trang 274.

327 St. Patrick’s Seminary, Program of Spiritual Formation …. Ibid., p.26

328 Marcelino Fonts, “Lectures on Prayer in Asian Context” …, ibid. “Tập thư giản bằng cách: Hít dưỡng khí vào thật sâu qua mũi cho căng đầy bụng, rồi chuyển qua huyệt đan điền, đẩy ra toàn thân tới tận chân tơ kẻ tóc / đường gân thớ thịt. Xong lại rút thán khí về qua huyệt đan điền để đẩy ra ngoài qua miệng. Trong khi đó để tâm trí kiểm soát đường đi của hơi thở. Còn ý nghĩ thì nghĩ rằng Chúa Thánh Thần đi vào để thánh hóa và rút bỏ những xấu xa quỉ quái khỏi lòng trí và thân xác ta. Khi hít vào, ta cũng có thể nghĩ là mình đón nhận tất cả những gì là tích cực; còn thở ra là loại bỏ tất cả những gì là tiêu cực từ bất cứ đâu mà đến. Với cách này, ta tập giữ tâm hồn ở trạng thái thanh thản, như kinh Yataka dạy ‘Con hãy giữ tâm như đất: trên đất, người ta đổ ra dầu ngọt dầu chua, dầu cay dầu đắng, dầu sạch dầu dơ, đất vẫn một mực thản nhiên, đất không giận, đất không thương’.” (Tác giả mới thêm vào).

329 Malen Java, “Lectures on Retreat Direction Seminar”

330 Cenacle Team, “Lectures on Group Spiritual Accompaniment” 

331 Malen Java, “Lectures on Retreat Direction Seminar”…, ibid.

332 Marcelino Fonts, “Lectures on Prayer in Asian Context” …, ibid.

333 John Paul II, Pastores Dabo Vobis …. Ibid.,no. 47

334 Xem Phụ lục “Ứng sinh học trở thành vị linh hướng tốt.”

335 Bernard Pitaud, “L’Ecole Francaise et La Protection du Sujet: For Interne et For Externe dans les Seminaries”, Le Supplément, (Septembre 2002), no. 222.

336 St. Patrick’s Seminary, The Mentoring and Advising of Seminarians (Menlo Park, California: St.Patrick’s Seminary, 2001), pp.37-38

337 CBCP, The Philippine Program of Priestly Formation 1972 … ibid., p.48

338 National Conference of Catholic Bishops United States of America (NCCB), The Program of Priestly Formation (Washington DC: United States Catholic Conference, Third Edition, 1982), p.31

339 John Paul II, Pastores Dabo Vobis …. Ibid.,no.60,66

340 Honorato C. Castigador, “We’ve only Just Begun”, in Gathered around Jesus (Manila Philippines : University of Santo Tomas Central Seminary 2004), p.254.

341 Society of Priests of Saint-Sulpice, The Constitutions 1982 (Paris: The Society of Priests of Saint-Sulpice, 2003), art.14

342 Hội Xuân Bích, Đào Tạo Linh Mục: Nguồn Canh Tân Giáo Hội, Đại Chủng Viện Huế (1995), trang 198-199

343 CCE, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis,…ibid, no. 39-43

344 John Paul II, Pastores Dabo Vobis …. Ibid.,no.69

345 Ibid.

346 John Paul II, Pastores Dabo Vobis …. Ibid.,no.82

347 CCE, RFIS,…ibid, no. 32-38

348 FABC, 7th Plenary Assembly, Workshop Discussion : Spiritual Direction, Emphasis on an Asian Approach, Paper No. 92d, Appendix II

349 CCE, Directives Concerning the Preparation of Seminary Educators (Rome, 1993), no. 11

350 Society of Priests of Saint-Sulpice,  The Constitutions 1982…, ibid., arts. 10-26

351 Vatican II, Optatam Totius …, ibid.,no.4

352 John Paul II, Pastores Dabo Vobis …., ibid., no.66; CCE, Directives Concerning the Preparation of Seminary Educators …ibid.., no. 1

353 John Paul II, Ecclesia in Asia … ibid., no. 43

354 Domingo Moraleda, “Lectures on Theology of the Forms of Christian Life in The Church”

355 Synod of Bishop 1971, the Ministerial Priesthood (November 30, 1971).

356 Amelia Vasquez, “Fidelity in Vowed Life: Religious Life,” Religious Life Asia 5 (1-3,2003): 52

357 FABC, Seventh Plenary Assembly, Workshop Discussion : Spiritual Direction, Emphasis on an Asian Approach … ibid. no.2

358 “A  Church That Has No Fear of the Future”…,ibid.no.2

359 CCE, Spiritual Formation in Seminaries … ibid., p.20

360  FABC, Seventh Plenary Assembly, Workshop Discussion : Spiritual Direction, Emphasis on an Asian Approach … ibid.

361 FABC, Seventh Plenary Assembly, Workshop Discussion : Spiritual Direction, Emphasis on an Asian Approach … ibid.

362 FABC, “Seminar for Rectors and Spiritual Directors of Asian Seminaries at Seoul, Korea 1999”, in For all Peoples of Asia 3 (Quezon : The Claretian Publiction, 2003), p. 25

363 Compagnie des Prêtres de Saint-Sulpice, Former des Prêtres Aujourd’hui (France: Compagnie des Prêtres de Saint-Sulpice, 1992

364 Ibid., p.33

365 Judette A. Gallares, “Lectures on Perspectives for Spiritual Direction and Discerment” 

366 CCE, Spiritual Formation in Seminaries … ibid., no.28-30

367  Seminar for Rectors and Spiritual Directors of Asian Seminaries at Seoul, Korea 1999”, in For all Peoples of Asia 3 …,ibid.pp.24-25

368 “Seminary Formation Program should meet Needs of Churh, Society” (Nha Trang, October 19, 1999), Ucanews. Com/archives, truy cập ngày 3.11. 2004.

369 Đây là một sư phạm thực hành của hầu hết các Chủng viện Việt Nam.

370 NCCB, the Program of Priestly Formation … ibid., p.33

371 Matthew 18, 15-17; Luke 17,3; John 8,17; 1 Timothy 5,19; 2 Corinthians 13,1

372 Marites Maranan, “Lectures on Theology of Communion and the Religious Community” 

373 Vatican II, Optatam Totius …, ibid., no.2

374 John Paul II, Pastores Dabo Vobis …., ibid., no.82

375 Charlotte Diocese, Norms for Seminarians : Program for Priesrly Formation (North Carolina, USA: Charlotte Diocese, 2004),pp.7-8

376 “Defficient Spiritual Formation among Seminarians Tackled at Fomators’ Meeting” …, ibid.

377 NCCB, the Program of Priestly Formation … ibid., p.60

378 “Seminary Formation Program should Meet Needs of Church and Society” … ibid.

379 John Paul II, Pastores Dabo Vobis …., ibid., no.65

380 St. Patrick Seminary, The Mentoring and Advising of Seminarians… ibid.,p.1

381 John Paul II, Pastores Dabo Vobis …., ibid., no.66

382 FABC, Seminary Formation for Priesthood in Asia : Workshop 4, Ucanews.com/fabc-papers/workshop-report, truy cập ngày 7.10. 2004

383 St. Patrick Seminary, The Mentoring and Advising of Seminarians… ibid.,p.1

384 Vatican II, Optatam Totius … ibid., no.2

385 NCCB, Program of Priestly Formation (Washington DC: United States Catholic Conference, 1982), p.101

386 Xem Phụ lục A: Tự đánh giá của chủng sinh.

387 St. Patrick’s Seminary, The Mentoring and advising of Seminarians…, ibid., pp. 25-35

388 NCCB, The Program of Priesrly Formation … ibid.,p.52

389 NCCB, The Program of Priesrly Formation … ibid.,, pp.37-38

390 CBCP, The Philippine Program of Priestly Formation 1972 … ibid.,p.88

391 CCE, Directives Concerning the Preparation of Seminary Educators … ibid., p.37

392 Vatican II, Presbyterum Ordinis … ibid.., no. 19

393 Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus: Priestly Celibacy (June 24, 1967), no. 64.

394 Matthew 22: 14.

395 “Ex-Seminarians Find Active Roles in Church Life” (Ho Chi Minh City, March 16, 1999), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 7.10. 2004.

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!