.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Tựa

Dẫn Nhập

Lược Tóm

PHẦN I - Chương I: Xã Hội Việt Nam

Chương II: Giáo Hội Việt Nam với các Chủng Viện và Hàng Giáo Sĩ

Chương III: Việc đào tạo thiêng liêng hiện nay ở các chủng viện Việt Nam

PHẦN II - Chương IV: Giáo Huấn của Hội Thánh Hoàn Vũ về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương V: Giáo huấn của Hội Thánh Địa Phương về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương VI: Áp dụng giáo huấn của Hội Thánh vào việc đào tạo Thiêng Liêng cho các Chủng Sinh

PHẦN III - Chương VII: Bối cảnh hoá đào tạo Thiêng Liêng cho các Linh Mục Việt Nam tương lai

Chương VIII: Giai đoạn tiền chủng viện thăng tiến, thẩm tra và đón nhận

Chương IX: Giai đoạn chủng viện đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng

Chương X: Giai đoạn hậu chủng viện

Kết Luận

Sách tham khảo

Phụ trương A

Phụ trương B

Phụ trương C

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
PHỤ TRƯƠNG B

B. ỨNG SINH HỌC TRỞ THÀNH  MỘT VỊ LINH HƯỚNG TỐT

 

I. Việc Linh Hướng và Phân Định Thiêng Liêng 479

Trong tiến trình đào tạo ứng sinh lên chức linh mục, thực hành hài hoà giữa toà trong và toà ngoài rất quan trọng. Yếu tố quan trọng nhất nơi toà trong là ứng sinh hoàn toàn được tự do để chọn lựa cả cuộc đời đáp lại lời kêu mời của Chúa, qua tiếng gọi của Hội Thánh. Nhưng ở toà trong này, vai trò phân định thiêng liêng và việc linh hướng nắm phần chủ chốt. Những phân định và linh hướng này giúp ứng sinh có một lương tâm trưởng thành để chọn lựa và quyết định hợp với đức tin và trách nhiệm. Nói cách khác, tiến trình này cần có vị linh hướng tốt, có kỹ năng và được đào tạo kỹ càng. Đây là một sứ vụ hết sức quan trọng, tế nhị và khó khăn. Ngài phải nhận ra vai trò của Chúa Thánh Thần và phải cậy dựa vào Chúa Thánh Thần. Ngài phải luôn luôn tiếp tục học hỏi, tiêu hóa và thực hành các kỹ năng cần thiết trong lãnh vực này hầu có thể đáp ứng cho những người đang chuẩn bị lên chức linh mục. Ngài sẽ cố gắng làm hết sức mình, tin tưởng rằng Chúa sẽ làm phần còn lại.

 

II. Phân Định Thiêng Liêng Là Gì ?

Theo cách hiểu thông thường, phân định là nhận thức rõ ràng, nhờ trí năng, để phân biệt, để nhận ra như là tách biệt và khác biệt, hầu phân biệt và phê phán các sự việc cách chính xác, nhờ đó mà thấy rõ cái gì là tốt nhất cho Chúa và chọn lựa thích hợp, để đời sống con người được sống trong các chọn lựa của Chúa, kể cả nghe được tiếng thì thầm của Chúa Thánh Thần đang hiện diện  trong mỗi người.

Ta không được quên mấy điều kiện hàng đầu của việc phân định:

*    Một sự khao khát tìm kiếm Chúa, nhận biết và yêu mến Chúa, xác tín rằng Chúa là Đấng mạc khải và phán dạy bằng một ngôn ngữ mà ta có thể hiểu được.

*    Về phía người thụ hướng, anh cần khả năng và sự sẵn lòng trình bày kinh nghiệm sống của anh với vị linh hướng.

*    Việc phân định không thể thực hiện được nếu không có một đời sống cầu nguyện. Nói cách khác, đức tin và lời cầu nguyện đều được đòi hỏi về cả hai phía, vị linh hướng và người thụ hướng, để sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa, như là một Thiên Chúa “sống động” đích thân hòa nhập và quan tâm đến họ, một Thiên Chúa muốn mạc khải cho họ các ưu tiên của Ngài liên quan đến những lựa chọn mà họ đang đối diện.

Việc phân định này xảy ra trong cuộc sống hàng ngày và trong những lúc quan trọng phải lấy quyết định. Phân định là nỗ lực hay tiến trình lắng nghe ước muốn của Chúa ở trong chính mình; là nhận ra rằng mình được mời gọi làm điều tốt nhất cho Chúa và tha nhân. Ta cần phân định, bởi vì trong cùng một lúc, ta có thể nghe nhiều tiếng nói ở bên trong, nhiều lời mời mọc, ra lệnh, ám chỉ làm ảnh hưởng tới những chọn lựa và thái độ ứng xử của ta.

      

III. Linh Hướng Là Gì?

Linh hướng là một công tác mục vụ đặc biệt cung cấp cho chủng sinh sự trợ giúp để lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa, bằng cách cởi mở đáp lại Thần Khí Đức Kitô và để Ngài hướng dẫn, hầu phân định ơn gọi và chuẩn bị cho thừa tác vụ linh mục trong Hội thánh.

Việc linh hướng nhấn mạnh:

* Giúp chủng sinh sống tương quan với Thiên Chúa: “Thiên Chúa là ai đối với tôi và tôi là ai đối với Thiên Chúa?”

* Giúp chủng sinh trực tiếp nói với Chúa và lắng nghe điều Chúa muốn truyền đạt qua mối tương quan giữa Chúa và chủng sinh.

* Giúp chủng sinh dấn thân vào tương quan với Chúa và đối thoại với Ngài: lắng nghe và trả lời với Chúa là Đấng đang truyền thông chính mình.

* Giúp chủng sinh nhận biết và sống kinh nghiệm hiện tại trong tương quan với Thiên Chúa: kinh nghiệm tôn giáo cần cho việc linh hướng giống như thực phẩm cần cho việc nấu nướng vậy.

* Giúp chủng sinh chú ý và đáp lại Chúa đang đích thân truyền thông chính mình cho anh, để lớn lên trong tình thân mật với Chúa và sống những hậu quả của mối tương quan này.

* Giúp chủng sinh đặt mình trong sự hiện diện của  Chúa với tất cả con người và suốt cả cuộc đời anh.

* Giúp chủng sinh ý thức trách nhiệm cá nhân của mình, để nắm giữ và phát triển nó trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, vốn là vị linh hướng đích thực.

* Giúp chủng sinh tìm thấy đường lối Chúa kêu gọi anh và chọn lựa phù hợp với ý Chúa, với ý thức và tự do lương tâm.

        a. Tầm Quan Trọng Của Phân Định Thiêng Liêng Và Linh Hướng.

Mọi người đều biết rằng quyết định dứt khóat của toà trong ăn khớp với lương tâm của ứng sinh. Điều này cần đào tạo một lương tâm trưởng thành và vị linh hướng phải dự phần trong đó. Việc linh hướng và phận định thiêng liêng rất tế nhị và khó khăn đối với con người trong việc đồng hành chủng sinh trên đường tới Chúa. Hoạt động này bao gồm mọi chiều kích của đời sống, nhân bản và thiêng liêng, tự nhiên và siêu nhiên.

Đây là nghệ thuật của mọi nghệ thuật. Làm sao đi vào thế giới nội tâm của chủng sinh để khám phá được  Chúa kêu gọi họ, từ các vấn đề thực tế đời sống của họ trong tương quan với Chúa và tha nhân? Làm sao phân định được điều Chúa nói với chủng sinh qua vị linh hướng? Làm sao biết được ý Chúa cho vị linh hướng qua các chủng sinh được đồng hành? Làm sao giúp ứng sinh quyết định cuộc đời họ với ý thức, hiểu biết, trưởng thành và tự do nội tâm?

Với kinh nghiệm của mình trong quá khứ, là người thụ hướng hay là vị linh hướng, ai cũng nhận thấy rằng linh hướng là công việc của Chúa, rằng vị linh hướng đích thực là chính Chúa Thánh Thần, và rằng tất cả các vị linh hướng chỉ là những dụng cụ của Chúa Thánh Thần. Chỉ Thiên Chúa mới biết đầy đủ một con người; chỉ Thiên Chúa mới có thể làm thay đổi, biến đổi tận gốc con người đó. Tuy nhiên, không thể thiếu vị linh hướng được, và vị linh hướng có kỹ năng và được đào tạo kỹ lưỡng thì tốt hơn.

     b. Ba Mối Tương Quan Trong Linh Hướng

Trong công việc vừa thần linh vừa nhân loại này, điều trước tiên phải nhấn mạnh tập trung vào ba chiều kích hay ba mối tương quan:

1) Tương Quan Giữa Chủng Sinh Với Chúa

Quan niệm tiên quyết là nhận biết rằng Chúa Thánh Thần là vị linh hướng đích thực. Ứng sinh được trợ giúp để lớn lên trong tự do nội tâm, phát triển một mối tương quan cá nhân thân mật sâu xa với Chúa, phân định và nhận ra điều gì Chúa mời gọi anh thực hiện trong hoàn cảnh đặc biệt này? Vị linh hướng giúp bằng cách gọi tên những cản trở hay chướng ngại đưa tới thân mật với Chúa.

2)  Mối Tương Quan Giữa Chúa và Vị Linh Hướng 

Vị linh hướng cần làm quen với những kinh nghiệm năng động trong đời sống thiêng liêng: Để tập trung lắng nghe Chúa, ngài cần để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nói qua ngài vào những lúc quyết định. Với một cảm thức trực giác trong đời sống cầu nguyện, ngài cảm nhận được dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời mình, nhờ đó ngài sẽ là một hiện diện đem lại an tĩnh, tập trung và có thể trở nên khuôn mẫu cho người thụ hướng. Mối tương quan với Chúa giúp ngài duy trì thế quân bình của sức mạnh tâm lý và thiêng liêng cần cho việc linh hướng. Chúa có thể dùng tất cả con người của vị linh hướng để làm cho người thụ hướng tương quan với Chúa.

3)  Tương Quan Chủng Sinh Và Vị Linh Hướng

Vai trò của cha linh hướng rất quan trọng. Mỗi chủng sinh phải có cha linh hướng, được chọn trong số các nhà đào tạo nội trú trọn thời gian. Mối tương quan này luôn thuộc về toà trong, nghĩa là tính bí mật luôn được bảo vệ cẩn thận. Chúa Thánh Thần hướng dẫn mỗi người theo một đường lối rất đặc biệt. Cả vị linh hướng lẫn người thụ hướng đều phải khám phá ra đường lối ấy. Vị linh hướng phải giúp người thụ hướng tự mình khám phá ra đường lối mà Chúa kêu gọi anh và điều chỉnh đời sống anh theo đúng ý Chúa muốn cho anh.

Vị linh hướng giúp ứng sinh theo đuổi lời mời gọi trở thành môn đệ Đức Giêsu và nên linh mục trong Giáo Hội của Ngài. Lời cầu nguyện và đời sống của Hội Thánh cũng là một nguồn đào tạo thiêng liêng cho chủng sinh. Điều kiện căn bản trong việc linh hướng là tính cởi mở và thành thật của người thụ hướng trong khi đối thoại với vị linh hướng. Người thụ hướng phải mang đến trong tương quan này sự sẵn lòng nói lên sự thật về chính mình, và một sự cởi mở khiến anh trở nên trong suốt.

Về phần mình, chủng sinh được mời gọi chọn cho mình một vị linh hướng, để được giúp nhìn thấy rõ ràng, sâu xa hơn, và giải thích lòng anh khao khát Chúa và sự trưởng thành thiêng liêng, trong ánh sáng đức tin. Anh sẽ kể lại lịch sử đời anh mà không phê phán, với những yếu tố: những người quan trọng, các hoạt động anh dấn thân, những nơi chốn, biến cố, kinh nghiệm thân xác, những cảm xúc tái đi tái lại, những giấc mơ quan trọng, những gợi hứng và những ý tưởng mới, những kinh nghiệm tôn giáo và đời sống cầu nguyện. Anh sẽ nói cách cởi mở và thành thật, trong sự bộc lộ hổ tương, với lòng quảng đại và can đảm lắng nghe, suy gẫm trong thinh lặng bề trong lẫn bề ngoài, xác tín rằng Chúa Thánh Thần hướng dẫn anh qua vị linh hướng.

Vị linh hướng phải hiện diện và đồng cảm với người thụ hướng, trong sự bộc lộ hổ tương; chăm chú lắng nghe anh với lòng kiên nhẫn, can đảm và yên lặng; đón nhận câu chuyện cuộc đời hay chính con người của anh, cách không phê phán, định kiến hay tiên kiến; hỏi những câu hỏi hổ trợ và đối thoại để khẳng định các giá trị của anh, để biết anh đang ở đâu trên hành trình thiêng liêng, ngõ hầu phân định và xác định con đường Chúa Thánh Thần dẫn dắt anh; cống hiến cho anh những gợi ý suy nghĩ và cầu nguyện.

 

IV.  Những Nguyên Tắc Linh Hướng

Linh hướng là một tiến trình liên nhân vị trong đó lời mời gọi của Chúa được lắng nghe và đáp trả trong đức tin. Linh hướng nhằm nuôi dưỡng một trái tim phân định can đảm tìm khám phá và chu toàn ý Chúa. Tiên vàn, việc linh hướng liên quan đến sự trưởng thành toàn diện trong đức tin, đối phó đúng lúc với các vấn đề và khủng hoảng. Nó thực hữu hiệu khi sự trưởng thành được biểu lộ trong sự gia tăng tình yêu, lòng trung thành và mối quan tâm đầy trách nhiệm. Việc linh hướng nên diễn ra trong bầu khí yêu thương vô điều kiện. Môi trường này định hình bầu khí cầu nguyện. Đây quả là công việc của Chúa Thánh Thần và vị linh hướng phải học tạo sự dễ dàng, chứ không cản trở hoạt động của ân sủng. Nó kích thích đức tin phát triển. Dù là tương quan liên nhân vị, việc linh hướng chứa đựng chiều kích cộng đoàn và Giáo hội cao độ. Nó nuôi lớn viễn ảnh toàn cầu và cánh chung, nội tại và siêu việt.

      

V. Nội Dung và Tiến Trình Các Buổi Gặp Linh Hướng 480

Những yếu tố dưới đây có thể giúp chủng sinh và vị linh hướng dấn thân vào mối tương quan này:

a. Lắng Nghe: Người thụ hướng nghe được sự mở ra và phát triển của tương quan của anh với Thiên Chúa nơi Đức Kitô, khi anh bộc lộ câu chuyện đời anh cho vị linh hướng. Vị linh hướng lắng nghe câu chuyện của anh, tìm giúp anh hiểu và làm sáng tỏ điều Thiên Chúa đang chất vấn anh.

b. Chú Tâm vào Hình Ảnh Thiên Chúa: Mô hình và định hướng đời sống thiêng liêng của một người   được tác động sâu xa bởi hình ảnh về Thiên Chúa của người ấy. Kinh Thánh khai mở cho chúng ta Thiên Chúa của Đức Giêsu, và trong Thánh Thần, vị Thiên Chúa của cộng đoàn Giáo Hội. Vị linh hướng giúp chủng sinh trong nhiệm vụ căn bản này.

c. Giúp Làm Sáng Tỏ Kinh Nghiệm: Vị linh hướng giúp ứng sinh suy nghĩ và khám phá chiều kích tôn giáo trong những kinh nghiệm đa dạng của anh, nhận biết sự hiện diện và tiếng nói của Thiên Chúa trong những kinh nghiệm ấy.

d. Nhận Ra và Làm Sáng Tỏ Hệ Thống Giá Trị: Người thụ hướng ra sức làm việc để lớn lên trong  tương quan với Chúa và với tha nhân. Những chủ đề quan trọng trong cuộc đối thoại là viễn ảnh và các giá trị Tin Mừng mà người thụ hướng muốn thủ đắc: vâng phục Phúc âm, sự thanh khiết của tình yêu độc thân, quan tâm tới công bằng xã hội như một chiều kích có tính cơ cấu của việc rao giảng Tin Mừng.

e. Khẳng Định Và Thách Đố: Vị linh hướng khẳng định và giúp người thụ hướng dùng tài năng Chúa ban để phục vụ Chúa và tha nhân. Ngài cũng giúp anh chấp nhận những thách đố của lòng tốt của Chúa và làm cho người ta nhận biết lòng tốt ấy.

f. Giáo Huấn Và Hội Nhập: Vị linh hướng chỉ dạy và giúp người thụ hướng hội nhập các yếu tố khác nhau trong cuộc đời anh quanh một trung tâm là chính Thiên Chúa.

g. Trách Nhiệm: Vị linh hướng giúp người thụ hướng tránh những sai lầm trong việc tự đánh giá và giữ một thái độ tập trung ở giữa bao nhiêu công việc hàng ngày và những mối tương quan đa dạng.

h. Trợ Giúp Trong Lúc Khó Khăn: Mối đe doạ lúc nào cũng có mặt trong hành trình thiêng liêng của chúng ta. Việc linh hướng có thể cung cấp phương tiện để thấy chính mình qua các giai đoạn cố gắng trong suốt con đường. 

i. Cầu Nguyện: Cầu nguyện là suối nguồn và diễn tả mối tương quan của chúng ta với Chúa.

 

VI.  Các Đức Tính của Vị Linh Hướng Tốt.

Theo Mẹ Têrêsa Avila,481 một vị linh hướng tốt phải được đào tạo kỹ lưỡng và thành thạo, với nền đào tạo vững chắc về thần học và kinh nghiệm cầu nguyện cao (cầu nguyện yên tĩnh, cầu nguyện nhiệm hiệp), bởi vì mẹ đã phải đau khổ rất nhiều trong tay những người học hành nửa vời.

Vị linh hướng phải có kiến thức vững chắc về thần học, về linh đạo và về Kinh Thánh, một ít hiểu biết căn bản về kỹ năng tư vấn, quen thuộc các vấn đề tâm lý và tâm thần. Ngài nên có cái nhìn quân bình trong kinh nghiệm cầu nguyện và ý thức rằng chán nãn trong cầu nguyện là có thể có, đồng thời nên biết phân biệt các an ủi và chán nãn từ các kinh nghiệm đích thực về Chúa. Ngài cũng nên quan tâm thực sự về sự thoải mái của người thụ hướng.

Trong khi đó, thánh Gioan Thánh Giá 482 nhấn mạnh rằng vị linh hướng phải giúp người thụ hướng lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng là người hướng dẫn chính đang làm việc nơi người thụ hướng. Chính Thần Khí Chúa Giêsu là trung tâm của đời sống thiêng liêng và của việc linh hướng. Vị linh hướng thành thạo nên giúp người thụ hướng cởi mở hoàn toàn cho hoạt động bên trong của Chúa, sẵn sàng thay đổi ý kiến và cuộc sống.

Vị linh hướng phải ngoan ngoãn nghe theo những gì Chúa Thánh Thần đang làm nơi người thụ hướng, hầu có thể khẳng định và xác nhận việc Chúa Thánh Thần làm đó. Ngài cũng dạy cho người thụ hướng làm sao áp dụng Lời Chúa vào hoàn cảnh cụ thể và đặc biệt của cuộc sống mỗi ngày; đồng thời biết quan tâm đến những gì Thiên Chúa nghĩ hơn là những gì con người nghĩ. Thiên Chúa có thể hành động trực tiếp, nhưng Ngài thích dạy con người qua con người hơn, chẳng hạn như trường hợp Saolô (x. Cv 9, 1-19). Thánh Gioan Thánh giá đồng quan điểm với thánh Têrêsa Avila rằng vị linh hướng cần được đào tạo, nhạy cảm, tín cẩn, có kinh nghiệm trong đời sống cầu nguyện và kiến thức chắc chắn về tâm lý thực hành.

Tóm lại, những đức tính của một vị linh hướng tốt là: Một con người có trí phán đoán lành mạnh và lương tri tốt, đủ tự tin để khơi dậy lòng tín nhiệm nơi người khác. Một vị linh hướng tốt kinh nghiệm Thần Khí và mở rộng kinh nghiệm ấy qua việc quan sát kinh nghiệm của người khác. Ngài khiêm tốn tập việc dưới sự hướng dẫn của người có kỹ năng. Ngài có sự trưởng thành cá nhân trong cầu nguyện và xác tín tầm quan trọng của cầu nguyện. Ngài luôn luôn cập nhận hoá việc học với tinh thần cầu tiến. Ngài sẵn sàng chất vấn và cũng sẵn sàng để được chất vấn nữa. Ngài có khả năng khích lệ và thúc đẩy người khác. Ngài là một người biết chăm chú lắng nghe với lòng thiện cảm, khiêm tốn và yêu thương. Ngài có khả năng sống thành thật với chính mình và với người khác, với khả năng gây tín nhiệm nơi người khác.

 

VII. Những Gì Vị Linh Hướng Phải Tránh? 483

Một vị linh hướng tốt không áp đặt giá trị lên người thụ hướng, nhưng phải rõ ràng với những giá trị quan trọng. Ngài nhắc lại những giá trị ấy, nhưng để người thụ hướng tự do, ngõ hầu anh có thể chọn lựa một  giá trị cho mình cách tự do.

Một vị linh hướng tốt không gài bẫy người thụ hướng, nhưng rất thẳng thắn với anh. Ngài đừng cố trở thành người giải quyết vấn đề. Ngài không bắt người thụ hướng phải chịu thẩm vấn. Ngài không cố chứng minh điều gì đó với người thụ hướng mà ngài biết rằng anh không sẵn sàng chấp nhận vào lúc đó. Ngài không sợ thinh lặng, bởi vì thoải mái thinh lặng chứng tỏ rằng mình đang cảm thấy dễ chịu.

Một vị linh hướng tốt không nhắm đến mục đích cứng nhắc: “Tôi muốn hướng dẫn nó và đưa nó đi lối này.” Ngài không lên án người thụ hướng. Ngài không nên quá bộc lộ hay ăn khớp với người vô cảm. Ngài không nên vội vàng chỉnh sửa tất cả những quan niệm sai lầm ngay lập tức. Ngài không lợi dụng người khác để thỏa mãn nhu cầu của riêng mình. Ngài không kỳ vọng quá nhiều việc ngay một lần. Ngài không bảo đảm cho người thụ hướng cách quá nhanh chóng, vì thái độ này làm cho anh bị lệ thuộc. Ngài không nên vội vả trả lời những vấn nạn của người thụ hướng. Đôi khi nên gửi trả lại câu hỏi: “Đây là một câu hỏi hay.”

      

VIII.  Những Gì Vị Linh Hướng Phải Làm?

Một vị linh hướng tốt phải lắng nghe người thụ hướng, để cho anh cơ hội thấu hiểu kinh nghiệm của chính anh. Ngài cùng lắng nghe lời mang tính hiện sinh, ngôn sứ và thời sự của Chúa. Ngài chuẩn bị đất cho một cam kết hoàn toàn tự do hoặc tái cam kết với giá trị và ý nghĩa của toàn bộ đời sống của người thụ hướng, hầu kiến tạo căn tính cá biệt của một con người nhờ sự trung thành có tính cách sáng tạo. Ngài phải ý thức rằng một quyết định của một đời người phải được thực hiện trong lúc tự do. Ngài cũng phải ý thức rằng lối sống và cách giải thích kinh nghiệm của một con người phải được kiểm chứng bởi những kinh nghiệm lặp đi lặp lại được giải thích và đánh giá cùng với nhau.

GHI CHÚ

479 Judette Gallares, Handout “Perpectives for Spiritual Direction and Discernment”

480 Shaun McCarty, “On Entering Spiritual Direction,” in Kevin G Culligan, Spiritual Direction: Contemporary Readings (New York: Living Flame Press, 1983), p. 105-110

481Aulie M. Douglas, Handbook for Spiritual Director, (Bandra Mumbai : St Paul, 2002), pp.16-22

482 Aulie M. Douglas, Handbook for Spiritual Director, (Bandra Mumbai : St Paul, 2002), pp.22-25

483 Judette Gallares, “Handout Perspectives for Spiritual Direction and Discernment”

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!