.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Tựa

Dẫn Nhập

Lược Tóm

PHẦN I - Chương I: Xã Hội Việt Nam

Chương II: Giáo Hội Việt Nam với các Chủng Viện và Hàng Giáo Sĩ

Chương III: Việc đào tạo thiêng liêng hiện nay ở các chủng viện Việt Nam

PHẦN II - Chương IV: Giáo Huấn của Hội Thánh Hoàn Vũ về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương V: Giáo huấn của Hội Thánh Địa Phương về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương VI: Áp dụng giáo huấn của Hội Thánh vào việc đào tạo Thiêng Liêng cho các Chủng Sinh

PHẦN III - Chương VII: Bối cảnh hoá đào tạo Thiêng Liêng cho các Linh Mục Việt Nam tương lai

Chương VIII: Giai đoạn tiền chủng viện thăng tiến, thẩm tra và đón nhận

Chương IX: Giai đoạn chủng viện đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng

Chương X: Giai đoạn hậu chủng viện

Kết Luận

Sách tham khảo

Phụ trương A

Phụ trương B

Phụ trương C

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
PHẦN II - CHƯƠNG IV: GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH HOÀN VŨ VỀ VIỆC ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG

PHẦN II

NHỮNG GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH

VỀ VIỆC ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG

CHO CÁC CHỦNG SINH

Các ứng sinh linh mục phải chuẩn bị một cách có ý thức để lãnh nhận và sống ân huệ của Thiên Chúa và luôn hiểu rằng Hội thánh và thế giới đang rất cần đến họ.70

Đời sống thiêng liêng phải bao gồm và chi phối toàn bộ đời sống con người, vì đời sống thiêng liêng là đời sống nhân bản được sống trong Chúa Thánh Thần. Môi trường hiện tại dẫn đến một hoàn cảnh và hoàn cảnh này lại gây ra những thay đổi sâu xa trong Hội thánh và thế giới. Hoàn cảnh ấy buộc chúng ta phải đặt ra vấn nạn: “Hội Thánh ngày nay và thế giới ngày nay cần kiểu linh mục nào?” Câu trả lời cho vấn nạn này sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc hình thành một chương trình đào tạo phù hợp. Trong khi tìm kiếm một số hướng trả lời, tác giả sẽ quan sát, lượng định, và phân tích một số giáo huấn của Hội Thánh về đời sống thiêng liêng, đặc biệt là đời sống thiêng liêng của các linh mục.

Như đã được đề cập trên đây, việc đào tạo thiêng liêng là yếu tố trung tâm trong sứ mệnh của bất cứ chủng viện nào, vì thế “thiếu đào tạo thiêng liêng, việc đào tạo mục vụ sẽ không có nền tảng.”71

Một số tài liệu của Hội Thánh về tiến trình đào tạo thiêng liêng sẽ được nghiên cứu gồm:

* Optatam Totius (Đào Tạo Linh Mục) và Presbyterorum Ordinis (Sứ Vụ và Đời Sống Linh Mục) của Công Đồng Vaticanô II;

* Pastores Dabo Vobis (Những Mục Tử Như Lòng Mong Ước) và Ecclesia in Asia (Hội Thánh tại Á Châu), Tông Thư Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II;

* Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (Lược Đồ Cơ Bản cho Việc Huấn Luyện Linh Mục) và Spiritual Formation in Seminaries của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo.

* Một số Bài Diễn Văn của Đức Thánh Cha cũng được đề cập tới.

* Các tài liệu của Liên Hiệp Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC), và của Hội Đồng Giám Mục Việc Nam (HĐGMVN) cũng sẽ được nghiên cứu.

 

CHƯƠNG IV

GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH HOÀN VŨ

VỀ VIỆC ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG

 

A.  Tài Liệu của Công Đồng Vaticanô II

      1.    Đào Tạo Linh Mục (Optatam Totius)

Optatam Totius đưa ra nghiên cứu súc tích nhất về những mục đích của bất cứ chương trình đào tạo nào và nhấn mạnh đến việc đào tạo thiêng liêng.72

Trước hết, Đời Sống Thiêng Liêng Sâu Xa và Cảm Thức về Mầu Nhiệm Hội Thánh: Đời Sống Thiêng Liêng Sâu Xa phải giúp các chủng sinh tập sống trong tình hiệp thông mật thiết và liên tục với Chúa Ba Ngôi, bằng các biện pháp: trung thành suy ngẫm Lời Chúa, tích cực tham dự vào các mầu nhiệm thánh của Hội Thánh, đặc biệt là Thánh Thể và Kinh Thần Vụ, tìm kiếm Chúa Kitô nơi người khác, đặc biệt là những người nghèo khổ và nhỏ bé, và lòng tôn kính hiếu thảo với Đức Trinh Nữ Maria.73

Cảm Thức về Mầu Nhiệm Hội Thánh sẽ được diễn tả bằng lòng gắn bó con thảo với Đức Giáo Hoàng, bằng việc trung thành cộng tác với các Giám Mục, bằng sự hoà hợp với anh em linh mục, để làm chứng về sự hiệp nhất của Hội Thánh. Họ phải bày tỏ lòng sẵn sàng đón nhận quyền bính với xác tín sâu xa và vì những lý do siêu nhiên. Bằng lòng yêu mến như thế đối với Hội Thánh, họ củng cố đời sống thiêng liêng.74

Thứ đến, Đời Sống Độc Thân Linh Mục phải được trình bày hết sức kỹ lưỡng cho các chủng sinh như là một món quà quí giá của Thiên Chúa, với tình yêu không chia sẻ vì Nước Trời. Công tác đào tạo này cần được bổ sung bằng những khám phá mới nhất của khoa sư phạm và tâm lý lành mạnh,75 nhằm biết làm thế nào tránh được những hiểm nguy đe doạ đức trong sạch, làm thế nào đạt tới mức trưởng thành về nhân bản và làm chủ suy nghĩ, cơ thể, bản năng, tình cảm và những đam mê của mình.

Các chủng sinh cần được huấn luyện trong tinh thần vâng phục của linh mục, tinh thần nghèo khó và từ bỏ, để họ có thể tự nguyện từ bỏ ngay cả những thứ hợp pháp nhưng không thiết thực. Họ phải khiêm tốn hướng tới và đáp lại đời sống độc thân linh mục một cách tự do và quảng đại dưới ơn trợ giúp và tác động của Chúa Thánh Thần, với những phẩm chất tốt đẹp như thành thật, lòng yêu mến lẽ công bình, lòng trung thành với những lời cam kết, thái độ lịch lãm trong hành động, lòng khiêm tốn và bác ái trong lời nói.76

Và sau cùng, Optatam Totius ước mong sao các Giám Mục dành riêng ra một khoảng thời gian thích hợp để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về thiêng liêng và sắp xếp công việc mục vụ để thử thách mức độ phù hợp của các ứng viên tiến tới chức linh mục.77

         2.    Sứ Vụ và Đời Sống Linh Mục (Presbyterorum Ordinis)

Presbyterorum Ordinis tập trung vào những đòi hỏi thiêng liêng.78

Trước hết, Lòng Khiêm Tốn và Vâng Phục: Đức tính quan trọng nhất của các linh mục là luôn sẵn sàng nhận ra và thi hành ý Chúa, chứ không phải ý riêng mình. Ý thức được sự yếu đuối của mình (1 Cr 1,27), các ngài khiêm tốn làm việc và cố gắng làm điều đẹp lòng Chúa (Ep 5,10), các Ngài hiểu và dấn bước theo khát mong của Thiên Chúa trong những tình huống bình thường của đời sống hằng ngày.

Lòng bác ái mục tử thôi thúc các linh mục dâng hiến ý muốn của riêng mình bằng lòng tuân phục nhằm phục vụ Thiên Chúa và người khác. Bằng tinh thần đức tin, các ngài vâng phục Đức Giáo Hoàng, Giám Mục Bản quyền và các Bề Trên của mình, trong nhiệm vụ được trao, dầu tầm thường và vô danh, để xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô. Lòng tuân phục này thăng tiến tự do trưởng thành. Bằng lòng khiêm tốn và tuân phục có trách nhiệm, các ngài trở nên thích hợp với Chúa Kitô (Pl 2,7-9; Rm5,19).

Thứ hai, Món Quà Đời Sống Độc Thân: Được Hội thánh Latinh quyết định và bó buộc, Đời Sống Độc Thân được gìn giữ và đánh giá như là món quà của Thiên Chúa, được đón nhận và tuân giữ như một giá trị cao quí của đời sống linh mục. Nó là một dấu chỉ của đức bác ái mục tử và là một suối nguồi đặc biệt của sự phong phú thiêng liêng.

Thực ra, đời sống độc thân có nhiều khía cạnh thích hợp với chức linh mục. Qua đời sống độc thân, được tuân giữ vì Nước Trời, các linh mục kết hợp với Chúa Kitô dễ dàng hơn bằng một con tim không san sẻ (1 Cr 7,32-34). Qua Chúa Kitô, họ hiến dâng bản thân để phục vụ Thiên Chúa và Dân Ngài, và như thế các ngài dễ dàng trở nên dấu chỉ sống động của một thế giới tương lai.

Các linh mục phải khiêm tốn và nhiệt thành cầu nguyện cho đời sống độc thân và đón nhận đời sống ấy như là một món quà thuộc về ân sủng Thiên Chúa. Cùng với Hội Thánh, họ phải khiêm tốn và kiên định cầu nguyện cho ơn trung thành và sử dụng mọi sự trợ giúp siêu nhiên cũng như tự nhiên, đặc biệt là lối thực hành khổ chế đã được kinh nghiệm của Hội Thánh chấp thuận. Cả các linh mục và tín hữu đều phải ấp ủ và nài xin Thiên Chúa quà tặng quí giá là đời sống độc thân linh mục.79

Thứ ba, Đức Nghèo Khó Tự Nguyện: Sống trong thế gian và sử dụng thế gian, các linh mục phải học cách thế không thuộc về thế gian và trở nên ngoan ngoãn với tiếng Chúa trong đời sống hằng ngày. Từ sự tự do và ngoan ngoãn này mà sự tự do thiêng liêng lớn mạnh. Nơi sự tự do thiêng liêng, các linh mục tìm được mối tương quan thích hợp với trần gian và của cải trần gian, từ đó các ngài có thể sử dụng của cải cách đúng đắn theo ý Thiên Chúa và từ bỏ những gì phương hại cho sứ vụ của mình.

Vì thế, các ngài phải tránh mọi thứ bề ngoài xa hoa và phù phiếm, và xếp đặt nhà ở sao cho phù hợp để các ngài không tỏ ra xa cách với bất cứ ai, thậm chí những người khiêm tốn nhất cũng dễ dàng thăm viếng các ngài. Do đó, các ngài được mời gọi sống theo đức khó nghèo tự nguyện, nhờ đó các ngài nên phù hợp với Chúa Kitô một cách rõ ràng hơn và trở nên nhiệt thành với tác vụ thánh.80

Sau cùng, Cuộc Sống Nội Tâm của các linh mục cần được cổ vũ nhờ các phương tiện thiêng liêng để thánh hoá bản thân: hợp nhất với Chúa Kitô trong mọi trạng huống của cuộc sống; sống nhờ hai bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, hai bàn tiệc này được cử hành trong Thánh Lễ và được sùng kính trong Bí Tích Cực Thánh; tự xét lương tâm hằng ngày; đọc sách thiêng liêng để tìm ý Chúa nhờ tác động của Chúa Thánh Thần; các dấu chỉ thời đại và các biến cố cuộc sống; lòng sùng kính đối với Đức Trinh Nữ Maria; các cuộc tĩnh tâm và linh hướng; và các dạng khẩu nguyện và suy nguyện khác.81

 

B.    Các Tài Liệu của Toà Thánh

    1. Những Mục Tử Như Lòng Mong Ước (Pastores Dabo Vobis)

Pastores Dabo Vobis khai triển những ý niệm này một cách cụ thể hơn về công việc đào tạo thiêng liêng.82

Trước hết, Sự Thinh Lặng và Tiếng Chúa: Cho dù cá nhân con người vẫn mở ra trước siêu việt, trước tuyệt đối, thì việc lắng nghe tiếng Chúa và hiểu rõ giá trị của thinh lặng trong sâu thẳm lòng người, nơi họ hiện diện một mình với Thiên Chúa,83 cũng là việc rất khó trong xã hội hiện đại. Sự thinh lặng cho phép chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và để cho sự hiện diện này chiếm đoạt.

Thứ hai, Thánh Thể: không chỉ vì Thánh Thể là suối nguồn và tuyệt đỉnh đời sống thiêng liêng, mà còn vì Thánh Thể hàm dưỡng những thái độ quyết định nơi cá nhân: Các chủng sinh phải được huấn luyện để góp phần tích cực hằng ngày và coi việc cử hành Thánh Thể như là thời điểm cốt yếu trong ngày sống của mình. Những tâm tình quan trọng bậc nhất được Thánh Thể nuôi dưỡng là lòng tri ân, tự hiến, bác ái, và tôn thờ.

Thứ ba, Bí Tích Sám Hối: Hết sức nhạy bén đối với giá trị và sức mạnh của Thánh Thể, PDV thúc giục việc tái khám phá vẻ đẹp và niềm vui của Bí Tích Sám Hối bằng việc phát huy cảm thức về tội lỗi, về khổ chế, kỷ luật nội tâm, tinh thần hi sinh và Thập Giá.

Thứ tư, Khiêm Tốn Phục Vụ: Các chủng sinh cần một chương trình huấn luyện thích hợp theo tinh thần khiêm tốn phục vụ của Chúa Giêsu (Ga 13,15), theo tình bác ái, đặc biệt là bằng tình yêu thương ưu tiên với người nghèo và lòng thương xót đối với tội nhân.84

Thứ năm, Đời Sống Độc Thân Linh Mục được nêu bật như là một ân huệ và quà tặng đặc biệt của Thiên Chúa,85 như là lựa chọn một tình yêu không chia sẻ và mạnh mẽ hơn vì Chúa Kitô và vì Nước Thiên Chúa. Đời sống độc thân cần được trình bày rõ ràng, không hàm hồ và theo cách tích cực. Các chủng sinh cần đạt mức trưởng thành về tính dục và tâm lý đầy đủ và một cuộc sống cầu nguyện siêng năng và đích thực, dưới sự hướng dẫn của cha linh hướng. Những điều đó sẽ hàm dưỡng khả năng đánh giá giá trị của hi sinh, xả kỷ, tự hiến hết mình, tự giác kỷ luật, đón nhận sự cô tịch và thập giá. Mọi công việc đào tạo nội tâm phải sinh hoa trái trong chính lối sống của ứng sinh: Các ứng sinh phải tìm kiếm Thiên Chúa nơi người khác qua việc phục vụ thừa tác vụ được trao ban nhưng không và đức bác ái mục tử.

          2. Hội Thánh tại Á Châu

                 a. Những Ưu Tiên của Hội Thánh tại Á Châu

Ecclesia in Asia dành những ưu tiên tuyệt đối cho việc loan báo Tin Mừng (EA số 19) và cho linh đạo về Truyền giáo, tại Á Châu điều này có nghĩa là loan báo Chúa Giêsu như là Đấng Cứu Độ duy nhất (EA số 20), bằng phương tiện hội nhập văn hoá (EA số 21-22), trong suy tư thần học, phụng vụ, và công tác đào tạo linh mục với sự tương tác cả chiêm niệm lẫn hành động.

Để cho sứ vụ truyền giáo được hữu hiệu, Hội Thánh tại Á Châu phải sống hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, hiệp thông trong lòng Hội Thánh (EA số 25), hiệp thông bằng đối thoại: đối thoại đại kết giữa các giáo hội, đối thoại với các nền văn hoá, đối thoại với các tôn giáo khác (EA số 29-30), đối thoại bằng cuộc sống với người nghèo (EA số 34), dấn thân để thăng tiến nhân vị, đặc biệt là người nghèo trong mọi chiều kích về phẩm giá, kinh tế, cuộc sống, về hoà bình và về môi trường (EA số 41).

Sau hết, Hội Thánh tại Á Châu phải đẩy mạnh việc làm chứng cho Tin Mừng (EA số 42-49), nghĩa là Hội Thánh phải thực sự sống điều mình rao giảng.

               b. Đào Tạo Thiêng Liêng cho Các Chủng Sinh

Theo lời Đức Hồng Y Paul Shan Kuo-hsi trình bày,86 Hội Thánh tại Á Châu cần các linh mục quân bình về tâm lý, trưởng thành về tình cảm, lành mạnh về phán đoán, chính thống về giáo lý, mạnh mẽ về ý chí, nhanh nhẹn về lòng bác ái, luôn sẵn lòng phục vụ người khác, nhiệt tâm đối với việc Phúc Âm hoá và việc mục vụ, có đời sống thiêng liêng bám rễ sâu trong mối hiệp thông mật thiết với Ba Ngôi Cực Thánh và đặt Chúa Giêsu Kitô làm trung tâm. Trước khi vào chủng viện, ứng sinh phải trải qua một trắc nghiệm tâm linh, tốt nhất là do một linh mục chuyên gia hướng dẫn.87 Với trắc nghiệm này, ít nhất  ứng sinh phải chứng tỏ mình có những dấu hiệu tiềm tàng và tích cực của những phẩm chất nêu trên, và không có những vết tích quá tiêu cực trái ngược.

Những phẩm chất được nêu trên của linh mục cần được ứng sinh thủ đắc dần dần trong những năm dài của quá trình đào tạo. Mặc dù các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng không đưa ra đề nghị chính thức về việc đào tạo tâm lý, tuy nhiên, các ngài đã bàn về điều này trong những cuộc thảo luận theo nhóm nhỏ và những cuộc đàm luận riêng tư. Các ngài đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo về độc thân, các tương giao nhân bản và hợp tác hài hoà với người khác. Các ngài cũng hết sức nhấn mạnh tới việc cầu nguyện, chiêm niệm và cô tịch trong việc đào tạo thiêng liêng. Cầu nguyện, suy niệm, chiêm niệm và cô tịch là những đường hướng thiêng liêng truyền thống dẫn dắt con người tới sự thánh thiện và hoàn hảo trong tất cả các tôn giáo lớn ở Á Châu. Phúc Âm hoá hữu hiệu không chỉ đòi hỏi việc loan báo tích cực, những công việc phục vụ bác ái xã hội, những hoạt động văn hoá và giáo dục, nhưng còn đòi hỏi một đời sống cầu nguyện sâu xa với suy niệm, chiêm niệm, cô tịch và kết hợp với Thiên Chúa.88

      3. Lược Đồ Cơ Bản cho Việc Huấn Luyện Linh Mục

            (Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis)

            a. Những Nguyên Tắc Chỉ Đạo Tổng Quát

Trước hết, những linh mục tương lai cần học:89

* sống gần gũi và luôn đồng hành cùng Chúa Ba Ngôi;

* thường xuyên tìm được Chúa Kitô trong mối hiệp thông thân mật của lời cầu nguyện;

* giữ Lời Chúa với lòng yêu mến ăn rễ sâu trong niềm tin, và trao Lời Chúa cho người khác;

* thăm viếng và thờ lạy Chúa Kitô hiện diện nơi bí tích Thánh Thể;

* có lòng mến yêu thân thiết đối với Đức Trinh Nữ Maria là Đấng liên kết cách đặc biệt với công trình Cứu Độ;

* tham khảo các tài liệu thánh truyền, các tác phẩm của các  Giáo Phụ, và mẫu gương của các thánh;

* biết cách tra xét và phán đoán lương tâm và những động cơ của chính mình với lòng lương thiện và thành thật.

Thứ hai, việc đào tạo thiêng liêng cho các chủng sinh là một tiến trình bao gồm những giai đoạn khác nhau; mỗi giai đoạn cần được thích ứng với tuổi tác, kinh nghiệm, và khả năng của các chủng sinh. Hiệu quả của việc đào tạo này được nâng cao đáng kể nhờ một số những thời kỳ ấn định cho việc huấn luyện chuyên sâu hơn. Những thời kỳ này có thể là: lúc mới vào chủng viện, lúc bắt đầu học thần học, và khi họ tiến gần tới ngày chịu chức linh mục.

            b.    Những Khía Cạnh Cụ Thể

Mục đích trước tiên của việc đào tạo thiêng liêng là đức ái hoàn hảo. Mức hoàn hảo này giúp các chủng sinh trở nên Chúa Kitô khác. Được thấm nhuần Thần Khí của Chúa Kitô cách sâu xa, họ sẽ nhận ra điều họ đang làm khi cử hành mầu nhiệm sự chết của Đức Kitô phục vụ (Mt 20,28). Từng bước một, họ phải hiểu biết rõ ràng và chắc chắn về ơn gọi linh mục của mình, và như thế họ làm cho mình có nhiều khả năng thủ đắc những đức tính và thói quen của đời sống linh mục. Họ được kêu gọi cố gắng hết sức để hoàn thiện đời sống của chính mình và đời sống chung trong chủng viện nên một tâm hồn (Cv 2, 44-46).

Nhờ đó, cộng đoàn vui hưởng sự hiện diện của Thiên Chúa, triệt để tuân giữ luật lệ và đạt được mối liên kết hoàn hảo.90 Đời sống cộng đoàn như thế chuẩn bị cho các ứng sinh để họ có thể nên một trong tình “huynh đệ bí tích” với cộng đoàn rộng lớn hơn là hàng giáo sĩ giáo phận, nhờ mối liên kết bác ái, cầu nguyện, và sự hợp tác trong nhiều khía cạnh, nhằm xây dựng Hội Thánh, một bổn phận đòi hỏi nhiều trách nhiệm và những c anh  tân  hợp thời.91

Mục đích thứ hai là đời sống độc thân linh mục, một nguyên tắc được Hội Thánh Latinh đặt ra cho những ai, nhờ ân sủng Thiên Chúa, tự nguyện đón nhận vì Nước Trời. Ở tình trạng này, các linh mục dễ dàng ở gần Chúa Kitô hơn với một trái tim không chia sẻ; tự do hơn trong việc trao hiến chính mình phục vụ Chúa và Dân Chúa, và đón nhận chức linh mục với lòng quảng đại.92

Bởi vậy, các linh mục tương lai phải ý thức và đón nhận đời sống độc thân như là một món quà đặc biệt Chúa ban. Nhờ đời sống dành trọn cho việc cầu nguyện, cho mối hiệp nhất với Chúa Kitô, cho đức ái huynh đệ chân thành, các thầy có thể giữ gìn cách hân hoan và trọn vẹn đời sống độc thân của mình. Các thầy cần có được tự do hoàn toàn về tâm lý, cả bề trong lẫn bề ngoài, và đạt mức ổn định về tình cảm, để hiểu rõ  và sống đời độc thân như là sự kiện toàn bản thân. Một nền giáo dục thích đáng về giới tính sẽ dẫn đưa các thầy tới một tình yêu trong trắng đối với con người hơn là một nỗi lo âu nhằm tránh tội, như vậy nhằm chuẩn bị cho họ dấn thân vững vàng vào tác vụ mục vụ trong tương lai.93

Một khía cạnh khác của việc đào tạo thiêng liêng là mối tương quan thân mật với Chúa Kitô, “vẫn là một, hôm qua, hôm nay, và mãi đến muôn đời” (Dt13,8). Các chủng sinh nên nhắm tới mối tương quan bằng hữu gần gũi với con người và sứ vụ của Chúa Kitô, Đấng đã hoàn thành nhiệm vụ mình với lòng khiêm tốn tùng phục thánh ý Chúa Cha như là lương thực của mình (Ga 4,34). Các thầy được kêu gọi dâng hiến ý muốn riêng mình để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, nhờ lòng vâng phục với niềm tin.

Họ không chỉ học đón nhận thánh giá, nhưng là yêu mến thánh giá, và gánh vác những trách nhiệm nặng nề được uỷ thác nhằm thi hành sứ mạng tông đồ của mình. Họ cần sống đức vâng phục chân thành đối với Đức Giáo Hoàng và Giám Mục của mình. Bằng việc sống tinh thần phục vụ khiêm tốn và lòng hiếu thảo, họ trở thành những cộng tác viên trung thành của các ngài.94

Thứ tư, các chủng sinh phải học nuôi dưỡng Tinh Thần Nghèo Khó để chu toàn việc tông đồ: tin vào sự Quan Phòng của Chúa Cha, họ cần biết thế nào là dư dật và thiếu thốn, thế nào là đói khổ và no đầy, thế nào là có nhiều và có ít, bắt chước gương thánh Phaolô (Pl 4,12). Bước theo gương  mẫu Chúa Kitô (2 Cr 8,9), họ nên coi người nghèo và người kém may mắn như  là bổn phận đặc biệt của mình và làm chứng cho đức nghèo khó, với tinh thần từ bỏ chính mình trước những của cải không cần thiết.95

Thứ năm, việc đào tạo thiêng liêng bao trùm con người toàn diện. Ân sủng không bóp nghẹt tự nhiên, nhưng nâng tự nhiên lên mức độ cao hơn. Các chủng sinh phải tập sống thành thật, luôn quan tâm tới công lý, và những cách ứng xử tốt trong giao thiệp với con người với tinh thần bằng hữu và phục vụ, tinh thần sẵn sàng làm việc, và khả năng làm việc với người khác. Họ phải giữ lời, tự chủ và ân cần trong giao tiếp. Vì nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho mọi người, họ phải học nghệ thuật, nghĩa là biết nói chuyện với người khác cách đúng đắn, kiên nhẫn lắng nghe và có khả năng diễn đạt ý mình.96

Sau cùng, sinh lực và sự mới mẻ trong đời sống linh mục là Thánh Thể và Bí Tích Sám Hối. Các chủng sinh hằng ngày phải tham dự vào việc cử hành Thánh Thể, “suối nguồn và tột đỉnh của cả đời sống Kitô giáo” và là trung tâm toàn bộ đời sống chủng viện. Việc tôn thờ Thánh Thể phải gắn liền với Kinh Thần Vụ. Nhờ Thánh Thể, phụng vụ và lời cầu nguyện, các thầy sẽ có thể kiên tâm gắn bó thân tình và thật sự với Chúa Kitô và Hội Thánh.97 Bí tích Sám Hối phải được thấm nhuần vào các linh mục tương lai, để họ có thể được canh tân hằng ngày. Mỗi chủng sinh phải khiêm tốn và tin tưởng cởi mở lương tâm mình trước vị linh hướng, thông qua việc linh hướng, để thầy được hướng dẫn cách an toàn trên con đường của Chúa.98

Thầy phải từng bước thủ đắc đời sống thiêng liêng trưởng thành thật sự qua sự tự đánh giá, tĩnh tâm thường kỳ, và những dạng luyện tập khác, luôn ý thức rằng những hoạt động thiêng liêng ấy sẽ giúp phát triển và tăng cường đời sống thiêng liêng của thầy.99 Thầy phải được huấn luyện quan sát chính xác những dấu chỉ thời đại và phán đoán các sự kiện nhờ ánh sáng Tin Mừng. Theo nghĩa này, thinh lặng bên ngoài là bắt buộc, vì thiếu thinh lặng bên ngoài sẽ chẳng có thinh lặng nội tâm trong linh hồn.

      4.    Đào Tạo Thiêng Liêng Trong Các Chủng Viện

Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo chỉ ra bốn nguyên tắc chỉ đạo khẩn thiết của việc đào tạo thiêng liêng cho các linh mục tương lai:100

   Trước hết, Lời Chúa: Ứng sinh phải tạo được một cảm thức về thinh lặng nội tâm thực sự để có thể lắng nghe và hiểu sâu xa Lời Chúa, và kiên nhẫn tìm Chúa Kitô qua chính kinh nghiệm lắng nghe tiếng Chúa trong cầu nguyện của mình. Kinh nghiệm này giúp thầy trở thành  thầy dạy cầu nguyện cho người khác. Thinh lặng nội tâm tìm được nơi Chúa Kitô suối nguồn và mục đích: là phó thác cho Chúa Cha và tuỳ thuộc vào Ngài, là sự thân mật nội tâm và đối thoại thực sự với Chúa. Thinh lặng bên trong và thinh lặng bên ngoài ảnh hưởng lẫn nhau và nuôi dưỡng nhau. Trong một chủng viện, nơi mà thinh lặng bên ngoài không hiện hữu thì thinh lặng nội tâm cũng vắng bóng. Luật Sống ở chủng viện phải thu xếp ưu tiên cho việc này.101

Thứ hai, ứng sinh phải sống hy tế cứu độ và làm cho hy tế của Chúa Kitô hiện diện nhờ Thánh Thể và làm cho người tín hữu hiệp thông cách xứng đáng với hy tế này.102

Thứ ba, thầy phải lớn lên trong hy tế thiêng liêng nhờ đón nhận và vác thập giá theo vết chân từ bỏ chính mình của Chúa Kitô, nghĩa là có lòng vâng phục thực sự và có cảm thức sám hối.

Và sau cùng, thầy phải có lòng hiếu thảo và tin tưởng đối với Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mà Chúa Giêsu trên thập giá đã ban cho chúng ta như người mẹ. Mầu nhiệm Đức Maria dẫn đưa tới cuộc tiếp xúc tuyệt vời hơn với Chúa Kitô và thập giá của Ngài. Kitô học cũng là Thánh Mẫu học. Tình yêu và lòng sùng kính với Đức Trinh Nữ Maria phải được dậy dỗ và thực hành trong chủng viện với một nguồn sinh lực nội tâm.103

Tài liệu này cũng đề nghị chủng viện có một thời kỳ chuẩn bị dành riêng cho việc đào tạo thiêng liêng. Thời kỳ chuẩn bị này nên diễn ra trước, hoặc cách nào đó ngoài thời gian chủng viện, các sinh viên có cơ hội để hoàn tất một thời gian học tập thiêng liêng thực sự.104

 

C. Giáo Huấn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

      1. Đóng Góp của Khoa Tâm Lý Học trong Việc Đào Tạo Linh Mục105

            a. Đóng Góp Thích Đáng và Hạn Chế của Khoa Tâm Lý Trong Tiến Trình Đào Tạo Linh Mục

Theo Đức Giáo Hoàng, sự đóng góp chuyên môn của các nhà tâm lý có thể được sử dụng thích hợp vào thời gian mới  nhập học, cũng như trong toàn bộ tiến trình đào tạo. Ý kiến chuyên môn này phải được đưa vào sử dụng theo một đường lối quân bình, nhằm bảo vệ giá trị lớn lao của việc linh hướng. Những can thiệp tâm lý này106 không loại bỏ khó khăn và căng thẳng nơi con người, nhưng khuyến khích làm triển nở một nhận thức rộng rãi hơn và một rèn luyện khoảng khoát hơn tự do cá nhân của con người.

Theo đường hướng này, con người có thể đón nhận một cuộc đấu tranh cởi mở và thành thật, nhờ sự trợ giúp không thể thay thế của ân sủng. Vì vậy, các nhà đào tạo cần chú ý đến phẩm chất tôn giáo của các chuyên gia tâm lý, cũng như khả năng chuyên môn khoa học của họ. Nhà tâm lý học cần hiểu biết thấu đáo quan điểm Kitô giáo về cuộc sống, và về ơn gọi linh mục, nếu muốn cung cấp một trợ giúp hữu hiệu cho sự hòa  hợp cần thiết giữa các chiều kích nhân bản và siêu nhiên.

      b. Đào Tạo Thiêng Liêng Và Đời Sống Độc Thân

Đức Giáo Hoàng dạy rằng các ứng viên phải được giới thiệu thực hành cầu nguyện, suy niệm và khổ chế cá nhân dựa trên các nhân đức đối thần được sống trong đời sống hằng ngày. Cả đức ái tông đồ trong Giáo Hội và giáo luật đều đưa ra  những bó buộc thích hợp cho tác vụ tương lai của ứng viên. Đời sống độc thân vì Nước Trời phải được trình bày như  một chọn lựa rất thuận lợi cho việc hân hoan loan báo Chúa Kitô Phục Sinh.

    2. Chuẩn Bị Vững Chắc Cho Các Linh Mục

Đức Gioan Phaolô II nói rằng việc lựa chọn chính xác các ứng viên là một tiến trình phức tạp. Bởi thế, ta phải lập tức bắt đầu tiến trình chuẩn bị các ứng viên được chọn lựa để sau này trở nên các linh mục tốt lành, thánh thiện. Việc đào tạo thiêng liêng và dạy dỗ giáo lý cho các sinh viên phải được kết hợp hài hoà với nhau và do các nhà đào tạo được huấn luyện chu đáo giám sát. Phải nhấn mạnh tới nhu cầu chính yếu là thường xuyên cử hành các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Sám Hối, cùng với việc cầu nguyện riêng tư và sốt sắng và thường xuyên gặp một vị linh hướng.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng chức linh mục phải được xem như một ơn gọi hướng tới sự phục vụ vị tha và yêu thương; rằng đời sống độc thân, món quà quí giá và mọi thứ liên quan đến đời sống ấy, “phải được coi như là phần không thể thiếu của đời sống bên trong và bên ngoài của linh mục.”10   

    3. Việc Đào Tạo Thiêng Liêng Thích Ứng với Những Thách Đố Truyền Giáo                    

Đức Gioan Phaolô II yêu cầu mọi người Công giáo Việt Nam tiến tới một đường lối mới trong việc Phúc Âm hoá; luôn sống nghiêm túc ơn gọi tín hữu đã lãnh nhận từ khi chịu phép rửa và “đảm nhận vai trò của mình trong đời sống và sứ mệnh của Dân Chúa, là chứng nhân của Chúa Kitô, ở mọi nơi mà họ hiện diện.”108

Đối với việc đào tạo người trẻ, ngài yêu cầu các Giám Mục Việt Nam lưu tâm tới những điều kiện đào tạo tri thức và thiêng liêng thích ứng với những thách đố truyền giáo mà giới trẻ phải đối mặt, bằng việc tuyển chọn kỹ lưỡng những người huấn luyện và các giáo sư, những vị đã thủ đắc mức trưởng thành về nhân bản và đời sống linh mục. Các ngài phải ý thức rằng nhiệm vụ Phúc Âm hoá liên quan tới mọi thành phần Dân Chúa và đòi hỏi lòng nhiệt thành mới, những phương pháp mới và ngôn ngữ mới.109

 

D. Giáo Huấn của Đức Bênêđitô XVI

     1. Chúa Giêsu Kitô Là Chuẩn Mực Chân Thực

Ngay trước khi được bầu, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI tổng kết rằng nhiều luồng ý thức hệ và mốt nghĩ đã làm giao động và hất con thuyền bé nhỏ là lối suy tư của các Kitô hữu đi từ thái cực này sang thái cực khác: từ chủ nghĩa Mác sang chủ nghĩa tự do, rồi chủ nghĩa phóng đãng; từ chủ nghĩa tập thể sang chủ nghĩa cá nhân triệt để; từ chủ nghĩa vô thần sang hiện tượng thần bí tôn giáo mơ hồ; tư  thuyết bất khả tri đến tạp giáo. Mỗi ngày, các giáo phái mới được sinh ra, dẫn đến lầm lạc (x. Eph.4:14). Đức tin rõ ràng đúng theo Tín Điều  của Giáo Hội thường bị chụp mũ là chủ nghĩa cơ bản tuyệt đối dựa vào Kinh Thánh, trong khi thuyết tương đối dường như là thái độ xứng hợp của thời đại chúng ta. Một sự độc tài của thuyết tương đốichẳng nhìn nhận điều gì là tuyệt đối, ngoài cái tôi và những ý nghĩ chợt nảy ra.

Nhưng chúng ta có Con Thiên Chúa, là Con Người Thật như là chuẩn mực cho thuyết nhân bản đích thực. Đức tin trưởng thành và chín chắn là đức tin bám rễ sâu trong tình bằng hữu với Chúa Kitô. Tình bằng hữu này làm chúng ta mở ra với mọi điều tốt đẹp và cho chúng ta chuẩn mực để biện phân giữa cái gì là chân thực và cái gì là giả dối, giữa sự dối trá và chân lý. Chúng ta cần phải trở nên chín chắn trong đức tin trưởng thành này; phải dẫn đưa đoàn chiên Chúa Kitô tới đức tin này. Và đức tin này, đức tin duy nhất, tạo ra sự hiệp nhất và xây dựng trong đức ái như là nền tảng của đời sống Kitô hữu.110

      2. Hội Thánh Không Sợ Tương Lai

Trong Sứ Điệp cho các Hồng Y,111 Đức Bênêđitô XVI cam kết sẽ luôn luôn nghe theo những linh hứng của Chúa Thánh Thần, với lòng khiêm tốn phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa, để tiếp tục con đường của các vị tiền nhiệm là loan báo cho toàn thế giới sự hiện diện sống động của Chúa Kitô. Ngài mạnh mẽ khẳng định quyết tâm tiếp tục dấn thân thi hành Công Đồng Vaticanô II. Ngài cũng cố gắng xây dựng sự hiệp thông trong lòng Hội Thánh, dựa trên sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Kitô Phục Sinh, biểu lộ nơi Thánh Thể.

Trong tương quan với bên ngoài, ngài lấy việc tái lập sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình nơi những người theo Chúa Kitô, thông qua việc “thanh tẩy ký ức”, như  là cam kết ưu tiên. Ngài thúc đẩy Hội Thánh làm sống lại ý thức Truyền Giáo để làm cho ánh sáng Chúa Kitô chiếu soi trước mọi dân tộc ngày nay. Ngài quả quyết sẽ tiếp tục một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành với các tôn giáo khác, với các nền văn hoá và văn minh khác nhau, đặc biệt là với những người nghèo và những người nhỏ bé. Ngài cũng tuyên bố rằng mọi người Công giáo sẵn lòng cộng tác để nhắm tới sự phát triển xã hội đích thực vì phẩm giá mọi người, với hy vọng rằng nhờ sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh sẽ làm nảy sinh một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người.

      3.  Mở Rộng Cửa cho Chúa Kitô

Sau hết, trong Thánh Lễ Nhậm Chức,112 ngài lặp lại lời Đức Gioan Phaolô II “Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!” Đấng “sẽ chẳng lấy đi điều gì thuộc về tự do và nhân phẩm của con người … Chỉ trong tình bằng hữu này chúng ta mới cảm nghiệm được vẻ đẹp và sự giải thoát.”

GHI CHÚ

70 Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis …, ibid., số 82.

71 Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis …, ibid., số 45.

72 Vaticanô II, Optatam Totius…, số 8-12.

73 Ibid., số 8.

74 Vaticanô II, Optatam Totius…, số 9; 11.

75 Gioan Phaolô II, “On Psychology and Candidates for the Priesthood”: Diễn Văn với Khoá Họp của thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, (Vatican City, February 21, 2002), Zenit.org/english, truy cập ngày 3-11-2004.

76 Vaticanô II, Optatam Totius…, ibid, số 9-11.

77 Ibid., số 12.

78 Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis…, số 15-18.

79 Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis…, số 15 - 16.

80 Ibid., số 17.

81 Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis…, số 18.

82 Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis…, ibid., số 45-50.

83 Vaticanô II, Gaudium et Spes: Pastoral Constitution on the Church in the Modern World (December 7, 1965), số 16.

84 Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis…, ibid., số 48-49.

85 Ibid., số 29.

86 Linh Mục Thiên Niên Kỷ Mới, Đại Chủng Viện Huế, (2000), tr. 31-56.

87 “On Psychology and Candidates for the Priesthood”…, ibid.

88 Linh Mục Thiên Niên Kỷ Mới, Đại Chủng Viện Huế, (2000), tr. 47-49.

89 CCE, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis…, ibid., số 44-58.

90 CCE, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (RFIS)…, ibid., số 44- 46.

91 Presbyterorum Ordinis…, ibid., no. 8; RFIS…, ibid., số 46.

92 Presbyterorum Ordinis…, ibid., no. 16; RFIS…, ibid., số 48.

93 CCE, RFIS …, ibid., số 48.

94 RFIS, ibid., số 49.

95 RFIS,  ibid., số 50.

96 RFIS,  ibid., số 51.

97 RFIS,  ibid., số 52.

98 RFIS,  ibid., số 55.

99 RFIS,  ibid., số 56-58.

100 Spiritual Formation in Seminaries, tr. 9-23.

101 Ibid., tr.10-14.

102 Ibid., tr. 14-18.

103 Spiritual Formation in Seminaries,tr. 22-23.

104 Ibid., p. 24. Xem Giai đoạn Tiền Chủng.

105 Gioan Phaolô II, “On Psychology and Candidates for the Priesthood” …,  ibid.

106 Xem phụ lục C: Khoa Tâm Lý và Đào tạo đời sống độc thân cho chủng sinh.

107 Gioan Phaolô II, “Solid Preparation for Laity and Priests”:  Address to Philippine Bishops (Vatican City, October 9, 2003), no. 6, Zenit.org/english, truy cập ngày 25-12-2004.

108 John Paul II, Ecclesia in Asia…, số 45.

109 “The Church is waiting for the Total Respect of its Autonomy”…, ibid.

110 “Jesus Christ: the Measure of True Humanism” (Rome, April 18, 2005), Zenit.org/english, truy cập ngày 1-5-2005.

111 “A Church That Has No Fear of the Future” (Vatican, April 20, 2005), Zenit.org/english, truy cập ngày 1-5-2005.

112 “Do Not Be Afraid of Christ! He Takes Nothing Away and Gives Everything,” (Vatican City, April 24, 2005), Zenit.org/english, truy cập ngày 1-5-2005.

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!