Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Trần Minh Huy, pss
Mục Lục

Lời Tựa

Dẫn Nhập

Lược Tóm

PHẦN I - Chương I: Xã Hội Việt Nam

Chương II: Giáo Hội Việt Nam với các Chủng Viện và Hàng Giáo Sĩ

Chương III: Việc đào tạo thiêng liêng hiện nay ở các chủng viện Việt Nam

PHẦN II - Chương IV: Giáo Huấn của Hội Thánh Hoàn Vũ về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương V: Giáo huấn của Hội Thánh Địa Phương về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương VI: Áp dụng giáo huấn của Hội Thánh vào việc đào tạo Thiêng Liêng cho các Chủng Sinh

PHẦN III - Chương VII: Bối cảnh hoá đào tạo Thiêng Liêng cho các Linh Mục Việt Nam tương lai

Chương VIII: Giai đoạn tiền chủng viện thăng tiến, thẩm tra và đón nhận

Chương IX: Giai đoạn chủng viện đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng

Chương X: Giai đoạn hậu chủng viện

Kết Luận

Sách tham khảo

Phụ trương A

Phụ trương B

Phụ trương C

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

THƯƠNG CHO ĐẾN CÙNG ĐỜI LINH MỤC THỪA TÁC

Đối Mặt Với Bối Cảnh Đào Tạo Hôm Nay: Cuộc Khủng Hoảng Tình Cảm Và Tình Dục Trong Giáo Hội.

ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI HÔM NAY

LƯỢNG SỨC MÌNH ĐỂ QUYẾT ĐỊNH DỨT KHOÁT

Hiệp Thông Trong Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC NGÀY NAY

BAN HUẤN LUYỆN ĐAMINH TAM HIỆP - Thường Huấn 4-7/5/2017

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN - XÂY DỰNG NHÂN CÁCH TU SĨ

Xây dựng Cộng Đoàn Cầu Nguyện và Yêu Thương

NHÀ ĐÀO TẠO TÂM HUYẾT HÔM NAY

TRỞ NÊN LINH MỤC ĐÍCH THỰC NHƯ LÒNG MONG ƯỚC.

MỤC VỤ LINH HƯỚNG - Phân Định và Sống Ơn Gọi

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC NGÀY NAY

Đào Tạo Trưởng Thành Nhân Bản Kitô Giáo và Đời Tu

CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN BÍ QUYẾT TÌNH YÊU VÀ VUI SỐNG

Linh Mục Sống và Thực Thi Năm Thánh Lòng Thương Xót - Linh Mục Đoàn Ban Mê Thuột Thường Huấn 29/2 - 4/3/2016

Đối Mặt Với Các Thách Thức Trong Đời Sống Và Sứ Vụ Linh Mục Của Chúng Ta Hôm Nay - Linh Mục Đoàn Hưng Hoá Tĩnh Tâm Năm 9 - 13/11/2016

Người Nữ Tu Sống Tu Đức Toàn Diện

Đứng Gần Thập Giá Chúa GiêSu

Cầu Nguyện Cá Nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống

Sứ Điệp Từ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu

Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay

Lớp Thần Học bổ túc (2006-2007)

Mười Ba Nét Mặt Tình Yêu

Chúa vẫn thương

Làm Sao Để Tha Thứ

Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay
Chương II: Giáo Hội Việt Nam với các Chủng Viện và Hàng Giáo Sĩ

A.  Quan Điểm của Các Lãnh Đạo Giáo Hội Việt Nam

Trong quá khứ, theo triết lý chính trị và luân lý Khổng giáo, lòng trung thành với cha mẹ, việc cúng dỗ tổ tiên được xem là một luật lệ bó buộc đối với người Việt Nam. Phật giáo cũng đã có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống và triết lý dân tộc. Công giáo được tiếp nhận như là một tôn giáo ngoại lai và phải chịu đựng một giai đoạn bách hại khốc liệt kéo dài. Trong suốt giai đoạn đen tối này, hơn một trăm ba mươi ngàn người Công giáo Việt Nam chịu tử đạo và một trăm mười bảy vị đã được phong thánh. Nhưng máu các vị tử đạo đó đã trở thành hạt giống sinh ra các Kitô hữu và đức tin đang đơm bông kết hạt thành tôn giáo lớn thứ hai tại Việt Nam, sau Phật giáo.

Trong hiện tại, đã có một số thay đổi trong mối liên hệ giữa Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam và Chính Quyền Cộng Sản. Các Giám Mục Việt Nam, trong những Thư Mục Vụ, đã bày tỏ lòng tin kiên trung vào Thiên Chúa bằng những thái độ lạc quan và nhãn quan mới của mình. Các ngài không còn quá chăm chú vào quá khứ, nhưng nhìn về tương lai với lòng tin tưởng. Các ngài muốn dẫn dắt Dân Chúa hướng đến việc xây dựng cả Quê Hương và Giáo Hội. Trong Thư Mục Vụ 2001, các ngài lên tiếng: “Chúng tôi vui mừng tạ ơn Thiên Chúa Cha vì yêu thương đã ban Thánh Thần Sự Sống đến hoạt động không ngừng trên chúng tôi cũng như trên anh chị em, giúp chúng ta sống đức tin trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước.”35

Ta có thể nói rằng các vị lãnh đạo Giáo Hội Việt Nam, theo truyền thống, chú tâm vào Chúa Giêsu, là Đầu của Hội Thánh. Lời khẳng định của sách Khải Huyền vọng lại lập trường của các ngài: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5). Thánh Phaolô còn nói rõ hơn: “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5,17). Các vị lãnh đạo Giáo Hội Việt Nam muốn tiếp tục tiến trình thay đổi này: một sự thay đổi con tim, tâm thức, cuộc sống và lối sống. Nhưng không phải sự thay đổi, mà tinh thần theo Chúa Kitô mới là vấn đề chủ đạo.

Thực thế, mọi việc Chúa Kitô làm đều mang dấu ấn của thay đổi, thay đổi từ cũ sang mới, từ điều được trông đợi đến điều bất ngờ: Ngài ngồi ăn với người những tội lỗi, nói chuyện với người Xamari, vượt quá luật ngày Xabát, yêu thương kẻ thù, chìa má bên kia và Ngài hy sinh mạng sống vì người khác. Mọi hành động ấy đều là những thay đổi. Qua những thay đổi ấy, Hội Thánh được sinh ra, và hôm nay, cũng qua những thay đổi như thế mà Hội Thánh còn tồn tại và tiếp tục sống động. Luật của sự sống và sinh trưởng là thay đổi, và mỗi chặng đường sinh trưởng của con người đều được ghi dấu bằng những thay đổi quyết định, từ lúc được sinh ra cho đến lúc chết đi.36

Chính trong ánh sáng và tinh thần của sự phát triển mang tính lịch sử như thế mà mọi người có thể hiểu được lập trường của các vị lãnh đạo Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam. Các ngài ý thức thực tại mang tính sinh tồn và ưa chuộng một chọn lựa tích cực hơn là một chọn lựa tiêu cực.

Tuy nhiên, người nghiên cứu mời gọi đọc giả nhìn lại những chặng đường lịch sử trên đây để có thêm thông tin về bối cảnh của việc đào tạo thiêng liêng đối với các chủng sinh tại Việt Nam hôm nay. Công việc đào tạo này, vừa khó khăn lại vừa tế nhị, thật quan trọng và có ý nghĩa sống còn đối với Giáo Hội địa phương.

 

B. Sáu Đại Chủng Viện Cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam

Dưới Chính Quyền Cộng Sản, mọi chủng viện ở miền Bắc, sau năm 1954, và ở miền Nam, sau năm 1975, đều bị đóng cửa: “Đời sống tôn giáo ở Việt Nam chịu sự kiểm soát của luật được thông qua vào năm 1977, được gọi là nghị quyết 297, được cập nhật năm 1986.”37 May thay, với chính sách ĐỔI MỚI, cải cách kinh tế vào năm 1986, người dân được hưởng đôi chút cởi mở, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn: “Việc xem xét và chấp thuận cho các ứng viên chịu chức và việc chiêu sinh vào chủng viện bị các cơ quan chính quyền kiểm soát. Các cơ quan này cũng kiểm soát việc bổ nhiệm và thuyên chuyển các giáo sĩ.”38

Nhưng rồi, do lời yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, các chủng viện được Chính Quyền cho phép mở cửa trở lại trong những năm từ 1987 đến 1994. Nhưng chính quyền đã hạn chế Giáo Hội Việt Nam với sáu đại chủng viện, hai đại chủng viện cho mỗi giáo tỉnh: Hà Nội và Vinh ở miền Bắc, Huế và Nha Trang ở miền Trung, Thành Phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ ở miền Nam. Các đại chủng viện chỉ được phép tuyển sinh hai năm một lần.

Năm 1993, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đệ trình đơn thỉnh cầu chính thức xin mở thêm hai đại chủng viện nữa ở Thái Bình, miền Bắc Việt Nam, và Xuân Lộc, miền Nam, nhằm san sẻ gánh nặng đào tạo của hai đại chủng viện tại Hà Nội (cho tám giáo phận) và Thành Phố Hồ Chí Minh (cho sáu giáo phận). Nhưng mãi tới năm 1997, Chính Quyền vẫn chưa trả lời cho lời thỉnh cầu này. Giáo Hội đã chờ đợi với lòng kiên trì và hy vọng, và liên tục lặp lại lời thỉnh cầu này trong nhiều năm.39

Năm 2000, các viên chức có thẩm quyền của Chính Quyền đã chấp thuận cho mở một chi nhánh của Đại Chủng Viện Thành Phố Hồ Chí Minh tại giáo phận Xuân Lộc (giáo phận đông nhất Việt Nam với khoảng một triệu tín hữu). Tuy nhiên, việc mở một đại chủng viện tại giáo phận Thái Bình, ở miền Bắc, như  là một phân hiệu của Đại Chủng Viện Hà Nội, vẫn chưa được chấp thuận. Việc này vẫn còn bị treo lại.40 Nhưng mãi tới năm 2004, chủng viện mới ở Xuân Lộc vẫn chưa được phép mở cửa. Những người có thẩm quyền ở tỉnh Đồng Nai lấy cớ rằng họ chưa quen với việc quản lý một trường tôn giáo như thế!

C.  Khó Khăn Trong Việc Tuyển Nhận và Đào Tạo

     1.  Tiến Trình Tuyển Nhận Chủng Sinh

Thông thường, Văn phòng Ơn gọi của mỗi giáo phận chịu trách nhiệm tuyển chọn các ứng viên tiến tới chức linh mục. Nhưng danh sách các ứng viên phải được Ban Tôn Giáo tỉnh thông qua. Thế nhưng, “sự chấp thuận của chính quyền tuỳ thuộc vào lý lịch cá nhân của ứng viên và quan điểm của ứng viên về đường lối chính trị của Đảng và Nhà Nước.”41 Các nhân viên An Ninh điều tra tỉ mỉ từng trường hợp, và hình thành một hồ sơ cá nhân gồm mọi người thân trong ba thế hệ của đương sự. Dĩ nhiên, thái độ chính trị của đương sự là yếu tố mang tính quyết định nhiều nhất. Có rất nhiều cuộc gặp mặt giữa ứng viên và các nhân viên an ninh, cũng như giữa nhân viên an ninh và gia đình ứng viên. Việc vào Đại Chủng Viện phụ thuộc vào thái độ và sự cộng tác của đương sự, của gia đình đương sự. Linh mục bảo trợ cho ứng viên đó cũng có ảnh hưởng đối với tiến trình này. Dựa vào kết luận của các nhân viên An Ninh, Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh sẽ quyết định “được” hay “không” và gửi cho Giám Mục văn thư về quyết định của họ. Chỉ những ứng viên được Chính Quyền chấp thuận mới được vào  Đại Chủng Viện.

       2. Các Nhà Đào Tạo Và Việc Đào Tạo

Cũng tương tự như vậy, tất cả những ai làm việc trong chủng viện, giám đốc, các nhà đào tạo và các giáo sư, thậm chí cả các giáo sư thỉnh giảng và các thuyết trình viên, cũng phải được Ban Tôn Giáo Trung Ương cho phép. Nội dung và chương trình đào tạo cũng phải được cơ quan này xem xét kỹ lưỡng và chấp thuận. Bên cạnh đó, viên chức chính quyền sẽ dạy cho các chủng sinh môn “Giáo Dục Công Dân,” bao gồm cả lịch sử Việt Nam và lịch sử Đảng Cộng Sản, Chủ Nghĩa Mác-Lênin, Chính Sách và Pháp Luật của Đảng và Nhà Nước.42 Môn giáo Dục Công Dân kéo dài suốt cả bảy năm của quá trình đào tạo, và tuỳ thuộc vào cả Giáo Hội và Chính Quyền địa phương: tối thiểu là trên một trăm hai mươi tiết, và tối đa là gần năm trăm tiết được dành cho môn “Giáo Dục Công Dân.” 

   

D. Hội  Nghị Các Đại Diện Chủng Viện Hai Năm Một Lần

      1. Hoạt Động Của Các Đại Diện Tại Các Cuộc Họp

Dù có nhiều khó khăn, việc đào tạo linh mục tại Việt Nam cho thấy có nhiều hứa hẹn. Các cấp chính quyền đã cho phép các đại diện thường trú của sáu đại chủng viện được tổ chức họp mặt hai năm một lần, luân phiên tại sáu đại chủng viện. Các cấp chính quyền cho những cuộc họp mặt này một  tầm quan trọng đặc biệt khi nhận ra rằng các chủng viện đang đào tạo những nhà lãnh đạo tương lai cho Giáo Hội.

Trong những cuộc họp mặt này, các vị đại diện chủng viện nhìn lại những gì đã diễn ra qua việc xem xét những báo cáo thường niên của mỗi chủng viện. Các ngài suy nghĩ và thảo luận về một trong bốn chiều kích của Pastores Dabo Vobis (nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ). Các tham dự viên cũng chia sẻ một số những khó khăn mà các ngài trải nghiệm trong những khía cạnh khác nhau của việc đào tạo tại chủng viện. Qua những chia sẻ và những tương tác như thế, các ngài nâng đỡ và khích lệ lẫn nhau trong sứ vụ khó khăn này. Sau những cuộc họp mặt này, các nhà đào tạo nắm bắt và lượng định một cách rõ ràng hơn những nhu cầu cụ thể của việc đào tạo ở chủng viện đối với mỗi Giáo Hội địa phương. Những nhu cầu này sẽ được ưu tiên tuỳ theo mức độ cấp thiết.

         2.    Đề Nghị của Các Đại Diện Đối Với Chính Quyền

Trong những cuộc họp mặt này, một phái đoàn của Ban Tôn Giáo Trung Ương và Ban Tôn Giáo tỉnh tới thăm và nói chuyện với các tham dự viên. Các tham dự viên trình bày cho phái đoàn này những kiến nghị. Những kiến nghị đó bao gồm: giảm thời gian dành cho môn giáo dục công dân, xoá bỏ việc hạn chế con số các ứng viên vào chủng viện, và xoá bỏ việc thẩm tra lý lịch những chủng sinh tốt nghiệp chủng viện.

Các ngài cũng trình bày với phái đoàn của chính quyền một số đề xuất như: mỗi giáo phận được phép mở một nhà đào tạo tiền chủng viện; các giáo phận được phép tuyển lựa các ứng viên hằng năm thay vì hai năm một lần; có thêm một năm nữa cho tiến trình đào tạo tại chủng viện để dành cho việc thực tập mục vụ; cuộc họp mặt các nhà đào tạo mở rộng ra với cả đội ngũ giảng dạy không thường trú tại chủng viện; xoá bỏ việc những ai tới dạy chủng viện phải được chính quyền chấp thuận trước; và các linh mục và những vị dạy tại chủng viện được theo học những khoá dài hạn hoặc cập nhật ở ngoại quốc.

Các ngài cũng bày tỏ hy vọng thường xuyên nhận được các tài liệu của Toà Thánh; rằng thủ tục nhập cảnh sách vở và báo chí dùng trong chủng viện được đơn giản hoá. Các ngài cũng quan tâm lo lắng về sự trì hoãn chấp thuận cho mở phân hiệu của chủng viện Thành Phố Hồ Chí Minh, và cần tạo nhiều điều kiện thuận lợi để mời những người Việt Nam ở hải ngoại và các giáo viên người nước ngoài tới dạy hoặc thuyết trình tại các chủng viện.43

       3.   Đề Nghị Của Các Đại Diện Với Lãnh Đạo Giáo Hội

Đối với các vị lãnh đạo Giáo Hội, đại diện các chủng viện cũng trình lên những mong đợi. Các ngài xin các Giám Mục làm cho toàn thể mọi người Công giáo, đặc biệt là các cha xứ, ý thức được rằng mọi thành phần Hội Thánh đều có trách nhiệm trong công tác đào tạo các linh mục tương lai, bao gồm cả việc thực tập mục vụ của các chủng sinh.

Nhu cầu khẩn thiết hiện nay là cần nhiều nhà đào tạo chất lượng, và nhu cầu cho các nhà đào tạo nâng cao kiến thức của mình qua việc trao đổi giữa Giáo Hội Việt Nam với các Giáo Hội trong khu vực, và bằng các cuộc hội thảo cũng như các khoá đào tạo ngắn hạn, cũng được đề xuất.44

E. Then Chốt Của Vấn Đề Thiếu Người Đào Tạo

   1.  Thực Tế Đòi Hỏi Nhiều Nỗ Lực Hơn

Chất lượng của việc đào tạo linh mục phụ thuộc phần lớn vào chất lượng của các nhà đào tạo, đặc biệt là các nhà đào tạo thường trú trọn thời gian. Mọi Đại Chủng Viện ở Việt Nam đều đang cảm nghiệm sự thiếu hụt trầm trọng các nhà đào tạo thường trú trọn thời gian. Các thống kê năm 1997 đã cho thấy rằng tổng số các giáo viên và các nhà đào tạo trọn thời gian và bán thời gian tại sáu đại chủng viện thay đổi trong khoảng sáu mươi đến bảy mươi, bao gồm cả những vị thuộc các dòng tu. Hiện tại, hầu hết các giáo viên ở ngoài chủng viện, hoặc có trách nhiệm mục vụ tại các giáo xứ. Số lượng các nhà đào tạo thường trú trọn thời gian thật quá ít. Đại Chủng Viện Thành Phố Hồ Chí Minh có mười một vị, Huế và Cần Thơ mỗi nơi có bảy vị, Nha Trang có bốn vị, Vinh Thanh và Hà Nội mỗi nơi có ba vị.45

Hậu quả xa hơn của tình trạng thiếu hụt những nhà đào tạo có chất lượng ảnh hưởng tới cả kiến thức và công việc đào tạo thiêng liêng của các chủng sinh; đặc biệt, nhu cầu về mối tương giao và đối thoại giữa các vị thầy và chủng sinh bị xem nhẹ. Nghĩa là các vị thầy không có cả thời gian cũng như nghị lực để lắng nghe, để biết và cảm thông, và để cung cấp những ý kiến khôn ngoan cho các chủng sinh; rốt cuộc các chủng sinh bị tước mất nhu cầu chia sẻ và trình bày những vấn đề thực tế và phức tạp của họ.

      2. Giải Pháp Hiện Tại và Hy Vọng ở Tương Lai

Như ngạn nhữ Việt Nam có câu “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều hơn”: Các Đại Chủng Viện có nhiều giáo viên hơn gửi giáo viên tới giúp những chủng viện đang có nhu cầu lớn hơn. Chắc chắn vấn đề nhân sự sẽ được giải quyết trong tương lai gần. Khoảng năm mươi linh mục đang học tại Rôma, Paris, Philippines, Hoa Kỳ và những nơi khác. Hy vọng rằng các vị đó sẽ gia nhập đội ngũ giảng dạy ở các chủng viện khác nhau. Mọi thành phần Dân Chúa ở Việt Nam đều tri ân nhiều tổ chức, hiệp hội, đại học và học viện thuộc Hội Thánh Toàn Cầu vì sự nâng đỡ và trợ giúp quảng đại trong công tác sắp xếp nơi ăn chốn ở và tạo điều kiện thuận lợi cho công việc học tập của các nhà đào tạo chất lượng cao trong tương lai. Tác giả cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với Học Viện Đời Sống Thánh Hiến tại Á Châu (Institute for Consecrated Life in Asia) và Ban Giám Đốc, vì sự  nâng đỡ đặc biệt đối với mình.

 

F.  Nhìn Tổng Quát về Các Chủng Sinh Việt Nam  

    1. Mong Chờ Và Hy Vọng Của Gia Đình Chủng Sinh

Người Việt Nam rất sùng đạo và nhiệt thành. Họ hết lòng kính trọng hàng giáo sĩ, các nam nữ tu sĩ, không chỉ trong phạm vị tôn giáo mà cả ngoài xã hội nữa. Ngay cả hôm nay, các quan chức cộng sản cũng nhận định rằng một linh mục là một công dân đặc biệt, vì vị linh mục có hàng ngàn tín hữu sau lưng mình.

Vì thế, chức linh mục trở thành một địa vị và một sự thăng tiến xã hội, không chỉ cho chính vị linh mục, mà còn cho cả gia đình và họ hàng thân thuộc. Vị linh mục sẽ được dân chúng kính trọng và vâng phục, được hưởng một cuộc sống an toàn và dễ dãi, v.v… Một khi người con trai chịu chức linh mục, gia đình của ngài sẽ được hưởng vinh quang và danh dự, nhờ vị linh mục mà gia đình ngài được kính trọng ở mọi nơi. Điều này đang là một thử thách đối với ơn gọi đích thực và sự bất lợi tai hại của lòng kính trọng thái quá này đối với hàng giáo sĩ và các chủng sinh là biến họ thành những kẻ quan liêu và độc đoán.46

Nhiều khi, những mối lợi mang tính cá nhân hay gia đình như thế thúc ép người thanh niên trẻ hướng tới chức linh mục. Một số các bậc cha mẹ vì không thành công trong việc theo đuổi ơn gọi tu trì hay ơn gọi linh mục, nên mong đợi được thấy lý tưởng và hình ảnh của mình được thực hiện nơi con cái. Họ gây áp lực buộc con cái dấn thân vào đời sống tu trì hay đời sống linh mục, dù con cái họ không có ơn gọi đó.

Dĩ nhiên nhiều gia đình Công giáo dâng hiến con trai con gái mình cho Thiên Chúa thông qua Hội Thánh mà không hề thèm muốn danh vọng, và nhiều ứng viên quảng đại đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.

Là nền tảng của xã hội, là cái nôi của sự sống và là nhà sư phạm đầu tiên, gia đình có thể là một nguồn nước trong lành và cũng có thể là trở lực đối với những ơn gọi đích thực. Do vậy, trách nhiệm của Giáo Hội là biện phân và thanh luyện những động lực ấy, vào thời điểm thu nhận cũng như trong tiến trình đào tạo.

      2. Chủng Sinh Ngoại Trú hoặc Không Chính Thức

Vì thiếu tiểu chủng viện, công tác chuẩn bị và chất lượng của ơn gọi linh mục gặp phải nhiều vấn đề. Chú tâm vào vấn đề này, cuộc họp mặt các đại diện chủng viện vào năm 1996 đã đề nghị mở những trung tâm đào tạo tiền chủng viện nhằm chuẩn bị kỹ càng hơn cho các ứng sinh vào đại chủng viện.47 Tiếc thay, cho tới nay, đề nghị này chưa nhận được lời đáp từ phía Chính Quyền.

Một số giáo phận đã tiến hành công việc này một cách không chính thức. Những giáo phận này đã có những nỗ lực đáng khâm phục nhằm đào tạo các ứng sinh tiền chủng viện, những người được gọi là các chủng sinh ngoại trú hoặc không chính thức. Họ thuộc trách nhiệm của một hoặc vài linh mục giáo phận. Những vị này cùng đồng hành với họ. Các chủng sinh như thế sống tại các thành phố nơi có những trường đại học, nhờ thế họ có thể theo học, ví dụ như các giáo phận Kontum, Hưng Hoá.48 Những nỗ lực này đã mang lại những kết quả khả quan cho tiến trình đào tạo. Mọi nhà đào tạo đều nhận thấy rằng các chủng sinh này trưởng thành hơn về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn.

    3. Đòi Hỏi Của Giáo Hội Và Khó Khăn Của Ứng Sinh

Các giáo phận có một số tiêu chuẩn đối với các ứng sinh chủng viện. Họ phải tốt nghiệp trung học, đã tham gia vào nhóm tu sinh giáo phận, và ghi danh vào danh sách chờ đợi lâu dài. Các giáo phận cũng yêu cầu các ứng sinh trải qua thời gian vài năm đào tạo tiền chủng viện tại giáo phận trước khi vào đại chủng viện. Các bạn trẻ này cũng phải tốt nghiệp đại học, có bằng cấp. Đòi hỏi này gây ra một số thử thách cam go cho các ứng sinh và gia đình ứng sinh. Nhiều người trong số họ xuất thân từ các giáo xứ nông thôn, nhưng lại phải sống ở thành phố đề có bằng đại học. Phần đông các ứng sinh sống trong các căn phòng đông người tại thành phố. Số khác sống với các gia đình Công giáo hoặc không Công giáo tại đô thị.

Tất cả những nhân tố này gây ra những khó khăn về tài chính cho nhiều ứng sinh xuất thân từ các gia đình nghèo. Nhiều gia đình nông thôn phải bán đi bất cứ sản phẩm nào có thể nhằm duy trì ơn gọi của con trai mình.49 Nhiều ứng sinh phải tự mình đảm đương gánh nặng tài chính bằng cách đi dạy kèm, hoặc tìm kiếm người bảo trợ. Lối sống và việc có ân nhân riêng này thường gây nên những vấn đề tế nhị và hậu quả bất lợi.50

Số phận của họ cũng không chắc chắn do sự hạn chế của chính quyền đối với việc tuyển sinh vào chủng viện. Nhiều người trong số họ chờ đợi với niềm hy vọng và lòng kiên trì để vào đại chủng viện một cách chính thức; nhiều người không thể chờ đợi lâu hơn nên lập gia đình. Ngày nay, nhiệm vụ chuẩn bị cho các chủng sinh tiến tới chức linh mục ở Việt Nam quả là không dễ dàng gì!       

  4.  Vấn Đề Tuyển Sinh Và Thủ Tục Vào Chủng Viện

        a.  Số Chủng Sinh Bị Hạn Chế

Thật đáng mừng là con số các bạn trẻ khao khát trở thành linh mục vẫn không ngừng gia tăng. Một con số lớn các tu sinh hy vọng có tên trong danh sách chờ đợi để rồi được Đức Giám Mục giáo phận lựa chọn. Nhưng sau cùng chỉ một nhúm nhỏ được chọn lựa vào chủng viện, vì mỗi giáo phận chỉ được chấp nhận mười ứng sinh, con số này do Chính Quyền cho phép.

           b. Chất Lượng Thấp về Trình Độ Trí Thức

Một vấn đề nữa là chất lượng của các dự tu. Ở Việt Nam có rất nhiều ơn gọi hướng tới đời sống linh mục và tu trì, đó là một dấu chỉ hứa hẹn đối với việc canh tân sứ mạng của Hội Thánh. Nhưng ngày nay cũng có ít ơn gọi nơi những thành phố giàu có; phần đông các dự tu xuất thân từ những vùng nông thôn. Nhiều người trẻ ở nông thôn không thể thường xuyên đến trường do hoàn cảnh nghèo khổ hoặc họ phải lao động để giúp đỡ gia đình. Họ có thể học bổ túc để đạt được bằng cấp tương đương, nhưng chất lượng của việc học hành như thế thường là thấp. Điều đó làm cho họ mất cơ hội vào đại học để có bằng đại học như Giáo Hội địa phương đòi hỏi.

       c. Vấn Đề Mối Liên Hệ và Đời Sống Độc Thân              

Các ứng sinh buộc phải có một nền tảng gia đình tốt đẹp, một sức khoẻ tốt và khả năng sống đời độc thân, khi sống với hoặc sống gần cha xứ, cha xứ biết rõ về họ nhằm giúp họ đạt được một sự trưởng thành nhất định trong đời sống thiêng liêng.51 Điều này thật dễ dàng nơi chính giáo xứ của đương sự, nhưng lại khó khăn và không hiệu quả nơi các thành phố đông người, nơi mà ngoài các bức tường nhà mình không ai biết ai. Tình trạng này đặt ra nhiều vấn đề và nhiều biến động cho các ứng sinh khi họ hoàn tất chương trình đại học. Tình trạng khó kiểm soát này tạo nên nhiều đấu tranh và nhiều vấn đề cho các công dân trẻ mới tới đô thị, đặc biệt là trong mối liên hệ với người khác phái.

Ngạn ngữ Việt Nam có câu “Lửa gần rơm lâu ngày sẽ cháy.” Không ai đi trách lửa hay rơm về chuyện chúng đốt cháy hay bị đốt cháy, đúng hơn phải trách kẻ đặt rơm gần lửa. Nhiều trường hợp cần một sự biện phân chặt chẽ về lương tâm. Đối với một số ứng sinh, để tiến bước trong con đường ơn gọi cần phải có lòng can đảm, nhưng dừng lại và thay đổi hướng đi trong cuộc sống còn đòi hỏi can đảm nhiều hơn. “Buộc phải có một sự lưu tâm đặc biệt trong việc biện phân ơn gọi của những trường hợp này.”52

Tuy nhiên, may thay, cuộc sống giữa muôn màu phức tạp của xã hội trần thế cũng khiến cho các ứng sinh khác lớn lên trong việc xác định ơn gọi của mình, cả về đời sống nhân bản lẫn tình cảm.

      d. Khiếm Khuyết Mang Tính Xã Hội: Gian Lận và Thiếu Lương Thiện

Một khiếm khuyết, một hiện tượng tiêu cực đang phổ biến trong các trường học là tính gian lận và thiếu lương thiện trong thi cử, thậm chí còn có cả chuyện mua bán bằng giả. Dưới sức ép này, nhiều sinh viên phải vật lộn với chuyện học hành và nhiều sinh viên tốt nghiệp phải đối mặt với nạn thất nghiệp.

Bên cạnh hạn chế do chính quyền áp đặt, các ứng sinh tốt nghiệp đại học trong một danh sách dài của những người chờ đợi còn phải qua một kỳ thi viết để được Giáo Hội lựa chọn. Khát vọng này đưa đẩy một số ứng sinh vào con đường phạm lỗi (gian lận và thiếu lương thiện) bằng việc dùng những tài liệu tham khảo bị cấm khi viết bài thi vào chủng viện. Lương thiện là một đức tính quan trọng nhất đối với một linh mục và ta không thể dung thứ một thói xấu như thế nơi các ứng sinh, những người trong tương lai sẽ là những nhà lãnh đạo tôn giáo. Do vậy, vị phụ trách ơn gọi của giáo phận loại bỏ một số ứng sinh ra khỏi danh sách những ứng sinh đã vượt qua kỳ thi để trình lên chính quyền chấp thuận, mặc dù con số chủng sinh bị chính quyền hạn chế và tình trạng thiếu hụt linh mục trầm trọng.53 Đây là một giải pháp hay. Nhưng còn bao nhiêu ứng sinh đã phạm những lỗi lầm tương tự mà không bị bắt quả tang?

     e. Thương Lượng Tế Nhị

Một vấn đề khác nảy sinh từ việc chính quyền đòi hỏi các ứng sinh phải được họ đánh giá là chấp nhận được. Sự chấp nhận của chính quyền tuỳ thuộc vào lý lịch cá nhân và quan điểm chính trị của ứng viên. Có những điều kiện tế nhị nào như là lý do dẫn đến việc từ chối hay chấp thuận không? Các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội đã làm gì để bảo vệ các ứng sinh của mình bằng mọi giá? Phải làm gì đối với những ứng sinh được Giáo Hội đánh giá là phù hợp, nhưng lại bị Nhà Nước từ chối không chấp thuận?  Liệu Giáo Hội có thể tìm cách “xuất khẩu” họ tới những nước Công giáo đang cần ơn gọi, như kiểu Chính Quyền xuất khẩu lao động hay không?

      f. Chủng Sinh Tốt Nghiệp Và Chức Linh Mục

Các Giám Mục phải có giấy phép của Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh mới được truyền chức cho các chủng sinh đã tốt nghiệp. Trước khi được chấp thuận, mỗi ứng viên lại bị thẩm tra lại. Đòi hỏi hiện nay là Giám Mục phải đệ trình Chính quyền một danh sách những người ngài muốn truyền chức linh mục. Một vài ứng viên trong số này không nhận được giấp phép cần thiết; một số khác phải chờ đợi lâu dài.

Vì thế, các đại diện chủng viện yêu cầu các phái đoàn chính quyền “xoá bỏ việc thẩm tra lý lịch những người đã tốt nghiệp chủng viện để xác định tính thích hợp của họ đối với việc truyền chức linh mục.”54 Hy vọng rằng Pháp Lệnh mới về Tôn Giáo,55 có hiệu lực từ 15-11-2004, hứa hẹn sẽ làm cho vấn đề này trở nên dễ dàng hơn. Hãy chờ xem.

 

G. Tình Trạng Hiện Nay của Các Linh Mục Việt Nam

      1. Cái Nhìn Tổng Quát

Các linh mục ở Việt Nam hôm nay hoà điệu hơn với cuộc sống và những vật lộn của người bình thường, nhưng họ phải giữ khoảng cách với những lôi cuốn của thế gian, ngay cả khi cố gắng hiện diện giữa trần gian. Theo Đức Cha Gioan Bùi Tuần, họ có thể đối diện nhiều hơn với cô đơn, stress, cám dỗ, áp lực và phê bình. Có thể họ còn phải đương đầu với sự gia tăng những vui thú thế tục, những thứ có thể phương hại tới đời sống nội tâm và đời sống tôn giáo của họ. Nền kinh tế phát triển theo định hướng thị trường và nền văn hoá tiêu thụ cũng đang ảnh hưởng tới đời sống linh mục. Người giáo dân có học, cách riêng là người trẻ, không còn kính trọng linh mục như trước đây. Điều này phần lớn là do lối sống của một số linh mục với kiểu cư xử hách dịch và tìm kiếm quyền lực.56

      2. Những Khía Cạnh Tích Cực

Theo Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, một đàng, họ ý thức rõ hơn về những giá trị dân chủ và những quyền lợi công dân. Họ có cảm thức mạnh mẽ về tình huynh đệ và liên đới với mọi người, dù cho khoảng cách giữa ý thức và đời sống hằng ngày vẫn còn đó. Dù sao, họ cũng sống gần gũi với quần chúng hơn lớp linh mục đàn anh. Hiện nay họ sống và phục vụ trong một môi trường có nhiều quyến rũ và cám dỗ hơn trước đây. Đồng thời, mọi người mong đợi họ cố gắng hết sức để góp phần thánh hoá thế giới, và làm cho thế gian tốt đẹp hơn, nhân bản hơn, một thế giới nơi con người đối xử tốt hơn và tôn trọng lẫn nhau vì lẽ công bằng.

Đàng khác, họ ý thức rõ hơn rằng loan báo Tin Mừng không còn là trách nhiệm của riêng họ, vì thế họ phải được huấn luyện để làm việc cùng giáo dân và các linh mục khác. Họ cần học lắng nghe người khác, chia sẻ trách nhiệm với người khác, và hành động như những nhà lãnh đạo với tinh thần phục vụ được Tin Mừng hướng dẫn. Họ cần tránh làm thay nhiệm vụ người khác hay áp đặt ý mình trên người khác. Họ cần phải học cách đối thoại với   Giám Mục của mình, không phải là miễn cưỡng như trước đây. Họ cũng phải học đối thoại với con người thuộc mọi lĩnh vực cuộc sống: không Kitô giáo, các tôn giáo khác, ngay cả những người thù ghét tôn giáo.57

      3. Những Khía Cạnh Tiêu Cực

Nhưng có một số hiểm nguy đe doạ cuộc sống của các linh mục ở Việt Nam hôm nay. Đề cập tới những vết đen nghĩa là nhằm làm cho các linh mục và những ai đang tiến tới chức linh mục ý thức rõ hơn những hiểm nguy này.

Một vết đen là cơn khát quyền lực. Điều này được biểu hiện trong thái độ độc đoán trong những tác vụ mục vụ và những việc làm đầy tham vọng. Khi tìm kiếm quyền bính, một linh mục có thể dựa trên một nền tảng quyền lực nào đó. Tuy nhiên, sau khi đã đạt được quyền lực đó, ngài lại sợ rằng quyền bính của ngài sẽ bị chia sẻ  hay giảm bớt, vì thế ngài chiếm độc quyền công việc và từ chối chia sẻ trách nhiệm với bất cứ ai khác.

Một vết đen khác có thể là xu hướng tìm kiếm đời sống tiện nghi, dễ dãi và giàu sang cách thái quá. Sự thật là ngày nay một số linh mục không thể chịu đựng được cuộc sống thiếu tiện nghi vật chất, vì thế các ngài kiếm tiền và tích luỹ cho tương lai. Dĩ nhiên, chúng ta không vui gì khi một linh mục phải chịu đựng những điều kiện sống quá nghèo khổ, thậm chí không thể thoả mãn những nhu cầu thiết yếu. Nhưng các linh mục không được phép quên rằng chức linh mục không bao giờ được xem như là một nấc thang tiến thân.58 Hầu hết hàng giáo sĩ xuất thân từ những gia đình khiêm tốn trong xã hội. Lòng tham và keo kiệt sẽ làm khô cứng trái tim linh mục trước ân sủng của Thiên Chúa và nỗi khốn cùng của người khác.

Hơn nữa, hàng giáo sĩ ngày nay đang mở ra với xã hội và dấn thân vào xã hội, vì thế họ có nhiều cơ hội cùng làm việc với phụ nữ. Xu hướng tìm kiếm cuộc sống dễ dãi và tiện nghi có thể dẫn đến việc lo tìm sự thoải mái và lạc thú, đặc biệt khi họ vẫn còn mang một quan niệm kém phát triển về những đòi hỏi của đời sống độc thân. Một số linh mục xem chuyện quan hệ với phụ nữ là chuyện bình thường; những hình ảnh khoả thân và tài liệu khiêu dâm không còn là khu vực cấm kỵ nữa. Đến nay người ta còn tin tưởng các linh mục vì chức thánh và bản chất các ngài như là những con người đức hạnh và những con cái mẫu mực của Thiên Chúa. Trong những trường hợp mà các linh mục phạm lỗi trầm trọng, người tín hữu đến với các ngài vì bó buộc, chứ không phải vì họ tin các linh mục đó. Các linh mục đó chỉ được xem như là những “công chức” phân phát các ân huệ bí tích của Thiên Chúa.

Nhờ ơn Chúa, hầu hết các linh mục Việt Nam vẫn sống theo tinh thần của đời sống độc thân.59 Những vấn đề chỉ trích phê bình hiện tại mà các linh mục phải đối mặt thẳng thắn sẽ thử thách sự trưởng thành thiêng liêng, lòng khiêm tốn, đức thanh bần và vâng phục của các linh mục hiện tại và tương lai.

    4. Viễn Ảnh Đào Tạo Chủng Sinh

Bằng lòng tin tưởng vào ơn Chúa, ta mang trong tâm tưởng mình tầm nhìn mang tính đào tạo đối với các chủng sinh. Vì tất cả những lý do trên đây, các chủng viện phải đào tạo nơi các ứng sinh cả các đức tính tự nhiên và thiêng liêng. Một cách cụ thể, công cuộc đào tạo phải giúp họ phát triển một cá tính mạnh mẽ, và trở nên những con cái nhiệt tình của Thiên Chúa, những người sống đúng theo những giáo huấn của Chúa Giêsu.

Về mặt nhân bản, các ứng sinh có thể đưa ra những phán đoán lành mạnh, có thể lắng nghe và đối thoại với mọi người, và có ý chí mạnh mẽ. Họ cũng có thể hướng dẫn mọi người trong tinh thầnh phục vụ mọi người, tôn trọng mọi người, và mở ra với mọi giá trị tốt đẹp (bất kể nguồn gốc).

Về đời sống thiêng liêng, họ cần phải ngoan ngoãn đối với Thiên Chúa qua cầu nguyện, và cần sẵn sàng thi hành ý Chúa trong mọi biến cố lớn nhỏ của đời sống tôn giáo, của xã hội và của thời đại. Họ cần cư xử nhẹ nhàng và kỷ luật, chăm chỉ và vui vẻ. Đặc biệt, họ cần có mối liên hệ mật thiết với Chúa Giêsu mọi nơi mọi lúc. Không hề có ảo tưởng, họ cậy dựa vào lòng nhân từ và ân sủng của Thiên Chúa, hoàn toàn lệ thuộc vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Ghi Chú

35 HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2001, số 2.

36 Ruben M. Tanseco, “Affectivity, Sexuality, and Intimacy in Religious and Priestly Formation,” in For Faith and Service: Towards the Integral Formation of Filipino Priests and Religious. (Philippines, 1973-1982), tr. 60-75.

37“Vietnam Church Trains Priests Despite State-imposed Limitations” (Ho Chi Minh City, July 16, 1992), Ucanews.com/ archives, truy cập ngày 29-9-2004.

38 “Vietnam Church Trains Priests Despite State-imposed Limitations” (Ho Chi Minh City, July 16, 1992), Ucanews.com/ archives, truy cập ngày 29-9-2004.

39 “Major Seminaries Discuss Lack of Priests, Seminaries, Formators” (Ho Chi Minh City, August 19, 1996), Ucanews.com/ archives, truy cập ngày 25-12-2004.

40 “Formators Call for Better Spiritual Formation of Seminarians” (Nha Trang, August 8, 2000), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 25-1-2005.

41 “Honesty in Seminary Admission Exams despite Government Restriction on Number” (Ho Chi Minh City, July 10, 2001), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 25-12-2004.

42 “Deficient Spiritual Formation among Seminarians Tackled at Formators’ Meeting” (Can Tho, July 31, 2001), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 25-12-2004.

43 “Deficient Spiritual Formation among Seminarians Tackled at Formators’ Meeting” (Can Tho, July 31, 2001), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 25-12-2004.

44 “Seminary Leaders Call for More Seminaries, Annual Recruitment” (Hue, August 22, 1997), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 3-11-2004.

45 “Seminaries Face New Challenges 10 Years after Reopening” (Hanoi, September 5, 1997), Ucanews.com/archives, truy cập ngày-7-2004.

46 “Seminary Leaders Stress Human Formation in Annual Meeting” (Hue, July 19, 1999), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 3-11-2004.

47 “Major Seminaries Discuss Lack of Priests, Seminaries, Formators”…, ibid.

48 “Seminary Candidates Pursue Higher Studies despite Financial Difficulties” (Ha Noi, January 12, 1999), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 29-9- 2004.

49 “Seminary Candidates Pursue Higher Studies despite Financial Difficulties” …, ibid.

50 Catholic Bishops’ Conference of the Philippines (CBCP), The Philippine Program of Priestly Formation 1972, (Manila: The Philippine program Committee Commission on Seminaries CBCP, 1972), tr. 27.

51 “Priestly Aspirants Aplenty, only a Handful Selected” (Son Tay, May 7, 1997), canews.com/archives, truy cập ngày 29-9-2004.

52 “Today’s Seminarians Need Missionary, Real Life Formation,” (Bangkok, November 11, 2003), Ucanews.com/archives, truy cập ngày  25-12-2004.

53 “Honesty in Seminary Admission Exams despite Government Restriction on Number”…, ibid.

54 “Deficient Spiritual Formation among Seminarians Tackled at Formators’ Meeting”…, ibid.

55 Socialist Republic of Vietnam, “Pháp Lệnh Tôn Gíao” (Regulation on Religions), Lephai.com/uni/n2004/tl20041029a.html, truy cập ngày 25-1-2005.

56 “Senior Catholic Church Leader sees challenges for Clergy” (Ho Chi Minh City, March 7, 2005), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 29-7-2005.

57 “Vietnam Clergy Face New Temptations from Society” (Danang, October 25, 2002) Ucanews.com/archives, truy cập ngày 3-11-2004.

58 “Priesthood is not a Career or a Profession but a Vocation” (Vatican City, October 9, 2003), Zenit.org/english, truy cập ngày 25-12-2004.

59 “Vietnam Clergy Face New Temptations from Society”…, ibid.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!