Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Trần Minh Huy, pss
Mục Lục

Lời Tựa

Dẫn Nhập

Lược Tóm

PHẦN I - Chương I: Xã Hội Việt Nam

Chương II: Giáo Hội Việt Nam với các Chủng Viện và Hàng Giáo Sĩ

Chương III: Việc đào tạo thiêng liêng hiện nay ở các chủng viện Việt Nam

PHẦN II - Chương IV: Giáo Huấn của Hội Thánh Hoàn Vũ về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương V: Giáo huấn của Hội Thánh Địa Phương về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương VI: Áp dụng giáo huấn của Hội Thánh vào việc đào tạo Thiêng Liêng cho các Chủng Sinh

PHẦN III - Chương VII: Bối cảnh hoá đào tạo Thiêng Liêng cho các Linh Mục Việt Nam tương lai

Chương VIII: Giai đoạn tiền chủng viện thăng tiến, thẩm tra và đón nhận

Chương IX: Giai đoạn chủng viện đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng

Chương X: Giai đoạn hậu chủng viện

Kết Luận

Sách tham khảo

Phụ trương A

Phụ trương B

Phụ trương C

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

THƯƠNG CHO ĐẾN CÙNG ĐỜI LINH MỤC THỪA TÁC

Đối Mặt Với Bối Cảnh Đào Tạo Hôm Nay: Cuộc Khủng Hoảng Tình Cảm Và Tình Dục Trong Giáo Hội.

ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI HÔM NAY

LƯỢNG SỨC MÌNH ĐỂ QUYẾT ĐỊNH DỨT KHOÁT

Hiệp Thông Trong Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC NGÀY NAY

BAN HUẤN LUYỆN ĐAMINH TAM HIỆP - Thường Huấn 4-7/5/2017

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN - XÂY DỰNG NHÂN CÁCH TU SĨ

Xây dựng Cộng Đoàn Cầu Nguyện và Yêu Thương

NHÀ ĐÀO TẠO TÂM HUYẾT HÔM NAY

TRỞ NÊN LINH MỤC ĐÍCH THỰC NHƯ LÒNG MONG ƯỚC.

MỤC VỤ LINH HƯỚNG - Phân Định và Sống Ơn Gọi

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC NGÀY NAY

Đào Tạo Trưởng Thành Nhân Bản Kitô Giáo và Đời Tu

CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN BÍ QUYẾT TÌNH YÊU VÀ VUI SỐNG

Linh Mục Sống và Thực Thi Năm Thánh Lòng Thương Xót - Linh Mục Đoàn Ban Mê Thuột Thường Huấn 29/2 - 4/3/2016

Đối Mặt Với Các Thách Thức Trong Đời Sống Và Sứ Vụ Linh Mục Của Chúng Ta Hôm Nay - Linh Mục Đoàn Hưng Hoá Tĩnh Tâm Năm 9 - 13/11/2016

Người Nữ Tu Sống Tu Đức Toàn Diện

Đứng Gần Thập Giá Chúa GiêSu

Cầu Nguyện Cá Nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống

Sứ Điệp Từ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu

Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay

Lớp Thần Học bổ túc (2006-2007)

Mười Ba Nét Mặt Tình Yêu

Chúa vẫn thương

Làm Sao Để Tha Thứ

Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay
PHẦN I - Chương I: Xã Hội Việt Nam

PHẦN I

BỐI CẢNH NỀN TẢNG, NHỮNG THÁCH ĐỐ, CƠ  HỘI  KHẢ DĨ CỦA VIỆC ĐÀO TẠO THIÊNG LIÊNG CHO CÁC  LINH MỤC  TƯƠNG LAI TẠI  VIỆT  NAM

 

Thiên Chúa thường kêu gọi các linh mục của Ngài từ những môi trường nhân sinh và môi trường Giáo Hội cụ thể. Dĩ nhiên các ngài chịu ảnh hưởng của những môi trường ấy, và rồi các ngài cũng được sai tới chính những môi trường ấy để phục vụ Tin Mừng của Chúa Kitô.16

Điều quan trọng nhất trong cuộc sống con người là bài học mà họ đã tiếp thu từ quá khứ. Không ai thay đổi được quá khứ, nhưng từ quá khứ, người ta có thể tạo ra và xây đắp một tương lai tốt đẹp hơn.17 Những khó khăn và thách đố có thể trở thành những cơ hội cho một công trình bền vững và chắc chắn.

Đó là nền tảng của niềm hy vọng trong việc giáo dục, nhất là việc đào tạo thiêng liêng, vốn là công việc liên quan trực tiếp đến ân sủng Thiên Chúa và sự biến đổi. Thiên Chúa có thể rút ra điều tốt lành từ điều xấu, điều tích cực từ cái tiêu cực, và có thể biến đổi điều tốt thành điều tốt hơn.

Trong tinh thần như thế, tác giả muốn xem xét nền tảng và những thách đố trong bối cảnh Việt Nam. Như thế những cơ hội tích cực sẽ được khám phá và những cơ hội tích cực ấy sẽ dẫn đến việc đào tạo thiêng liêng thích hợp cho các chủng sinh hôm nay; và mai ngày, những nhà lãnh đạo tương lai ấy sẽ đảm nhận vai trò quan trọng trong việc xây đắp Nước Thiên Chúa trong xã hội Việt Nam.

 

CHƯƠNG I

XÃ HỘI VIỆT NAM

Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là một nước nhỏ ở Đông Nam Á. Dải đất có hình chữ “S”, với chiều dài 1.500 dặm. Phía bắc Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc, phía đông và phía nam tiếp giáp với Thái Bình Dương, và phía tây tiếp giáp với Campuchia và Lào. Diện tích toàn bộ đất nước khoảng 127.600 dặm vuông, với 2.500 hải lý bờ biển. Dân số tại Việt Nam khoảng bảy mươi tám triệu, với khoảng hai triệu người Việt phân tán trên khắp thế giới. Khoảng tám mươi phần trăm dân số là người Kinh, số còn lại thuộc năm mươi tư nhóm thiểu số riêng rẽ.18

Nước Việt Nam đã chịu ách đô hộ của Trung Quốc trong khoảng một ngàn năm, ách thực dân Pháp trong một trăm năm, và một cuộc nội chiến kéo dài ba mươi năm,19 với sự can thiệp của ngoại bang ở cả hai bên chiến tuyến sau cuộc chia đôi đất nước vào năm 1954.

Lịch sử dài phải đấu tranh để tồn tại như thế đã khuôn đúc nơi dân tộc Việt Nam một tính cách phức tạp, thậm chí mâu thuẫn. Họ kiên nhẫn và yêu hoà bình, nhưng đôi khi lại hiếu chiến và phản đối người ngoại quốc. Họ vừa sùng đạo lại vừa chống tôn giáo. Tâm thức phức tạp này, cùng với quan điểm tôn giáo – chính trị của họ đã tạo nên một bối cảnh tế nhị và nền tảng đa dạng dẫn đến nhiều thách đố và cơ hội khả dĩ trong mọi lãnh vực của cuộc sống.

Điều này đúng cho người Việt Nam, cũng như người ngoại quốc, là khi nhìn lại quá khứ không nên hàm ý phàn nàn, nhưng đúng hơn là ước muốn sử dụng bài học quá khứ nhằm xây đắp một tương lai tốt đẹp hơn.

      

A. Bối Cảnh Lịch Sử Liên Hệ Đến Thời Phong Kiến

1. Nguyên Do  Gây Hiểu Lầm Và Bách Hại Tôn Giáo

     a. Ý Nghĩa Đích Thực Của Đạo Ông Bà

Đạo Ông Bà bắt nguồn từ thủa ban đầu trong lòng dân tộc Việt Nam. Lòng tôn kính ông bà tổ tiên là biểu hiện tôn giáo quan trọng đối với họ.20 Họ tin rằng nếu như sông có nguồn, cây có cội, thì nguồn cội của con người là tổ tiên, và việc tôn kính tổ tiên là bổn phận quan trọng nhất của họ. Đó là lòng kính trọng tri ân và tình con thảo của con cái đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ, còn sống cũng như đã qua đời. Mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên.

Tâm điểm của sự tôn kính này là Ông Trời, tương đương với Đấng mà chúng ta gọi tên là Thiên Chúa. Ngài là hữu thể tối cao, là vị chỉ huy lớn nhất của mọi thụ tạo hữu hình và vô hình. Mọi người đều phải tôn kính Ngài với lòng biết ơn. Người Việt Nam tin rằng Trời là tuyệt đối và vô biên. Mọi bàn thờ trong nhà đều không xứng đáng để Trời ngự ở đó. Nhưng có một bàn thờ nhỏ đặt ở bên ngoài được gọi là Vọng Thiên, có nghĩa là hướng về Trời. Trên bàn thờ này, người ta dâng hoa trái, để từ trời cao, Ông Trời sẽ nhìn thấy và chấp nhận lòng thành của con người.

Bên dưới Ông Trời là Vua, Thầy, và Cha Mẹ. Người ta cũng ý thức điểm khác biệt sau đây: Đức Vua cai trị và thần dân của ngài tuân hành luật lệ của ngài với lòng tri ân; người Thầy dạy dỗ và học trò thực hành lời giáo huấn của Thầy với lòng biết ơn. Không có bàn thờ cho Đức Vua và Thầy. Chỉ có tổ tiên và cha mẹ là có bàn thờ trong nhà, nhờ thế tổ tiên và cha mẹ được con cháu tôn kính. Chính việc tôn kính tổ tiên như thế khiến con cháu hiệp nhất với nhau. Như thế, con cháu có thể theo đuổi và duy trì di sản, vật chất cũng như tinh thần, mà tổ tiên truyền lại. Ý thức về tổ tiên như thế giúp mỗi thành phần sống tốt hơn lên theo nhiều chiều kích.21

Sau này, Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo du nhập vào Việt Nam và đã được người Việt Nam dễ dàng chấp nhận, là vì những tôn giáo này có nhiều yếu tố gần gũi với việc tôn kính tổ tiên. Dần dần, những tôn giáo này trở nên đồng hoá với văn hoá và tâm thức người Việt Nam.

Trải qua thời gian, việc tôn kính tổ tiên đã bị pha trộn và kết hợp thành một số yếu tố thuộc về những thói quen của niềm tin và tôn giáo bình dân, và thậm chí mê tín. Chính thứ thói quen phức tạp sau này mà nhiều người ngoại quốc hiểu lầm đó là việc tôn kính tổ tiên. Sự nhầm lẫn lớn tới mức ngay cả một số đông người Việt Nam hiện nay vẫn còn hiểu lầm như thế.

      b.  Vai Trò Tối Cao Của Ông Trời

Theo suy nghĩ truyền thống của người Việt Nam, Ông Trời có vai trò tối cao và vượt trên tất cả. Chính Ông Trời cai trị mọi người và mọi vật: “Lưới Trời lồng lộng, thưa nhưng khó lọt.” Đối mặt với khoảng cách giàu nghèo quá lớn, người nghèo phàn nàn: “Trời sao Trời ở không cân, kẻ ăn không hết người lần không ra.” Người ta thường kêu xin Trời giúp, hay kêu xin công lý.

Chỉ có Ông Trời mới đáng hưởng sự tôn thờ cao nhất. Đức Vua được coi là “Thiên Tử” (Con Trời), là đại diện của Trời, và cai trị dân chúng. Chính Đức Vua cũng phải thờ Trời. Bằng chứng của điều này là bàn thờ ngoài trời tại Nam Giao, Huế, Việt Nam, cũng giống như Điện Kính Thiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Nơi được dành cho Trời như thế cũng tương tự như nơi trọng nhất dành cho Thiên Chúa trong Kitô giáo.

Ông Trời ở trên tổ tiên chứ tổ tiên không ở trên Ông Trời. Tổ tiên rất được kính trọng và tôn kính một cách gần gũi, nhưng việc thờ kính tổ tiên không được xem giống hệt với việc tôn thờ Thiên Chúa.22

         c. Lối Hiểu Nguy Hại

Trái lại, vì sự hiểu lầm về việc thờ kính tổ tiên giống như là việc “thờ ngẫu tượng,” các thừa sai Châu Âu đã phân biệt một cách hợp lý và hợp với thần học rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới xứng đáng được thờ phượng. Vì vậy, họ hủy bỏ, hoặc yêu cầu các Kitô hữu tân tòng địa phương hủy bỏ bàn thờ tổ tiên tại nhà mình. Hành động này gây ra một phản ứng rất mạnh nơi dân chúng và giới quan quyền Việt Nam, dẫn tới một kết luận đến nay vẫn còn, và ngăn cản bước tiến của Tin Mừng. Người ta nói rằng “theo đạo Công giáo là từ bỏ tổ tiên.”23 Hậu quả là đạo Công giáo bị nhiều người bác bỏ và các Kitô hữu bị bách hại. Đây là một lý do rõ ràng giải thích tại sao người Công giáo ở Việt Nam chỉ là một thiểu số, dù đạo Công giáo đã được các thừa sai từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp đưa đến đây bốn trăm bảy mươi năm trước đây (1633).

       d.  Đường Hướng Mới và Cơ Hội Mới

Đối diện với hoàn cảnh như vậy, Hội Thánh Công giáo phải điều chỉnh và tự mở ra một đường hướng mới trong cách nhìn và cách liên hệ với nền văn hoá Á Châu, để khởi đầu cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá. Khi Hội Thánh ý thức được những sắc thái ấy, Hội Thánh đã thay đổi lập trường của mình và bắt đầu kính trọng việc tôn kính tổ tiên tại Trung Quốc với Huấn Thị Plane Compertum Est (8-12-1939), và sau này tại Việt Nam từ năm 1964.24 Trong chiều hướng ấy, Hội Thánh có một quan điểm mới về việc hội nhập văn hoá. Đó là một quyết định tốt đẹp và thích đáng, nhưng tự nó, quyết định này không thể chữa trị thái độ thù địch vẫn còn tồn tại nơi một số người Việt Nam. Sai lầm quá khứ cần được trình bày trong phần đào tạo Kitô đối với các chủng sinh. Một diễn đàn phù hợp cho vấn đề này chính là định hướng dẫn tới đối thoại và hội nhập văn hoá.

    e.  Ly Do Chính Trị Của Những Căng Thẳng, Xung Đột Và Bách Hại 

Bên cạnh những lý do mang tính văn hoá và tôn giáo được nêu ra trên đây, cũng như những xung đột do ảnh hưởng của một số thực hành của Phật giáo và của một số truyền thống và giá trị của Khổng giáo, còn có những căn cớ khác dẫn đến sự căng thẳng thường xuyên giữa các nhà thừa sai và giới quan quyền địa phương trong các lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội.

Trong thời gian người Pháp chiếm Việt Nam làm thuộc địa, thật khó phân biệt giữa các vị thừa sai Kitô giáo và những kẻ chinh phục, những kẻ đã biến nước Việt Nam thành một thuộc địa của nước Pháp. Giới quan quyền người Việt, vốn hoạt động trong hệ thống phong kiến, đồng hoá các vị thừa sai ngoại quốc với những kẻ chinh phục và những tên thực dân. Do đó người Pháp, dù họ là ai đi nữa, được xem là những kẻ tước đoạt chủ quyền quốc gia. Vì thế, giới quan quyền địa phương coi các Kitô hữu bản địa như những kẻ bán nước và phản bội; và họ bị kết tội là cổ vũ cho sự tha hoá và mất bản sắc dân tộc về mặt văn hoá. Sự hiểu lầm này dẫn đến hậu quả là cuộc bách hại các Kitô hữu, và thái độ thù nghịch giữa các Kitô hữu và lương dân. Điều này lại càng đúng hơn dưới triều đại Nhà Nguyễn,25 giai đoạn thuộc ba triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

Sứ mạng của thế hệ Kitô hữu mới tại Việt Nam, đặc biệt là các vị lãnh đạo Giáo Hội, là khích lệ việc đối thoại bằng chứng tá và bằng lối sống, nhằm tạo nên sự hiểu biết giữa mọi thành phần dân tộc. Đó là con đường Phúc Âm hoá đặt trọng tâm vào ơn cứu độ của toàn thể nhân loại. Đó là sứ mệnh và mục đích cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu, vị Linh Mục Thượng Phẩm. Vì thế, việc đào tạo toàn diện cho linh mục tương lai phải đặt nền tảng trên những nhận thức này, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và chấp nhận lẫn nhau, nhờ những cuộc gặp gỡ và trao đổi. Mọi người sẽ nhận ra rằng thành kiến cũ là vô căn cứ và xuất phát từ bối cảnh chính trị lẫn lộn và phức tạp của lịch sử đất nước.

  

B. Bối Cảnh  Lịch Sử Liên Hệ với Giai Đoạn Cộng Sản

    1. Những Mối Liên Hệ Giữa Giáo Hội Việt Nam và Chính Quyền Cộng Sản

        a. Giai Đọan Đối Đầu

Đảng Cộng Sản được khai sinh ngày 3-2-1930, trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa đế quốc, và nhắm đến độc lập dân tộc. Do ý thức hệ vô thần của Chủ Nghĩa Cộng Sản, một Tuyên Bố của hàng Giám Mục tại Hà Nội năm 1951 đã kết án chủ nghĩa cộng sản và ra vạ tuyệt thông những ai vào đảng.26 Do đó, mối liên hệ giữa Hội Thánh Công giáo và Chính Quyền Cộng Sản ngày càng trở nên căng thẳng.

Thất bại của nước Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954 đã kết liễu chế độ thực dân tại Việt Nam, nhưng đất nước bị chia đôi tại vĩ tuyến mười bảy theo Hiệp Định Giơnevơ. Ở miền Bắc, người cộng sản cai trị với sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga. Miền Nam theo chủ nghĩa quốc gia với sự ủng hộ của Hoa Kỳ và các đồng minh. Cuộc phân tranh này gây ra một cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài tới ngày 30-4-1975 với chiến thắng của miền Bắc, đánh dấu một khởi điểm mới trong lịch sử đất nước. Kết quả của chiến thắng này là việc thống nhất đất nước. Người Cộng Sản Việt Nam rất tự hào về thắng lợi của họ đối với Mỹ, một nước vẫn được xem là đế quốc hùng mạnh nhất. Nhưng thực ra, thắng lợi thuộc về cả dân tộc Việt Nam; Đảng Cộng Sản chỉ là nhà tổ chức và lãnh đạo dân tộc thành công trong cuộc chiến.

Mối liên hệ giữa người Công giáo với Chính Quyền Cộng Sản trong một thời gian dài mang tính chất đối đầu. Người cộng sản rất nhạy cảm và tỏ ra nghi ngờ đối với người Công giáo. Mọi thứ liên quan đến Giáo Hội đều bị Công An kiểm soát gắt gao. Giáo Hội bị buộc phải sống dưới chế độ hạn chế và kiểm soát khắt khe. Ví dụ chỉ được dạy về tôn giáo trong nhà thờ; các bài giảng bị giám sát; việc xưng tội bị ngăn cản. Sách vở và các tạp chí thường kỳ bị đình bản hoặc đặt trong chế độ kiểm soát gắt gao. Đất đai thuộc sở hữu của Giáo Hội và nhà cửa bị trưng thu, bao gồm cả các trường học, bệnh viện, trại trẻ mồ côi và một số nhà thờ, tu viện. Người trẻ Công giáo không được tham gia phục vụ trong quân đội, không được vào trung học hay đại học. Tại nhà trường, sinh viên bị nhồi nhét những kiến thức đối kháng với đức tin Công giáo.

      b. Giai Đọan Hiểu Biết Và Cộng Tác

Không ai có thể phủ nhận những điều đã xảy ra trong quá khứ. Nhưng thật may mắn là mối liên hệ đã chuyển sang hướng hiểu biết và cộng tác: ngay sau khi đất nước thống nhất, Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam đã bắt đầu canh tân nhãn quan của mình: Trong thư mục vụ năm 1976, các Giám Mục Miền Nam Việt Nam đã cố gắng đem đến sự hoà giải với sự lãnh đạo của người cộng sản, và kêu mời người Công giáo đón nhận diễn biến lịch sử và cộng tác. Những đường hướng ấy được tóm tắt trong câu: “Tích cực sống đạo bằng cách dấn thân và phục vụ giữa lòng Dân tộc Việt Nam hôm nay.”27

Các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương đã khích lệ các Kitô hữu trở nên thành phần của cộng đồng dân tộc, chung tay “với mọi người để xây dựng đất nước, và làm những gì lợi ích chung cho cộng đồng dân tộc mà không nghịch với đức tin và lương tâm Kitô giáo.”28

Từ 24 đến 30-4-1980, Hội Nghị Các Giám Mục Việt Nam tại Hà Nội đã ra Thư Mục Vụ kêu gọi người Công giáo “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào.”29 Và Thư Mục Vụ năm 2001 khẳng định: “Ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành với dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người.”30

Trong khi đó, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khuyên nhủ: “Hội Thánh tin vào một sự cộng tác lành mạnh với chính quyền nhằm xây dựng một xã hội công bằng nhắm đến lợi ích của mọi công dân, được dẫn dắt bằng tinh thần đối thoại huynh đệ.”31

Hằng năm, một phái đoàn của Toà Thánh viếng thăm Việt Nam để thảo luận về những vấn đề của Giáo Hội địa phương với các quan chức Việt Nam. Và trong thư mục vụ năm 2003, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã thúc giục người Công giáo công bố Tin Mừng qua lời cầu nguyện, gương sống, và đối thoại với những người không Công giáo.

   c. Những Trăn Trở Mâu Thuẩn Do Hoàn Cảnh Mới  Gây  Nên

Có những ý kiến đối lập trong nội bộ cộng đồng Công giáo. Thực ra, nhìn vào một vật, hai người có thể thấy nó một cách khác nhau.

Quả thế, năm 1986 là một bước ngoặt quan trọng đối với Việt Nam, bước ngoặt được gọi là Đổi Mới, do yêu cầu cải cách kinh tế mà các hoạt động chính trị và thái độ của Chính Quyền Cộng Sản đối với các Tôn Giáo cũng chịu ảnh hưởng tích cực. Nhưng vấn nạn “Có hay Không có tự do tôn giáo tại Việt Nam” là một vấn nạn khó có câu trả lời dứt khoát. Mọi chuyện tuỳ thuộc vào các mối liên hệ giữa vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương và các quan chức Chính Quyền địa phương. Với những mối liên hệ tốt đẹp, mọi chuyện đều có thể. Với những mối liên hệ không tốt, hầu như không có gì cả hoặc có làm được gì cũng rất ít.

Sự phân biệt đối xử như thế cũng gây ra những đánh giá không chính xác trong nội bộ Giáo Hội Địa Phương. Người “cấp tiến”, hay “những người Công giáo có vẻ được ưu đãi”, được gắn cho nhãn hiệu “quốc doanh” hay “giáo gian.” Điều này phá vỡ sự hiệp nhất sống động của Hội Thánh, Thân Thể Chúa Kitô. Tại sao những người của Thiên Chúa lại không vượt qua được những thành kiến bất công này ngay trong nội bộ Giáo Hội?

Thật tuyệt vời khi ta biến thù thành bạn và thật tồi tệ khi ta biến bạn thành thù. Một chương trình đào tạo thiêng liêng thích hợp tại Việt Nam hôm nay không được phép quên những nhân tố ấy trong đường hướng “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc.”32

        d. Dấu Chỉ Của Niềm Hy Vọng

Dưới cái nhìn toàn diện, hiện nay có một sự cởi mở đáng kể so với thời điểm người cộng sản bắt đầu cai trị. Mốc son quan trọng nhất là sự  tái lập sáu Đại Chủng Viện trên toàn quốc với  trên tám trăm chủng sinh từ hai mươi lăm giáo phận. Viễn tượng này càng trở nên lạc quan theo số thống kê năm 2003 về con số chủng sinh: một ngàn không trăm tám mươi lăm đang học trong các chủng viện, hai trăm bốn mươi mốt đã mãn trường (trong số đó, một trăm đã được truyền chức linh mục) và một ngàn bảy trăm mười hai đang chờ đợi.33

 

2. Độc  Quyền  Giáo  Dục  Tại  Việt  Nam

Giáo dục được xem là nhân tố quan trọng nhất, vì giáo dục xây dựng con người và tác động tới mọi chiều kích của cuộc sống cũng như các hoạt động trong xã hội. Giáo viên được định nghĩa là kỹ sư  tâm hồn.

Trước năm 1954, Việt Nam chịu ảnh hưởng của hệ thống giáo dục Nho giáo, và rồi chịu ảnh hưởng hệ thống của Pháp. Sau năm 1954, miền Nam sử dụng hệ thống của Hoa Kỳ và miền Bắc đặt nền tảng hệ thống giáo dục của mình trên các học thuyết của Karl Marx và Vladimir Lenin nhằm xây dựng xã hội Cộng Sản Chủ Nghĩa.

Vào năm 1975, miền Nam bị chinh phục, và hệ thống Cộng Sản lan  ra khắp đất nước. Đảng Cộng Sản chống lại  nền giáo dục do những người không cộng sản, và muốn thay thế bằng nền giáo dục của riêng họ. Do vậy, hầu hết các trường sở và các đại học của các Giáo Hội do các tu sĩ điều hành đều bị giải tán. Nhiều trại tập trung và trung tâm học tập cải tạo được mở ra để biến đổi người miền Nam thành “con người mới” xã hội chủ nghĩa. Vì thế, nền giáo dục hiện nay được định hình theo ý thức hệ cộng sản: một kiểu độc quyền về giáo dục tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ta cũng không được phủ nhận nỗ lực tốt đẹp này: Chính Phủ Việt Nam đã nhập cuộc để mở rộng cơ hội học hành cho các trẻ em trong nước. Dù vẫn còn là một đất nước nghèo với thu nhập theo đầu người thấp, Việt Nam cũng đã không ngừng đạt được những thành tựu lớn lao trong giáo dục, và đã đạt được những tỷ lệ đến trường rất cao, so với các quốc gia cũng có cùng thu nhập tính theo đầu người thấp như thế.

3. Một Kiểu Tôn Giáo Mới

Trên bình diện toàn cầu, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tiêu thụ dẫn tới hiện tượng thờ ơ với tôn giáo, hết quan tâm tới những gì liên quan đến Thiên Chúa, và bỏ việc thực hành tôn giáo, được gọi là “vô thần thực tế.” Trong bối cảnh này, một điều không được mong đợi đã xảy ra tại Việt Nam: dường như có một kiểu tôn giáo mới, thứ tôn giáo có thể được gọi là “tôn giáo Chính Quyền.” Thực ra, hầu như mọi quan chức và các nhà lãnh đạo trong xã hội Việt Nam đều là thành viên của ý thức hệ cộng sản. Đảng Cộng Sản dường như thành công trong nỗ lực áp đặt ý thức hệ cộng sản thông qua độc quyền giáo dục, và tôn vinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh như  vị anh hùng và người cha già của đất nước. Tượng Chủ Tịch Hồ Chí Minh được tôn kính ở những nơi công cộng quan trọng nhất. Ở một vài nơi trên đất nước, người ta xây dựng những đền thờ Hồ Chủ Tịch như là ngôi đền dành cho một vị thần của một kiểu tôn giáo mới. Không ai có thể phủ nhận công lao của Chủ Tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc giải phóng đất nước, nhưng kiểu hoạt động như thế mang một ý nghĩa mới và khác biệt.

4.   Phục Hồi Tôn Giáo Bình Dân

Một hiện tượng khác cũng đáng được ghi nhận. Khi đã nắm quyền trên toàn cõi Việt Nam, các viên chức chính quyền cộng sản phá huỷ mọi am miếu như là những nơi mê tín dị đoan. Nhưng bây giờ, nhằm đáp lại những phản ứng tiêu cực đối với những gì họ đã làm chống lại các tôn giáo, và nhằm đáp lại nhu cầu mạnh mẽ đòi hỏi tự do tôn giáo, họ đang lập lại những lễ hội và sự sùng bái nhân gian. Các lễ hội và sự sùng kính bình dân là điều mà dân chúng vốn quen thuộc. Việc trở lại với lối hành đạo truyền thống của tôn giáo bình dân là một thách thức mới đối với những cố gắng nhằm hội nhập của Hội Thánh. Công tác đào tạo chủng sinh cần cân nhắc và phân tích một cách trực tiếp vấn đề này.    

5. Phản Ứng Bằng Niềm Cậy Trông Thành Tín

Đối diện với những sự kiện này, nhiều người băn khoăn về việc mất cân bằng giữa thái độ đối với những chuyện thế tục và thái độ tôn giáo của người trẻ. Những người chỉ nhìn vào những khả năng của con người thì sợ hãi cho tương lai. Nhưng công tác đào tạo thiêng liêng cho các chủng sinh dĩ nhiên phải trang bị cho họ những suối nguồn mà họ đang cần để trả lời cho những thách đố này.

Và điều quan trọng hơn là phải nhớ rằng công tác đào tạo thiêng liêng là việc của Thiên Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chứ không chỉ giản đơn là việc phàm nhân của các nhà đào tạo. Điều này không có nghĩa là chúng ta bỏ qua nhu cầu đào tạo sự thánh thiêng và khôn ngoan cho con người. Điều này giúp chúng ta đi tới trong đức tin và đức cậy, hơn là lo âu sợ sệt.

 

C. Nhân Tố Văn Hoá Trong Tâm Thức Dân Tộc

   1. Từ  Ngữ  Uyển Chuyển Ẩn Giấu Cảm  Xúc  Chân  Thật

Tốt nhất là đừng quên tâm thức của người Việt Nam. Có sự khác biệt đáng kể giữa phương Đông và phương Tây trong cách nói và tiếp cận vấn đề.

Người phương Tây có xu hướng tự bày tỏ một cách thẳng thắn, dứt khoát, và đầy đủ về một vấn đề đang tranh cãi. Họ thấy những mâu thuẫn và phản ứng lại với những mâu thuẫn ấy. Ví dụ, vì thấy mâu thuẫn giữa việc thờ kính tổ tiên với việc thờ phượng Thiên Chúa, họ yêu cầu bất cứ người Việt Nam nào theo Công giáo cũng phải bỏ việc thờ kính tổ tiên và phá hủy bàn thờ dâng kính tổ tiên. Những khuynh hướng này dễ gây ra xung đột và căng thẳng.

Trái lại, người phương Đông, trong đó có người Việt Nam, lại hết sức tránh xung đột và căng thẳng, nhưng tìm cách duy trì sự hài hoà. Họ có xu hướng nói và phản ứng không trực tiếp. Họ chỉ trình bày một phần hoàn cảnh, nếu như phần còn lại gây ra bất thuận hay căng thẳng. Họ duy trì tính uyển chuyển trong lời nói và trong sự  im lặng. Vì thế, họ có thể hoặc ngoan ngoãn, hoặc rất ngoan cố. Những kiểu ứng xử như vậy khiến người phương Tây thật khó mà hiểu được. Có thể họ rất phản đối một quyết định, nhưng rồi họ sẽ nói “ĐƯỢC”, hay “VÂNG”, hoặc “CÁM ƠN.” Lời nói của họ có thể trái ngược với suy nghĩ của họ. Đối với người phương Tây, đó là một lời nói dối; nhưng đối với người Việt Nam, đó là sự thận trọng đối với người khác. Chúng ta có thể  thấy rằng để hiểu được điều mà một người phương Đông thực sự muốn nói, ta phải giải mã “gương mặt,” ngôn ngữ và cử chỉ của người ấy. Và hầu hết người phương Tây thiếu sự nhạy cảm đối với việc giải mã như thế.

   2. Phân Biệt Giữa Phục Tùng Miễn Cưỡng Và Vâng Lời  Thật  Lòng

Quả thực, cần phân biệt ba loại tùng phục: “Quyền phục, lý phục và tâm phục” (tùng phục do quyền lực, tùng phục do lý lẽ, và tùng phục do con tim). Trong ba thứ, tùng phục do con tim (tâm phục) là quan trọng nhất, bởi vì có thể có sự tùng phục do quyền lực và do lý lẽ, nhưng không có sự tùng phục do con tim. Người Việt Nam có thể vâng lời một cách miễn cưỡng những người có quyền lực hay giỏi lý lẽ, nhưng rồi khi những người ấy không còn quyền lực hay nhữnng lý lẽ áp đặt nữa, thì cũng sẽ không còn sự tùng phục nữa! Họ nhận định: “Tức nước vỡ bờ”, nghĩa là sức mạnh âm ỷ của dòng nước có thể phá vỡ con đê. Trong những trường hợp như thế, phản ứng khôn ngoan là “đào sâu lòng sông và khơi dòng cho nước chảy” (ở đây muốn nói tới lòng người và những bức xúc của con người). Nếu như ta chiếm được trái tim họ, họ sẽ hoàn toàn vâng phục và trung thành với ta, dù ta có thêm hay bớt quyền lực và lý lẽ.

Đó là hệ quả do ách đô hộ một ngàn năm của người Tàu và một trăm năm của người Pháp. Dân Việt hiểu rất rõ “lý của kẻ mạnh” và họ ý thức được sự yếu kém của mình, nên họ phải kiên trì chờ đợi đến một thời điểm thích hợp để vùng lên. Người khoẻ dùng sức, kẻ yếu dùng mưu. Họ phản kháng một cách nhẹ nhàng trước uy quyền nhằm tìm kiếm lòng trắc ẩn. Nếu không thay đổi được gì, họ phản ứng một cách tiêu cực hoặc thụ động. Rút cuộc họ sử dụng biện pháp bất bạo động và bất hợp tác: “Kính nhi viễn chi.”

3.   Đặc Điểm Địa Phương Trong  Quê Hương

Về mặt tâm lý của người Việt Nam, thậm chí có những khác biệt mang tính địa phương: Người miền Nam có khuynh hướng dễ đón nhận và nhạy cảm hơn đối với những giá trị tôn giáo, nhưng họ lại thiếu năng động. Người miền Trung có cả hai khuynh hướng sâu sắc và năng động, nhưng họ lại thường bảo thủ khép kín, và thường mang định kiến. Mặc dù người miền Bắc có khuynh hướng vừa năng động, vừa có đầu óc cởi mở, nhưng họ lại nghiêng về mặt nghi thức, tức là họ thường nhấn mạnh đến các việc sùng kính và thực hành tôn giáo.34

4. Khuyến Cáo Hữu Ích Cho Việc Đào Tạo Thiêng  Liêng

Thật may mắn là nhiều nhân tố, chẳng hạn như những cuộc tiếp xúc đa văn hoá, những thay đổi trong lãnh vực kinh tế và giáo dục, v.v… đã giúp biến đổi những phản ứng thụ động và tiêu cực. Tuy nhiên, để xây dựng được cả sự tin cậy và cởi mở  của các chủng sinh trong tiến trình đào tạo, những người hữu trách trong việc đào tạo thiêng liêng, cũng như đào tạo toàn diện, cần phải để tâm đến những khó khăn này. Siêu nhiên không xa lạ hay trái ngược với tự nhiên; đúng hơn, siêu nhiên ở ngay trong tự nhiên để nâng cao và hoàn thiện tự nhiên.

Ghi Chú

1 Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia: Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ với Sứ Vụ Yêu Thương và Phục Vụ của Ngài tại Á châu số 32.

2 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Mục Vụ 2001, số 8.

3 Công đồng Vaticanô II, Optatam Totius: Sắc lệnh về Đào Tạo Linh Mục (28-10-1965).

4 Gioan Phaolô II, “Sứ điệp cho Hội Nghị Toàn Thể FABC (10-1982), Ucanews.com/html/fabc-papers/fabc-92q.htm, truy cập ngày 29-9-2004.

5 “Cuộc sống giản dị, tinh thần nghèo khó có thể giúp linh mục đồng cảm với người nghèo Châu Á” (Uijongbu, Hàn Quốc, 05-11-1999), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 29-9-2004.

6 Piotr Krakowczyk, “Lectures on Christology”

7 Chủ đề Hội Nghị 2004 của Các Bề Trên Tổng Quyền, nhóm họp tại Rôma từ 23 đến 27-11-2004. X. Religious Life Asia 7 (1-3-2005).

8 Bộ Giáo Dục Công Giáo, Thư Luân Lưu về Một Số Khía Cạnh Cấp Thiết Hơn trong Việc Đào Tạo Thiêng Liêng nơi các Chủng Viện (Rôma, 1980), tr. 1.

9 Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, số 2.

10 Edward Carter, Spirituality for Modern Man (Indiana: Fides Publisher, 1971), tr. vii.

11 Clement Yoon Yang-ho, Revitalizing Spiritual Formation and Prayer life in Korean Seminaries (Manila, Philippines: ICLA Publications, 2003), tr. 2-3.

12 Pastores Dabo Vobis…, ibid., số 70-81; Ecclesia in Asia…, ibid., số 43; FABC: Seventh Plenary Assembly- Workshop 5 on On-going Formation.

13 Pastores Dabo Vobis..., ibid., số 45.

14 Presbyterorum Ordinis, số 18-19.

15 Optatam Totius…, ibid., số 8; Pastores Dabo Vobis…, ibid., số 82; Ecclesia in Asia…, ibid., số 51; Việc Đào Tạo Thiêng Liêng nơi các Chủng Viện, tr.22.

16 Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis…, ibid., số 5.

17 Jose Ma. Ruiz Marquez, “Lectures on History of Consecrated Life”

18 Vietnam Country Profile, lcweb2.loc.gov/frd/cs/vntoc.html, truy cập ngày 3-11-2004.

19 William J. Duiker, “Vietnam,” CD-Rom Microsoft ® Encarta ® Encyclopedia 2004.

20 Phạm Công Sơn, Gia Lễ Xưa và Nay, Nguyễn Bình Tĩnh trích dẫn trong Vấn Đề Thờ Cúng Tổ Tiên.

21 Uỷ Ban Giám Mục về Phúc Âm Hoá, Thỉnh Nguyện gửi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (Nha Trang, 19-4-1972), trong Tông Đồ Giáo Dân (12-1972): 67-68.

22 Uỷ Ban Giám Mục về Phúc Âm Hoá, Thỉnh Nguyện…, ibid.

23 Nguyễn Bình Tĩnh, Vấn đề Thờ Cúng Tổ Tiên (Đà Nẵng, 2004). Chưa ấn hành.

24 Nguyễn Bình Tĩnh, Vấn đề Thờ Cúng Tổ Tiên ….,ibid.

25 The Episcopal Conference of Vietnam, Communion and Solidarity (Washington D.C, November 2003), trang 4.

26 Các Giám Mục Đông Dương, Thư Mục Vụ 1951, Lavang.co.uk/ TTMVLondon/GiaoHoiVietNam, truy cập ngày 21-10-2004.

27 HĐGMMNVN, Thư Mục Vụ 1976, số 3.

28 Thư Mục Vụ 1976, số 6.

29 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Mục Vụ 1980, số 13.

30 HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2001, số 9.

31 “The Church is waiting for the Total Respect of its Autonomy” (Vatican, January 22, 2002), Zenit.org/english, truy cập ngày  25-12-2004.

32 HĐGMVN, Thư Mục Vụ 1980, số 11&13.

33 The Episcopal Conference of Vietnam, Communion and Solidarity (Washington D.C, November 2003), trang 15.

34 “Grassroots Exchange Will Lead to Useful Dialogue” (Huế, 28-5-2002), Ucanews.com/archives, truy cập ngày 3-11-2004.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!