Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Trần Minh Huy, pss
Mục Lục

Lời Tựa

Dẫn Nhập

Lược Tóm

PHẦN I - Chương I: Xã Hội Việt Nam

Chương II: Giáo Hội Việt Nam với các Chủng Viện và Hàng Giáo Sĩ

Chương III: Việc đào tạo thiêng liêng hiện nay ở các chủng viện Việt Nam

PHẦN II - Chương IV: Giáo Huấn của Hội Thánh Hoàn Vũ về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương V: Giáo huấn của Hội Thánh Địa Phương về việc đào tạo Thiêng Liêng

Chương VI: Áp dụng giáo huấn của Hội Thánh vào việc đào tạo Thiêng Liêng cho các Chủng Sinh

PHẦN III - Chương VII: Bối cảnh hoá đào tạo Thiêng Liêng cho các Linh Mục Việt Nam tương lai

Chương VIII: Giai đoạn tiền chủng viện thăng tiến, thẩm tra và đón nhận

Chương IX: Giai đoạn chủng viện đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng

Chương X: Giai đoạn hậu chủng viện

Kết Luận

Sách tham khảo

Phụ trương A

Phụ trương B

Phụ trương C

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

THƯƠNG CHO ĐẾN CÙNG ĐỜI LINH MỤC THỪA TÁC

Đối Mặt Với Bối Cảnh Đào Tạo Hôm Nay: Cuộc Khủng Hoảng Tình Cảm Và Tình Dục Trong Giáo Hội.

ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI HÔM NAY

LƯỢNG SỨC MÌNH ĐỂ QUYẾT ĐỊNH DỨT KHOÁT

Hiệp Thông Trong Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC NGÀY NAY

BAN HUẤN LUYỆN ĐAMINH TAM HIỆP - Thường Huấn 4-7/5/2017

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN - XÂY DỰNG NHÂN CÁCH TU SĨ

Xây dựng Cộng Đoàn Cầu Nguyện và Yêu Thương

NHÀ ĐÀO TẠO TÂM HUYẾT HÔM NAY

TRỞ NÊN LINH MỤC ĐÍCH THỰC NHƯ LÒNG MONG ƯỚC.

MỤC VỤ LINH HƯỚNG - Phân Định và Sống Ơn Gọi

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC NGÀY NAY

Đào Tạo Trưởng Thành Nhân Bản Kitô Giáo và Đời Tu

CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN BÍ QUYẾT TÌNH YÊU VÀ VUI SỐNG

Linh Mục Sống và Thực Thi Năm Thánh Lòng Thương Xót - Linh Mục Đoàn Ban Mê Thuột Thường Huấn 29/2 - 4/3/2016

Đối Mặt Với Các Thách Thức Trong Đời Sống Và Sứ Vụ Linh Mục Của Chúng Ta Hôm Nay - Linh Mục Đoàn Hưng Hoá Tĩnh Tâm Năm 9 - 13/11/2016

Người Nữ Tu Sống Tu Đức Toàn Diện

Đứng Gần Thập Giá Chúa GiêSu

Cầu Nguyện Cá Nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống

Sứ Điệp Từ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu

Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay

Lớp Thần Học bổ túc (2006-2007)

Mười Ba Nét Mặt Tình Yêu

Chúa vẫn thương

Làm Sao Để Tha Thứ

Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay
Dẫn Nhập

Thế giới hiện đại, với hiện tượng toàn cầu hoá và môi trường kỹ thuật của nó, có ảnh hưởng không nhỏ đối với cuộc sống mọi người trên mọi lãnh vực xã hội và tôn giáo. Bên cạnh những lợi thế tích cực, sự xâm nhập của phong trào tục hoá, với nền văn hoá duy vật và hưởng thụ, đã tác động vào tinh thần con người và tạo nên một cuộc khủng hoảng trầm trọng với nền văn minh. Vì thế, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi mọi thành phần trong Hội Thánh và xã hội cùng “xây dựng một nền văn minh tình thương, được đặt nền tảng trên những giá trị phổ quát là hoà bình, công lý, liên đới và tự do.”1

Những truyền thống tôn giáo cũng như những giá trị xã hội của Á Châu cũng không thoát khỏi những tác động tiêu cực ấy do bầu khí toàn cầu hoá và chủ nghĩa tiêu thụ. Xã hội Việt Nam cũng phải chịu chung bầu khí này với những ảnh hưởng hết sức phức tạp của ý thức hệ cộng sản. Đức Gioan Phaolô II cảm thông: “Trên những mảnh đất vốn vẫn được xem như là vùng đất của sự hài hoà, thì ý thức hệ này, rất hấp dẫn trên lý thuyết, vì nó có vẻ thật tốt khi muốn hoàn thiện lịch sử, hay xây dựng một thế giới tự do, bình đẳng và công bằng, nhưng trên thực tế lại chỉ có bất lương và tham nhũng. Và “người trẻ bị hụt hẫng (trong những thực tại như thế) khi nhìn về tương lai.”2 Những thực tại này đòi hỏi khẩn thiết phải canh tân đời sống và sứ vụ của Hội Thánh. Công đồng Vaticanô II xác tín rằng “công cuộc canh tân này phần lớn tuỳ thuộc sứ vụ linh mục đã được Thánh Linh Chúa Kitô thúc đẩy” và Công đồng “long trọng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của việc đào tạo linh mục.”3

Sứ vụ quan trọng nhất của Hội Thánh là sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng cứu độ cho toàn thể nhân loại. Để thi hành sứ vụ này, Hội Thánh tại Á Châu buộc phải tổ chức và làm cho nhân sự của mình có khả năng giới thiệu Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế với một gương mặt Á Châu, vì “chính Đức Kitô muốn là và muốn trở thành người Châu Á hơn.”4 Nhắc tới nguồn gốc Châu Á của Chúa Giêsu, Đức Hồng Y Paul Shan Kuo-hsi cũng đã nói rằng “Chúa Giêsu, Đấng đã sinh ra tại Châu Á, lại được giới thiệu với chúng ta, những người Châu Á, như là một người Châu Âu. Giờ đây là lúc chúng ta trả lại cho Ngài gương mặt Châu Á và giới thiệu Ngài như là người Châu Á cho những người Châu Á, qua những đường hướng và tư tưởng của Á Châu.”5

Trong cái nhìn Kitô học từ dưới lên, Đức Giêsu Nadarét được giới thiệu như là bậc thầy khôn ngoan, là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta,” là tôi tớ đau khổ, là người thợ, người chữa bệnh, người an ủi, vị ngôn sứ của mọi người, và là người giải phóng,… những hình ảnh thật gần gũi và dễ hiểu, dễ được người Châu Á chấp nhận vì hầu hết họ là những người sống trong cảnh đói nghèo, thất học, bị coi thường, bị ngược đãi, bị đàn áp và trong chừng mực nhất định, họ bị bách hại, đặc biệt là phụ nữ.6

Thế gian có thể tìm thấy Gương Mặt Á Châu của Chúa Giêsu ở đâu? Người ta có thể nhận ra gương mặt ấy qua lối sống và chứng tá xuất phát từ lòng yêu mến say mê và tinh thần truyền giáo của các môn đệ Chúa: ưu tiên “Say mê Chúa Kitô và Say mê con người.”7 Chính Ngài là Đấng đã nói: “Xem quả thì biết cây” (Lc 6,44), hay “Cứ dấu này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy” (Ga 13,35). Khi người Kitô hữu bước đi trong ánh sáng và sống yêu thương, họ nên nhân chứng hùng hồn của Thiên Chúa Cha (x. Ga 15,18). Đối với những ai muốn phục vụ Dân Chúa thì điều này lại càng chân thực hơn nữa. Trở thành môn đệ Chúa Giêsu, nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong hành động và sứ vụ, mặc lấy chính Ngài và ngày càng nên giống Ngài hơn trong đời sống hằng ngày chính là ý nghĩa và mục đích của việc đào tạo các linh mục tương lai. Trong công tác đào tạo này, “việc đào tạo thiêng liêng là quan trọng nhất.”8

Tìm kiếm một hướng đào tạo thiêng liêng thích đáng cho các chủng sinh trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, người nghiên cứu được những tư tưởng sau đây của cha ông mình khích lệ: “Kế một năm không gì bằng trồng lúa, kế mười năm không gì bằng trồng cây, kế trăm năm không gì bằng trồng người.” Việc trồng người cũng như phương pháp trồng người trong Hội Thánh phải có thể đáp ứng được những nhu cầu và hoàn cảnh hiện tại ở Việt Nam.

Trong Tông Thư Hậu Công đồng Pastores Dabo Vobis (Những Mục Tử Như Lòng Mong Ước), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng đối mặt với những biến đổi sâu xa và mau lẹ trong xã hội, với sự phong phú của các nền văn hoá và tính đa diện của các bối cảnh, trong đó Hội Thánh loan báo và làm chứng cho Tin Mừng, Hội Thánh cảm thấy được mời gọi, bằng sự dấn thân đã được canh tân, sống lại tất cả mọi điều Đấng là Thầy đã làm cùng các môn đệ và được thúc giục “bởi sự cấp thiết phải duyệt xét lại nội dung và phương pháp đào tạo linh mục.”9

Để đáp lại lời mời gọi này, mọi người đều nhận thức được rằng chất lượng của các linh mục tương lai tuỳ thuộc vào việc đào tạo khởi đầu các vị đó nhận được trong chủng viện, và cũng tuỳ thuộc vào việc đào tạo thường xuyên các vị đó tham gia trong đời sống linh mục tại môi trường giáo phận. Trong công tác đào tạo linh mục ấy, đời sống thiêng liêng bao gồm mọi thứ thực sự thuộc về con người được Chúa Thánh Thần hướng dẫn: “Đời sống thiêng liêng là đời sống nhân bản được sống trong Thánh Linh.”10

Đối diện với những đổi thay về văn hoá như thế, phong trào tục hoá và lối sống mới có ảnh hưởng sâu rộng trên đời sống và sứ vụ của nhiều linh mục giáo phận tại Việt Nam, phong trào và lối sống ấy đặt ra những vấn nạn sau: “Làm thế nào để các linh mục có thể sống và thực thi sứ vụ với con tim và tinh thần mạnh mẽ trong những thời điểm khó khăn ấy? Ngày nay, những khía cạnh nào trong đời sống linh mục cần được canh tân và củng cố? Đời sống linh mục thiếu điều gì trong bầu khí tục hoá và đa dạng hiện nay?”11

Mọi người đều tin rằng việc đào tạo thiêng liêng cho các chủng sinh sẽ góp phần giải quyết những vấn nạn đó. Sự tăng trưởng thiêng liêng thực sự về cơ bản sẽ giúp họ đương đầu với những thách đố mà họ gặp phải và sẽ khích lệ họ thực thi sứ vụ mục vụ trong tương lai cách xứng đáng. Vì vậy, có thể trình bày các vấn đề căn bản cho họ theo những câu hỏi sau đây:

   1) Đâu là nền tảng, những thách đố và cơ hội khả dĩ ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng và việc đào tạo thiêng liêng của các chủng sinh ở Việt Nam hôm nay?

   2) Đâu là những nguyên tắc chỉ đạo được Giáo Huấn của Hội Thánh trình bày, cả phổ quát lẫn địa phương, liên quan đến công tác đào tạo thiêng liêng cho các ứng viên linh mục?

   3) Làm thế nào để có thể đặt công tác đào tạo thiêng liêng trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam, khi làm hài hoà và hội nhập tiến trình đào tạo thiêng liêng với đào tạo nhân bản, đào tạo và tự đào tạo, đồng thời vẫn giữ được căn tính bất di bất dịch của chức linh mục?

   4) Về mặt đào tạo thiêng liêng, đâu là những yếu tố đặc thù giúp chủng sinh trở thành những thừa tác viên hữu hiệu cho Dân Chúa?

Một chương trình đào tạo thiêng liêng thích đáng cho các chủng sinh sẽ không chỉ tái khẳng định lời mời gọi và những thách đố cho chương trình đào tạo toàn vẹn, mà còn chỉ ra hướng đi và những kỹ năng cần thiết cho các nhà đào tạo và linh hướng trong sứ vụ cung cấp một chương trình đào tạo toàn diện tại chủng viện. Chất lượng đời sống các linh mục phụ thuộc rất nhiều vào việc đào tạo ban đầu được hấp thụ tại chủng viện, và vào việc đào tạo thường xuyên12 được đảm nhiệm và tăng cường trong đời sống thừa tác vụ. Vì lý do đó, Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng các linh mục nên tạo ra thói quen sống thân mật với Chúa Kitô như là người bạn trong mọi chi tiết đời sống mình và sống mầu nhiệm phục sinh của Chúa để biết cách khai tâm cho những người được trao phó cho mình coi sóc.13

Mặc dù công trình nghiên cứu này chỉ giới hạn vào việc đào tạo thiêng liêng, nó cũng giúp ích cho các khía cạnh khác của công cuộc đào tạo linh mục. Nó hữu ích theo nhiều cách khác nhau cho cả chủng sinh lẫn các nhà đào tạo, khi đưa ra vai trò nền tảng, chắc chắn và cốt yếu của việc đào tạo thiêng liêng tại chủng viện. Như vậy, công trình nghiên cứu này chắc chắn sẽ giúp ích cho Hội Thánh tại Việt Nam.

Hơn nữa, mặc dù các Giáo Hội ở các địa phương khác nhau có những nền tảng và những thách đố khác nhau, công trình này cũng hữu ích cách nào đó đối với các Giáo Hội tại Á Châu trong chương trình đào tạo của các Giáo Hội này.

Công trình này cũng có giá trị với những ai muốn tăng triển kiến thức và hiểu biết về tính phức tạp của Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam, nhằm yêu mến và giúp đỡ Hội Thánh tại Việt Nam cách tốt hơn.

Tuy nhiên trước hết, công trình này giúp ích cho chính người nghiên cứu trong khi tìm tòi để giúp đỡ các chủng sinh được ủy thác cho mình một cách hữu hiệu hơn.

Công trình nghiên cứu này nhằm khám phá và phát triển những yếu tố trong chương trình đào tạo thiêng liêng, một chương trình sẽ thích ứng với các chủng sinh Việt Nam đang sống và sẽ thi hành sứ vụ trong một bối cảnh luôn luôn biến đổi.

Công trình này cũng giúp họ có khả năng đối diện với những thách đố của phong trào tục hoá, duy vật, hưởng thụ và chính sách cộng sản, với bình an nội tâm như Chúa Giêsu từng khích lệ (x. Ga 14,27; 16,33).

Như thế, các chủng sinh sẽ được trang bị những phương tiện tự nhiên và siêu nhiên cần thiết14 để sống trọn vẹn đời sống chủng sinh hiện nay, và tiếp tục lớn lên trong đời sống phục vụ của linh mục trong tương lai.

Người nghiên cứu phải tuân theo những nguyên tắc chỉ đạo do Huấn Quyền Hội Thánh đưa ra. Đồng thời  cũng phải cố gắng thích nghi những nguyên tắc chỉ đạo này với hoàn cảnh lịch sử đặc thù và cụ thể của Hội Thánh Việt Nam. Nghĩa là chương trình đào tạo phải đáp lại và bắt nguồn từ một nhận thức về tính phức tạp của văn hoá, não trạng, lối sống, các điều kiện sống và những nhu cầu thuộc thừa tác vụ của con người Việt Nam.

Với những kinh nghiệm sống đa dạng và phong phú, người nghiên cứu sẽ phân tích nhiều văn kiện của Hội Thánh nhằm nhận dạng những yếu tố của việc đào tạo thiêng liêng. Công trình này cũng sẽ tìm cách kết hợp lý thuyết và thực hành. Điều này sẽ được diễn tả theo nhiều cách. Người Việt Nam, với kiểu nói “Học hành”, muốn nói rằng việc học và việc thực hành phải đi đôi với nhau. Nghĩa là nếu ta chỉ trình bày chương trình đào tạo cho các chủng sinh, nhưng nếu chính họ lại không tiếp thu chương trình đó thành của mình, thì họ vẫn chưa được dào tạo đầy đủ. Người Việt Nam ta còn có một kiểu nói khác phản ánh khó khăn này: “Nước đổ lá môn” nói lên sự thiếu hiệu quả, như nước rơi xuống lá môn không thấm nước. Ta cũng tìm thấy một kiểu nói tương tự trong thư của thánh Giacôbê về đức tin và những hành động chứng minh đức tin (x. Gc 2,18). Điều này nhấn mạnh đến công việc tự đào tạo của chủng sinh.

Công trình nghiên cứu này không đặt trọng tâm vào toàn bộ chương trình đào tạo các linh mục tương lai, nhưng chỉ giới hạn vào công tác đào tạo thiêng liêng cho các chủng sinh, bao gồm cả việc linh hướng và đời sống cầu nguyện. Dĩ nhiên, việc cho rằng mình có thể xem xét kỹ càng mọi khía cạnh của công tác đào tạo thiêng liêng sẽ là quá kiêu căng. Vì thế, người nghiên cứu chỉ tự giới hạn trong những khía cạnh hàng đầu của tiến trình này, chương trình mà người nghiên cứu diễn tả bằng hạn từ Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng theo ba thời kỳ: Tiền Chủng viện, Chủng viện và Hậu Chủng viện, đặc biệt là trong năm năm đầu tiên của đời linh mục.

Bối cảnh của tiến trình đào tạo thiêng liêng này là theo nhãn quan Giáo Hội học của Công đồng Vaticanô II, về Truyền Giáo, về Hợp Tác với Giáo Dân, và về Đối Thoại, nhằm định hình cho các chủng sinh nên giống Chúa Giêsu Nadarét, mẫu gương tuyệt đối của mọi linh mục.

Cuối cùng, người nghiên cứu sẽ đề cập đến lòng sùng kính đặc biệt đối với Chúa Giêsu Thánh Thể và với Đức Trinh Nữ Maria,15 như là yếu tố quyết định cho sự thành công và lòng trung thành của các linh mục tương lai.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!