Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Trần Minh Huy, pss
Mục Lục

II : Những thách đố đức tin cho chúng ta hôm nay (Lk 17:5-6)

III : Bối cảnh sống sứ vụ Linh Mục (Hb 5:7-10)

IV : Phục vụ yêu thương của Linh Mục (A)

V : Phục vụ yêu thương của Linh Mục (B)

VI : Sức mạnh và niềm vui của đời Linh Mục (A)

VII : Sức mạnh và niềm vui của đời Linh Mục (B)

VIII : Bí quyết trung tín và thành công của đời sống và sứ vụ Linh Mục

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

THƯƠNG CHO ĐẾN CÙNG ĐỜI LINH MỤC THỪA TÁC

Đối Mặt Với Bối Cảnh Đào Tạo Hôm Nay: Cuộc Khủng Hoảng Tình Cảm Và Tình Dục Trong Giáo Hội.

ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI HÔM NAY

LƯỢNG SỨC MÌNH ĐỂ QUYẾT ĐỊNH DỨT KHOÁT

Hiệp Thông Trong Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC NGÀY NAY

BAN HUẤN LUYỆN ĐAMINH TAM HIỆP - Thường Huấn 4-7/5/2017

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN - XÂY DỰNG NHÂN CÁCH TU SĨ

Xây dựng Cộng Đoàn Cầu Nguyện và Yêu Thương

NHÀ ĐÀO TẠO TÂM HUYẾT HÔM NAY

TRỞ NÊN LINH MỤC ĐÍCH THỰC NHƯ LÒNG MONG ƯỚC.

MỤC VỤ LINH HƯỚNG - Phân Định và Sống Ơn Gọi

TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC NGÀY NAY

Đào Tạo Trưởng Thành Nhân Bản Kitô Giáo và Đời Tu

CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN BÍ QUYẾT TÌNH YÊU VÀ VUI SỐNG

Linh Mục Sống và Thực Thi Năm Thánh Lòng Thương Xót - Linh Mục Đoàn Ban Mê Thuột Thường Huấn 29/2 - 4/3/2016

Đối Mặt Với Các Thách Thức Trong Đời Sống Và Sứ Vụ Linh Mục Của Chúng Ta Hôm Nay - Linh Mục Đoàn Hưng Hoá Tĩnh Tâm Năm 9 - 13/11/2016

Người Nữ Tu Sống Tu Đức Toàn Diện

Đứng Gần Thập Giá Chúa GiêSu

Cầu Nguyện Cá Nhân - Bí quyết tình yêu và vui sống

Sứ Điệp Từ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu

Đào Tạo và Tự Đào Tạo Thiêng Liêng của các Linh Mục trong bối cảnh Việt Nam ngày nay

Lớp Thần Học bổ túc (2006-2007)

Mười Ba Nét Mặt Tình Yêu

Chúa vẫn thương

Làm Sao Để Tha Thứ

Đứng Gần Thập Giá Chúa GiêSu
VI : Sức mạnh và niềm vui của đời Linh Mục (A)

A. SỨC MẠNH CỦA ĐỜI LINH MỤC

(Ga 17:9-11)

 

1. Sống Hiệp Thông với các Mầu Nhiệm

“Lạy Chúa Giêsu sống trong Mẹ Maria, xin hãy đến và sống trong các tôi tớ Người: trong tinh thần thánh thiện, trong sự sung mãn của quyền năng, trong sự hoàn hảo của các đường lối, trong sức mạnh của các nhân đức, và trong sự hiệp thông các mầu nhiệm Chúa. Xin hãy thống trị mọi quyền lực thù nghịch, trong Thánh Thần Chúa, cho vinh danh Chúa Cha. Amen.”

Lời cầu nguyện này được nói với Chúa Giêsu sống trong Mẹ Maria, bằng mối tương quan mật thiết và bền vững. Chúng ta xin Chúa Giêsu khơi mào trong chúng ta một mối tương thuộc sâu xa giữa chúng ta và Ngài. Chúng ta xin Chúa Giêsu đến trong cuộc đời chúng ta và sống trong chúng ta, để chúng ta được sống, được giống Ngài và nên linh hoạt hơn nhờ sự hiện diện của Ngài. 

Chúng ta phải là người trước hết hiểu rằng nếu không có Chúa Giêsu thì chẳng có ai có quyền năng và sức mạnh, hoặc giá trị gì. Chúng ta chỉ là dụng cụ của Chúa, là máng thông ơn Chúa ban cho nhân loại. Xin cho cái máng chức linh mục của chúng ta không bị chặn lại nơi mình, cản trở Chúa Giêsu làm việc qua chúng ta. Chúng ta không bao giờ muốn “thọc gậy bánh xe” công việc của Chúa! Vậy hằng ngày chúng ta hãy nài xin Chúa Giêsu đến với chúng ta, ở trong chúng ta, giúp chúng ta trở nên những tôi tớ tốt và xứng hợp của Chúa, như thánh Phaolô nói: “Không còn là tôi sống nữa, mà Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20). Chúng ta xin Chúa sức mạnh và khả năng mang Ngài đến cho tha nhân. Muốn được thế, chúng ta phải luôn sẵn sàng để Chúa biến đổi và thi thố ảnh hưởng sâu xa của Ngài trên chúng ta. 

Kinh Thánh nói “một người lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, tức thì Máu cùng nước chảy ra” (Ga 19:34). Và Giáo Hội đã kín múc nguồn Bí tích từ Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Kitô chết treo trên thập giá (x. Sacrosanctum Concilium, 6). Chúng ta được ràng buộc với Chúa Giêsu, không chỉ bởi Phép Rửa Tội, mà còn đặc biệt hơn nữa bởi Bí tích Truyền chức và những trách nhiệm thánh thiêng của đời sống linh mục. Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh: “Sự thánh thiện của linh mục giúp linh mục chu toàn cách hiệu quả sứ vụ của mình.” Trong khi ơn Chúa có thể thực hiện công trình cứu chuộc qua những thừa tác viên bất xứng, thì Chúa lại thường ưu tiên tỏ lộ những kỳ công của Ngài qua những con người biết tuân phục hơn sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. 

Vì thế, bác ái mục tử là mối hiệp thông và là yêu sách tuyệt đối của sứ vụ được trao phó cho chúng ta: tiếp nối và biểu lộ tình yêu Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Như vậy, khi chúng ta yêu thương giáo dân thì chính là Chúa Giêsu ở trong chúng ta yêu thương họ. Không phải trái tim chúng ta biến mất hay bị xóa đi, nhưng là Thần Khí Chúa Kitô xâm nhập con tim chúng ta, làm cho nó yêu thương những người chúng ta phục vụ “như Chúa Giêsu yêu và yêu trong Chúa Giêsu.” 

Trong đời sống sứ vụ, Phụng vụ giúp chúng ta đi vào trung tâm của Giáo Hội, ở đó chúng ta gặp được Chúa Giêsu. Khi chúng ta qui tụ lại để thờ phượng, Chúa Thánh Thần phủ bóng trên chúng ta và giúp chúng ta thấu hiểu các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể kết hiệp với các mầu nhiệm đó để trở nên những thừa tác viên của ơn cứu độ. Phụng vụ kết hiệp chúng ta với các mầu nhiệm của Chúa Kitô, đồng thời biến đổi và kết hiệp chúng ta lại với nhau trong Chúa Kitô.

Như Mẹ Maria đã trải nghiệm mối hiệp thông sâu xa nhất với các mầu nhiệm của Chúa Kitô, chúng ta sống lại các mầu nhiệm ấy. Chớ gì mối hiệp thông của chúng ta với các mầu nhiệm được lớn lên sâu xa hơn mãi, và chúng ta luôn ý thức nhờ nước nào mà chúng ta được rửa sạch, nhờ Thần Trí nào mà chúng ta được tự do, và nhờ Máu nào mà chúng ta được cứu chuộc.

 

2. Sống Trong Nhiệm Thể Chúa Kitô

Chúng ta trở lại đồi Golgotha, đứng ở đó với Mẹ Maria. Trong giờ Khổ Nạn ấy, Mẹ là một với Chúa Kitô trong đau khổ cứu thế của Ngài. Mẹ đã nên một với Con Mẹ trong khi sống, và Mẹ cũng nên một với Ngài trong “giờ” trút hơi thở, khi Ngài trao ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài có.

Như Evà đã được sinh ra từ cạnh sườn Adam khi ông ngủ, Giáo Hội cũng được sinh ra từ cạnh sườn Chúa Kitô khi Ngài chịu khổ nạn. Trong cái chết của Chúa Kitô, sự sống của Giáo Hội bắt đầu được hình thành. Chúa Kitô đã kiện toàn trên thập giá không phải ý muốn của Ngài, nhưng là ý muốn của Chúa Cha. Ngài đã chết để chúng ta “không còn sống cho chính mình nữa,” nhưng cho Đấng đã yêu mến chúng ta. Giáo Hội chỉ đi vào cuộc sống khi Chúa Giêsu đã trao hiến mạng sống và Thần Trí của Ngài. Ngài đã truyền lại cho Giáo Hội bí tích sự sống: Nước thánh hóa của Phép Rửa, của ăn hy tế Thánh Thể, Bí tích Sám Hối và tất cả những bí tích chữa lành và ban sức mạnh. Qua nguồn sống bí tích này, Giáo Hội cũng có sức mạnh hiến dâng mạng sống mình trong tình thương, và kết hiệp với Chúa Giêsu Hiến Tế, nhờ đó mỗi thành phần biết sống cho nhau.

Mối hiệp thông đời sống và tình yêu này được hình thành bên thập giá Chúa Giêsu, khi Ngài trao phó Mẹ và môn đệ yêu dấu lẫn cho nhau: “Đây là con Mẹ! Đây là mẹ con!” Giữa Công Đồng Vaticanô II, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã công bố Mẹ Maria là “Mẹ Giáo Hội”. Là các chi thể của Thân Thể Ngài, chúng ta lãnh nhận sự sống mới của Chúa Giêsu được ban cho chúng ta với sự sẵn sàng ưng thuận trong đức tin của Mẹ Maria. Chúng ta kinh nghiệm được lòng “bác ái từ mẫu” của Mẹ, ngày qua ngày trong đời sống Giáo Hội. Quả thế, với Mẹ Maria, chúng ta kinh nghiệm được sự hiệp nhất kỳ diệu của đức tin, của phượng tự, của hiệp thông tình yêu quanh Đấng kế vị thánh Phêrô và những người kế vị các tông đồ. Một nét đẹp rất đặc biệt tại Tòa Giám Mục Bùi Chu là mỗi Chúa Nhật và thứ Năm có “thánh lễ hiệp thông với Giám Mục Giáo phận.” Chúng ta chia sẻ trong tình yêu hy tế của Chúa Kitô, nhờ đó Ngài hiến trao mạng sống Ngài cho chúng ta và vì phần rỗi của chúng ta. Chúng ta học từ nơi Ngài để yêu thương lẫn nhau.

Thánh Phaolô viết “một Chúa, một Đức Tin, một Phép Rửa” (Eph 4:5). Và Giáo Hội được đánh dấu bởi sự duy nhất đức tin: “Tất cả cùng uống một Thần Khí” (1 Cor 12:13).  Thần Khí được Chúa Cha và Chúa Con sai đến hằng tác động trên Giáo Hội, Thân Mình Chúa Kitô. Thần Khí ban sự sống này là nguồn sống đức tin của chúng ta. Ngài là Thần Khí khôn ngoan và chân lý hằng thúc đẩy chúng ta truyền bá đức tin, “lúc thuận tiện cũng như khi không thuận tiện.” Thần Khí này là nguồn giáo huấn, sửa dạy và ngay cả khiển trách mà Giáo Hội ban cho các thành phần của mình. 

Sự duy nhất đức tin là mối quan tâm đặc biệt của các Chủ Chăn Giáo Hội. Nhưng nó cũng phải là mối quan tâm của mỗi người chúng ta. Tìm kiếm sự duy nhất trong đức tin là yêu mến và bảo toàn Giáo Hội, vì khi một thành phần bị cắt đứt khỏi đức tin của Giáo Hội thì thành phần đó phải đau khổ vì không còn có hiệp thông sự sống. Chúng ta nhìn Mẹ Maria như người canh giữ đức tin. Chúng ta kêu xin Mẹ gìn giữ trong chúng ta và trong tất cả Giáo Hội “tinh thần của Chúa Kitô” và “khôn ngoan của Thiên Chúa.” Chúng ta xin ơn yêu thích sự khôn ngoan của Giáo Hội hơn sự khôn ngoan của chính chúng ta.

Sự duy nhất đức tin được diễn tả trong phượng tự của Giáo Hội. Phượng tự này khởi đầu từ Hy tế hoàn hảo của Chúa Kitô. Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Ngài là nguồn các Bí tích làm cho Thân Mình Chúa Kitô được sống, được nuôi dưỡng, được lớn lên và được tồn tại. Tất cả chúng ta đều có niềm vui chuyển đạt sự sống mới của ân sủng qua Bí tích Rửa Tội. Vui biết bao khi thấy một em bé hay một tân tòng được tái sinh, được đến tháp nhập vào Thân Mình Chúa Kitô. Do đó, thực là một thực hành đẹp đẽ kỷ niệm ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, qua việc mừng lễ thánh quan thầy. Chúng ta phải biết ơn Giáo Hội vì đã mang Chúa Kitô cho chúng ta, đã nuôi dưỡng và hướng dẫn chúng ta trong suốt cuộc đời.

Sự hợp nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô được diễn tả cách rõ ràng nhất trong Bí tích Thánh Thể. Chén chúc tụng mà chúng ta chia sẻ là Máu Chúa Kitô, lưu chuyển trong Giáo Hội, mang lại sự sống thần linh. Bánh mà chúng ta bẻ ra là Mình Chúa Kitô, được hiến dâng vì phần rỗi của mỗi chi thể. Chúng ta thật hạnh phúc được dâng Thánh Lễ, nhờ đó chúng ta không ngừng nhận được sự sống và hiệp nhất. Cử hành và lãnh nhận Thánh Thể là hiệp nhất với Giáo Hội trên khắp thế giới. Nhờ Thánh Thể mà mọi người được qui tụ lại trong một ngôi nhà đức tin.

Liên kết với Đức Thánh Cha, chúng ta xây dựng sự hiệp nhất ấy trong lòng Giáo Hội Địa Phương mà chúng ta phục vụ, bất cứ ở đâu chúng ta có mặt. Chúng ta trăn trở làm cho Giáo Hội được lớn lên, mạnh mẽ và hiệp nhất hơn. Và ngày nay, quyền bính và sự hiệp nhất của Giáo Hội Địa phương được diễn tả qua nhiều vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là Giám Mục Bản Quyền; Ngài không chỉ là đầu, mà là con tim của giáo phận: tất cả đều qui về Giám Mục và tất cả quyền bính đều phát ra từ Giám Mục, đến đỗi “linh mục không thể làm gì mà không có Giám Mục”. Như thế sự hiệp thông trở nên dễ dàng và triệt để hơn, hiệp thông quyền bính, hiệp thông sự sống, hiệp thông sứ vụ và hiệp thông tình yêu.           

Trong công cuộc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, chúng ta được lời cầu bàu thần thế của Mẹ Maria trợ giúp. Đức tin sâu xa của Mẹ làm mạnh mẽ đức tin của chúng ta. Tình yêu từ mẫu của Mẹ làm mạnh thêm những cam kết tình yêu hiệp nhất của chúng ta. Cùng Mẹ Maria, chúng ta có thể lặp lại với đức tin và lòng mến sâu xa như Đức Phaolô VI: “Chúng ta tin vào một Giáo Hội Công giáo, Tông truyền, thánh thiện, được Chúa Kitô xây dựng trên đá tảng Phêrô. Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô, một xã hội hữu hình, được cơ cấu theo phẩm trật, một cộng đoàn thiêng liêng, Giáo Hội trên trần gian, Dân Chúa đang lữ hành, được bao bọc bởi muôn phúc lành trên trời, là mầm mống và là khởi đầu của Nước Thiên Chúa” (Credo of the People of God, ed. Austin Flannery, O.P., in Vatican Council II, vol. 2, More Post Conciliar Documents, p. 391).

 

3. Trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc

Cái chết đầu tiên mà con được chứng kiến là cái chết của mẹ con. Mẹ con bị thương hàn tái phát. Con ở bên cạnh mẹ trong những giờ phút cuối đời mẹ. Con không bao giờ quên được đức tin và lòng đạo sâu xa của mẹ con trong lúc hấp hối. Con trải nghiệm nỗi buồn lớn lao, trong khi mẹ biểu lộ niềm trông đợi “sự sống thay đổi chứ không mất đi.” Và đến cả bây giờ, con vẫn cảm nhận sự hiện diện, cổ vũ, bảo vệ và nâng đỡ đầy yêu thương của mẹ con. Mỗi chúng ta đều cảm nhận được niềm vui an ủi khi dâng lễ cho những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta.

Và như thế, chúng ta đừng quên nói về Luyện ngục và sự cần thiết phải cầu nguyện cho người đã qua đời. Hãy khuyến khích giáo dân cầu nguyện cho những người thân yêu của họ đã chết, đó là sự tưởng nhớ tốt nhất mà người còn sống có thể làm. Giáo huấn về luyện ngục và giá trị của việc cầu nguyện cho người qua đời an ủi cách đặc biệt các gia đình phải đau khổ vì cái chết của người thân. Ai cũng ý thức được rằng người đã chết không thoát khỏi hết mọi lầm lỗi và họ đang được thanh luyện. Còn gì an ủi hơn khi tin rằng mình có thể giúp đỡ người đã qua đời bằng lời cầu nguyện, việc lành, và nhất là Thánh lễ.

Việc thanh luyện nơi Luyện ngục nhắc nhở ý nghĩa của việc chết cho tội và sống trong Chúa Kitô (x. Rm 6:8-11). Chúng ta phải cổ vũ niềm trông đợi những gì Thánh Thần kiện toàn và liên lĩ khước từ những xúi giục của Ma Qủi, cha những sự dối trá. Những ai thực sự quan tâm đến đời sống nội tâm đều hiểu rằng sự thanh luyện như thế không bao giờ hoàn tất trên thế gian này: "Linh hồn con luôn khắc khoải cho đến khi nào được nghỉ an trong Chúa" (St. Augustinô). Chúng ta đáp lại lời mời gọi nên thánh của Chúa bằng việc trao phó đời mình cho sự thanh luyện của thập giá. Từ thập giá, Chúa Giêsu đã cho chúng ta tiêu chuẩn sống động về sự thánh thiện ở nơi Mẹ Ngài. Mẹ mang đến thập giá một trái tim vô tội. Chỉ có Mẹ kết hiệp trọn vẹn với mầu nhiệm tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu. Mẹ đã sống trọn cuộc đời trông đợi những gì Chúa sẽ làm cho Mẹ, và sự hiện diện thanh luyện của Lời bao bọc cả cuộc đời Mẹ. 

Là Mẹ chúng ta trong trật tự ân sủng và đức tin, Mẹ Maria khích lệ chúng ta đứng gần thập giá để được rửa sạch tội lỗi và được lôi kéo đến sự trọn hảo của Cha trên trời. Mẹ dạy chúng ta hoàn toàn trông đợi những gì Chúa sẽ làm cho chúng ta bởi quyền năng thập giá và sự sống lại. Mẹ dạy chúng ta mở rộng con tim cho sự biến đổi kỳ diệu mà Thánh Thần muốn phát huy hiệu lực từ thập giá. Thế mà nhiều khi chúng ta do dự, ngập ngừng tiến lại gần thập giá, để cùng chịu với Chúa đêm tối đau khổ và cùng trải nghiệm nỗi đau mà sự biến đổi nhất thiết đòi hỏi, vì “qua đau khổ mới đến vinh quang” 

Thật thế, chúng ta sẽ gặp lửa phán xét của thập giá. Tất cả những gì trong chúng ta đã không được biến đổi theo giống hình ảnh Ngài sẽ bị quăng vào lửa lò luyện. Lửa này là ánh sáng sẽ đâm thủng tối tăm. Nỗi đau của sự biến đổi này không do một vị Chúa trả thù, mà do một người Cha yêu thương đánh phạt để tạo nên trong chúng ta một con người mới là một Kitô khác. Quả thế, mọi sự nơi chúng ta đều phải được thanh luyện. Tất cả những đốm nhơ và vết nhăn trên áo rửa tội của chúng ta phải được tẩy sạch, phải được giặt trắng trong Máu của Con Chiên.

Giáo Hội Luyện hình trông đợi và khao khát Chúa  còn mạnh mẽ hơn lòng khao khát của Giáo Hội lữ hành nơi trần thế. Giáo Hội Luyện Tội trải nghiệm sự trông đợi và khao khát sâu xa đánh dấu cuộc đời Mẹ Maria trên trần gian. Phụng vụ của Giáo Hội Luyện hình là tiếng kêu không ngừng “Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin mau đến!” Nhưng trong mầu nhiệm Hội Thánh thông công, các linh hồn ở trong luyện tội không cô độc, vì các ngài được liên kết với Giáo Hội lữ hành trên dương gian và Giáo Hội khải hoàn trên trời.

Thuộc Giáo Hội lữ hành, chúng ta có thể góp phần vào sự thanh luyện của họ. Quả thế, Chúa Kitô đã biến đổi tình yêu của chúng ta khiến rào cản của sự chết không ngăn nó lại được. Chúng ta dâng Thánh lễ cho những ai đang được thanh luyện là thích hợp biết bao, nó tái hiện Hy Tế duy nhất của Chúa Kitô, là suối nguồn của sự thánh thiện và đời sống vĩnh cửu. Thích hợp biết bao việc chúng ta đứng gần thập giá Chúa Giêsu và cầu xin sự an nghỉ đời đời của những người đã ra đi trước chúng ta. Chúng ta cầu xin thập giá Chúa Giêsu trở nên chiếc cầu cho các tín hữu đã qua đời được mang tới sự sống đời đời trên trời. Amen.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!