.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

II : Những thách đố đức tin cho chúng ta hôm nay (Lk 17:5-6)

III : Bối cảnh sống sứ vụ Linh Mục (Hb 5:7-10)

IV : Phục vụ yêu thương của Linh Mục (A)

V : Phục vụ yêu thương của Linh Mục (B)

VI : Sức mạnh và niềm vui của đời Linh Mục (A)

VII : Sức mạnh và niềm vui của đời Linh Mục (B)

VIII : Bí quyết trung tín và thành công của đời sống và sứ vụ Linh Mục

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đứng Gần Thập Giá Chúa GiêSu
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
V : PHỤC VỤ YÊU THƯƠNG CỦA LINH MỤC (B)

B. PHỤC VỤ NGƯỜI BẦN CÙNG THIÊNG LIÊNG

(1 Cor 9:16,27)

 

Sự cách biệt giàu nghèo mỗi ngày mỗi lớn. Nhiều người nghèo phải ở trong những khu ổ chuột, chẳng có gì ăn, áo quần thì xoàng xỉnh rách nát. Nhưng không chỉ có nghèo nàn thể xác. Còn tệ hơn sự nghèo khó của thân xác, là sự nghèo khó của tinh thần, là bị bần cùng hóa về mặt thiêng liêng. Người thiếu bánh ăn làm chúng ta suy nghĩ, nhưng còn đáng suy nghĩ hơn về người thiếu Bánh Sự Sống. Không áo che thân là tàn phá nhân phẩm, sự tàn phá còn đau đớn hơn nữa khi sống và chết mà không được “mặc lấy Chúa Kitô”. Bao nhiêu người trong xã hội chúng ta không biết đến Chúa Kitô, mà cũng chẳng biết đến Giáo Hội của Ngài. Họ thức tỉnh lương tâm chúng ta là những người có trách nhiệm xây dựng Thân Thể Chúa Kitô bằng một tiếng kêu đáng sợ. 

 

1. Giới Trẻ Hôm Nay

Làm sao tiếp cận được cách tốt nhất với giới trẻ của chúng ta. Họ tuôn ra các thành phố và đô thị để làm việc trong mọi ngành nghề. Họ mang theo nhiều tài năng và nghị lực, với rất nhiều thiện chí. Nhưng rất nhiều người trong họ không được đào luyện và nuôi dưỡng về đức tin, rất nhiều người trong họ không phát triển được một đời sống cầu nguyện, và họ thực sự nghèo nàn về mặt thiêng liêng. Họ trải nghiệm một nội tâm trống rỗng, bất chấp ảnh hưởng lớn họ thực thi và những lợi lộc vật chất họ thụ hưởng! Đời sống luân lý lại quá dư thừa sai phạm, với những tệ nạn xã hội thời đại.

Chăm sóc giới trẻ và tất cả những ai có nhu cầu thiêng liêng là trách nhiệm lớn lao của chúng ta. Giáo dân giáo phận Bùi Chu chúng ta đa số sống về nông nghiệp. Giới trẻ dần dần bỏ nông thôn di dân ra thành phố làm ăn. Nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là làm sao giữ liên lạc và đồng hành thiêng liêng được với họ. Đức Cha Phụ Tá đã có những nỗ lực rất đáng kể bên cạnh các anh em Bùi Chu di dân lên Hà Nội làm việc. Nhiệm vụ thứ hai quan trọng hơn và xem ra vượt quá tầm tay của chúng ta là làm sao gợi hứng và thúc đẩy đưa được nhiều ngành công nghiệp về Bùi Chu, tạo công ăn việc làm cho dân hầu thăng tiến cuộc sống giáo dân, về mặt nhân bản cũng như thiêng liêng, mở ra với sứ mệnh truyền giáo. [Hoạt động của Công ty May Sông Hồng với 3.000 công nhân đáng cho chúng ta quan tâm. Tổ may ở quê Cha Quản lý và tổ may sắp được hình thành ở Thuận Thành là một trong những hoạt động cần được nhân rộng.

Sứ vụ phục vụ người bị bần cùng hóa thiêng liêng này của chúng ta được mô tả là “công trình thiêng liêng của lòng nhân hậu”: hoán cải tội nhân, dạy dỗ người dốt nát, cố vấn cho người hoài nghi, nâng đỡ người buồn sầu, nhẫn nại chịu đựng kẻ lầm lạc, tha thứ những lăng mạ, cầu nguyện cho người sống kẻ chết.

Chúng ta học được lòng nhân hậu này từ thập giá Chúa Giêsu cùng với Mẹ Maria. Một khi đã tiến sâu vào lịch sử cứu độ, Mẹ thấm nhuần và làm vang vọng những giáo lý quan trọng về Đức Tin. Mẹ thúc đẩy tín hữu đến với Con Mẹ, với Hy Tế của Ngài và với tình yêu của Chúa Cha. Chúng ta cố gắng mỗi ngày bắt chước Mẹ và tiếp tục tiến bộ trong đức tin, trong niềm hy vọng và đức ái, tìm kiếm và thực thi Ý Chúa trong mọi sự. Vì thế, việc tông đồ của chúng ta là trao ban Chúa Kitô, làm cho Ngài được sinh ra và lớn lên trong tâm hồn tín hữu. Mẹ Maria là mẫu gương của tình mẫu tử ban sức sống cho những ai liên kết với sứ vụ tông đồ của Giáo Hội cho mọi thế hệ nhân loại (LG. 65). 

 

2. Những Nicôđêmô thời đại

Trong Phúc Âm, chúng ta gặp những người tranh luận với Chúa Giêsu về mầu nhiệm Nước Trời. Ngày nay chúng ta cũng gặp những người như thế ở bất cứ đâu mà sứ vụ đưa chúng ta đến. Chúng ta gặp những Nicôđêmô thời đại đến với chúng ta, có khi trong âm thầm, gần như bí mật, để đặt câu hỏi, để nói lên những mối nghi ngờ, để tìm cách tiếp cận Chúa. Chúng ta không thể lờ đi mà không nói với họ về Chúa Kitô. Dù đón tiếp họ với nhẫn nại và yêu thương, chúng ta phải nói cho họ hay rằng cuối cùng chỉ có thể đạt tới Chúa bằng một bước nhảy vọt của đức tin tín thác. Chúng ta cầu nguyện và nỗ lực làm cho các cuộc gặp gỡ ấy sinh hoa kết quả, những Nicôđêmô thời đại ấy sẽ sẵn sàng đến gần Chúa, Đấng đã thí mạng vì tất cả mọi người và họ sẽ trở lại với Chúa.

 

3. Người thanh niên giàu có tân thời

Cũng thế, nhiều khi chúng ta cũng gặp những chàng thanh niên giàu có tân thời. Họ có nhiều nguồn tài nguyên; lắm khi mang nhiều thiện chí đối với Giáo Hội. Có lẽ nghề nghiệp, địa vị xã hội hay quyền lực của họ không lấp đầy được lòng họ. Họ muốn có được sự sống đời đời, nhưng không dám từ bỏ mọi thứ họ đang gắn bó. Chúng ta không mang lại cho họ lợi ích gì nếu không nói với họ về kho tàng của ơn thánh Chúa, luôn sẵn sàng trao ban cho họ nơi các Bí Tích của Giáo Hội. Chúng ta không mang lại cho họ lợi ích nào, khi để họ ra đi mà không được biến đổi gì cả. 

 

4. Những con chiên lạc

Chúng ta cũng gặp những người tội lỗi, nhưng đôi khi chúng ta ngần ngại chỉnh sửa và khiển trách, vì chúng ta ý thức về chính tội lỗi của mình. Chúng ta chưa phục vụ các tội nhân đúng mức, khi vì những yếu đuối và nhát đảm của mình, chúng ta thất bại trong việc khuyên ngăn họ đừng phạm tội. Nỗ lực nhằm hoán cải người có tội chỉ thực sự sinh hoa kết quả khi chúng ta hướng về thập giá. Sứ vụ hoán cải tội nhân, giáo hóa người dốt nát, khuyên bảo người hoài nghi… nhất thiết đòi hỏi chúng ta phải sống rất mật thiết với Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh. Muốn hoán cải người khác, mà chính mình không hoán cải, không phải là một con người cầu nguyện, hay không khắc ghi trong lòng các mầu nhiệm của Chúa Giêsu, thì nhất thiết chúng ta sẽ bị thất bại. Đó chỉ là “thanh la inh ỏi và não bạt rền vang mà thôi” (1 Cor 13:1). Nếu không có tâm hồn cầu nguyện, chúng ta chẳng bao giờ hy vọng thuyết phục được những người nghe. Chúng ta phải nói về một tình yêu mà chính chúng ta đã trải nghiệm. Chúng ta chỉ phục vụ hữu hiệu khi giúp đỡ được người khác trải nghiệm tình yêu sâu xa của Chúa Giêsu.

 

5. Bản chất truyền giáo của Giáo Hội

Công Đồng Vaticanô II dạy rằng hoạt động tryền giáo không chỉ là một chức năng hay phận vụ của Giáo Hội, nhưng “tự bản chất Giáo Hội là truyền giáo” (Ad Gentes 2). Sứ vụ của chúng ta trong thế giới là đi vào các đô thị và thành phố, làng mạc, trang trại, vùng sâu vùng xa, miền xuôi miền ngược, nghĩa là bất cứ nơi đâu dân chúng đang sinh sống, để mang Tin Mừng cho họ. Chúng ta nghiêng mình kính phục và tri ân các nhà truyền giáo ngoại quốc đã mang Tin Mừng cho tổ tiên chúng ta trước đây. Các ngài không cùng tiếng nói, không cùng văn hóa, không cùng cách sống, lại trải qua bao nhiêu gian khó và cấm cách, thế mà các ngài đến được những nơi và cải đạo được những người mà chính chúng ta ngày nay không tới được, không tiếp cận được, dù chúng ta cùng ngôn ngữ, cùng văn hóa, cùng giống nòi, lại nhiều phương tiện hơn, và được nhiều dễ dàng hơn. Phải chăng vì chúng ta chưa có Chúa đủ trong lòng? Phải chăng vì chúng ta quá ham dưỡng giáo và chưa nhiệt thành đủ cho truyền giáo? Thánh Phaolô nói: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” (1 Cor 9:16).

Sức mạnh để làm việc truyền giáo đến từ Chúa Giêsu và Thần Khí của Ngài, nhưng chúng ta học cách thức phục vụ từ nơi Mẹ Maria. Khi đã nhận lãnh Tin Mừng từ thiên sứ, Mẹ vội vã ra đi đến với bà Ysave. Mẹ muốn giúp đỡ người chị họ đang mang thai trong tuổi già. Nhưng việc phục vụ yêu thương chính của Mẹ là mang Tin Mừng đến cho bà chị họ. Điều Mẹ đã mang đến cho bà Ysave và Gioan Tẩy Giả, không chỉ đơn giản là thông tin về Chúa, song là chính Chúa Nhập Thể trong dạ Mẹ. Mẹ dạy chúng ta biết làm thế nào để mang tình yêu bao la của Chúa Giêsu cho những người chúng ta gặp. Mẹ là gương mẫu tuyệt vời cho hoạt động truyền giáo của chúng ta. Nhưng Mẹ Maria đã dạy gì cho chúng ta trong sứ vụ truyền giáo? 

Trước hết, hoạt động truyền giáo là thực sự khẩn thiết. Như Mẹ, chúng ta phải mang đến cho dân chúng trong mọi điều kiện sống, không chỉ một sứ điệp an ủi, nhưng là chính Chúa. Chúng ta phải vội vã lên đường, ý thức sâu xa về nhu cầu của dân chúng là phải được tái sinh bởi nước và Thánh Thần. Chúng ta không thể nấn ná, chậm chạp… Chúng ta không được do dự mang Chúa Kitô vào các nền văn hóa, vì sợ làm phiền người ta. Tình yêu của Chúa Kitô không bị giới hạn trong các biên giới văn hóa. Tình yêu của Chúa Kitô hướng tới mỗi con người và mỗi nền văn hóa. Nhưng trong việc hội nhập văn hóa, chúng ta phải chú trọng tới tinh thần, chứ không dừng lại ở hình thức chắp vá bên ngoài. 

Tuy nhiên, chúng ta không được áp đặt văn hóa của chúng ta trên vùng đất chúng ta được sai đến. Ngôn ngữ và phong tục thay đổi, nhưng sứ điệp Phúc Âm phải luôn luôn là một. Đó là sứ điệp của tình yêu khôn lường của Chúa Kitô được mạc khải và truyền thông qua thập giá. Chúa Kitô đã chết cho tất cả mọi người. Mỗi nền văn hóa và mỗi con người đều được biến đổi và thăng tiến, nhờ gặp gỡ Chúa Kitô. Nhưng sự biến đổi đó phải được thực hiện thế nào để cái gì là tốt, là cao thượng, là thích hợp với nhân phẩm đều được tôn trọng và bảo tồn.

Thứ hai, chúng ta phải mang Chúa đến cho người khác với tình yêu, sự dịu dàng và khiêm tốn như Mẹ Maria. Với niềm vui, Mẹ đã mang Chúa đến cho bà Ysave và con bà; với khiêm tốn, Mẹ đã tỏ ra quan tâm đến các nhu cầu của người chị họ. Mẹ mang Chúa đến, không phải để vinh danh những đặc ân của Mẹ, nhưng để tình yêu của Chúa được tỏa chiếu qua người khác. Cũng vậy, chúng ta phải mang Chúa đến cho mọi người, trong khiêm tốn, chứ không áp đặt. Trong khi chống lại áp bức, bất công và tìm xoa dịu đau khổ, chúng ta phải bảo đảm rằng Phúc Âm mà chúng ta mang đến không bị giới hạn nơi vài chương trình từ thiện và hoạt động xã hội. Tình yêu của Chúa không thể bị giới hạn như thế.

Thứ ba, phải quan tâm đặc biệt những người chuyên lo việc truyền giáo. Quan trọng biết bao trách nhiệm cống hiến sự nâng đỡ và khích lệ thường xuyên cho họ. Họ phải chăm chú biết bao khi mang Chúa đi cho người khác! Họ phải cẩn thận biết bao khi bảo vệ Lời Hằng Sống và bảo đảm rằng Lời được mang đi nguyên vẹn đến cho những ai khao khát Chúa. Ơn gọi đó ngày nay phải chịu nhiều thách đố và cần được chúng ta trợ lực biết bao !

Quả thế, sứ vụ này rất cần đến thời giờ, nghị lực và tài nguyên. Bất cứ cái gì chúng ta làm đều phải hướng đến công cuộc truyền giáo. Mẹ Maria dạy các nhà truyền giáo trước hết phải sống mật thiết với Chúa Giêsu; cách đặc biệt là phải được chuẩn bị đứng với Ngài nơi thập giá. Không có Chúa Kitô, và Chúa Kitôâ Chịu Đóng Định, chúng ta không thể làm được gì hết. Lịch sử của các thánh tử đạo chỉ rõ điều này. Chúng ta được kêu gọi mang Chúa Kitô tới bất cứ đâu mà chúng ta có thể tới: trường học, cơ quan, phòng thí nghiệm, nhà máy, chợ búa, siêu thị, đồng áng, chung cư, gia đình… để mời gọi mỗi người và mọi người đón nhận Chúa Giêsu.

Tự bản chất, Giáo Hội là truyền giáo. Và do đó, căn tính và bản chất của linh mục là truyền giáo. Chúng ta đang bảo tồn và phát huy bản chất của mình, hay đã bị biến chất? Có một sự thiếu quân bình trong sứ vụ linh mục của chúng ta, là chúng ta dồn nỗ lực và tài nguyên quá nhiều cho hoạt động dưỡng giáo (tuy cũng rất cần thiết), nhưng chưa đầu tư bao nhiêu hay chưa đầu tư đủ cho hoạt động truyền giáo. Công Đồng Vaticanô II đem lại một sự hiểu biết mới và mở ra một viễn ảnh bao quát hơn về Nước Thiên Chúa, đúng với ý định cứu độ yêu thương của Chúa Cha, Đấng “đã yêu thương thế gian đến độ trao ban Con Một của Ngài cho thế gian được sống” (Ga 3:16), và cũng đúng với đường lối của Chúa Giêsu, “Thầy còn nhiều chiên khác chưa thuộc về đàn này” cần được qui tụ về. Đường lối của Chúa Giêsu có tính cách bao gồm, chứ không hề loại trừ ai.

Được kêu gọi tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu, chúng ta phải huy động hơn nữa tài nguyên tinh thần, thiêng liêng cũng như vật chất cho hoạt động truyền giáo. Càng động viên giáo dân dấn thân vào việc truyền giáo, công cuộc dưỡng giáo càng trở nên mạnh mẽ, phong phú và hữu hiệu, vì không ai có thể cho cái mình không có. Càng rút gọn về để củng cố pháo đài thì càng yếu. Trái lại, càng mở rộng giới tuyến ra bốn chung quanh, ảnh hưởng và sức mạnh càng lớn và pháo đài càng được an toàn. Chúng ta có thể lấy hình ảnh đó để so sánh việc truyền giáo và dưỡng giáo của chúng ta. Hãy mời gọi mỗi gia đình giáo dân nhận một gia đình không công giáo để cầu nguyện, thăm viếng, chia sẻ tình người và tình Chúa cho họ. Cuộc truyền giáo bằng cuộc sống chứng tá và hành động đó sẽ làm cho người giáo dân càng ngày càng trở nên người kitô hữu tốt hơn, và chắc chắn công cuộc truyền giáo sẽ hữu hiệu hơn. Ước gì được như vậy. Amen.

 

Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, xin cầu cho chúng con.

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!