.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

II : Những thách đố đức tin cho chúng ta hôm nay (Lk 17:5-6)

III : Bối cảnh sống sứ vụ Linh Mục (Hb 5:7-10)

IV : Phục vụ yêu thương của Linh Mục (A)

V : Phục vụ yêu thương của Linh Mục (B)

VI : Sức mạnh và niềm vui của đời Linh Mục (A)

VII : Sức mạnh và niềm vui của đời Linh Mục (B)

VIII : Bí quyết trung tín và thành công của đời sống và sứ vụ Linh Mục

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đứng Gần Thập Giá Chúa GiêSu
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
VII : SỨC MẠNH VÀ NIỀM VUI CỦA ĐỜI LINH MỤC (B)

B. NIỀM VUI CỦA ĐỜI LINH MỤC

(Ga 16:20-22)

 

1. Điều kiện và tính chất của niềm vui linh mục

Trong thời khắc sau cùng cuộc đời trần thế của Ngài, Chúa Giêsu đã trao phó thánh Gioan cho Mẹ Maria, và qua đó, Ngài cũng trao phó chúng ta cho Mẹ. Mẹ mở mắt chúng ta hiểu mầu nhiệm chức linh mục với tình yêu sâu xa của Chúa Giêsu trên thập giá. Quả thế, Mẹ êm ái làm cho chúng ta ý thức sự cần thiết của thập giá và từ từ dẫn dắt chúng ta vào mầu nhiệm tình yêu. Mẹ giúp chúng ta hiểu tình yêu thập giá, và nơi thập giá, Mẹ làm cho chúng ta cảm nhận được rằng trong tình yêu của Con Mẹ, những khó khăn đen tối nhất cũng tràn đầy ý nghĩa, và đau khổ thập giá sẽ mất đi tất cả tính cách buồn sầu và bất nhân của nó.

Là linh mục, chúng ta hãy hân hoan để Mẹ dẫn đến thập giá, vì Mẹ dẫn chúng ta đến đó với tình yêu, dịu dàng và khích lệ. Với Mẹ Maria, chúng ta học để tìm được niềm vui trong Đấng Cứu Độ Chịu Đóng Đinh, đã chết để ban cho chúng ta niềm vui mà không ai có thể cướp khỏi chúng ta (x. Ga 16:22). Niềm vui của chức linh mục không dựa trên thành công trần thế hay lời tán dương của dân chúng. Tiêu chuẩn của thành công trần thế không thể đo lường niềm vui của chức linh mục. Đúng vậy, niềm vui của linh mục có thể tồn tại giữa bách hại và đau khổ: cuộc đời của thánh Maximilianô Kolbê là một chứng minh.   

Quả thế, cam kết của chúng ta với Chúa và với Giáo Hội đã được thử thách bằng trăm, ngàn cách. Được mời gọi chia sẻ chức linh mục thừa tác là một đặc ân lớn lao. Chúng ta được gọi có mặt trong đời sống của dân chúng, đúng nơi mà đời sống thần linh gặp gỡ các biến cố của cuộc sống mỗi ngày. Sứ vụ của chúng ta khâu chặt lại chỗ nối giữa thần linh và nhân loại trong cuộc sống của những người chúng ta phục vụ. Là linh mục, chúng ta đi vào trong các gia đình để cử hành sinh nhật, đám cưới, xức dầu bệnh nhân và tang chế; chúng ta có mặt ở đó lúc quyết định và lúc nghi nan; chúng ta có mặt ở đó khi có thất bại và tội lỗi; chúng ta đứng với dân mình lúc khổ nhọc hay lúc hoan hỉ chiến thắng. 

Nhưng chúng ta không đi vào cuộc đời dân chúng chỉ như người ngoại cuộc, bàng quang và dửng dưng. Chúng ta đi vào cuộc sống của họ với một vai trò đặc biệt: để hành động nhân danh Chúa Kitô; để chia sẻ với họ tình người và tình Chúa; để mang lại cho họ hoa quả của cái chết và phục sinh của Ngài: “một niềm vui mà không ai có thể lấy đi được.”

 

2. Những niềm vui nổi bật của đời linh mục

    a. Dâng Thánh Lễ

Là linh mục, niềm vui lớn nhất của chúng ta là dâng Thánh Lễ, Hy Tế không đổ máu của Chúa Kitô. Chính vì lý do đó mà chúng ta đã được truyền chức. Đặc ân lớn nhất của chúng ta là được đứng trước dân Chúa, bẻ ra cho họ “bánh giáo lý tinh tuyền”, và trao cho họ Mình Máu Chúa Kitô. Trung tâm ngày sống của chúng ta phải là những thời khắc chúng ta đứng nơi bàn thờ, nơi mà Hy Tế duy nhất của Chúa Giêsu được hiện diện qua con tim và đôi tay của chúng ta.

Quả thế, việc tôn thờ Thánh Thể, được cử hành trong Thánh Lễ và được kính viếng trong Nhà Tạm, giống như dòng chảy trao ban sự sống nối kết chức linh mục thừa tác của chúng ta với chức linh mục cộng đồng của tín hữu. Chúng ta chu toàn sứ vụ chính yếu của mình, được biểu lộ ra cách đầy đủ khi cử hành Thánh Lễ, “nguồn suối và tột đỉnh của tất cả đời sống Công giáo.” Và sự biểu lộ này được trọn vẹn hơn khi chúng ta để cho mầu nhiệm sâu xa ấy trở nên hữu hình và tỏa chiếu trong con tim và trí óc của dân chúng. Gương chúng ta chuẩn bị trước Thánh lễ và cám ơn sau Thánh lễ, nhất là cách chúng ta dâng lễ sẽ thúc đẩy giáo dân siêng năng tham dự thánh lễ với ý thức, tích cực và sốt sắng.

 

b. Đem lại ơn tha tội và bình an

Niềm vui thứ hai và rất đặc biệt mà việc truyền chức linh mục mang lại cho chúng ta là vai trò của chúng ta trong việc tha tội. Trong Bí tích Hòa giải, chúng ta có thể nói nhân danh Đấng Cứu Chuộc chúng ta và quyền năng của Ngài, “Cha tha tội cho con”. Những lời đó xa hơn một công thức pháp lý. Những lời đó khai mở quyền năng của Chúa Kitô trên tội lỗi và cái chết. Được trao phó quyền năng này có nghĩa là chúng ta phải nói hết sự thật về thực tại tội lỗi với giáo dân  của chúng ta. Đi sâu vào như thế trong đời sống của kẻ khác là một đặc ân đáng sợ. Chúng ta được ban cho ơn giúp giáo dân biết Ý Chúa và làm theo ý Chúa, giúp họ  khám phá những phong phú của lòng nhân hậu Chúa trong cái chết và sống lại của Chúa Kitô. Như vậy vai trò giải tội là một nguồn bất tận của niềm vui linh mục. Một linh mục đã kể lại kinh nghiệm này. Có thể nhiều người trong chúng ta đã trải nghiệm, nhất là các anh em phải coi sóc nhiều giáo xứ, giáo họ với rất đông giáo dân. 

Ngài kể: “Vào các dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, số người xưng tội tăng rất đông. Lần này, tôi đã lên lịch giải tội, dành ra ít giờ rãnh để chuẩn bị lễ. Tôi dừng lại đi ăn cơm và dự định không trở lại nhà thờ nữa cho đến khi dâng lễ đêm. Nhưng đám đông lại đến và muốn xưng tội, và tôi lại phải ra nhà thờ, tỏ vẻ bực mình cách nào đó, vì dân chúng coi nhẹ điều tôi coi là nhu cầu nghỉ ngơi chính đáng. Tôi hy vọng ngày ấy các hối nhân không để ý đến sự khó chịu của tôi.

Giữa lúc tôi cảm thấy bực mình và khó chịu ấy, một hối nhân không quen đến, tiếng nói như một ông già. Ông đã bỏ bí tích rất nhiều năm. Tội của ông rất nhiều và nghiêm trọng. Đó là sự trở lại của đứa con hoang đàng. Rất thành thật, khiêm nhường sâu xa, ông đã nói với nước mắt về tình trạng tội lỗi của ông. Đó là một câu chuyện thật. Ông quên cả kinh Ăn năn tội và đã thay thế vào ‘Xin cha tha tội cho con, con là một tội nhân chết bầm chết diệt’. 

Tôi không bao giờ quên được hai ý tưởng tấn công tôi chiều hôm ấy. Trước hết là niềm vui vì quyền năng và sự kỳ diệu được làm linh mục: nhân danh Chúa Giêsu, tôi có thể nói ‘Cha tha tội cho con’, để ban ơn tha thứ và bình an cho người trở về. Thứ hai là cảm nhận lo sợ vì tôi đã tự cho mình lý do chính đáng nghỉ ngơi để không ngồi tòa giải tội: suýt nữa vì sự nghỉ ngơi của tôi mà một linh hồn có thể bị hư mất! Tôi hoan hỉ nhớ lại buỗi chiều hôm ấy, và dốc lòng sẽ không bao giờ viện bất cứ lý do gì để từ chối giải tội khi có người xin xưng tội, nhất là khi được mời đi kẻ liệt:

Đêm đông hay giữa trưa hè,

Kêu đâu chạy đó chở che cho người,

Biết đâu lần đó cuối đời,

Để người chết hụt, ta thời ăn năn.” 

Vai trò giải tội quan trọng biết bao cho linh mục chúng ta. Khi chúng ta không còn tìm thấy niềm vui trong việc hòa giải người khác với Chúa thì niềm vui của chức linh mục sẽ tan biến. Một linh mục như thế sẽ bị tha hóa khỏi lý do hiện hữu của mình. Nhưng vị linh mục làm cho mình luôn sẵn sàng quảng đại ban bí tích hòa giải cho kẻ khác sẽ được tiến tới sâu xa hơn trong ý nghĩa và niềm vui của chức linh mục, và đồng thời cảm nhận sâu xa lòng nhân hậu của Chúa trong cuộc đời mình, vì chúng ta vốn là người đầu tiên phải trở lại với Chúa và với anh em.

 

c. Chăm sóc người bệnh và hấp hối

Một niềm vui lớn lao khác của thừa tác viên chức thánh là đến với những người bệnh hoạn và hấp hối. Là linh mục, chúng ta mang đến cho những người đau khổ hình ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh, Đấng đã trải nghiệm tận mức khổ đau của con người. Sự an ủi mà chúng ta dâng tặng không chỉ đơn giản từ mối thiện cảm nhân loại hay từ ơn gọi tín hữu, nhưng từ chức linh mục của chúng ta, nhờ đó mà chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Chúng ta có thể mang đến cho họ mầu nhiệm Phục Sinh, nhờ nó mà đau khổ của họ được biến đổi và mang một ý nghĩa mới có giá trị cứu độ. Niềm vui của chúng ta nằm ở trong những quà tặng mà Chúa Kitô cho chúng ta khả năng mang đi, là ơn tha thứ và sự bình an tâm hồn.

Đối lại, đức tin của người bệnh và người hấp hối có thể là suối nguồn sức mạnh và niềm vui lớn lao cho anh em linh mục chúng ta. Một linh mục khác kể lại kinh nghiệm của mình: “Tôi nhớ lại lần đầu tiên được đặc ân thi hành sứ vụ cho một người hấp hối. Một người cha gia đình bị tai nạn nặng không thể qua khỏi. Tình trạng càng tồi tệ hơn nữa là vợ ông, một người mẹ của bốn đứa con, lại đang bị ung thư giai đoạn cuối. Người ta nghĩ là người cha gia đình ấy sẽ phản ứng giận dữ và tuyệt vọng. Trái lại, ông tỏ ra chấp nhận thánh ý Chúa một cách trọn hảo. Ông không bao giờ nghi ngờ hay than phiền Chúa. Tôi giải tội, xức dầu và đem Của Ăn Đàng cho ông và tiếp tục cầu nguyện với ông hầu như tới lúc ông chết. Thật là đặc ân cho tôi được dự vào cái chết của một người đàn ông thánh thiện như thế. Vui biết bao khi được hành động nhân danh Chúa Giêsu trong những giờ quan trọng sau cùng đó. 

Trong đời linh mục của mình, nhiều lần tôi đã đứng bên cạnh giường chết của các cha già và đã thấy cùng một sự nhẫn nhục bình an mà tôi đã khám phá được nơi người cha gia đình ấy. Vài năm trước, tôi đã thăm một linh mục chết vì ung thư. Rõ ràng cơn bệnh đã tàn phá thân thể ngài và ngài phải đau đớn lắm. Nhưng ngài không nói với tôi về bệnh hoạn của ngài, ngài coi đó là lẽ đương nhiên. Trái lại, ngài nói với niềm vui mừng lớn lao là tôi đã đến thăm ngài đúng ngày kỷ niệm chịu chức của ngài! Ngài nói với tôi về tình yêu sâu xa của ngài đối với chức linh mục, và ngài đã thấy cái chết của ngài trong chiều hướng của hy tế linh mục. Ngài đã khám phá được rằng niềm vui bừng cháy là niềm vui của chúng ta khi thập giá được ôm ẳm với tình yêu trung thành nhất”. 

Sau nhiều năm sống trong chức linh mục, chúng ta cảm phục và hiểu được sâu xa hơn niềm vui của các cha già đã trải qua cả cuộc đời làm việc vất vả trong vườn nho Chúa. Các ngài đau đớn vì bệnh tật và sức khỏe suy giảm, nhưng tình yêu đối với chức linh mục không bớt đi, mà trái lại càng lớn lên. Trong buỗi hoàng hôn của cuộc đời mình, các linh mục này nếm được niềm vui của ông già Simêon được bồng ẳm Chúa Giêsu trong cánh tay mình, và biết được đến lúc mình được bình an ra đi về nhà Cha.

Vào ngày chịu chức linh mục, có ai trong chúng ta đã dự đoán Chúa và Giáo Hội đòi hỏi chúng ta cái gì đâu? Có ai trong chúng ta dự đoán ra những con đường Chúa đòi chúng ta phục vụ? Nếu Chúa đã mạc khải trước cho chúng ta dòng đời chúng ta phải trải qua, có lẽ chúng ta đã bị chao đảo và không dám tuyên bố “Này con đây”! Nhưng trong sự khôn ngoan của Ngài, Chúa đã chọn một đường lối sư phạm khác. Ngài mạc khải tình yêu của Ngài cho chúng ta dần dần ngày qua ngày, khi chúng ta cử hành các mầu nhiệm cứu độ, khi chúng ta rao giảng Lời Chúa, khi chúng ta đến cầu nguyện trước mặt Ngài. Ngài đã thực sự ban cho chúng ta một niềm vui mà chẳng ai có thể lấy đi được.

Mỗi ngày chúng ta cũng khám phá thấy rằng Mẹ Maria hiện diện trong những hy tế chúng ta phải trải qua. Mẹ cũng có mặt với chúng ta khi chúng ta kết hợp đời sống chúng ta với đời sống của Con Mẹ, Đấng đã hiến mạng sống cho chúng ta. Mẹ luôn luôn đồng hành với chúng ta, mở rộng khả năng hiến tế của chúng ta và bao bọc chúng ta trong tà áo tinh tuyền của Mẹ. Qua Mẹ Maria, chớ gì chúng ta luôn biết được niềm vui trong Chúa, Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Được gương Mẹ cổ vũ, chúng ta hãy cầu nguyện: 

Lạy Chúa là Cha chúng con, Chúa đã dẫn dắt chúng con qua những đổi thay của thời gian, với quyền năng và tình thương… Nhờ quyền năng của Thánh Thể, xin đổ đầy tình thương, niềm vui và an ủi nơi trái tim linh mục của chúng con. Chúng con cầu xin ơn ấy nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!