.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

II : Những thách đố đức tin cho chúng ta hôm nay (Lk 17:5-6)

III : Bối cảnh sống sứ vụ Linh Mục (Hb 5:7-10)

IV : Phục vụ yêu thương của Linh Mục (A)

V : Phục vụ yêu thương của Linh Mục (B)

VI : Sức mạnh và niềm vui của đời Linh Mục (A)

VII : Sức mạnh và niềm vui của đời Linh Mục (B)

VIII : Bí quyết trung tín và thành công của đời sống và sứ vụ Linh Mục

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đứng Gần Thập Giá Chúa GiêSu
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
II : NHỮNG THÁCH ĐỐ ĐỨC TIN CHO CHÚNG TA HÔM NAY (LK 17:5-6)

1. Cám dỗ của những giáo thuyết trừu tượng

Đối mặt với cơn cám dỗ giản lược Đức Tin vào những ý niệm trừu tượng, chúng ta phải tỉnh thức trong giáo huấn, trong thực hành mục vụ, và trong sự đối đầu với những sự dữ xã hội cần phải uốn nắn. Thập giá Chúa Kitô và Mẹ Maria đứng gần thập giá dạy chúng ta rằng đức tin không thể bị giản lược vào bất cứ hệ thống triết lý hay chính trị, bất cứ ý thức hệ, hay bất cứ “tinh thần thời đại” nào.

Chúng ta được kêu gọi làm chứng tá không phải cho một cái gì trừu tượng, nhưng cho Một Con Người mà chúng ta hân hoan gọi là “Con Thiên Chúa.” Do đó, chúng ta phải cảnh giác chống lại một liên minh rộng lớn những thứ thay thế Chúa Giêsu và các công việc cứu độ của Ngài. Chúng ta phải có nhiệt huyết của Phêrô, người đã lướt thắng nỗi sợ hãi của mình nhờ Chúa Thánh Thần, để có thể đứng vững trước các thủ lãnh Dothái mà nói “Không có ơn cứu độ nơi một ai khác, vì không có danh nào khác dưới gầm trời được ban cho loài người, mà nhờ danh đó chúng ta được cứu độ” (Act. 4:12). 

Huấn quyền đã mạnh mẽ nói đến những mối nguy hiểm giảm trừ Chúa Kitô và giáo huấn của Ngài ở cấp độ trừu tượng và chỉ dừng lại ở thế giới này thôi. Việc mới đây Bộ Giáo lý Đức Tin cấm chỉ nhà thần học giải phóng, Lm. Jon Sobrino, (liên quan đến Thần tính của Chúa Giêsu, Mầu nhiệm Nhập thể, liên hệ giữa Chúa Giêsu và Nước Trời, sự tự ý thức của Chúa Giêsu và giá trị cứu rỗi của cái chết của Ngài) là một bằng chứng cụ thể. Đồng thời Huấn quyền cũng đã khuyến cáo lối đọc chọn lọc giảm trừ giáo huấn của Giáo Hội nhằm biện minh cho những đối nghịch với sự canh tân đổi mới trong Chúa Kitô. Giáo Hội đã thực hiện một sự cảnh tỉnh lớn lao bằng cách chỉ rõ mối nguy hiểm của một Phúc Âm không có Chúa Kitô. 

 

2. Tin vào con người của Chúa Kitô

Chúng ta hãy nhìn sâu hơn vào chính tâm hồn chúng ta, xem xét chính đời sống đức tin cá nhân của chúng ta, giáo huấn và sứ vụ của chúng ta. Mỗi ngày chúng ta tự hỏi xem Chúa Kitô chết và sống lại có là trọng tâm của tất cả những gì chúng ta nói và làm không? Lắm khi vô tình, chúng ta có thể che giấu phần nào Chúa Kitô và việc cứu độ của Ngài. Chẳng hạn các bài giảng của chúng ta có thể hùng hồn, đầy những tư tưởng đẹp đẽ và những khuyên răn phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, nhưng lại thiếu chứng tá của con tim được biến đổi mỗi ngày nhờ giao tiếp với Chúa Kitô. Quả thế, chúng ta có thể hiểu tường tận và lặp đi lặp lại giáo huấn của Giáo Hội, nhưng lại thiếu gắn bó mật thiết với Giáo Hội. Chúng ta luôn nói về một cái gì, nhưng lại ít nói về Đấng ở trong nội tâm sâu thẳm của chúng ta và làm nên bản chất đích thực sứ vụ của chúng ta, là Chúa Giêsu Kitô. 

Hãy can đảm xin Mẹ Maria cứu chúng ta khỏi rơi vào nguy hiểm giản lược đức tin vào những giáo thuyết trừu tượng. Khi chăm nhìn Con đang chết, Mẹ hiểu rằng chính Ngài là Đấng Cứu Độ, chứ không phải ai khác. Mẹ có được điều này từ mối liên hệ yêu thương mãnh liệt của Mẹ với Chúa Giêsu, hoa quả của lòng Mẹ. Mẹ đã nắm bắt sự thật và quyền năng của Con Mẹ đang hấp hối chết, chỉ vì đức tin quyết liệt đã biến đổi tình yêu từ mẫu của Mẹ thành sự kết hiệp trọn vẹn với Con Mẹ, và với cái chết cứu độ của Ngài. 

Chúng ta đứng với Mẹ nơi thập giá để học phải nói thế nào về Chúa Giêsu. Mẹ làm phát sinh trong chúng ta một hiểu biết và kết hiệp cá nhân sâu xa với Con Mẹ. Mẹ hiện diện với chúng ta khi chúng ta cầu nguyện, giúp đỡ chúng ta nhận biết và đụng chạm đến Con Mẹ. Mẹ đứng với chúng ta khi chúng ta rao giảng về Con Mẹ, giúp chúng ta công bố cho những người chúng ta phục vụ mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Ngài. Mẹ ở với chúng ta khi chúng ta phục vụ Giáo Hội bằng cách truyền đạt một giáo huấn bắt nguồn từ sự khôn ngoan của Chúa, được mạc khải nơi Thập giá và Phục sinh của Chúa Kitô. Mẹ khích lệ chúng ta mở rộng lòng cho Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta có khả năng nói cách xác tín về Chúa Giêsu và công việc cứu độ của Ngài.

Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, và được trợ lực bởi lời cầu nguyện của Mẹ, chúng ta phải có thể nói như Đức Phaolô VI: “Tôi không bao giờ có thể thôi nói về Chúa Kitô: Ngài là sự thật và là sự sống của chúng ta… Ngài là bánh, là nguồn nước hằng sống của chúng ta, Ngài làm dịu cơn đói và thỏa mãn cơn khát của chúng ta. Ngài là Chủ Chiên, là Lãnh Đạo, là Lý Tưởng, là Đấng Trợ Lực, là Anh của chúng ta.” (Bài giảng tại Manila ngày 29.11.1970).

 

3. Sống trong Chúa Kitô

Chúng ta không bao giờ được do dự nói về Chúa Giêsu và các việc cứu thế của Ngài. Chúng ta không được do dự nói về những gì Chúa đòi hỏi các người theo Ngài. Quả thế, cái chết của Ngài trên thập giá khiến chúng ta có thể từ bỏ tội lỗi, chết cho tội và chỗi dậy với Chúa Kitô. Việc hoán cải đời sống là một phần căn bản của việc nhận biết Chúa Kitô. Là linh mục, chúng ta phải là những người phải hoán cải trước ai hết. Các Giáo phụ nêu rõ cho các tân tòng hiểu rằng điều kiện trước tiên để đi vào Cộng đoàn Tín Hữu, chính là sự biến đổi đời sống này, qua đó các công việc của bóng tối bị loại bỏ. Các ngài không chỉ đơn giản trao ban cho các thành phần tương lai của Giáo Hội những luật lệ mới để sống, nhưng đúng hơn một lối sống mới khiến Lời Chúa có thể thấm nhập trí óc và con tim của họ. Sự hoán cải này không chỉ đơn giản là sự chấp nhận những ý tưởng và quan điểm mới, song đúng hơn là những đòi hỏi luân lý đã thực sự ảnh hưởng đến cách sống cuộc đời mình. 

Đứng gần thập giá với Mẹ Maria, chúng ta tìm được can đảm để rao giảng Phúc Âm nguyên vẹn, một Phúc Âm không thỏa hiệp, không bớt xén. Đối với mỗi người, cái chết của Chúa Kitô có giá trị là một cái chết thực sự cho tội. Có thể chúng ta giảng hết bài này đến bài khác, nhưng chẳng bao giờ thúc đẩy lương tâm giáo dân mình hoán cải thực sự. Lắm khi các đòi hỏi luân lý không được nhắc đến, bị bỏ lơ trong thinh lặng. Thật đáng tiếc là sự thinh lặng được coi như đồng ý với nền văn hóa sự chết của thế gian. Chúng ta cần  kiểm điểm xem mình sẽ phải trả lời cho Chúa và quyền năng cứu độ của Ngài thế nào, nhất là trong việc cổ võ và xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống.

Dĩ nhiên các đòi hỏi luân lý của đời sống công giáo không đứng riêng một mình. Chúng không phải là phần phụ thêm vào bản chất đức tin. Đúng hơn chúng là hình thức cụ thể của đức tin chúng ta. Những đòi hỏi này phát xuất từ đức tin và việc thờ phượng. Các chân lý và thực tại mà chúng ta nắm giữ bằng đức tin và cử hành bằng phượng tự phải được biểu lộ trong các biến cố lớn nhỏ của cuộc sống thường ngày: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2:17). Nếu không có sự hoán cải luân lý đích thực, đức tin chỉ là những tư tưởng đẹp đẽ và trừu tượng mà thôi. 

Đức tin vào Đấng Chịu Đóng Đinh mạnh mẽ đòi hỏi chúng ta phải trình bày thật đầy đủ giáo huấn của Giáo Hội. Chúng ta phải can đảm nói “Không” với thế gian, mà không sợ bị chê là “quá tiêu cực” hay “lạc hậu”. Những đòi hỏi luân lý không chỉ đơn giản là những kết luận của một hệ thống đạo đức, song là câu trả lời cần thiết của chúng ta với Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh. Chính Chúa Giêsu mà chúng ta phải rao giảng ngày này qua ngày khác. Chính Danh Ngài mà chúng ta ao ước thấy vang dội qua mọi thời đại, đến tận cùng trái đất. Xin Mẹ Maria trở nên gương mẫu đức tin cho chúng ta. Xin cho chúng ta cũng được Chúa Thánh Thần phủ bóng như Mẹ, nhờ đó Chúa Kitô và Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh (1 Cor 1:23) thực sự sống trong chúng ta.

 

4. Đức Tin Dũng Cảm của Mẹ Maria

Mẹ Maria đã can đảm trèo lên đỉnh đồi Golgotha và đã đứng vững dưới chân thập giá. Trái tim Mẹ tan nát, nhưng Mẹ vẫn tiếp tục đứng đó, đứng như một chứng tá cho Đấng Chịu Đóng Đinh. Mẹ tiếp tục làm chứng tá cho Chúa mà Mẹ đã từng chăm sóc trong đôi cánh tay Mẹ. Mẹ đứng vững trước thập giá trong khi các tông đồ chạy trốn. Đây là sự dũng cảm chỉ một mình người mẹ có được. Mẹ làm chứng tá cho sự thật được mạc khải trong cái chết của Con Mẹ. Mẹ đứng như một nhân chứng về tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm và đã nói, mà đỉnh cao là Hiến Tế “xóa tội trần gian”. Mẹ đã suy ngắm những lời nói và việc làm của Chúa trong lòng. Giờ đây, khi Mẹ đứng gần thập giá, Mẹ làm chứng tá cho sự thật và sức mạnh của nó. Trước bất cứ người môn đệ nào, Mẹ đã làm trọn lời của Chúa Giêsu: “Các con sẽ làm chứng nhân cho Thầy.” 

Mẹ đã có mặt tại tiệc cưới Cana, lúc Chúa Giêsu nói “giờ tôi chưa đến”. Và bây giờ, trên đồi Golgotha, “giờ” ấy đã đến, Mẹ lại đã có mặt, không chỉ như một người mẹ đau khổ, mà còn như một môn đệ tín trung. Hơn bất cứ ai khác, Mẹ chia sẻ trọn vẹn “giờ” của Chúa Giêsu. Có người đã không ngần ngại nói rằng Mẹ đã “chịu đóng đinh với Chúa Giêsu.” Mẹ đã hiện diện với Ngài trong mọi mầu nhiệm của đời Ngài và Mẹ không thể chia tách với Ngài trong giờ lâm tử. Mẹ chia sẻ “giờ” của Con Mẹ với sự thấu hiểu sâu xa nhất. Nhưng hiểu biết của Mẹ không phải là một hiểu biết có tính cách lý thuyết. Mẹ mang đến thập giá một hiểu biết trực giác sâu xa, một sự nắm bắt tự nhiên chân lý, một sự hiểu biết đưa tới hiệp thông. Kế hoạch ẩn giấu của Thiên Chúa được tỏ bày cho Mẹ trong tất cả sự phong phú của lòng xót thương, và trong sự sung mãn của quyền năng, với mọi chiều kích “rộng, dài, cao, sâu của tình yêu Chúa Kitô” (x. Eph 3:18).

Cái Mẹ ghi nhớ trong trái tim, Mẹ đã công bố ra bằng cuộc sống. Hiểu biết của Mẹ không phải là một sở hữu riêng tư, một bí mật ẩn giấu, nhưng là một chân lý được khẳng định, được sống và được bộc lộ ra. Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ phải công bố ra trên mái nhà điều họ đã nghe được trong nơi bí mật. Mẹ Maria đã làm hơn thế nữa: Mẹ không chỉ công bố, nhưng qua lời bầu cử và gương sáng, Mẹ đã làm phát sinh  trong chúng ta và giúp chúng ta hiểu được các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Sự hiểu biết này sâu xa đến đỗi trở nên hiệp thông thực sự, và sự hiệp thông này thân mật đến độ trở nên sự sống của Chúa Kitô ở trong chúng ta: “Không còn là tôi sống nữa, mà Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20). 

Chúa Giêsu đã nói: “Các con sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, trong toàn cõi Giuđêa và Samaria cho đến tận cùng trái đất” (Act 1:8). Chúng ta được kêu gọi rao giảng bằng cuộc sống về Chúa Kitô mà chúng ta làm cho hiện diện nhờ Lời Chúa và các Nhiệm tích. Trong mọi trách nhiệm chúng ta chu toàn trong Giáo Hội, chỉ có một việc cần thiết là làm chứng tá cho Chúa Kitô. Nhưng chúng ta không thể làm chứng đầy đủ, nếu Mẹ Maria không đứng với chúng ta, không hiện diện với chúng ta, như là Mẹ và chứng nhân ưu việt. Nhờ lời cầu nguyện của Mẹ, chúng ta tiếp tục được Chúa Thánh Thần bao phủ. Chúa Thánh Thần hằng thông truyền và canh tân trong chúng ta sự hiểu biết các mầu nhiệm. Trái tim chúng ta phải bừng cháy lửa Chúa Thánh Thần, nhờ đó chúng ta không bao giờ ngần ngại nói lên sự thật trong tình yêu mến. Trái tim chúng ta phải được kết nối với các mầu nhiệm ban sự sống mà chúng ta cử hành, đặc biệt Hy Tế Thập giá không đổ máu trên bàn thờ. Cả cuộc sống chúng ta là để phục vụ các mầu nhiệm. Nhưng hãy kiên cường, vì Mẹ Maria, Nữ vương các thánh tử đạo hằng đứng với chúng ta, như Mẹ đã đứng với Con Mẹ nơi thập giá.

 

5. Trách nhiệm của chúng ta

Lẽ nào chúng ta không nghe Chúa Kitô hỏi “Liệu khi Con Người đến có còn tìm thấy niềm tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lk 18:8). Ngài sẽ tìm thấy bóng tối của vô tín hay một cộng đồng đức tin, “tỉnh thức cầu nguyện và chúc tụng, lòng đầy hân hoan”? Vấn nạn này phải hằng ngày choán lấy chú ý của chúng ta và nằm ở đàng sau mọi việc chúng ta nói hay làm. Vâng, Con Người phải có thể nhìn vào tâm hồn chúng ta và tìm được ở đó niềm tin sâu xa nhất. Chúng ta mắc nợ đức tin ấy với Chúa Cứu Thế, với Giáo Hội và với đoàn chiên. Chúng ta đã được căn dặn trong ngày thụ phong linh mục: “Hãy tin điều con đọc, giảng điều con tin và đem ra thực hành điều con giảng” (Nghi lễ Truyền chức). 

Chúng ta phải trông nom đức tin của những ai cùng chúng ta phục vụ, đặc biệt của các chủng sinh, nam nữ tu sĩ, giáo lý viên, Hội đồng mục vụ và các đoàn thể công giáo tiến hành. Chúng ta phải giúp họ có một đức tin sống động, phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội. Chúng ta phải khích lệ họ “nếm thử và nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao” (Tv 34:8). Họ không thể chu toàn tốt ơn gọi của họ, nếu đức tin của họ không mạnh mẽ can trường.

Chúng ta có trách nhiệm chăm sóc mục vụ bất cứ ai ở trong nhiệm sở của chúng ta, họ có quyền được nghe sự thật và bước đi trong ánh sáng. Nhiệm vụ chúng ta là phải qui tụ họ lại với Mẹ Maria và Giáo Hội dưới chân thập giá. Chỉ ở đó và nhờ đức tin, mọi người mới khám phá được sức mạnh để sống và chết cho Chúa.

Chúng ta cũng phải mở rộng sứ vụ tiên tri của chúng ta cho mọi người: vừa sống và loan báo niềm tin vào tình yêu nồng cháy của Chúa Giêsu, vừa tố cáo thói giả hình, bất công, áp bức, dù có khi phải trả giá đắt của thập giá và cái chết. Tuy sứ vụ tiên tri là một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm, linh mục chúng ta phải đóng vai trò chỉnh sữa những lối sống nghịch lại đức tin, ở trong Giáo Hội cũng như ở ngoài Xã Hội. Dĩ nhiên chỉ khi nào đức tin chúng ta vào Chúa và sự sống đời đời đủ mạnh để giúp chúng ta sống được cái đức dũng này: “Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang không ham, nghèo hèn không thay đổi lòng, bạo lực không khuất phục được), vì đã có Chúa làm gia nghiệp.

Muốn được thế, chúng ta phải để Kế hoạch của Chúa là tiên quyết trong cuộc đời mình; phải lắng nghe và để Lời Chúa biến đổi mãnh liệt như Mẹ Maria. Mẹ qủa đã hoàn toàn sẵn sàng đón nhận các kế hoạch của Chúa. Hai đặc điểm của cuộc đời Mẹ làm nổi bật sự sẵn sàng của Mẹ đối với Chúa:

Trước hết là sự khó nghèo giản dị của Mẹ. Mẹ chẳng có gì, ngoại trừ Chúa Giêsu. Và nơi thập giá, Mẹ đã trao ban Ngài cho chúng ta.

Đặc điểm thứ hai của cuộc đời Mẹ Maria đã làm cho Mẹ trở nên sẵn sàng hơn cho Chúa, chính là đức đồng trinh của Mẹ. Đức đồng trinh của Mẹ biểu lộ mạnh mẽ sự tận hiến của Mẹ cho Chúa. Sự sẵn sàng của Mẹ cho Chúa và các kế hoạch của Chúa được biểu lộ rõ nét nhất dưới chân Thập giá. Mẹ đứng đó, hiện diện với Con Mẹ khi Ngài chu toàn chương trình của Chúa Cha. Mẹ có mặt, bất chấp khổ đau và nhạo cười từ mọi phía chung quanh Mẹ. Sự hiện diện của Mẹ bên cạnh Đấng Chịu Đóng Đinh hoàn tất sự tận hiến của Mẹ. 

Đức tin của Mẹ phải là khuôn mẫu cho đức tin của chúng ta. Chúng ta không có được tính cảm thụ trọn vẹn đối với Lời Chúa như Mẹ, nhưng là những người đã lãnh nhận chức thánh, chúng ta phải tín cẩn lắng nghe Lời Chúa, vì lợi ích của đoàn chiên và vì ơn cứu độ của chúng ta. Là linh mục triều, chúng ta năng dễ bị cám dỗ bớt xén thời giờ cầu nguyện lặng lẽ trong phòng riêng hay trước Chúa Giêsu Thánh Thể, với lý do quá bận công việc mục vụ. Nhưng chúng ta chỉ thực sự tìm được sức mạnh trong cầu nguyện để phục vụ tốt đoàn chiên.

Quả thế, muốn nói với người khác về Chúa, trước hết chúng ta phải nói với Chúa trong cầu nguyện. Chúa Giêsu trong Nhà Tạm vẫn mời gọi và hằng chờ đợi chúng ta (x. Mt 11:28). Đáng buồn thay nếu chúng ta không làm được cho việc cử hành Thánh Lễ thành trung tâm và chóp đỉnh đời sống tông đồ của mình. Qua cầu nguyện và nhận lãnh các Bí tích, chúng ta nỗ lực đào sâu tính cảm thụ của mình đối với Lời Chúa; đồng thời hướng đời sống chúng ta khỏi quá dính bén của cải, lạc thú và vinh dự thế gian. Đừng để bị giàu sang và ân huệ của xã hội bắt lấy, để rồi một ngày nào đó sẽ phải trở về tay không, như thánh ca Magnificat của Mẹ Maria mô tả (Lk 1:52). Đó là một thách đố lớn cho chúng ta trong thời đại này.

Chúng ta dễ phàn nàn về sự “đối kháng gia tăng” của giáo dân. Nhưng chúng ta cũng phải xem xét đức tuân phục của chính mình đối với giáo huấn của Giáo Hội. Có lẽ đến lúc chúng ta cũng phải qùy gối xuống trong sự chấp nhận trọn vẹn những gì Giáo Hội dạy, và tự nhắc nhở: “Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi” (Ga 7:16). Đức tin của chúng ta chỉ có thể được nên hoàn hảo trong cầu nguyện, trong hiệp thông với Chúa Giêsu và với Giáo Hội.

“Lạy Chúa, con tin, nhưng xin cho đức tin của con được kiên vững hơn; con trông cậy, nhưng xin cho niềm cậy trông của con được tín thác hơn; con yêu mến, nhưng xin cho tình yêu mến của con được nồng nàn hơn; con ăn năn, nhưng xin cho lòng ăn năn của con được sâu sắc hơn.

Lạy Chúa, con dâng cho Chúa tư tưởng của con, xin cho chúng được hướng về Chúa; lời nói của con, xin cho chúng nên lời của Chúa; việc làm của con, xin cho chúng được đẹp lòng Chúa; những gánh nặng của con, xin cho chúng được mang vác cho Chúa. Amen” (Lời nguyện của ĐGH Clêmentê XI). 

 

Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cầu cho chúng con. Amen.

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!