Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Minh Anh, TGP. Huế
Mục Lục

Ý THỨC. Thao luyện 1: Sự Phong Phú Của Thinh Lặng

TL 2: Những Cảm Giác Từ Thân Xác

TL 3: Những Cảm Giác Từ Thân Xác. Kiểm Soát Tư Tưởng

TL 4: Kiểm Soát Tư Tưởng

TL 5: Những Cảm Nhận Từ Việc Hít Thở

Ý THỨC và CHIÊM NIỆM. TL6: Thiên Chúa Ở Trong Hơi Thở Của Tôi

TL7: Thông Hiệp Với Thiên Chúa Qua Hơi Thở

TL8: Tĩnh Lặng

TL9: Thân Xác Cầu Nguyện

TL10: Tiếp Xúc Với Thiên Chúa

TL11: Những Âm Thanh

TL12: Tập Trung

TL13: Tìm Kiếm Thiên Chúa Trong Mọi Sự

TL14: Ý Thức Tha Nhân

TƯỞNG TƯỢNG. TL15: Ở Đó và Ở Đây

TL16: Chỗ Cầu Nguyện

TL17: Trở Lại Galilê

TL18: Những Mầu Nhiệm Hân Hoan Của Đời Bạn

TL19: Những Mầu Nhiệm Thương Đau

TL20: Giải Tỏa Oán Hờn

TL21: Chiếc Ghế Trống

TL22: Chiêm Niệm Theo Thánh Inhaxiô

TL23: Những Tưởng Tượng Mang Tính Biểu Tượng

TL24: Chữa Lành Vết Thương Của Ký Ức

TL25: Giá Trị Cuộc Sống

TL26: Thấy Trước Viễn Ảnh Cuộc Sống

TL27: Nói Lời Từ Biệt Với Thân Xác

TL28: Đám Tang Của Bạn

TL29: Tưởng Tượng Về Tử Thi

TL30: Ý Thức Về Quá Khứ

TL31:Ý Thức Về Tương Lai

TL32:Ý Thức Về Con Người

LÒNG SÙNG KÍNH. TL33: Phương Pháp “Biển Đức”

TL34:Cầu Nguyện Bằng Lời

TL35:Niệm Tên Chúa Giêsu

TL36: Thiên Chúa Với Ngàn Tên Gọi

TL37: Thấy Chúa Đang Nhìn Bạn

TL38:Thánh Tâm Chúa Kitô

TL39: Tên Giêsu, Như Là Hiện Diện

TL40: Cầu Thay Nguyện Giúp

TL41: Lời Cầu Khẩn

TL42: Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ

TL43:Những Câu Tin Mừng

TL44: Những Ước Vọng Thánh

TL45: Quy Hướng Về Thiên Chúa

TL46: Lửa Yêu Mến Sống Động

TL47: Lời Nguyện Ngợi Khen

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LÒNG THƯƠNG XÓT ĐÍCH THỰC

KHÁT KHAO CẦU NGUYỆN

Dành Giờ Cho Chúa

ĐƯỢC GỌI ĐỂ SỐNG

Tự Do Nội Tâm

Bài ca của bình minh

Taking Flight - Bay Lên Đi!

Thầy Dạy Khát Khao

Hoa Trái Thinh Lặng

Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Một Quan Điểm Công Giáo về Tác Phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích

Huế Cổ, Vết Tích Đạo và Đời

Sống Theo Đúng Mục Đích

Sadhana - Một nẻo đường dẫn tới Thiên Chúa (của Anthony de Mello, sj.)

Sadhana - Một nẻo đường dẫn tới Thiên Chúa (của Anthony de Mello, sj.)
TL 5: Những Cảm Nhận Từ Việc Hít Thở

Bạn hãy bắt đầu thao luyện này bằng cách dành khoảng năm phút để ý thức những cảm giác từ các phần khác nhau của thân thể mình...

 

Giờ đây, bạn chuyển sang ý thức việc hít thở của mình. Hãy ý thức không khí khi nó đi vào và đi ra qua mũi bạn…

Đừng tập trung vào không khí khi nó đi vào phổi bạn.

 

Hãy giới hạn ý thức của bạn vào không khí khi nó đi qua mũi…

 

Đừng kiểm soát hơi thở, cũng đừng cố hít sâu. Đây không phải là luyện thở nhưng là tập ý thức. Vậy, nếu

hơi thở của bạn cạn, hãy để nó như vậy, đừng điều chỉnh, nhưng hãy quan sát nó.

 

Mỗi khi bạn chia trí, hãy mạnh mẽ quay về với nhiệm vụ của mình. Quả vậy, trước khi bạn khởi sự, sẽ rất ích lợi nếu bạn kiên quyết một cách vững vàng sẽ không bỏ ý thức một hơi thở đơn thuần nào.

 

 

Hãy tiếp tục thực hành thao luyện này trong vòng mười, mười lăm phút.

 

 

Phần đông người ta thấy thao luyện này khó thực hiện hơn hai bài trước. Vậy mà theo quan điểm về một ý thức

sắc bén, thao luyện này lại bổ ích hơn cả trong ba bài. Nó cũng tác động để mang lại sự thanh thản và thư thái. Đang khi cố gắng ý thức việc hít thở của mình, bạn đừng làm căng các cơ bắp. Đừng lẫn lộn sự kiên quyết với căng thẳng thần kinh. Bạn phải biết trước, thế nào cũng bị chia trí rất nhiều ngay từ đầu. Không thành vấn đề bạn sẽ chia trí làm sao, nguyên việc bạn tiếp tục trở lại mãi với việc hít thở của mình một cách ý thức - và chỉ nỗ lực cho công việc này thôi - cũng mang đến cho bạn bao tác động hữu ích mà dần dần bạn sẽ nhận ra.

 

 

Một khi đã thành thục với thao luyện này, bạn hãy bước sang một dạng khác, cách nào đó có phần khó hơn, nhưng lại hiệu năng hơn:

Hãy ý thức cảm giác của không khí đi qua mũi bạn. Hãy cảm nhận sự đụng chạm của nó. Hãy lưu ý xem phần nào của mũi mà ở đó, bạn cảm nhận sự đụng chạm của không khí khi bạn hít vào… và phần nào của mũi mà bạn cảm nhận điều đó khi bạn thở ra...

 

 

Nếu có thể, bạn hãy ý thức đến hơi ấm, hơi lạnh của không khí… cái lạnh của nó khi hít vào, cái ấm của nó khi thở ra.

 

Bạn cũng có thể ý thức lượng khí đi qua ống mũi này nhiều hơn lượng khí đi qua ống mũi kia...

 

Hãy tinh nhạy và cảnh giác sự đụng chạm nhỏ nhất, nhẹ nhất của không khí ở mũi khi bạn hít vào và thở ra...

 

Dừng lại với ý thức này chừng mười, mười lăm phút. Thời gian được chỉ định cho mỗi thao luyện là thời lượng tối thiểu cần thiết để bạn có được một vài ý niệm về giá trị của thao luyện đó và rút ra ích lợi từ nó. Nhưng càng dành nhiều thời gian cho thao luyện, hiển nhiên, bạn càng nhận được nhiều hoa trái.

 

Sự dè dặt duy nhất mà tôi lưu ý cho nhận xét trên là:

 

Đừng lưu lại trên chỉ một việc ý thức sự hít thở trong nhiều giờ, kéo dài trong một khoảng thời gian nhiều hơn hai hoặc ba ngày. Điều đó có thể xảy ra khi thao luyện đem cho bạn một sự an bình lớn lao cùng một cảm nhận sâu sắc và đầy tràn nào đó, khiến bạn sung sướng và có thể liều mình bỏ ra hàng giờ cho việc hít thở suốt buổi tĩnh tâm đang khi chỉ có một vài ngày để sống trong thinh lặng. Đừng làm điều này trừ phi bạn có ở đó một vị hướng dẫn đủ chuyên môn. Lý do, sự tập trung kéo dài trên một chức năng quá tinh tế như việc hít thở có thể tạo nên những ảo giác hoặc rút ra các thứ từ trong vô thức đến nỗi bạn không thể điều khiển được. Mối nguy hại thì ít, nhưng có thật và khả năng xảy ra thì hiếm khi một người miệt mài dõi theo thao luyện này hằng giờ; dẫu sao, tôi cũng muốn bạn biết điều đó.

 

 

Tôi không thể đề cao đầy đủ giá trị của thao luyện này cho những ai ước ao có được bình an, tự chủ và một niềm vui sâu lắng bên trong khi họ đang ở giữa bao lo toan. Một thiền sư Á Đông nổi tiếng đã nói với các đồ đệ của mình:

“Hơi thở là người bạn cao cả nhất của con. Giữa bao khó khăn, hãy quay về với hơi thở, con sẽ gặp được thư thái và sự dẫn dắt”. Một câu nói bí nhiệm - câu nói mà bạn sẽ tán thành sau khi đã đầu tư một lượng thời gian đủ để nắm vững nghệ thuật ý thức, một nghệ thuật không dễ thủ đắc.

 

 

Có lẽ đây là lúc giải quyết sự không tán thành thỉnh thoảng xảy ra trong các Nhóm Chiêm Niệm của tôi, rằng: những thao luyện ý thức này, đang khi có thể giúp cho việc thư giãn, thì chúng chẳng ích gì cho việc chiêm niệm theo cách mà những Kitô hữu chúng ta hiểu từ ngữ ấy, và phần lớn hầu chắc không phải là cầu nguyện.

 

 

Giờ đây, tôi sẽ cố gắng giải thích, bằng cách nào những thao luyện đơn sơ này có thể được nắm bắt để trở thành chiêm niệm theo nghĩa chặt của từ ngữ nhà đạo. Nếu lời giải thích không làm bạn hài lòng hoặc chỉ tạo thêm vấn nạn, tôi đề nghị bạn hãy gạt sang một bên tất cả những gì tôi nói về vấn đề này và hãy thực hành những thao luyện ý thức chỉ như là một phương tiện chuẩn bị chính mình cho việc cầu nguyện và chiêm niệm. Hoặc bạn chỉ việc bỏ qua tất cả những thao luyện này để chuyển sang những thao luyện khác có trong sách vốn hợp với sở thích của bạn hơn. Trước hết, hãy để tôi giải thích việc tôi sử dụng những từ ngữ cầu nguyện và chiêm niệm. Khi dùng từ cầu nguyện, tôi muốn nói đến sự thông hiệp với Thiên Chúa vốn được thực hiện chủ yếu qua việc dùng những lời, những hình ảnh và những ý tưởng; về sau, tôi sẽ đưa ra nhiều thao luyện được sắp xếp theo tiêu đề cầu nguyện. Chiêm niệm, với tôi, là sự thông hiệp với Thiên Chúa, vốn sử dụng đến mức tối thiểu những lời, những hình ảnh và những ý niệm, hoặc hoàn toàn không cần đến những điều ấy. Đây là loại cầu nguyện thánh Gioan Thánh Giá nói đến trong cuốn Đêm Tối Của Linh Hồn (Dark Night Of The Soul) của ngài, hoặc tác giả cuốn Mây Vô Tri (The Cloud of Unknowing) giải thích trong tác phẩm rất được ưa chuộng của ông. Một số thao luyện tôi đề nghị trong sách này liên kết với việc niệm tên Chúa Giêsu (Kinh Nguyện Giêsu), được coi như vừa cầu nguyện vừa chiêm niệm hoặc kết hợp cả hai. Điều này tùy thuộc vào sự nhấn mạnh nhiều hay ít bạn đặt trên những lời và những ý tưởng trong việc sử dụng những thao luyện của bạn.

 

Và đây, trọng tâm của vấn đề: Khi tôi áp dụng thao luyện ý thức những cảm giác từ thân xác hay việc hít thở của tôi, tôi có thể biết là đang thông hiệp với Thiên Chúa không? Câu trả lời là Có. Hãy để tôi giải thích bản chất của sự thông hiệp với Thiên Chúa vốn xảy ra trong những thao luyện ý thức.

 

Nhiều nhà thần nghiệm nói với chúng ta rằng, bên cạnh tâm trí và tấm lòng mà với chúng, con người kết hiệp với Thiên Chúa theo cách bình thường, thì tất cả chúng ta, không trừ ai, mọi người đều được ban thêm một tâm trí thần nghiệm và một con tim thần nghiệm. Đó là khả năng giúp nhận biết Thiên Chúa cách trực tiếp, hiểu biết Ngài và trực giác Ngài như Ngài là, dẫu trong một cách thức còn tăm tối ngoài tất cả những tư tưởng, những ý niệm và những hình ảnh.

 

 

Thông thường, những cuộc tiếp xúc của chúng ta với Thiên Chúa là gián tiếp - qua những hình ảnh, những ý niệm vốn hẳn làm méo mó thực thể của Ngài. Để có thể hiểu thấu Ngài mà không cần những ý tưởng, những hình ảnh này chính là đặc quyền của khả năng thần nghiệm đó, vốn sẽ được gọi là Con Tim trong lúc tôi giải thích (một từ được tác giả cuốn Mây Vô Tri yêu chuộng, mặc dầu tên gọi đó không liên quan gì đến trái tim thể chất và việc dễ xúc động nơi chúng ta).

 

 

Trong phần lớn chúng ta, Con Tim này đang ngủ mê và chưa phát triển. Nếu được đánh thức, nó sẽ cố sức hướng về Thiên Chúa cách liên lỉ; và nếu có một cơ hội, nó sẽ lôi kéo toàn thể con người chúng ta quy hướng về Ngài. Thế nhưng, để được vậy, Con Tim đó cần được khai mở, cần được gọt đẽo những hoen rỉ bám quanh, hầu nó có thể được hút lấy bởi Nam Châm Vĩnh Cửu. Những hoen rỉ ấy chính là những ý tưởng, ngôn từ và  hình ảnh mà chúng ta không ngừng đặt giữa chính mình với Thiên Chúa khi thông hiệp với Ngài. Những ngôn từ, một đôi khi lại cản trở hơn là thúc đẩy hiệp thông và sự thiết thân. Sự thinh lặng - của ngôn từ và ý tưởng - nhiều lúc lại trở nên hình thức thông giao và hiệp nhất mạnh mẽ nhất khi những con tim đầy tràn tình yêu. Tuy nhiên, sự thông hiệp của chúng ta với Thiên Chúa không đơn giản chút nào. Tôi có thể trìu mến nhìn vào đôi mắt của một người bạn thân và thông giao với người ấy mà chẳng cần một lời; nhưng tôi sẽ nhìn vào cái gì khi lặng lẽ ngắm nhìn Thiên Chúa? Một thực thể không hình, không dạng. Một sự trống không!

 

 

Vì rằng, nếu muốn đi sâu vào thông hiệp với Đấng Vô Biên, với Thiên Chúa thì những gì được đòi hỏi ở một số người sẽ là: nhìn hằng giờ vào một khoảng không. Một số nhà thần nghiệm đề cao rằng, chúng ta đang nhìn vào khoảng không này một cách yêu mến. Công việc này đòi hỏi một đức tin mạnh mẽ để nhìn ngắm với lòng yêu mến và khát khao một cái gì đó xem ra chỉ là không không, nhất là khi chúng ta lần đầu tiên tiếp xúc với nó.

 

 

 

Thông thường, bạn sẽ không bao giờ tiếp cận dù chỉ một nơi nào đó bên cạnh khoảng không này, ngay cả giả thiết bạn khao khát mãnh liệt để bỏ ra hàng giờ nhìn ngắm nó nếu tâm trí bạn không được lặng yên. Bao lâu bộ máy tâm trí của bạn còn dệt nên hàng triệu ý tưởng và ngôn từ, thì tâm trí thần nghiệm hoặc Con Tim của bạn vẫn ngủ yên. Bạn hãy xem, thính giác và xúc giác của những người mù sắc bén làm sao! Họ mất khả năng nhìn thấy, và điều này buộc họ phải phát triển các khả năng nhận thức khác. Điều tương tự cũng xảy ra trong thế giới thần nghiệm. Giả như chúng ta mù loà tâm trí, có thể nói như vậy, giả như chúng ta có thể dán một băng keo lên tâm trí mình khi thông hiệp với Thiên Chúa, thì buộc lòng chúng ta phải phát triển một số khả năng khác để có thể thông hiệp với Ngài - theo một số nhà thần nghiệm, khả năng đó, đang cố sức để hướng về Thiên Chúa bằng mọi cách nếu nó được ban một cơ hội để phát triển: đó chính là Con Tim.

 

 

 

Lần đầu tiên, khi Con Tim chúng ta gặp được cái nhìn trực tiếp không mấy thông sáng của Thiên Chúa, nó cảm thấy như nhìn vào trống rỗng và khoảng không. Có người ở giai đoạn này thường than phiền rằng, họ chẳng làm gì trong giờ cầu nguyện, chỉ mất thời giờ, trở nên lười biếng; chẳng có gì xảy ra, họ rơi vào tăm tối hoàn toàn. Để thoát khỏi tình trạng xúi quẩy này, thật không may, một lần nữa, họ quay về với khả năng suy tư của mình; họ tháo bỏ lớp băng keo khỏi tâm trí, để rồi lại bắt đầu suy, bắt đầu nói với Thiên Chúa - đó chính là điều họ không nên làm.

 

 

 

Nếu Thiên Chúa nhân từ với họ, và thường Ngài rất nhân từ, Ngài sẽ khiến họ không thể sử dụng lý trí của mình trong khi cầu nguyện. Họ sẽ thấy mọi suy tư thật vô vị; mọi ngôn từ trong cầu nguyện thật không chịu nổi, bởi vì lời lẽ xem ra vô nghĩa; họ chỉ gặp khô khan mỗi khi cố gắng kết hiệp với Thiên Chúa cách này cách khác ngoại trừ phương cách thinh lặng. Và ban đầu, ngay chính cái thinh lặng này cũng thật nhức nhối và khô khan. Để rồi, họ có thể rơi vào tai ương lớn nhất trong các tai ương: họ có thể bỏ cầu nguyện hoàn toàn bởi thấy chính mình bị buộc phải chọn lựa trong khi cầu nguyện, một bên là sự không thoả mãn bởi không được sử dụng tâm trí; bên kia là cảm tưởng trống rỗng về việc mất thời giờ và vô tích sự trong cái tăm tối phải đương đầu khi họ phải làm cho tâm trí lặng yên. Nếu tránh được tai ương đó và kiên trì với thao luyện cầu nguyện này; đồng thời, trong đức tin mù mịt, họ trao mình cho sự trống rỗng, cho sự tăm tối, cho việc mất thời giờ, cho cái vô tích sự, thì dần dần, họ sẽ khám phá, thoạt tiên là những tia sáng nhỏ bé loé lên; sau đó, một cách thường xuyên hơn, một ánh sáng lờ mờ trong đêm tối, sự trống rỗng đổ đầy tâm hồn họ cách huyền nhiệm, sự nhàn rỗi đầy tràn hoạt động của Thiên Chúa; và trong sự hư không đó, con người họ được tái tạo và được nắn đúc theo một cách thức mới mẻ… Và tất cả những điều này, trong một mức độ nào đó, họ không thể diễn tả cho chính mình hoặc cho người khác. Họ chỉ biết, sau mỗi đợt cầu nguyện hay chiêm niệm, bạn muốn gọi sao cũng được, có một cái gì đó rất huyền nhiệm mang theo sự tươi mới, nguồn bổ dưỡng và niềm hạnh phúc đang hoạt động trong họ. Họ sẽ thấy mình khao khát quay về với cái chiêm niệm tăm tối ấy mà thoạt đầu xem ra chẳng có ý nghĩa, nhưng lại làm cho cuộc sống họ nên tràn đầy, thậm chí với một ngây ngất nhẹ nhàng nào đó mà hầu như họ không thể nhận ra với lý trí của mình. Họ gần như không cảm nhận được những cảm xúc của mình, vậy mà cảm nhận ấy vẫn có đó, không thể lẫn lộn với cái gì khác, rất thực và thoả mãn đến nỗi họ sẽ không đánh đổi nó với tất cả sự ngây ngất mà những vui thoả đem đến, những vui thoả mà thế giới cảm giác, cảm xúc và lý trí tặng ban. Thật lạ lùng, vì ngay từ đầu, nó xem ra quá khô khan, tăm tối và vô vị!

 

 

Nếu bạn muốn đạt được trạng thái này và ước ao tiếp cận cái tăm tối thần nghiệm ấy để bắt đầu thông hiệp với Thiên Chúa qua Con Tim mà các nhà thần nghiệm nói đến, thì việc đầu tiên là bạn phải tìm một vài phương thế để làm cho tâm trí được lặng yên. Một số người may mắn (và thật quan trọng khi bạn biết điều này, nếu không, bạn sẽ rơi vào sai lầm khi nghĩ rằng, tất cả những ai đi vào con đường chiêm niệm, đều nhất thiết phải trải qua quá trình đương đầu với sự tăm tối) đạt được sự tĩnh lặng này cách tự nhiên mà không cần phải làm lặng yên tâm trí lan man hay phải làm im bặt tất cả mọi ngôn từ và ý tưởng của mình. Họ giống như những người có được tất cả sự sắc bén nơi đôi tay và hai tai của một người mù, để rồi, vẫn tiếp tục có ù được niềm vui sử dụng trọn vẹn khả năng nhìn thấy của mình. Họ tận hưởng những lời kinh, đón nhận vô vàn ơn ích từ việc sử dụng trí tưởng tượng của mình trong cầu nguyện; họ hoàn toàn tự do đối với việc suy tư trong khi gặp gỡ Thiên Chúa và bên dưới tất cả những hoạt động này, Con Tim của họ triển nở và trực giác Đấng Thần Linh một cách trực tiếp.

 

 

Nếu không phải là một trong những người may mắn ấy, bạn sẽ phải làm một điều gì đó để Con Tim mình triển nở. Không có cái gì để bạn có thể làm trực tiếp. Tất cả những gì bạn có thể làm, là làm lặng yên tâm trí lan man của mình: hãy bỏ qua mọi ý tưởng và ngôn từ trong khi bạn cầu nguyện và hãy để Con Tim bạn tự triển nở.

 

Làm im bặt tâm trí là một công việc vô cùng khó khăn. Khó biết bao khi phải giữ cho tâm trí không suy, không nghĩ, không tư duy, không tưởng tượng trong khi nó không ngừng tạo ra một dòng chảy những ý tưởng, những suy tư vốn không bao giờ ngơi nghỉ. Các thiền sư Ấn Giáo nói: Một chiếc gai được cất đi bằng một chiếc gai khác. Qua đó, họ muốn nói, bạn sẽ khôn ngoan khi dùng một tư tưởng để gạt bỏ những tư tưởng khác vốn đang tràn ngập tâm trí mình. Một tư tưởng, một hình ảnh, một cụm từ, một câu nói hay một lời, cũng có thể buộc chặt tâm trí bạn. Vì rằng, giữ cho tâm trí luôn ở trạng thái không suy tư, một trạng thái trống rỗng là một điều không thể; tâm trí phải được xâm chiếm bởi một cái gì đó. Đúng thế, cứ cho nó một cái gì đó để nó phải bận rộn, và chỉ một thôi; chẳng hạn, một hình ảnh Chúa Cứu Thế mà bạn dán mắt nhìn và quay trở lại với nó mỗi khi chia trí, một lời nguyện tắt mà bạn lặp đi lặp lại không ngừng để giữ cho tâm trí khỏi đi lang thang. Hy vọng sẽ đến một lúc nào đó, khi hình ảnh biến mất khỏi ý thức, khi lời nguyện tắt không còn trên môi, và khi tâm trí lan man của bạn trở nên im bặt hoàn toàn, thì Con Tim của bạn, không còn bị ngăn cản, được cơ hội ngắm nhìn thoả thích Đấng Ẩn Mình Trong Đêm Tối!

 

 

 

Thật ra, bạn không cần ngay cả phải đạt đến giai đoạn này, giai đoạn mà ở đó, hình ảnh biến mất, ngôn từ lặng thinh để Con Tim hoạt động. Sự việc tâm trí lan man của bạn giảm thiểu cường độ hoạt động của nó đã là một trợ lực vô biên cho Con Tim của bạn triển nở và hoạt động. Thế nên, dẫu chẳng bao giờ đạt được trạng thái không hình ảnh, không ngôn từ đó, bạn vẫn có thể lớn lên trong đời sống chiêm niệm.

 

 

Bạn sẽ thấy cả hai phương thức tôi đề nghị, hình ảnh Chúa Cứu Thế và nhẩm đi nhẩm lại một lời nguyện tắt, rõ ràng là đạo đức tự bản chất. Tuy nhiên, hãy nhớ, mục đích hàng đầu của chúng ta trong thao luyện này không phải là tìm xem loại hình hoạt động mà tâm trí lan man đang dây vào, nhưng là khai thông và làm triển nở Con Tim. Miễn sao đạt được mục đích này, chiếc gai bạn dùng để nhổ những chiếc gai khác liệu có đạo đức hay không, điều đó không thành vấn đề. Nếu mục đích chính của bạn là đón nhận ánh sáng chiếu soi tăm tối của mình, thì chẳng thành vấn đề ngọn nến chiếu sáng vào tăm tối của bạn có phải là một ngọn nến thánh hay không. Vậy, khi bạn tập trung vào hình ảnh Chúa Cứu Thế, thì một cuốn sách, một chiếc lá hay một điểm trên sàn nhà đâu còn là vấn đề? Một linh mục Dòng Tên, bạn tôi, thích học hỏi và áp dụng thử những điều ấy cam đoan với tôi rằng (tôi thì nghi ngờ, nên bạn hãy trắc nghiệm tất cả những lý thuyết đạo đức một cách lành mạnh trong một thái độ hoài nghi), qua việc liên lỉ nói với chính mình “một - hai - ba - bốn” đều đặn theo nhịp, là ngài có thể đạt được những kết quả thần nghiệm mà những bạn đồng môn đạo đức hơn cho rằng, họ chỉ có thể có được nhờ việc tụng niệm nhịp nhàng và sốt sắng những lời nguyện tắt! Và tôi tin ngài. Không nghi ngờ gì nữa, có một giá trị thiêng thánh khi sử dụng chiếc gai đạo đức; nhưng khi nhắm đến mục đích chính của chúng ta, thì chiếc gai nào cũng tốt như nhau.

 

 

Và như thế, chúng ta đi đến một kết luận có vẻ gây bối rối: tập trung vào việc hít thở hoặc vào những cảm giác từ thân xác của bạn là chiêm niệm thật sự theo đúng nghĩa hẹp của hạn từ này. Lý thuyết của tôi được xác nhận bởi một số anh em Dòng Tên, những người đã có một cuộc tĩnh tâm ba mươi ngày dưới sự hướng dẫn của tôi. Họ đã đồng ý thêm vào bốn hoặc năm giờ mỗi ngày cho thao luyện ý thức việc hít thở và những cảm giác từ thân xác ngoài năm giờ được yêu cầu bởi những gì mà chúng ta gọi là những thao luyện linh thao của thánh Inhaxiô. Tôi không ngạc nhiên khi họ nói rằng, suốt thời gian thực hành những thao luyện ý thức của mình (khi họ đã khá quen thuộc với chúng), thì những cảm nghiệm của họ cũng là những cảm nghiệm họ đã có khi thực hành những lời kinh của lòng tin hoặc lời kinh của sự thầm lặng. Thậm chí, phần lớn họ đã quả quyết với tôi rằng, những thao luyện ý thức này dẫn đến việc đào sâu những kinh nghiệm cầu nguyện họ đã có trước đây, chúng làm cho những kinh nghiệm ấy trở nên mạnh mẽ và sâu sắc hơn, xét một cách nào đó.

 

 

Trong phần sau cuốn sách, và thật sự là ngay từ bài kế tiếp, tôi sẽ đưa ra những thao luyện hoàn toàn mang tính đạo đức hơn, và sẽ thoả mãn những mối nghi hoặc của những ai trong các bạn cảm thấy khó chịu khi phải bỏ ra rất nhiều thời giờ cầu nguyện với chỉ những thao luyện ý thức này. Những thao luyện hoàn toàn mang tính đạo đức ấy, cùng lúc, sẽ đem đến tất cả hoa trái vốn có thể đạt được qua những thao luyện ý thức. Chính những thao luyện sắp tới hàm chứa một lượng rất nhỏ suy tư mà các thao luyện ý thức không có. Tuy nhiên, vì mức độ quá nhỏ và hầu như không đáng kể, bạn đừng ngần ngại chọn lấy chúng thay vì những thao luyện ý thức trước đây nếu bạn thấy cách đó thoải mái hơn.

 

 

 

Tôi cố ý dùng cụm từ “rất nhiều thời giờ cầu nguyện của bạn” trong đoạn văn trên đây. Tôi không yêu cầu bạn gạt bỏ tất cả những kinh nguyện thường dùng (việc kết hiệp với Thiên Chúa vốn sử dụng ngôn từ, hình ảnh và ý niệm) để ủng hộ cho chiêm niệm thuần tuý. Có thời gian dành cho việc suy niệm và cầu nguyện, có thời gian dành cho việc chiêm niệm, cũng như có thời gian dành cho hoạt động và chiêm niệm. Tuy nhiên, trong khi dấn thân vào cái mà tôi gọi là chiêm niệm, hãy bảo đảm rằng, bạn không đầu hàng trước cám dỗ đi vào chiêm niệm để suy tư - dù tư tưởng có thánh thiêng đến đâu. Cũng như trong giờ cầu nguyện, bạn sẽ loại bỏ những tư tưởng thánh thiêng có liên hệ đến công việc của mình, vốn rất tốt ở một thời điểm thích hợp riêng của chúng, nhưng bây giờ, nó là sự chia trí cho việc cầu nguyện của bạn. Thế nên, trong thời gian chiêm niệm, bạn phải mạnh mẽ gạt bỏ tất cả mọi ý tưởng về bất cứ những gì tự nhiên như đang phá hoại hình thức thông hiệp đặc biệt này, hình thức thông hiệp với Thiên Chúa. Đây là lúc bạn bày tỏ chính mình cho mặt trời thần linh trong thinh lặng, không phải để suy tư về tính hấp dẫn và đặc điểm của những tia sáng mặt trời đó; đây là thời gian dán mắt nhìn vào đôi mắt người tình thần linh của bạn một cách yêu thương. Đừng bẻ gãy sự thiết thân đặc biệt này với lời lẽ và những suy tư về Ngài. Sự thông hiệp bằng lời lẽ được dành vào dịp khác. Đây là lúc dành riêng cho sự thông hiệp không có ngôn từ.

 

 

 

Có một điều quan trọng, mà thật không may, tôi không thể hướng dẫn bạn trong tập sách này. Vì thế, bạn phải nhờ đến một vị linh hướng giàu kinh nghiệm vốn biết rõ các nhu cầu thiêng liêng của bạn. Điều quan trọng ấy là: bạn cần có bao nhiêu thời giờ dành ra mỗi ngày cho việc kết hiệp với Thiên Chúa, trong đó bao nhiêu thời giờ để cầu nguyện, bao nhiêu thời giờ để chiêm niệm. Tốt nhất, hãy cùng vị linh hướng của mình quyết định điều này. Với sự hướng dẫn của vị linh hướng, bạn cũng phải quyết định liệu có nên áp dụng loại hình chiêm niệm này không. Có thể bạn là một trong những người may mắn mà tôi đã nói, những người sử dụng thành thạo đôi tay và đôi tai mà không cần phải dán kín đôi mắt; những người mà Con Tim thần nghiệm của họ ở trong sự kết hiệp với Thiên Chúa sâu thẳm nhất có thể được đang khi tâm trí vẫn có thể thông hiệp với Ngài qua lời lẽ và tư tưởng; những người không cần giữ thinh lặng mới đạt được sự thân tình với Đấng Yêu Mến, mà với nhiều người khác, chỉ có thể đạt được qua thinh lặng.

 

 

Nếu bạn không tìm được vị linh hướng, hãy xin Thiên Chúa dẫn dắt, và bắt đầu bằng cách dành ít phút mỗi ngày cho việc chiêm niệm, hoặc theo hình thức của những thao luyện ý thức này, hoặc theo hình thức của một vài thao luyện đơn giản hơn về sau. Ngay trong giờ cầu nguyện của mình, bạn hãy nhẹ nhàng cố gắng giảm bớt những suy tư để cầu nguyện nhiều hơn với con tim. Thánh nữ Têrêxa Avila từng nói: “Điều quan trọng không phải là suy tư nhiều, nhưng yêu mến nhiều”. Vậy, bạn hãy yêu mến thật nhiều trong giờ cầu nguyện của mình, và Thiên Chúa sẽ dẫn dắt bạn, cho dù sẽ phải đi qua chặng đường thử nghiệm và sai sót.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!