Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Trần Văn Cảnh
Mục Lục

Mục vụ gia đình 2 : Tông huấn Gia Ðình 2

MVGĐ 3 : Tông huấn Gia Ðình 3

MVGĐ 4 : Thành lập lớp chuẩn bị hôn nhân 1995

MVGĐ 5 : Sinh hoạt lớp chuẩn bị hôn nhân

MVGĐ 6 : Khánh nhật kỷ niệm hôn nhân 1996

MVGĐ 7 : Nhóm Gia Ðình Trẻ - Ngày gia đình 2001

MVGĐ 8 : Khánh nhật thượng thọ 1999

Kết quả mục vụ hôn nhân gia đình

Tổng kết về Mục Vụ Xã Hội

Tạm kết loạt bài « Giáo Xứ Việt Nam Paris 60 năm Hồng Ân »

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

GIÁO DỤC CON CÁI - BỘ SÁCH THÁNH KINH VÀ GIA ĐÌNH

Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình Giáo Xứ Việt Nam Paris

Giáo Xứ Việt Nam Paris 60 Năm Hiện Hữu

Mục Vụ Xã Hội, Bác Ái Liên Đới, Giáo Xứ Việt Nam Paris trong 60 năm qua 1947-2007

Mục Vụ Văn Hóa ở Giáo Xứ Việt Nam Paris

Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình Giáo Xứ Việt Nam Paris
Mục vụ gia đình 2 : Tông huấn Gia Ðình 2

Trong phiên họp thành lập nhóm Mục Vụ Gia Đình tối ngày 27.10.1995, cha Mai Đức Vinh đã mang giới thiệu với các thành viên một loạt thư mục về gia đình. Đồng thời ngài cũng sơ lược trình bày những nguyên tắc căn bản về mục vụ gia đình, rút từ Tông huấn Gia đình (Familiaris Consortio), làm nền sinh hoạt cho nhóm. 

Từ ngày thành lập 1995 cho đến hôm nay 2007, trong những hoàn cảnh cụ thể địa phương của một giáo xứ ngoại kiều ở Paris, Nhóm Mục Vụ Gia Đình đã sinh hoạt đều đặn và vẫn theo sát những nguyên tắc mục vụ gia đình do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ dậy. Một vài thành viên trong nhóm đã tóm tắt bản văn Tông Huấn và học hỏi với nhau. Trước khi trình bày những sinh hoạt thực tế đã được thực hiện, chúng tôi xin giới thiệu bản tóm tắt này, phác thảo những nguyên tắc hoạt động cho mục vụ gia đình. 

Tông huấn Mục vụ Gia đình (Familiaris Consortio), được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 22 tháng 11 năm 1981, là thủ bản đầy đủ về mục vụ gia đình. Tông huấn gồm một nhập đề xác định ý nghĩa và vai trò của mục vụ gia đình (số 1-3), một kết luận bày tỏ ý muốn thu hút sự chú ý của tất cả mọi người về những trách nhiệm của gia đình Ki-tô hữu, và lời nài xin sự bảo trợ của Thánh Gia Na-da-rét (số 86) và 4 phần.

¨      Phần I : Ánh sáng và bóng tối nơi gia đình ngày nay (số 4-10)

¨      Phần II : Ý định của Thiên Chúa về hôn nhân gia đình (số 11-16)

¨      Phần III : Những bổn phận của gia đình kytô hữu (số 17-64)

¨      Phần IV : Mục vụ gia đình : các giai đoạn, các cơ cấu, những người hữu trách và các hoàn cảnh đặc thù (số 65-85)

Nhìn qua nội dung này, một ý tưởng tự nhiên sẽ hiện ra là cấu trúc của tông huấn đã được thiết kế theo dàn bài dự án, đi qua bốn vấn nạn căn bản :

¨      Gia đình hiện nay tình trạng ra sao ? Câu trả lời được trình bày qua nhận định thực tại ở phần 1 về « Ánh sáng và bóng tối nơi gia đình ngày nay »

¨      Gia đình phải được định hường thế nào ? Câu trả lời được trình bày qua hướng đi phải theo ở phần 2 về « Ý định của Thiên Chúa về hôn nhân gia đình »

¨      Gia đình phải làm những việc gì ? Câu trả lời được trình bày qua chương trình hành động ở phần 3 về « Những bổn phận của gia đình kytô hữu »

¨      Mục vụ gia đình phải được tổ chức làm sao ? Câu trả lời được trình bày qua tổ chức việc làm phải thực hiện ở phần 4 về « Mục vụ gia đình : các giai đoạn, các cơ cấu, những người hữu trách và các hoàn cảnh đặc thù ».

Chúng ta dã xem « 1. Mục vụ Gia Ðình là gì » ? và 2. « Gia đình hiện nay tình trạng ra sao » ? 

Hôm nay, chúng ta sẽ xem « 3- Gia đình phải được định hướng thế nào ? và 4- Gia đình phải làm những việc gì » ?

3. Gia đình phải được định hướng thế nào ?

Thực tại gia đình hiện nay có những khía cạnh tích cực và tiêu cực. Trong những khía cạnh tích cực cấn phát triển hơn, « người ta thấy có một ý thức sống động hơn về tự do cá nhân và một sự chú ý nhiều hơn đến phẩm chất của các tương quan liên vị trong hôn nhân, đến sự nâng cao phẩm giá phụ nữ, đến sự sinh sản có trách nhiệm, đến việc giáo dục trẻ em ; thêm vào đó là ý thức về nhu cầu phải phát triển những liên hệ giữa các gia đình để giúp đỡ lẫn nhau về mặt tinh thần và vật chất, cũng như khám phá lại sứ mạng Hội Thánh riêng biệt của gia đình và trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng một xã hội công bình hơn[1] ». 

Những khía cạnh tiêu cực được nhìn ra qua những triệu chứng rõ rệt như quan niệm sai lầm về sự độc lập giữa hai vợ chồng, sự mập mờ rất trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ đối với con cái, những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị luân lý, con số các vụ ly dị gia tăng, vết thương về sự phá thai, việc dùng các phương pháp tuyệt sản ngày càng nhiều, việc hình thành một não trạng đích thị là não trạng chống thụ thai.

Phân tích kỹ những hiện tượng tiêu cực trên, người ta thấy ba nguyên nhân căn bản là sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về tự do, sự thiếu thốn về những nhu cầu cơ bản vật chất và tinh thần trong các nước thuộc thế giới thứ ba, và óc hưởng thụ ích kỷ trong các nước giàu có.

Để giảm thiểu những khía cạnh tiêu cực, phải loại trừ những nguyên nhân của chúng. Mỗi nguyên nhân đều có những phương dược trị liệu. Nhưng trị liệu tổng quát, căn bản và quyết liệt hơn cả là “xem xét đến nơi đến chốn dự án nguyên thuỷ của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình[2]. Đó là nội dung đã được  phần thứ hai của Tông Huấn Gia Đình đề cập đến để xác định rõ rệt hướng đi của mục vụ gia đình là : ” Ý ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA VỀ  HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH[3] 

Ý định của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình đã được biểu lộ qua nhiều hoàn cảnh và diễn tả khác nhau :

1. Con người, hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu. Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, giống như họa ảnh của Ngài. Khi vì yêu thương mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Ngài cũng đồng thời mời gọi họ sống cho tình yêu[4]

2. Hôn nhân và sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người. Sự hiệp thông yêu thương giữa Thiên Chúa và loài người, tức nội dung căn bản của mặc khải và của kinh nghiệm sống đức tin nơi dân Ít-ra-en, được diễn tả cách đầy ý nghĩa trong giao ước ngày cưới giữa người nam và người nữ[5].

3. Đức Giê-su Ki-tô hôn phu của Hội Thánh và bí tích hôn nhân. Sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người được hoàn tất vĩnh viễn nơi Đức Giê-su Ki-tô, vị Hôn Phu yêu thương và hiến mình làm Đấng cứu độ nhân loại bằng cách kết hiệp nhân loại với Người như chính thân mình Người. Người mặc khải sự thật nguyên thuỷ của hôn nhân, sự thật của "thuở ban đầu" và khi giải phóng con người khỏi tâm hồn chai đá, Người làm cho con người có khả năng thực hiện sự thật này một cách trọn vẹn[6].

4. Con cái, ơn huệ rất quý báu của hôn nhân. Theo ý định của Thiên Chúa, hôn nhân là nền tảng cho một cộng đoàn rộng lớn hơn, tức là gia đình, vì chính định chế hôn nhân và tình yêu vợ chồng đều quy hướng về việc truyền sinh và giáo dục con cái, làm nên triều thiên cho định chế và tình yêu ấy[7].

5. Gia đình, cộng đoàn hiệp thông những ngôi vị. Ngay giữa lòng cuộc sống hôn nhân và gia đình, toàn bộ những tương quan liên vị được dệt nên - những tương quan về tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình con thảo, tình anh em - qua những tương quan ấy, mỗi ngôi vị được dẫn đưa vào trong "gia đình nhân loại" và "gia đình Thiên Chúa" là Hội Thánh[8].

6. Hôn nhân và trinh khiết. Sự trinh khiết và độc thân vì Nước Thiên Chúa, không làm giảm bớt chút nào phẩm giá của hôn nhân, ngược lại, chúng giả thiết phải có phẩm giá ấy và củng cố nó. Hôn nhân và sự trinh khiết là hai cách thức để diễn tả cùng một mầu nhiệm duy nhất về giao ước giữa Thiên Chúa với Dân Ngài. Ở đâu không có sự kính trọng đối với hôn nhân, cũng không thể nào có được sự trinh khiết tận hiến. Ở đâu người ta không nhìn tính dục con người như là ân sủng lớn lao của Đấng Tạo hoá, thì ở đó việc từ bỏ tính dục vì Nước Trời cũng mất đi ý nghĩa của nó[9]. 

Tóm kết lại, điếu căn bản và quan trọng của ý định của Thiên Chúa về hôn ngân là “Nhờ tính cách bí tích của hôn nhân, đôi bạn được liên kết với nhau một cách chặt chẽ không thể tháo gỡ được. Khi người này thuộc về người kia, họ thực sự biểu lộ tương quan giữa Đức Ki-tô với Hội Thánh Ngài, qua dấu chỉ bí tích[10]”. Nói khác đi, "Tình yêu vợ chồng bao gồm một toàn thể tính trong đó có đủ mọi yếu tố cấu tạo nên ngôi vị : tiếng gọi của thân xác và của bản năng, sức mạnh của cảm năng và của lòng yêu mến, khát vọng của tinh thần và của ý chí; tình yêu ấy nhắm đến một sự hiệp nhất sâu xa về ngôi vị, một sự hiệp nhất, vượt qua sự kết hợp thành một thân xác, đưa đến chỗ chỉ còn một trái tim, một linh hồn ; tình yêu ấy đòi hỏi sự bất khả phân ly và sự trung thành trong việc trao hiến cho nhau một cách dứt khoát, mở ngõ cho việc sinh sản[11]”. Nhưng trong thực tế đa tạp hàng ngày, một câu hỏi luôn được đặt ra cho gia đình và các phần tử của nó : cụ thể phải làm gì ? 

 4. Gia đình phải làm những việc gì?

Theo ý định nguyên thủy của Thiên Chúa, hôn nhân đi về hướng tình yêu toàn thể của vợ chồng”, tình yêu này, vì là tình yêu bất khả phân ly và trung thành, trong đó, vợ chồng trao hiến cho nhau một cách dứt khoát và mở ngõ ra cho việc sinh sản, tức là tạo lập ra một gia đình kitô hữu. Theo ý định đó, « không những gia đình khám phá ra "căn tính" của nó, cái nó "là", mà còn khám phá ra "sứ mạng" của nó, cái nó có thể và phải "làm".

Căn tính của gia đình là « theo ý định của Thiên Chúa, gia đình kết thành "cộng đoàn thân mật của sự sống và tình yêu", nên gia đình có sứ mạng phải mỗi lúc một trở nên cái nó là, nghĩa là một cộng đoàn của sự sống và tình yêu đang vươn lên và sẽ hoàn tất trong Nước Thiên Chúa - như mọi thực tại được sáng tạo và cứu chuộc ».

Từ căn tính « tình yểu » ấy, bốn bổn phận của gia đình đã được đưa ra ánh sáng : 1. Đào tạo một cộng đồng các ngôi vị; 2. Phục vụ sự sống; 3. Dự phần vào việc phát triển xã hội; 4. Dự phần vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh. 

41. Ðào tạo một cộng đồng các ngôi vị[12]

Với căn tính tình yêu, « Gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng các ngôi vị : đôi bạn là nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng ». Trên nền tảng « là một cộng đồng các ngôi vị, gồm đôi bạn nam nữ, con cái, cha mẹ họ hàng » gia đình có những việc chính yếu sau đây phải làm :

·        trung thành sống thực tại của sự hiệp thông

·        sụ hiệp thông vợ chồng là sự hiệp nhất không thể phân ly

·        một sự hiệp thông mở rộng gia đình giữa cha mẹ và con cái, giữa những anh chị em trong nhà với nhau, giữa những người bà con gần và những thành phần khác của gia đình

·        một sự chú ý đặc biệt cho người phụ nữ, cho các quyền lợi và vai trò của họ trong gia đình và xã hội

·        sự bình đẳng về quyền lợi và phẩm giá giữa người nam và người nữ trong sinh hoạt Hội Thánh

·        loại bỏ hẳn những kỳ thị xúc phạm đến phẩm giá phụ nữ

·        người nam được mời gọi sống sự tự hiến của ông trong vai trò là chồng và là cha

·        một sự chú ý đặc biệt cho đứa con, quí chuộng sâu xa đối với phẩm giá ngôi vị của nó, kính trọng thật to lớn đối với những quyền lợi của nó

·        một sự kính trọng đặc biệt và một tình yêu thương to lớn đối với những người cao niên

42. Phục vụ sự sống[13]

Sang sứ mệnh thứ hai, « mà mục tiêu căn bản của gia đình là phục vụ cho sự sống, là thực hiện trong lịch sử lời chúc lành của Thiên Chúa lúc khởi nguyên, thực hiện bằng việc thông truyền hình ảnh Thiên Chúa từ người này sang người khác trong hành động truyền sinh[14] », hai lãnh vực quan trọng cần lưu ý : lãnh vực truyền sinh và lãnh vực giáo dục. Trong lãnh vực truyền sinh, những việc sau đây cần phải làm :

·        bảo vệ sự sống, để ý định của Thiên Chúa được thể hiện ngày một trọn vẹn hơn

·        xây dựng mối liên hệ bất khả phân ly giữa sự kết hợp và truyền sinh, như là Thiên chúa đã muốn và con người không thể tự ý bẻ gãy, trong cái nhìn toàn vẹn về con người và về ơn gọi của nó

·        Hội Thánh không mỏi mệt trong việc loan truyền quy tắc luân lý nhằm hướng dẫn sự truyền sinh có trách nhiệm, đặc biệt cho những người phối ngẫu đang gặp khó khăn

·        Hội Thánh ngày nay cần phải cố gắng để khơi dậy những xác tín và cống hiến một sự trợ giúp cụ thể cho những ai muốn sống việc làm cha làm mẹ một cách thật sự có trách nhiệm.  

Trong lãnh vực giáo dục, những công việc phải làm cũng không kém phần quan trọng :

·        Quyền và bổn phận giáo dục của cha mẹ

·        Giáo dục theo chiều hướng các giá trị chính yếu của đời người : giáo dục tình yêu, giáo dục tính dục, giáo dục đức khiết tịnh

·        Sứ mạng giáo dục và bí tích hôn nhân : giáo dục cho con cái một nhân cách theo quan điểm Ki-tô giáo và Hội Thánh

·        cha mẹ là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng cho con cái.

·        Tương quan và cộng tác với các cấp giáo dục khác, cả về phía dân sự lẫn phía Hội Thánh

·        Phải tuyệt đối bảo đảm cho cha mẹ được quyền chọn một nền giáo dục phù hợp với đức tin của họ.

·        Phục vụ sự sống bằng nhiều hình thức : mở lòng ra quảng đại đón nhận những đứa con của các gia đình khác, trông nom những trẻ em mất cha mẹ hoặc bị cha mẹ bỏ rơi

43. Dự phần vào việc phát triển xã hội[15] 

Trong sứ mệnh thứ ba, theo đó, « vì bản chất và ơn gọi của nó, thay vì đóng khung trên chính mình, gia đình rộng mở đến những gia đình khác và đến xã hội, và chu toàn vai trò xã hội của mình[16] », Ðức Gioan Phao lô đã nêu ra những công việc phải làm sau đây :

·        Đời sống gia đình : tiếp đón nồng nhiệt, gặp gỡ và đối thoại, quảng đại sẵn sàng phục vụ vô vị lợi và tương trợ sâu xa

·        Vai trò xã hội : phải dấn thân cho nhiều công cuộc phục vụ xã hội, cách riêng là lo cho những người nghèo và trong mọi trường hợp, lo cho những người và những tình cảnh mà các tổ chức từ thiện và cứu tế công cộng không thể lo hết được.

·        Can thiệp chính trị: chính các gia đình là những kẻ đầu tiên phải làm sao để các luật lệ và cơ chế của nhà nước không những đừng làm tổn thương các quyền lợi và bổn phận của gia đình, nhưng còn nâng đỡ và bảo vệ chúng một cách tích cực.

·        Xã hội không được thiếu sót trong bổn phận nền tảng của nó là tôn trọng và thăng tiến gia đình

·        Hội Thánh công khai và mạnh mẽ đứng ra bảo vệ các quyền của gia đình đã soạn ra một "hiến chương những quyền lợi của gia đình"

·        Ân sủng và trách nhiệm của gia đình Ki-tô hữu : gia đình Ki-tô hữu được mời gọi làm chứng cho mọi người thấy sự tận tâm quảng đại và vô vị lợi của mình đối với những vấn đề xã hội, mà ưu tiên là lo cho những người nghèo và những người bị bỏ rơi.

·        Phải cộng tác để thực hiện một trật tự quốc tế mới, vì chỉ có qua sự liên đới toàn cầu người ta mới có thể nhắm tới và giải quyết được những vấn đề khổng lồ và bi thảm về công bình trên thế giới, về tự do của các dân tộc, về hoà bình của nhân loại.

44. Dự phần vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh[17]

 
« Giữa các trách nhiệm căn bản của gia đình Ki-tô hữu, có một trách nhiệm có thể nói là có tính cách Hội Thánh, vì trách nhiệm này đặt gia đình vào chỗ phục vụ cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa trong lịch sử, bằng cách dự phần vào cuộc sống và sứ mạng của Hội Thánh. ..Gia đình này trở thành một "Hội Thánh thu nhỏ" (Ecclesia domestica), đến nỗi, theo cách của nó, gia đình là một hình ảnh sống động và là một biểu hiện lịch sử của chính mầu nhiệm Hội Thánh
[18] ». Ðó là sứ mệnh thứ tư của gia đình, mà nếu lấy Ðức Kitô làm qui chiếu, trong ba tư cách của Ngài, là tiên tri, là tư tế và là vua, gia đình kitô hữu, vì là kitô hữu, phải thực hiện những gì hàm chứa trong ba tư cách ấy. Nói như vậy, gia đình Ki-tô hữu phải là :

·        Cộng đồng tin và loan báo Tin Mừng : vai trò tiên tri gia đình kitô. Gia đình có nghĩa vụ tạo môi trường cho Tin Mừng được truyền đạt ; trở thành chủng viện đầu tiên và tuyệt hảo cho ơn gọi sống đời tận hiến vì Nước Thiên Chúa ; từ bên trong, gia đình đã có thể chu toàn được một hình thức hoạt động thừa sai cho những thành phần chưa tin ; và với bên ngoài, ít ra là trong một thời gian nào đó, đi tới các miền truyền giáo để loan báo Tin Mừng bằng cách phục vụ con người với tình yêu của Đức Giê-su Ki-tô.

·        Cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa : vai trò tư tế thánh hoá của gia đình kitô. Gia đình Ki-tô hữu được mời gọi tự thánh hoá và thánh hoá cộng đồng Hội Thánh và thế giới ; có một linh đạo hôn nhân và gia đình thật đích thực và sâu xa; linh đạo này được gợi hứng từ các chủ đề về sáng tạo, giao ước, thập giá, phục sinh và dấu chỉ bí tích ; "Bình thường bí tích Hôn Nhân phải được cử hành trong thánh lễ" ; Bí tích Thánh Thể chính là nguồn mạch của hôn nhân Ki-tô giáo ; Thực hành bí tích hoán cải và giao hoà ; Kinh nguyện gia đình ; cha mẹ Ki-tô hữu có bổn phận đặc biệt phải giáo dục đức tin cho con cái ; Kinh nguyện phụng vụ chung với Hội Thánh và kinh nguyện riêng trong gia đình ; kinh nguyện là phần thiết yếu của đời sống Ki-tô hữu, nhưng không chạy trốn các trách nhiệm thường ngày

·        Cộng đồng phục vụ con người : vai trò vương đế của gia đình kitô. Gia đình Ki-tô hữu được luật mới của Thánh Thần sinh động, hướng dẫn và được mời gọi sống "thừa tác vụ" vì tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân trong sự hiệp thông mật thiết với Hội Thánh là dân tộc vương đế ; Được lệnh truyền mới của tình yêu sinh động và nâng đỡ, gia đình Ki-tô hữu tiếp đón, kính trọng, phục vụ mọi người, luôn luôn nhìn mọi người trong phẩm giá của họ như những ngôi vị và như con cái Thiên Chúa.

Tóm kết lại, những việc mà các phần tử của gia đình và gia đình, trong tính cách tập thể của nó, phải làm thì rất đa tạp và phong phú. Nhưng chúng có thể qui tụ vào bốn nhóm công việc, cũng là bốn nhóm trách nhiệm và sứ mệnh của gia đình : 1- Ðào tạo một cộng đồng các ngôi vị, 2- Phục vụ sự sống, 3- Dự phần vào việc phát triển xã hội và 4- Dự phần vào đời sống và sứ mạng của hội thánh, như là một cộng đồng tin và loan báo Tin Mừng, một cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa và một cộng đồng phục vụ con người.

Làm sao giúp các gia đình thoát khỏi những hoành hành hiện nay là : 1- sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về tự do, 2- sự thiếu thốn về vật chất và tinh thần trong các nước thuộc thế giới thứ ba và 3- óc hưởng thụ ích kỷ trong các nước giàu có ? Làm sao giúp các gia đình nhận ra đường hướng nguyên thủy của Thiên Chúa, hoàn tất được sứ mệnh của mình, và thực hiện được những công việc phải làm ? Ðó là những vấn nạn mà Mục Vụ Gia Ðình phải tìm ra câu trả lời !

Paris, ngày 11 tháng 10 năm 2007

Trần Văn Cảnh


[1] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Gia Đình, ngày 22.11.1981, số 6

[2] Ibidem, số 10

[3] Ibidem, số 11-16

[4] Ibidem, số 11

[5] Ibidem, số 12

[6] Ibidem, số 13

[7] Ibidem, số 14

[8] Ibidem, số 15

[9] Ibidem, số 16

[10] Ibidem, số 13

[11] Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Sự sống con người, 1968, số 9

[12] Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sđd, số 18-27

[13] Ibidem, số 28-41

[14] Ibidem, số 28

[15] Ibidem, số 42-48

[16] Ibidem, số 42

[17] Ibidem, số 49-64

[18] Ibidem, số 49



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!