.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Mục vụ gia đình 2 : Tông huấn Gia Ðình 2

MVGĐ 3 : Tông huấn Gia Ðình 3

MVGĐ 4 : Thành lập lớp chuẩn bị hôn nhân 1995

MVGĐ 5 : Sinh hoạt lớp chuẩn bị hôn nhân

MVGĐ 6 : Khánh nhật kỷ niệm hôn nhân 1996

MVGĐ 7 : Nhóm Gia Ðình Trẻ - Ngày gia đình 2001

MVGĐ 8 : Khánh nhật thượng thọ 1999

Kết quả mục vụ hôn nhân gia đình

Tổng kết về Mục Vụ Xã Hội

Tạm kết loạt bài « Giáo Xứ Việt Nam Paris 60 năm Hồng Ân »

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình Giáo Xứ Việt Nam Paris
Tác giả: Gs. Trần Văn Cảnh
MVGĐ 5 : SINH HOẠT LỚP CHUẨN BỊ HÔN NHÂN

 Ðược thành lập ngày 27 tháng mười năm 1995, lớp chuẩn bị Hôn nhân là một chuẩn bị liền trước cuộc cử hành bí tích hôn phối. Theo chỉ dậy của Tông Huấn Gia Ðình, thì : « Việc chuẩn bị liền trước cuộc cử hành bí tích phải diễn ra trong nhiều tháng và nhất là trong những tuần cuối trước lễ cưới để nhờ đó có thể đem lại được một ý nghĩa mới, một nội dung mới và một hình thức mới cho việc quen gọi là điều tra hôn phối mà giáo luật đòi buộc. Một việc chuẩn bị như thế vốn cần thiết cho tất cả mọi trường hợp, lại càng khẩn cấp hơn cho những đôi hôn phối còn gặp nhiều thiếu sót và khó khăn về mặt giáo lý và thực hành Ki-tô giáo.

Trong số các yếu tố phải truyền đạt trong tiến trình đức tin này, tựa như ở thời kỳ dự tòng, cũng phải có việc đào sâu về mầu nhiệm Chúa Ki-tô và Hội Thánh, về ý nghĩa của ân sủng và của trách nhiệm gắn liền với hôn nhân Ki-tô giáo, đó là chưa kể tới việc chuẩn bị để tham dự tích cực vào nghi lễ phụng vụ hôn phối.

Gia đình Ki-tô hữu và toàn thể cộng đồng Hội Thánh phải cảm thấy mình có trách nhiệm trong các bước khác nhau của việc chuẩn bị hôn nhân, mà chúng ta chỉ mới phác qua những nét lớn. Ước mong rằng các Hội Đồng Giám Mục lưu tâm tới các sáng kiến thích hợp để giúp các vợ chồng tương lai biết ý thức hơn rằng, việc chọn lựa của họ hệ trọng biết bao, cũng như để giúp cho các vị chủ chăn biết bảo đảm cho những người ấy có được những dự kiện cần thiết; và với sự lưu tâm đó, các Hội Đồng Giám Mục sẽ xả thân làm việc, để sớm công bố được "Tập Chỉ Nam mục vụ gia đình". Trong cuốn chỉ nam này, trước hết, sẽ phải xác định những yếu tố cần thiết không thể thiếu được về nội dung, về thời lượng, và về phương pháp của các "khoá chuẩn bị", tạo quân bình cho những khía cạnh khác nhau có liên hệ tới hôn nhân - như giáo lý, sư phạm, luật pháp, y học - và xếp đặt thế nào để giúp cho những người sắp lập gia đình, không những chỉ được đào sâu thêm về hiểu biết, mà còn cảm thấy được thúc đẩy để hội nhập một cách tích cực vào trong cộng đồng Hội Thánh[1] ».  

Hoạt động cho Lớp Chuẩn Bị Hôn Nhân, có sự tham gia của 10 giảng viên, gồm 2 linh mục và 8 giáo dân, mà 4 là giáo sư hoặc cựu giáo sư, 3 là bác sĩ và 1 là luật sư. Trong tinh thần đồng hành, chia sẻ những lo âu của các bạn trẻ trên đường vào hôn nhân, các giảng viên ưu tư lo lắng cải tiến phương pháp sư phạm và đo lường mức thâu nhận của các học viên. Hai biên bản của hai buổi họp kết khoá 1 sau đây mà tôi đã ghi lại, nói lên cách sinh hoạt cụ thể của lớp, cách làm việc của ban giảng huấn và cách tham dự và thâu nhận của học viên. Buổi họp 1 : tổng kết về khoá học chung với học viên ; buổi họp 2 : tổng kết sư phạm riêng cho ban giảng huấn.

I. HỌP TỔNG KẾT KHOÁ CHUẨN BỊ HÔN NHÂN I

Biên bản số 2_BMVHN

Họp ngày 26.01.1996, từ 20g đến 22g 30, tại Giáo Xứ Viêt Nam Paris

Hiện diện : 10 khoá sinh và 8 giảng viên. (8 khoá sinh và 2 giảng viên vắng mặt)

A. Trao đổi giữa khoá sinh và giảng viên

Sau bài hát cầu nguyện mở đầu, cha giám đốc đã tuyên bố chương trình và trao việc điều khiển buổi họp cho giáo sư Cảnh. Ông này xác định mục tiêu mà mỗi điểm trong chương trình cần đạt được và giới thiệu một phương pháp hội thảo « Thanh đàm » : Lần lượt mỗi lần chỉ một người nói, mọi người khác nghe ; không phân tích, không chỉ trích, không phán đoán, mỗi người phát biểu ý kiến của mình.

1.      Liền sau đó, luật sư Thông đưa một tin buồn là hiền nội bác sĩ Ái vừa được Chúa gọi về ngày 01.01.1996. Tất cả các khoá sinh và giảng viên đều chia buồn cùng bác sĩ Ái. Cha giám đốc và ông Nha cũng cho hay là báo giáo xứ số 121, tháng 01.96 đã có đăng bài chia buồn cùng bác sĩ Ái. 

2.      Anh DANH xin cha Vinh cắt nghĩa rõ hơn về quan niệm của Giáo Hội liên quan đến ván đề ngừa thai. Cha Vinh vắn tắt xác định rằng : « Theo nguyên tắc, vì mục đích của hôn nhân là cộng tác với Thiên Chúa trong việc tạo dựng con người, do đó, tất cả các hình thức ngừa thai nhân tạo, như vòng xoắn, thuốc viên,v.v.,.. đều không được Giáo Hội công nhận. Trong thực hành, vì có nhiều điều kiện thực tế và hoàn cảnh sống mà chỉ mình vợ chồng biết, nên Giáo Hội dành cho đôi bạn trách nhiệm phải quyết định lấy theo lương tâm của mình ». Bác sĩ Ái thêm vào : « Nhưng cần có sự đồng ý của cả hai người, nếu muốn bảo vệ hạnh phúc lứa đôi. Tính dục là một trong những yếu tố bảo vệ hạnh phúc của lứa đôi ».

3.      Anh PHONG xin cha Sách nói lại về số người làm chứng và tư cách của họ. Cha Sách trả lời rằng : « Cần phải có ít nhất là một người làm chứng. Người chứng là ai cũng được, miễn là người trưởng thành. Nếu kẹt quá, cha mẹ làm chứng cho con cũng được ». 

4.      Anh DŨNG xin giáo sư Cảnh cho biết có nên sửa phạt con cái không ? Giáo sư Cảnh trả lời rằng : « Nếu con cái làm sai phải chỉ bảo và răn dậy. Một trong những cách răn dậy là sửa phạt. Nhưng đừng quên rằng sửa phạt con là vì yêu con và muốn cho nó cư xử cho đúng để nên người, chứ không vì nóng giận. Cũng xin lưu ý rằng sửa phạt không có nghĩa là đánh đập ». Bà giáo sư Minh Khánh nhấn mạnh đến sự kiện rằng việc đánh đập con cái là điều bị cấm ở xã hội Pháp và vai trò rất quan trọng của người mẹ, của người đàn bà trong việc giáo dục dậy dỗ con cái. Luật sư Thông lưu ý tất cả mọi người về sự cải tiến và tự do trong trường học Pháp. Cha mẹ muốn dậy dỗ con cho có kết quả, cần tìm hiểu và học hỏi luôn.  

5.      Thế, nếu mình làm sai có phải xin lỗi con cái không ? Anh DŨNG hỏi tiếp. Giáo sư Cảnh trả lời rằng : « Ðiều sai có rất nhiều nghĩa và hoàn cảnh khác nhau. Nhưng tổng quát thì ta có thể bảo rằng điều sai thì vẫn là sai, dẫu rằng do bố mẹ làm. Xin lỗi là một hình thức xám hối, muốn sửa sai. Có nhiều hình thức xin lỗi. Không cứ phải nói thẳng ra rằng « bố sai, bố xin lỗi con nhé ». Im lặng cũng là một hình thức xin lỗi. Làm một việc khác cũng là một hình thức nhận lỗi. Mỗi người có một cách nhận lỗi và xin lỗi. Căn bản là hai bên hiểu nhau ». 

6.      Nhiều anh chị học viên cùng có ý định xin các giảng viên tiết lộ bí quyết bảo vệ hạnh phúc gia đình. Một cách vắn tắt, không chỉ các giảng viên, mà cả các học viên, đều được giáo sư Cảnh mời phát biểu và tiết lộ bí quyết hạnh phúc của mình.  

Bác sĩ Ái : Phải nhẫn nại khám phá nhau để tìm ra những cái đẹp của bạn đời và để chấp nhận nhau.

Cha Vinh : Phải cầu nguyện để ơn Chúa xuống cho và để yêu nhau hết lòng trong Chúa.

Cha Sách : Trong Chúa, cùng nhau cùng nhìn về Chúa, cùng giải quyết với Chúa và trong Chúa.

Luật sư Thông : Nhìn ngang, nhìn bạn với tất cả các bất toàn và tính tốt của con người.

Bác sĩ Minh và bà Giáo sư Minh Khánh : Vợ chồng tuy hai mà là một. Tất cả những người khác đều là khác. Chỉ có ta với ta là ta.

Ông Nha : Viết nhật ký, nhất là những lúc khó nói với nhau.

Giáo sư Cảnh : Sống tự nhiên, thoải mái và cái gì cũng bàn hỏi nhau với lòng thành.

Anh Minh và chị Tâm : Nhường nhịn nhau, tìm hiểu nhau và bàn hỏi nhau

Chị Thảo : Lấy được người mình thương, có cùng một chí hướng, tìm hiểu và làm đẹp lòng nhau

Anh Mẫn : Làm sao để mình lúc nào cũng hấp dẫn và biết chia sẻ với bạn

Anh Danh : Nên biết nhận lỗi, biết tha thứ và biết thông cảm với nhau.

Anh Dũng : Không làm gì trái lương tâm, luôn chú ý đến bạn mình

Chị Trinh : Thương nhau, chia vui xẻ buồn, tìm hiểu nhau luôn và cầu nguyện với Chúa cùng nhau.

Chị Anh : Chia sẻ vui buồn với nhau. Ðừng để chồng về nhà khóc với mẹ và đừng để vợ khóc thầm.

Anh Hùng : Lúc nào cũng phải nói chuyện với nhau.

Anh Phong : Phải hướng về Chúa, Phải bỏ cái ham vui thê gian, nên chấp nhận tự do của nhau, đừng cấm cản quá. 

B. Rút kinh nghiệm 

Giáo sư Cảnh tóm tắt những điều đã được trao đổi và và xin mọi người đi sang mục thứ hai : rút kinh nghiệm.

1.      Về đề tài : các khoá sinh đề nghị thêm ba đề tài mới nữa :1) Nguyên tắc đối xử với hai họ đôi bên ; 2) Những lý do hay đưa đền việc ly dị và 3) Kinh nghiệm sống chung thủy. Ban giám đốc và ban giảng huấn cho hay rằng những đề tài trên đều đã, đang và sẽ được tổ chức cho các cặp vợ chồng trẻ. Nếu muốn, các anh chị có thể tham dự sau khi đã kết hôn.

2.      Về tổ chức : Các khoá sinh thấy mỗi đề tài chỉ được trình bày trong 1 giờ là quá vắn vỏi. Các anh chị xin tổ chức sao để được dài hơn : hoặc ở lại khuya hơn mỗi tối ; hoặc đến thêm một vài tối. Cha giám đốc cám ơn và xin sẽ bàn thảo với ban giảng huấn.

3.      Về phương pháp giảng dậy, các khoá sinh có những gợi ý sau đây : 1) Xin có nhiều ví dụ cụ thể ; 2) Xin cho in bài trước và song ngữ việt pháp, nhất là cho những đề tài quan trọng mà lại khó, như giáo luật, dân luật, bí tích ; 3) Xin có nhiều trao đổi giữa khoá sinh và giảng viên.

4.      Ðặc việt anh Danh xin ban giảng huấn cho một cái sườn, phác hoạ những vấn đề, để đôi bạn trao đổi với nhau. Giáo sư Cảnh trả lời rằng : « Bản trắc nghiệm hôn nhân mà tôi vừa trao cho các anh chị, với gần 300 câu hỏi là một cái sườn đấy ». 

C. Xác định và tổ chức ngày mãn khoá

Và để kết thúc khoá học, tất cả các tham dự viên đều đồng ý tổ chức lễ mãn khoá vào ngày chủ nhật 28.01.1996, lễ 10 giờ.

Anh Dũng đọc bài đọc 1

Chị Thảo đọc bài đọc 2

Mỗi cặp dọn một lời nguyện giáo dân và đưa cho cha Vinh coi trước.

Mọi người đều ngồi những hàng ghế đầu. 

Buổi họp kết thúc vào lúc 22 giờ 30 bằng bài thơ của thánh Phaolô, quen đọc trong các lễ hôn phối.

Người ghi : Trần Văn Cảnh

 

II. HỌP TỔNG KẾT SƯ PHẠM KHOÁ CHUẨN BỊ HÔN NHÂN ÐẦU

Biên bản số 3_BMVHN

Họp ngày 15.02.1996, từ 20g đến 23 giờ, tại GXVN Paris, dành riêng cho Ban Giảng Huấn

Hiện diện : 9 giảng viên : Cha Vinh, Sách ; Bà Minh Khánh ; Ông Ái, Cảnh, Minh, Nha, Thạch, Thông. (Vắng mặt : ông Ðỉnh)

A.     Mục đích và chương trình buổi họp

Sau kinh Chúa sáng soi, Cha Giám Ðốc đã nhường việc điều khiển buổi họp cho ông Cảnh. Ông Cảnh xác định rằng buổi họp dành riêng cho ban giảng huấn và có 2 mục tiêu : Kiểm điểm lại việc giảng dậy khoá 1 Giáng Sinh 1995 ; Chuẩn bị và làm tốt hơn khoá 2 Phục Sinh 1996.

Và để buổi họp có kết quả, ông Cảnh gợi ra 12 vấn đề mà buổi họp sẽ duyệt qua : 1) Nội dung, thư liệu ; 2) Ðề tài, đặt vấn đề và dàn bài ; 3) Mục tiêu của mỗi bài ; 4) Thẩm lượng sự thâu nhận của khoá sinh ; 5) Phương pháp trình bày ; 6) Dụng cụ trình bày của mỗi bài ; 7) Ngôn ngữ trìng bày của mỗi bài ; 8) Giảng huấn ; 9) Thời gian trình bày của mỗi bài ; 10) Việc tổ chức ; 11) Chứng chỉ của khoá sinh ; 12) Lễ bế giảng.

B.     Cảm tưởng chung về khoá Giáng Sinh 1995 vừa qua

Bác sĩ Ái : Trước khi phát biểu cảm tưởng của tôi, tôi xin hai cha cho cảm tưởng về sự đóng góp của các giảng viên giáo dân.

Cha Vinh : Mang lại hai điểm lợi : Các đề tài chuyên môn được khai triển hơn với thời gian dài hơn ; Các đề tài chuyên môn được chính xác hơn, gây được tính nhiệm của học viên hơn.

Cha Sách : Khoá CBHN có các giảng viên giáo dân tham dự là điều mong muốn từ lâu. Linh mục ít người, mà mỗi người một chuyên môn hạn hẹp. Giới trẻ đòi hỏi, muốn biết nhiều về những vấn đề cụ thể của đời sống hôn nhân. Ở Việt Nam nhiều nơi đã tổ chức các khoá CBHN có giáo dân tham giảng. Ở Hoa Kỳ nhiều cộng đoàn việt nam cũng đã tổ chức và thành công. Giáo xứ Việt nam Paris vừa tổ chức được khoá CBHN. Tổ chức được một khoá như vậy đã là một ưu điểm. Có các giảng viên chuyên môn, kinh nghiệm và thiện chí, đó lại là một điểm tích cực khác nữa. Nhưng dường như luồng giao cảm vẫn chưa chuyển thông lắm ! Tại mới quá ? Tại còn lý thuyết hơn thực hành ? Tại nội dung cao, hơn tầm thâu nhận của các học viên ? Dẫu sao, ta cũng nên viết bài trước và viết thì nên đầy đủ.

Luật sư Thông : Tôi xin phản ánh một bài báo « La croix » vừa in trong tuần này, liên quan đến hoạt động chuẩn bị hôn nhân : Trong tất cả các giáo xứ pháp, 86% hôn nhân được chuẩn bị nguyên bởi các linh mục, chỉ 14% được chuẩn bị bởi các khoá học có sự đóng góp của giáo dân. Vì giới trẻ càng ngày càng ít, các nhà thờ đều tổ chức các sinh hoạt « bên cạnh tôn giáỏ để giữ họ lại với cộng đoàn. Hội đồng Giám mục Pháp vừa ra  thông cáo cho phép ngừa thai bằng « bao ». Bác sĩ Ái vừa hỏi cảm tưởng của các cha và ban giám đốc, tôi xin hỏi cảm tưởng của Bs Ái.

Bác sĩ Ái : Một vấn đề khó là các học viên có một xa cách về tuổi tác đối với các giảng viên ; không biết cách nói của tôi như một người cha, có làm họ hiểu không ? Tôi đã đọc qua các bài viết của các giảng viên, tôi thấy có nhiều bài cô đọng quá, không biết biết các học viên có lãnh hội được hết trong một giờ không ? Tôi tự hỏi : không biết có cách nào nói cụ thể, thực tế hơn không ? Dẫu sao, theo tôi nghĩ, cái viết khác với cái nói. Cái viết phải đầy đủ hơn, tự nhiên khó hiểu hơn. Còn cái nói thì phải khác đi một ít với cái viết, vì phải cụ thể thực tế hơn. Kết luận, như mình đã dồng ý với nhau ở lúc khởi đầu, mình đùng cao vọng quá, mình chỉ đặt vấn đề, các học viên, cả đời họ, họ sẽ tìm lời giải.

Cha Vinh : Theo tôi nghĩ, mình không nên đơn giản vào cuộc nói chuyện gia đình. Khoá học CBHN có tính cách tổng quát, bao trùm nhiều vấn đề rộng lớn hơn.

Luật sư Thông : Tôi tha thiết mong sao quí vị góp ý về đề tài dân luật có tính cách khách quan, lý thuyết, không thể nói chuyện như ở gia đình được, dẫu tôi vẫn muốn đưa vào những thí dụ cụ thể.

Bà giáo sư Minh Khánh : Khi báo Giáo Xứ đăng tin có khoá chuẩn bị hôn nhân, tôi có tình cờ được nói chuyện với các phụ huynh, nhiều người hoan nghênh sáng kiến này của các cha. Tôi cũng có dịp được nói chuyện với mấy giáo dân arméniens, họ phục mình đáo để, vì sáng kiến để giáo dân tham gia vào việc giảng dậy và họ cũng muốn bắt chước mình. Khi nãy, cha Sách nói là dường như luồng giao cảm chưa chuyển thông lắm, các tham dự viên còn rụt rè, không dám hỏi, không dám nói. Thực ra, họ thấy chiều hướng tốt, đề tài hay, nhưng không đủ thời giờ. Vả nữa, đây là một thực tế : có những cặp thích thú, nghiêm chỉnh chuẩn bị, cũng có những cặp chỉ đi cho đủ hình thức. Về phương pháp và dụng cụ giảng dậy, tôi xin cho phát bài trước, và khi giảng, tôi cắt nghĩa rõ để các học viên hiểu hơn.

Cha Vinh : Thực ra, một phần ba đã tham dự chỉ để có hình thức, ví dụ một đôi, chồng có đạo, vợ không có đạo, đã có hai con ; một đôi đã lấy vợ từ Việt Nam qua ; một đôi vội vã về Việt Nam làm lễ cưới.

Giáo sư Thạch : Chị Minh cắt nghĩa rõ để các học viên dễ hiểu hơn. Chả trách nào họ rất thích bài của chị vì chị giảng hay và cụ thể. Riêng tôi, tôi thấy rằng các học viên rất phấn khởi. Họ « intéressés và intéressants ». Phản ứng của họ thích thú hay không là tùy đề tài. Dẫu sao, nói chung, khoá CBHN đã mang lại một ảnh hưởng tốt.

Giáo sư Nha : Kết quả khoá CBHN, tôi đã thăm dò các học viên, có nhiều phấn khởi. Những cái họ muốn biết, nay biết hơn, nhất là những vấn đề sức khoẻ, vệ sinh, y khoa. Riêng bài của tôi về vấn đề tài chánh, họ có thắc mắc : nên mở một chương mục chung hay hai chương mục riêng ? Tôi gặp và nói chuyện với một vài trung tâm chuẩn bị hôn nhân của Pháp, họ cũng lấy làm vui và thích thú khi biết mình đã mở được lớp CBHN. Vì là lớp đầu, mình chưa đạt được mọi điều mong muốn, chắc chắn khoá sau mình sẽ hoàn hảo hơn. Tôi tự hỏi, để kết thúc khoá học, mình có nên tổ chức cấm phòng một ngày, nửa ngày cho các học viên không ?

Bác sĩ Minh : Tổng quát, phải công nhận mình cũng giúp ích phần nào cho những đôi lứa CBHN. Với thời gian mình sẽ có nhiều thí dụ hơn và họ sẽ trau dồi nhiều hơn.

Giáo sư Cảnh : Tổng quát, tôi thấy các khoá sinh rất phấn khởi, hiếu học và tích cực tham dự. Họ có nhiều thắc mắc và đặt nhiều câu hỏi. Có lễ tôi sẽ phải thay đổi tiếp cận sư phạm. Thay vì trình bày cổ điển, tôi sẽ dùng phương pháp đối thoâi, quan sát thực tế, hay dự án hành động nhiều hơn. 

C. Kinh nghiệm để làm vững nội dung và cập nhật thư liệu cho khoá Phục Sinh 1996 

Giáo sư Cảnh đề nghị mỗi người tự kể điều mình đã làm trong việc tìm thư liệu để làm vững nội dung và cập nhật đề tài mình phụ trách.

Cha Vinh : Kinh nghiệm mục vụ, tài liệu Công Ðồng Vatican 2, mấy cuốn sách chuẩn bị hôn nhân.

Cha Sách : Lễ nghi phụng vụ theo sát và kinh nghiệm mục vụ. (Vì cha Sách lo trách nhiệm thư viện giáo xứ, nên có nhiều ssề nghị xin cha dành một mục về gia đình và các vấn đề hôn nhân trong thư viện. Nhờ Gs Nha làm một bản liệt kê các sách về hôn nhân hiện có ở thư viện).

Luật sư Thông : Chọn tài liệu theo mục tiêu. Tinh thấn giáo luật và dân luật đồng hành nhau để chuẩn bị hôn nhân. Tài liệu Công Ðồng Vatican 2, giáo luật. 1/3 là lấy ở tài liệu giáo trình đại học. Các tài liệu cụ thể lấy ở các công sở. Ðề nghị khoá 2 nên in bài vào khổ nhỏ, gấp đôi lại làm thành tập tài liệu.

Bác sĩ Minh : Mặc dầu là một đề tài chuyên môn, nhưng thư liệu chính là thư liệu cá nhân về hành nghề, về bảo vệ sức khoẻ cho gia đình mình và kinh nghiệm qua các gia đình khác. Các tài liệu chuyên môn chỉ chiếm 1/3 mà thôi. Dàn bài tự tìm ra.

Bà giáo sư Minh Khánh : Quan sát các sự kiện của cuộc sống hằng ngày. Tìm luận cứ qua các báo Dân Chúa, Giáo Xứ.

Giáo sư Thạch : Tài liệu chính là Phúc Âm và Công Ðồng Vatican 2. Kinh nghiệm sống. Dàn bài gồm : chia sẻ kinh nghiệm sống ; Lồng vào đó một ít giáo lý và tu đức ; Tâm tình sống đạo cá nhân.

Giáo sư Nha : Kinh nghiệm cá nhân về cái nhìn của người công giáo qua Phúc Âm và giáo lý.

Bác sĩ Ái : Tài liệu kỹ thuật y khoa không khó kiếm. Cái khó là làm sao cho các học viên hiểu. Tài liệu của ÐGH về vấn đề sinh lý nhân tính, đặc biệt là những tài liệu mới, như « Phúc âm đời sống », « Hy vọng », « Tài liệu về phụ nữ »,… Làm các bản hình về kỹ thuật y khoa.

Giáo sư Cảnh : Sách báo về giáo dục gia đình và học đường đọc hàng ngày. Tài liệu của Giáo Hội về các vấn đề giáo dục. Kinh nghiệm sống.

D. Tổ chức khoá Phục Sinh 1996 sắp tới 

1.      Thứ tự trình bày các đề tài trong khoá học có được xếp đặt theo một tiếp nối hữu lý không ? Thực ra có thể xếp đặt theo thứ tự hữu lý, nhưng cụ thể các giảng viên có những vấn đề thực tế khó theo. Chỉ cần cha Vinh khởi đầu với « Mục đích và đặc tính của bí tích hôn nhân » và cha Sách kết thúc với « Cử hành bí tích hôn nhân ». Bà Minh Khánh gợi ý nên đề cập đề tài vai trò người vợ và vai trò người chồng dưới khía cạnh « Người vợ muốn gì, đợi gì nơi người chồng ; Người chồng muốn gì, đợi gì nơi người vợ ? » Mọi người đều đồng ý đó là tự do của hai giảng viên liên hệ. Nhưng xin lưu ý rằng vai trò người vợ không chỉ là đáp lại ý muốn của người chồng, cũng như vai trò của người chồng không chỉ là đáp lại ý muốn của người vợ.

2.      Một vị đề nghị nên thêm giờ học. Mọi người lưu ý rằng : «  Còn nhiều đề tài cần phải được đề cập, nhưng xin các học viên tiếp tục việc học hỏi qua Nhóm Gia Ðình Trè » với cha Dũng.

3.      Còn lễ mãn khoá nên tổ chức sao cho thoải mái hơn và rộng rãi thời gian hơn : tốt nhất là vào lễ chiều chủ nhật cuối tháng.

4.      Về khoá Phục Sinh 1996, luật sư Thông gợi ý rằng nên trao phát chương trình và tài liệu trước cho các khoá sinh. Lễ mãn khoá, cả cha Giám Ðốc lẫn bác sĩ Ái đều trao bằng chứng chỉ. Riêng chứng chỉ, nên làm bằng mầu dịu hơn, trắng ngà, trao đích danh và cá nhân, nên ký đầy đủ, nên liệt kê các môn học.

5.      Ðây là lịch trình khoá Phục Sinh 1996 đã được mọi người đồng ý :

·        Thứ sáu 12.04.1996 : Cha Vinh, Gs Thạch

·        Thứ sáu 19.04.1996 : Gs Cảnh, Bs Minh

·        Thứ sáu 26.04.1996 : Bs Ái, Bà gs Minh Khánh

·        Thứ sáu 03.05.1996 : Gs Nha, Bs Ðỉnh

·        Thứ sáu 17.05.1996 : Ls Thông, Cha Sách

·        Lễ bế giảng vào lễ 17 giờ chủ nhật 02.06.1996.

6.      Ðính kèm đây là bản CHỨNG CHỈ và đầu đề các đề tài bằng tiếng Việt và Pháp đã được thảo luận, sửa chữa và đồng ý.

Buổi họp kết thúc vào lúc 23 giờ bằng kinh sáng danh.

Người ghi : Trần Văn Cảnh

 

TỔNG GIÁO PHẬN PARIS

Archevêché de Paris

GIÁO XỨ VIỆT NAM

Mission Catholique Vietnamienne

15, rue Boissonade, 75014 Paris

Tél. : 43 35 20 72

CHỨNG CHỈ DỰ BỊ HÔN NHÂN

Attestation de Préparation au Mariage

 

Anh, Mr (Chị, Mlle) : ………………………………………………….

Dã tham dự chương trình DỰ BỊ HÔN NHÂN do Giáo Xứ Việt Nam tổ chức

A suivi avec assiduité le programme de Préparation au Mariage, organisé par la Mission Catholique Vietnamienne

Khoá, Session :………………………………………………………….

Nội dung, Programme

1.      Mục đích và đặc tính của Bí tích Hôn nhân

Buts et caractéristiques du Sacrement de Mariage

2.      Sống đạo trong gia đình

Vivre la foi en famille

3.      Gia đình và dân luật

Famille et droit civil

4.      Ðời sống sinh lý vợ chồng

Physiologie sexuelle humaine

5.      Vệ sinh và dinh dưỡng trong đời sống vợ chồng

Hygiène et nutrition dans la vie du couple

6.      Giáo dục con cái : tại sao dậy, dậy cái gì, dậy làm sao ?

Eduquer ses enfants : pourquoi, quoi et comment ?

7.      Vấn đề tài chánh trong gia đình

Problèmes financiers de la famille

8.      Vai trò người chồng

Rôle du mari

9.      Vai trò người vợ

Rôle de la femme

10.  Cử hành Bí tích Hôn Nhân

Célébration du Sacrement de Mariage

  

Paris, ngày (le)………………….

  

Ðại diện Ban Giảng huấn                              Linh mục Giám Ðốc

Le Représentant des Intervenants              Le Recteur

 

Docteur Maurice NGUYỄN VĂN ÁI               Père Joseph MAI ÐỨC VINH


[1] Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Gia Ðình, ngày 22.11.1981, số 66.

Tác giả Gs. Trần Văn Cảnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!