Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gia Đình Lectio Divina
Mục Lục

LỜI NGỎ

Giải thích hình Lectio divina

I. Dẫn nhập

II. LECTIO DIVINA là gì?

III - VII

VIII. Những giai đoạn thực hành Lectio divina

IX. Việc đọc Lời Chúa Theo cha Daniel

PHỤ LỤC

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LECTIO DIVINA - Cầu Nguyện Dưới Tác Động Của Lời Chúa

LECTIO DIVINA học trong trường Mẹ Maria

LECTIO DIVINA - Cầu Nguyện Dưới Tác Động Của Lời Chúa
IX. Việc đọc Lời Chúa Theo cha Daniel

IX. VIỆC ĐỌC LỜI CHÚA

(theo P. Daniel Rougemont)


A. TRONG TRUYỀN THỐNG DO THÁI

Trong truyền thống do thái, cuốn TORAH (nghĩa là các sách thánh và lề luật) chiếm một chỗ đứng chính yếu. Lề luật có liên hệ mật thiết với Giao Ước. Giao Ước Núi Sinai là một giao ước phu thê. Lề luật là món quà cưới Chúa trao ban cho dân Ngài. Lề luật là phong tục tập quán của Chúa, là cách thức để được nhìn thấy Chúa và tác động của Ngài. Tác động của Chúa là lối diễn tả bản thể của Ngài là Tình Yêu. (Thánh vịnh 118 là bản tình ca của lề luật, bởi vì lề luật tỏ lộ tấm lòng của Chúa đối với dân Ngài). Học hỏi và nghiền ngẫm Lề Luật là phận vụ cao đẹp nhất của mọi người Do Thái. Đọc Lời Chúa là đi vào mối liên hệ thân tình với Chúa: “Chớ gì sách Luật này đừng rời khỏi miệng ngươi; và ngươi sẽ suy gẫm sách Luật đó ngày đêm, để lo thi hành tất cả những gì viết trong đó; vì như thế ngươi sẽ được thịnh đạt trên đường đời, vì như thế ngươi sẽ thành công” (Gs 1,8).

Thế nhưng suy gẫm là gì đối với một người Do thái? Thưa là suy gẫm với miệng, với lưỡi, với môi, với hơi thở, chứ không phải chỉ với đầu óc mà thôi. Suy gẫm tức là lập đi lập lại, là thầm thĩ đọc lại Lời Chúa. Việc đọc Lời Chúa, trong nguồn gốc do thái, bao gồm chiều kích xã hội: đọc Lời Chúa nơi hội đường hay trong gia đình.

     *  Ba yếu tố của việc suy gẫm Lời Chúa nơi người Do Thái:

. Đọc thành lời
. Ghi nhớ vào ký ức
. Nghiền ngẫm (suy đi nghĩ lại).

1. Đọc thành lời:

Ngay cả khi đọc riêng một mình, cũng phải đọc Lời Chúa to thành tiếng, phát âm rõ ràng, để chẳng những chỉ có mắt làm việc, nhưng cả miệng và tai cũng làm việc nữa. Đây là việc đọc Lời Chúa to tiếng, để chính mình cũng nghe được.

2. Ghi nhớ vào ký ức.

Người Do thái học bằng trí nhớ, thuộc lòng tập Thánh Vịnh.

3. Nghiền ngẫm (suy đi nghĩ lại)

Nghiền ngẫm hay nhai lại là một tác động của thân xác: nhai lại một thức ăn đã được đưa vào dạ dày rồi. Ví dụ như con bò nhai lại thức ăn nó đã đưa vào bụng hồi sáng, để ăn lại lần thứ hai.

Ba yếu tố trên đây của việc “suy gẫm” có thể diễn tả bằng động từ:

1. Nói: đọc to tiếng
2. Nghĩ: ghi vào ký ức
3. Nhớ lại: nghiền ngẫm

Đó là ba giai đoạn cần thiết của cùng một sinh hoạt.

Một khi chăm chú đọc Lời Chúa, chúng ta sẽ nghe tiếng Bạn Chí Thánh gõ cửa. Cửa giống như tấm màn, mỗi lúc một trở nên trong suốt (Kn 6,12-15; Kh 3,20; Dc 5,2).

B. TRUYỀN THỐNG KITÔ
  CỦA VIỆC ĐỌC LỜI CHÚA

Trong thời Giáo Hội tiên khởi, các tín hữu tiếp tục truyền thống đã nhận lãnh từ trường dạy Do Thái. Chúa Giêsu, Đức Mẹ, các thánh Tông Đồ thực hành truyền thống này. Gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ (Bài Phúc Âm lễ Truyền Tin (Lc 1,26-38).

Các thánh tu rừng không có kinh nguyện nào khác ngoài thực hành Lectio divina!

 LỜI CHÚA ĐƯỢC VIẾT RA
          LÀ ĐỂ NGHE CHỨ KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐỌC

Đối với thánh Cypriano, thì từ ngữ la tinh “Lectio Divina” ám chỉ cuốn Kinh Thánh: “Anh em hãy luôn có sách Kinh Thánh trong tay”. Học biết Đọc Lời Chúa tức là học biết Phúc Âm.

Thánh Cypriano dành một chỗ đứng quan trọng cho việc đọc Lời Chúa. Vào thời các thánh Giáo Phụ, việc đọc Lời Chúa diễn ra trong bầu khí vô cùng trang trọng. Lời Chúa trao ban cùng thông truyền Thiên Chúa và dạy chúng ta biết những sự thuộc về Ngài. Danh từ “Lectio Divina” được dịch ra “Đọc Lời Chúa”, phải được hiểu trong ý nghĩa sống động, nghĩa là, Lời đến từ Thiên Chúa và trao ban Thiên Chúa.

Lời Chúa trở thành sức mạnh khi được viết ra, nhưng Lời Chúa trở nên sống động khi được tuyên đọc, được công bố. Từ ngữ loài người là những chất thể mang Lời Chúa. Chúng ta có thể so sánh với Bí Tích Thánh Thể: Bánh và Rượu là những chất thể, nhưng phần cốt yếu chính là Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Lời Chúa được viết ra là để nghe chứ không phải để đọc. Nếu chúng ta viết ra Lời Chúa, chính là để chúng ta có thể nghe được Lời Chúa, mà trước hết, Lời Chúa là một sứ điệp. Đọc Lời Chúa là một Bí Tích; không nên lẫn lộn với việc đọc sách thiêng liêng. Khi đối diện với Lời Chúa, không nên đặt mình trong địa vị của một người đọc, nhưng là một người nghe. Khi chúng ta lắng nghe, thì tâm lòng chúng ta được mở rộng hơn để tiếp nhận Lời Chúa, tiếp nhận chính THIÊN CHÚA.

C.  KINH THÁNH VÀ ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG

TRONG TRUYỀN THỐNG

Philoxène de Mabbourg qua đời năm 450 là người sống đồng thời với thánh Biển Đức, nhưng tại Đông phương. Ngài là đan sĩ, sau làm giám mục.

Philoxène trình bày cho chúng ta quy luật “métanie” trước Phúc Âm: đặt tầm quan trọng nơi thị giác, với sự đóng góp của toàn thân thể. Các năng lực cảm nghiệm và trí thức đều được dùng trong lãnh vực thiêng liêng để được THIÊN CHÚA BA NGÔI chiếm giữ.

Đọc Lời Chúa bao trọn mọi chiều kích của con người:

- Khi “đọc” (lectio), mắt nhìn bản văn và tai nghe Lời Chúa

- Khi “suy gẫm” (meditatio), trí thông minh được tận dụng

- Khi “cầu nguyện” (oratio), tinh thần bày tỏ cùng Thiên Chúa

- Khi “chiêm ngắm” (contemplatio), Thiên Chúa bày tỏ cùng linh hồn.

Việc đọc Lời Chúa thống nhất toàn hữu thể con người, bởi vì toàn hữu thể con người đều góp phần vào việc đọc Lời Chúa.

THỜI TRUNG CỔ 

Vài khuôn mặt tiêu biểu:

Thánh Bênađô (1090 - 1153. Thánh Bênađô trú ngụ nơi Kinh Thánh: ngài cử động trong Kinh Thánh, sống trong Kinh Thánh; ngài sống vì Kinh Thánh và muốn cho người khác cũng sống Kinh Thánh. Thánh nhân là người của Kinh Thánh cách tuyệt hảo.

Thánh nữ Gertrude (1256 - 1302). Chính Chúa GIÊSU dạy Thánh nữ Gertrude cách thức đọc Lời Chúa:

1. Đọc: “Đọc trình thuật cuộc Khổ Nạn”

2. Suy Xét: “Khảo sát với trọn lòng yêu mến”. Điều Chúa dạy Thánh nữ phải tìm kiếm trong Lời Ngài, chính là Tình yêu.

3. Viết: “Hãy viết Lời Ta”. Điều gì được viết ra thì được ghi vào trí nhớ và vào con tim. Khi việc đọc Lời Chúa trở nên khô khan thì cách đơn giản nhất là nên chép lại bản văn.

4. Giữ lại: “Hãy giữ lại Lời Ta”. Lc 2,19: “Phần Maria, Bà ghi nhớ tất cả những biến cố đó và suy gẫm chúng trong lòng”.

5. Lập Lại: “Hãy thường xuyên lập lại trong con những lời Ta nói”. Giống như ru Lời Chúa trong lòng.

Marie de l'Incarnation (Cát minh, 1599 - 1672). Marie kết nối động tác ngây ngất của Ngôi Lời vào nội tâm Ba Ngôi Thiên Chúa: ra khỏi chính mình để gặp gỡ người khác. Kinh nguyện kitô là một đà tiến đến người khác: đó là cuộc sống của Ngôi Lời trong vòng tay Chúa Thánh Linh. Chỉ có một người cầu nguyện: đó là Chúa Kitô trong Chúa Thánh Linh.

Marie sống hôn ước với Ngôi Lời qua việc sống Lời Chúa; qua bí tích Lời Chúa, bà đến với Ngôi Lời.

Nơi Marie, việc hiểu biết Lời Chúa phát xuất từ ba nguồn gốc - ba nơi gặp gỡ với Ngôi Lời qua Lời Ngài:

a. Phụng vụ thánh

b. Bài Giảng

c. Đọc riêng Lời Chúa

Marie de l'Incarnation nhận được hồng ân thần bí từ Kinh Thánh; bà là người tiếp nối các Giáo Phụ.

Jean Monbaer (+ 1501). Vào thế kỷ thứ 16, người ta bắt đầu hệ thống hóa:

1. Certa (nhất định): thời giờ và nơi chốn nhất định.

2. Attenta (chú ý): không đọc nhanh, cũng không đọc hời hợt, nhưng vừa đọc vừa chú ý đến chiều sâu của bản văn.

3. Devota (sốt sắng): chen lẫn với tâm tình dâng lên Chúa, nghĩa là linh hồn nói chuyện tâm tình với Chúa: l'oratio (cầu nguyện).

4. Sonora (âm giọng): đọc thành lời. Chúng ta tiếp nhận Lời Chúa như sứ điệp chứ không phải như bản văn.

5. Modesta (khiêm tốn): đọc ít nhưng nghiền ngẫm thật kỹ những gì đã đọc.

 

  

D. VÀI CÂU HỎI LIÊN QUAN ĐẾN
VIỆC ĐỌC LỜI CHÚA

- Đọc gì?
- Đọc khi nào?
- Đọc ở đâu?
- Đọc thế nào?

a. Đọc gì?

Khuyên nên theo sách bài đọc Phụng vụ và chấp nhận bản văn (Phúc Âm) do Giáo Hội chọn cho chúng ta ngày hôm đó. Hoặc là đọc sách Kinh Thánh theo thứ tự từ đầu đến cuối (chẳng hạn vào dịp tĩnh tâm). Nhất là đọc bài Phúc Âm của thánh lễ mỗi ngày.

Việc tuân theo bản văn của sách bài đọc Phụng vụ giúp chúng ta có được sự liên tục trong việc đọc Lời Chúa và tránh rơi vào khuynh hướng chủ quan, chỉ muốn chọn đọc một bản văn ưa thích, hoặc nghĩ là mình cần đến. Tự đặt mình giữa lòng Giáo Hội sẽ tránh cho chúng ta nguy cơ của khuynh hướng chủ quan.

Đôi khi một bản văn Phụng vụ có thể là rất khô khan, tuy nhiên với đức tin, chúng ta biết rằng Ngôi Lời thông truyền và chiếu tỏa trên chúng ta một cách kín đáo. Đây là lúc đánh thuốc mê: chúng ta chỉ có nhiệm vụ nằm yên trên bàn mổ.

Câu chuyện Lấy Kinh Thánh ra khỏi văn cảnh

Một kitô hữu chỉ biết cĩ Kinh Thánh, gặp những vấn đề nghiêm trọng trong việc kinh doanh vì khủng hỏang kinh tế. Công việc kinh doanh của ông sắp bị phá sản.

Trong lúc bối rối, ông muốn mở Kinh Thánh cắt ngang để tìm điều Thiên Chúa muốn ông làm. Vì thế ông lấy cuốn Kinh Thánh dày cộm, mở đại ra trong lúc mắt ông nhắm lại,  ngón tay trỏ di chuyển trên trang giấy. Khi ông dừng lại, ngón tay chỉ vào sách Mát-thêu 27, 5, ông đọc: “Giuđa lui ra và đi thắt cổ”. Ông rất đau buồn, lẩm bẩm: “Có phải đây là điều Thiên Chúa muốn tôi làm bây giờ”. Vì thế, ông thử lại lần nữa theo cùng một cách thức.

Mắt nhắm lại, ông mở đại cuốn Kinh Thánh và di chuyển ngón trỏ trên trang giấy. Mở mắt ra, ông thấy ngón tay chỉ vào sách Luca 10, 37, ông đọc: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy”. Con người khốn khổ càng thêm đau buồn.

Ông ta nghĩ: “Mình hãy thử lại lần thứ ba để xem lần này có xác nhận hai lần trước không”. Ông mở sách và gấp sách, rồi mở lại, lập lại cùng một cách thức. Khi mở mắt ra, ông thấy ngón tay chỉ vào sách Gioan 13, 27. Người kiô hữu đáng thương của chúng ta chỉ biết sống tỉ mỉ với Kinh Thánh hầu như ngã quị bởi cơn đau tim vì câu Kinh Thánh ấy viết: “Anh làm gì thì làm mau đi”.

b. Đọc Lời Chúa khi nào?

Điều quan trọng là phải cần mẫn. Phải tận hiến thời gian tốt đẹp nhất cho việc đọc Lời Chúa. Có những khoảng thời gian dễ tìm thấy sự thinh lặng hơn những lúc khác. Chẳng hạn như: ban đêm, sáng sớm, chiều tối.. Enzo nói: “Xếp đặt thời khóa biểu làm việc tùy ý con, nhưng điều quan trọng là phải luôn luôn trung thành tuân giữ thời giờ đã định này. Không nên đi cầu nguyện với Chúa, chỉ khi nào con thấy có một khoảng trống rãnh rỗi giữa những công việc thường ngày của con”. Ngày Chúa Nhật là ngày tuyệt hảo nhất (lý tưởng nhất) cho việc đọc Lời Chúa.

Cần phải có nhiều can đảm và táo bạo để có thể tổ chức đời sống riêng tư của chúng ta tùy theo những giá trị của chúng ta. Về việc đọc Lời Chúa thì các Giáo Phụ nói là, phải dành ra khoảng thời gian ít nhất một giờ đồng hồ.

c. Đọc Lời Chúa nơi nào?

Phòng riêng là nơi chốn kết hợp thân mật với Ngôi Lời. Phòng riêng là nơi thánh, là đền thờ đặc biệt trơ trụi và lớp lang.. Nên cầu nguyện trong nét đẹp: Biết nhìn nhận sự yếu đuối của mình và dùng những phương tiện nhỏ có thể giúp chúng ta, như một bức ảnh (icône), một cây Thánh Giá, một ngọn nến thắp sáng. Căn phòng riêng là nơi chốn ưu tiên để hưởng nếm sự hiện diện của Chúa. Căn phòng riêng còn được xem như sa mạc, nơi Chúa nói chuyện với lòng. Lời Chúa là Bánh nuôi sống chúng ta trong sa mạc khô cằn.

d. Đọc Lời Chúa như thế nào?

Theo mẫu thực hàn hcủa các đan sĩ qua 4 giai đoạn:

1. Đọc (Lectio)
2. Suy (Meditatio)
3. Cầu  (Oratio)
4. Ngắm (Contemplatio)

1. LECTIO

Đọc to tiếng bản văn Kinh Thánh, không phải một lần, nhưng nhiều lần. Đọc chậm rãi, kính cẩn với trọn con người của chúng ta, khiến chúng ta đi vào mối hiệp thông với THIÊN CHÚA. Đọc Lời Chúa trước tiên là lắng nghe Lời Chúa, nên nhớ rằng, Lời Chúa là để nghe chứ không phải chỉ để đọc. “Ước gì việc đọc Lời Chúa của con trở thành lắng nghe và việc lắng nghe trở thành tuân phục”. Phải tước bỏ mọi thành kiến để lắng nghe, thế nào cho bản văn Kinh Thánh có thể nói với chúng ta trong trọn nét chủ quan của nó, chứ không phải nói với chúng ta điều chúng ta muốn nó nói. Lời Chúa luôn sống động và thời sự, Lời nói với tôi ngày hôm nay đây: “Hôm nay, chúng ta đừng đóng kín cửa lòng”. Hãy đi đọc Lời Chúa với con tim mới mẻ. Hãy để cho Chúa được hoàn toàn tự do làm theo ý Chúa muốn. Thánh Jérôme nói: “Hãy căng buồm cho Chúa THÁNH LINH mà không biết sẽ cập đến bến bờ nào”.

2. MEDITATIO

Việc suy gẫm Lời Chúa phải hướng đến tình yêu: hiểu biết để yêu mến. “Suy gẫm tức là tìm kiếm vị ngon của Kinh Thánh, chứ không phải tìm kiếm khoa học”. Tìm kiếm Chúa Kitô trong chữ viết của bản văn được linh ứng, để khám phá ra Tình Yêu THIÊN CHÚA, hưởng nếm tình yêu này và kết hiệp với Chúa..


Khám phá con tim Chúa trong Lời Chúa: đó là điểm lạ lùng nhất trong mọi Lời được linh ứng, chính là lúc mở rộng con tim chúng ta, con tim do Chúa làm, để Ngài chạm đến và biến đổi nó.

Như khi đi dạo, chúng ta có thể dừng lại.. suy gẫm như thế cho phép chúng ta được tự do dừng lại lâu hơn nơi một chữ, một câu nào đó. Đọc đi rồi đọc lại những đoạn văn làm cho chúng ta chú ý, làm như là chúng ta ru ngủ nó để nó thấm nhập vào trí nhớ của con tim. Thánh Ambrosio viết: “Mỗi khi tôi đọc Kinh Thánh, thì Chúa dạo chơi với tôi trong thiên đàng”.

Isaac Ninivê dạy chúng ta rằng: “Khi suy gẫm, Lời Chúa trở thành một hương vị ngọt ngào trong miệng, khiến chúng ta có thể lập đi lập lại ngàn vạn lần mà không cảm thấy nhàm chán”. Chúng ta cứ dừng lại nơi một đoạn văn Kinh Thánh và không đọc thêm đoạn nào khác. Chúng ta không cần làm gì khác ngoài việc suy đi gẫm lại đoạn văn đó, đào sâu nó, bằng cách nói thầm thì mãi một lời một câu thôi. Làm như thế tức là để cho Lời Chúa nói với riêng tôi, hay nói đúng hơn, là chính Chúa nói với tôi, và Lời Chúa nói với tôi, tra vấn những điều mà hôm qua, cũng một Lời này, đã không nói, cũng không tra vấn tôi.

Nghiền ngẫm Lời Chúa trong lòng con: tức là kéo dài việc suy gẫm Lời Chúa. Tác động suy đi ngẫm lại có hiệu quả là làm cho hoàn hảo việc thấm nhuần Lời Chúa và lưu giữ nơi trí nhớ của tâm hồn, trước sự hiện diện của Ngôi Lời. Việc suy đi ngẫm lại này cũng có thể làm suốt ngày, chứ không phải chỉ làm trong lúc đọc Lời Chúa mà thôi.

3. ORATIO

Bản văn Kinh Thánh biến thành kinh nguyện nơi chúng ta, thường chỉ bằng một chữ thôi: như một tia lửa làm bật cháy ánh sáng trong tâm hồn. Thánh Bênadô viết: “Nếu tôi cảm thấy tâm trí tôi mở rộng cho việc hiểu biết Kinh Thánh; hay có những lời lẽ khôn ngoan tuôn trào dồi dào tự đáy lòng tôi; hoặc một luồng sáng rực rỡ tỏ lộ cho tôi những mầu nhiệm; hoặc trời cao mở rộng cung lòng để tuôn đổ trên tôi dồi dào ơn mưa móc của việc suy gẫm, thì tôi chắc chắn rằng, Đức Lang Quân tôi đã đến”.

Việc suy gẫm khơi nguồn nơi chúng ta lòng ước ao. Lời Chúa xuống trong lòng tôi, rồi từ lòng tôi phát đi và trở về với Chúa dưới hình thức lời cầu nguyện. “Khi con đọc, chính là Chúa nói với con; khi con cầu nguyện, là con nói chuyện với Chúa”. Hai hành động song đôi của việc Nhập Thể (Chúa Kitô đến với chúng ta, rồi trở về cùng Thiên Chúa) hoàn tất cách rõ ràng minh bạch nơi việc đọc Lời Chúa. Trước tiên Lời Chúa đến với chúng ta và chúng ta tiếp nhận Lời Chúa, rồi Lời Chúa trở thành sự sống và ánh sáng cho chúng ta - đó là việc đọc và suy gẫm Lời Chúa - rồi chỉ sau đó, chúng ta mới được Lời Chúa hướng dẫn đến với Chúa Cha - đó là việc cầu nguyện. Từ đó, trong khi đọc và sau khi đọc Lời Chúa, buổi đọc Lời Chúa trở thành buổi tán tụng ngợi khen Chúa: linh hồn chấp thuận ơn nhận được từ Lời Chúa và tỏ lộ tâm tình ngưỡng mộ: đó là lời đáp của linh hồn. “Ngôn ngữ của Ngôi Lời là tuôn đổ ơn lành, còn lời đáp của linh hồn là lòng ngưỡng mộ chen lẫn với tâm tình tạ ơn”.

Lời kinh cám tạ, cầu xin; lời kinh của người nghèo biết chắc sẽ được lắng nghe, nhậm lời. Tin rằng Chúa có thể thực hiện nơi chúng ta vẻ đẹp mà Ngài chỉ cho chúng ta thấy. Người ta có thể nói gì về lời nguyện - chiêm ngắm - ở cuối buổi cầu nguyện với Lời Chúa, nếu không phải là: lời cầu nguyện giống như bụi gai nóng trong đám lửa cháy sáng?

4. CONTEMPLATIO

Đây là lúc THIÊN CHÚA tỏ tình với chúng ta: ân huệ phát xuất từ tình yêu và cho chúng ta được hưởng nếm hương vị ngọt ngào của Chúa. Linh hồn chìm ngập trong Chúa. “Không ai có thể nhìn chúng ta, cũng không còn xúc động của lời cầu nguyện; trước mặt chúng ta chỉ còn có khuôn mặt của Chúa Kitô và trong ánh sáng của Chúa, chúng ta chiêm ngưỡng ánh sáng của THIÊN CHÚA CHA. Thân xác chúng ta đó, nhưng chúng ta không cảm thấy sức nặng của nó; chúng ta không nhận thấy, nhưng quả thật chúng ta đã được biến đổi nên giống hình ảnh Đấng chúng ta chiêm ngưỡng, mỗi lúc một sáng láng hơn (2Cor 3,18). Khuôn mặt không che dấu, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa KITÔ và trở nên một với Ngài” (Enzo).

Đọc Lời Chúa đặt tôi trước sự hiện diện của Lời như trước tấm gương soi. Càng đặt mình trước Lời Chúa, con người càng phản chiếu Lời Chúa giống như trước tấm gương soi. Phơi mình trước các tia sáng rực rỡ của Lời Chúa sẽ làm cho tôi sạm nắng và tiêu hủy tất cả những gì xấu xa trong tôi.

Không có chiêm niệm nếu không có Kinh Thánh. Chính Kinh Thánh cho chúng ta được bảo tồn đời sống kết hợp với Thiên Chúa. Thánh Bênadô nói: “Nếu anh em tuân giữ Lời Chúa, chắc chắn anh em sẽ được Lời Chúa gìn giữ. Và Con Thiên Chúa sẽ đến với anh em cùng với Cha Ngài”.

Điều quan trọng là phải kết thúc buổi cầu nguyện với Lời Chúa bằng lời nguyện cảm tạ và ngợi khen.

Thưởng thức trái cam:

Nhận trái cam, gọt vỏ hay cắt trái cam, đưa vào miệng nhai để thưởng thức vị ngon của trái cam.

(Cha Daniel. đan viện Nazareth, Rougemont, Montréal, Canada)



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!