Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Lm. Minh Anh, TGP. Huế
Mục Lục

Lời nói đầu

Phần I : Những Khía Cạnh Của Đời Sống Thiêng Liêng

Phần II: Yêu Mến Sự Cô Tịch

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LÒNG THƯƠNG XÓT ĐÍCH THỰC

KHÁT KHAO CẦU NGUYỆN

Dành Giờ Cho Chúa

ĐƯỢC GỌI ĐỂ SỐNG

Tự Do Nội Tâm

Bài ca của bình minh

Taking Flight - Bay Lên Đi!

Thầy Dạy Khát Khao

Hoa Trái Thinh Lặng

Cẩm  Nang  Hạnh  Phúc Gia  Đình  Kitô - MỤC VỤ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Một Quan Điểm Công Giáo về Tác Phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích

Huế Cổ, Vết Tích Đạo và Đời

Sống Theo Đúng Mục Đích

Sadhana - Một nẻo đường dẫn tới Thiên Chúa (của Anthony de Mello, sj.)

Hoa Trái Thinh Lặng
Phần I : Những Khía Cạnh Của Đời Sống Thiêng Liêng

§ I Chỉ trong sa mạc, bạn mới gặp được Thiên Chúa

Không tai họa nào trong đời sống thiêng liêng lớn hơn tai họa bị nhấn chìm trong tính vô thực, nghĩa là trong cái không có thực, phi thực tế; bởi lẽ, cuộc sống mỗi người được duy trì và được nuôi dưỡng bên trong bởi những mối tương quan sống của chúng ta với những thực tại bên ngoài và bên trên chính mình. Khi đời sống được nuôi bằng cái vô thực, nó phải ngắc ngoải vì đói; vì thế, nó phải chết. Không sự khốn cùng nào lớn hơn bằng việc nhầm lẫn cái chết vô bổ này với “cái chết” thực, đầy hy sinh và mang lại hoa trái mà nhờ đó, chúng ta bước vào cuộc sống.

Cái chết mà nhờ đó, chúng ta bước vào đời sống mới không phải là sự chạy trốn thực tại nhưng là một quà tặng toàn vẹn của chính mình vốn bao gồm việc dấn thân hoàn toàn vào thực tại. Cái chết này khởi đầu bằng việc từ bỏ những thực tại hão huyền mà tạo vật đạt được khi chúng chỉ được nhìn thấy trong tương quan với những mối bận tâm lo cho chính mình nơi chúng ta.

Trước khi có thể thấy những vật tạo thành (đặc biệt vật chất) là vô thực, chúng ta phải thấy rõ ràng chúng là thực.

Vì tính “vô thực” của vật chất chỉ liên quan đến thực tại lớn hơn của những gì thuộc tinh thần.

Chúng ta bắt đầu việc từ bỏ của mình đối với các thọ tạo bằng cách lùi xa và nhìn chúng tự chính bản chất của chúng. Bằng cách đó, chúng ta nhìn xuyên suốt thực tại, thực tế, và sự thật của chúng vốn không thể khám phá cho đến khi chúng ta gạt chúng ra khỏi chính mình và lùi lại để chúng được nhìn theo luật gần xa. Chúng ta không thể nhìn xem sự vật theo luật gần xa khi chúng ta cứ khư khư ghì chặt chúng. Từ bỏ chúng, chúng ta mới bắt đầu hiểu rõ giá trị của chúng như chúng thực sự. Chỉ khi đó, chúng ta mới bắt đầu thấy Thiên Chúa trong chúng. Không đợi cho tới khi tìm thấy Ngài trong chúng, chúng ta mới có thể khởi hành trên con đường chiêm niệm tăm tối mà ở mút cùng của nó, chúng ta sẽ có thể thấy chúng trong Ngài.

Các Đan Phụ Sa Mạc tin rằng, chốn hoang dã được tạo nên có giá trị tột bật trong cái nhìn của Thiên Chúa một cách chính xác, bởi nó không có giá trị nào đối với con người. Vùng đất hoang là vùng đất mà con người không bao giờ có thể lãng phí bởi nó không mang lại cho nó một thứ gì cả. Không gì hấp dẫn họ, không có gì để họ khai thác. Sa mạc là nơi mà trong đó, dân được chọn đã lang thang bốn mươi năm chỉ được chăm sóc bởi một mình Thiên Chúa. Họ có thể đến Đất Hứa trong vòng vài tháng nếu trực tiếp đi đến đó. Kế hoạch của Thiên Chúa lại khác, họ phải học biết cách yêu mến Ngài trong hoang mạc và phải luôn nhìn lại thời gian trong sa mạc như là thời gian điền viên của đời họ với một mình Ngài.

Sa mạc được tạo thành một cách đơn sơ để trở nên chính nó, không phải để được con người chuyển đổi thành một cái gì khác. Núi non và biển khơi cũng vậy. Vì thế, sa mạc là nơi định cư hợp lý cho những ai không tìm kiếm điều gì ngoại trừ chính mình - nghĩa là một thọ tạo đơn độc, nghèo khó và không phụ thuộc vào ai ngoài một mình Thiên Chúa, nghĩa là không có một công trình nào đứng giữa chính nó và Đấng Tạo Thành nó.

Ít nhất đây là lý thuyết. Nhưng một yếu tố khác có liên quan. Trước tiên, sa mạc là quê hương của sự điên rồ. Thứ hai, đó cũng là nơi ẩn náu của ác quỷ, vốn bị quăng vào “vùng hoang mạc thượng Ai Cập” để “đi lang thang trong những nơi khô cằn”. Cơn khát làm con người hoá điên, và chính ác quỷ cũng điên cuồng vì khát khao cái ưu tú bị đánh mất của nó - bị đánh mất bởi ác quỷ đã tự giam mình trong chính nó và loại trừ mọi thứ khác.

Vì thế, người đi lang thang trong sa mạc để trở nên chính mình phải cẩn trọng rằng, mình sẽ không hoá điên và trở nên đầy tớ của tên ác quỷ vốn ở đó trong một thiên đường cằn cỗi của sự trống rỗng và cuồng bạo.

Tuy nhiên, hãy nhìn vào sa mạc hôm nay. Chúng là gì? Là nơi chôn rau cắt rốn của một sự sáng tạo kinh khủng và mới lạ, là nơi thử nghiệm của sức mạnh, qua đó con người không tạo ta những gì Thiên Chúa đã chúc lành. Ngày nay, vào thế kỷ của những thành tựu công nghệ lớn lao nhất của con người, thì rốt cuộc, hoang mạc đã đi vào trong chính nó. Con người không còn cần Thiên Chúa và nó có thể sống trong sa mạc nhờ vào những nguồn sống riêng của mình. Ở đó, con người có thể xây dựng cho mình những thành phố vô cùng to lớn, những tử cấm thành được bảo vệ của những thử nghiệm và sự đồi bại. Những khu phố lấp lánh toả chiếu suốt đêm trong sa mạc không còn là những hình ảnh Thành Của Thiên Chúa xuống từ trời để chiếu sáng thế gian bằng một nhãn quan hoà bình. Thậm chí chúng cũng không là phiên bản của tháp Baben vĩ đại đã từng mọc lên trong sa mạc Senaar, nơi con người “có thể làm cho tên tuổi mình lẫy lừng, thậm chí vươn lên tới trời” (St 11, 4). Chúng là nụ cười rạng rỡ và đê hèn của tên ác quỷ trên bề mặt của hoang mạc, những thành phố của sự bí mật, nơi mỗi người truy sát anh em mình; những thành phố mà nhờ những huyết mạch của nó, tiền bạc lưu chuyển như máu nhân tạo, và cuối cùng, từ lòng dạ của nó, công cụ huỷ diệt ghê gớm nhất sẽ được tạo ra.

Chúng ta có thể xem thấy sự lớn lên của những thành phố này mà không làm một điều gì đó để thanh tẩy chính tâm hồn mình sao? Khi con người, đồng tiền và những cổ máy của nó đi vào sa mạc và cư ngụ ở đó; khi con người không chiến đấu với tên ác quỷ như Đức Kitô đã làm nhưng tin vào lời hứa về quyền lực và sự giàu sang của nó, cũng như thờ phượng sự khôn ngoan siêu nhân của nó, thì chính sa mạc tự nó di chuyển khắp nơi. Vậy thì bất cứ nơi đâu cũng phải là sa mạc, nơi đâu cũng là chốn cô tịch, trong đó, con người phải thực hành thống hối, chống lại kẻ thù và thanh luyện chính tâm hồn mình trong ân sủng của Thiên Chúa.

Sa mạc là ngôi nhà của thất vọng. Và giờ đây, thất vọng có mặt khắp nơi. Đừng nghĩ rằng, thinh lặng nội tâm của chúng ta bao hàm một sự chấp nhận thất bại. Chúng ta không thể thoát khỏi bất cứ điều gì bằng cách ngấm ngầm chấp nhận chịu thua. Thất vọng là một vực thẳm không đáy. Đừng nghĩ đến việc đóng kín nó lại bằng cách chấp nhận nó và tìm cách quên đi việc mình đã chấp nhận.

Vậy thì đây là sa mạc của chúng ta: sống đối mặt thất vọng, nhưng không chấp nhận nó. Đạp nó xuống bên dưới niềm hy vọng vào thánh giá. Không ngừng nghỉ tiến hành chiến đấu chống lại thất vọng. Cuộc chiến đó là hoang mạc của chúng ta. Nếu quả cảm chiến đấu, chúng ta sẽ thấy rằng, Đức Kitô đứng về phe chúng ta. Nếu không thể đối mặt với nó, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy Ngài.


§ II Tính khí và cảm xúc

Tính khí mỗi người không tiền định người này nên thánh hay người kia bị đày xuống địa ngục. Tất cả các tính khí đều có vai trò như là nguyên liệu cho sự huỷ diệt hay cứu rỗi. Chúng ta phải học để thấy rằng, tính khí của chúng ta là một quà tặng đến từ Thiên Chúa, một tài năng mà nhờ đó, chúng ta phải sinh lợi cho đến khi Ngài đến, không thành vấn đề quà tặng đó nghèo nàn hay gay go. Nếu tận dụng điều mình có, nếu biết làm cho nó phục vụ tốt những ước muốn của mình, chúng ta có thể làm tốt hơn người khác vốn chỉ phục vụ tính khí mình thay vì buộc nó phục vụ mình.

Thánh Tôma nói, (I-II, Q.34, a.4) một người tốt khi người ấy tìm thấy niềm vui trong điều tốt; người ấy xấu khi tìm thấy niềm vui trong điều xấu. Người ấy đức hạnh khi tìm thấy hạnh phúc trong đời sống đức hạnh; người ấy tội lỗi khi tìm thấy vui thú trong đời sống tội lỗi. Vì thế, những thứ chúng ta yêu quý nói cho chúng ta biết chúng ta là ai.

Vì thế, người ta biết một người nhờ kết cục này. Người ta cũng biết người ấy nhờ sự khởi đầu của anh ta. Và nếu muốn biết một người vào bất kỳ một thời khắc quy định nào đó, hãy xem họ đã rời xa điểm khởi đầu và đến gần cái kết cục của mình là bao nhiêu. Bởi đó, một người phạm tội mặc dù tự ý, nhưng không yêu tội, người ấy vẫn không là người tội lỗi đúng nghĩa.

Người thành tâm xuất phát từ Thiên Chúa sẽ quay trở về với Ngài. Khởi đầu với quà tặng được hiện hữu và những khả năng Thiên Chúa trao ban, người đó đạt đến tuổi lý luận và bắt đầu chọn lựa. Phong cách chọn lựa của người ấy chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi những gì đã xảy ra với anh ta trong tuổi ấu thơ và bởi tính khí mà với nó anh được sinh ra.

Nó sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những hành động của những người chung quanh, bởi những sự kiện của thế giới mà trong đó người đó sống, bởi tính cách của xã hội. Tuy nhiên, tự cơ bản, nó vẫn tự do.

Nhưng sự tự do của con người lại không hành động trong một chân không luân lý. Cũng không cần thiết để nó tạo ra một chân không như thế hầu bảo đảm tự do của các hành động nơi chúng ta. Sự ép buộc từ bên ngoài, những khuynh hướng của khí chất mạnh mẽ và những đam mê từ bên trong không làm gì để tác động đến bản chất tự do của chúng ta. Chúng chỉ xác định hành động của chúng bằng cách áp đặt một số giới hạn trên tự do. Chúng cho tự do một tính cách đặc biệt riêng của nó.
 
Xét về tính khí, một người đàn ông nóng nảy có thể có khuynh hướng nổi nóng hơn người khác. Nhưng bao lâu giữ được ôn hoà, người đó vẫn thoát khỏi tính nóng nảy. Xu hướng nổi nóng của người đó chỉ là một sự thúc ép cá tính vốn có thể hóa lành hay dữ tùy theo những khát vọng của anh. Nếu ước ao điều xấu, tính khí của người đó trở thành một vũ khí xấu chống lại những người khác và thậm chí chống lại chính linh hồn mình. Nếu ước ao điều tốt, tính khí của người đó có thể trở thành công cụ được kiểm soát để chống lại sự dữ vốn ở trong chính mình và giúp người khác vượt qua những cản trở họ gặp trên đường đời. Người đó vẫn tự do để ao ước điều lành hay điều dữ.

Quả là ngớ ngẩn khi cho rằng, một đôi khi, vì xen vào lý trí, nên cảm xúc không có chỗ đứng trong đời sống thiêng liêng. Kitô giáo không thuộc phái Khắc Kỷ, thánh giá không thánh hiến chúng ta bằng cách triệt tiêu tình cảm con người, sự dứt bỏ không phải là không xúc cảm. Rất nhiều người sống khổ hạnh nhưng họ không thể trở nên những vị thánh lớn, chính xác, bởi vì những quy luật và những thực hành khổ chế của họ chỉ làm chết đi nhân tính thay vì để nó tự do phát triển một cách phong phú với tất cả khả năng của nó dưới tác động của ân sủng.

Thánh là một con người hoàn hảo, vị thánh đó là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Theo cách thức cá nhân của riêng mình, vị thánh đó tái tạo một điều gì đó quân bình, toàn thiện và trật tự mà chúng ta tìm thấy trong Nhân Tính của Đức Giêsu. Linh hồn của Đức Giêsu, cách thần thiêng, nên một với Ngôi Lời của Thiên Chúa tận hưởng đồng thời mà không xung đột với Thánh Nhan Tinh Tuyền của Ngài và cả những cảm xúc của con người cách chung, cách riêng hoặc thân thiết nhất - những tình cảm, hối tiếc và đau khổ, hạnh phúc, niềm vui, hay đau đớn; phẫn nộ và phân vân; lo lắng, sợ sệt và sợ hãi; an ủi và bình an.

Nếu không có những tình cảm nhân loại, chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa với tư cách là con người như được dự định để mến yêu Ngài. Nếu không cảm xúc, chúng ta không thể được Thiên Chúa yêu thương theo cách Ngài muốn yêu thương chúng ta - bằng Trái Tim của Con Người, Đức Giêsu, Đấng vốn là Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, và là Đấng Kitô được xức dầu.

Vì thế, đời sống khổ hạnh phải được khởi đầu và được thực hành với sự tôn trọng tối thượng tính khí, tính cách, cảm xúc và tất cả những gì làm nên con người chúng ta. Đây cũng là những yếu tố toàn vẹn trong nhân tính và vì thế, cả trong sự thánh thiện - bởi vì người thánh là người mà tình yêu Thiên Chúa đã phát triển trọn vẹn thành một con người theo hình ảnh Đấng Tạo Thành mình.

Việc kiểm soát cảm xúc bằng cách từ bỏ chính mình có khuynh hướng giúp cho việc trưởng thành và hoàn thiện hoá lòng nhân ái của chúng ta. Kỷ luật khổ chế không loại trừ tính nhạy cảm của chúng ta: vì nếu như thế, nó sẽ không hoàn thành nhiệm vụ của nó. Nếu thực sự từ bỏ chính mình, đôi lúc, sự hy sinh lấy khỏi chúng ta cả những thứ chúng ta thực sự cần đến. Vì thế chúng ta sẽ cảm thấy cần chúng.

Chúng ta phải trải qua cam go, nhưng cuộc tấn công của sự hành xác trên giác quan, trên sự nhạy cảm, trí tưởng tượng, sự phán đoán và ý chí lại được nhắm đến để phong phú hoá và thanh luyện tất cả những điều này. Năm giác quan của chúng ta sẽ đờ đẫn bởi lạc thú vô độ nhưng lòng thống hối lại làm chúng sắc bén, trả cho chúng sự sinh động tự nhiên, và nhiều hơn thế. Lòng thống hối tẩy sạch con mắt lương tâm và lý trí, giúp chúng ta suy nghĩ trong sáng và phán đoán đúng đắn, đồng thời gia tăng sức mạnh cho hoạt động của ý chí. Lòng thống hối còn làm tươi mới phẩm tính của tình cảm do việc thiếu từ bỏ chính mình và thiếu kỷ luật bản thân vốn giải thích tính tầm thường của nghệ thuật sùng đạo, bài viết đạo đức, lời cầu nguyện sốt sắng đến thế và quá nhiều người ngoan đạo đến ngần ấy.

Một vài người xa lánh những cảm xúc hời hợt này bằng một thứ tuyệt vọng anh hùng và rồi, họ trẩy đi tìm Thiên Chúa trong một sa mạc, nơi mà những tình cảm không thể tìm thấy điều gì khả dĩ có thể nâng đỡ chúng. Nhưng cũng có thể đây là một sai lầm. Vì nếu những cảm xúc thực sự chết trong sa mạc, nhân tính chúng ta cũng sẽ chết với chúng. Như Chúa Giêsu hoặc thánh Gioan, từ sa mạc, chúng ta phải trở lại với những khả năng cảm xúc đã được mở rộng, được đào sâu, được củng cố, được cảnh báo hầu chống lại những mời mọc sai lầm, những cám dỗ mà bề ngoài, xem ra thật cao cả, thanh tao và tinh khiết.


§ III Con người, một thực thể thống nhất

Đời sống thiêng liêng không phải là đời sống lý trí. Nó không được suy nghĩ cách đơn độc. Dĩ nhiên, nó cũng không phải là đời sống của cảm xúc, cảm nhận -“cảm nhận” và trải nghiệm những thứ thuộc về tinh thần và những thứ thuộc về Thiên Chúa.

Đời sống thiêng liêng cũng không loại trừ suy nghĩ và cảm nhận. Nó cần cả hai. Nó không chỉ là đời sống được tập trung ở “đỉnh cao” của linh hồn, một đời sống mà từ đó tâm trí, óc tưởng tượng và thể xác bị loại trừ. Nếu quả như thế, ít người có thể sống đời sống đó. Và nếu đó là đời sống thiêng liêng, nó sẽ không mảy may là một đời sống thật sự. Nếu sống, người ta phải sống toàn vẹn, thể xác, linh hồn, tâm trí, con tim và tinh thần. Mọi thứ phải được nâng lên và biến đổi trong tình yêu cùng với niềm tin bởi sự tác động của Thiên Chúa.

Thật vô ích khi cố suy gẫm chỉ bằng cách “suy tư” - tồi tệ hơn khi suy gẫm bằng việc đọc kinh hoặc nhại lại vô số lời kinh nhàm chán.

Một đời sống hoàn toàn thiên về lý trí có nguy cơ mang tính huỷ diệt nếu nó dẫn chúng ta đến chỗ thay thế đời sống bằng ý tưởng và hành động bằng khái niệm. Đối với con người, hành động đúng đắn không hoàn toàn thiên về lý trí bởi lẽ, con người không phải là một lý trí tách rời khỏi thân xác. Vận mệnh của chúng ta chính là sống những gì chúng ta nghĩ, vì trừ phi chúng ta sống, chúng ta mới biết nó; bên cạnh đó, còn có nhiều điều thậm chí chúng ta không biết. Chỉ bằng cách làm cho vốn hiểu biết trở thành một phần của chính mình ngang qua hành động, chúng ta mới có thể đi vào thực tại vốn được biểu thị bởi những khái niệm.

Việc sống như một con vật có lý trí không có nghĩa là suy nghĩ như người và sống như vật. Chúng ta vừa phải suy tư, vừa phải sống với tư cách người. Ảo tưởng cố sống hai phần trừu tượng (hợp lý tính và thú tính) cách biệt nhau của chính hữu thể chúng ta, thật ra đó là hiện hữu như hai thực tại cụ thể khác biệt. Chúng ta là một, thể xác và linh hồn. Khi không còn sống như một thực thể thống nhất, chúng ta sẽ chết.

Sống không phải là suy tư vì suy tư được hình thành và hướng dẫn bởi những thực tại khách quan bên ngoài. Sống là thích ứng không ngừng ý nghĩ với đời sống, đời sống với ý nghĩ theo cách mà chúng ta luôn luôn lớn lên, luôn luôn trải nghiệm những điều mới mẻ trong những gì ngày càng cũ kỹ, đồng thời trải nghiệm những gì cũ kỹ trong những cái mới mẻ. Có như thế, cuộc sống sẽ luôn tươi mới.


§ IV Niềm vui chiến thắng chính mình

Lối nói “tự chinh phục” nhiều lúc nghe có vẻ chói tai, bởi lẽ rất thường khi, có thể nó không mang ý nghĩa chinh phục chính mình nhưng là một cuộc chinh phục bởi chính mình. Một chiến thắng chúng ta giành được bởi sức mạnh của chính mình. Chiến thắng điều gì? Chính xác là chiến thắng những gì không phải là chính chúng ta.

Tự chinh phục thực ra là chinh phục chính bản thân, không phải bởi tự sức mình, nhưng bởi Thánh Thần. Tự chinh phục là tự trao phó thực sự, tự đầu hàng.

Vậy mà, trước khi trao phó chính bản thân, chúng ta phải trở nên chính mình. Bởi không ai có thể từ bỏ cái mình không có.

Chính xác hơn - chúng ta phải đủ tự chủ để đặt ý riêng của mình vào tay Đức Kitô - để Ngài có thể chế ngự những gì chúng ta không thể đạt được bằng những nỗ lực riêng mình.

Để chinh phục chính mình, chúng ta phải có một niềm tin, một niềm hy vọng chiến thắng nào đó. Và để giữ cho niềm hy vọng đó sống động chúng ta thường phải cảm nếm sự chiến thắng. Chúng ta phải biết chiến thắng là gì và thích nó hơn thất bại.

Chẳng hy vọng gì đối với một người chiến đấu nhằm đạt được một nhân đức nào đó về mặt lý thuyết - một phẩm tính mà người ấy không trải nghiệm. Hiệu quả là người ấy sẽ không bao giờ thích nhân đức đó hơn một tính xấu đối nghịch, không thành vấn đề người ấy khinh miệt tính xấu đó làm sao.

Mọi người đều có một ước muốn tự bản năng để làm điều lành và lánh điều dữ. Nhưng ước muốn đó sẽ héo hon bao lâu chúng ta không kinh nghiệm được điều tốt là gì.

Lòng khát khao nhân đức sẽ chao đảo nơi nhiều người thiện chí do sự nhờm tởm mà tự bản năng, họ cảm nhận bao nhân đức lệch lạc nơi những người được cho là thánh thiện. Người tội lỗi có một cái nhìn nhạy bén với những nhân đức lệch lạc và họ có một quan niệm khắt khe về nhân đức phải như thế nào nơi một người tốt. Nếu ở một người được cho là tốt, họ chỉ thấy một “nhân đức” mà hiệu quả ít thiết yếu và ít thú vị hơn những tính xấu của chính họ, họ sẽ kết luận rằng, nhân đức đó không có ý nghĩa gì và họ sẽ bám vào điều mình đang có dù họ ghét nó.

Nhưng nếu chúng ta không có nhân đức nào thì sao? Làm sao có thể cảm nghiệm nó? Ân sủng của Thiên Chúa, qua Đức Kitô, Chúa chúng ta, tạo ra trong chúng ta lòng khao khát nhân đức vốn là một cảm nghiệm có trước nhân đức đó. Ngài làm cho chúng ta có khả năng “ước ao” nhân đức đó trước khi thủ đắc nó hoàn toàn.

Ân sủng, vốn là đức ái, bao gồm trong nó những nhân đức theo một cách thức tiềm tàng và ẩn giấu như lá và cành của một cây sồi bị che giấu trong trái sồi nhỏ bé. Trở thành một quả sồi là cảm nếm trước việc trở thành một cây sồi. Ân sủng thường mang theo mình toàn bộ nhân đức Kitô giáo trong hạt giống của chúng.

Những ân sủng đích thực sẽ dẫn chúng ta đến chỗ thực tại hoá những khả năng ẩn tàng này, đồng thời giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa của chúng: Đức Kitô đang hoạt động trong chúng ta.

Niềm vui trước một việc lành là một điều gì đó đáng nhớ - không phải để nuôi dưỡng tính tự mãn nhưng để nhắc nhở chúng ta rằng, những hành động nhân đức đó không chỉ khả thi và có giá trị, nhưng chúng có thể trở nên dễ dàng, phấn khởi và hiệu quả hơn những hành động xấu xa vốn chống lại và cản trở chúng.

Đừng để một sự khiêm tốn lệch lạc nào đó cướp khỏi chúng ta niềm vui chiến thắng vốn thuộc về mình và lại thật cần thiết cho đời sống thiêng liêng của mỗi người, đặc biệt lúc khởi đầu.

Quả cũng đúng, nếu về sau chúng ta vẫn có thể bị bỏ mặc cho những lỗi lầm mà chúng ta không thể vượt qua - ấy là để chúng ta có lòng khiêm tốn nhằm chiến đấu chống lại một đối thủ dường như không thể đánh bại và không ấp ủ một tự mãn chiến thắng nào. Bởi lẽ, chúng ta có thể bị đòi hỏi từ bỏ ngay cả niềm vui khi làm điều lành để bảo đảm rằng, khi làm những điều ấy, chúng ta nhắm đến một cái gì đó lớn hơn cả niềm vui đó. Nhưng để có thể từ bỏ niềm vui ấy, trước tiên, chúng ta phải đạt được nó. Ngay từ đầu, niềm vui của việc chiến thắng chính mình thật là cấp thiết. Đừng sợ ước muốn có được nó.


§ V Lười biếng và nhút nhát

Lười biếng và nhút nhát là hai trong số những kẻ thù lớn nhất của đời sống thiêng liêng. Chúng trở nên nguy hiểm nhất trong tất cả kẻ thù khi mang mặt nạ “sự thận trọng”. Sự lừa phỉnh này sẽ không quá tai hại nếu thận trọng tự nó không phải là một trong những nhân đức quan trọng nhất của người sống đời sống thiêng liêng. Thật vậy, chính sự thận trọng dạy chúng ta sự khác biệt giữa tính nhút nhát và suy xét khôn ngoan. Nếu mắt bạn đơn sơ… nhưng nếu ánh sáng ở trong bạn là bóng tối…

Sự thận trọng nói cho chúng ta điều Thiên Chúa muốn và không muốn. Làm như thế, sự thận trọng tỏ cho thấy bổn phận tương xứng với những gợi hứng của ân sủng hầu chúng ta có thể tuân theo những chỉ thị khác trong ý muốn của Thiên Chúa.

Lười biếng và nhút nhát đặt sự an nhàn hiện tại của chính chúng ta trước tình thương của Thiên Chúa. Lười biếng và nhút nhát e sợ cái bất định tương lai bởi chúng không đặt niềm tin nào vào Thiên Chúa.

Sự thận trọng cảnh báo chúng ta trước những nỗ lực vô ích: nhưng đối với kẻ hèn nhát, mọi nỗ lực đều vô ích. Sự thận trọng cho thấy nơi nào nỗ lực bị phí phạm và nơi nào thì nỗ lực trở nên bắt buộc.

Lười biếng trốn chạy trước mọi liều lĩnh. Sự thận trọng trốn chạy trước những liều lĩnh vô ích, nhưng lại thôi thúc chúng ta tiếp tục đón nhận sự liều lĩnh mà niềm tin và ân sủng Thiên Chúa đòi hỏi nơi chính mình. Khi Chúa Giêsu nói, Nước Trời sẽ được chiếm lấy bằng bạo lực, Ngài có ý nói, nó chỉ có thể được mua bằng giá của những liều lĩnh nào đó.

Không sớm thì muộn, nếu theo Đức Kitô, chúng ta phải liều lĩnh mọi thứ để đạt được mọi thứ. Chúng ta phải đánh liều với những thứ vô hình và liều lĩnh với tất cả những gì có thể thấy, nếm thử và cảm nhận. Nhưng chúng ta ý thức rằng, điều đó đáng để liều lĩnh, vì không có điều gì bấp bênh hơn thế giới chóng qua này. Vì bộ mặt thế gian này đang qua đi (1Cr 7, 31).

Không có lòng can đảm, không bao giờ chúng ta có thể đạt đến sự đơn sơ thực thụ. Tính nhút nhát tạo nên con người “hai lòng” - chúng ta lưỡng lự giữa thế gian và Thiên Chúa. Trong sự do dự này, bạn không có một niềm tin vững chắc nào - với bạn, niềm tin vẫn chỉ là một quan niệm mơ hồ. Không có gì chắc chắn nơi chúng ta bởi không bao giờ chúng ta tùng phục hoàn toàn thẩm quyền Thiên Chúa vô hình. Sự do dự này giết chết hy vọng. Không bao giờ chúng ta có thể giũ bỏ những nơi nương tựa khả giác mà chúng ta biết chắc một ngày nào đó, chúng sẽ làm chúng ta thất bại. Sự do dự này cũng làm cho lời cầu nguyện đích thực trở nên bất khả thi - hầu như không bao giờ bạn dám cầu xin một điều gì, hoặc nếu có, bạn lại quá chắc chắn về việc được lắng nghe đến nỗi trong chính khi cầu xin, bạn bí mật tìm cách đưa ra một lời đáp trả - chuyển tải bằng sự khôn ngoan thế gian (x. Gc 1, 5-8).

Đâu là lợi ích của việc cầu nguyện nếu chính vào lúc làm công việc này, niềm tin vào Thiên Chúa của chúng ta lại quá ít ỏi đến nỗi vì phải bận rộn vạch ra những phúc đáp cho lời cầu xin của mình?


§ VI Ích lợi của sự khốn cùng

Ở ngoài quỹ đạo tình yêu của Đức Kitô, không có đời sống thiêng liêng nào đúng đắn. Chúng ta có một đời sống thiêng liêng chỉ vì Đức Kitô yêu mến chúng ta. Đời sống thiêng liêng bao gồm việc đón nhận quà tặng Thánh Thần và lòng bác ái của Ngài; bởi lẽ trong tình yêu của Ngài, Thánh Tâm Chúa Giêsu đã muốn chúng ta sống nhờ Thần Khí của Ngài - cũng là Thần Khí phát xuất từ Ngôi Lời và từ Chúa Cha cũng như từ Đấng là tình yêu của Đức Giêsu dành cho Chúa Cha.

Nếu biết được tình yêu của Đức Giêsu dành cho chúng ta lớn lao nhường nào, chúng ta sẽ không bao giờ sợ hãi để đến với Ngài trong cơn túng quẫn, yếu đuối hoặc trong sự thảm hại và nhu nhược thiêng liêng của mình. Thật vậy, hiểu được bản chất đích thực tình yêu Đức Kitô dành cho chúng ta, chúng ta sẽ thích đến với Ngài, Đấng nghèo hèn và bơ vơ hơn cả chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy xấu hổ về sự khốn cùng của mình. Sự khốn cùng trở nên ích lợi khi chúng ta không còn gì để tìm kiếm ngoại trừ lòng nhân hậu. Chúng ta có thể vui mừng về sự bơ vơ của mình khi thực sự tin rằng, quyền năng của Đức Kitô được hoàn thiện trong sự yếu đuối đó.

Dấu hiệu chắc chắn nhất cho thấy mỗi người có được một sự hiểu biết thiêng liêng về tình yêu Thiên Chúa dành cho mình chính là họ cảm kích cảnh túng quẫn của bản thân trong ánh sáng của lòng thương xót vô hạn của Ngài.

Chúng ta phải yêu chính sự nghèo khó riêng lòng mình có như Đức Giêsu yêu nó. Với Ngài, nó quá giá trị đến nỗi Ngài đã chết trên thánh giá để biểu tỏ sự khốn cùng của chúng ta cho Cha Ngài và ban sự giàu có của lòng nhân từ vô hạn của chính Ngài cho chúng ta.

Chúng ta cũng phải yêu sự khốn cùng của người khác như Đức Giêsu yêu nó. Phải thấy họ bằng đôi mắt đầy lòng thương xót của Ngài. Thế nhưng, sẽ không thể động lòng thương xót thật sự trước người khác nếu chúng ta không sẵn lòng chấp nhận những điều đáng tiếc và đón nhận sự tha thứ tội lỗi của chính mình.

Chúng ta sẽ thật sự không biết làm thế nào để có thể tha thứ cho đến khi biết được thứ tha là gì. Vì thế, hãy vui mừng khi chúng ta có thể được tha thứ bởi anh em. Chính sự tha thứ cho nhau làm cho tình yêu của Đức Giêsu dành cho chúng ta được thể hiện trong đời sống mình, vì khi tha thứ cho nhau, chúng ta đối xử với nhau như Ngài đối xử với chúng ta.


§ VII Đức Kitô, nguồn hy vọng

Kitô hữu là người không sống cho mình, Kitô hữu ra khỏi chính mình hoàn toàn nhưng sống trong Đức Kitô - người đó sống trong niềm tin và tình yêu cứu rỗi của Ngài, Đấng yêu thương con người và vì con người, Ngài đã chết. Trên hết mọi sự, người đó sống trong niềm hy vọng vào thế giới mai ngày.

Hy vọng là bí quyết của một đời sống khổ hạnh chân thực. Hy vọng từ chối những ước muốn và phán đoán riêng tư của chính mình, đồng thời loại bỏ thế giới trong hiện trạng của nó, không phải vì thế giới hay chính con người chúng ta xấu xa, nhưng bởi chúng ta không ở trong một điều kiện để sử dụng tốt nhất điều thiện của chính mình hay của thế gian. Tuy nhiên, chúng ta hoan hỷ trong hy vọng, tận hưởng các thọ tạo trong hy vọng. Chúng ta tận hưởng chúng không phải như chúng ở trong chính mình nhưng như chúng trong Đức Kitô - đầy hứa hẹn. Vì sự tốt lành của mọi thọ tạo là bằng chứng sự tốt lành của Thiên Chúa và sự tốt lành của Ngài là một bảo đảm cho lòng trung thành của Ngài với những gì Ngài hứa. Ngài hứa ban cho chúng ta một trời mới đất mới, một đời sống được phục sinh trong Đức Kitô. Mọi sự từ bỏ chính mình nếu không hoàn toàn bị nắm bắt do lời hứa của Ngài sẽ thiếu mất tính Kitô.

Lạy Chúa của con, con thật vô vọng ngoài niềm hy vọng vào thánh giá Chúa. Nhờ sự khiêm hạ, những khổ đau và cái chết của Chúa, Chúa đã giải thoát con khỏi mọi hy vọng hão huyền. Chúa đã tiêu diệt tính hư ảo của cuộc sống hiện tại nơi chính bản thân và đã ban cho con tất cả những gì là vĩnh cửu khi Ngài chỗi dậy từ cõi chết.

Tại sao con muốn trở nên giàu có khi Ngài đã nên nghèo khó? Tại sao con muốn trở nên nổi tiếng và quyền lực trong mắt người đời khi con cháu của những kẻ tâng bốc các tiên tri giả ném đá những tiên tri thực chối từ Ngài và đóng đinh Ngài vào thập giá? Tại sao con phải ôm ấp trong lòng niềm hy vọng vốn đang huỷ hoại đời con - hy vọng vào hạnh phúc trọn vẹn ở đời này - một kiểu hy vọng như thế tất phải vỡ mộng, vô nghĩa và chỉ có thất vọng?

Hy vọng của con ở nơi những gì mắt thường không bao giờ nhìn thấy; vì thế, đừng để con tin vào những phần thưởng hữu hình đời này. Hy vọng của con ở nơi những gì tâm hồn người đời không thể cảm nhận; vì thế, đừng để con tin vào những tình cảm của con tim. Hy vọng của con ở nơi những gì tay con người không bao giờ chạm thấu; vì thế, đừng để con tin vào những gì giữa những ngón tay mà con có thể nắm lấy. Cái chết sẽ nới lỏng sự giữ chặt của con và niềm hy vọng vô hiệu ấy sẽ tan bay.

Hãy để niềm tin của con náu ẩn trong lòng thương xót của Ngài, chứ không phải trong chính con. Hãy để hy vọng của con cư ngụ trong tình yêu của Ngài, chứ không phải ở sức khoẻ, sức mạnh, khả năng hoặc những kế sách của con người.

Nếu con tin tưởng Ngài, mọi sự sẽ trở nên sức mạnh, sức khoẻ và nguồn đỡ nâng cho con, mọi sự sẽ mang con đến tận quê trời. Nếu con không tin vào Ngài, mọi sự sẽ trở nên huỷ diệt đối với con.


§ VIII Lòng biết ơn

Mọi tội lỗi là một hình phạt do tội đầu tiên của việc không nhận biết Thiên Chúa, nghĩa là mọi tội đều là hình phạt do sự vô ơn. Vì như thánh Phaolô nói (Rm 1, 21), các dân ngoại, vốn “biết” Thiên Chúa lại không nhận biết Ngài bởi họ không nhận ra hồng ân ơn được nhận biết đó. Họ không biết Ngài bởi sự hiểu biết của họ không làm họ vui thoả với tình yêu của Ngài. Vì nếu không yêu Ngài, chúng ta chứng tỏ rằng, chúng ta không biết Ngài. Ngài là tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu.

Sự hiểu biết Thiên Chúa nơi chúng ta trở nên hoàn hảo nhờ lòng biết ơn: chúng ta biết ơn và vui sướng khi cảm nghiệm chân lý này: Ngài là tình yêu.

Bí tích Thánh Thể - Hy Tế ngợi khen và tạ ơn - là một lò lửa bừng cháy của việc nhận biết Thiên Chúa. Vì trong Hy Tế này, Đức Giêsu - dâng lời tạ ơn lên Cha - trao ban và hiến tế trọn chính mình Ngài cho vinh quang Chúa Cha và cứu chúng ta khỏi muôn vàn tội lỗi. Nếu không “nhận biết” Đức Giêsu trong hy tế của Ngài, làm sao hy tế đó có thể mưu ích cho chúng ta? “Việc nhận biết Thiên Chúa thì quý hơn lễ hy tế” (Hs 6, 6). Chúng ta sẽ không biết Ngài trừ phi chúng ta cùng Ngài tạ ơn và ca tụng Chúa Cha.

Giữa lòng biết ơn và sự vô ơn, không có tính trung lập. Những kẻ không biết ơn thì sớm bắt đầu phàn nàn về mọi thứ. Ai không yêu mến, sẽ ghét bỏ. Trong đời sống thiêng liêng, không có chuyện dửng dưng như thế trước việc yêu hay ghét. Đó là lý do tại sao sự lãnh đạm (vốn dường như là dửng dưng) thì rất đáng ghét. Đó là sự ghét bỏ được trá hình như thể yêu thương.

Sự lãnh đạm mà trong đó linh hồn không “nóng cũng không lạnh” - không rõ yêu hay ghét - một tình trạng mà trong đó, người ta khước từ Thiên Chúa và khước từ ý muốn của Ngài đang khi bên ngoài, vẫn duy trì một sự giả vờ yêu mến Ngài để tránh khỏi những rối rắm và cứu lấy lòng tự trọng tưởng nghĩ đang có nơi mình. Đó là điều mà những ai có thói vô ơn trước những ân huệ của Thiên Chúa sớm đạt tới. Một người vốn thực sự muốn đáp trả lòng nhân lành của Thiên Chúa và hiểu biết tất cả những gì mình đã lãnh nhận không thể là một Kitô hữu hai lòng. Lòng biết ơn đích thực và sự giả hình không thể cùng nhau tồn tại. Chúng hoàn toàn không hợp nhau. Chính lòng biết ơn tự nó làm cho chúng ta chân thành - bằng không, đó chẳng phải là lòng biết ơn thật sự.

Tuy vậy, lòng biết ơn vượt hẳn một thao luyện tinh thần, hơn cả một công thức từ ngữ. Chúng ta không thể hài lòng ghi nhận trong trí những điều Thiên Chúa đã làm cho mình và rồi cám ơn Ngài chiếu lệ vì những ân huệ đã nhận lãnh.

Biết ơn là thừa nhận tình yêu Thiên Chúa trong mọi sự Ngài ban - và Ngài đã ban cho chúng ta mọi sự. Mọi hơi thở chúng ta hưởng nhận là một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa, mọi khoảnh khắc tồn tại là một ân sủng, vì nó mang theo vô vàn ân sủng từ Ngài. Lòng biết ơn vì thế, không xem điều gì là hiển nhiên, không bao giờ không đáp trả, luôn tỉnh thức trước những kỳ công mới và ngợi khen lòng nhân lành của Thiên Chúa. Vì người biết ơn biết rằng, Thiên Chúa tốt lành, không phải qua tin đồn nhưng qua trải nghiệm. Và đó là điều tạo nên sự độc đáo, khác biệt hoàn toàn.


§ IX Sự hư không

Hiểu biết và trải nghiệm sự “hư không” của chính mình nghĩa là gì?

Quả không đủ khi chê ghét những ảo tưởng, lỗi lầm và thiếu sót của bản thân đồng thời xa lánh chúng như thể chúng không có hoặc như thể tôi là một người nào khác không phải là mình. Việc tự triệt tiêu này không chỉ là một ảo giác tồi tệ hơn, nhưng đó là một sự khiêm tốn vờ vịt bằng cách nói “tôi không là gì” thì, dẫu vậy, điều đó có ý nói, “ước gì tôi không phải thế”.

Điều này có thể phát xuất từ một cảm nghiệm thiếu thốn và bất lực nơi bản thân nhưng nó không đem đến cho chúng ta bất cứ nguồn bình an nội tâm nào. Để thật sự biết cái “hư không” của mình, chúng ta còn phải biết yêu mến nó. Và sẽ không thể yêu mến nó trừ phi chúng ta thấy nó tốt lành. Và sẽ không thể thấy nó tốt lành trừ phi chúng ta chấp nhận nó.

Một trải nghiệm siêu tự nhiên về sự ngẫu nhiên của mình chính là lòng khiêm tốn, một lòng khiêm tốn biết yêu mến và quý chuộng hiện trạng đạo đức và sự yếu hèn thiêng liêng của mình trước Thiên Chúa hơn tất cả mọi thứ khác.

Để yêu mến cái “hư không” của mình theo cách này, chúng ta không ruồng rẫy chối nhận những gì thuộc về mình, cái chúng ta có, cái chúng ta là. Chúng ta phải thấy và thừa nhận rằng, tất cả là của chúng ta và tất cả đều tốt lành: tốt trong thực thể tích cực của nó bởi nó đến từ Thiên Chúa; tốt trong sự thiếu hụt của nó bởi sự yếu hèn của chúng ta, thậm chí cả cái khốn cùng luân lý và thiêng liêng của mình lại thu hút lòng nhân từ của Thiên Chúa xuống với chúng ta.

Để yêu mến sự hư không của mình, chúng ta phải yêu mọi thứ trong chúng ta, những thứ mà người kiêu ngạo yêu khi họ yêu chính mình. Nhưng chúng ta phải yêu nó hoàn toàn một cách đúng đắn vì lý do đối nghịch.

Để yêu mến sự hư không của chúng ta, chúng ta phải yêu chính mình.

Thế nhưng, người tự phụ yêu chính mình bởi người đó nghĩ rằng, mình đáng được yêu, được tôn trọng và kính mến vì mình. Người đó nghĩ, họ phải được Thiên Chúa và người khác yêu, họ đáng được tán dương, yêu mến và tôn trọng hơn mọi người khác.

Người khiêm tốn cũng yêu chính mình, ước ao được yêu và trân trọng, nhưng không phải bởi người đó xứng đáng để được yêu và tán dương cho bằng vì tình yêu và danh dự không xứng với người đó.

Người đó tìm được yêu thương bởi lòng thương xót của Thiên Chúa. Người đó xin được yêu thương và được cứu giúp bởi sự hào phóng nơi những bằng hữu của mình. Biết rằng mình không có gì, người đó cũng biết mình cần mọi thứ và không ngại van xin điều mình cần và nhận nó nơi mình có thể.

Người kiêu căng yêu mến những ảo giác và tự mãn về những gì mình có đang khi người nghèo khó về mặt tinh thần yêu mến chính sự thiếu thốn của mình. Người kiêu căng đòi cho được vinh dự vì đã có được điều mà người khác không có. Người khiêm tốn lại khẩn xin được chia sẻ những gì mà những người khác đã lãnh nhận, người đó cũng ước ao được đầy tràn lòng nhân ái và hay thương xót của Thiên Chúa.


§ X Đời sống thiêng liêng trước tiên là một đời sống

Đời sống thiêng liêng trước tiên là một đời sống.

Đời sống thiêng liêng không đơn thuần là một điều gì đó để biết, để học, nhưng là để sống. Như mọi cuộc sống, đời sống thiêng liêng sẽ trở nên yếu nhược và chết đi khi bị bứng khỏi môi trường thích hợp của nó. Ân sủng được ban cùng với bản tính, đồng thời, toàn thể con người chúng ta được thánh hiến bởi sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần. Vì thế, đời sống thiêng liêng không phải là một đời sống buộc phải hoàn toàn tách khỏi điều kiện sống của con người để đem vào lãnh địa của các thiên thần. Chúng ta sống như những con người thiêng liêng khi sống như những con người đi tìm Thiên Chúa. Trở nên con người thiêng liêng, chúng ta phải vẫn là người. Và nếu điều này không mấy hiển nhiên trong lãnh vực thần học, thì Mầu Nhiệm Nhập Thể tự nó đã là một bằng chứng phong phú về điều đó. Tại sao Đức Kitô đã làm người nếu không phải là để cứu con người bằng cách hiệp nhất họ với Thiên Chúa cách nhiệm mầu ngang qua Nhân Tính Thánh Thiêng của chính Ngài? Đức Giêsu sống cuộc sống đời thường của con người vào thời Ngài để thánh hóa đời thường của mọi người thuộc mọi thời. Vậy, nếu muốn trở nên thiêng liêng, trước tiên, chúng ta hãy sống đời sống của mình. Đừng sợ những trách nhiệm và những rối rắm không thể tránh khỏi từ công việc do ý định của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Hãy ôm lấy thực tại và bằng cách đó, chúng ta thấy chính mình được đắm chìm trong ý muốn trao ban sự sống và khôn ngoan của Thiên Chúa vốn đang bao bọc chúng ta ở khắp mọi nơi.

Trước tiên, hãy đoan chắc, chúng ta biết những gì chúng ta đang làm. Chỉ đức tin mới có thể đem lại ánh sáng để có thể nhìn thấy ý muốn của Thiên Chúa phải được tìm thấy trong cuộc sống thường nhật của mình. Không có ánh sáng này, chúng ta không thể nhìn thấy để đưa ra những quyết định đúng đắn. Không có xác quyết này, chúng ta không thể có niềm tin và bình an siêu nhiên. Chúng ta sẽ trượt ngã liên tục cả khi được chiếu sáng nhất. Một khi đã ở trong bóng đêm thiêng liêng thực sự, chúng ta thậm chí không biết mình đã ngã.

Để đời sống thiêng liêng thật sự sống động, đức tin của chúng ta phải được làm mới lại liên lỉ. Như những viên hoa tiêu trên những chiếc tàu chạy bằng hơi nước không đi được vì sương mù bao phủ phải nhìn vào bóng tối dày đặc phía trước, chúng ta phải lắng nghe âm thanh của những con tàu khác, và ý thức rằng, chúng ta chỉ có thể cập bến nếu luôn biết tỉnh táo. Vậy, đời sống thiêng liêng trước hết là việc phải luôn tỉnh thức. Chúng ta không được đánh mất sự nhạy bén của mình trước những nguồn cảm hứng thiêng liêng. Làm sao chúng ta luôn có khả năng đáp trả những cảnh báo tinh tế nhất đang gióng tiếng trong thâm sâu linh hồn mình, một linh hồn sống động về mặt thiêng liêng như một thiên hướng ẩn tàng.

Suy niệm là một trong những cách thức trong đó, con người thiêng liêng giữ cho mình tỉnh thức. Quả không phải là một nghịch lý, chính trong suy niệm mà hầu hết những người có tham vọng hoàn thiện về mặt đạo đức trở nên ngớ ngẩn và buồn ngủ. Bài suy niệm là một phương pháp rèn luyện nghiêm khắc, cũng là một bài học vốn không thể lãnh hội bằng bạo lực. Nó đòi hỏi can đảm và kiên nhẫn không ngừng. Những ai không sẵn sàng kiên nhẫn thực hành, rốt cuộc sẽ thoả hiệp với nó. Ở đây cũng như ở nơi khác, thoả hiệp chỉ là một tên gọi khác của thất bại.

Suy niệm là suy tư. Vậy mà suy niệm thành công lại vượt trội lý luận hoặc suy tư. Suy niệm cũng vượt trội “những tình cảm”, hơn cả một chuỗi những “hành vi” được chuẩn bị mà một người trải qua.

Trong giờ suy niệm, chúng ta không chỉ nghĩ và nói bằng tâm trí hoặc với môi miệng của mình, nhưng theo một nghĩa nào đó, bằng toàn thể con người mình. Vì thế, cầu nguyện không chỉ là công thức của từ ngữ, hay một chuỗi những khát khao trào dâng trong tâm hồn - đó là việc quy hướng toàn thân, tâm trí và tinh thần về Thiên Chúa trong thinh lặng, chú tâm và thờ phượng. Một buổi suy niệm tốt là một cuộc trở về của toàn thể bản ngã của chúng ta với Thiên Chúa.

Vì thế, theo nghĩa này, một người không thể đi vào suy niệm nếu không biết nâng tâm hồn lên. Bằng việc nâng tâm hồn lên, tôi không có ý nói đến việc gây xáo trộn, nhưng nói đến một sự tách mình ra khỏi lề thói thường ngày, một sự giải phóng tâm hồn khỏi những lắng lo và bận tâm của công việc thường nhật. Lý do tại sao quá ít người dấn thân cách nghiêm túc cho việc tâm nguyện, chính xác, là vì việc nâng tâm hồn lên quả là cần thiết đang khi họ thường không có khả năng nỗ lực đủ để làm điều đó. Có thể họ thiếu quảng đại, cũng có thể họ thiếu chỉ dẫn và kinh nghiệm, và rồi, họ đi lòng vòng quanh nó. Họ gây phiền hà cho bản thân, buông mình cho sự bối rối bởi những nỗ lực bạo động tự tạo ra để hồi tưởng lại, và cuối cùng, kết thúc trong thất vọng. Rốt cuộc, họ thoả hiệp với một chuỗi những công việc không mấy thoả mãn thường ngày vốn giúp họ sống qua ngày, hoặc cách khác, họ thư giãn trong một trạng thái lâng lâng mà họ hy vọng trạng thái đó có thể được biện hộ nhân danh chiêm niệm.

Tất cả các vị linh hướng đều biết đó là một vấn đề nan giải và tinh tế để xác định chính xác đâu là đường ranh giữa sự xao lãng nội tâm và sự khởi đầu chưa rõ ràng cũng như khó nhận ra của việc chiêm niệm thụ động. Nhưng trong thực hành, vào chính lúc này, người ta nói khá đầy đủ về việc chiêm niệm mang tính thụ động nhằm tạo cho kẻ lười biếng cơ hội đòi quyền ưu tiên của việc “cầu nguyện bằng cách không làm việc gì”.

Một chiêm niệm như thế không thể gọi là cầu nguyện, vì trong đó, “không gì được làm” hoặc “không gì xảy ra”, dẫu cho vẫn có thể có một sự cầu nguyện mà trong đó, không gì được biết, không gì được cảm nhận hay suy tư.

Toàn bộ lời cầu nguyện bên trong đích thực, dù đơn sơ đến đâu, vẫn đòi hỏi việc hướng toàn thể bản ngã của chúng ta về Thiên Chúa cho tới khi điều này được thực hiện - hoặc cách chủ động bằng chính nỗ lực của chúng ta hoặc cách thụ động bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần - chúng ta không đi vào “chiêm niệm”, cũng không thể an nhàn giảm nhẹ các nỗ lực của mình để thiết lập việc tiếp xúc với Thiên Chúa.

Nếu tìm cách ngắm nhìn Thiên Chúa mà không hướng bộ mặt toàn thể cái tôi bên trong của mình về Ngài thì cuối cùng, chúng ta sẽ không tránh khỏi việc chiêm ngắm chính mình và có lẽ, sẽ lao vào vực thẳm tối tăm hiểm nguy vốn là bản tính nhạy cảm của mình. Đó không phải là bóng tối, trong đó, người ta vẫn có thể duy trì sự thụ động cách an toàn.

Ngược lại, nếu quá lệ thuộc vào trí tưởng tượng và những cảm xúc, chúng ta sẽ không quy hướng chính mình về phía Thiên Chúa nhưng sẽ lao vào một cuộc bạo loạn của các hình ảnh và thêu dệt cho mình những kinh nghiệm đạo đức sản xuất tại gia, và điều này cũng thật hiểm nghèo.

Việc “hướng” toàn thể bản ngã của chúng ta về Thiên Chúa chỉ có thể đạt được bằng một lòng tin sâu sắc, chân thành và đơn sơ; một lòng tin trở nên sống động bằng lòng cậy trông với niềm tin tưởng rằng, việc tiếp xúc với Thiên Chúa là điều khả thi và lòng mến khát khao thực hiện ý muốn của Ngài trên hết mọi sự.

Một đôi khi, suy niệm không là gì ngoài cuộc chiến đấu bất thành nhằm quy hướng chính mình về Thiên Chúa hầu tìm kiếm Thánh Nhan Ngài bằng niềm tin. Đối với một người suy niệm hiệu quả, tất cả những gì ngoài tầm kiểm soát vẫn có thể làm cho việc suy niệm trở nên một điều không thể xét về mặt đạo đức. Trong trường hợp đó, chỉ cần có đức tin và ý ngay lành. Một người đã nỗ lực chân thành và thật lòng quy hướng chính mình về Thiên Chúa nhưng dường như không thể cầm lòng cầm trí thì cố gắng đó đã được kể là suy niệm. Điều này muốn nói rằng, Thiên Chúa, theo lòng nhân ái của Ngài, chấp nhận những nỗ lực bất thành của chúng ta thay vì chúng ta suy niệm thực sự. Đôi khi chính cái bất lực nội tâm này lại trở thành dấu chỉ của sự tiến bộ đích thực trong đời sống nội tâm - bởi lẽ, nhờ đó, chúng ta tuỳ thuộc hơn vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa cách trọn vẹn và bình an hơn.

Nếu có thể, nhờ ơn Chúa, chúng ta quy hướng chính mình hoàn toàn về Ngài, đồng thời dẹp bỏ mọi thứ khác để thân thưa với Ngài và thờ phượng Ngài, điều này không có nghĩa là, chúng ta có thể luôn luôn tưởng nghĩ đến Ngài hay cảm nhận sự hiện diện của Ngài. Cả trí tưởng tượng lẫn cảm nhận của chúng ta đều không cần thiết cho việc quy hướng toàn thể con người của mình về phía Thiên Chúa. Sự tập trung cao độ vào “ý niệm” Thiên Chúa cũng không cần phải ao ước cách đặc biệt.

Với ngôn ngữ loài người, quả thật khó khi nói đến một sự hiện diện của Thiên Chúa rất thực và rất dễ nhận ra (vì hầu như hoàn toàn không thể định nghĩa); ở đó, chúng ta đối diện với Ngài trong lời nguyện cầu vốn nhận biết Ngài là Đấng mà bởi Ngài, chúng ta được nhận biết; ý thức Ngài là Đấng ý thức đến chúng ta; yêu mến Ngài là Đấng yêu mến chúng ta. Hiện diện với chính mình trong toàn vẹn nhân phẩm của mình, chúng ta trình diện Ngài, Đấng vô cùng trong sự Hiện Hữu, Khác Biệt và Cá Vị của Ngài. Đó không phải là một cuộc diện kiến mặt đối mặt, nhưng là một sự hiện diện nào đó của bản ngã trước Bản Ngã, trong đó, với sự chú tâm đầy tôn kính của toàn thể con người mình, chúng ta biết Ngài trong Đấng mà mọi sự được tồn tại. “Con mắt” mở ra trước sự hiện diện của Ngài nằm ở chính trung tâm của lòng khiêm tốn, nơi chính trung tâm của tự do, nơi chính thâm sâu của bản tính thiêng liêng của chúng ta. Suy niệm là việc mở ra con mắt này.


§ XI Nghèo khó, cánh cửa dẫn đến tự do

Được nuôi dưỡng bởi các Bí tích cũng như được đào tạo bởi việc cầu nguyện và giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta không cần phải tìm kiếm điều gì khác ngoài vị trí đặc thù theo ý muốn của Thiên Chúa dành cho chúng ta trong Hội Thánh. Một khi tìm được vị trí đó, cuộc sống cũng như việc cầu nguyện của chúng ta lập tức trở nên cực kỳ đơn giản.

Tiếp đến, chúng ta sẽ khám phá ý nghĩa của một đời sống thiêng liêng đích thực. Đó không phải là vấn đề làm việc này tốt hơn việc kia, sống nơi này tốt hơn là sống nơi kia, cầu nguyện cách này tốt hơn cầu nguyện cách khác.

Đó cũng không phải là vấn đề của bất cứ hiệu quả tâm lý đặc biệt nào trong chính tâm hồn chúng ta. Nhưng đó chính là sự lặng thinh của toàn thể con người chúng ta trong tâm tình ăn năn và thờ phượng trước Thiên Chúa đang khi thường xuyên nhận biết Ngài là mọi sự và chúng ta là hư không. Ngài là Trung Tâm mà mọi thọ tạo đang quy về, là Đấng mà mọi hoạt động của chúng ta phải hướng đến. Đời sống và sức mạnh của chúng ta bắt nguồn từ Ngài, chúng ta hoàn toàn tuỳ thuộc vào Ngài cả khi sống lẫn khi chết, dòng đời chúng ta được Ngài biết trước và không trệch ra ngoài kế hoạch Quan Phòng khôn ngoan và nhân từ của Ngài. Quả là vô lý khi chúng ta sống cho mình và vì mình như thể không có Ngài. Mọi kế hoạch và tham vọng thiêng liêng của chúng ta đều trở nên vô dụng nếu không xuất phát từ Ngài và kết thúc trong Ngài, và rằng, cuối cùng, điều quan trọng duy nhất là vinh quang của Ngài.

Chúng ta sẽ làm phương hại đời sống cầu nguyện của mình nếu cứ mãi xét xem nó cũng như tìm kiếm hoa trái từ đó trong một sự bình an vốn không gì khác hơn là một quá trình tâm lý. Điều duy nhất đáng tìm kiếm trong việc cầu nguyện chiêm ngắm chính là Thiên Chúa; và chúng ta tìm được Ngài khi nhận ra rằng, không thể tìm kiếm Ngài trừ phi Ngài tỏ mình cho chúng ta, vậy mà cùng lúc ấy, Ngài sẽ không thôi thúc chúng ta tìm kiếm Ngài trừ phi chúng ta đã tìm được Ngài.

Càng bằng lòng với sự túng thiếu của mình, chúng ta càng gần Thiên Chúa hơn, vì bấy giờ, chúng ta chấp nhận sự túng quẫn trong bình an, không mong đợi gì từ chính mình nhưng trông chờ mọi sự từ Ngài.

Nghèo khó là cánh cửa dẫn đến tự do, không phải bởi chúng ta bị giam hãm trong lo lắng và miễn cưỡng do sự nghèo túng tự nó kéo theo, nhưng vì khi không tìm thấy điều gì nơi mình vốn có thể trở nên nguồn hy vọng để rồi biết rằng,  chẳng có gì nơi bản thân mình đáng để bảo vệ cả. Cũng không có gì đặc biệt để quý chuộng. Vì thế, ra khỏi chính mình, chúng ta ở lại trong Thiên Chúa, và chỉ trong Ngài chúng ta mới có niềm hy vọng của mình.

Có một giai đoạn trong đời sống thiêng liêng, ở đó, chúng ta tìm thấy Thiên Chúa trong chính mình - sự hiện diện này là hiệu quả có được do tình yêu của Ngài. Đó là quà tặng Ngài dành cho chúng ta. Nó ở lại trong chúng ta. Mọi quà tặng của Thiên Chúa đều tốt lành, nhưng nếu chúng ta ở lại trong chúng, hơn là trong Ngài, chúng sẽ đánh mất tính tốt lành của chúng. Với quà tặng này cũng vậy.

Thời gian thích hợp đến, chúng ta chuyển sang những điều khác, và Thiên Chúa rút lại cảm giác hiện diện của Ngài hầu củng cố đức tin của chúng ta. Sau đó, quả là vô ích khi tìm kiếm Ngài ngang qua trung gian của bất kỳ hiệu quả tâm lý nào. Vô ích khi tìm kiếm bất kỳ cảm nhận nào về Ngài trong tâm hồn. Đã đến lúc phải ra khỏi chính mình, vượt trên chính mình và không còn tìm Ngài trong chúng ta nữa nhưng tìm Ngài bên ngoài và bên trên chúng ta. Trước tiên, chúng ta làm điều này bằng niềm tin khô khan của mình, bằng niềm cậy trông bùng cháy như những hòn than hồng dưới lớp tro tàn của sự túng quẫn. Chúng ta cũng tìm kiếm Ngài bởi lòng bác ái khiêm tốn trong việc phục vụ anh em. Rồi khi Thiên Chúa muốn, Ngài nâng chúng ta lên tận chính Ngài trong sự đơn sơ.

Đâu là lợi ích của việc nhìn nhận sự yếu hèn nơi chính mình nếu chúng ta không nài xin Thiên Chúa quyền năng nâng đỡ? Đâu là giá trị của việc nhìn nhận sự nghèo túng nơi bản thân nếu chúng ta không bao giờ vận dụng nó để nài xin lòng thương xót của Ngài? Quả thật tồi tệ để tự mãn trong ý nghĩ rằng, chúng ta đạo đức; nhưng sẽ tồi tệ hơn khi chúng ta ở lì trong sự trì trệ dẫu đã ý thức đầy đủ những yếu đuối và tội lỗi của mình.

Giá trị của yếu đuối và nghèo khó ở chỗ, khi chúng là mảnh đất trong đó Thiên Chúa gieo vãi hạt giống khát vọng. Và không thành vấn đề xem chúng ta bị bỏ rơi làm sao, niềm khao khát liều lĩnh được yêu mến Ngài bất chấp sự khốn cùng tuyệt vọng của mình chính là dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa với lời hứa cứu độ chúng ta.


§ XII Ở lại trong Thiên Chúa

Muốn có một đời sống thiêng liêng, bạn phải thống nhất đời sống của mình. Một đời sống hoặc là hoàn toàn thiêng liêng hoặc là không thiêng liêng chút nào. Không ai có thể làm tôi hai chủ. Đời sống bạn được nắn đúc bởi mục đích sống của bạn. Bạn được hình thành theo hình ảnh những gì bạn ước muốn.

Để thống nhất đời sống, hãy thống nhất các ước muốn của bạn. Để thiêng liêng hóa đời sống, hãy thiêng liêng hóa những khát khao của bạn. Để thiêng liêng hóa những khát khao, hãy khát khao trở nên không có khát vọng nào.

Sống trong thần khí là sống cho một Thiên Chúa, Đấng chúng ta tin, cũng là Đấng không thể nhìn thấy. Vì thế, ước muốn sống trong thần khí là từ bỏ ước muốn tất cả những gì có thể nhìn thấy. Chiếm hữu Ngài, Đấng không thể hiểu thấu là từ bỏ tất cả những gì có thể thấu hiểu. Để ở lại trong Ngài, Đấng vượt xa mọi nơi an nghỉ được tạo dựng, chúng ta từ bỏ ước muốn lưu lại trong các tạo vật.

Bằng cách từ bỏ thế giới, chúng ta chiếm lãnh nó; vượt lên con số vô vàn của nó, chúng ta thâu tóm nó lại trong sự đơn sơ của một tình yêu vốn tìm thấy mọi sự trong Thiên Chúa.

Đây là điều Đức Giêsu có ý nói khi Ngài bảo, ai muốn cứu mạng sống mình, sẽ mất nó; và ai liều mất mạng sống mình vì Thiên Chúa, sẽ cứu được nó.

Chương 28 sách Gióp (cũng sách Barúc chương 3) nói cho chúng ta biết sự khôn ngoan của Thiên Chúa được giấu kín và không thể tìm thấy - vậy mà lại kết thúc bằng cách cho rằng, sự khôn ngoan đó được tìm thấy dễ dàng vì kính sợ Chúa là khôn ngoan.

Một thầy dòng không bao giờ được phép tìm kiếm sự khôn ngoan ngoài ơn gọi của mình. Nếu làm thế, thầy sẽ không bao giờ tìm thấy sự khôn ngoan, bởi vì đối với thầy, khôn ngoan ở trong ơn gọi của mình. Khôn ngoan chính là cuộc sống đan sĩ trong đan viện. Bằng cách sống chính cuộc sống đó, vị đan sĩ kia tìm thấy Thiên Chúa, chứ không phải bằng việc thêm điều này điều kia vào cuộc sống mình, những gì Thiên Chúa đã không đặt ở đó. Vì sự khôn ngoan chính là Thiên Chúa, Đấng sống trong ta, tự mặc khải cho chúng ta. Cuộc sống sẽ tự nó mặc khải cho chúng ta chừng nào chúng ta sống cuộc sống đó.

Đời sống đan viện đầy ắp tình thương của Thiên Chúa. Mọi việc đan sĩ kia làm đều đẹp lòng Thiên Chúa và được dâng lên cho vinh quang Ngài. Khi thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta hưởng nhận lòng thương xót của Ngài, bởi vì chỉ với quà tặng lòng thương xót Ngài, chúng ta mới có thể thực hiện thánh ý Ngài với một ý chỉ tinh tuyền và siêu nhiên. Ngài ban cho chúng ta ý chỉ này như một hồng ân vốn chỉ đóng vai trò một phương tiện để chúng ta lãnh nhận ngày càng nhiều hồng ân khác nữa và lòng thương xót Chúa đổ xuống chúng ta ngày càng nhiều hơn bằng cách mở rộng khả năng yêu mến Ngài nơi mỗi người. Khả năng đón nhận lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi chúng ta càng lớn thì khả năng dâng Ngài vinh quang càng nhiều vì Ngài chỉ được ca khen bằng chính những quà tặng của Ngài và được vinh quang rạng rỡ nhất bởi những ai mà trong họ, lòng thương xót của Ngài đã tạo nên một lòng yêu mến lớn lao nhất. “Kẻ được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7, 47).


§ XIII Nghèo khó đích thực

Người nghèo nhất trong một cộng đoàn tu trì không nhất thiết là người được giao cho ít vật dụng nhất để sử dụng. Nghèo khó không chỉ là vấn đề của việc không có các “đồ vật”. Đó là một thái độ dẫn chúng ta đến chỗ khước từ một số thuận lợi có được khi sử dụng những vật đó. Một người có thể không sở hữu gì cả nhưng lại quá coi trọng những thoả mãn và hưởng thụ riêng tư mà họ muốn dành cho mình từ những thứ vốn là của chung mọi người - bài hát trong ban hợp xướng, những bài giảng theo đề tài, bài đọc trong phòng ăn - những giờ tự do trong cộng đoàn, thời giờ của những người khác…

Thông thường, người nghèo nhất trong cộng đoàn là người được mọi người khác tuỳ nghi sử dụng. Ai ai cũng có thể sử dụng họ và họ không bao giờ dùng thời giờ để làm bất cứ điều gì đặc biệt cho riêng mình.

Nghèo khó - có thể liên quan đến những gì như ý kiến, “phong cách” của chúng ta, bất cứ điều gì vốn có khuynh hướng khẳng định chúng ta khác những người chung quanh, chẳng hạn nghĩ rằng, chúng ta trổi vượt những người khác theo cách mà chúng ta cảm thấy thoả mãn với những cá tính riêng biệt của mình và coi chúng như là những “vật sở hữu”. Đừng vì “nghèo khó” mà chúng ta trở nên lập dị. Người lập dị không phải là người có tinh thần nghèo khó.

Ngay cả khả năng giúp đỡ những người khác và cống hiến cho họ thời giờ và những gì chúng ta có vẫn có thể được “sở hữu” với sự dính trết nếu bởi những nghĩa cử này, chúng ta thực sự áp đặt cái tôi của mình lên những người khác và ép buộc họ quy về phía chúng ta. Trong trường hợp đó, chúng ta tìm cách mua họ và sở hữu họ bằng những ân huệ chúng ta ban phát.

Ôi lạy Chúa, ai trong chúng con có thể nói về sự nghèo khó mà không cảm thấy hổ thẹn? Chúng con, những người đã khấn giữ nghèo khó trong ơn gọi: chúng con có thực sự nghèo không? Chúng con có biết yêu mến sự nghèo khó là gì không? Thậm chí chúng con có dừng lại để suy nghĩ dù trong chốc lát, tại sao sự nghèo khó phải được yêu mến đến thế?

Vậy mà, ôi lạy Chúa, Ngài đã vào trần gian để trở nên nghèo giữa những người nghèo, vì lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời. Và chúng con, với lời khấn của mình, chúng con bằng lòng với sự kiện rằng, về mặt pháp lý, chúng con không có gì để sở hữu; và rằng, đối với mọi thứ chúng con có, chúng con phải xin phép một ai đó?

Đó có phải là nghèo khó không? Liệu một người không còn công ăn việc làm, không có tiền để trang trải những hoá đơn; một người thấy vợ con mình ốm yếu, cảm thấy sợ hãi và tức giận đang chán chường thất vọng - có thể có được  những gì anh ta rất cần chỉ bằng cách xin chúng không? Cứ để anh ta xin. Vậy mà, chúng con, những người có thể có nhiều thứ mà chúng con không cần, nhiều hơn nữa những thứ vốn là gương xấu nếu chúng con có - chúng con nghèo khó, bởi chúng con được phép sở hữu chúng?

Nghèo khó có nghĩa là thiếu thốn, nghĩa là cần một cái gì đó. Khấn nghèo khó để rồi không bao giờ ra đi với hai tay không, cần cái gì là có cái đó. Ấy là phỉ báng Thiên Chúa Hằng Sống.


§ XIV Đức Kitô, cuốn sách sự sống

 Việc đọc sách phải là một hành vi tôn kính đối với Thiên Chúa, nguồn mạch mọi chân lý. Chúng ta mở lòng mình trước những lời vốn phản ánh những thực tại Ngài đã tạo thành, hoặc trước Thực Tại lớn hơn, chính Ngài. Đó cũng là một hành vi thể hiện sự khiêm tốn và kính trọng những người khác vốn là khí cụ, qua họ, Thiên Chúa truyền đạt chân lý của Ngài cho chúng ta.

Thiên Chúa được vinh quang nhiều hơn khi chúng ta đọc và rút ra được nhiều hơn từ đó, khi việc đọc là một hành vi sống động và sâu sắc hơn không chỉ của trí thông minh mà còn là của toàn thể nhân cách của chúng ta, một nhân cách đầy tràn và tươi mới trong việc suy tư, suy niệm, cầu nguyện hoặc ngay cả trong chiêm niệm.

Sách có thể nói với chúng ta như Thiên Chúa nói, như con người nói hay như tiếng ồn ào của thành phố, nơi chúng ta sống. Như Thiên Chúa, chúng nói với chúng ta khi đem cho chúng ta ánh sáng, bình an; đồng thời đổ đầy tâm hồn chúng ta sự tỉnh lặng. Chúng nói với chúng ta như Thiên Chúa khi chúng ta ước mong không bao giờ rời xa chúng. Chúng nói với chúng ta như những con người khi chúng ta ước ao nghe chúng lại. Chúng nói với chúng ta như tiếng ồn ào của phố xá khi giam hãm chúng ta bằng một nỗi lo lắng nào đó vốn không nói với chúng ta điều gì, không đem lại bình an, không ủng hộ và cũng không có gì để nhớ; vậy mà, chúng vẫn không để chúng ta tẩu thoát.

Những cuốn sách vốn nói như Thiên Chúa nói với quá nhiều thẩm quyền để làm chúng ta vui thích. Những cuốn sách vốn nói như những người bạn tốt thì giữ chặt chúng ta bằng sức mê hoặc nhân loại của chúng; chúng ta lớn lên bằng việc tìm thấy chính mình trong chúng. Chúng dạy chúng ta biết mình rõ hơn bằng cách nhận ra chính mình nơi người khác.

Những cuốn sách nói với chúng ta như tiếng ồn ào của đám đông lại dẫn chúng ta đến chỗ thất vọng bằng nội dung tuyệt đối trống rỗng của chúng. Bằng những niềm hy vọng mà chúng không thể đáp ứng được, chúng chỉ giúp vui như những đèn phố về đêm.

Dẫu những cuốn sách này lớn đến đâu, thân thiện đến mấy, chúng vẫn không thay thế những con người được, chúng chỉ là những phương tiện gặp gỡ những con người cao cả, những con người có nhiều điều hơn để chia sẻ về lòng nhân ái của họ, những người vốn đã là những nhân vị cho toàn thế giới chứ không chỉ cho riêng mình họ.

Ý tưởng và chữ nghĩa không phải là thức ăn của trí thông minh nhưng chân lý mới là của ăn thực. Và chỉ một chân lý trừu tượng cũng không nuôi dưỡng đủ trí óc. Chân lý mà một người sống đời sống thiêng liêng tìm kiếm phải là Chân Lý toàn vẹn, trong đó, thực tại, hiện hữu và bản chất hoà quyện với nhau, một cái gì vốn có thể được ôm ấp và yêu mến, một cái gì có thể bảo toàn lòng kính trọng và tùng phục nơi hành động của chúng ta: còn hơn một sự vật: những con người, hay một Ngôi Vị. Đấng vượt trên tất cả mà yếu tính của Ngài là hằng hữu, ấy là Thiên Chúa.

Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, Cuốn Sách Sự Sống, trong Ngài, chúng ta đọc thấy Thiên Chúa.


§ XV Khiêm tốn, con đường giải thoát

Khiêm tốn là một nhân đức chứ không phải tâm thần.

Khiêm tốn giúp chúng ta tự do để hành động cách đạo đức hầu phục vụ Thiên Chúa và học biết Ngài. Vì thế, khiêm tốn thực thụ có thể không bao giờ ngăn cản bất kỳ hành động đạo đức thực sự nào, nó cũng không cản trở chúng ta đổ đầy chính mình bằng cách thực hiện ý muốn của Thiên Chúa.

Khiêm tốn giúp chúng ta tự do làm điều lành, bằng cách chỉ cho chúng ta thấy những ảo giác để rồi rút lại ý muốn của mình khỏi những gì vốn chỉ tốt bên ngoài.

Một sự khiêm tốn làm con người nên băng giá và cản trở mọi hoạt động lành mạnh chẳng phải là khiêm tốn chút nào. Đó chỉ là một hình thức nguỵ trang của lòng kiêu ngạo, nó làm khô cằn gốc rễ đời sống thiêng liêng khiến chúng ta không có khả năng hiến mình cho Thiên Chúa.

Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con yêu mến sự khiêm tốn, nhưng chúng con không lãnh hội đủ, chúng con chỉ học để yêu vẻ bề ngoài của nó - khiêm tốn làm con người nên hấp dẫn và thu hút. Một đôi khi, chúng con dừng lại để suy nghĩ về những giá trị này và thường giả vờ rằng, chúng con sở hữu chúng và đạt được chúng là nhờ “thực hành khiêm tốn”.

Nếu thực sự khiêm tốn, chúng con sẽ biết mình giả dối chừng nào!

Xin dạy con mặc lấy sự khiêm tốn vốn không ngơi nghỉ tỏ cho con thấy con là một kẻ nói dối và một kẻ lừa đảo; và dẫu quả là như thế, con vẫn có bổn phận chiến đấu đi tìm sự thật để trở nên chân thực ngần nào có thể dù không tránh khỏi việc con biết rằng, mọi sự thật của con đã bị đầu độc bởi lòng kiêu căng. Đây là điều kinh khủng về sự khiêm tốn: không bao giờ có ai thành công trọn vẹn trong việc khiêm tốn và không ai có thể hoàn toàn khiêm tốn trên mặt đất này. Nhưng không, đó là vấn đề: Lạy Chúa, Đấng khiêm tốn. Lòng khiêm tốn của chúng con chất chứa kiêu căng và chúng con biết rõ tất cả về sự kiêu căng đó; lòng khiêm tốn ấy bị nghiền nát bởi sức nặng không thể gánh nổi của sự kiêu căng đó, và dường như con không làm gì, hoặc làm quá ít để hạn chế điều đó.

Lạy Chúa, dẫu giàu lòng thương xót, Chúa vẫn nghiêm nghị biết bao; tuy nhiên, Ngài phải như thế. Lòng thương xót của Chúa phải công minh bởi Chân Lý của Ngài phải đúng. Dẫu giàu lòng thương xót, Chúa vẫn nghiêm nghị: càng chiến đấu để trở nên chân thực, chúng con càng khám phá sai lầm của mình. Giả như ánh sáng của Ngài dẫn chúng con đến chỗ thất vọng mà không hề mủi lòng thì Ngài có nhân từ không?

Không - không phải Ngài mang chúng con đến chỗ thất vọng nhưng đến sự khiêm tốn. Vì một cách nào đó, khiêm tốn đích thực là một nỗi thất vọng rất thực: thất vọng về chính con, để con có thể hy vọng hoàn toàn vào Chúa.

Khi nhảy bổ vào bóng tối như thế, liệu con người có thể sinh ích được những gì?


§ XVI Tiếng chuông, lời mời gọi của Thiên Chúa

Những hồi chuông vọng ngân muốn nói với chúng ta: chỉ một mình Thiên Chúa thánh thiện, chúng ta thuộc về Ngài và không sống cho thế giới này.

Tiếng chuông đột nhập vào sự chú ý của chúng ta để nhắc nhở mỗi người rằng, mọi sự đang trôi qua và những mối bận tâm của chúng ta thì không quan trọng.

Tiếng chuông nói với chúng ta về sự tự do mà trách nhiệm và những mối bận tâm chóng qua đang khiến chúng ta lãng quên những gì nó nhắc nhở.

Tiếng chuông là tiếng nói liên kết chúng ta với Thiên Chúa trên trời.

Tiếng chuông ngỏ với chúng ta, mỗi người là đền thờ đích thực của Thiên Chúa. Chúng mời gọi chúng ta đến làm hòa với Ngài, Đấng đang ở trong chúng ta.

Tin Mừng về cô Matta và Maria được đọc cuối Nghi Thức Làm Phép Chuông Nhà Thờ nhắc cho chúng ta toàn bộ những điều này.

Tiếng chuông nói: công việc không quan trọng. Hãy ở lại trong Thiên Chúa và hãy vui mừng, vì thế gian này cùng lời hứa của một thế giới sắp đến chỉ là một hình bóng; chỉ những ai được tách khỏi những thứ chóng qua mới có thể sở hữu gia sản của lời hứa vĩnh cửu.

Tiếng chuông nói: chúng tôi đã gióng tiếng hàng thế kỷ từ những tháp chuông các đại giáo đường. Chúng tôi đã nói với các thánh, cha ông các bạn trong vùng đất của họ. Chúng tôi đã mời gọi họ như đang mời gọi các bạn, …nên thánh, danh xưng mà chúng tôi đã gọi họ.

Chúng tôi không chỉ nói, “hãy nên tốt lành, hãy đi dâng thánh lễ”. Chúng tôi không chỉ nói “hãy giữ các giới răn”, nhưng trên hết, “Đức Kitô đã phục sinh, Đức Kitô đã sống lại!”. Và chúng tôi nói: “Hãy đến với chúng tôi, Thiên Chúa tốt lành, ơn cứu độ không khó, tình yêu Ngài làm cho nó nên dễ dàng!”. Và này, thông điệp của chúng tôi luôn dành cho mọi người, cho những ai đến và những ai không đến, vì ca khúc của chúng tôi thì hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo và chúng tôi tuôn đổ lòng từ ái của mình trên hết mọi người.


§ XVII Hoa trái thinh lặng

Trong vườn địa đàng, Adam cần đặt tên cho các con vật. Cũng thế, cần gọi tên những gì vốn chia sẻ với chính chúng ta sự thinh lặng, không phải để quấy rầy thế giới riêng tư của chúng hoặc quấy rầy sự tĩnh lặng riêng của chúng ta với những ý nghĩ về chúng, nhưng để sự thinh lặng trong đó chúng cư ngụ cũng như sự thinh lặng cư ngụ trong chúng có thể được cụ thể hoá và được xác định đó là gì. Những thọ tạo sống trong thinh lặng làm cho thinh lặng trở nên thật, vì sự im ắng của chúng cũng chính là sự hiện hữu của chúng. Gọi tên sự hiện hữu của chúng là gọi tên sự thinh lặng của chúng. Vì thế, đó phải là một hành động kính cẩn.

Những khoảnh khắc thinh lặng khi ban Phép Lành làm cho chúng đáng được tôn kính hơn.

Kinh nguyện sử dụng ngôn từ để tôn kính các hữu thể trong Thiên Chúa.

Ma thuật sử dụng sử dụng ngôn từ để xâm phạm sự thinh lặng và thánh thiện của các hữu thể bằng cách đối xử với chúng như thể các hữu thể đó có thể bị tách khỏi Thiên Chúa, bị chiếm hữu và lạm dụng cách đê hèn trước sự thinh lặng của Ngài.

Ma thuật xúc phạm sự thinh lặng của Thiên Chúa bằng cách mặc cho mình chiếc mặt nạ của kẻ đột nhập, của một sức mạnh độc ác muốn lấn chiếm ngai vàng Thiên Chúa và tự thay thế cho sự hiện diện của Ngài. Nhưng điều gì có thể tự mình thế chỗ Ngài vốn là Đấng hằng hữu? Chỉ có điều không hằng hữu mới có thể giả vờ lấn chiếm địa vị của Ngài. Khi làm thế, nó không chỉ xác nhận Ngài cách rõ ràng hơn, vì nếu ngăn chặn điều không phát xuất từ cái “không hằng hữu”, thì không gì được để lại cho bạn ngoại trừ Đấng “Hằng Hữu”.

Trong sự thinh lặng của Thiên Chúa, chúng ta chiến thắng ma thuật bằng cách nhìn xuyên suốt điều không có ở đó, và nhận ra rằng, Ngài Hằng Hữu, Đấng gần gũi với chúng ta hơn cái “không hằng hữu” vốn không ngừng tìm cách xen vào giữa chính chúng ta và Ngài.

Sự hiện diện của Thiên Chúa ở trong sự hiện diện của tôi. Nếu tôi hiện hữu, thì Ngài cũng hiện hữu. Một khi biết mình hiện hữu và nếu tôi đi vào những chiều kích sâu thẳm của chính sự hiện hữu và hiện trạng của chính mình, thì từ ngữ “hiện hữu” vốn không thể định nghĩa được chính là bản thân tôi trong cội nguồn thâm sâu nhất của nó, và ngang qua trung tâm sâu thẳm này, tôi đi vào trong Đấng “Hằng Hữu” vô cùng, đó chính là Danh Xưng của Đấng Toàn Năng.

Sự hiểu biết của tôi về chính mình trong sự thinh lặng (không phải nhờ suy nghĩ về bản ngã, nhưng nhờ đi vào mầu nhiệm của bản ngã chân thực của mình vốn vượt xa những từ ngữ và khái niệm bởi nó hoàn toàn đặc thù) mở ra trong sự trầm mặc và tính cách “chủ quan” của chính bản ngã Thiên Chúa.

Ân sủng của Đức Kitô đồng nhất tôi với “lời được gieo trồng” (insitum verbum) vốn là Đức Kitô sống trong tôi. Vivit in me Christus. Sự đồng nhất bởi tình yêu dẫn đến hiểu biết, nhìn nhận, thiết thân cùng với sự chưa tỏ tường vốn che giấu một niềm xác tín không thể diễn tả, một niềm xác tín chỉ được nhận biết trong chiêm ngắm.

Khi “biết” (trong sự xác tín đầy tăm tối của niềm tin vốn được chiếu sáng bởi sự hiểu biết thiêng liêng) mình là con cái Thiên Chúa trong Con Một của Ngài, chúng ta cảm nghiệm mầu nhiệm cao cả về sự hiện hữu của mình trong Thiên Chúa và Thiên Chúa trong chúng ta. Vì chúng ta hiểu, mà không biết thế nào, chân lý đáng ngưỡng mộ và uy nghi mà Thiên Chúa, Đấng vươn mình trên vực thẳm của sự hiện hữu vô tận, đã tạo nên chúng ta từ chính Ngài, mặc cho chúng ta ánh sáng chân lý của Ngài, thanh luyện chúng ta trong ngọn lửa tình yêu của Ngài, và nhờ quyền năng Thập Giá, làm cho chúng ta nên một với người Con Duy Nhất của Ngài. “Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh của chúng ta” (St 1, 26). “Ngay trước khi hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra con” (Tv 109, 3).

Ôi Thiên Chúa cao cả, Cha của muôn loài, ánh sáng thường hằng của Ngài là bóng tối đối với con, sự bao la của Ngài là trống rỗng đối với con, Chúa đã gọi con ra tự lòng Ngài bởi Ngài yêu con trong chính Ngài; và con, một biểu hiện chóng qua của chính cái thực tại vĩnh cửu và vô cùng của Ngài, con đã không thể biết Ngài, con sẽ lạc lối trong bóng tối này, con sẽ vuột khỏi Ngài và rơi vào trong hư vô nếu Ngài không giữ con bên Ngài trong Cung Lòng của Người Con Duy Nhất của Ngài.

Lạy Cha, con yêu mến Cha, Đấng con không biết; con ôm lấy Cha, Đấng con không thấy và con phó mình cho Cha, Đấng con đã xúc phạm… bởi Cha yêu Người Con Duy Nhất của Cha trong con. Cha thấy Ngài trong con, Cha ôm Ngài trong con bởi người con đó muốn đồng hóa chính mình hoàn toàn với con bằng tình yêu vốn đã mang Ngài đến sự chết, vì con, trên Thập Giá.

Con đến với Cha như Giacóp trong trang phục của Esau, nghĩa là trong công nghiệp và Máu Châu Báu của Đức Giêsu Kitô. Và Ngài, lạy Cha, Đấng muốn trở nên như thể mù lòa trong bóng đêm của mầu nhiệm lớn lao này, một mầu nhiệm mặc khải tình yêu của Cha, đặt tay Cha trên đầu con và chúc phúc cho con như Con Một của Cha. Cha chỉ muốn thấy con trong Ngài, nhưng khi muốn điều này, Cha muốn nhìn thấy con thực sự hơn cả con trong hiện tại của mình. Vì cái tôi tội lỗi không phải là bản ngã thực sự của con, đó không phải là bản ngã mà Cha đã muốn cho con nhưng là bản ngã mà con đã muốn cho chính mình. Và con không còn ước muốn bản ngã sai lạc này nữa. Nhưng giờ đây, lạy Cha, con đến với Cha trong bản ngã của Con Một của Cha, vì chính Thánh Tâm của Ngài đã chiếm hữu con và phá huỷ tội lỗi nơi con và chính Ngài là Đấng giới thiệu con cùng Cha. Và ở đâu? Trong cung thánh của Trái Tim Ngài cũng là cung điện và đền thờ của Cha, nơi các thánh trên thiên đàng thờ phượng Cha.


§ XVIII Đấng Lặng Thinh vẫn gọi tên con

Thật cần thiết để gọi tên Ngài, Đấng lặng thinh mà con được dự phần và thờ phượng; bởi lẽ, trong sự im ắng của Ngài, Ngài cũng gọi tên con. Chỉ mình Ngài biết tên con, qua đó, con cũng biết tên Ngài. Vì trong khoảnh khắc Ngài gọi con, “con của Ta”, con kịp nhận ra Ngài, “Cha của con”. Trong con, sự nhận biết này là một hành động và trong Ngài, là một Ngôi Vị. Hành động trong con là sự di chuyển trong Ngôi Vị của Ngài, Thánh Thần của Ngài, Tình Yêu của Ngài trong con. Khi Ngài di chuyển, con di chuyển cùng Ngài, để rồi, con cũng là người di chuyển. Và trong sự chuyển động của mình, con vừa tỉnh giấc để biết rằng “con hiện hữu”, vừa kêu lên, “Abba, Cha ơi”.

Nhưng vì con không là cha của mình, nên quả vô ích khi con tìm cách đánh thức sự nhận biết Ngài bằng cách gọi mình là “con” trong lũng sâu im ắng của chính mình. Tiếng con kêu chỉ có thể cất lên một âm vang tắt ngấm khi tự gọi tên mình. Sẽ không bao giờ có bất cứ sự thức tỉnh nào trong con trừ phi con được Ngài, Đấng là ánh sáng của con, gọi ra khỏi bóng tối. Chỉ Ngài, Đấng là sự sống, mới có thể làm cho kẻ chết chỗi dậy. Và nếu Ngài không gọi tên con, con vẫn chết và sự yên lặng của con mãi là sự yên lặng của chết chóc.

Ngay khi Ngài gọi tên con, sự thinh lặng của con trở nên sự thinh lặng của sự sống vô tận, và con biết mình hiện hữu vì lòng con đã mở ra với Cha mình trong âm vang của những năm tháng vĩnh cửu.

Cuộc sống của con là lắng nghe, Cuộc Sống của Ngài là dạy bảo. Lắng nghe và đáp trả là ơn cứu độ của con. Chính vì điều này, đời con phải lặng thinh. Vì thế, sự yên lặng của con cũng là sự cứu độ cho con.

Sự hy sinh vốn làm vui lòng Thiên Chúa là sự hiến dâng linh hồn con - và linh hồn những người khác.

Linh hồn được dâng lên Ngài khi nó hoàn toàn chú tâm đến Ngài. Sự yên lặng của con, đem con xa khỏi mọi thứ khác, vì thế, là sự hy sinh mọi thứ và sự hiến dâng linh hồn con cho Thiên Chúa. Vì thế đó là sự hy sinh làm con vui thoả nhất. Nếu con có thể dạy người khác sống trong sự yên lặng đó, thì con dâng Ngài hy tế đẹp lòng Ngài nhất. Việc hiểu biết Thiên Chúa thì tốt hơn các lễ tế (Hs 6, 6).

Không thể có yên lặng nội tâm nếu không có lòng nhân từ và sự khiêm tốn.

Sự khác biệt giữa một ơn gọi và một bảng xếp hạng. Những ai đáp lại ơn gọi nên thánh của mình - hay đang đáp lại - thì nhiều vô kể, đây là một sự kiện hiển nhiên. Họ không thích hợp với những bảng xếp hạng. Nếu dùng một bảng xếp hạng khi nói về họ, bạn phải xác định ngay phẩm chất lời nói của mình, như thể họ cũng thuộc về một bảng xếp hạng hoàn toàn khác biệt nào đó. Thật ra, họ không thuộc bảng xếp hạng nào, họ đặc thù là chính họ; vì thế, họ không được yêu thương và tôn trọng rất mực trong con mắt người đời bởi tính riêng tư của họ là một dấu hiệu cho thấy họ được Thiên Chúa rất mực yêu thương và chỉ mình Ngài thấu hiểu bí mật của mình, một bí mật quá quý giá để mặc khải cho con người.

Vượt xa và vượt trên tất cả những gì có thể biết thì những gì chúng ta kính trọng nơi các thánh chính là sự bí mật này; mầu nhiệm của sự trong trắng và tính đồng nhất vốn được ẩn giấu cách hoàn hảo trong Thiên Chúa.


§ XIX Kính sợ Thiên Chúa là đầu mối khôn ngoan

“Tất cả chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe kết luận của bài giảng: Hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn của Ngài: vì đây là toàn bộ đạo làm người” (Gv 12, 13).

Ai đã tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa vốn vượt trên mọi thọ tạo?...

Kính sợ Chúa là khôn ngoan trọn vẹn, và sự trọn vẹn bắt nguồn từ hoa trái của nó…

Kính sợ Chúa là vương miện của sự khôn ngoan, đổ đầy bình an và hoa trái cứu độ…

Hỡi con, nếu con ước ao sự khôn ngoan, hãy giữ công bằng, và Thiên Chúa sẽ ban sự khôn ngoan cho con… (Gv 1, 3.20.22.33).

Trong thâm sâu hiện hữu của chúng ta, Thiên Chúa đang hiện diện, Đấng muốn chúng ta sống và hiện hữu. Nhưng chúng ta không tìm thấy Ngài chỉ bằng cách tìm kiếm sự hiện hữu của mình.

Khi đòi hỏi chúng ta sống, Ngài cũng đòi hỏi chúng ta sống theo một cách nào đó. Mệnh lệnh của Ngài không chỉ bảo chúng ta nên sống theo một cách nào đó nhưng còn phải sống tốt, và nhất là sống hoàn hảo bằng cách sống trong Ngài.

Vì vậy, trong những chiều kích thâm sâu hiện hữu của chúng ta, Thiên Chúa đã đặt ở đó những ngọn đèn lương tâm hầu nói cho chúng ta luật sống. Sống không phải là sống trừ phi nó tuân theo quy luật này vốn là ý muốn của Thiên Chúa. Sống cận kề ánh sáng này là tất cả đạo làm người, vì như thế, con người đến sống trong Thiên Chúa và nhờ Thiên Chúa. Dập tắt ánh sáng bởi những hành động trái với quy luật này là làm hỏng bản chất thánh thiêng nơi bản tính của chúng ta. Nó khiến chúng ta không còn trung thực với chính mình, biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối: mọi tội lỗi đều tác động như nhau, dẫn đến việc thờ ngẫu tượng, thay thế chân lý của Thiên Chúa bằng sự sai lạc.

Lương tâm lầm lạc là vị thần sai lạc, một vị thần không nói năng bởi nó câm nín và không làm gì bởi không chút sức lực. Nó là một chiếc mặt nạ qua đó, chúng ta tuyên sấm với chính mình, nói với chính bản thân những lời tiên báo lệch lạc, đưa ra bất kỳ câu trả lời nào chúng ta muốn nghe: “Kẻ đã biến chân lý của Thiên Chúa thành lời nói dối” (Rm 1, 25).

Kính sợ Thiên Chúa là đầu mối khôn ngoan.

Khôn ngoan là nhận biết Chân Lý trong tính chân thực nhất của nó; khôn ngoan trải nghiệm Chân Lý, đi đến Chân Lý ngang qua thái độ chính trực của chính linh hồn. Sự khôn ngoan nhận biết Thiên Chúa ở trong ta và ta ở trong Ngài.

Kính sợ, bước đầu tiên dẫn đến khôn ngoan, là sợ rằng, mình không chân thật với Thiên Chúa và với chính mình. Đó là sợ rằng, chúng ta đã tự dối mình, đã ném đời mình dưới chân một vị thần sai lạc.

Nhưng mọi người đều là kẻ nói dối, vì mọi người đều là tội nhân. Tất cả chúng ta đều sai lạc với Thiên Chúa. “Nhưng Thiên Chúa thì chân thực; và mọi người đều giả dối, như được viết” (Rm 3, 4).

Lòng kính sợ Thiên Chúa, khởi đầu của khôn ngoan, vì thế, là sự nhìn nhận “lời nói dối ở trong tay hữu mình” (Is 44, 20).

“Nếu chúng ta nói mình không có tội, chúng ta lừa dối chính mình, và sự thật không ở trong chúng ta… Nếu chúng ta nói rằng, chúng ta không phạm tội, chúng ta biến Ngài thành kẻ nói dối, và Lời của Ngài không ở trong chúng ta” (1Ga 1. 8.10).

Vì thế, khởi đầu của khôn ngoan là sự xưng thú lỗi lầm. Sự xưng thú này giành lại cho chúng ta lòng thương xót của Thiên Chúa. Nó làm cho ánh sáng chân lý của Ngài toả chiếu trong lương tâm chúng ta, không có nó, chúng ta không thể tránh tội. Nó mang sức mạnh của ân sủng Ngài vào trong linh hồn chúng ta, gắn kết hành động của ý muốn chúng ta với chân lý trong khả năng hiểu biết của mình.

Giải pháp cho vấn đề của cuộc sống là chính sự sống. Cuộc sống không đạt được bởi lý luận và phân tích, nhưng trước hết bằng việc sống. Vì nếu không bắt đầu sống, sự khôn ngoan của chúng ta không có nguyên liệu để vận hành; và nếu không gặp thất bại, không tài nào chúng ta tìm được thành công.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!