SUY NIỆM PHÚC ÂM ( IV B 24 ); ( 22.04.2012); ( Lc 24, 35- 48 )
CHÚA NHẬT III SAU PHỤC SINH, NĂM B
NGUYỄN HỌC TẬP
Đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay ( Lc 24, 35-48) là phần thứ ba của chương 24 Phúc Âm Thánh Luca, thuật lại biến cố Chúa Giêsu hiện ra lần thứ hai cho các môn đệ Người ở Giêrusalem, là phần tường thuật tuyệt đỉnh ( climax) chương Phúc Âm cuối cùng của Thánh Luca.
Đặt đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay liên hệ với hai phần trước của chương Phúc Âm 24, chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa vừa kể.
Phần đầu của chương Phúc Âm 24 ( Lc 24, 1-12) là phần tường thuật lại việc các phụ nữ sáng sớm đi viếng mộ Chúa Giêsu:
- " Ngày thứ nhứt trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn
" ( Lc 24, 1).
Phần hai ( Lc 24, 13-35) là phần thuật lại việc hai môn đệ trên đường đi đến thành Emmaus nhận ra Chúa Giêsu qua tác động bẻ bánh của Người Đồng Hành , trong giải thích Thánh Kinh cho các ông, đã hâm nóng trái tim giá lạnh, chán nãn và phiền muộn vì cái chết bí ẩn của Chúa Giêsu:
- " Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và nhận ra Người
Họ mới bảo nhau: Dọc đường khi Người nói chuyện và giải thích về Thánh Kinh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy sao?" ( Lc 24, 30-32).
Từ hai lần hiện ra vừa kể, với những yếu tố càng ngày càng tỏ rạng hơn để chứng minh Chúa Giêsu đã sống lại, Thánh Luca dành đoạn tường thuật cuối cùng mà chúng ta vừa đọc trong Thánh Lễ như là phần tường thuật tuyệt đỉnh đầy lý chứng và ánh sáng đề nói lên đức tin mãnh liệt của Ngài và là của các cộng đồng Ki Tô giáo tiên khởi vào Chúa Giêsu Phục Sinh.
a )Trở lại lần khám phá Chúa Giêsu sống lại của các phụ nữ, chúng ta biết được các Bà chỉ nghe nói lại thôi, chớ các Bà chưa hề giáp mặt Chúa Giêsu:
- " Ngày thứ nhứt trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá lăng ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì bổng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ hải, cúi đầu xuống đất, thì hai người kia nói: Sao các bà lại tìm Người sống giữa kẻ chết? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi " ( Lc 24, 1- 6).
b) Kế đến trong lần hiện ra cho hai môn đệ đi đến thành Emmaus, hai môn đệ chỉ vừa thoáng nhận ra Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với họ là Người đã biến mất:
- " Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất", ( Lc 24, 30-31).
c) Nhưng rồi lần nầy tất cả đều tựu hợp về Giêrusalem, họ được ngắm nhìn Người lâu dài hơn, mặt giáp mặt với Chúa Giêsu, Người sống động, ban bình an, chuyện trò với các ông và hứa giao sứ mạng cho các ông:
- "Các ông ( hai môn đệ Emmaus) còn đang nói, thì chính Chúa Giêsu đứng giữa các ông và bảo: Bình an cho anh em
Nhưng Người nói: Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? Nói xong người đưa tay chân cho các ông xem
, Người hỏi: Ở đây anh em có gì ăn không? Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông
Rồi Người bảo: Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Moisen, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm
Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa" ( Lc 24, 36-43.44.49).
A - Và măc dầu ba đoạn tường thuật tách biệt nhau, nhưng bên trong đều có những yếu tố chung liên kết với nhau, đó là những lời tuyên bố của các thiên sứ hay của chính Chúa Giêsu về những điều được viết trong Thánh Kinh nói về Người hay của chính Chúa Giêsu đã tiên đoán về Ngài " cần phải được thực hiện":
- " Hãy nhớ lại những điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilea, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại" ( Lc 24, 6).
- "Nào Chúa Ki Tô chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Moisen và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh" ( Lc 24, 26-27).
- "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Chúa Ki Tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cỏi chết sống lại" ( Lc 24, 46).
Ba lần " cần phải được thực hiện" như vừa kể, được Thánh Luca thuật lại như là một sứ điệp chắc chắn, nhấn mạnh đến ba lần, Chúa Giêsu đã sống lại theo lời Thánh Kinh đã nói trước về Ngài, sứ điệp đó được các thiên sứ loan truyền cho các phụ nữ lúc Chúa Giêsu không có mặt ở đó hay được chính Ngài dạy cho các môn đệ cũng vậy.
Thuật lại tư tưởng " cần phải được thực hiện" đúng như " có lời Thánh Kinh chép rằng" về cuộc khổ hình, tử nạn và sống lại của Chúa Giêsu, chắc chắn Thánh Luca có ý viết trước tiên cho các cộng đồng tín hữu tiên khởi người Do Thái, để chứng minh rằng Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế được Thiên Chúa tuyên hứa trong lịch sử của họ, Sách Luật của Moisen, Sách các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh đã chép về Ngài. Giờ đây Chúa Giêsu đã sống lại, các lời hứa đó đã được thực hiện, để họ tin vào Ngài.
Nhưng Phúc Âm của Ngài không phải chỉ viết cho cộng đồng tín hữu Do Thái, mà là cho mọi người. Chính lần hiện ra cuối cùng của Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu đã ủy thác cho các môn đệ đi rao giảng cho mọi người:
- " Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki Tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cỏi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, để họ sám hối và được tha tội" ( Lc 24, 46-47).
Điều đó cũng có ý nghĩa đức tin chắc chắn về Chúa Phục Sinh của chúng ta, được loan truyền qua trung gian, bởi lẽ chúng ta không có được diễm phúc sống đồng thời với các Thánh Tông Đồ để trực diện gặp Chúa Giêsu, cũng không có gì khác hơn là đức tin vững chắc của các thánh Tông Đồ được chính Chúa Giêsu hiện ra xác quyết với các Ngài.
Như vậy trong cả ba lần loan báo và minh chứng Chúa Giêsu sống lại, các thiên sứ nhắc lại lời Chúa Giêsu tiên báo với các môn đệ về những gì sẽ xãy ra cho Ngài, liên tưởng đến những gì đã viết về Ngài trong Thánh Kinh, và rồi chính Chúa Giêsu trực tiếp nhắc lại cho các môn đệ những điều đó trong Thánh Kinh, nhắc cho hai môn đệ ở Emmaus cũng như cho tất cả các môn đệ hợp nhau tại Giêrusalem.
Điều đó nói lên cho chúng ta rằng chúng ta không thể nào có được niềm tin vững chắc, nhứt là đức tin đối với Chúa Giêsu Phục Sinh, ngay cả cho chính Chúa Giêsu hiện ra làm chứng cho chúng ta về chính Ngài, nếu chúng ta không có một hiểu biết tối thiểu nào về Thánh Kinh. Thánh Kinh là nền tảng của đức tin, Cựu Ước cũng như Tân Ước. Không thể có đức tin vững chắc, nếu chúng ta không đọc và học hỏi Thánh Kinh.
B - Đọc chương 24 Phúc Âm Thánh Luca, một tư tưởng khác cũng không thể không làm chúng ta chú ý, được Thánh Luca lập đi lập lại, như là một sứ điệp Ngài muốn gởi đến chúng ta, như sứ điệp " cần phải được thực hiện" vừa kể, mặc dầu Thánh Luca không nói rõ, nhưng chúng ta đọc, chúng ta có thể tự hiểu lấy. Đó là việc Chúa Giêsu ngồi đồng bàn ăn với các môn đệ và mạc khải cho các ông các chân lý tối quan trọng.
- Trên đường Emmaus, Chúa Giêsu diễn giải Kinh Thánh cho hai môn đệ suốt quảng đường, các ông cảm thấy " lòng bừng cháy lên" niềm tin về những gì Chúa Giêsu nói với các ông, nhưng các ông không nhận ra Người, mãi cho đến
" Khi đồng bàn với họ, người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ" ( Lc 24, 30),
họ mới nhận ra Người: " Mắt họ liền mở ra, và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất" ( Lc 24, 31).
- Cũng vậy , lần hiện ra cho các môn đệ ở Giêrusalem trong Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu cũng mạc khải cho các ông sứ mạng đem ơn cứu rổi đến cho muôn dân và hứa ban Chúa Thánh Linh cho, lúc Người cùng ngồi đồng bàn ăn với họ:
- "Nói xong Người đưa tay chân cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì quá mừng, và còn đang ngở ngàng, thì Người hỏi: Ở đây anh em có gì ăn không? Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Rồi Người bảo
phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, để họ sám hối và được tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều nầy. Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống" ( Lc 24, 40-43. 47-49).
- Cũng chính trong lúc ngồi đồng bàn với ông Matthêu và những người tội lỗi khác, mà Chúa Giêsu đứng ra bênh vực những kẻ bé mọn, bị xã hội khinh bỉ bỏ ra bên lề:
- " Khi Chúa Giêsu đang dùng bửa tại nhà ông ấy ( Matthêu), có nhiều người thu thế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy? Nghe thấy thế Chúa Giêsu nói:
Vì Ta đến không để kêu người công chính, mà để kêu gọi người tôi lỗi" ( Mt 9, 10-13).
- Và lần mạc khải trọng đại nhứt, là lần Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể, Người cũng ngồi đồng bàn với các môn đệ. Ngài mạc khải chính Ngài cho chúng ta, biến bánh và rượu thành Mình và Máu Người trở nên lương thực cho chúng ta, để cứu rỗi và luôn ở lại trong lòng chúng ta để nâng đở chúng ta:
" Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc nầy, mà tưởng nhớ đến Thầy. Và tới tuần rượu cuối bửa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: Chén nầy là chén giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em" ( Lc 22, 19-20).
Lập đi lập lại nhiều lần, cứ mỗi lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn cùng các môn đệ là Người mạc khải cho các Ngài những chân lý trổi vượt của đức tin, phải chăng Thánh Luca có ý gởi đến chúng ta sứ điệp, mặc dầu không nói rõ ra, là đức tin của chúng ta được phát khởi, soi sáng và nâng đở khi chúng ta " ngồi đồng bàn với Chúa Giêsu ".
Nói cách khác, Thánh Thể là sức mạnh của đức tin, không sống thông hiệp với Chúa Giêsu trong Thánh Thể, chúng ta khó mà bước đi vững mạnh trong đức tin.
Nói tóm lại, đọc và suy niệm Thánh Kinh, thông hiệp với Chúa Giêsu trong Thánh Thể là hai điều không thể thiếu đối với bất cứ người tín hữu Chúa Ki Tô nào muốn sống đức tin vững chãi của mình.