Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
Bài Viết Của
Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HIẾN CHẾ GAUDIUM ET SPES
NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN TRONG HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM - CHƯƠNG IV
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (40)
CÁM ƠN LÀ BIẾT SỐNG ĐỨC TIN
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (39)
GIÀU CÓ ĐÓNG CỔNG CON ĐƯỜNG ĐẾN CHÚA VÀ DỮNG DƯNG VỚI ANH EM
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (37).
CỦA CẢI VỮNG BỀN CHO ANH EM
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (36)
CHÚNG TA PHẢI ĂN MỪNG, EM CON ĐÃ CHẾT, MÀ NAY LẠI SỐNG.
“VÁC THẬP GIÁ MÌNH MÀ THEO TA”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (34)
“AI HẠ MÌNH XUỐNG SẼ ĐƯỢC TÔN LÊN ”.
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (33)
“HÃY CỐ GẮNG QUA CỬA HẸP MÀ VÀO”
TÌM HIỀU PHÚC ÂM THÁNH LUCA ( 32)
NHẬN BIẾT DẤU CHỈ THỜI ĐẠI ĐỂ CHỌN LỰA MỤC ĐÍCH CHÍNH ĐÁNG
“BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC THÂN MẪU CHÚA TÔI ĐẾN VỚI TÔI”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (31)
PHẢI SẴN SÀNG ĐỢI CHỦ VỀ
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (30)
“HÃY LO TÌM NƯỚC THIÊN CHÚA”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (29)
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XẴ HỘI CỦA GIÁO HỘI (5).
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (28)
"MARIA ĐÃ CHỌN PHẦN TỐT NHẤT"
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (4)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (27)
" AI THÂN CẬN VỚI NGƯỜI BỊ RƠI VÀO TAY KẺ CƯỚP ? "
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HÔI (3)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (26)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (25)
" ANH HÃY THEO TA ! "
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (2).
THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ CỦA THIÊN CHÚA.
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (1)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (23)
NÀNG ĐƯỢC THA THỨ NHIỀU, VÌ NÀNG ĐÃ THƯƠNG YÊU NHIỀU
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (22)
TA TRUYỀN CHO ANH HÃY TRỖI DẬY !
CÁM ƠN LÀ BIẾT SỐNG ĐỨC TIN

 

SUY NIỆM PHÚC ÂM ( IV C 50 ); ( 13.10.2013); ( Lc 17, 11-19)

CHÚA NHẬT XXVIII  PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN, NĂM C

NGUYỄN HỌC TẬP

 

Phúc Âm Thánh Luca kể lại cho chúng ta Chúa Giêsu tiếp xúc với những người mắc bệnh cùi hai lần.

Một lần khi Ngài mới bắt đầu sứ mạng rao giảng Nước Trời của Ngài:

 - “ Khi ấy Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, có một người đầy phong hủi vừa thấy Người liền sắp mình xuống, xin Người rằng: Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch ” ( Lc 5, 12), 

Và một lần nữa trong Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay ( Lc 17, 11-19), Chúa Giêsu gặp một nhóm đông đảo gồm mười bệnh nhân phong hủi, những nạn nhân vừa chịu bất hạnh thể xác, vừa bị khinh bỉ loại ra bên lề xã hội, một phần vì sợ bệnh lây truyền nhiểm cũng có, một phần khác do quan niệm cỗ hữu xem bệnh cùi là tai họa Chúa phạt.

Tiếp xúc với nạn nhân mắc bệnh cùi, không những có cơ nguy bị lây bệnh thể xác, mà còn bị những “người bị Chúa phạt ” lây cho thói hư tật xấu, luân lý suy đồi đáng nguyền rủa.

Bởi đó, luật Moisen cắm ngặt mọi người tiếp xúc với những ai mắc bệnh cùi và ra lệnh cho người cùi phải tuân giữ cách ăn thói ở không còn xứng đáng là con người: 

   - “ Người mắc phong hủi phải mặc áo rách, xỏa tóc, che râu và kêu lên: Ô uế, ô uế ! Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chổ ở của nó là một nơi bên ngoài trại ” ( Lv 13, 45-46). 

Hình ảnh và hoàn cảnh nạn nhân bị phong cùi, những người bị loại ra bên lề xã hội, được sách Levi dành riêng đến hai chương 13 và 14 để diễn tả và nêu ra luật lệ phải tuân hành.

Quan niệm người cùi với hình ảnh ghê tởm, bị Chúa phạt, phạt nhãn tiền những gì họ vấp phạm, được sách Dân Luật và sách Sử Biên thuật lại: 

   - “ Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ và bỏ đi. Khi mây bốc lên khỏi lều, thì bà Miriam bị cùi, mốc thếch như tuyết; ông Abraham quay lại nhìn bà Miriam, thì thấy bà bị cùi ” ( Num 12, 9-10).

   - “ Vua Ozia xúc phạm đến Đức Chúa, Thiên Chúa của vua, vì đã cả gan vào Đền Thờ của Thiên Chúa đốt hương trên bàn thờ dâng hương. Các tư tế đến gần vua mà nói: " Nầy vua Ozia, vua không có quyền đốt hương kính Thiên Chúa. Chỉ có các tư tế thuộc dòng dõi Aaron là những người được thánh hiến mới có quyền nầy. Vua hãy lui ra khỏi Đền Thánh, vì vua đã phản nghịch! ". Nghe thế vua Ozia nổi giận, trong tay đang cầm bình hương để đốt hương, và trong lúc nổi giận với các tư tế, thì trán vua bị cùi ngay trước mặt các tư tế, trong nhà của Đức Chúa, bên cạnh bàn thờ dâng hương…Vua Ozia mắc bệnh cùi cho đến ngày chết và vì cùi, nên bị cô lập ở một nơi riêng, bởi vua đã bị loại ra khỏi nhà của Đức Chúa ” ( 2 Cron 26, 16.18.19-21).  

Theo tư tưởng vừa kể của Cựu Ước, nạn nhân cùi là những người tội lỗi, khốn nạn, bị Chúa phạt, bị loại ra bên lề xã hội, cần phải xa lánh.

Quan niệm khi rẻ những ai nghèo khỗ, bệnh tật, bị khai trừ khỏi xã hội, tội lỗi đó đã được Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa Nhập Thể đến với con người, xoá tan đi bằng những lời giảng dạy và bằng hành động của Ngài: 

   - “ Khi Chúa Giêsu đang dùng bửa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ: Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?

   - “ Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi ” ( Mt 9, 10-11.13). 

Và rồi nạn nhân bệnh cùi, trước mặt Chúa Giêsu không phải là kẻ tội lỗi, bị Chúa phạt , không những có thể lây bệnh nguy hiểm mà còn lây cả thói hư tật  xấu, luân lý sa đọa, cần phải xa lánh, mà chỉ là bệnh nhân bất hạnh không may gặp phải chứng bệnh do các yếu tố vật lý và thể lý đưa đến.

Để phá bỏ đi quan niệm phi lý “ Chúa phạt ” và cách hành xử vô nhân đạo đó của luật lệ Cựu Ước, chính Chúa Giêsu đứng ra can thiệp trực tiếp trên thân xác nạn nhân, đối với người cùi Ngài gặp lúc khởi đầu: 

   - “ Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: Ta muốn, anh sạch đi. Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh ” ( Lc 5, 13). 

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa Nhập Thể, đến trong thế gian để đem Tin Mừng Cứu Rỗi cho con người, mạc khải cho con người địa vị cao cả của mình và tình thương bao la vô hạn của Thiên Chúa là Cha.

Bởi đó, quan niệm phi nhân và “ kéo thẳng mực tàu ” , “ có vay có trả ”, quan niệm Thiên Chúa như là một “nhân viên kế toán” tính sổ tội phước từng đồng, từng cắc đó, là vi “thẩm phán nghiêm khắc ” đến bất nhân, không thể nào có chỗ đứng trong Phúc Âm của Chúa Giêsu.

Điều đó cắt nghĩa tại sao Chúa Giêsu không chấp nhận “ rượu mới Phúc Âm nhân bản và Thiên Chúa là người Cha rộng lượng” có thể chứa đựng được trong “ bầu da cũ, hạn hẹp bất xứng ” của quan niệm Do Thái giáo lúc đó:

   - “ Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới ” ( Mc 2, 22). 

Hiểu được quan niệm hạn hẹp của Do Thái Giáo lúc đó và lý tưởng cao cả về con người và tình yêu đại lượng của Phúc Âm mà Chúa Giêsu đang giảng dạy cho dân chúng, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của câu chuyện mười nạn nhân phong cùi hôm nay của Phúc Âm Thánh Luca ( Lc 17, 11-19).

Đoạn Phúc Âm thuật lại câu chuyện mười nạn nhân phong cùi hôm nay, Thánh Luca không có ý diễn tả  lại lòng thương xót đại lượng của Chúa Giêsu đối với các nạn nhân, như ở câu chuyện người cùi gặp Ngài lúc khởi đầu sứ mạng rao giảng, cho bằng diễn tả thái độ đáp ứng của con người, đáng lý ra phải có đối  với ơn gọi và niềm tin được Chúa ban cho. 

Khởi đầu của cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và mười nạn nhân bệnh cùi, là cử chỉ lớn tiếng van xin của các nạn nhân: 

   - “ Họ dừng lại đàng xa và kêu lớn tiếng: Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng con ! Thấy vậy, Chúa Giêsu bảo họ: Hãy đi trình diện với các  tư tế  ” ( Lc 17, 12b). 

Và Thánh Luca nêu lên giải đáp cho câu chuyện một cách nhanh chóng:

   - “ Đang khi đi, thì họ được sạch ” ( Lc 17, 14b). 

Thánh Luca đưa ra giải đáp câu chuyện một cách nhanh chóng , để dành phần kết luận được diễn tả một cách rộng rãi hơn, với việc chỉ có một trong số những người được khỏi bệnh, người samaritano ( có lẽ là người samaritano duy nhứt), trở lại ngợi khen Thiên Chúa và tạ ơn Chúa Giêsu:  

   - “ Một người trong nhóm, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng vinh danh Thiên Chúa. Anh ta sắp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn. Anh ta là người Samaria. Chúa Giêsu mới hỏi: Không phải cả mười người đều được sạch sao? Vậy thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang nầy? Rồi Người nói với anh: Hãy đứng dậy đi về đi! Lòng tin của con đã cứu con ” ( Lc 17, 15-19). 

Những câu Phúc Âm vừa trích dẫn chứa nhiều ý nghĩa súc tích cần được diễn giải và suy niệm.

Trước hết lời kêu gọi lớn tiếng của cả nhóm mười nạn nhân: 

   - “ Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng con ” ( Lc 17, 13 ). 

Câu van xin đó, chắc chắn khi viết, Thánh Luca liên tưởng đến lời nguyện xin của người trộm lành cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu, để nói lên Chúa Giêsu là Thiên Chúa:

   -“ Lạy ông Giêsu ơi! Khi nào Ngài vào Nước của Ngài, xin nhớ đến con ! ” ( Lc 23, 42). 

Ông Giêsu ” đang bị đóng đinh khỗ hình như phường trộm cướp, không hề mất đi địa vị vương tước của Ngài, bởi vì Ngài sẽ “… vào Nước của Ngài ”.

Chúa Giêsu mặc lấy xác phàm con người và chịu khỗ hình vẫn là Con Thiên Chúa, đó là những gì Thánh Luca muốn lưu ý chúng ta qua câu nói của người trộm lành.

Kế đến, trong lời kêu cứu của mười nạn nhân phong cùi, danh từ “ Thầy ” ( epistata, Hy Lạp ) nói lên lòng xác tín quyền năng nơi Chúa Giêsu của họ:

   - “ Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng con ” ( Lc 17, 13 ). 

Lòng tin vào quyền năng đó của Chúa Giêsu được Thánh Luca lập lại nhiều lần khác trong Phúc Âm: 

   - “ Thưa Thầy, chúng con đã vất vã suốt đêm, mà không bắt được gì hết. Nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới ” ( Lc 5, 5 ).

   - “ Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy và nói: Thầy ơi, Thầy ! Chúng con chết mất! Người thức dậy, ngăm đe sóng gió, sóng gió liền ngưng và biển lặng ngay ” (Lc 8, 24 ). 

   - “Đang khi hai vị từ biết Chúa Giêsu, ông Phêrô thưa với Người rằng: Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho thầy, một cho ông Moisen và một cho ông Elia ” ( Lc 9, 33 ).

   - “Ông Gioan lên tiếng nói: Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ qủy. Chúng con đã có ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy ” ( Lc 9, 49 ). 

Như vậy, Chúa Giêsu mà chúng ta gặp trong Phúc Âm Thánh Luca, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong cuộc sống giảng dạy thường nhật, trong lúc biến dạng hiển vinh,  trong cuộc tử nạn hay sau ngày Phúc Sinh khải hoàn chiến thắng tội lỗi và sự chết, vẫn là Con Thiên Chúa Nhập Thể, với quyền năng của “ Thầy ”, quyền năng làm phép lạ và ngăm đe cả sóng gió phãi lặng thinh. 

Trong khi đó thì tiếng kêu “…, xin thương xót chúng con ” ( Lc 17, 13) của nhóm mười nạn nhân là tiếng kêu cứu lập lại lời van xin trong các Thánh Vịnh: 

   - “ Số phận con ở trong tay Ngài. Xin giải thoát con khỏi thù địch, khỏi người bách hại con”.

   -“ Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tá Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ…

   - “ Lạy Chúa, cao cả thay! Tấm lòng nhân hậu, Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài, và thi thố trước mặt phàm nhân cho ai tìm đến Ngài nương náu” ( Ps 31, 17.18.20 ). 

Lời kêu xin trên của mười nạn nhân phong cùi cho thấy lòng tin tưởng của họ vào Chúa Giêsu, như là lòng tin vào Thiên Chúa.

Chúa Giêsu trong Phúc Âm Thánh Luca là Con Thiên Chúa Nhập Thể, là Thiên Chúa. 

Và lòng tin đó được Chúa Giêsu đáp ứng: 

- “ Thấy vậy, Chúa Giêsu bảo họ: Hãy đi trình diện với các tư tế ” ( Lc 17, 14).

Câu nói của Chúa Giêsu được thốt ra như là lời hứa chữa khỏi bệnh.

Không phải họ đi trình diện đễ các tư tế để chuẩn bệnh, mà là để các ông chính thức xác nhận họ đã khỏi bệnh.

Và rồi  như người Do Thái lúc đó, trong cuộc sống thường nhật chúng ta cũng vậy, chúng ta dễ làm quen với các phép lạ, phép lạ đối với con người trở nên quen thuộc, như là điều tự nhiên.

Mọi ơn lành chúng ta được Chúa ban cho trong cuộc sống quay cuồng của chúng ta được coi như là điều tự nhiên, không mấy khi và không mấy ai dừng tâm lại suy nghĩ để tạ ơn Chúa. Thói quen của chúng ta là vậy!

Chỉ có một người ý thức được những gì đã xảy ra cho mình, quay trở lại vinh danh và tạ ơn Chúa: 

   - “ Một người trong nhóm, thấy mình được khỏi, liền quan trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn ” ( Lc 17, 16). 

Viết đến đây, Thánh Luca thấy cần báo cho mọi người biết căn cước của con người biết ơn biết nghĩa, đó là một người Samaritano: 

   - Anh ta là người Samaritano ” ( Lc 17, 16b).

Nêu lên tông tích của con người biết ơn biết nghĩa Samaritano, chắc chắn Thánh Luca nêu lên có ngụ ý.

-Trước tiên ai trong chúng ta cũng còn nhớ là lúc Chúa Giêsu mới khởi đầu cuộc hành trình lên Giêrusalem, Ngài sai các môn đệ đi trước dọn đường. Lần gặp gỡ đấu tiên với dân làng Samaria, các môn đệ bị họ từ chối tiếp đón các Ngài :

- «  Khi đã tới ngày Chúa Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem. Người sai sứ giả đi trước họ. Họ lên đường và vào một làng người Samaria để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không tiếp đón Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem » ( Lc 9, 51-53). 

Thái độ từ chối trên của người Samaria khiến nhiều môn đệ giận đổ lửa, ông Giacôbê và  ông Gioan muốn xin lửa từ trời xuống thiêu hủy họ : 

  - «  Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng : Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy bọn chúng không ? Nhưng Chúa Giêsu quở mắng các ông » ( Lc 9, 54-55). 

Hiểu được tình thế đó, câu Phúc Âm Thánh Luca : 

   - «  Một người trong nhóm thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samaritano » ( Lc 17, 15-16), được viết ra, nêu lên tông tích của con người biết ơn biết nghĩa là người Samaritano, để làm dịu bớt tình trạng ngột ngạt giữa các môn đệ và dân làng Samaria.

Cũng cùng trong chiếu hướng đó, Chúa Giêsu lại dùng dụ ngôn người Samaritano nhân lành ( Lc 10, 29-37) để trả lời cho thầy thông thái luật «  ai tỏ ra là người thân cận với người bị rơi vào tay kẻ cướp ? » ( Lc 10, 36) , so với cách hành xử đê tiện và vô nhân đạo của những người được coi là « đấng bậc cao trọng, đường đường chính chính » của thầy tư tế và thầy thông thái luật Levi.

Và rồi Chúa Giêsu lấy cử chỉ cao cả nhân đạo của người Samaritano nhân lành khuyên vị thông thái luật đến hỏi Người: 

   - « Ông hãy đi và cũng làm như vậy » ( Lc 10, 37b). 

Và sau cùng, một câu chuyện khác cũng ở Samaria được Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại, Chúa Giêsu tỏ ra thân thiện với người phụ nữ Samaria bên giếng nước, xin chị nước uống, để có dịp mạc khải ơn cứu rỗi cho chị, mạc khải chính Ngài, Đấng mà nhân loại đang mong đợi : 

   - «  Con biết, Đấng Cứu Thế ( Messia) gọi là Đức Ki Tô sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng con mọi sự ».

   - «  Chúa Giêsu phán : Đấng ấy chính là Ta, người đang nói với chị đây » ( Jn 4, 25-26). 

Ghi lại những câu chuyện vừa kể trên xảy ra trên đất Samaria với các gương mẫu hành xử tốt lành của họ, chắc chắn Phúc Âm có ý làm dịu đi cuộc chạm trán bất thân thiện lúc đầu giữa các môn đệ và dân làng.

Nhưng đàng khác, miền Samaria là miền đất của các sắc dân hổn tạp, đất của «  dân ngoại », so với xứ Giudea là miền đất của dân chúng Do Thái, theo Do Thái Giáo chính thống, thuần nhứt.

Như vậy các Phúc Âm kể lại, nhứt là Phúc Âm Thánh Luca, phép lạ chữa cho người cùi lúc ban đầu ( Lc 5, 12-16), phép lạ chữa cho mười nạn nhân phong hủi hôm nay, dụ ngôn người Samaritano nhân lành ( Lc 10, 29-37), và người phụ nữ Samaria bên giếng nước (Jn 4, 1-42) để nói lên Nước Thiên Chúa đã vượt ra khỏi ranh giới hạn hẹp của quốc gia Do Thái,  đang bắt đầu được rao giảng khắp nơi cho mọi người, kể cả Tiro và Sidon là những địa  danh ở bên ngoài ranh giới Do Thái : 

   - «  Chúa Giêsu lại bỏ vùng Tiro, đi qua ngả Sidon, đến biển hồ Galilea vào miền Thập Tỉnh » ( Mc 7, 31).  

Và sau khi Chúa Giêsu sống lại, Tin Mừng Cứu Rỗi Phúc Âm được rao giảng khắp nơi cho mọi người. Ơn Cứu Rỗi của Chúa Giêsu là Ơn Cứu Rỗi được Người đem đến cho cả nhân loại : 

   - «  Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng » ( Mc 16, 19-20). 

Nói tóm lại, Chúa Giêsu mà chúng ta gặp trong Phúc Âm là Thiên Chúa và Tin Mừng Cứu Rỗi của Ngài được đem đến cho mọi người. 

Đoạn sau cùng của Phúc Âm hôm nay ghi lại lời Chúa Giêsu khi thấy người Samaritano trở lại cám ơn Người : 

- «  Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Vậy thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang nầy ? » ( Lc 17, 17-18). 

Thiếu cử chỉ biết ơn đối với những gì Thiên Chúa đã ban cho mình.

Câu nói vừa qua của Chúa Giêsu cần phải được hiểu trong chiều hướng đó hơn là lời trách móc của Ngài trước  thái độ không biết ơn của chín nạn nhân phong cùi còn lại  được chữa khỏi, đối với cá nhân Ngài.

Bởi lẽ Ngài trách họ, chín người không tỏ ra biết ơn, 

  - «  sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa ?» ( Lc 17,18), chớ không phải chỉ trở lại  

  - «  sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn » ( Lc 17, 16). 

Thái độ «  sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa ?» cho thấy không phải là cách hành xử phải có của con người, còn nói gì là thái độ phải có trong nếp sống đức tin ?

Chúng ta có gì, mà chúng ta không nhận được từ Thiên Chúa ?

Trước khi Chúa dựng nên chúng ta, chúng ta chỉ là hư không.

Nhưng rồi một ngày nào đó, Chúa nghĩ đến dựng nên chúng ta và dựng nên với địa vị cao cả hơn mọi tạo vật, mà Người đã ưu ái dựng nên «  là điều tốt đẹp » trước đó cho chúng ta ( Gn 1, 4.10.12.18.21.25.31), như người cha lo lắng trước mọi chuyện cho con cái.

Địa vị cao cả đó đã được Thiên Chúa «  suy tư , bàn bạc với triều thần thiên quốc » trước khi dựng nên ra chúng ta ( La Sainte Bible , L’E’cole Biblique de Jérusalem, Paris , Cerf, 1961, 9, note h ): 

- «  Chúng Ta hãy tạo ra con người theo hình ảnh chúng Ta, giống như chúng Ta để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất » ( Gn 1, 26). 

Và đây là địa vị cao cả của chúng ta : 

   - «  Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh mình,

        Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Thiên Chúa,

        Thiên Chúa sáng tạo con người, có nam có nữ » ( Gn 1, 27).  

«  Giống hình ảnh Thiên Chúa », có trí khôn ngoan, lòng yêu chuộng tự do và lòng khao khát hạnh phúc vô tận, phản ảnh lại trí khôn khôn lường, tự do không bị ràng buộc và là nguồn hạnh phúc vô tận của Thiên Chúa.

Còn nữa, từ hoàn cảnh của thọ tạo được dựng nên, nhờ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa Nhập Thể, con người chúng ta được nhắc lên làm con Thiên Chúa :

   - «  Vậy anh em hãy cầu nguyện như thế nầy : «  Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời… » ( Mt 6, 9).

   - « Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên «  Abba, Cha ơi ! ». Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa » ( Gal 4, 6). 

Và phần thừa kế mà chúng ta là con cái Thiên Chúa được hưởng làm gia nghiệp đó, không có gì khác hơn là chính Thiên Chúa, chính đời sống nội tại mà Ba Ngôi Thiên Chúa đang sống. Trong huyết quản của chúng ta cũng sẽ luân lưu nguồn mạch sống mà Thiên Chúa đang sống : 

   - «  Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu  và trọng đại người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra ở trần gian » (2 Pt 1, 4). 

Chúng ta được dựng nên trổi vượt hơn mọi tạo vật, được nhắc lên địa vị con Thiên Chúa, sẽ được sống hạnh phúc vô tận và tuyệt hảo của đời sống mà chính Thiên Chúa đang sống, «  thông phần bản tính Thiên Chúa ».

Tất cả những điều nhận được đó, có đáng cho chúng ta dừng tâm suy nghĩ cám ơn những gì Thiên Chúa là Cha đa ban tặng cho chúng ta hay không ?

Sống đức tin không phải chỉ là tin có Chúa, kêu xin Chúa mỗi khi có chuyện cần «  nguyện xin », cầu nguyện không những để «  xin » , kêu cứu, tìm kiếm ân huệ, mà cũng còn biết hồi tâm  

   - «  … quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn. Anh ta là người Samaria » ( Lc 17, 15-16), như người Samaritano trong Phúc Âm hôm nay.

Biết cám ơn là biết sống tình Cha con thân thiết với Chúa. 

   - «  Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang nầy ? » ( Lc 17, 18) là câu nói Chúa Giêsu luôn nhắc nhở chúng ta sống tình Cha con với Thiên Chúa.

 

 

Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!