Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
Bài Viết Của
Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HIẾN CHẾ GAUDIUM ET SPES
NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN TRONG HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM - CHƯƠNG IV
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (40)
CÁM ƠN LÀ BIẾT SỐNG ĐỨC TIN
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (39)
GIÀU CÓ ĐÓNG CỔNG CON ĐƯỜNG ĐẾN CHÚA VÀ DỮNG DƯNG VỚI ANH EM
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (37).
CỦA CẢI VỮNG BỀN CHO ANH EM
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (36)
CHÚNG TA PHẢI ĂN MỪNG, EM CON ĐÃ CHẾT, MÀ NAY LẠI SỐNG.
“VÁC THẬP GIÁ MÌNH MÀ THEO TA”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (34)
“AI HẠ MÌNH XUỐNG SẼ ĐƯỢC TÔN LÊN ”.
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (33)
“HÃY CỐ GẮNG QUA CỬA HẸP MÀ VÀO”
TÌM HIỀU PHÚC ÂM THÁNH LUCA ( 32)
NHẬN BIẾT DẤU CHỈ THỜI ĐẠI ĐỂ CHỌN LỰA MỤC ĐÍCH CHÍNH ĐÁNG
“BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC THÂN MẪU CHÚA TÔI ĐẾN VỚI TÔI”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (31)
PHẢI SẴN SÀNG ĐỢI CHỦ VỀ
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (30)
“HÃY LO TÌM NƯỚC THIÊN CHÚA”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (29)
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XẴ HỘI CỦA GIÁO HỘI (5).
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (28)
"MARIA ĐÃ CHỌN PHẦN TỐT NHẤT"
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (4)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (27)
" AI THÂN CẬN VỚI NGƯỜI BỊ RƠI VÀO TAY KẺ CƯỚP ? "
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HÔI (3)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (26)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (25)
" ANH HÃY THEO TA ! "
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (2).
THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ CỦA THIÊN CHÚA.
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (1)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (23)
NÀNG ĐƯỢC THA THỨ NHIỀU, VÌ NÀNG ĐÃ THƯƠNG YÊU NHIỀU
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (22)
TA TRUYỀN CHO ANH HÃY TRỖI DẬY !
ĐỀN THỜ MỚI CHO CON NGƯỜI

SUY NIỆM PHÚC ÂM ( IV B 18 ); ( 11.03.2012); ( Jn 2, 13-25)

CHÚA  NHẬT  III   MÙA  CHAY,  NĂM  B

NGUYỄN HỌC TẬP

 

1 - Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, theo Phúc Âm Thánh Gioan, kể lại việc Chúa Giêsu lên Đền Thờ Giêrusalem lần đầu tiên, nhân dịp gần lễ Vượt Qua của người Do Thái:

   - " Gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái, Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem " ( Jn 2, 13).

Đền Thờ Giêrusalem là nơi thiên thánh để thờ phương, là biểu tuợng cho Quốc Gia Do Thái và cũng là nơi tôn kính Danh Chúa:

   - " Nhưng Thiên Chúa lại phán vời David thân phụ ta: " Ngươi định xây một ngôi nhà để kính Danh Ta; ngươi định tâm như thế là tốt. Có điều là ngươi sẽ không xây nhà ấy, mà con của ngươi, kẻ từ lòng ngưoi sinh ra, chính nó sẽ xây nhà để kính Ta".

   - " Xin Ngài để mắt nhìn đến ngôi nhà nầy ngày đêm ( Salomon nói), nhìn đến nơi nầy, vì Ngài đã phán Danh Ta sẽ ở đây; xin Ngài lắng nghe lời nguyện tôi tớ của Ngài" ( 1 Re 8, 18. 19.29). 

Và trong Đền Thờ Giêrusalem là nơi ngự trị của Uy Quyền và Sự khôn ngoan của Thiên Chúa:

   - " Đức Khôn Ngoan tự biểu dương và hảnh diện giữa dân mình,

Khôn Ngoan lên tiếng trong đại hội của Đấng Tối Cao và hảnh diện trước uy quyền của Người…

Trên sóng biển, trên toàn cỏi đất, trên mọi nước mọi dân ta nắm trọn quyền.

Trong lều thánh, trước nhan Người, Ta thi hành thánh vụ, và như thế Ta định cư tại Sion,

Ta cũng nghỉ ngơi trong thành đô yêu dấu, tại Giêrusalem  Ta nắm chủ quyền.

Ta đâm rể sâu giữa một dân hiển hách, trong phần riêng của Thiên Chúa, cũng là sản nghiệp của Người" ( Sir 24, 1.6.10-12). 

Trong  Phúc Âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu lên Đến Thờ Giêrusalem ba lần ( Jn 2,2; 7,10; 12,12) và đây là lần đầu tiên và cũng là lần đụng chạm dữ dội với người Do Thái.

Trong khi đó thì các Phúc Âm khác  tường thuật lại cho chúng ta Chúa Giêsu chỉ lên Đền Thờ một lần , Phúc Âm Thánh Marco chẳng hạn ( Mc 11, 15-18).

Việc va chạm giữa Chúa Giêsu và người Do Thái được Thánh Gioan tường thuật lại trong chuyến đi nầy. Nhưng  có lẽ Ngài hoán chuyển thời gian trước sau của việc va chạm thì đúng hơn. Việc va chạm nầy có lẽ xảy ra vào chuyến đi sát gần với cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Tình hình căng  thẳng giữa Ngài và các người Do Thái, như sự việc được Thánh Gioan thuật lại, khiến cho các thượng tế và kỳ mục có lý chứng hơn để lên án và tìm cách giết Ngài.

Đến Đền Thờ Chúa Giêsu giảng dạy không ngừng, mọi nguời đều khâm phục Người khiến cho các thượng tế và kỳ mục càng ganh tỵ, tức giận:

   - " Vào giữa kỳ lễ, Chúa Giêsu lên Đền Thờ và giảng dạy.Người Do Thái lấy làm ngạc nhiên, họ nói: Ông nầy không học hành gì, mà sao lại thông thạo chữ nghĩa như thế. Chúa  Giêsu trả lời: " Đạo lý Ta dạy, không phải là của Ta, nhưng là của Đấng đã sai Ta" ( Jn 7, 14-17). 

   - " Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người… 

Người ngẩng  đầu lên và hỏi: Nầy con, họ ở đâu hết rồi? Không ai lên án con sao? Người thiếu phụ đáp: Thưa Thầy, không. Chúa Giêsu nói: Ta cũng vậy, Ta cũng không lên án con. Thôi con hãy ra về. Và từ nay đừng phạm tội nữa…" ( Jn 8, 2.10-11).

   - " Chúa Giêsu lại nói với nguời Do Thái: Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ được ánh sáng đem lại sự sống…Người nói những lời ấy khi giảng dạy trong Đền Thờ, tại nơi đặt thùng tiền cúng. Không có ai bắt Người, vì giờ của Người chưa đến"( Jn 8, 12.20).

   - " Khi ấy ở Giêrusalem người ta đang làm lễ Cung Hiến Đến Thờ… Chúa Giêsu đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Salomon. ( Ngài nói): " Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta. Ta ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay Ta" ( Jn 10, 22.27).

 

2 - Trở lại đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, bài Phúc Âm gồm hai phần liên kết nhau

   - phát xuất từ hành động của Chúa Giêsu ở phần một ( Jn 2, 14-18)

   - để liên kết với phần Chúa Giêsu ám chỉ về cuộc sống lại của Ngài ( Jn 2, 19-22).

Thánh Gioan liên kết phần Chúa Giêsu xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ( 14-18) ở phần một với câu nói liên quan đến việc phá đền thờ( 19) ở phần hai. 

Ở phần một, Thánh Gioan thuật lại cho chúng ta Chúa Giêsu hành động :

   - " Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bò câu và những người đang đổi tiền. Người liên lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bò câu: " Đem tất cả những thứ nầy ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" ( Jn 2, 14-16).

Và rồi phần một được liên kết với phần hai qua ký ức của các môn đệ về một câu trong Kinh Thánh:

   - " Các môn đệ Người nhớ lại đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con  sẽ phải thiệt thân" ( Jn 2, 17).

Ký ức đó là câu chuyển tiếp để Chúa Giêsu nói về cuộc tử nạn và sống lại của Ngài:

   - " Chúa Giêsu đáp: " Các ông cứ phá Đền Thờ nầy đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại. Người Do Thái nói: Đền Thờ nầy phải mất bồn mươi năm mới xây xong, thế mà trong ba ngày ông xây lại được sao? ".( Jn 2, 19-20). 

Thánh Gioan bình luận thêm câu trả lời của Chúa Giêsu trong chiều hướng Phục Sinh:

   - " Nhưng Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính Thân Thể Ngài. Vậy khi Người từ cỏi chết trổi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó. Họ tin vào Kinh Thánh và vào lời Chúa Giêsu đã nói" ( Jn 2, 21-22). 

Trong  đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc qua, đây là lần đầu tiên trong Phúc Âm Thánh Gioan  Chúa Giêsu tuyên xưng rõ ràng Người là Con Thiên Chúa và hành động nhân danh uy quyền đó:

   - " Người nói với những kẻ bán bò câu: Đem tất cả những thứ nầy ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" ( Jn 2, 16). 

Và chỉ có nơi Chúa Giêsu , chúng ta mới được mạc khải nhà của Chúa Cha và tương lai của chúng ta:

   - " Trong nhà Cha Thầy có nhiều chổ ở, nếu không Thầy đã không nói với anh em. Nếu Thầy đi dọn chổ cho anh em, thì Thầy lại đến và anh em  đi về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó" ( Jn 14, 2-3). 

Hành động của Chúa Giêsu trong Đền Thờ, là hành động để thanh tẩy Đền Thờ khỏi lối sống và phượng tự bất xứng. Các tiên tri cũng đã báo trước ý nghĩa của việc Người làm:

   - " Chúa các đạo binh là Thiên Chúa của Israel phán: Hãy cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi nầy…Nếu các ngươi thực sự cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, nếu các ngươi thật sự đối xử công bình với nhau, không ức hiếp người ngoại kiều hay cô nhi quả phụ, nếu các ngươi không đổ máu người vô tội, không đi theo các thần ngoại mà chuốc họa vào thân, thì Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi nầy, trong phần đất Ta đã ban cho cha ông các ngươi đến muôn đời. Nhưng các ngươi ỷ lại vào những lời dối trá, vô giá trị. Trộm  cấp, giết người, ngoại tình, thề gian, đốt hương tế thần Baal, đi theo các thần các ngươi không biết rồi lại vào nhà nầy, nơi Danh Ta được kêu khẩn…" ( Ger 7, 3-11). 

Hành động của Chúa Giêsu là dấu chứng cho mọi người mong đợi của Đấng Cứu Thế:

   - " Kià vị sứ giả của giao ước mà các ngươi mong đợi đang đến… Quả thật người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. Người sẽ luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Levi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc..." ( Mal 3, 1-3).

 

3 -

a) Câu nói lên ký ức của các môn đệ về những gì đã viết trong Kinh Thánh là câu được trích từ Thánh Vịnh 69:

   - " Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân" ( Ps 69, 9)

Nhưng trong khi trích lại câu Thánh Vịnh trên, Thánh Gioan đã biến đổi động từ ở thì hiện tại ( présent) " mà con phải thiệt thân" của Thánh Vịnh, thành động từ ở thì tương lai ( futur) để diển tả hành động và ngôn từ của Chúa Giêsu được thực hiện, tiên báo cho cuộc tử nạn và sống lại của Ngài:

   - " Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con sẽ phải thiệt thân" ( Jn 2, 17).  

Và cuộc sống lại của Ngài được diển tả bằng:

   - " Nhưng Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính Thân Thể Người: Vậy khi Người từ cỏi chết trổi dậy, các môn đệ Người nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và vào lời Chúa Giêsu đã nói" ( Jn 2, 22). 

Câu nói vừa kể được Thánh Gioan lập lại khi Ngài và Thánh Phêrô chạy đến mồ tìm Chúa Giêsu buổi sáng Phục Sinh, khi được bà Madalena báo cho:

   - " Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng: Theo Thánh Kinh Chúa Giêsu phải trổi dậy từ cỏi chết" ( Jn 20,9). 

Như vậy việc Chúa Giêsu phục sinh là nguyên lý căn bản để giải thích ngôn từ và hành động của Chúa Giêsu ở trần gian và những điều về Đấng Cứu Thế được ghi trong Cựu Ước.

Ngoài nguyên lý đó của việc Chúa Giêsu Phục Sinh, chính Chúa Thánh Linh sẽ là Thầy dạy chúng ta về những gì Chúa Giêsu đã nói:

   - " Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ nhân danh Thầy sai đến, Đấng  đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em  nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em" ( Jn 14, 26). 

   b) " Lòng  nhiệt tâm lo việc nhà Chúa" đó, nơi Chúa Giêsu là thánh ý của Cha Nguời, là chính lẽ  sống của Người:

    - " Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Ngài " ( Jn 3, 34). 

Và nếu một đàng Chúa Giêsu liên lạc với Chúa Cha, thi hành thánh ý của Người như lẽ sống của mình, Chúa Giêsu có Chúa Cha ở nơi mình, " Chúa Cha ở trong Thầy và Thầy ở trong Chúa Cha", như Người nói với Philipphe; thì đàng khác, ngôn từ  của  Chúa Giêsu là tiếng đáp ứng của Chúa Cha cho khát vọng Thiên Chúa của con người:

   - " Chính Ta là bánh trường sinh. Ai đến với Ta không hề phải đói; ai tin vào Ta chẳng  khát bao giờ!...Tất cả những người Chúa Cha ban cho Ta đều sẽ đến vói Ta, và ai đến với Ta, Ta sẽ không loại ra ngoài, vì Ta từ trời xuống, không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta. Mà ý Đấng đã sai Ta là tất cả những kẻ đã ban cho Ta, Ta sẽ không để  mất một ai, nhưng sẽ cho sống lại trong ngày sau hết" ( Jn 6, 35-40).

     

4 - Cảm tưởng đầu tiên của chúng ta khi đọc lại đoạn Phúc Âm Thánh Gioan hôm nay về cách hành xử của  Chúa Giêsu đối với những người buôn bán trong Đền Thờ nói riêng và đối với các người Do Thái lúc đó nói chung là thái độ nóng giận, mất bình tỉnh, không tự kềm chế được, nên mới lật đổ, đạp phá cho hả dạ để phục hận.

Cảm tưởng như vậy, vì chúng ta không hiểu được ý nghĩa ngôn sứ hành động của Chúa Giêsu. Hành động của Chúa Giêsu không để biểu lộ nóng giận cho bằng thái độ

   - không  thể dững dưng trước cách hành xử sai trái của con người đối với Thiên Chúa

   - hành động gian dối  con người đối với con người, như lời ngôn sứ Geremia, chúng ta đã có dịp trích dẫn ở trên ( Ger 7, 3-11).

Cử chỉ của Chúa Giêsu được các môn đệ hiểu hơn ai hết và được Thánh Gioan ghi  lại:

   - " Các môn đệ Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" ( Jn 2, 17). 

Chúa Giêsu với cử chỉ lật đổ và xua đuổi các người buôn bán ra khỏi đền thờ là hành động để thanh tẩy đền thờ, nơi thiên thánh, đã bị biến thành lối tệ, nạn tế tự ồn ào và lường lọc của hàng tôm cá, dành cho mình đặc quyền đặc lợi trên Thiên Chúa đối với người khác:

   - " Đem tất cả những thứ nầy ra khỏi đây, đừng  biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" ( Jn 2, 16). 

Thái độ của Chúa Giêsu là thái độ quyết liệt phải có, nhiều lúc phải có, chống lại thái độ rụt rè, núp bóng " nicodemisme", thái độ " đi đêm ",  như ông Nicodemo chỉ dám đến tìm Chúa Giêsu ban đêm ( Jn 3, 1-2).

Thái độ phải có  của người tín hữu Chúa Ki Tô là thái độ

   - " Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đầy sẽ phải thiệt thân" ?, 

Và " vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa ", mà nhiều lúc người Tín Hữu Chúa Ki Tô phải có thái độ quyết liệt trước lẽ phải đối với Chúa và đối với anh em, như Chúa Giêsu, có thể phải hy sinh cả chính mình:

   - " Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" ( Mt 16, 24). 

Và như chúng ta biết, " nhà Chúa hay Đền Thờ " không phải chỉ là những dinh thự được xây bằng gỗ, đá.

Quan niệm đó đã được Chúa Giêsu loại bỏ đi, khi Người dạy người thiếu phụ Samaritana:

   - " Này chị, hãy tin Ta: đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi nầy hay tại Giêrusalem…Nhưng giờ đã đến- và chính lúc nầy đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phương Chúa Cha trong Thánh Thần và chân lý…" ( Jn 4, 21.23). 

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy thái độ quyết liệt của Chúa Giêsu là

   - thái độ thanh tẩy Đền Thánh khỏi những cung cách phượng tự hình thức lỗi thời của Do Thái giáo lúc đó,

   - để thiết lập một cách thờ phượng Thiên Chúa mới "…trong Thánh Thần và chân lý "

   - và chỉ cho chúng ta phương cách hành xử giữa người với người đã được ngôn sứ Geremia nói đến một cách tiêu cực  (Ger 7, 3-11).

Thái độ quyết liệt của Chúa Giêsu để tuyên bố và bênh vực Nước Trời mà Ngài muốn đem lại cho chúng ta, trong đó Chúa Giêsu mạc khải Thiên Chúa cho con người và con người cho con người. Nói cách khác, thái độ quyết liệt của Chúa Giêsu

   - chống lại những hình thức thờ phượng Thiên Chúa một cách gian dối

   - và cách cư xử đê tiện hóa con người,

   - mạc khải tình thương Thiên Chúa " trong Thánh Thần và chân lý " và địa vị cao cả con người, con Thiên Chúa, cho con người.

Thái độ quyết liệt đó làm cho chúng ta suy nghĩ:

   - c húng ta có phục vụ Nước Trời , phục vụ Thiên Chúa và phục vụ anh em đến độ "vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi sẽ phải thiệt thân" hay " ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo",

   - hay chúng ta có " thái độ Nicodemo", đi đêm, luồn cúi, " xin-cho", " khéo gói thì no, khéo co thì ấm ", để được ân huệ.

Tệ hơn nữa, để viện cớ bênh vực cho thái độ " nằm khoanh vỏ ốc", nhiều người cho rằng những điều vừa kể là " làm chính trị ", ngoài bổn phận của hoạt động tôn giáo. 

Sau đây là câu trả lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II, cho những lối biện luận vừa kể:

   - " Kính thưa Đức Thánh Cha, người ta đồn rằng Đức Thánh Cha có làm chính trị, Đức Thánh Cha nghĩ sao?".

   - " Tôi nghĩ rằng không thể hiểu chính trị theo nghĩa hẹp. Nhiệm vụ của Đức Giáo Hoàng là rao giảng Phúc Âm. Nhưng trong Phúc Âm có con người, sự tôn trọng đối với con người, tức là nhân quyền, sự tự do lương tâm và tất cả những gì thuộc về con người. Nếu tất cả những điều đó có một giá trị chính trị, thì đúng, Đức Giáo Hoàng có làm chính trị. Nhưng Ngài luôn luôn đề cập đến con người, Đức Giáo Hoàng bênh vực con người" ( Ezio  Mauro e Paolo Mieli, " Giovanni Paolo II ", La Stampa, 04.03.91, p.2).

 

Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!