Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
Bài Viết Của
Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HIẾN CHẾ GAUDIUM ET SPES
NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN TRONG HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM - CHƯƠNG IV
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (40)
CÁM ƠN LÀ BIẾT SỐNG ĐỨC TIN
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (39)
GIÀU CÓ ĐÓNG CỔNG CON ĐƯỜNG ĐẾN CHÚA VÀ DỮNG DƯNG VỚI ANH EM
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (37).
CỦA CẢI VỮNG BỀN CHO ANH EM
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (36)
CHÚNG TA PHẢI ĂN MỪNG, EM CON ĐÃ CHẾT, MÀ NAY LẠI SỐNG.
“VÁC THẬP GIÁ MÌNH MÀ THEO TA”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (34)
“AI HẠ MÌNH XUỐNG SẼ ĐƯỢC TÔN LÊN ”.
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (33)
“HÃY CỐ GẮNG QUA CỬA HẸP MÀ VÀO”
TÌM HIỀU PHÚC ÂM THÁNH LUCA ( 32)
NHẬN BIẾT DẤU CHỈ THỜI ĐẠI ĐỂ CHỌN LỰA MỤC ĐÍCH CHÍNH ĐÁNG
“BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC THÂN MẪU CHÚA TÔI ĐẾN VỚI TÔI”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (31)
PHẢI SẴN SÀNG ĐỢI CHỦ VỀ
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (30)
“HÃY LO TÌM NƯỚC THIÊN CHÚA”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (29)
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XẴ HỘI CỦA GIÁO HỘI (5).
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (28)
"MARIA ĐÃ CHỌN PHẦN TỐT NHẤT"
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (4)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (27)
" AI THÂN CẬN VỚI NGƯỜI BỊ RƠI VÀO TAY KẺ CƯỚP ? "
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HÔI (3)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (26)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (25)
" ANH HÃY THEO TA ! "
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (2).
THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ CỦA THIÊN CHÚA.
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (1)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (23)
NÀNG ĐƯỢC THA THỨ NHIỀU, VÌ NÀNG ĐÃ THƯƠNG YÊU NHIỀU
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (22)
TA TRUYỀN CHO ANH HÃY TRỖI DẬY !
ĐƯỢC HƯỚNG DẪN BẰNG VÌ SAO VÀ THÁNH KINH

 

SUY NIỆM PHÚC ÂM (  IV B 8); ( 06.01.2012); ( Mt 2, 1-12)

THÁNH LỄ BA VUA

NGUYỄN HỌC TẬP

 

Đoạn Phúc Âm Thánh Matthêu thuật lại biến cố Ba Vua kính viếng Chúa Hài Nhi. Dựa trên địa danh của các diển biến, đoạn Phúc Âm có thể được chia làm hai phần.

Sau phần đầu của câu thứ nhứt, được dùng để giới thiệu:

   * " Khi Chúa Giêsu sinh ra tại Behtlem, miền Giudea, thời Erode trị vì... ( Mt 2, 1a),

 phần một của biến cố thuật lại diển biến ở thành phố Giêrusalem ( Mt 2, 1b-8):

   * " ...có mấy nhà chiêm tinh từ phương đông đến Giêrusalem và hỏi: Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương đông...Nghe tin ấy vua Erode bối rối, cả thành Giêrusalem cũng xôn xao...Họ ( các thượng tế và kinh sư ) trả lời: Tại Bethlem, miền Giudea, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Behtlem, miền đất Giudea, ngươi không phải là thành phố nhỏ nhứt của Giudea, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời " ( Mt 2, 1b-2.3-5).

- phần hai của biến cố được ghi lại ở địa danh thị xã Bethlem:

   * " ...họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương đông lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại...Họ vào nhà, thấy Hài Nhi và thân mẫu là bà Maria, liền sắp mình thờ lạy Người..." ( Mt 2, 9-11).

Câu 12 được dùng kể kết thúc cuộc thăm viếng, thuật lại Ba Vua ra về, tránh trở lại với Erode:

- " Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp Erode nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình" ( Mt 2, 12).

So với Phúc Âm Thánh Luca ( Lc 2, 1-7) , Thánh Matthêu không đặt nặng vấn đề tường thuật lại biến cố Chúa Giêsu sinh ra thế nào, có thiên thần loan báo và các mục đồng hối hả chạy đến gặp Hài Nhi Giêsu, mà chúng ta đã có dịp suy niệm trong Đêm Giáng Sinh mấy hôm trước đây, cho bằng dừng lại suy niệm sâu xa hơn về căn cội Chúa Giêsu là ai, khám phá ra mầu nhiệm của Người.

 

1 - Ba Vua đến Giêrusalem, được một vì sao hướng dẫn. Các ông dừng lại để hỏi cho biết chính xác nơi " Đức Vua dân Do Thái sinh ra" ở đâu:

- " Đức Vua Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người"     ( Mt 2, 2).

Ba Vua là ai ? Họ đã trẩy đi từ đâu, từ địa danh nào và cuộc hành trình của họ khởi đầu từ bao giờ và như thế nào?

Phúc Âm Thánh Matthêu không đề cập đến. Chỉ có một yếu tố duy nhứt, chúng ta biết được là họ xuất thân từ phương đông, " có mấy nhà chiêm tinh từ phương đông ", có nghĩa họ là những người thuộc " dân ngoại ", không phải người Do Thái:

- " Khi Chúa Giêsu ra đời tại Bethlem, miền Giudea, có mấy nhà chiêm tinh từ phương đông đến Giêrusalem..." ( Mt 2, 1). 

Có lẽ hình ảnh " vì sao " là ý niệm liên tưởng đến quan niệm tập tục cổ truyền, theo đó thì mỗi người trong chúng ta đều có một vì sao biểu tượng định mệnh, ẩn hiện trên nền trời từ lúc sinh ra đến lúc mất đi. Hay liên quan đến các bản văn cổ, theo đó thì mỗi lần có một biến cố quan trọng, một vị vua, một vị hoàng đế hay một nhân tài quan trọng sinh ra, là trên trời xuất hiện những biến cố thiên nhiên như là điềm báo để mọi người biết.

Cũng có thể viết những dòng trên, Thánh Matthêu liên tưởng đến một đoạn sách Cựu Ước, theo lời của nhà chiêm tinh Balaam: 

- " Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa, và biết những tư tưởng của Đấng Tối Cao, được Đấng Toàn Năng cho nhìn linh thị...Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc xuất thần, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Giacob, một vương trưọng trỗi dậy từ Israel sẽ đập vào màng tang Moab, đánh vở sọ tất cả con cái Seth" ( Nm 24, 16-17). 

Nhưng thay vì  nói lên biến cố Thiên Chúa trừng phạt các dân tộc thù nghịch Israel, câu văn được Thánh Matthêu ghi lại nhấn mạnh hơn vào ân phúc và hướng dẫn  Israel được sống thịnh vượng, an lành, "... vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời " ( Mt 2, 6).

Trong thời đại của Thánh Matthêu, đoạn văn trên của sách Dân Số được đọc và giải thích trong niềm mong đợi một vị Giải Phóng Quốc Gia. Như vậy " vì sao " là dấu chỉ nói lên  Hài Nhi vừa sinh ra sẽ là vị vua, có khả năng đem lại an bình và giải thoát Quốc Gia khỏi ách ngoại xâm.

Và  như vậy " vì sao " đối với Ba Vua là một " dấu hiệu chỉ biết nói ", báo cho biết. Do đó ba Vua mới để cho " vì sao thuyết phục " và dẫn lối họ đến Giêrusalem.

 

2 - a)  Nhưng rồi sự kiện Ba Vua đến Giêrusalem và dừng lại để hỏi đường, cho thấy biến cố thiên nhiên trong cuộc sống, dù là biến cố bất thường đi nữa, cũng không có khả năng dẫn giải cho chúng ta ý  nghĩa sâu đậm của biến cố.

" Vì sao " chỉ hướng dẫn Ba Vua đến gần " Đức Vua Do Thái mới sinh " thôi, không nói cho các ông biết thêm chính xác ở đâu và những gì có ý nghĩa thâm sâu hơn.

Bởi đó, đến Giêrusalem, các ông cảm thấy cùn đường.

Những gì còn lại, sâu thẩm hơn, chính xác hơn, các ông phải nhờ Thánh Kinh chỉ dẫn.

Và đó là những gì Erode, dầu với uy quyền của một vị vua, cũng phải bó tay. Erode phải cầu cứu các thượng tế và kinh sư là những người có hiểu biết về Thánh Kinh: 

- " Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, hỏi cho biết Đấng Ki Tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: ...Phần ngươi, hởi Bethlem, miền đất Giudea,...vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt israel dân Ta sẽ được sinh ra" ( Mt 2, 4-6). 

Ba Vua đến Giêrusalem là đi theo lời chỉ dẫn của sách tiên tri Isaia, là nơi con người sẽ được lời Chúa dạy bảo cho:

- " Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: Đến đây, ta cùng lên núi Chúa, lên nhà Thiên Chúa của Giacob, để Người dạy ta biết lời của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ " ( Is 2,3). 

Viết như vậy, Thánh Matthêu lưu ý chúng ta, muốn biết được Thiên Chúa hiện diện giữa con người, các biến cố trong cuộc sống hay " các dấu chỉ thời đại " hay " vì sao", có khả năng hướng dẫn chúng ta đến ngưởng cửa để gặp Chúa,

- " ...chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương đông " ( Mt 2, 2), nhưng muốn thấu hiểu được ý nghĩa sâu đậm những gì Chúa muốn nói với chúng ta, chúng ta cần có lời Chúa trong Sách Thánh cũng như lời của Giáo Hội giảng giải cho chúng ta, nếu chúng ta thật sự muốn gặp được Đấng Cứu Độ thực sự đang chờ đợi chúng ta trên bước đường chúng ta đang đi.

Không phải vô ý thức mà trong Kinh Tin Kính Giáo Hội dạy chúng ta:

 " ...con tin có Giáo Hội duy nhứt, thánh thiện, công giáo và tông truyền...".

Và cũng không phải không có ý nghĩa và tự nhiên mà Chúa Giêsu đặt Thánh Phêrô là Tảng Đá nền tảng của Giáo Hội, toà nhà đức tin của chúng ta:

- " Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá nầy, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi..." ( Mt 16, 18).  

Đức tin đặt trên Tảng Đá " tông truyền" của Phêrô là đức tin bất lay chuyển, ngay cả đối với " quyền lực tử thần". 

b) Đoạn văn Thánh Matthêu ghi lại câu trả lời của các thượng tế và kinh sư cho Erode là những gì họ liên tưởng đến

- câu của đoạn sách tiên tri Michea, được hiểu như là đoạn văn ám chỉ về Đấng Cứu Thế:

" Phần ngươi, hỡi Bethlem Ephrata, ngươi nhỏ nhứt trong các thị tôc Giuda, từ nơi ngươi Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mệnh thống lãnh Israel" ( Mic 5, 1),

- cũng như đoạn của sách tiên tri Samuele, nói về David là vua Israel:

" Ngay cả trước kia, khi ông Saul làm vua cai trị chúng tôi, chính ngài đã phải chỉ huy các cuộc hành quân của Israel, Chúa đã phán với ngài: Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Israel" ( 2 Sam 5, 2).

Xác tín đối với những gì Sách Thánh tiên đoán trước về Hài Nhi sắp sinh ra là " Đức Vua dân Do Thái ", được thực hiện nơi con người Hài Nhi Giêsu, Thánh Matthêu nói lên lòng tin đó bằng cách lập lại đến hai lần nguồn gốc Giudea của Chúa Giêsu, qua câu trả lời của các thượng tế và kinh sư:

- " Phần ngươi hởi Bethlem, miền đất Giudea, ngươi đâu phải là phần thành phố nhỏ nhứt của Giudea, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ được sinh ra" ( Mt 2, 6).  

Viết như vậy, Thánh Matthêu có ý nhấn mạnh đối với những ai có kiến thức về Cựu Ước, rằng  lời hứa mà Chúa đã hứa với Giuda, con Giacob, là từ chi tộc của ông sẽ nảy sinh ra Vi Thủ Lãnh cầm vương trượng Israel và muôn dân phải tuân phục Người:

- " Vương trượng sẽ không rời khỏi Giuda, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục" ( Gen 49, 10).

  Trước câu trả lời trích dẫn Thánh Kinh và những đoạn liên quan đến ý nghĩa của câu trả lời như vừa kể, đáng lý ra các thượng tế và kinh sư, những người am hiểu Thánh Kinh  trước tiên, kế đến Erode là người được các " dấu chỉ thời đại ", " vì sao", được Ba Vua báo cho là những người tiên phong hối hả chạy trước, như các mục đồng chay mau đến gặp Chúa Giêsu, khi được ân sủng Chúa mời gọi,  họ lại " giữ đạo", " điềm nhiên toạ thị", án binh bất động:

- "  Xin qúy ngài đi hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi..." ( Mt 2, 8).

Chỉ có Ba Vua là những người duy nhứt lại tiếp tục con đường đi Bethlem  tìm Chúa.

 

3 - Như trên chúng ta đã đề cập, Thánh Matthêu không quan tâm thuật lại biến cố Chúa Giêsu sinh ra được xảy ra thế nào, cho bằng muốn xác nhận và mời gọi những ai đọc Phúc Âm ngài xác nhận căn cội của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu là ai?

Đó là những gì được diển tả trong câu nói của Ba Vua, khởi hành đi tìm gặp Chúa Giêsu:

- " Đức Vua dân Do Thái " mới sinh, hiện ở đâu?" ( Mt 2, 2).

Danh từ đó, " Vua dân Do Thái ", được Thánh Matthêu dùng làm khuôn sườn khởi đầu cuộc đời Chúa Giêsu trong Phúc Âm về biến cố Giáng Sinh, chúng ta đang suy niệm, cũng như để kết thúc cuộc đời của Người lúc khổ nạn và chịu chết trên Thánh Giá:

- " Tổng trấn ( Pilato) hỏi Người: Ông là vua Do Thái sao? ".

- " Chúa Giêsu trả lời: Ngài nói đúng" ( Mt 27, 11).

- " Chúng qùy gối trước mặt Người mà nhạo bán: Vạn tuế đức Vua dân Do Thái" ( Mt 27, 29),

- " Phía trên đầu Người, chúng đặt bản xử án viết rằng: Người nầy là Giêsu, vua dân Do Thái" ( Mt 27, 37).

Danh từ " Vua dân Do Thái " không những làm cho Erode bối rối, mà cả thành Giêrusalem cũng xôn xao:

 " Nghe tin ấy, vua Erode bối rối và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao" ( Mt 2, 3).

Từ ngữ vừa kể làm cho vua và cả dân chúng thành Giêrusalem hiểu lầm và chống đối.

Sự hiểu lầm và chống đối đó của vua, dân Giêrusalem đối với Hài Nhi sơ sinh kéo dài thêm năm tháng bằng chống đối của vua và dân chúng đối với Chúa Giêsu và kết thúc bằng cái chết của Người.

Và chính cuộc tử nạn của Chúa Giêsu cho thấy quan niệm khác biệt giữa vương tước con người và vương tước của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là vua không phải là người tìm kiếm giàu sang, quyền lực, được phục vụ,  mà là người phục vụ mọi người, đến hy sinh mạng sống mình cho mọi người vì yêu thương:

- " Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải là người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" ( Mc 9, 35),

- " Những người được coi là thủ lãnh các dân, thì dùng uy mà thống trị dân, Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ anh em" ( Mc 10, 42-44). 

Và cuộc gặp gỡ giữa Hài Nhi Giêsu và ba Vua được diển ra ở Bethlem bằng cử chỉ ba Vua qùy xuống thờ lạy và dâng lễ vật cho.

Chúa Giêsu mạc khải chính Người cho Ba Vua và được Ba Vua nhận biết và bái phục Người:

- " Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sắp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược, mà dâng tiến" ( Mt 2, 11).

Chúa Giêsu là " Vua dân Do Thái ", là " Đấng Thánh của Thiên Chúa", được Sách Thánh tiên báo và được " vì sao" xuất hiện để báo hiệu và hướng dẫn lộ trình.

Đó là căn cội của Chúa Giêsu, mục đích tiềm ẩn mà Thánh Matthêu có ý viết lên trong đoạn Phúc Âm hôm nay. 

Trong tư tưởng đó, Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến, đem ơn cứu rỗi cho mọi người, được bài đọc thứ hai đề cập đến, nói qua thái độ khước từ của người Do Thái, như vua Erode, dân chúng Giêrusalem và dân Do Thái trong Phúc Âm, để đi đến kết luận rằng thái độ cởi mở đón nhận của dân ngoại, của tất cả mọi người chúng ta,  đón nhận Chúa Giêsu, làm cho họ cũng được dự phần vào gia sản mà Thiên Chúa đã hứa với dân Israel, dân được tuyển chọn trong Cựu Ước:

- " Trong Chúa Giêsu Ki Tô và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại cũng được thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng tham dự điều Thiên Chúa hứa" ( Eph 3, 6 ).

 

 

Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!