Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
Bài Viết Của
Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HIẾN CHẾ GAUDIUM ET SPES
NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN TRONG HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM - CHƯƠNG IV
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (40)
CÁM ƠN LÀ BIẾT SỐNG ĐỨC TIN
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (39)
GIÀU CÓ ĐÓNG CỔNG CON ĐƯỜNG ĐẾN CHÚA VÀ DỮNG DƯNG VỚI ANH EM
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (37).
CỦA CẢI VỮNG BỀN CHO ANH EM
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (36)
CHÚNG TA PHẢI ĂN MỪNG, EM CON ĐÃ CHẾT, MÀ NAY LẠI SỐNG.
“VÁC THẬP GIÁ MÌNH MÀ THEO TA”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (34)
“AI HẠ MÌNH XUỐNG SẼ ĐƯỢC TÔN LÊN ”.
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (33)
“HÃY CỐ GẮNG QUA CỬA HẸP MÀ VÀO”
TÌM HIỀU PHÚC ÂM THÁNH LUCA ( 32)
NHẬN BIẾT DẤU CHỈ THỜI ĐẠI ĐỂ CHỌN LỰA MỤC ĐÍCH CHÍNH ĐÁNG
“BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC THÂN MẪU CHÚA TÔI ĐẾN VỚI TÔI”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (31)
PHẢI SẴN SÀNG ĐỢI CHỦ VỀ
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (30)
“HÃY LO TÌM NƯỚC THIÊN CHÚA”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (29)
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XẴ HỘI CỦA GIÁO HỘI (5).
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (28)
"MARIA ĐÃ CHỌN PHẦN TỐT NHẤT"
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (4)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (27)
" AI THÂN CẬN VỚI NGƯỜI BỊ RƠI VÀO TAY KẺ CƯỚP ? "
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HÔI (3)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (26)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (25)
" ANH HÃY THEO TA ! "
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (2).
THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ CỦA THIÊN CHÚA.
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (1)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (23)
NÀNG ĐƯỢC THA THỨ NHIỀU, VÌ NÀNG ĐÃ THƯƠNG YÊU NHIỀU
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (22)
TA TRUYỀN CHO ANH HÃY TRỖI DẬY !
HAI ƠN GỌI VÀ HAI SỨ MẠNG

  

SUY NIỆM PHÚC ÂM ( IV C 14); ( 10.02.2013); ( Lc 5, 1-11)

CHÚA NHẬT V  PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN,  NĂM  C

NGUYỄN HỌC TẬP  

                                                                                                              

1 - Nhân dịp hai bài đọc hôm nay trong Thánh Lễ đều đề cập đến ơn gọi và sứ mạng, ( Is 6, 1.2a.3-8) và ( Lc 5, 1-11), chúng ta thử suy niệm  chung hai bài, bằng cách so sánh trường hợp hai ơn gọi và sứ mạng liên hệ.

Tư tưởng trước tiên ai trong chúng ta cũng có thể tự hỏi, khi đọc biến cố hai ơn gọi và sứ mạng của tiên tri Isaia và của Thánh Phêrô trong hai bài đọc hôm nay,  là tại sao Thiên Chúa lại kêu gọi và giao phó cho con người sứ mạng truyền bá ơn cứu rỗi và tình thương của Ngài cho nhân loại?

Đọc đoạn sách tiên tri Isaia được trích dẫn, chúng ta thấy Chúa có thể dùng các thiên sứ Seraphim của Ngài để thông báo và làm chứng lời Ngài đối với chúng ta, thay vì giao phó sứ mạng cho tiên tri Isaia.

Ngài là Chúa và là Chủ Nhân các đạo binh thiên quốc: 

   - " Phía bên trên Người, có các thiên thần Seraphim đứng chầu…Các vị ấy đối đáp tung hô: Thánh! Thánh! Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa! Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển; khắp Đền Thờ khói toả mịt mù" ( Is 6, 2-4). 

Thiên Chúa cũng có thể dùng quyền năng của Ngài phán một lời, để mạc khải ơn cứu rỗi và tình thương của Ngài cho chúng ta, như Ngài đã thực hiện khi tạo dựng nên vũ trụ: 

    - " Thiên Chúa phán: " Phải có ánh sáng". Liền có ánh sáng" ( Gn 1, 3). 

Vậy thì tại sao Thiên Chúa không dùng lời của Ngài phán để cứu rỗi nhân loại, thay vì qua trung gian con người, các tiên tri trong Cựu Ước, qua trung gian chính Con Một của Người và sau đó là qua trung gian  các Tông Đồ và cả Ki Tô hữu hiện tại, với bao nhiêu hy sinh công sức và không chắc hiệu năng có bằng lời của Ngài phán?

Có lẽ một phần câu trả lời, chúng ta có thể tìm được ngay từ động tác tạo dựng con người của Thiên Chúa.

Thiên Chúa dựng nên vũ trụ bằng cách dùng lời Ngài phán để thực hiện, như đã nói.

 Và liên tiếp trong năm ngày như vậy, mỗi lần Thiên Chúa phán một lời, là sự vật được dựng nên (Gn 1, 3.7.9.11.15.24).

Nhưng đến ngày thứ sáu Thiên Chúa dường như dừng lại để suy nghĩ trước khi dựng nên con người, để dựng nên con người thế nào cho thích hợp.

Thánh Kinh cho thấy Thiên Chúa suy nghĩ: 

   - " Chúng ta hãy dựng con người giống hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta,để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc , dã thú , tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất " ( Gn 1, 26).  

Thiên Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, không có lý do gì khiến Ngài phải dừng lại để suy nghĩ.

Phải chăng đó là cách  diễn tả của Thánh Kinh để chuyển đạt đến chúng ta tư tưởng rằng con người là tạo vật quan trọng, cao trọng trổi vượt hơn các tạo vật khác mà Thiên Chúa đã dựng nên.

Và đó là điều Thiên Chúa quyết định: 

   - " Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Ngài,

       Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,

       Thiên Chúa sáng tạo con người có nam , có nữ" ( Gn 1, 27). 

Con người được Thiên Chúa sáng tạo giống hình ảnh Ngài, được Thánh Kinh lập lại đến hai lần, để nói lên tầm quan trọng cần phải chú ý đối với những ai đọc Thánh Kinh sau nầy.

Con người được sáng tạo giống hình ảnh Thiên Chúa, có trí khôn ngoan và tự do phản ảnh lại trí khôn vô hạn của Thiên Chúa và tự do không bị giới hạn bởi bất cứ một trở lực nào .Con người " giống hình ảnh Thiên Chúa" đó là con người có địa vị cao cả, được Thiên Chúa ban cho địa vị  trổi vượt hơn mọi tạo vật.

Có lẽ đó chính là lý do tại sao Thiên Chúa nhờ con người, được ban cho trí khôn ngoan, lòng đại lượng yêu chuộng tự do và biết thương yêu người khác như chính mình, đại diện cho Người để thực hiện công việc Người muốn thực hiện ở trần gian.

Chính trong chiều hướng đó Ngài giao cho con người đại diện Ngài, cộng tác với Ngài để chăm sóc, tạo nên hoa quả và canh giữ đất đai: 

  -  " Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào Vuờn Địa Đàng, để trồng trọt và trông coi" ( Gn 2, 15). 

Từ ngày đó, con người đại diện Thiên Chúa ở trần gian để cộng tác với Ngài,  làm việc, " …trồng trọt và trông coi " tạo nên nơi ăn chốn ở, xứng đáng với nhân phẩm con người cho chính mình và cho anh em mình, "được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa" như mình .

Hiểu được vai trò đại diện cho Thiên Chúa ở trần gian để cộng tác với Ngài thực hiện sứ mạng như vừa kể, chúng ta một cách nào đó có thể hiểu được tại sao Thiên Chúa muốn dùng chính con người để loan báo ơn cứu rỗi và tình thương Cha con của Ngài cho con người, thay vì loan báo qua lời phán hay qua các thiên sứ.

Bởi vì chính nhờ khả năng "được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa", 

   - "Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa,  có khả năng nhận biết và yêu thương Đấng đã dựng nên mình" ( GS 12, 3). 

Con người có khả năng nhận biết và yêu mến Thiên Chúa và từ đó cũng có khả năng chuyển đạt kiến thức và tâm tình đó đến anh em đồng loại mình.

Con người với địa vị cao cả và khả năng  như vậy, " hình ảnh của Thiên Chúa",  là con người có địa vị bất khả xâm phạm đối với bất cứ ai.

Nhưng suy nghĩ như vậy, chúng ta chưa liên tưởng đến Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa Nhập Thể, đã nâng chúng ta từ hàng thọ tạo lên địa vị "con Thiên Chúa" ( Mt 6,9).

Và nhờ công đức và quyền năng của Chúa Giêsu, chúng ta lại còn  được Thiên Chúa cho được tham dự vào bản tính Thiên Chúa của Người, vào chính đời sống thần linh nội tại mà Thiên Chúa đang sống:

   - " Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy ( của Chúa Giêsu), Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được tham dự bản tính Thiên Chúa…" ( 2 Pt 1,4).  

Để chứng minh cho mọi người thấy rằng mình là một thực thể, Des Cartes , một văn hào Pháp  đã viết một câu bất hữu:

   - " Cogito, ergo sum" ( Sự kiện tôi là người đang suy  nghĩ, chứng tỏ rằng tôi là một thực thể có thật).

Nhưng đối với chúng ta, những người có đức tin, chúng ta có thể còn đi xa hơn văn hào Des Cartes, bằng cách sữa lại câu văn của ông với  động từ ở thể thụ động: 

   - " Cogitor, ergo sum" ( Tôi là một thực thể hiện hữu có thật, có được địa vị làm người cao cả như thế nầy ( ergo sum), chính là nhờ tôi được ( cogitor) Chúa quan tâm đến, Chúa nghĩ đến và ban cho). 

 Con người không có Thiên Chúa, không được Ngài thương ban dựng nên giống hình ảnh Người, không có khả năng nhận biết và yêu mến Người, không được Người ban cho địa vị là con của Ngài,  không được Người  đặt trong tâm khảm lòng ước muốn hạnh phúc vô tận, không được Người ban cho đặc ân được tham dự vào bản tính Thiên Chúa của Người, nguồn hạnh phúc bất diệt để đáp ứng lại khao khát hạnh phúc của con người, con người đó là con người bất hạnh.

Con người là một thực thể bất hạnh, nếu không có Thiên Chúa!

Bởi đó một nhà thần học lỗi lạc người Đức, Giáo Sư Karl Rahner, đã viết trong bộ sách Mysterium Salutis: 

   - " Không ai có thể đề cập đến một con người hoàn hảo, nếu không đề cập đến Thiên Chúa". 

Không có Thiên Chúa, con người không là gì hết.

Chính vì con người được Chúa tạo dựng nên với địa vị và khả năng như vậy, là người cộng tác  của Người ở trần gian, nên Người  kêu gọi và ủy thác cho con người sứ mạng loan báo cho anh em mình ơn cứu rỗi và tình thương Cha con của Người đối với nhân loại.

Đó là địa vị cao cả và cũng là trọng trách vừa là niềm hãnh diện của con người.

,

2 - So sánh hai trường hợp ơn gọi của tiên tri Isaia và của Thánh Phêrô trong hai bài đọc Chúa Nhật hôm nay, chúng ta có những điểm khác biệt và tương đồng. 

  a) Trước hết tiên tri Isaia được Chúa gọi trong khung cảnh một cuộc lễ tế tự trong Đền Thờ: 

   - " Năm vua Osia băng hà, tôi thấy Đức Chúa ngự trên ngai cao; tà áo Người bao  phủ đền thờ" ( Is 6, 1).  

Trong khi đó thì ơn gọi của Thánh Phêrô được xảy ra cho Ngài trong cuộc sống thường nhật, trong lúc Ngài cùng các bạn đồng nghề đang xếp đặt lại ghe và lưới sau một đêm đánh cá: 

   - " Bấy giờ Chúa Giêsu bảo ông Simon: Đứng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Ngài" ( Lc 5, 10b-11). 

Ơn gọi của Thiên Chúa có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đối với bất cứ ai, nếu chúng ta biết lắng nghe và vâng theo như Isaia và Phêrô. 

   b) Trong cả hai trường hợp ơn gọi Isaia và Phêrô, Thánh Kinh thuật lại cho chúng ta thấy thân phận khiêm  tốn của con người trước mặt Thiên Chúa.

Trước mặt Chúa là Đấng Thánh, con người chỉ là một tạo vật trần trụi và tội lỗi, bất xứng.

- Isaia cũng như Moisen trên núi Sinai chưa hề được diện kiến với Chúa. Ông chỉ  

   * " thấy Chúa ngự trên cao. Tà áo Người bao phủ đền thờ.Phía bên trên Người , có các thần Serafim đứng chầu…Các vị ấy tung hô:Thánh! Thánh! Thánh!...Tiếng tung hô đó làm các trụ cửa rung chuyển; khắp Đền Thờ khói tỏa mù mịt" ( Is 6, 1.3.4), là ông cảm thấy mình tội lỗi, bất xứng:

   * " Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là người môi miệng ô uế. Tôi ở giữa dân môi miệng ô uế " ( Is 6,5). 

Và cũng chính vì ý thức được tình trạng bất xứng con người của mình, " …môi miệng ô uế ", nên Isaia không dám hở môi lên tiếng hoà hợp với các thiên sứ chúc tụng Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh. 

- Cũng vậy, khi được Chúa Giêsu làm phép lạ cho lưới được đầy cá, mặc dầu giờ giấc buổi  trưa không phải là lúc thuận lợi để bổ lưới và cũng có thể vì nhiều lần chứng kiến những phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện, ít nhứt những phép lạ Cana và Capharnaum, theo văn mạch Phúc Âm Thánh Luca, nên Phêrô ý thức được Đấng đang đối diện với mình là ai và thân phận tội lỗi bất xứng con người của mình. Đó là những gì nói lên tâm tình của Thánh Phêrô, được Thánh Luca thuật lại trong câu nói: 

  - " Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !" ( Lc 5, 8).

   c) Con người ý thức tình trạng yếu hèn, tội lỗi bất xứng của mình trước mặt Thiên Chúa Chí Thánh.

Và chính Chúa còn biết chúng ta rõ hơn cả chúng ta, bởi lẽ chính Ngài  biết đã dựng nên chúng ta như thế nào và đã nhắc chúng ta lên địa vị nào:  

   - " Cogitor, ergo sum !".

Do đó một khi nhìn thấy con người khiêm nhường, nhận biết tình trạng tội lỗi bất xứng của mình, không bao giờ Chúa để con người bơ vơ, vô vọng, nặng chỉu dưới ách tội lỗi.

Đó là những gì Thiên Chúa đã can thiệp đối với Isaia và Phêrô.

Trước thái độ khiêm nhường nhận biết tình trạng bất xứng của mình, Thiên Chúa đã cho thiên sứ Seraphim đem than hồng đến để tẩy uế miệng lưởi Isaia: 

   - " Một trong các thần Seraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng , người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng lưỡi tôi và nói: Đây, than nầy đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội" ( Is 6, 6-7). 

Cũng vậy, trước thái độ khiêm tốn, nhận chân tình trạng bất xứng của Phêrô trước mặt Chúa Giêsu, Chúa Giêsu không những tỏ cho Phêrô biết Người không quan tâm đến những gì bất toàn ở nơi Phêrô, mà Ngài còn khuyến khích Phêrô hãy can đảm và giao cho Phêrô sứ mạng cao cả, sứ mạng thu phục anh em nhân loại của ông: 

   - " Đừng sợ, từ nay anh sẽ là thu phục người ta" ( Lc 5, 10b). 

   d) Và rồi thể thức đáp ứng lại ơn gọi của Phêrô và Isaia cũng là mẫu gương để chúng ta noi theo.

Trước lời mời gọi vừa qua của Chúa Giêsu, " Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta", Thánh Phêrô và các bạn đồng nghiệp chài lưới của Ngài bỏ chài, bỏ ghe, bỏ cả cuộc sống hiện tại để theo Chúa: 

   " Thế là họ ( Phêrô và các bạn đồng nghiệp) đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người" (L- c 5, 11). 

Qua lời mời gọi của Chúa Giêsu và hành động đáp ứng của Phêrô và các bạn hữu Ngài, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu không chỉ tha thứ và an ủi Phêrô khỏi mặc cảm  con người thấp hèn và tội lỗi của Phêrô, để ông được bình an , tự tại, an thân: " Đừng sợ!".

Trong câu nói tha thứ và an ủi của Chúa Giêsu, còn hàm chứa một sứ mạng, " … từ nay anh sẽ là người thu phục người ta".

Cũng vậy, thiên sứ Seraphim đem than hồng đến để rửa sạch môi miệng Isaia, không những để Isaia có thể hội nhập cùng ca đoàn thiên quốc cất tiếng chúc tụng Thiên Chúa " Thánh! Thánh! Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh…" ( Is 6, 3),

mà còn cho Isaia có khả năng nhận biết Thiên Chúa đang cần một ngôn sứ để sai đi giảng dạy cho dân Ngài biết thống hối tội lỗi của họ.

Và chính nhờ được Thiên Chúa mời gọi bằng cử chỉ cho thiên sứ Seraphim đem than hồng đến thanh tẩy môi miệng, mà Isaia mạnh dạn hăng say, tự hiến thân vâng lời Chúa đi phục vụ anh em: 

   - " Dạ, con đây, xin sai con đi " ( Is 6, 8).  

Chúng ta cũng vậy, mỗi người chúng ta đã nhận lãnh ơn gọi và sứ mạng khi chúng ta nhận Bí Tích Rửa Tội, không phải chỉ để chúng ta được thanh tẩy trong sạch, không tỳ vết như môi miệng Isaia và an thân tự tại "Đừng Sợ" như Phêrô.

Ơn gọi và sứ mạng trong Bí Tích Rửa Tội, chúng ta lãnh nhận được là để chúng ta sống đời Ki Tô hữu phục vụ anh em, tùy hoàn cảnh sống và khả năng được Chúa ban cho mỗi người.

Điều quan trọng là chúng ta hãy biết nói với Chúa như Isaia: 

   - " Dạ, con đây, xin sai con đi " ( Is 6, 8).

 

Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!