Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
Bài Viết Của
Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HIẾN CHẾ GAUDIUM ET SPES
NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN TRONG HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM - CHƯƠNG IV
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (40)
CÁM ƠN LÀ BIẾT SỐNG ĐỨC TIN
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (39)
GIÀU CÓ ĐÓNG CỔNG CON ĐƯỜNG ĐẾN CHÚA VÀ DỮNG DƯNG VỚI ANH EM
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (37).
CỦA CẢI VỮNG BỀN CHO ANH EM
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (36)
CHÚNG TA PHẢI ĂN MỪNG, EM CON ĐÃ CHẾT, MÀ NAY LẠI SỐNG.
“VÁC THẬP GIÁ MÌNH MÀ THEO TA”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (34)
“AI HẠ MÌNH XUỐNG SẼ ĐƯỢC TÔN LÊN ”.
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (33)
“HÃY CỐ GẮNG QUA CỬA HẸP MÀ VÀO”
TÌM HIỀU PHÚC ÂM THÁNH LUCA ( 32)
NHẬN BIẾT DẤU CHỈ THỜI ĐẠI ĐỂ CHỌN LỰA MỤC ĐÍCH CHÍNH ĐÁNG
“BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC THÂN MẪU CHÚA TÔI ĐẾN VỚI TÔI”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (31)
PHẢI SẴN SÀNG ĐỢI CHỦ VỀ
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (30)
“HÃY LO TÌM NƯỚC THIÊN CHÚA”
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (29)
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XẴ HỘI CỦA GIÁO HỘI (5).
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (28)
"MARIA ĐÃ CHỌN PHẦN TỐT NHẤT"
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (4)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (27)
" AI THÂN CẬN VỚI NGƯỜI BỊ RƠI VÀO TAY KẺ CƯỚP ? "
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HÔI (3)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (26)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (25)
" ANH HÃY THEO TA ! "
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (2).
THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ CỦA THIÊN CHÚA.
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG HUẤN DỤ XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (1)
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (23)
NÀNG ĐƯỢC THA THỨ NHIỀU, VÌ NÀNG ĐÃ THƯƠNG YÊU NHIỀU
TÌM HIỂU PHÚC ÂM THÁNH LUCA (22)
TA TRUYỀN CHO ANH HÃY TRỖI DẬY !
HÃY ĐỨNG DẬY VÀ NGẨNG ĐẦU LÊN


SUY NIỆM PHÚC ÂM ( IV C IV 1); ( 02.12.2012),( Lc 21, 25-28.34-36)

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, NĂM C


NGUYỄN HỌC TẬP


A ) " Khi những biến cố ấy bắt đầu xãy ra, anh em hãy đứng thẳng dậy và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc" ( Lc 21, 28).

Đó là ý nghĩa chính của bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, Chúa Nhật I Mùa Vọng, mùa mong đợi Đấng Cứu Thế đến để giải phóng con người, được Thánh Bộ Phụng Tự trích từ Phúc Âm Thánh Luca ( Lc 21, 25-28.34-36).

Với ý nghĩa của lời huấn dạy vừa kể Chúa Giêsu muốn báo trước cho những ai tin vào Ngài rằng những biến cố thiên nhiên cũng như lịch sử có kinh hoàng, khủng khiếp và thảm đạm bao nhiêu mà con nguời chúng ta hoảng sợ và cho là vô vọng không lối thoát, sẽ chỉ là khủng khiếp và bi đát đối với những ai không có đức tin.

Còn đối với những ai tin vào Chúa Giêsu, những biến cố thiên nhiên cũng như lịch sử vừa kể chỉ là những dấu hiệu tiên báo cho thời kỳ vui mừng và hy vọng sắp đến, vì là thời kỳ được giải thoát đã gần kề.

Mở đầu cho những lời khuyên bảo trên, Chúa Giêsu, tuyên bố hơn là diễn tả những biến động thiên nhiên sẽ xãy ra tiên báo cho việc Ngài sẽ trở lại trong ngày cánh chung để phán xét nhân loại , về những hành xử tội phúc mà họ đã thực hiện trên đời:


- " Sẽ có những điềm lạ trên trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào, sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển" ( Lc 21, 25-26).

Đối với người tín hữu Chúa Ki Tô, biến cố Chúa Giêsu sẽ trở lại trong ngày cánh chung là một tín điều:


- " Và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng" ( Kinh Tin Kính).


Niềm tin đó đã được Thánh Luca ghi lại trong lời tiên báo của Chúa Giêsu cho các Môn Đệ Ngài và những ai tin vào Ngài:


- " Bấy giờ người ta sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến" ( Lc 21, 27).


Lời tiên báo trên của Chúa Giêsu, được Ngài lấy lại hình ảnh của Con Người trong Cựu Ước, diễn tả diện kiến ban đêm của nhân vật chính trong sách tiên tri Daniel:


- " Trong thị kiến ban đêm, tôi mãi nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị , vinh quang và vương vị. Muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phục vụ Người " ( Dn 7, 13-14).


Có điều khác biệt là Con Người trong Cựu Ước, trong sách tiên tri Daniel là hình ảnh của một nhân vật , tượng trưng cho một tập thể dân tộc, dân tộc Do Thái, sau khi bị đô hộ và bách hại, sẽ được Thiên Chúa cứu thoát và các vương quyền khác phải vâng phục. "Con Người " trong Cựu Ước của tiên tri được dùng với thành ngữ: " có ai hình như một Con Người " trong câu vừa trích dẫn. Con Người uy quyền đó tượng trưng cho dân Do Thái:

- " Còn vương quốc với quyền thống trị cũng như địa vị cao cả của các vương quốc khắp thiên hạ sẽ được trao cho dân thánh của Đấng Tối Cao. Vương quyền của dân ấy là vương quyền vĩnh cữu, và mọi quyền thống trị sẽ phụng sự và vâng phục dân ấy" ( Dn 7, 27).


Trong khi đó thì " Con Người đầy quyền năng và vinh quang " của Phúc Âm Thánh Luca là " Con Người" được viết lại có định quán từ ( article défini , le ) đứng trước để ám chỉ "chính" Con Người đó là Chúa Giêsu tự xác nhận về chính mình:


- " Bấy giờ người ta sẽ thấy " chính" Con Người ( chính Ta) đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến" .

Qua câu nói đó Chúa Giêsu tiên báo cho các Môn Đệ và những ai tin vào Ngài rằng chính Ngài sẽ đến với họ và Ngài khuyên họ hãy hy vọng và vui mừng thay vì sợ hải như những ai không có đức tin:


- " Khi biến cố ấy bắt đầu xãy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu thoát" ( Lc 21, 28).


Thái độ đứng thẳng dậy và ngẩng đầu lên là thái độ vui mừng và hiên ngang để đón tiếp người thân, đón tiếp vị cứu tin đến giải thoát.

Chúa Giêsu khuyến khích các Môn Đệ Ngài và các tín hữu Ngài thái độ vừa kể, liên tưởng đến hình ảnh ngược lại đối với những ai tuyệt vọng trong Cựu Ước:


- " Madian bị hạ nhục trước mắt con cái Israel; chúng không ngẩng đầu lên được nữa. Dưới thời ông Gedeon, lãnh thổ được bình an bốn mươi năm" ( Jd 8, 28).


Hay :


- " Kìa kẻ thù Chúa đang ồn ào náo động, bọn ghét Ngài đang ngóc đầu lên"(Ps 83,3).


Như vậy, thái độ " anh em hảy đứng thẳng và ngẩng đầu lên" ( Lc 21, 28) là cử chỉ của kẻ có niềm tin và hy vọng mãnh liệt, khi các khó khăn của cuộc sống có thể làm cho chúng ta đóng kín vào con người của chúng ta, hết nghị lực để phấn đấu và nãn chí xuôi tay.

Đứng thẳng người dậy và ngẩng đầu lên tương đương với ý nghĩa đừng sợ hải và nãn chí. Can đảm, tin tưởng và hy vọng đó không phải dựa vào ý chí bướng bỉnh, liều lỉnh và không suy tính thường tình của nhân loại chúng ta, mà là tin và hy vọng mãnh liệt vào lời Chúa hứa, Đấng duy nhất đã tự xác định mình:


- " Đường, sự thật và sự sống, chính là Thầy" ( Jn 14, 6).


Đấng đã tuyên hứa với chúng ta:


- " Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu" ( Lc 21, 33).


Và chính Ngài cũng tuyên bố cho rằng sự cứu rỗi của con người,

- con người được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa( Mt 6, 9)

- và được tham dự vào chính đời sống mà Thiên Chúa đang sống ( 2 Pt 1,4) là những gì vượt quá khả năng của con người, nhưng là những gì Thiên Chúa Toàn Năng ban cho chúng ta do tình thương của Ngài đối với chúng ta:


- " Nghe nói vậy các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: Thế thì ai có thể được cứu? Chúa Giêsu nhìn thẳng vào các ông mà phán: Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được" ( Mt 19, 26).


Với ý nghĩa của thành ngữ " chính Con Người…" của lời xác quyết Chúa Giêsu được đề cập ở trên và ý nghĩa của những lời Phúc Âm vừa trích dẫn, chúng ta ý thức được rằng lời khuyên của Chúa Giêsu


- "anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu thoát" ( Lc 21, 28)


là chính thời điểm cứu thoát được chính Ngài là Đấng Cứu Thế đem đến, được thực hiện hoàn hảo và vĩnh viễn.

Hiểu như vậy, chúng ta thấy được tại sao ông Zacaria được mãn nguyện khi nhìn thấy được cậu bé Giêsu trong đền thờ:


- " Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người" ( Lc 1, 68).


Và cụ già Simeon cũng đã mãn nguyện nhìn được tận mắt ơn cứu độ Thiên Chúa đem đến cho muôn dân, khi ông ẳm lấy hài nhi Giêsu trong tay, ngày song thân tiến dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh:


- " Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ nầy được bình an ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân" ( Lc 2, 29-30).


Và chính Chúa Giêsu xác nhận Ngài là Đấng Cứu Thế, qua câu tiên báo của tiên tri Isaia:


- " Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa" Và Người bắt đầu nói với họ:" Hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh các người vừa nghe"( Lc 4, 18-19.21).


Ơn cứu rỗi đó là ơn cứu rỗi Chúa Giêsu đem đến cho những ai tin vào Người.

Do đó biến cố


- " Và Ngài sẽ trở lại trong vinh quang" hay " Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy " chính" Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến" ( Lc 21, 26) không những chỉ là biến cố không làm cho những ai tin vào Chúa Giêsu không sợ hãi, mà còn vui mừng, bởi vì chính họ cũng sẽ dự phần vào vinh quang của Ngài:


- "… anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu rỗi" ( Lc 21, 27).


B) Để sẳn sàng tiếp nhận biến cố quan trọng vừa kể, Chúa Giêsu khuyên các Môn Đệ và những ai tin vào Người:


- " Vậy anh em hãy thức tỉnh và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người " ( Lc 21, 36).


Thái độ " đứng thẳng và ngẩng đầu lên" trước những biến cố thiên nhiên và lịch sử kinh hoàng đối với nhân loại, không phải là thái độ ương ngạnh, tự kiêu, liều lỉnh của một con người vô lương tri, như đã nói, mà là thái độ của những ai có đức tin mãnh liệt vào Chúa Giêsu và vào các lời huấn dạy của Ngài.

Đức tin đó luôn luôn được hỗ trợ bởi lời cầu nguyện. Cầu nguyện là liên hệ thân tình với Chúa và được Chúa ban cho Chúa Thánh Linh, sức mạnh để hổ trợ chúng ta trong cuộc sống:


- " Vậy anh em vốn là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ cầu xin Ngài sao?" ( Lc 11, 13).


Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta " đứng thẳng và ngẩng đầu lên", không thối chí trước những thất bại của chính mình và của người khác, không nãn lòng trước những khả năng hạn hẹp của chính mình và những bất toàn, yếu kém của người khác.

Chúa Giêsu không nói là những ai tin vào Ngài sẽ khỏi bị những cơn thử thách, nhiều khi thử thách đến kinh hoàng xãy ra cho nhân loại:

- " Người ta sợ đến hồn xiêu phách bạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu" ( Lc 21, 26).

- " kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất" ( Lc 21, 35).


Nhưng Ngài sẽ ban Thánh Thần để trợ lực, bảo vệ và dạy dỗ những ai tin vào Ngài trước những thử thách:


- " Khi người ta điệu anh em đi nộp, thì anh em đừng lo trước phải nói gì, nhưng trong giờ đó, Thiên Chúa cho anh em biết điều gì, thì hãy nói điều ấy, thật vậy, không phải chính anh em nói, mà Thánh Thần nói " ( Mc 13, 11).

- " Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thánh Thần của sự thật, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em" ( Jn 14, 16-17).


Như vậy người tín hữu Chúa Ki Tô múc lấy sức mạnh của mình trong lời cầu nguyện, vì chính trong động tác cầu nguyện, liên hệ mật thiết với Chúa Cha, họ được Ngài ban cho Chúa Thánh Linh.

Với sức mạnh đó và trí thông minh đó đuợc Chúa Thánh Linh ban cho, họ sẽ không buông thả mình lẩn tránh vào lạc thú, giàu có, địa vị, chức quyền như lời Chúa Giêsu căn dặn:


- " Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới chụp xuống trên đầu anh em" ( Lc 21, 34).


Người tín hữu Chúa Ki Tô là người sống ý thức về những gì mình phải làm, không buông thả vào lạc thú, giàu sang, quyền lực, địa vị ở đời nầy, sống trong thời gian mong đợi Chúa Giêsu Phục Sinh lại đến, đến trong cuộc sống riêng tư của mình, cũng như mong đợi thời điểm ngày cánh chung, bằng cách ý thức chu toàn nhiệm vụ của mình và bằng lời cầu nguyện.

Thái độ của người Ki Tô hữu là

- thái độ ý thức chu toàn trách nhiệm của mình đối với Chúa và đối với anh em, " tỉnh thức và cầu nguyện",

- nhưng không phải là thái độ của kẻ sống thoi thóp, sợ sệt trong kinh hoàng, kẻ đang chờ đại họa sắp xảy ra không biết lúc nào.

Họ sống bình an, trung tín trong trách nhiệm và bằng tình thương trong chu toàn nhiệm vụ của mình, liên kết mật thiết với Chúa trong lời cầu nguyện, như tâm tình của một đứa con sống với cha mẹ trong gia đình. Bởi lẽ người Ki Tô hữu không phải là người nô lệ, làm việc tắc trách trong sợ sệt, mà là một đứa con trong gia đình Thiên Chúa:


- " Để chứng thật anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, Cha ơi! Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con, thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa" ( Gal 4, 6).

Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!