BÀI GIÁO LÝ NGÀY THỨ TƯ ( 8A 18)
Công trường Thánh Phêrô, buổi yết kiến ngày thứ tư, 23.05.2012.
( Gal 4, 6-7; Rom 8, 14-17).
ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTUS XVI
Anh Chị Em thân mến,
Thứ tư tuần rồi tôi đã cho thấy rằng Thánh Phaolồ nói Chúa Thánh Thần là Vị Thầy trọng đại của lời cầu nguyện và dạy chúng ta biết hướng về Chúa với những ngôn từ âu yếm của con cái, bằng cách gọi Người bằng " Abba, Cha ơi ! ".
Chúa Giêsu cũng đã hành xử như vậy, ngay cả trong lúc thảm đạm nhứt cuôc sống trần gian của Người. Chúa Giêsu không bao giờ mất đi lòng tin cậy vào Chúa Cha và Người đã luôn luôn van xin Cha Người với tình thân mật của Người Con được yêu thương.
Trong vườn Giêtsemani, khi Người cảm nhận được nỗi âu lo của sự chết, lời cầu nguyện của Người là
- " Abbà, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén nầy xa con . Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn " ( Mc 14, 36).
1 - Ngay thừ những bước đầu tiên của cuộc hành trình, Giáo Hội đã đón nhận lời van xin nầy và đã làm cho trở thành của mình, nhứt là trong kinh Lạy Cha Chúng Con, trong đó chúng ta thốt lên mỗi ngày
- " Lạy Cha..., xin ý muốn của Cha thể hiện trên trời cũng như dưới đất " ( Mt 6, 9-10).
Trong các Thư Thánh Phaolồ từ ngữ đó chúng ta gặp lại hai lần. Vị Tông Đồ, chúng ta đã nghe Người nói với các tín hữu Galati bằng những lời nầy:
- " Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: " Abbà, Cha ơi " ( Gal 4,6).
Và tâm điểm của lời kinh hát cho Chúa Thánh Thần ở tại chương tám Thư gởi cho các tín hữu Roma, Thánh Phaolồ cũng xác nhận:
- " Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thánh Thần khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thánh Thần làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: " Abbà, Cha ơi ! " ( Rom 8, 15).
Kitô giáo không phải là một tôn giáo của sợ hải, mà là tôn giáo của lòng tin cậy và của tình thương đối với Chúa Cha là Đấng yêu thương chúng ta.
Hai lời xác nhận dày đặc đó nói với chúng ta về việc sai đến và đón nhận Chúa Thánh Thần, quà tặng của Chúa Phục Sinh , Đấng làm cho chúng ta trở nên con cái trong Chúa Kitô, Người Con Duy Nhứt và đặt chúng ta trong một mối liên quan con cái với Thiên Chúa.
Đó là mối liên quan tin cậy sâu đậm, như mối tương quan của trẻ thơ. Mối liên hệ tương quan đó tương tợ như mối tương quan của Chúa Giêsu, mặc dầu có khác nhau về khởi đầu và khác nhau về bề dày: bởi vì Chúa Giêsu là Con từ muôn thuở của Thiên Chúa, đã nhập thể, trái lại chúng ta trở nên con cái trong Người, trong thời gian, nhờ đức tin và các Phép Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức. Nhờ hai Phép Bí Tích đó, chúng ta được nhận chìm vào Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô.
Chúa Thánh Thần là một ơn ban qúy giá và cần thiết làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Người thực hiện tình dưỡng tử mà tất cả mọi người được kêu gọi, như đó là lời chúc phúc xác nhận của Chúa trong Thư gởi các tín hữu Epheso. Thiên Chúa trong Chúa Kitô
- " đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Người, theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho chúng ta làm nghĩa tử, nhờ Chúa Giêsu Kitô" ( Eph 1, 4).
Có lẽ con người ngày hôm nay không nhận ra được vẻ tươi đẹp, sự cao cả và niềm an ủi sâu đâm được chứa đựng trong từ ngữ " cha ", mà qua đó chúng ta có thể nói với Chúa trong lời cầu nguyện, bởi vì diện mạo người cha ngày nay thường khi không hiện diện, ngay cả thường khi không là diện mạo tích cực trong đời sống hằng ngày.
Sự khiếm diện của người cha, vấn đề của một người cha không hiện diện trong đời sống của đứa trẻ là một vấn đề to lớn của thời đại chúng ta, bởi đó chúng ta khó mà hiểu được trong sâu thẩm Thiên Chúa là Cha chúng ta có ý nghĩa gì.
Từ chính Chúa Giêsu, từ mối tương quan con cái của Người với Thiên Chúa, chúng ta có thể học hỏi được thực sự " cha " có nghĩa là gì, bản tính đích thực của Chúa Cha ở trên trời là gì.
Các nhà bình luận tôn giáo cho rằng nói đến " Cha ", đến Thiên Chúa, giống như là phóng chiếu cha của chúng ta lên trời. Nhưng sự thật khác hẵn, trong Phúc Âm Chúa Kitô cho chúng ta thấy ai là cha và thế nào là người cha đích thực, như vậy chúng ta có thể trực giác được tình cha đích thực, hiểu được cả tình cha con đích thực.
Chúng ta hãy nghĩ đến lời Chúa Giêsu trong bài giảng trên núi, trong đó Người nói:
- " Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngưọc đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em , Đấng ngự trên trời..." ( Mt 5, 44-45).
Chính tình yêu của Chúa Giêsu, Người Con Duy Nhứt - yêu thương đến hiến tặng mình trên thập giá - mạc khải cho chúng ta bản tính đích thực của Chúa Cha: Người là Tình Yêu, và cả chúng ta, trong lời cầu nguyện con cái của chúng ta, chúng ta hội nhập vào vòng tình yêu thương nầy, tình yêu thương của Thiên Chúa thanh tẩy các ước vọng của chúng ta, các thái độ của chúng ta được đánh dấu bằng đóng kín, tự mãn, ích kỷ đặc thù của con người cũ.
2 - Như vậy, chúng ta có thể nói rằng nơi Thiên Chúa bản thể Chúa Cha có hai ý nghĩa:
- Trước hết Thiên Chúa là Cha chúng ta, bởi vì Người là Đấng Tạo Hoá dựng nên chúng ta. Mỗi nguời trong chúng ta, người nam cũng như người nữ, là một phép lạ của Thiên Chúa, được chính Người muốn và được chính Người biết.
Khi trong Sách Sáng Thế Ký nói rằng con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa ( cfr Gen 1, 27) là muốn nói lên chính thực thể đó.
Thiên Chúa là Cha chúng ta, đối với Người, chúng ta không phải vô danh tiểu tốt, không biết ai là ai, mà bởi vì chúng ta có một danh tánh.
Và một lời trong Thánh Vịnh luôn luôn đánh động tôi, khi tôi cầu nguyện:
- " Tay Chúa đã nắn con nên hình, nên dạng " ( Ps 119, 73), tác giả Thánh Vịnh nói.
Mỗi người trong chúng ta có thể nói lên, trong hình ảnh tươi đẹp nầy, sự liên hệ cá nhân của mình với Chúa: " Tay Chúa đã nắn con nên hình nên dạng . Chúa đã nghĩ đến con, đã dựng nên con và mến thưong con".
Nhưng điều vừa kể thôi, chưa đủ. Chúa Thánh Thần mở ra cho chúng ta một tầm mức khác của tình cha con của Thiên Chúa, ngoài ra việc tạo dựng, bởi vì Chúa Giêsu là " Con "với ý nghĩa hoàn hảo, " cùng bản tính với Đức Chúa Cha ",như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
Trở nên con người như chúng ta, với công cuộc Nhập Thể, cái Chết và sự Sống Lại, đến lược mình Chúa Giêsu đón nhận chúng ta vào trong bản tính nhân loại của Người và trong bản tính Chúa Con của Người, khiến cho chúng ta cũng có thể hội nhập vào trạng thái thuộc về Chúa đặc biệt của Người.
Dĩ nhiên trạng thái con Thiên Chúa của chúng ta không có tính cách hoàn hảo của Chúa Giêsu. chúng ta phải càng ngày càng trở nên con Chúa hơn nữa, dọc theo cuộc hành trình củ đời sống Kitô hữu chúng ta, tiến triển lên trong việc đi theo Chúa Kitô, trong thông hiệp với Người để luôn luôn càng ngày càng hội nhập vào mối liên hệ tình yêu với Chúa Cha,Đấng nâng đỡ cuộc sống chúng ta.
Đó là thực thể căn bản được rộng mở ra cho chúng ta, khi chúng ta mở rộng mình ra cho Chúa Thánh Thần và Người làm cho chúng ta nói với Chúa bằng " Abbà, Cha ơi ".
Thực sự chúng ta đã bước vào quá bên kia công cuộc sáng tạo, chúng ta đã đi vào trong trạng thái nghĩa tử với Chúa Giêsu. Thực sự chúng ta hiệp nhứt với Thiên Chúa và là con cái Người trong một thế giới mới, trong một tầm kích mới.
3 - Nhưng tôi muốn được trở lại hai đoạn văn của Thánh Phaolồ mà chúng ta đang suy luận về động tác nầy của Chúa Thánh Thần trong cầu nguyện của chúng ta. Ở đây cũng vậy, có hai đoạn văn có liên quan với nhau, nhưng chứa đựng ý nghĩa hơi khác nhau.
Trong Thư gởi các tín hữu Galati, Vị Tông Đồ xác nhận rằng Chúa Thánh Thần kêu lên trong chúng ta " Abba, Cha ơi ".
Trong Thư gởi các tín hữu Roma ngài nói rằng chính chúng ta kêu lên " Abba, Cha ơi ".
Như vậy Thánh Phaolồ muốn làm cho chúng ta hiểu rằng lời cầu nguyện Kitô giáo không bao giờ là lời cầu ngyện một chiều, từ chúng ta kêu van lên tới Chúa, không bao giờ là một " hành động đơn phương của chúng ta ", mà là cách thể hiện nói lên một mối liên hệ song phương trong đó Thiên Chúa tác động trước tiên: Chúa Thánh Thần kêu lên trong chúng ta, và chúng ta có thể kêu lên nhờ động lực thoát xuất từ Chúa Thánh Thần.
Chúng ta không thể cầu nguyện, nếu lòng ước muốn Thiên Chúa, thực thể là con cái Thiên Chúa, đã không được ghi khắc sâu đậm vào tâm khảm chúng ta.
Từ khi hiện hữu, " homo sapiens " ( con người khôn ngoan) luôn luôn tìm kiếm Thiên Chúa, tìm cách để nói chuyện với Chúa, bởi vì Chúa đã ghi ấn chính Người trong trái tim chúng ta.
Như vậy sáng kiến khởi đầu đến từ Thiên Chúa và với Phép Rửa, Thiên Chúa lại tác động trong chúng ta, Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta. Chính Người là Đấng khởi xướng cầu nguyện để kế đến chúng ta có thể thực sự nói chuyện với Thiên Chúa và kêu lên " Abbà, Cha ơi ".
Như vậy chính sự hiện diện của Người mở ra lời cầu nguyện của chúng ta và đời sống chúng ta, Người mở ra cho các chân trời của Chúa Ba Ngôi và Giáo Hội.
4 - Ngoài ra, chúng ta hiểu được rằng, và đây là điểm thứ hai, lời cầu nguyện của Thánh Thần Chúa Kitô ở trong chúng ta và lời cầu nguyện của chúng ta ở trong Người , đó không phải là một động tác cá nhân, mà là một động tác của cả Giáo Hội.
Trong lúc cầu nguyện, tâm hồn chúng ta được mở ra, chúng ta hội nhập vào thông hiệp, không những với Chúa, mà còn với tất cả con cái của Chúa, bởi vì tất cả chúng ta chỉ là một duy nhứt. Khi chúng ta dâng lên Chúa Cha trong căn phòng riêng tư của chúng ta, trong thinh lặng và trong đặc tâm chú ý, chúng ta không bao giờ đơn độc.
Ai nói chuyện với Chúa không phải là người đơn độc. Chúng ta đang ở trong lời cầu nguyện của Giáo Hội, chúng ta là thành phần của một hoà tấu khúc cả thể, là cộng đồng Kitô hữu rải rác trên mọi phần đất của thế giới và ở mỗi thời đại đang cất tiếng lên Thiên Chúa. Dĩ nhiên các nhạc sĩ và nhạc cụ khác nhau - và đó là yếu tố sung mãn - nhưng mhạc khúc ngợi khen duy nhứt và hòa hợp.
Như vậy, mỗi khi chúng ta kêu lên và nói lên " Abba, Cha ơi " , đó chính là Giáo Hội , cả cộng đồng những người đang cầu nguyện đều thông hiệp nâng đỡ lời vang gọi của chúng ta và lời kêu xin của chúng ta là lời cầu của Giáo Hội. Điều vừa kể cũng nói lên sự sung mãn các ơn sủng, các mầu nhiệm, các phận vụ, mà chúng ta tác động trong cộng đồng.
Thánh Phaolồ viết cho các tín hữu Corinto:
- " Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhung chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người " ( 1 Cor 12, 4-6).
Lời cầu nguyện được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, làm cho chúng ta thốt lên:" Abbà , Cha ơi " với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, xen nhập chúng ta vào một tấm khảm cả thể của gia đình Thiên Chúa, trong đó mỗi người có một chỗ và phận vụ quan trọng, trong tình hợp nhứt sâu đậm với tổng thể.
Một ghi chú cuối cùng : đó là chúng ta có thể kêu lên " Abbà, Cha ơi " cùng với Mẹ Maria, Mẹ của Con Thiên Chua.
Khi thời gian đến thời viên mãn, mà Thánh Phaolồ đã nói đến trong Thư gởi cho các tín hữu Galati ( cfr. Gal 4, 4), xảy đến thời điểm " xin vâng " của Mẹ Maria, như là lòng hiệp nhứt trọn hảo đối với ý muốn Thiên Chúa:
- " Xin vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa " ( Lc 1, 38).
Anh Chị Em thân mến, chúng ta hãy học biết nếm hương vị trong lời cầu nguyện của chúng ta vẻ tươi đẹp được là thân hữu, hay đúng hơn là con cái Thiên Chúa, có thể van xin Người với lòng tin cậy và lòng tin tưởng của một đứa bé đối với cha mẹ thương yêu mình.
Chúng ta hãy mở lời cầu nguyện của chúng ta cho động tác của Chúa Thánh Thần, bởi ví Người kêu lên trong chúng ta " Abbà, Cha ơi ! " và để cho lời cầu nguyện của chúng ta thay đổi, hoán cải luôn luôn tư tưởng của chúng ta, hành động của chúng ta để là cho tư tưởng và hành động đó luôn luôn thích hợp hơn với tư tưởng và hành động của Chúa Con Duy Nhứt, Chúa Giêsu Kitô.
Cám ơn Anh Chị Em.
Phỏng dịch từ nguyên bản Ý Ngữ: Nguyễn Học Tập.
( Thông tấn www.vatican.va , 23.05.2012).